What's new

Lang thang miền Tây mùa nước nổi

Đọc được quảng cáo vé giá rẻ của Jetstar, tôi háo hức đặt vé. Sau 4 lần thất bại, lúc thì mạng rớt, lúc thì server busy, v.v.... cuối cùng thì tôi cũng đặt được vé. Nhận được mail xác nhận vé, tôi mới giật mình vì đã book nhầm ngày, hỏi Jetstar ngay sau đó thì nhận được câu trả lời phải mất 1,3 tr để đổi ngày khởi hành lùi lại 1 ngày. Vậy là tặc lưỡi nghỉ thêm 1 ngày để đi được 10 ngày, chuyến đi của tôi bắt đầu như thế đó!

Tại thời điểm đặt vé, tôi cũng chưa xác định sẽ đi đâu. Chỉ nghĩ là vài tháng rồi chẳng đi đâu chơi dài ngày nên cứ đặt chỗ đã, nghĩ sau. Trước khi đi 3 tuần, tôi mới bắt đầu nghiên cứu xem chơi đâu cho hết 10 ngày ở miền Nam nhỉ. Rồi những khung cảnh về các cánh đồng ngập nước, những số phận chìm nổi lênh đênh trên sông nước trong những câu chuyện đã đọc được cứ hiện lên trong đầu tôi và đi đến quyết định đi miền Tây vào mùa này, mùa nước nổi.

Lại miệt mài các trang tin để tìm ra một hành trình cho cái sở thích lượn. Lịch trình sơ bộ được vạch ra thế này.

Ngày 1 (thứ Sáu 25/9): TPHCM – Cao Lãnh – Châu Đốc

Đi Mỹ Tho (70km): thưởng thức hủ tiếu Mỹ Tho (đường Ngô Quyền, đối diện Ngân hàng Đồng bằng sông Cửu Long), thăm chùa Vĩnh Trường
Theo đường 1 đi tiếp đến ngã ba An Hữu (40km) rời đường 1 rẽ phải vào đường 30 theo hướng Cao Lãnh, đến bến đò Mỹ Hiệp (10km), lên thuyền qua rừng tràm nguyên sinh tới thăm căn cứ Xẻo Quýt, đầm sen Đồng Tháp Mười.
Quay lại đường 30 đi tiếp đến Cao Lãnh (30km), thăm Mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Đến bến phà Cao Lãnh (5km), qua phà theo đường 849 tới ngã ba Vĩnh Bình rẽ phải theo đường 80 qua Lấp Vò, qua phà An Hòa sang Long Xuyên.
Đi Châu Đốc (70km), tổi ngủ Châu Đốc.

Ngày 2 (thứ Bảy 26/9): Châu Đốc – Hà Tiên

Thăm chợ Châu Đốc – Vương quốc mắm của miền Tây
Đi thăm khu di tích núi Sam: lăng Thoại Ngọc Hầu dưới chân núi, chùa Hang, miếu Bà Chúa Xứ, Tây An cổ tự với dáng dấp Ấn Độ, đồi Bạch Vân;
Đi Núi Cấm ngắm tượng Phật Di-lặc cao 34m, thưởng thức đặc sản thốt nốt và xoài Thanh Ca
(Rừng tràm Trà Sư hay Ba Chúc?)
Đi Tri Tôn, thăm Chùa Xà Tón (Xvay Ton) của người Khmer, Khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp
Tối ngủ ở Hà Tiên

Ngày 3 (Chủ nhật 27/9): Hà Tiên – Rạch Giá

Thạch Động, Mũi Nai, Lăng Mạc Cửu, lên núi Tô Châu ngắm toàn cảnh Hà Tiên
Đi Hòn Chông (35km): thăm khu du lịch Chùa Hang, hòn Phụ Tử (hòn Phụ đã bị sập 2006?)
Đi Hòn Đất (40km): khu di tích Ba Hòn, mộ chị Sứ
Về Rạch Giá, lang thang khu lấn biển, tối ngủ Rạch Giá.

Ngày 4 (thứ Hai 28/9): Rạch Giá – Nam Du

Ra bến tàu Rạch Giá lên tàu đi Nam Du (khởi hành 9h?), sau 3 tiếng (nếu mua được vé tàu cao tốc) lên đảo ở Hòn Lớn, thăm quan vòng quanh Hòn Lớn, thăm Bến Ngự lúc hoàng hôn

Ngày 5 (thứ Ba 29/9): Nam Du

Đi thuyền sang Hòn Mấu, Bãi Mến, Hòn Ngang, quay lại ngủ ở Hòn Lớn

Ngày 6 (thứ Tư 30/9): Nam Du – Rạch Giá – Cà Mau

9h đi tàu về Rạch Giá
Theo đường 63 về Cà Mau, ghé thăm U Minh Thượng (50km), phủ thờ Bác Hồ
Tối ngủ ở Cà Mau

Ngày 7 (thứ Năm 1/10) : Cà Mau – Đất Mũi – Cà Mau

Đi tàu ra Đất Mũi, KDL sinh thái Mũi Cà Mau, làng rừng kháng chiến và hệ sinh thái rừng ngập mặn, lên vọng hải đài quan sát toàn cảnh đất Mũi
Về lại Cà Mau, thăm vườn chim 19/5, ngủ tại Cà Mau

Ngày 8 (thứ Sáu 2/10): Cà Mau – Bạc Liêu - Sóc Trăng – Cần Thơ

Đi Bạc Liêu (65km): thăm nhà công tử Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán, chùa Bang, tháp Vĩnh Hưng, sân chim Bạc Liêu
Đi Sóc Trăng (50km): thăm chùa Dơi, chùa Đất Sét, chùa Kh’leang, thưởng thức món lẩu cá kèo nổi tiếng.
Đi Cần Thơ, ăn tối, nghe đờn ca tài tử ở Cần Thơ, ngủ tại Cần Thơ

Ngày 9 (thứ Bảy 3/10): Cần Thơ – Vĩnh Long – Trà Vinh

Sáng dậy sớm đi chợ nổi Cái Răng, về lại Cần Thơ, thăm đình Bình Thủy, nhà cổ Bình Thủy, chùa Nam Nhã, chùa Ông, bến Ninh Kiều.
Qua phà Cần Thơ theo quốc lộ 1 đi Vĩnh Long (30km), thăm Văn Thánh Miếu, đình Thanh Long, qua sông Cổ Chiên sang cù lao An Bình thăm chùa Tiên Châu hoặc sang trại Vĩnh Sang cưỡi đà điểu
Theo quốc lộ 53 đi Trà Vinh, ghé thăm Ao Bà Om, chùa Âng (trong rừng quanh ao Bà Om), thăm chùa Hang (chùa Mồng Rầy), ngủ tại Trà Vinh
(nếu còn thời gian đi chùa Nodol)

Ngày 10 (Chủ nhật 4/10): Trà Vinh – Bến Tre – Mỹ Tho – TPHCM

Theo đường 60 đi Bến Tre qua phà Cổ Thiên, ghé chùa Tuyên Linh, làng du kích Đồng Khởi, qua phà Hàm Luông, tìm món đặc sản bánh bèo cắc chú (nay gọi là bánh mặn hoặc bánh ổ mặn)
Đi Mỹ Tho, ghé trại rắn Đồng Tâm, đi cồn Phụng hoặc đi thuyền trên sông Tiền
Theo đường 50 về TPHCM
 
Last edited:
Lúc này xế phát hiện ra là xế chả hiểu người dân ở đây nói gì, xế nói người ta cũng chẳng hiểu gì nốt. Đi ở đất nước mình hẳn hoi mà cứ như ngoại quốc! Mặc dù tôi nói người ta cũng nhiều lúc hiểu lầm nhưng dù sao cũng còn khá hơn, thế là tôi tự dưng kiêm luôn vai trò phiên dịch cộng với hoa tiêu trong suốt hành trình.
Có lần em ra Tây Bắc, ngồi nói chuyện vãn với Mẹ người Kinh của 1 anh hành nghề hướng dẫn viên cho tụi em ngủ nhờ mà thấy Cụ cứ im re, nhưng vẫn chăm chỉ ngồi nghe. Anh bạn đi cùng thỉnh thoảng quay sang hỏi thăm Cụ: "Cụ có biết cái này, cái kia không ạ?". Cuối cùng, Mẹ mới thổ lộ: "Chúng bay nói gì tao chả hiểu. Thằng con tao vào Nam a lô cho tao mà tao có hiểu nó nói gì đâu" :shrug:

Ở Nghệ An - Hà Tĩnh có một bài thơ truyền miệng rất hay, Sếp em thỉnh thoảng hay ngân nga mà tuyệt đối không cho copy. Em chỉ nhớ được vài câu thế này:
"Trai xứ Nghệ đưa vợ về thăm quê
Kể từ lúc lên xe kiêm luôn nghề phiên dịch
...."
(ai biết điền tiếp nhé)
 
Bài thơ của xếp EmHN thì mình không nhớ ra hết nhưng có mấy câu này cũng xin góp với EmHN

Nghệ an choa miền trung lắm gió
Có cửa lò biển hát quanh năm
Cùng quê bác xứ sở nước tương
Với thanh chương, nhút mặn chua cà
Bà già con trẻ có ngôn ngữ riêng
Đứa mô chưa ghé một lần
Ráng học cho kỹ điển từ sau đây
Con trâu thì gọi là tru
Con giun thì gọi là trùn đó nha
Con gà thì kêu con ga
Còn con cá quả gọi ra cá tràu
Con sâu lại gọi là trâu
Bồ câu thì gọi cu cu đó nà
Con ruồi lại gọi là ròi
Con troi thì gọi con giòi nhớ chưa
Con bê còn gọi là me
Con mọi là muỗi khi nghe đừng cười
Mà cười là choa chửi thẳng tưng
Trốc cha mi khái cạp là đầu bố mày hổ tha
Mả cha là ngôi mộ của ba
Mải Ông cha mi xéo là Ông bố mày cút đi
Muốn ở đất nghệ phải biết chuyên cần
Học nhiều từ ngữ âm vần nghe chưa
Con người thì gọi con ngài
Còn từ ni nữa nói nghe cùng rầy(ngượng)
Mà có nói thì bây mới biết
Hun – hôn, cưa – tán, váy – mấn
Môi – mui, đầu – trốc, ngứa – ngá
Sờ - rờ, nằm mơ gọi là mớ
Nhớ ghi cho kỹ kẻo rồi lỗ to
Khủy chân thì gọi lắc lè
Cơn – cây, Chủi – chổi, gốc – cộc
Sân – cươi, đường - đàng, rú - núi
Nhởi – chơi, lười – nhác, mần – làm đó nghe
Đêm nằm nếu đói đừng lo
Nhảy vô nhà bếp tìm nồi nấu cơm
Ngọ nguậy là cái đũa bếp
Giáp đít là cái rế nồi hiểu chưa
nước – nác, đọi – bát, mươn – bàn
Nướng - náng, luộc – looc, muối – mói
Gói – đùm, chum – vại, rổ - rá
*** dê là quả cà dài
mắm tôm – ruốc, Thóc – ló, ngó - nhìn
Lỡ yêu ngài(người) ở đất quê choa
Thì nên chịu khó học từ nhiều mà cưa
Nhưng học ri vẫn chưa ăn thua

Cái "gầu" thì gọi cái "đài"
Ra "sân" thì bảo ra ngoài cái "cươi"
"Chộ" tức là "thấy" em ơi
"Trụng" là "nhúng" đấy, đừng cười nghe em
"Thích" chi thì bảo là "sèm"
Khi ai bảo "đọi" thì đem "bát" vào
"Cá quả" thì gọi "cá tràu"
"Vo trôốc" là bảo "gội đầu" đấy em

***

Nghe em giọng Bắc êm êm
Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
Khi "mô" sang "nhởi" nhà "choa"
Bà "o" đã nhốt "con ga" trong chuồng!
Em cười bối rối mà thương
Thương em một, lại trăm đường thương quê
Gió lào thổi rạc bờ tre
Chỉ qua giọng nói cũng nghe nhọc nhằn
Chắt từ đá sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em.
 
Bài thơ của xếp EmHN thì mình không nhớ ra hết nhưng có mấy câu này cũng xin góp với EmHN


Cái "gầu" thì gọi cái "đài"
Ra "sân" thì bảo ra ngoài cái "cươi"
"Chộ" tức là "thấy" em ơi
"Trụng" là "nhúng" đấy, đừng cười nghe em
"Thích" chi thì bảo là "sèm"
Khi ai bảo "đọi" thì đem "bát" vào
"Cá quả" thì gọi "cá tràu"
"Vo trôốc" là bảo "gội đầu" đấy em

***

Nghe em giọng Bắc êm êm
Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
Khi "mô" sang "nhởi" nhà "choa"
Bà "o" đã nhốt "con ga" trong chuồng!
Em cười bối rối mà thương
Thương em một, lại trăm đường thương quê
Gió lào thổi rạc bờ tre
Chỉ qua giọng nói cũng nghe nhọc nhằn
Chắt từ đá sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em.

Nhân bác nói chuyện này, tôi góp vui câu chuyện hôm chúng tôi hỏi một cặp vợ chồng đang ngồi hóng mát trước cửa nhà đường đi Bến Tre (lúc đó chúng tôi vừa ra khỏi Trà Vinh). Chị vợ chỉ đi ngược lại, rồi quẹo phải, quẹo trái, đi tới rồi quẹo.... Còn anh chồng chỉ đi tới rồi quẹo phải trái chi đó... Chúng tôi chưa hiểu ra sao thì vợ chồng họ quay ra gây nhau. Anh chồng bảo "sao em chỉ lối đó? Họ hỏi đường đi Bến Tre mà". Chị vợ vặc lại "tai anh sao đó? Họ hỏi đường đi bến xe mà" :shrug:
 
Ngày 1: TPHCM - Mỹ Tho - Đồng Tháp - Long Xuyên

Không thăm được khu căn cứ, chúng tôi đành quay ra. Lúc này, trời bắt đầu tối, mưa vẫn lúc nặng, lúc nhẹ. Chúng tôi dừng lại ở đầu một cây cầu gỗ nhỏ chờ một đoàn học sinh đi học về qua. Chỉ một đoạn đường ngắn mà khá nhiều cầu như thế này.

IMG_4213.jpg


Tới Cao Lãnh, trời đã tối và vẫn hơi mưa. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi hỏi đường tới Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc mà khá nhiều người không biết (cũng có thể cụm đó dài quá, tôi nói họ nghe không được), cũng chẳng thấy tấm biển chỉ đường nào. Mãi cũng có người biết và chỉ đường.

Chúng tôi đến nơi thì cổng đã đóng lâu, tôi thử ngó thấy cổng chỉ khép chứ không khóa, tôi rón rén đẩy cổng vào. Một chú chó nhỏ đón chúng tôi bằng một tràng "gâu gâu gâu" thay chuông báo. Một anh lính từ nhà bảo vệ nói lớn "chờ chút", ra mở cổng dẫn chúng tôi vào khu lăng mộ, bật đèn và kể chuyện về khu di tích cho chúng tôi rất nhiệt tình.

Ðây là công trình ghi ơn cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà nho yêu nước và là thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn bộ khu di tích rộng 3,6ha, chia làm hai cụm kiến trúc: mộ và nhà lưu niệm cụ Phó bảng; nhà sàn và ao cá Bác Hồ, mô phỏng nơi ở và làm việc của Bác ở Hà Nội. Đối diện với cổng vào là lăng mộ cụ Phó bảng, mái hình bàn tay úp, phía trên mái là chín con rồng - biểu tượng cho chín cửa sông Mê-Kông, hay còn gọi là sông Cửu Long. Tại khu di tích có rất nhiều cây cảnh, hoa quý được nhân dân hiến tặng hoặc đưa về từ nhiều miền của đất nước, trong đó đặc biệt là cây khế gần 300 tuổi (nằm bên trái mộ) và cây sộp hơn 300 tuổi (nằm bên phải mộ). Anh nói khu này sẽ được mở rộng lên 9,6ha, sẽ xây dựng thêm các công trình bao gồm các khu nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Sinh Sắc, khu hoa viên, cây xanh, thảm cỏ, khu trưng bày tái hiện góc làng Hòa An, Sa Đéc cũ với những làng nghề đặc trưng và tái hiện những hoạt động, làm việc của cụ trong thời gian sinh sống ở đây. Cuối năm 2010, các bạn quay lại thì dự án ở rộng đó sẽ xong. Mặc dù khá tối, chúng tôi cũng tranh thủ ghi lại mái hình bàn tay úp (ban đầu tôi cứ nghĩ là hình vỏ sò) với 9 đầu rồng ở trên.

IMG_4221.jpg


Rời khu di tích, chúng tôi tiến đến phà Cao Lãnh. Tôi đi mua vé, lúc quay lại đã thấy xế bị 1 quả xe tải "đẩy" qua cửa vào. Bị ngăn bởi hàng rào sắt, tôi đành ở khu xe 2 bánh và người đi bộ. Một chiếc xe máy chở toàn những đồ lỉnh kỉnh, quạt điện, nồi, niêu, bếp... chen qua dòng người đông đúc loạng choạng xuống phà. Một chiếc quạt chằng buộc không cẩn thận va vào cột chắn, rơi xuống đường. Tôi nhặt và chằng buộc lại giúp anh chủ xe, quay ra đã thấy phà rời bến. Tôi bị bỏ lại. Cũng may, chuyến sau cũng nhanh chóng đầy khách và rời bến sau đó 10 phút. Con đường từ phà Cao Lãnh sang phà Long Xuyên khá nhỏ và tối. Trời vẫn mưa tầm tã, xế chẳng tìm thấy chỗ bật pha ở đâu nên chúng tôi đi dò dẫm bằng cốt. Điều này khiến cho bác Bumby, hẹn đón chúng tôi ở Long Xuyên, đã phải chờ rất lâu.

8h tối, chúng tôi qua phà Long Xuyên tiến vào thành phố Long Xuyên. Bác Bumby đã chờ sẵn. Chúng tôi đến quán hải sản ở 15 Trần Nhật Duật, thử các món nghe khá lạ tai của miền Tây: gỏi tôm với bông điên điển, bồn bồn xào, cá linh chiên. Chúng tôi buôn chuyện từ Nam ra Bắc, vào miền Trung, lên miền ngược, xuống miền xuôi, lặn xuống biển rồi vào rừng đủ cả :D Quán này đạt tiêu chuẩn 5 sao về ngon, bổ, rẻ. Em vote cho quán bác Bumby dẫn tới!
 
Last edited:
Ngày 2: Long Xuyên - Núi Sập - Óc Eo - Núi Cấm - Châu Đốc

Buổi sáng không có nắng, trời âm u báo hiệu một ngày mưa nữa. Chào anh Bumby qua điện thoại, chúng tôi rời TP Long Xuyên theo đường 943 đi Núi Sập. Con đường nhỏ men theo bờ kênh Long Xuyên dẫn chúng tôi tới Núi Sập. Cả ngày hôm trước chúng tôi hầu như chưa cảm nhận được thế nào là nước nổi thì hôm nay nhìn con kênh và cánh đồng ven đường, chúng tôi bắt đầu có khái niệm về mùa nước. Nhìn thấy đàn vịt bên đường, những hình ảnh về miền Tây sông nước trong những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư mà tôi thường tưởng tượng đang hiển hiện trước mắt tôi. Các trang viết tả thực và sống động đến nỗi tôi cảm giác như mình đang bước vào thế giới của những trang sách đã đưa tôi đến với chuyến đi này, những đàn vịt bơi lội đầy hứng khởi trên những con kênh vắt qua cánh đồng rộng nước ngập lấp xấp.

IMG_4229.jpg


Con đường nhỏ đi qua vô số những cây cầu cũng nhỏ, bề ngang chỉ lọt 1 xe qua. Buổi sáng mà lên ảnh trông như trời chiều. Cầu ở mỗi vùng khác nhau lại khác nhau. Nếu như đường từ QL30 vào Xẻo Quýt toàn là những cây cầu gỗ với bề ngang khá rộng rãi thì ở đây toàn cầu khung sắt, cái nào cũng cao vút lên, nhưng bề ngang thì nhỏ xíu.

IMG_4225.jpg


Chúng tôi la cà ngắm vịt và tận hưởng cảnh sông nước, vốn khá lạ lẫm với chúng tôi, gần 1 tiếng sau mới đến thị trấn Núi Sập, hỏi đường tới Khu du lịch Hồ Ông Thoại. Hồ Ông Thoại, còn có tên Hồ Thoại Sơn, là hồ nhân tạo lớn nhất miền Tây Nam Bộ, được hình thành do khai thác đá. Hồ nằm ở phía Đông thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 26 km. Tên hồ được đặt ra nhằm tưởng nhớ công lao khai phá vùng đất An Giang và đào kênh Thụy Hà của Thoại Ngọc Hầu.

Hồ Ông Thoại rộng và khá yên tĩnh, là một trong 3 hồ ở khu vực Núi Sập, thông nhau bởi các đường hầm xuyên núi từ hồ Thoại Sơn tới hồ số 1, hồ số 2. Đến đây, có thể bơi thuyền thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của núi cao, hang sâu, hồ nước xanh thẳm với những đàn cá bơi lượn. Bên hồ có tượng đài Thoại Ngọc Hầu cao hơn 10m, và trên triền núi Sập còn có bia Thoại Sơn với chiều cao 3m, ngang 1,2m, dày khoảng 20cm, mặt bia chạm 629 chữ do Thoại Ngọc Hầu cho khắc dựng vào năm 1822.

Khu du lịch hồ Ông Thoại được xây dựng vào năm 2000. Để tạo điểm nhấn cho cảnh đẹp của các hồ, ban quản lý khu du lịch Núi Sập đã dựng quanh hồ và các đảo nhỏ nhô trên mặt nước những tượng đá mang hình nữ thần Siva, tháp Ponagar, hình tượng Linga. Những tượng đá này đều do những nghệ nhân vùng núi Ngũ Hành Sơn đẽo gọt.

800px-H_ng_Thoi_2.jpg


Lúc này, những đám mây đã quá nặng nên sa xuống thành mưa. Chúng tôi hỏi han em bán vé khu di tích sát bên bờ hồ về hành trình đi bằng thuyền dạo quanh khu lòng hồ. Nghe em kể, tôi tưởng tượng đi thuyền ở đây sẽ khá giống như đang trên thuyền đi giữa các dãy núi trong lòng hồ Ba Bể. Trời mưa, em gái khuyên chúng tôi quay lại vào dịp khác hoặc chờ mưa tạnh hãy đi thăm quan, để có thể lên núi, thấy hết khung cảnh nơi đây. Nhưng mưa có lẽ còn lâu mới dừng, chúng tôi quyết định ngắm cảnh trên bờ rồi tiếp tục lên đường, đi Óc Eo.
 
Last edited:
Ngày 2: Long Xuyên - Núi Sập - Óc Eo - Núi Cấm - Châu Đốc

Rời Núi Sập, chúng tôi men theo con đường nhỏ đi Óc Eo. Con đường nhỏ đi giữa cánh đồng lúa đang thì con gái, xanh mướt như nhung. Những cô gái áo đỏ nổi bật trên nền lúa xanh nhung.

IMG_4235.jpg


Một bên đường là con kênh, rồi lại đồng lúa.

IMG_4247.jpg


Con đường đẹp và thanh bình quá đỗi. Gió đồng luồn vào đùa giỡn với mái tóc tôi, lâu lắm tôi mới được đón làn gió trong lành, thoáng đạt đến thế. Tự dưng thấy thương cho những lúc bị "gió" từ ống xả của những chiếc Future thổi vào giữa mặt trong lúc dừng đèn đỏ hoặc kẹt xe ở thành phố. Con đường này làm chúng tôi quên mất ý định ban đầu là đi tới 1 cái hồ nữa trong 3 hồ của khu du lịch Núi Sập (hình như là hồ số 3) mà cứ men theo đường đến thẳng Óc Eo.

IMG_4238.jpg


Cổng vào khu di chỉ đã han gỉ, khép hờ và cũng không có biển chỉ dẫn. Khu di chỉ nằm giữa thảm lúa, lối vào 1 bên có đầm sen nhưng có vẻ ít được bàn tay chăm sóc. Chỉ có vài bông sen còn sót lại.

IMG_4242.jpg


Khu di chỉ Óc Eo thuộc vùng núi Sập - Ba Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, là một thương cảng thời trung cổ bị chìm dưới đất, được phát hiện khi nhân dân đào kênh xáng Ba Thê. Đây là một khu di tích cổ rộng lớn, gắn liền với vết tích vật chất của vương quốc Phù Nam, một quốc gia hùng mạnh ở vùng Đông Nam Á cách nay khoảng hai nghìn năm. Ngoài khu vực được xem là “thành phố Óc Eo” có diện tích 4.500ha, còn có một vài vùng ở miền Tây Nam Bộ như: Đồng Tháp Mười, Châu Đốc, Kiên Giang… mà cho đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu, khảo cổ.

Tấm biển này cho du khách biết về quá trình tìm kiếm và đôi điều về khu di chỉ. Với tôi, nếu không đọc tấm biển này, nhìn những dấu vết còn lại, khó có thể hình dung nơi đây từng là chính điện

IMG_4239.jpg


Hiện nay, khu di chỉ Óc Eo không những đón được rất nhiều nhà sưu tầm, khảo cổ đến nghiên cứu, tìm hiểu mà còn hấp dẫn được rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây để xem di vật, vết tích được phát hiện để biết thêm về một thời kỳ phát triển rực rỡ của vùng đất An Giang ngày xưa nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
 
Last edited:
Ngày 2: Long Xuyên - Núi Sập - Óc Eo - Núi Cấm - Châu Đốc

Rời Óc Eo, chúng tôi tiếp tục theo đường 943 hướng Tri Tôn. Lúc này, hai bên đường không còn lúa nữa, chỉ còn mênh mông nước.

IMG_4277.jpg


Những con kênh cũng đầy ắp nước

IMG_4248.jpg


Người dân sống trên sông nước, tôi cảm thấy cứ lênh đênh bất ổn nhưng với họ, cuộc sống dường như không có gì phải lo lắng. Ông Hai ngồi đan lưới, bà Hai đang nấu cơm. Thấy chúng tôi dừng lại, chụp ảnh, dân hai bên bờ xởi lởi vào góp chuyện, chọc ông Hai cười để còn lên báo cho vui vẻ :)

IMG_4290.jpg


Ở đây có điều khá lạ là mộ để ngay trước cửa nhà. Chúng tôi hỏi sao không có khu nghĩa trang riêng, họ giải thích là trước đây cũng có. Nhà nước mới giải tỏa để thu hồi đất cho việc gì đó, tôi quên rồi, nên họ đưa về nhà. Mộ được xây kín, khoảng 3-4 năm cũng được dỡ ra, mang xương còn lại đi hỏa thiêu.

IMG_4269.jpg


Mặc dù nhà cửa trống tứ bề, nhưng tôi cảm tưởng như người dân hài lòng với cuộc sống và rất thân thiện, mặt ai cũng tươi cười và dễ gần. Đám cưới thì dựng rạp ngay giữa đường.

IMG_4275.jpg


Trẻ con tắm và nô đùa trên con kênh

IMG_4276.jpg


Cuộc sống tưởng không thể vui vẻ hơn thế!
 
Ngày 2: Long Xuyên - Núi Sập - Óc Eo - Núi Cấm - Châu Đốc

Trên đường này có rất nhiều chùa Khơ me. Thấy 1 ngôi chùa ven đường, chúng tôi ghé vào. Nhìn tên chùa toàn tiếng Khơ me, vào đến trong mới hỏi ra mới biết đây là chùa Thnot Chrôm.

IMG_4293.jpg


Ở ngôi làng trên đường, tôi đã ngạc nhiên vì họ chôn người chết trước cửa, trong một ngôi mộ xây kín, hoàn toàn không tiếp xúc với đất. Ở đây, một lần nữa tôi lại thấy những khu mộ đã được xây sẵn trước cổng chùa. Người ta an táng người chết ở đây, cũng hoàn toàn không tiếp xúc với đất, xây kín.

IMG_4295.jpg


Chúng tôi đến Tức Dụp đã hơn 1h chiều. Đang khát nước, tôi ghé ngay vào 1 hàng bán thốt nốt.

IMG_4302.jpg


Em gái bán thốt nốt rất xinh xắn, cứ ngượng ngùng, bẽn lẽn mời xế mua thốt nốt.

IMG_4304.jpg


Người đến thăm quan cũng khá đông, nhưng lúc này đã xuống ăn và đang hát trong nhà hàng. Chú cá sấu nuôi cũng được phần 1 chiếc vỏ lon và đang ra sức nuốt.

IMG_4305.jpg


Tức Dụp - theo tiếng Khmer có nghĩa là “nước đêm”. Tức Dụp có độ cao khoảng 300m và chu vi khoảng 2.200m. Nhìn từ xa, núi Cô Tô và đồi Tức Dụp trông giống chim phượng hoàng nên còn gọi là Phụng Hoàng Sơn.

Cổ tích Ðồi Tức Dụp (st)

Chuyện kể rằng, ngày xưa thuở ban sơ của trời đất, các tiên nữ thường dừng chân trên đỉnh Cô Tô, dạo chơi, tắm giặt hay đùa nghịch. Một hôm các nàng bày trò ném đá xuống chân núi. Ðá rơi chồng chất lên nhau thành ngọn đồi con. Dòng suối tắm đổ xuống chảy qua lòng đụn đá rơi. Từ đó suối và đồi có mặt trong trời đất, bên chân núi Cô Tô của vùng Thất Sơn hùng vĩ.

Một ngày nọ, những người mở đất đến đây. Gặp mùa nắng hạn, khát cháy ruột gan, đêm nằm không ngủ được, bỗng nghe tiếng nước róc rách phát hiện ra giữa quả đồi khô hạn có dòng suối mát chảy qua. Tên gọi Tức Dụp (nước đêm) có từ đó và ngọn đồi trở thành chốn linh thiêng. Vào các ngày lễ, sư sãi và già làng mang lễ vật đến cúng thánh thần, trời đất rồi rước nước suối về phum sóc.

Hiện thực về sơn đạo thép (st)

Ðồi Tức Dụp được trời đất ban tặng cho một hệ thống hang động chi chít như tổ ong vĩ đại, thông nhau bởi muôn vàn ngõ ngách và kẹt đá. Từ những năm 1940, Tức Dụp đã là nơi ẩn náu của các chiến sỹ cộng sản. Khi bị ruồng bố nhân dân đem bánh trái đến trước cửa hang cúng Trời Phật, nhưng thực ra là tiếp tế cho cách mạng.

Từ năm 1960, Tức Dụp là căn cứ của huyện uỷ Tri Tôn và tỉnh uỷ An Giang, là chiếc cầu quan trọng đưa các binh đoàn miền Bắc vượt Trường Sơn qua Cam-pu-chia toả xuống khắp chiến trường Tây Nam Bộ. Nhiều đám cưới của bộ đội và du kích đã được tổ chức tại đây.

Phát hiện ra Tức Dụp - đầu não của căn cứ cách mạng, Mỹ nguỵ đã tập trung đánh phá liên tục như muốn san bằng cả ngọn đồi. Bom đạn không chỉ trút xuống Cô Tô mà còn lan rộng đến nhiều vùng phụ cận, biến cả vùng "trắng" sơ xác tang thương. Dưới những trận bom bi, bom cay, bom râu, bom bướm, bom dầu, bom xăng... đến pháo bầy, pháo chụp, Tức Dụp không còn một mảng rong rêu hay một sợi dây leo chùm gửi; không còn loài thú hay côn trùng nào sống nổi. Tức Dụp như là đất chết. Vậy mà các chiến sỹ cách mạng vẫn kiên trì bám trụ giữ lấy địa bàn. Ðã hơn 30 năm từ ngày Tức Dụp im tiếng súng, nhưng các trận đánh phá của kẻ thù vẫn còn hằn sâu dấu tích trên mặt đá. Chỉ cỏ cây là tươi xanh trở lại.
 
Last edited:
Ngày 2: Long Xuyên - Núi Sập - Óc Eo - Núi Cấm - Châu Đốc

Trước khi lên núi, chúng tôi đã đặt cơm ở hàng này, thẳng trước cổng vào Khu du tích lịch sử Tức Dụp.

IMG_4334.jpg


Xuống núi, quá bữa trưa đã lâu, chị chủ quán đã chuẩn bị xong, ngon lành quá. Đồ ăn ở đây rẻ và ngon. Chúng tôi đặt 35K/phần, bữa trưa là thế này đây.

IMG_4333.jpg


Chị kể cho chúng tôi về cách làm nước thốt nốt, đặc sản của vùng này. Tôi cứ nghĩ rằng nước thốt nốt lấy từ quả thốt nốt nhưng té ra không phải. Nước thốt nốt được lấy từ những vòi hoa của cây thốt nốt- vốn mọc rất nhiều ở vùng đất này. Để có món giải khát tinh khiết ấy, chiều hôm trước, người ta leo lên ngọn cây cao cỡ 15m đến 20m, dùng dao cắt đầu cuống bông cho chất nước tinh khiết chảy vào ống tre. Sáng hôm sau, lại trèo lên cây đem ống xuống. Nước thốt nốt tươi nguyên chất có vị ngọt thanh tao. Trái thốt nốt cũng được hái nguyên buồng xuống, dùng dao chẻ ra lấy cơm ướp lạnh. Cơm thốt nốt có vị béo, bùi và mùi thơm hấp dẫn. Thốt nốt lạnh đã trở thành món giải khát phổ biến và đặc trưng của vùng Bảy Núi. Người ta cho nước thốt nốt vào lưng chừng ly, xắt mỏng phần “cơm” của trái thốt nốt rồi cho thêm nước đá. Nước thốt nốt ngọt dịu, thơm đặc trưng cùng với cơm của trái thốt nốt khiến bạn quên hết mệt nhọc đường xa.

Chúng tôi rời Tức Dụp tới Núi Cấm. Họ không cho xe lên núi, phải gửi ở bãi rồi hoặc mua vé đi xe oto của công ty lên, hoặc mua vé xe ôm lên. Vé ô tô là 40K/người khứ hồi hoặc 45K/người nếu mua 2 lượt riêng biệt (chả hiểu có ai chọn phương án mua riêng này không). Xe ôm giá tương đương nhưng vào được sâu hơn so với xe du lịch, và xe ôm cũng có thể đi vòng quanh khu du lịch (thực ra là đi quanh hồ). Chúng tôi chọn xe ôm cho có cảm giác :) Xe ôm ở đây có nghiệp đoàn hẳn hoi, mặc đồng phục, đeo thẻ đàng hoàng. Đi giữa đường có thể dừng lại chụp ảnh chứ không như xe du lịch chỉ chạy một mạch.

Núi Cấm nằm trong cụm Thất Sơn ở miền Tây Nam Bộ, thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Núi Cấm mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí. Trên núi có chùa Phật Lớn, miếu Sơn Thần, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam. Theo sách của các nhà phong thuỷ, cụm Thất Sơn chạy dọc theo sườn Tây An Giang, giữa miền đồng bằng màu mỡ, chính là nơi khí âm dương hội tụ mà núi Cấm là một Long huyệt. Núi Cấm có rất nhiều loại hoa quả, chim muông cộng với rừng cây, thác nước, hang động thật kỳ thú và hấp dẫn. Ngay tại chân núi có một ngôi miếu thờ Sơn Thần mà ai qua đó cũng dừng lại thắp nhang. Hai bên đường lên núi là rừng cây rậm rạp. Vượt qua đoạn đường lên núi vất vả, đổi lại du khách được thấy một khung cảnh đẹp như tranh: dòng thác đổ từ trên cao xuống các tảng đá xếp chồng lên nhau làm bọt nước bắn tung tóe, tiếng thác đổ vang vọng trong gió núi, lúc xa lúc gần; những khối thạch nhũ lâu năm ở động Thuỷ Liêm tạo thành những hình thù làm cho người xem tha hồ tưởng tượng, những đám mây bay ngang che khuất ánh mặt trời tạo cảm giác những hình thù vừa thấy như biến mất... Gần đó là bức tượng Phật Di Lặc, trắng toát cao gần 34 mét, tư thế ngồi đang mỉm cười nhìn du khách.

IMG_4341.jpg


Đối diện với tượng Phật Di lặc, qua bên hồ, là chùa Vạn Linh. Trẻ em ở vùng này cứ níu áo du khách để bán nhang và đồ lễ. Các em đi theo chúng tôi lên chùa, chúng tôi nói thế nào cũng không dời đi, thế nhưng khi lên gần đến nơi, có 1 vị sư hay tăng chỉ cần chỉ tay, chưa cần nói gì là các em lảng đi và xuống núi luôn.

IMG_4358.jpg


Trong chùa rất sạch sẽ. Thậm chí khu vệ sinh cũng được giữ sạch sẽ, yêu cầu du khách bỏ dép bên ngoài với nhiều tấm biển hướng dẫn và nhắc nhở.

IMG_4362.jpg


Ven hồ, người ta bán món chả chay, nhưng lại ăn với rau dăm và ớt, ăn cũng thú vị, có điều hơi mặn. Thực ra lúc hỏi món gì, tôi nghe mãi không ra nhưng cứ ăn thử. Ăn rồi mới hiểu họ nói là chả chay (chỗ tôi cái này gọi là giò).

IMG_4379.jpg


Chúng tôi rời Núi Cấm thì trời cũng chuẩn bị tối. Về đến Châu Đốc, chúng tôi tìm đến KS Thuận Lợi. Cô chủ bảo giá phòng là 170K, chúng tôi ngơ ngác bảo sao các anh chị ở Phuot nói là 150K mà. Cô chủ ngơ ngác hỏi Phuot là gì, chúng tôi còn chưa kịp giải thích thì cô đã đồng ý giảm giá bằng giá bạn nào đó trên Phuot chỉ dẫn rồi. Bạn nào tới đây nhớ mặc cả nhé.
 
Last edited:
Ngày 2: Long Xuyên - Núi Sập - Óc Eo - Núi Cấm - Châu Đốc

Thêm một chút về món ăn. Ở Châu Đốc, chúng tôi lang thang loanh quanh khách sạn một hồi rồi quyết định mò ra nhà hàng nổi của chính khách sạn Thuận Lợi, ở ven sông hoặc ven con kênh nào đó, tôi không rõ tên. Nhà hàng này có mỗi chúng tôi là tóc đen, còn lại toàn tóc vàng, tóc bạch kim.... tóm lại toàn Tây. Nhìn thực đơn và hỏi han một chặp về những món lạ, chúng tôi quyết định gọi khô cá kìm nướng và gỏi sầu đâu khô cá lóc (ở đây chẳng có món tươi, toàn là khô). Nó đây, trông có hấp dẫn không nhỉ?

IMG_4387.jpg


Khô cá kìm nhậu bên bờ sông, trong làn gió thổi nhè nhẹ, nước vỗ ì oạp vào các chân cột, cũng khá ổn (có điều món khô này quá mặn, làm tôi phải uống nước tới tận trưa hôm sau). Con sông hay con kênh có bề ngang khá nhỏ nhưng có nhiều thuyền bè đi lại. Những chiếc thuyền to đen lừng lững xuôi ngược. Vài chiếc ghe nhỏ thắp đèn đi bán cháo dạo gõ lóc cóc, thấy chúng tôi thò hẳn cổ ra nhìn liền ghé nhà hàng mời chúng tôi mua, cái này tôi thấy lần đầu nên rất lạ lẫm. Các bạn tóc vàng cũng vậy, xúm xít hỏi gì vậy, chụp ảnh tới tấp. Máy ảnh của tôi lại hết pin mới chán :( Còn món gỏi sầu đâu thì quên sầu luôn, rất lạ miệng và ngon, chúng tôi xơi hết sầu đâu, chứ không xơi hết được cá lóc. Xơi hết cá lóc chắc uống nước tới trưa sau nữa quá! Lúc đó, tôi chỉ thấy lạ là ăn thôi, vẫn chưa biết tác dụng của lá sầu đâu, bây giờ thấy nó có nhiều tác dụng quá, nào là chữa loét bao tử, chữa bệnh đường ruột, chiết xuất thành kem chữa ghẻ và các bệnh ngoài da :LL....

Các bạn tham khảo nhiều tác dụng của cây sầu đâu ở đây nhé!
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=310104&ChannelID=12

Các em ở nhà hàng không trả lời được câu hỏi của tôi về các món cá kìm. Tôi đành tìm trong từ điển bách khoa trên mạng. Tôi tìm thấy loại này, chẳng hiểu có phải loại tôi đã thử không, bạn nào biết thì chia sẻ nhé. "CÁ KÌM (Hemirhamphidae), là họ cá xương cỡ vừa và nhỏ, bộ Cá kìm (Beloniformes), gồm 10 chi, với khoảng 60 loài, chủ yếu là các loài cá đàn. Phân bố ở nước ngọt hoặc biển. Các loài CK thường có thân dài, tiết diện ngang thân gần tròn, đầu dài, hàm nhô ra, hai hàm có răng nhỏ. Vảy nhỏ và mỏng. Đường bên thấp, chạy dọc bụng. Vây lưng và vây hậu môn ở gần đuôi. Ở Việt Nam, thường gặp hai loài điển hình: loài CK (Hyporhamphus sinensis) ở các tỉnh phía bắc (tập trung ở hạ lưu Sông Hồng, Sông Bôi, Sông Bứa, nhất là vào mùa sinh sản tháng 3 - 7) và loài CK (Hemirhamphus pusillus) ở sông rạch các tỉnh phía nam. Hai loài này ít có ý nghĩa kinh tế."

Ở miền Tây, có rất nhiều loại cá, nhiều loại rau rất ngon. Riêng về nước chấm, cũng khá là cầu kỳ, mỗi loại đồ ăn có 1 loại nước chấm riêng và mỗi người có 1 cái chén nhỏ đựng nước chấm riêng của mình. Về thái độ với khách cũng hơn hẳn ngoài xứ lạnh, bạn nào ra xứ lạnh rồi hẳn sẽ không thể hiểu nổi điều này :) Ở đây, mới có thể thấm câu "khách hàng là Thượng đế"
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,728
Bài viết
1,136,513
Members
192,531
Latest member
Duchaicuasat
Back
Top