What's new

[Chia sẻ] Lang thang Trung Quốc 15 ngày hết 1,5 triệu/ngày (04.2024).

Sau chuyến Lang thang Campuchia 8 ngày hết 8 triệu (01.2024) mình đã kể ở bài trước trong phần Diệu kỳ Châu Á này. Thấy bảo du lịch tự túc được ở Trung Quốc mới là đỉnh của chóp bởi TQ đất nước vô cùng rộng lớn đi cả đời ko hết, cảnh đẹp nhiều vô biên cương nhưng họ ko nói tiếng gì ngoài tiếng mẹ đẻ, ngay cả thứ tiếng ấy mỗi nơi cũng nói một khác, họ ko dùng hệ bản đồ ta đang dùng, cấm luôn cả trình tìm kiếm thông tin hay bản đồ trên google map. Tất nhiên dân họ cũng ko dùng zalo hay FB, Chữ của họ dí điện thoại dùng google dịch thì chao ơi ngữ nghĩa ngây ngô chẳng thể nào hiểu nổi, so sánh vị trí do bản đồ google map ta dùng với thực tế bản đồ của họ thì sai số cả dãy phố là thường, đi xe grab hoặc bus thì họ lại ko dùng tiền mặt, Cài wechat để thanh toán thì lại ko được xác minh ... Con gái mình sinh viên đại học thông thạo hai ngoại ngữ cùng tin học hiện đại vậy mà phải đã thốt lên một câu đầy cảm thán "Bắc Kinh thật là đáng sợ"
Chính vì nhiều thử thách như vậy nên mình lại càng muốn qua thăm và thế là đoàn 5 người vừa mới kết thúc chuyến đi 15 ngày về đến HN vài hôm trước, chi phí với 3 người nhà mình là 70 triệu cho 15 ngày 14 đêm như vậy là 1,5 triệu/ngày/người. Đã vượt định mức ở nước ngoài 1 triệu/1 ngày của mình tuy nhiên chi phí vé thăm quan ở Cam đã đắt nhưng chưa là gì so với TQ, ăn ở đều đắt hơn, giá cả đồ ăn ở TQ có lẽ đắt gấp 3 so với VN, đây là tổng các loại chi phí thực tế của đoàn mình chia sẻ để các bạn cùng tham khảo bởi đa phần mọi người đi tour theo những lựa chọn cố định còn tự túc thì mỗi người một kiểu rất khác nhau vậy thì lựa chọn nào là tối ưu với bạn! Trước tiên nói về lịch trình 15 ngày bởi mình chưa từng đi TQ nên chọn Thượng Hải - Tô Châu - Ô Trấn - Hàng Châu - Bắc Kinh làm mục đích khám phá chuyến này. Sau đó cần khẳng định ngay và luôn, chưa đi, thiếu kinh nghiệm, ko biết tiếng vẫn hoàn toàn có thể du lịch tự túc tại đất nước tỷ dân này nột cách rất an toàn và thú vị nhưng công tác chuẩn bị phải chu đáo gấp 3 lần những chuyến đi nước khác nếu muốn thu hoạch nhiều trải nghiệm hay, thay vì chỉ dám cưỡi ngựa xem hoa xứ người.

Có lẽ Du Lịch TQ trên mạng về cảnh đẹp cũng viết rất nhiều nên mình tập trung vào những kinh nghiệm cá nhân qua trải nghiệm thực tế của chuyến đi này để các bạn tự tin lựa chọn đi tự túc:

1714457486599.jpeg
 
Last edited:
Cảm ơn bác rất nhiều. Em cũng đang tìm hiểu chuyến đi tự túc. Đang mông lung thì gặp được bài viết của bác thì mọi việc trở nên đơn giản hơn rất nhiều rồi. Chia sẻ của bác rất chi tiết ạ.
Bác cho em xin mail bí kíp của bác với nhé. Mail em là [email protected]
Rất trân trọng đóng góp của bác cho cộng đồng!
 
Cảm ơn bác rất nhiều. Em cũng đang tìm hiểu chuyến đi tự túc. Đang mông lung thì gặp được bài viết của bác thì mọi việc trở nên đơn giản hơn rất nhiều rồi. Chia sẻ của bác rất chi tiết ạ.
Bác cho em xin mail bí kíp của bác với nhé. Mail em là [email protected]
Rất trân trọng đóng góp của bác cho cộng đồng!
Cảm ơn bạn. Mình đã gửi email cho bạn. Bạn nhớ đọc và trả lời nhé!
 
Last edited:
Chuyến đi Mã Lai đầu tiên của chị vô cùng gà mờ, đến smartphone còn xài rất lơ mơ. Cũng lò mò lên diễn đàn đọc, rồi cứ thể đi, không nghĩ là đi đủ 10 ngày đi đến nơi về đến chốn mà không hề có 3G trong điện thoại. Gà thế mà vẫn đi được, nên sau này tự tin đi te te các nơi lắm luôn. Và như thế chị cũng tin rằng mình nên chia sẽ lại cho dù là sự gà mờ của mình, sẽ có người lục lọi được gì đó như mình từng đi lục ngày xưa. Và cứ thế có gì lạ thì viết để ai cần thì tham khảo.

Cảm ơn em đã dành thời gian viết để chia sẻ những kinh nghiệm của mình vào đây!
Thanks bạn đã động viên mình!
 
cá nhân em thế hệ cuối 8x, e vẫn thích các hđ và bài viết trên này hơn ạ, mặc dù diễn đàn bây giờ ít các ac và các bạn vào nhưng những bài chia sẻ của những năm về trước em vẫn đọc và làm tư liệu cho những cung đường mình sẽ đi hoặc đi lại, thấy bổ ích lắm ạ
cá nhân em thế hệ cuối 8x, e vẫn thích các hđ và bài viết trên này hơn ạ, mặc dù diễn đàn bây giờ ít các ac và các bạn vào nhưng những bài chia sẻ của những năm về trước em vẫn đọc và làm tư liệu cho những cung đường mình sẽ đi hoặc đi lại, thấy bổ ích lắm ạ
 
Sau khi đi tàu cao tốc rất ưng ý từ Thượng Hải tới Tô Châu vào buổi trưa, đoàn mình theo lịch trình dành có 1 đêm nghỉ tại đây bởi vậy một buổi chiều đến tối và một buổi sáng trọn vẹn sẽ dành cho Tô Châu. Thời gian ko nhiều nên danh mục lang thang phải chọn lựa.

Tô Châu luôn thu hút du khách bởi vẻ đẹp độc đáo và thăng hoa của đền chùa, khu phố cổ, cũng như cảnh quan thiên nhiên. Tô Châu, là một trong những đô thị cổ nhất trong lưu vực sông Dương Tử. Khoảng 2.500 năm trước. Từng nổi tiếng khi là Thành Hạp Lư với Ngũ Tử Tư rồi thành kinh đô của nước Việt với Việt vương Câu Tiễn đó là những năm 306 TCN trở về trước sau đó lại chìm mất vào chiều dài của lịch sử, có lẽ các di tích của nền văn hóa này chỉ còn sót lại ở đoạn tường và cổng thành niên đại 2.500 năm.

Thành phố này đã được đổi tên thành Tô Châu vào năm 589 vào thời kỳ nhà Tùy.
Khi Đại Vận Hà ( đã nói ở những bài đầu tiên) được hoàn thành, Tô Châu nằm ở vị trí có tầm quan trọng chiến lược trên hành trình thương mại chính. Trong suốt lịch sử Trung Hoa nó đã là thủ phủ chính yếu của công nghiệp và thương mại ở khu vực ven biển thuộc miền đông nam Trung Quốc. Trong thời kỳ hai triều Minh-Thanh, thành phố này đã có nhiều thời kỳ thịnh vượng. Nhiều khu vườn nổi tiếng của các tư nhân đã được các tầng lớp quan lại và người giàu có xây dựng.

Năm 1981, thành phố cổ này đã được Trung Hoa liệt kê là một trong bốn thành phố - cùng với Bắc Kinh; Hàng Châu; Quế Lâm mà sự bảo vệ các di sản lịch sử và văn hóa cũng như cảnh quan thiên nhiên phải được đặt lên hàng đầu. Và đến đây mình mới đc biết các khu vườn cổ điển của Tô Châu đã được liệt kê trong danh sách di sản thế giới của UNESCO

Tô Châu là một thành phố ko lớn nhưng lại mang trong mình nhiều câu chuyện của Lịch sử. Sau nhiều cân nhắc với thời gian đầy hạn hẹp đoàn mình lựa chọn lang thang trên hai con phố đi bộ gắn liền với lịch sử cổ xưa của TP này đó là Sơn Đường và Bình Giang, ghé thăm một khu vườn cổ điển di sản thế giới (Rất tiếc do đến cuối chiều nên hết giờ thăm viếng chỉ quan sát đc tổng thể bên ngoài). Đi Dạo bên sông Waicheng đứng trên tòa Thành cổ nghĩ về tâm nguyện của Ngũ Tử Tư trước khi chết và thành ngữ “nếm mật nằm gai” từ Việt Vương Câu Tiễn...

Thăm Hàn Sơn Tự gắn liền với bao thăng trầm của lịch sử Trung Quốc. Nhưng ẩn chứa bên trong đó là câu chuyện Hàn Sơn - Thập Đắc. Sự kết hợp vô hình này tạo nên vẻ đẹp “Lịch sử – Thi ca” độc đáo cho ngôi chùa cổ này, nơi đã ra đời một kiệt tác của thơ Đường đó chính là thi phẩm Phong Kiều dạ bạc...

Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế là một thi phẩm kiệt tác không chỉ của văn học Trung Quốc đời Đường mà còn là của cả vùng văn học Đông Á. Tác phẩm này tốn ko biết bao nhiêu giấy mực và tâm huyết của giới văn chương cho đến tận bây giờ vẫn chưa ngừng lại nhưng việc khẳng định nó là một thi phẩm kiệt tác tầm cỡ thế giới thì ko còn phải bàn cãi.

Tạm trích trên mạng một đoạn viết về Ngôi Chùa và thi Phẩm nổi tiếng này:

"Hàn Sơn Tự được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 6. Trong cuộc nổi loạn Thái Bình Thiên Quốc, Hàn Sơn Tự gần như bị phá hủy và được xây dựng lại vào năm 1905.

" Có thể nói ngôi chùa cổ này đã được giữ gìn tốt qua bao thăng trầm của lịch sử, từ thời nhà Tống, nhà Thanh và nhiều triều đại cho đến tận bây giờ.

Cái tên Hàn Sơn bắt nguồn từ 2 vị thiền sư nổi tiếng với nhiều giai thoại. Đó chính là Hàn Sơn và Thập Đắc. Theo truyền thuyết, Hàn Sơn một nhà sư nghèo sống ở núi Thiên Thai nơi ở của Tế Điên Hòa Thượng. Trên núi có ngôi chùa Quốc Thanh, Hàn Sơn thường xuyên tới thăm thánh địa này. Đây cũng là nơi ở của người bạn thân nhất của ông là Thập Đắc sinh sống. Tuy nhiên, khi anh đến tuổi dự vợ gả chồng và gia đình đang tìm vợ cho mình thì Hàn Sơn mới biết cô dâu tương lai chính là người yêu của Thập Đắc. Vì lo lắng cuộc hôn nhân này sẽ khiến 3 người không hạnh phúc nên ông đã bỏ nhà đi và dừng chân tu hành tại một ngôi chùa nhỏ.

Về phần Thập Đắc, khi biết tin, anh nghĩ Hàn Sơn ra đi vì mình nên cũng quyết định đi tìm tri kỷ. Cuối cùng, họ gặp lại nhau trong cùng một ngôi chùa, nơi Hàn Sơn đang trú ngụ. Hai người trở thành huynh đệ và cùng nhau sống trong ngôi chùa này.

Cảm động trước câu chuyện trên, ngôi chùa được đặt tên là “Hàn Sơn” để tưởng nhớ câu chuyện của cặp đôi tri kỷ ..."


Còn sau đây là trích một bài viết của Tác giả Nguyễn Công Lý cõi mạng!

27/9/2021
PGS.TS Nguyễn Công Lý
Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế là một thi phẩm kiệt tác không chỉ của văn học Trung Quốc đời Đường mà còn là của cả vùng văn học Đông Á. Bài thơ có nhiều giai thoại thú vị liên quan. Bài viết này sẽ trình bày lại có hệ thống những vấn đề vừa nêu.

  1. Trương Kế hiện chưa rõ năm sinh và mất, chỉ biết tên tự là Ý Tôn, quê ở Tương Châu, tỉnh Hồ Bắc (nay là Tương Dương). Ông có kiến thức sâu rộng, thi rớt Tiến sĩ một lần, sau đó mới thi đỗ Tiến sĩ năm 753 niên hiệu Thiên Bảo thứ 12 đời Đường, được bổ làm chức quan nhỏ tại triều: chức Tư bộ viên ngoại lang, nghe nói về sau bị biếm, bị chuyển đi làm một chức quan ở địa phương xa. Bài thơ Phong Kiều dạ bạc được Trương Kế ứng tác trong một đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều ngoại thành Cô Tô lúc nhà thơ trên đường trở về nhà sau khi hỏng thi. Liên quan đến bài thơ này có nhiều giai thoại thú vị.
  2. Chuyện kể rằng, sau khi thi rớt, Trương Kế trên đường về nhà bằng đường thủy có ngang qua Tô Châu, một đêm nọ đậu thuyền nơi bến Phong Kiều ở ngoại thành Cô Tô, trong cảnh u tịch lạnh lẽo với tiếng quạ kêu sương, trăng lặn, lại thêm nỗi niềm bức bối vì nghĩ mình có văn tài nhưng lại thi hỏng, nên đêm đó ông trằn trọc, không thể chợp mắt, bèn làm thơ, nhưng chỉ được hai câu đầu, đến nửa đêm, nhờ tiếng chuông chùa Hàn San ở gần đó vọng tới, đã tạo thi hứng giúp cho nhà thơ hoàn thành thi phẩm nổi tiếng này.
  3. Upload
Tượng đồng của nhà văn Trương Kế tại Tô Châu
Phong Kiều dạ bạc
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

楓橋夜泊
月落烏啼霜滿天,
江楓漁火對愁眠.
姑蘇城外寒山寺,
夜半鐘聲到客船.
Bản dịch thơ bằng chữ Nôm của Nguyễn Hàm Ninh khoảng giữa thế kỷ XIX:
Đêm đỗ thuyền ở bến Ninh Kiều
Trăng tà chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San(1)

Bản dịch thơ của Tản Đà đầu thế kỷ XX:
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi,
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co.
Con thuyền đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San(2)

Để có được thi phẩm kiệt tác theo thể thất ngôn tuyệt cú Đường luật này nhờ tiếng chuông chùa Hàn San vọng tới chiếc thuyền khách lúc nửa đêm. Nhưng tại sao nhà chùa lại thỉnh chuông lúc nửa đêm? Theo thông lệ, các chùa thuộc hệ phái Bắc tông chỉ thỉnh chuông trong hai thời công phu chiều và khuya, đằng này lại thỉnh chuông lúc nửa đêm! Nhà nghiên cứu Trần Trọng San trong tập Thơ Đường, khi tuyển dịch bài thơ này, ông có ghi lại giai thoại khá lãng mạn rằng: Đêm trăng hôm ấy tại chùa Hàn San có hai thầy trò nhà sư thao thức vì thơ. Sư trụ trì cảm khái tức cảnh được hai câu: Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung/ Bán tự ngân câu bán tự cung. Nghĩ mãi, nhà sư cũng không thể viết tiếp hai câu sau. Bỗng nhiên có tiếng gõ cửa. Đêm ấy đồ đệ cũng cảm khái vì cảnh, làm được hai câu rồi tắc tị nên mới đến gõ cửa nhờ sư phụ gợi ý. Hai câu của trò viết như sau: Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn/ Bán trầm thủy để, bán phù không. Nghe xong, sư phụ mừng quá, chắp tay tạ Phật vì quả thật hai câu thơ của đồ đệ hợp với hai câu thơ của thầy, tạo thành một bài tứ tuyệt rất hay. Đó là cái Duyên. Trần Trọng San đã dịch bài tứ tuyệt này như sau:
Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ/ Nửa dường móc bạc nửa như cung trời.
Một bình ngọc trắng chia hai,/ Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không(3).

Sau đó sư phụ bảo đồ đệ thỉnh chuông để tạ ơn Phật tổ. Đêm ấy, tại chiếc thuyền nơi bến Phong Kiều ngoài thành Cô Tô, Trương Kế cũng không ngủ được, tức cảnh được hai câu “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,/ Giang phong ngư hỏa đối sầu miên” rồi không thể viết tiếp. Nhờ tiếng chuông này mà ông đã hoàn thành bài tứ tuyệt kiệt tác như trên.
Nhờ nổi tiếng mà trong các bộ hợp tuyển thơ Đường ở Trung Quốc như Đường thi nhất bách thủ, Đường thi tam bách thủ và trong các bộ tuyển dịch thơ Thơ Đường ở Việt Nam, các soạn giả như Tản Đà, Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố, Trần Trọng San, Lê Nguyễn Lưu,... đều chọn bài thơ này để tuyển vào trong các công trình.
  1. Để rồi hơn một ngàn hai trăm năm sau, tại một xóm nhỏ bên bờ sông Mã nơi xứ Thanh, nhờ bài thơ này mà đã tạo nên duyên cầm sắt, và kết quả cái duyên ấy đã sinh ra một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới: Hồ Dzếnh (tức Hà Triệu Anh, 1916-1991) với các tập thơ nổi danh như Quê Ngoại (1942), Hoa xuân đất Việt (1946), và một số truyện như Dĩ vãng (truyện vừa 1940), Chân trời cũ (tập truyện ngắn 1943)...
Chuyện kể rằng hồi thập niên thứ hai đầu thế kỷ 20, có ông thầy thuốc người Tàu quê Quảng Đông tên là Hà Kiến Huân đi bán thuốc dạo, một buổi chiều tối nọ ông đến bến Ghép thuộc làng Đông Bích xã Quảng Trường huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa định tìm đò ngang qua sông, nhưng lúc đó không còn chuyến đò nào, đành phải ở lại bên này sông, và xin tá túc tại nhà người lái đò. Nhưng nhà người lái đò lại mẹ góa con côi, không thể để cho người đàn ông lạ ngủ trong nhà mình, đành đem cái nong ra ngoài sân để ông ta ngủ tạm qua đêm. Hôm ấy có trăng, sương xuống lạnh, quá nửa đêm, ông thầy bán thuốc cũng không sao chợp mắt được, ông cất tiếng ngâm bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế bằng tiếng Quảng Đông. Hai mẹ con nhà lái đò nghe âm điệu xí xô xí xào thấy lạ quá nên mở cửa ra xem và nấu nước trà đãi người khách trọ. Dù khác nhau về ngôn ngữ nhưng qua âm điệu thơ, cô lái đò đã cảm được bài thơ, nên cuối cùng người khách trọ dừng chân tại nơi này, nên duyên với cô lái đò, để sau đó sinh ra Hồ Dzếnh như trên có điểm qua.

  1. Bài thơ của Trương Kế đã ghi lại một số địa danh khá nổi tiếng thường gặp trong thi ca Trung Quốc như bến Phong Kiều 楓橋, thành Cô Tô 姑蘇, chùa Hàn San 寒山, đều thuộc Tô Châu huyện Ngô tỉnh Giang Tô. Gọi là bến Phong Kiều là vì nơi chiếc cầu bắc qua đây có hàng cây phong (gần chùa Hàn San). Thành Cô Tô là một địa danh lịch sử gắn với sự kiện “lửa cháy Cô Tô đài” thời chiến tranh giữa hai nước Ngô (Phù Sai) và Việt (Câu Tiễn), cùng mối tình Phạm Lãi - Tây Thi đầy lãng mạn và lắm éo le. Chùa Hàn San là một ngôi chùa cổ gắn với tên của hai vị thiền sư nổi tiếng là Hàn San và Thập Đắc. Gần hai chục năm trước, trong giới nghiên cứu ở ta có người cho rằng “ô đề” là tên thôn (Ô Đề thôn), “sầu miên” là tên núi đá (Sầu Miên thạch)... như trong một bài viết trên Tạp chí Hán Nôm(4). Đúng là hiện nay, tại nơi đây nghe nói có hai địa danh vừa nêu, nhưng liệu vào đời Đường đã có địa danh này chưa, hay là vì bài thơ quá nổi tiếng nên người đời sau ở đây đã dựa vào một vài từ ngữ trong bài thơ mà đặt tên? Lại có người nói “giang phong” và “ngư hỏa” (nếu là tên địa danh thì phải viết hoa) là tên hai ngọn núi gần đó.
Thực tế, bên cầu chùa gần có hàng phong nên gọi là Phong Kiều, và trên sông đêm đêm có ánh lửa đèn của nhà thuyền chài (ngư hỏa). Nếu căn cứ vào một vài bài thơ viết sau đời Đường như bài thơ của Tần Thục đời Tống: Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự (Quạ kêu trăng xế chùa bên cầu) và thơ Khang Hữu Vi đời Thanh: Lãnh tận Hàn San cổ tự phong (Lạnh đến cả cây phong bên chùa cổ Hàn San) thì rõ ràng rằng giang phong ngư hỏa trong bài thơ của Trương Kế là cây phong bên sông ánh lửa đèn nhà chài chứ không phải là tên hai ngọn núi. Cũng vậy, ô đề là tiếng quạ kêu (sương), sầu miên là giấc ngủ buồn, chứ không phải là tên thôn và tên núi đá.

Để khẳng định thêm cái ý vừa nêu, có thể minh chứng thêm vài bài thơ khác, nhà thơ Vương Ngư Dương đời Thanh từng đi thuyền ngang qua Tô Châu có đỗ lại ở bến Phong Kiều, lúc ấy trời vừa xẩm tối đang mưa gió, ông có viết hai bài thất ngôn tứ tuyệt đề trước cửa chùa Hàn San:

Bài thứ nhất:

Nhật mộ đông đường chính lạc triều/ Cô bồng bạc xứ vũ tiêu tiêu.

Sơ chung dạ hỏa Hàn San tự/ Ký quá Ngô phong đệ kỷ kiêu.


Dịch thơ:

Chiều tối thủy triều rút phía Đông,/ Thuyền côi đậu dưới trận mưa giông.

Chuông thưa, ánh lửa, Hàn San tự,/ Ngô huyện qua cầu có bến phong.


(NCL dịch)

Bài thứ hai:

Phong diệp tiêu tiêu thủy dịch không,/ Ly cư thiên lý trướng nan Đông.

Thập niên cựu ước Giang Nam mộng/ Độc thính Hàn San bán dạ chung.


Dịch thơ:

Bến vắng đìu hiu tiếng lá phong/ Nhớ quê vạn dặm khó khuây lòng.

Giang Nam mộng cũ mười năm trước/ Chuông vọng, Hàn San giữa tịch không.


(NCL dịch)

Cả hai bài thơ đều nhắc đến cây phong nơi bến sông gần chùa Hàn San. Điều này có nghĩa giang phong chính là cây phong bên bến sông chứ chẳng phải là tên một ngọn núi như có người đã nói.

Cả bài thơ là nỗi niềm tâm sự của Trương Kế. Một nỗi sầu buồn. Nỗi sầu buồn ấy được thi nhân gửi gắm qua tiếng quạ kêu sương thảng thốt trong đêm khuya giữa lúc trăng lặn sương rơi. Nỗi sầu buồn còn vương vấn vào giấc ngủ trằn trọc, chập chờn của ngư phủ (và cũng là của thi nhân) đối diện với hàng cây phong, với ánh lửa đèn nhà chài. Những hình ảnh thơ tả thực nhưng đồng thời lại lộ vẻ hư ảo. Chính cái vừa hư vừa thực tạo nên cái hồn của bài thơ, cái sức hút, sức hấp dẫn của bài thơ. Giá trị kiệt tác chính là ở chỗ này.

  1. Âm hưởng của bài thơ còn kéo dài mãi đến sau này. Xin khép lại bài viết bằng mấy dòng thơ của một thi sĩ suốt một đời thủy chung với thể Đường luật. Nhà thơ Quách Tấn trong tập Mùa cổ điển có những dòng thơ tuyệt đẹp trong bài Đêm thu nghe quạ kêu đã lấy lại ý tưởng của Trương Kế trong bài Phong Kiều dạ bạc và bài Ô Y hạng của Lưu Vũ Tích đời Đường nhưng có sáng tạo mới, cách diễn đạt mới:
Từ Ô Y hạng rủ rê sang,

Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng

Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng,

Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.

Bồn chồn thương kẻ nương song bạc

Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng.

Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi,

Tình hoang mang gợi tứ hoang mang(5)
.



Chú thích

(1). Theo: Lý Văn Hùng, Việt Nam văn chương trích diễm, Sài Gòn, 1961.

(2). Theo: Thơ Đường, Tản Đà dịch, Hội Nghiên cứu giảng dạy Văn học thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Trẻ, tái bản, 1989.

  1. Thơ Đường, Trần Trọng San tuyển dịch, Sài Gòn, 1957.
  2. Trần Đắc Thọ: Tư liệu mới về một bài thơ Đường nổi tiếng, Tạp chí Hán Nôm, số 3-1997. Xin đọc thêm: Nguyễn Quang Tuân: Đến Hàn San tự để tìm hiểu bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, trang web Phật giáo Bạc Liêu, cập nhật ngày 14/12/2008; Hà Quảng: Trao đổi thêm về bài thơ Phong Kiều dạ bạc, trang Wikipedia Tiếng Việt, cập nhật ngày 10/8/2004.
  3. Quách Tấn, Mùa cổ điển, Nxb Thụy Ký, Hà Nội, 1991
Hết trích!

View attachment 206724

Hàn sơn Tự hôm mình tới với tấm bia đá khổng lồ khắc kiệt tác trên và phía sau là tòa tháp nơi treo chiếc chuông cổ tương truyền đã tạo nên âm thanh đi vào lịch sử thi ca của nhân loại nói trên!
Thật sự khâm phục tài uyên bác của chủ thớt. Xin mạn phép hỏi Bác có phải là nhà nghiên cứu văn học không ạ? Nghe phân tích mà thấy hay và dễ hiểu vô cùng. Trên diễn đàn có rất nhiều bài viết, nhưng thật sự khi đọc những câu văn của Bác thì cảm giác Bác có tâm hồn rất lãng mạn và cái nhìn tinh tế. Từ những chi tiết đơn giản trên mỗi nơi bác đến, cho thấy sự quan sát chi tiết tỉ mỉ của bác. Từ lâu đã mê Trung Quốc qua những thước phim hoành tráng lệ, nên có ước mơ 1 lần được đặt chân đến đất nước xinh đẹp này. Nay đọc được bài viết của bác thì có thêm động lực hơn nữa. Cảm ơn tác giả đã đưa đến người đọc những trải nghiệm tuyệt vời! Chúc bác có nhiều chuyến đi hơn nữa để những độc giả ngồi ở nhà vẫn có thể đi du lịch.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,170,980
Members
192,330
Latest member
sangtenxe
Back
Top