What's new

[Chia sẻ] Lý Sơn, viên ngọc bích giữa trùng khơi

Kế hoạch Lý Sơn đã được ấp ủ từ Tết Tây năm 2009, và đúng 1 năm sau đó mới thực hiện thành công chuyến đi này, với bao nhiêu cảm xúc, buồn vui lẫn lộn.

Lý Sơn không xa, nếu tính về mặt địa lý, và không khó đi (đối với dân phượt). Lác đác trên diễn đàn phuot.com, ttvnol và vnphoto.net đều có những nhóm đã đi, đã đến và đã về kể lại. Nên mình tạo topic này chủ yếu để chia sẻ chút ít cảm xúc về nơi biển đảo đẹp tuyệt vời đã qua, kèm theo một số thông tin cần thiết cho chuyến đi.

Topic này được rinh dzìa từ vnphoto.net, có sửa chữa tí xíu cho phù hợp với các chủ đề phượt, nên nếu bác nào đã đọc rồi thì cũng xin bỏ qua cho nhé!

---

Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có diện tích ngót nghét gần 10km2 với khoảng 20 ngàn dân đang sinh sống. Nằm cách đất liền 24km tính từ cảng Sa Kỳ theo đường chim bay, huyện đảo gồm 2 đảo chính: Hòn Lớn và Hòn Bé; là vết tích còn lại của một núi lửa đã tắt từ thời tiền sử.

Với địa hình bốn bề được bao phủ bởi mặt biển bao la, Lý Sơn sở hữu một loạt bãi biển đẹp mê hồn, cùng với lớp trầm tích còn sót lại của ngọn núi lửa nhô xa ra biển, tạo thành những vực đá đen kỳ vĩ, quanh năm sóng vỗ dập dềnh. Đảo ngọc còn sở hữu những bãi đá san hô đủ màu sắc, xa xa là mặt biển xanh mướt một màu ngọc bích, tất cả tạo thành một bức tranh sơn thủy hoành tráng và thơ mộng.

Nguồn thu chính trên đảo phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi đánh bắt hải sản và những ruộng hành, tỏi vươn lên từ cát nóng. Một trong những loại đặc sản nổi tiếng nhất của Lý Sơn chính là tỏi. Thứ tỏi đảo này không những cay và thơm hơn hẳn các loại khác mà còn thấm đẫm một mùi mặn mòi của muối biển quanh năm, và cả mồ hôi nước mắt người dân bản xứ…

Đến Lý Sơn, để được nghe biển xanh vỗ ầm ầm vào vách đá den dựng đứng quanh năm; để được ngắm hoàng hôn biển buông dần theo từng con sóng bạc đầu lần lượt xô nhau về bến; để được chứng kiến cái cơ cực của việc trồng tỏi từ cát trắng. Và quan trọng hơn cả, đến đấy, để thấy Việt Nam đẹp đến nhường nào, để biết rằng tại sao biển Đông cứ mãi dậy sóng bởi lòng tham bành trướng của các bác láng giềng!!!

Một số ảnh ọt demo trước:

#01. Thiên đường chắc ở chỗ này!!!

4243680164_a58f38b206_b.jpg

Bãi biển bên cạnh cầu tàu đảo Hòn Bé. Cũng như hầu hết các bãi khác trên đảo, bãi biển này rất nhiều san hô chết và ốc đủ màu, không tắm được.

#02. Những ngọn sóng cứ vỗ bập bùng vào vách đá...

4242907667_fa068fa440_b.jpg

Bãi đá này cũng thuộc Hòn Bé...

#03. Thà là rong rêu...

4242909613_ff173b26dd_b.jpg

Bãi đá phủ rêu xanh này núp sau rặng núi nhô hẳn ra biển, thuộc đảo Hòn Lớn.

#04. Tấp nập cập bến nghỉ ngơi...

4243267485_f6bd4c982d_b.jpg

Rất nhiều tàu cá đang im lìm neo đậu gần cầu tàu đảo Hòn Lớn.
 
Cái nhà bán hàng xén mà bác @aqua đề cập trên là chỗ mà bọn tớ ăn trưa đấy ạ. Lần đó ăn mâm cơm nóng hổi, thơm phức mùi cá mặn, canh bông bí và bí xanh xào, ngon tuyệt, chẹp chẹp!

Đợt đấy bọn em có 3 người (trong đó có 2 tiểu thơ lần đầu đi phượt), đi đứng cũng bình thường, lại ngay ngày Tết Tây nên hình như các anh lính biên phòng ở Hòn Bé cũng chả thèm để ý hỏi han gì. Cứ thế mà lang thang lòng vòng đảo Hòn Bé trong 1 buổi, sau đó về ăn trưa và ra bến tàu ngóc mỏ xem bà con tải hàng xuống tàu.

Khi ăn trưa chúng tôi cũng nói chuyện với mấy bác ở ủy ban cũng nhắc đến các đoàn du lịch đến đảo bé, có nhắc đền đoàn có 3 cô gái hồi đầu năm, chắc là các bạn rồi. Bây giờ đảo bé đã thành 1 xã độc lập và không còn bộ đội nữa, chỉ có người dân, vài anh chàng dân quân tự vệ ngồi ở ủy ban thôi. Mấy hàng xén bạn đề cập, hồi bọn mình đi vào khoảng 10h sáng không thấy bán đồ ăn, không biết bây giờ thế nào
 
Khi ăn trưa chúng tôi cũng nói chuyện với mấy bác ở ủy ban cũng nhắc đến các đoàn du lịch đến đảo bé, có nhắc đền đoàn có 3 cô gái hồi đầu năm, chắc là các bạn rồi. Bây giờ đảo bé đã thành 1 xã độc lập và không còn bộ đội nữa, chỉ có người dân, vài anh chàng dân quân tự vệ ngồi ở ủy ban thôi. Mấy hàng xén bạn đề cập, hồi bọn mình đi vào khoảng 10h sáng không thấy bán đồ ăn, không biết bây giờ thế nào

Dạ em đính chính là đoàn em có 1 chàng trai và 2 cô gái ạ... ^^
 
Dọc theo con đường cạnh ủy ban thẳng ra biển sẽ là bãi biển (số 3) với bờ cát trắng tinh và nước trong vắt. Tuy nhiên cát ở đây (không phải chỉ ở trên bờ mà phủ suốt dưới lòng bãi biển) như đã nói pha nhiều vỏ ốc và sỏi đá, nếu định tắm bạn cần mang theo dép cao su hoặc cái gì bảo vệ bàn chân bạn. Hoàn toàn nhiêm túc.

4437366038_c89e20bbef_o.jpg



Và đây là ghềnh đá, nước trong xanh, tuyệt đẹp. Tiếc rằng bạn đường trong các chuyến đi của tôi chỉ là chiếc máy ảnh du lịch đã cũ kỹ, không thể diễn tả những vẻ đẹp như cảnh tiên của đảo bé
4437366526_4b11e02067_o.jpg


Sau đó chúng tôi quay trở lai con đường cũ, cứ đi thẳng đường này (không rẽ vào khu nhà ủy ban) vào khu dân cư. Những ngôi nhà ngăn cách nhau, ngăn nhà với ruộng, ngăn nhà với đường hoặc bằng những bụi cây nhỏ hoặc lưới cá. Trẻ con ngoan thường chơi dưới bóng mát ít ỏi trên đảo, có vẻ chúng không quen với sự xuất hiện của những người lạ

4436566817_2d3437c28c_o.jpg


Đảo bé có 100 hộ nhưng có đến 70 hộ được xếp vào diện nghèo đói. Bạn sẽ thấy điều có vẻ phi lý là các ngôi nhà đều khá khang trang, thường lợp mái bằng. Người dân phải đi vay, chính quyền phải hỗ trợ, các nhà hảo tâm phải giúp đỡ để có được như vậy, vì sau mỗi cơn bão, nhà không kiên cố sẽ không thể trụ vững.

4437367056_3c9f6bd0b6_o.jpg


Điện ở đảo bé là hàng xa xỉ, ủy ban có máy nổ, dây điện được mắc vào các cây dừa, bão đến cây dừa đổ vẫn còn dây, lại tìm cách mắc lại đường điện. Đảo bé cũng không có nguồn nước ngọt nên bạn sẽ thấy nhà nào cũng có bể nước ngầm và các chum nước rất to để đựng nước mưa dùng cho sinh hoạt.

picture.php


Đi một đoạn bạn sẽ thấy một con đường bê tông cắt ngang, nhìn sang trái dọc con đường đó sẽ là cảnh tượng ngoạn mục hướng thẳng ra biển, nơi mục tiêu số 1 của tôi. Hai bên đường là những ruộng hành mà đường ngăn cách bây giờ đã là những bờ đá.

picture.php
 
Chúng tôi không còn nhiều thời gian nên không đi vào các ruộng hành theo những hàng đá

4436592293_d1b53d08d5_o.jpg


Đến cuối con đường là cảnh tượng mà các anh chị ở ủy ban gọi là bãi tiên

picture.php


Có thể leo xuống bãi tắm này dọc theo những phiến đá và chú ý bảo vệ bàn chân trên cát. Trẻ con địa phương không tắm những nơi có bãi, chúng thường chọn những tảng đá nơi nước đủ sâu.

4437369628_a473eda41d_o.jpg


Mải ngắm cảnh cũng đến gần 1h chiều, chúng tôi có 2 lựa chọn, hoặc ra ủy ban chào và tranh thủ ăn trưa rồi ra ghe về, hoặc đi tiếp điểm 4 và 2 rồi 3 giờ chiều hàng ngày thế nào cũng có ghe về đảo lớn và xem chợ chiều trên cầu tầu luôn. Mặc dù rất đỗi lưu luyến nhưng vì thời gian ở Lý Sơn chỉ có 1 ngày mà đảo lớn còn vẫy gọi, chúng tôi đành trở về, lỡ mất những hang động được giới thiệu là độc đáo trên thế giới. Từ cầu cảng nhìn vào đảo bé, khu vực 2 là vùng đảo phía bên tay trái của bạn, khu vực 1 là phần cuối đảo thẳng phía trước, còn khu vực 2 là phần đảo bên tay phải. Hướng cụ thể nào thì thật sự bây giờ tôi không thể nhớ, khi đó mặt trời thẳng đứng :D. Nếu đi theo đường bê tông trong khu dân cư, đi từ số 3 đến số 1 sẽ qua trường học, trạm y tế, đi từ số 1 sang số 2 sẽ qua sân bay trực thăng.

Đồ ăn nhanh thật tiện, chúng tôi có vài phút ăn trưa là người ủy ban đã gọi ra ghe, 30 phút sau khoảng gần 2h chúng tôi về đảo lớn, vào thẳng nhà trọ Bình Yên nơi duy nhất gần cầu cảng có cho thuê xe máy. Họ có 2 xe cho thuê và 1 xe nhà dùng, chúng tôi đến thì hết xe cho thuê, còn 1 xe thì cô em trông hàng không tìm thấy chìa khóa. Đang lúc phiền muộn thì chủ nhà đi về, thế là kể lể mong mỏi + mặc cả + đặt chứng mình thư chúng tôi có 1 xe từ 2h chiều đến hết ngày giá 50k. Hỏi đường, tính toán thời gian, địa điểm và ra cầu cảng đổ 13k xăng, bắt đầu thăm quan đảo lớn.
 
Từ cầu cảng vào đảo lớn có con đường nhựa chia 2 phía, phía tay trái (nhà trọ Bình Yên) là đường đi chùa Đục cách đó 6km, phía phải (nhà trọ Mỹ Linh) là đường lên huyện và đi các điểm thăm quan chính trên đảo.

Chúng tôi theo đường lên trung tâm huyện trước, cách cầu cảng khoảng 1km, trên đường đi sẽ qua tượng đài Đội Hoàng Sa Bắc Hải. Trung tâm huyện chính là ngã ba, 2 nhánh đường còn lại một đi chùa Hang, một đi hải đăng, cả hai đều cách trung tâm huyện khoảng 10km.

Chúng tôi đi về chùa Hang trước, đường nhựa nhỏ và sạch, hai bên xanh rì bạt ngàn toàn tỏi là tỏi, thi thoảng lắm mới gặp vài mảnh ruộng ngô.

4437341994_80fcef3d34_o.jpg


Đường đến chùa Hang không phải khu dân cư, chỉ có những cánh đồng tỏi, toàn đi thẳng, chỉ qua 2 ngã ba thôi, lúc đó chúng tôi phải hỏi người dân trên ruộng vì không có biển chỉ đường. Trên đường, chúng tôi gặp một cặp vợ chồng đang thu hoạch tỏi và dừng lại mua, chúng tôi cũng mất thời gian vào chuyện này vì thích thú thử kinh nghiệm cùng cô chủ nhặt tỏi, rồi phải đợi họ đi mượn cân, đi kiếm túi để đựng... Các bạn định mua tỏi tại ruộng thì nên mang nhiều túi đựng vì người dân chưa quen với bán hàng lẻ, thường họ thu hoạch tỏi về và bán lại cho những người kinh doanh. Giá mua tỏi tươi khoảng 30k đến 40k/kg và tỏi khô khoảng 70 đên 80k/kg tùy vào loại to hay nhỏ. Khi vào siêu thị Quảng Ngãi, tôi thấy bán tỏi khô Lý Sơn với giá 120k/kg.

Tỏi mới trồng được phủ cát trắng tinh, sau tưới đủ nước mọc lên xanh rì, đến khi thu hoạch thì chỉ còn cát cũ phải bỏ đi hết. Đây là ruộng tỏi vừa thu hoạch mà chúng tôi mua trên đường.

4437342410_547c756779_o.jpg


Cũng phải gần 4h chúng tôi mới tới được di tích quôc gia chùa Hang, có mỗi bức ảnh này thôi. Phần vì không còn nhiều thời gian, phần vì vẻ đẹp của đảo bé quá choáng ngợp nên thú thật chúng tôi cũng không chụp nhiều ảnh phong cảnh ở đảo lớn. Ảnh các địa danh trong phần viết tiếp theo, các bạn có thể xem từ đầu chủ đề, hoặc chúng ta cùng chờ đoàn nào sắp đi sẽ chia sẻ ảnh vậy :D

4436565059_8465894078_o.jpg


Chùa Hang có địa thế tuyệt đẹp, nghe nói đây là nơi linh thiêng đặc biệt cho việc cầu tự, có giếng nước ngay trước cửa hang (hang ở sau tượng Bộ Tát trong ảnh) mà người dân vào chùa thấy họ múc nước uống. Bãi biển của di tích chùa Hang rất đẹp, nước trong vắt, có điều bãi biển huyện đảo này chủ yếu là ghềnh đá, không có cát. Đi trên những con đường dọc biển của đảo lớn mới thấy đúng cảm giác đi như đi trên núi đá giữa biển vậy, nhìn xuống phía biển chỉ hoặc là ghềnh đá

picture.php


hoặc là làm kè như thế này

4436564083_0181c81ae2_o.jpg
 
Chúng tôi theo đường cũ quay về trung tâm huyện, rồi đi tiếp theo đường ra ngọn Hải Đăng được coi là kiên cố nhất cả nước. Đường này đi vào khu dân cư, qua 1 cho ngoặt có biển chỉ dẫn hướng đi tới Hải Đăng. Trên đường có qua 2 ngã nhỏ (có biển báo) vào 2 chùa gì quên rồi và 1 ngã vào đình Lý Hải. Chúng tôi đi thẳng tới Hải Đăng, ngắm nghía chụp ảnh kỷ niệm nhưng quyết định không leo lên vì trời bắt đầu tối. Sau đó vừa đói, vừa vội, tăng tốc trở về hi vọng còn kịp lên đỉnh núi lửa ở chùa Đục.

Trở lại trung tâm huyện, theo đường cũ về cầu cảng, đi thẳng tiếp khoảng 6 km nữa đến ... biển. Thực ra chúng tôi gặp bờ kè mà muốn đi tiếp chỉ có đường rẽ phải theo con đường đất đá lộn xộn ghập ghềnh đang tu sửa. Trước khi rẽ vào lối đường đất, cuối đường nhựa có nhiều người phụ nữ đập ốc, chúng tôi dừng lại hỏi han và mua được 1 túi các loại ốc Lý Sơn đủ cho 3 đến 4 người ăn, nhờ cô bán hàng luộc hộ, lát quay về lấy, tất cả chỉ với giá 20k.

Đi hết con đường đất đá (gần 1km) là chân núi chùa Đục, người ta đang tu sửa một tượng phật rất lớn. Chúng tôi cũng đã leo được một đoạn lên đỉnh núi nhưng sau đó quay xuống nhìn thấy chiếc xe máy nằm bé nhỏ dưới chân núi, thấy khu nghĩa địa rộng dài suốt con đường đất, và nhất là thấy mặt trời lặn ôi sao mà nhanh. Biết có lên đỉnh núi cũng chả còn nhìn thấy mặt trời, lại nghĩ đến cảnh 2 đứa con gái phải đi suốt đoạn đường đất vắng tanh, trời thì tối, biển một bên và nghĩa địa một bên. Thôi, quay lại đi về và thấy đúng là sáng suốt :D.

Mang ốc về nhà trọ Mỹ Linh ra sau sân nhà vừa ăn ốc chấm muối gia vị vừa ngắm biển và vẫn thấy sao ngon thế. Ốc biển đúng là đặc sản của Lý Sơn. Xong, lên phòng thay đồ 10 phút chúng tôi ra một quán hải sản cách nhà trọ Bình Yên khoảng 50m. Nhân nói về quán ăn, ở Lý Sơn không nhiều dịch vụ. Trên đường gần chùa Hang có 1 quán chỗ kè đá có địa thế khá đẹp, trên đường đến Hải Đăng cũng có 2 quán có cả bãi đỗ ô tô, về gần cầu cảng có 2 quán hải sản. Quán chúng tôi vào là quán được giới thiệu là ngon, tuy nhiên theo cá nhân tôi thì ở Lý Sơn chỉ nên ăn ốc và cua (nếu có) vì được coi là đặc sản, các đồ hải sản khác so với Đà Nẵng chế biến không ngon và cũng không rẻ hơn. Ngoài ra đồ uống toàn đồ hộp, bạn muốn uống cà phê (kể cả cà phê tan) thì tốt nhất mang sẵn đi và xin nước sôi :D

Ăn tối xong đã muộn, chúng tôi trả xe và đi bộ về nhà trọ. Đảo lớn có điện từ 6h chiều đến 11h tối thôi, may quá Mỹ Linh có máy nổ, phòng luôn có 1 bóng đèn đỏ để suốt đêm. Một ngày vất vả đương nhiên tối ngủ ngon, ngủ quên luôn cả kế hoạch sáng hôm sau dậy sớm phục thù đỉnh núi lửa chùa Đục :D

Chúng tôi trả phòng và ra cầu tầu mua vé thì được cô bán vé báo 7h30 tàu chạy (?). Vội vàng sang quán phở cạnh trạm biên phòng ăn sáng, 12k/bát, không ngon đương nhiên, mà quán quá đông và phục vụ chậm, dường như mọi người đi tàu hôm đấy vào đây ăn sáng cả. Thế mà cũng gần 8h tàu mới khởi hành, chào tạm biệt các chú bộ đội biên phòng, tạm biệt Lý Sơn, 9h sáng chúng tôi về đến Sa Kỳ.

Ở đây đã thấy rất nhiều xe chào mời khách, giá xe đò chung về nội thành TP Quảng Ngãi khoảng 20k. Cô bạn tôi trên tàu cao tốc kiếm được suất đi nhờ đoàn thanh niên nhà máy Dung Quất, theo hướng dẫn các anh chị này chúng tôi quyết định không về thành phố mà ra ngã ba đường quốc lộ bắt xe về Đà Nẵng. Họ không quên dặn dò rất kỹ rằng không được đi xe biển số Quảng Ngãi dù có bị mời chào hứa hẹn thế nào đi nữa vì đây là khu vực để những xe này bắt và bán khách. Tuy nhiên xe các tỉnh khác chạy trên đường này rất nhiều từ sáng đến chiều, chất lượng tốt, giá chung 50k. Chúng tôi vừa xuống ngã ba đã có 2 xe quảng ngãi mời chào rối rít, quán triệt không đi, ngay sau đó có xe của Gia Lai chạy qua, thế là lên đường về Đà Nẵng.

Cũng muốn kể thêm với các bạn là tuyến từ Sa Kỳ ra ngã ba có đi qua 2 điểm di tích nổi tiếng của Quảng Ngãi lần lượt là núi Thiên Ấn và gần đến ngã ba là khu Chứng tích Sơn Mỹ. Nếu chúng tôi không bị kẹt phải về Đà Nẵng ngay hôm đó thì cũng đã được vào thăm.

Thế là hết câu chuyên 1 ngày ở Lý Sơn của chúng tôi. Vẫn còn nhiều tiếc nuối và nhiều dự định cho dịp nào trở lại. Cuối cùng đưa lên đây những thông tin liên mà tôi còn tìm thấy trong sổ hi vọng có ích cho các bạn nào muốn tới Lý Sơn. Rất tiếc không tìm thấy số điện thoại bác tài chở xe ra Sa Kỳ :(

Bến xe Đà Nẵng - Điện Biên Phủ: 0511 - 3767678 (/9);
Bến xe QNgãi - Lê Thánh Tôn: 055 - 861746
Các KS ở Quảng Ngãi: Hùng Vương: 055-710474; Thăng Long: 818877; Đông Hưng 821704; Hoàng Long: 713465; Hưng Vượng: 818828
Nhà trọ Mỹ Linh (Lý Sơn): 055 - 867262
 
Last edited:
k thấy ảnh vách núi dựng sát biển nhỉ :x
mà đi Lý Sơn tháng nào là hợp lý các bác nhỉ,để còn tránh bão nữa :D
 
Dọc theo con đường cạnh ủy ban thẳng ra biển sẽ là bãi biển (số 3) với bờ cát trắng tinh và nước trong vắt. Tuy nhiên cát ở đây (không phải chỉ ở trên bờ mà phủ suốt dưới lòng bãi biển) như đã nói pha nhiều vỏ ốc và sỏi đá, nếu định tắm bạn cần mang theo dép cao su hoặc cái gì bảo vệ bàn chân bạn. Hoàn toàn nhiêm túc.

4437366038_c89e20bbef_o.jpg

Cám ơn thông tin bổ ích của bạn Qqua.

Ơ, nhưng mà ảnh chụp bằng máy còi và thợ lởm mà trông đẹp phết nhỉ? Thế này thì mấy bác bên xóm nhiếp ảnh lại phải sang học tay máy lởm của bạn Aqua rồi.(beer):LL
 
31/3/10 này, bên Lý Sơn có tổ chức kỷ niệm giải phóng huyện đảo hay thành lập huyên chi đó mình không rõ, nhưng thấy bà con bảo mọi người sẽ về dự đông lắm, áng chừng 3-4000 người, có tổ chức cả đua thuyền nữa.
Ở ngay gần cảng Sa Kỳ cũng có nhà trọ, lối rẽ bên trái giữa cổng Càng và đồn Biên phòng, qua chỗ kho xăng dầu có cái dốc nhỏ đi lên..Phòng bình thường, quạt 40.000 đêm. Nếu không thích mọi người có thể ra khu du lịch Mỹ Khê ngay gần đó ở cũng được, cách chắc khoảng 5,6 km thôi.
Tàu cao tốc cũng nhận chở xe máy, chứa khoảng 20 xe ở đuôi thuyền. Mỗi xe một chiều là 30.000, tiền công bốc xếp xe lên xuống mỗi cảng là 10.000, vị chi 50.000 cho một chiếc xe một lượt.
Phượt ta thích thì vác xe lên, không thì qua nhà nghỉ Bình Yên thuê cũng được, 50-70.000 tùy ở luôn ở đấy hay không. Xe không sợ bị lấy trộm vì không thể chạy đâu được, nên mọi người cứ yên tâm.
Đảo Lý Sơn dân số khoảng 21.000 dân, cuộc sống nhộn nhịp đông đúc hơn mọi người tưởng. Tết rồi mọi người nói vui mức tiêu thụ bia ở đảo phải gấp 2 lần thành phố Quãng Ngãi.
Sau cơn bão số 9, đồn biên phòng trên núi Thới Lới bị thổi bay biển cẩm, nên có thể tranh thủ phóng tít lên tận trạm rada mà ngắm toàn cảnh Lý Sơn.
Người dân thân thiện, đi một mình dễ bị bắt chuyện, thoạt đầu nghe hỏi có vẻ như bị điều tra vậy, kiểu ở đâu, đến đây làm gì...nhưng choáng lúc ban đầu thôi, về sau cà kê thoải mái.
Tháng 3 này đang mùa gió Nam, mọi người đang phơi rong, rêu và cá cơm nên lên đảo có mùi nồng, khó chịu, tạo cảm giác hoa mắt chóng mặt, bồn nôn he he.
Thêm nữa, ở đảo vẫn chưa có nhà máy điện, nên buổi sáng mất điện, tối mới có tầm từ 5-11h đêm, hôm được hôm chăng nên mọi người nên cầu may mắn và tranh thủ sạc điện.
Mùa tỏi từ tháng 8 đến tháng 1 âm lịch, mỗi năm một vụ, h bà con đang trồng hành, khoảng 2-3 tháng/vụ. Có đến Lý Sơn mới thấy làm nông nghiệp vất vả, giữa trưa đến tầm 2,3h chiều vẫn thấy mọi người tranh thủ tưới nước từ hố khoan. Nhưng thấy nhiều người chịu khó đầu tư cho con cái học hành.
Thêm nữa, mọi người lần sau lên đảo nên mang theo la bàn, để đến tượng đài Bắc Hải, xác minh giùm mình hướng tay chỉ là hướng nào, hix cứ nghỉ chỉ vào đất liền. Phía sau tượng chắc mới thêm được mấy hàng chữ ....tối thị hiểm yếu, thấy dân bảo thế, không biết đúng sai thế nào.
Thêm chú ý nếu phóng xe máy vào buối tối đến Lý Sơn, nhớ chú yếu đến đường, phóng vừa vừa thôi kẻo lại bay theo kiểu đua xe địa hình hi hi.
 
Hic! Ban đầu cứ tưởng bác Bluesky85 là con gái hóa ra lại là con trai. Mà bác chụp ảnh đẹp lắm lắm.Em rất ngưỡng mộ bác. (c) Xin phép bác cho em sử dụng mấy bức ảnh đem về Blog của em,em sẽ ghi nguồn rõ ràng ...
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,058
Members
192,337
Latest member
Corinamith4
Back
Top