What's new

Lại lên đường: Về thăm lại làng quê yêu dấu

Ngày mai tôi sẽ lên đường làm chuyến phượt đầu tiên của mình. Thực ra đây không phải là chuyến đi đầu tiên của tôi, nhưng đây là chuyến đi đầu tiên tôi ghi lại cảm xúc lên diễn đàn này.
Tôi đã từng lang thang khắp miền Nam trong những năm 2000 - 2003, thời gian tôi sống ở Tây nguyên nhiều hơn ở nhà.
Tôi đã từng lang thang trong trại giam Cái Tàu giữa rừng U Minh Hạ, ăn cơm cùng các quản giáo mà thức ăn là con rắn to bằng cổ tay chặt khúc ra kho mặn, cùng các phạm nhân trồng cây xây dựng trại giam mới.
Tôi đã từng lang thang trên dải đồi Sacly (Kon Tum) nổi tiếng với đầy rẫy bom đạn, đứng trên đỉnh pháo binh của cứ điểm Sacly ngắm nhìn trời mây non nước khi mà dưới chân tôi thung lũng xã Rờ Kơi đang chìm trong mưa giông mịt mùng, ngang sườn núi mây vây kín còn tôi đứng trên đỉnh với nắng chiều rực rỡ. Dãy Sacly cũng là nơi hàng chục nhân công trồng rừng của chúng tôi đã hy sinh vì bom đạn, bão lũ để phủ xanh lại mảnh đất bị tàn phá bởi chất độc da cam.
Tôi đã từng sống với người dân ĐắkTô hiền hậu, họ sẵn sàng cho chùng tôi ở nhờ trong nhà, nấu cơm cho chúng tôi ăn, ngây ngô thương cảm khi nghe tôi nói "vợ em đã khuất núi" và đỏ mặt bẽn lẽn khi nghe tôi giải thích Từ Đồng Nai lên đây bị che khuất bởi rất nhiều ngọn núi chị à! Ôi những người đan thật thà chất phác chưa bị sự hoạt ngôn xảo trá đầu độc !
Tôi đã từng cùng thằng bạn lang thang xe máy từ Kon Tum - Quảng Ngãi và trở về trong ngày khi mà quốc lộ 24 còn phủ kín bởi tán rừng già của đại ngàn Trường Sơn. 2 đứa tôi sau khi ăn cơm trưa ở Quảng Ngãi đã hỏi chị chủ quán hết bao nhiêu tiền và ngơ ngác nhìn nhau khi nghe nói hết 4.500đ (2000đ/đĩa cơm và 500đ cho tô canh) trong khi mỗi đĩa cơm ở Kon Tum thường là 8000-10.000đ. Khi quay về chúng tôi đã được tắm mưa rừng khi trời mưa xối xả từ đèo Violac đến tận MăngĐen, hai đứa lầm lũi chạy 1xe máy trên con đường quanh co như con rắn trườn giữa tán rừng già của đại ngàn Trường Sơn không một bóng người qua lại nhưng không thiếu thú dữ đang rình mồi đâu đó.
Điều đáng tiếc là ngày đó tôi khong có máy chụp hình nên quá khứ giờ chỉ còn trong ký ức. Những kỷ vật của tôi trong thời gian trai trẻ ấy chỉ còn lại hai thứ này:
Mảnh mìn Play-mo tôi lấy về từ đỉnh Pháo binh của cứ điểm Sacly
attachment.php

attachment.php


attachment.php
 
Nể 2 bác quá, trời mưa rét mà vẫn xông pha, lót dép hóng tiếp. Nhìn ảnh của 2 bác nhớ quê quá đi ah, năm nào cũng về nhưng ước mơ đi xuyên Việt bằng xe máy ko biết bao giờ mới thực hiện được :)
 
Chủ đề thứ 2: Thú chơi diều.
Đang đi lòng vòng trong làng thăm họ hàng thì nghe tiếng Uuuu Oooo trên trời, ngước lên thì thấy nhiều vật thể bay thế này
attachment.php

Nó bay rất cao, những cuộn dây thả diều này đều dài đến khoảng 2000m. Vì diều được thả rất cao nên tôi Zoom hết cỡ để nhìn cận cảnh một con diều đang bay, hình bị nhoè. Thực tế thì trên trời có hàng chục con đang bay lượn với bộ sáo đang kêu vi vu.
Diều ngoài này rất to và được thả bay suốt ngày đêm (vì khi nó bay cao rồi chẳng ai lôi nó xuống được) khi nào hết gió diều rơi và người ta đi tìm lấy về.
Diều của ông anh rể (con ông bác) đây: Con diều này bề ngang 4,2m
attachment.php

Nhìn từ góc khác, bộ sáo của nó làm từ ống tre, được tiện mỏng. Riêng bộ sáo nặng 900gr
attachment.php


attachment.php

Dây thả diều là dây cước câu đường kính khoảng 3-4mm
 
Chủ đề thứ 3: Nghề trồng cói và dệt chiếu
Mọi người có để ý: Có nhiếu chiếu cói xuất hiện trong các tầm hình tôi chụp ở chợ. Đó là những tấm chiếu người dân trong làng dệt mang ra chợ bán
Làng Thiều đã được nhà ước cấp giấy chứng nhận làng có nghề truyền thống dệt chiếu, mọi người trong làng từ nhỏ đến lớn đều biết xe đay, dệt chiếu. Tuy nhiên ngày nay chiếu tiêu thụ chậm do đời sống kinh tế xã hội cao hơn, nhiều người xây dựng chuyển sang nằm nệm cho êm lưng. Vì vậy hiện mọi người chỉ dệt chiếu lúc rảnh rỗi thôi.
Vùng quê tôi trước kia ruộng cói rất nhiều. Phía ngoài đê là bãi trồng cói phía trong đê là ruộng lúa. Ngày nay thì ruộng lúa đã được đánh luống trồng vải, bãi bồi ven sông thì nuôi rươi. ruộng trồng cói chỉ còn lác đác vài thửa.
 
Last edited:
Cói được trồng ngoài ruộng nước như trồng lúa, khi cói già người ta cắt cói về, chẻ ra rồi phơi khô. Cói phơi được nắng sẽ sáng màu, dệt chiếu sẽ đẹp và bán được giá. Nếu phơi cói mà bị mua ướt thì cói sẽ đen và xấu. Phơi cói không phải là việc nhàn hạ vì phải liên tục trông chừng mà chạy mưa. Cói sau khi phơi khô (từ 5 - 7 nắng) sẽ được bó lại để nơi khô ráo và mang ra dệt chiếu những lúc nông nhàn.
Cói đã phơi khô
attachment.php

Ngoài trồng cói người ta sẽ trồng thêm đay để kéo sợi. Đay được chặt về, tước lấy vỏ (phần thân thường làm củi)phơi khô tước nhỏ và se lại thành sợi và cuộn lại
khung cửi để se đay
attachment.php


attachment.php


attachment.php
 
Khi dệt chiếu, người ta luôn sợi đay qua một cái go làm bằng tre hoặc gỗ, mắc lên khung dệt. Dệt chiếu cần có hai người, một người trao cói, một người kéo go dệt và bắt biên.
Hai chị (con bác ruột) đang dệt chiếu
attachment.php


attachment.php

Thêm hình ảnh đang dệt chiếu ở một nhà khác
attachment.php

Lần này về tôi thấy ít người ngồi dệt chiếu hơn ba năm trước. Nguyên nhân là nghề này thu nhập rất thấp, tiêu thụ cũng chậm nên người ta không còn theo nghề nữa. Để dệt chiếu người dân phải trồng cói, phơi cói rồi dệt. Mỗi ngày hai người dệt dược khoảng 3 chiếc chiếu bán được khoảng 130.000đ, thu nhập quá thấp so với mức sống hiện nay
 
Last edited:
Chủ đề thứ 4: Bánh chưng
Nhắc đến ga tàu lửa Hải Dương nhiều người thường nhắc đến món bánh chưng đất: Họ bán bánh chưng nhưng khi mở ra bên trong là đất sét. Ngày nay, chắc không ai làm trò đó nữa.
Mỗi khi về quê tôi thường ăn sáng bằng món bánh chưng mà mọi người thường gọi là bánh chưng nhân đường. Loại bánh chưng này nhân vẫn có thịt mỡ nhưng không mặn như bánh chưng trong Nam mà lại ngọt thanh (chỉ hơi hơi ngọt thôi), có vị thơm của quế, dễ ăn và không gây ngán như bánh chưng nhân mặn. 3 năm trước về quê tôi đi máy bay chỉ mang theo được 2 cái vào Nam. mọi người ai cũng thích món bánh chưng nhân đường này nên dỡ bánh ra thì loáng một cái là chẳng còn. lần này khi về nhà nhất định tôi sẽ mang nhiều hơn còn bây giờ thì tranh thủ ăn cho đã.
bánh chưng nhân đường
attachment.php

Đã chén hết một góc rồi !!!!
attachment.php

Cận cảnh hơn một chút
attachment.php
 
Chủ đề thứ 5: Cây vải
Nói đến Thanh Hà thì đương nhiên phải nói đến cây vải thiều rồi! Thanh Hà không phải là nơi trồng nhiều vải thiều nhất ở Việt nam nhưng vải ở Thanh Hà luôn có hương vị đặc biệt hơn mọi nơi khác. Trong huyện Thanh Hà tôi thấy vải cũng chủ yếu tập trung ở khu 6 xã Hà Đông. Trái vải thiều Thanh Hà hạt nhỏ, ngọt thanh, phần vỏ lụa không có vị chát; khác với vải thiều trồng ở Lục Ngạn trái to nhưng hạt cũng to, ngọt gắt và vỏ lụa chát.
Vải thiều Thanh hà luôn có giá cao hơn vải trông ở các vùng khác nên những năm trước người ta chở vải thiều Lục Ngạn về Thanh Hà, đóng thùng rồi lại chở đi nơi khác với nhãn mác vải thiều Hải Dương. Sản lượng vải ở Thanh Hà cũng không nhiều như vùng Lục Ngạn - Bắc Giang nên sống trong miền Nam (thậm chí là ngay tại Hà Nôi, chỉ cách khoảng 80km) mà mua được chùm vải thiều tươi chính gốc Thanh Hà là rất khó.
Cây vải thiều ngày xưa thường xum xuê phủ cả góc vườn, ngày nay cây thường được đốn ngọn chỉ cao 3 - 5m.
Cây vải cũng có nhiều loại:
- Vải chua: lá to, sáng màu, quả có vị chua nhưng chín sớm nên dễ bán. Quả không sấy làm vải khô được
- Vải tàu lai: lá nhỏ hơn, màu xanh đậm, quả có vị chát, không sấy khô được, chỉ bán sang Trung Quốc.
- Vải thiều: lá nhỏ, màu xanh thẫm, quả ngọt, sấy khô được, năng suất cao nhất nhưng có nhược điểm chín đồng loạt cả một vùng nên khan hiếm nhân công thu hoạch và hay bị "dội chợ".
Vườn vải là nét đặc trưng quê tôi, đi đâu cũng thấy cây vải
attachment.php


attachment.php

Tán lá cây vải thiều
attachment.php

Cây vải thiều có đặc điểm ủ chồi hoa khi trời lạnh, trời càng lạnh thì càng có nhiều hoa. Năm nào trời nóng cây sẽ bung lộc nhiều và ít hoa, khi đó người ta phải leo lên vặt bỏ chồi non (có màu đỏ). Cành cây vải giòn và dễ gãy nên năm nào cũng có những vụ ngã cây khi leo lên vặt chồi non. Để cây tức và trổ bông người ta cũng "xiết cành" tức dùng dao cắt quanh thân cây tương tự chăm sóc cây nhãn.
Cây vải này chăm sóc không phù hợp nên ra nhiều "lộc" và sẽ ít hoa trái
attachment.php
 
Quay trở lại với những ngày rong ruổi trên con đường làng:
Khu trung tâm của khu vực Hà Đông là chợ Hệ với bệnh viện, trường cấp 3
attachment.php


attachment.php

Trong sân bệnh viện và sân trường học tôi thấy vẫn còn những Lô-cốt do Pháp xây dựng ngày xưa
attachment.php


attachment.php

Vùng 6 xã Hà Đông chỉ cách Hải Phòng con sông Vân Úc. trong giai đoạn 1945 - 1954 quê tôi là căn cứ kháng chiến chống Pháp. Ông nội tôi lúc đó là Xã đội trưởng chỉ huy tổ du kích kháng chiến ngay tại làng. Để chống lại đội du kích của làng thiều, Pháp cho xây hệ thống Lô-cốt phía chợ Hệ (cách làng tôi con sông Hệ). Những Lô-cốt này được xây rất kiên cố có thể chống lại được bộc phá, có lỗ châu mai để bắn ra ngoài
 
Đi về phía giữa làng tôi thấy có ngôi đình làng mới được xây dựng lại vài năm
attachment.php


attachment.php


attachment.php

Phía trước đình làng là giếng làng.
Bố tôi kể rằng: Đình làng Thiều ngày xưa là căn nhà cổ 5 gian bằng gỗ lim to lớn. Những cây cột của đình làng rất to, vòng tay người lớn không ôm hết cây cột. Phía trước Đình làng là giếng làng, nơi tổ chức những trò chơi mỗi dịp tết. Các trò chơi ộng kể lại mà tôi còn nhớ gồm:
- Leo cột mỡ: người ta trồng một cây tre trơn nhẵn dưới ao, trên đầu có treo phần thưởng, ai trèo lên được thì giật phần thưởng, ai tuột tay thì rơi tòm xuống ao mà dịp tết thì trời rất lạnh
- Lặn bắt vịt; Người ta thả đàn vịt cốc (loại vịt lặn giỏi) vào ao, ai lặn xuống tóm được chân con vịt thì mang con vịt đó về. Tuy nhiên, vịt cốc lặn rất giỏi, khi thấy động tịnh nó sẽ lặn đi nơi khác nên không dễ gì bắt được.
- Đi cầu thăng bằng: Một cây tre đặt một đàu trên bờ, một đàu treo đong đưa phía ngoài ao (bằng hai cây tre khác cắm thành khung chữ A), phía ngoài có treo phần thưởng, mọi người đi trên cây tre ra ngoài lấy phần thưởng, ai không giữ được thăng bằng sẽ rơi xuống ao.
Giếng làng ngày xưa rộng hơn, ngày nay đã bị lấp bớt xung quanh
Đình làng xưa đã bị Pháp đốt phá trong trong nững trận càn quét qua làng những năm 1950.
Phía trước đình làng có cây đa rất lớn, trái ngọt. Trẻ trong làng thường trèo lên hái quả ăn và có nhiều đứa đã bị trượt ngã rơi từ trên cây xuống nhưng điều kỳ lạ là chưa ai bị chấn thương nghiêm trọng cả. Các bậc cao niên cho rằng thổ thần của làng đã phù hộ. Cây đa ấy lâu ngày bị mục rỗng trong thân và bị cháy (do trẻ chăn trâu đốt rơm ở gốc sưởi ấm, lửa bắt vào trong thân đã rỗng cháy lên đến ngọn) cách đây hơn chục năm. Ngày nay người ta trồng cây đa khác gần vị trí cây đa ngày trước.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,730
Bài viết
1,136,571
Members
192,535
Latest member
wokushop1
Back
Top