What's new

[Chia sẻ] Malay - Brunei - Sing - Indo: Ngất ngây theo nhịp Kecak trong mùa mưa Bali

Khi Sir Charles Spencer Chaplin cùng gia đình tới Bali hồi đầu thế kỷ trước, hòn đảo ở nam bán cầu ấy mới chỉ là một điểm đến thu hút chừng 1000 khách du lịch mỗi năm. Gần 100 năm sau, Bali đã là một điểm sáng chói lòa trên bản đồ du lịch thế giới khi thiên đường biển đảo này thu hút tới 2 triệu lượt khách du lịch theo số liệu của năm 2008. Nhắc tới Indonesia là nhắc tới Bali. Nói đến Bali là nói đến một thiên đường có sức hút rất khó cưỡng lại với dân du lịch toàn cầu.

Một sáng đầu Đông khi những cơn gió lạnh rủ nhau ùa về Hà Nội, PeterPan lại khăn gói lên đường với đích đến là Bali. Những tấm vé giá rẻ của Air Asia đã được đặt trước... 8 tháng, để sau đó là quãng thời gian háo hức chuẩn bị, và thậm chí có những khi đã tưởng rằng chẳng thể lên đường vì đủ thứ lý do khác nhau. Bởi vậy, lên đường đúng hẹn đã là một may mắn đầu tiên.

Đó là một hành trình dài ngày nhất và xa xôi nhất của riêng PeterPan. Bali là điểm nhấn và cũng là nơi được mong chờ nhất. Tuy nhiên, trước khi được nối gót "anh hề Charlot" để ngất ngây theo nhịp Kecak trong mùa mưa ở Bali, bước chân của PeterPan sẽ ghi dấu tại Kuala Lumpur, Brunei, Melaka và Singapore. Topic này sẽ tiếp tục là một topic chia sẻ thông tin theo dạng nhật ký giống như những topic trước đây của PeterPan, hy vọng sẽ giúp thêm cho các bạn những thông tin tham khảo hữu ích trước những chuyến đi trong tương lai.

7952fe87.jpg
 
Re: Ngày 4: Brunei - Kuala Lumpur

24 giờ ở Brunei (tiếp)

brunei48.jpg

Tượng đài biểu tượng của làng nổi Kampong Ayer bên bờ sông Brunei.

Đây là quà tặng của quốc dân Brunei tặng quốc vương nhân ngày sinh nhật của ông. Trên tấm biển gần tượng đài có ghi rõ như vậy PP à.
 
Ngày 5: Putrajaya

@trekasia: Cảm ơn bạn đã bổ sung giúp :). PeterPan có thấy tấm biển nhưng không đọc được. Vì thấy nó ở gần làng nổi nên mới đoán như đã ghi dưới ảnh. Vừa rồi xem lại ảnh chụp tấm biển toàn chữ Brunei thì có thấy đề tên vị Quốc vương Hassanal Bolkiah, có lẽ bạn nói đúng.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ghé thăm Putrajaya

Theo lịch trình ban đầu, chúng tôi sẽ dành ngày thứ 5 của chuyến đi để khám phá cao nguyên Genting. Tuy nhiên, sau khi từ Brunei về lại Kuala Lumpur, cả nhóm quyết định đổi thành đi Putrajaya trước để tránh dòng người ùn ùn đổ về Genting nhân dịp nghỉ lễ Deepavali - một ngày lễ lớn của người Malaysia.

Từ bến KL Sentral, PeterPan mua vé 9,5 RM để đi KLIA Transit tới Putrajaya. KLIA Transit là loại hình tàu cao tốc chạy tuyến KL Sentral tới sân bay quốc tế Kuala Lumpur (KLIA), trên đường sẽ dừng ở 3 bến lần lượt là Bandar Tasik Selatan, Putrajaya và Salak Tinggi. KLIA Transit ở chung line với KLIA Ekspres, loại hình tàu cao tốc chạy thẳng tuyến KL Sentral tới sân bay quốc tế Kuala Lumpur và không dừng ở ga nào. Vì thế, trên bản đồ hệ thống giao thông công cộng của Kuala Lumpur, 2 loại hình này được ghi chung và có chung màu line với tên gọi KLIA Ekspres/Transit.

Putrajaya cách Kuala Lumpur khoảng 25 km nhưng chúng tôi hầu như không kịp nhận ra khoảng cách ấy bởi tàu chạy quá... nhanh. Chỉ kịp nói vài câu chuyện không đầu không cuối thì đã thấy tàu vào tới bến Putrajaya Sentral.

putrajaya5.jpg

Bản đồ Putrajaya. Nguồn: Google.

Được khởi công xây dựng từ năm 1995 và cơ bản hoàn thành 6 năm sau đó, Putrajaya là trung tâm hành chính liên bang mới của Malaysia (tên thành phố được lấy theo tên của vị Thủ tướng đầu tiên, Tunku Abdul Rahman Putra). Nếu Kuala Lumpur gắn liền với bề dày lịch sử của Malaysia thì Putrajaya chính là hình ảnh đại diện cho một nước Malaysia hiện đại và mới mẻ.

Nếu bạn tới Putrajaya vào thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần, bạn sẽ có cơ hội được tham gia vào tour tham quan miễn phí với lịch trình lần lượt đi qua các công trình nổi bật của thành phố như phủ Thủ tướng, nhà thờ Hồi giáo Putra, công viên Putra Perdana, cầu Bakti, công viên Warisan Pertanian, trung tâm hội nghị quốc tế Putrajaya, đại lộ Perdana, cầu Wawasan, dinh Thủ tướng và vườn bách thảo. PeterPan tới đây vào thứ Sáu nên không đi tour miễn phí kể trên được.

Nếu bạn tới Putrajaya vào ngày thường giống như PeterPan, bạn sẽ có 2 lựa chọn để di chuyển trong thành phố này đó là đi taxi và đi xe buýt. Taxi ở Putrajaya khá hiếm hoi và chỉ tập trung nhiều ở bến Putrajaya Sentral, trung tâm mua sắm Alamanda hay khu quảng trường trung tâm Putra. Bởi vậy, PeterPan chọn xe buýt vì vừa rẻ (chỉ 0,5 RM/người/lượt) lại vừa tiện (xe buýt chạy liên tục và hầu như không có cảnh chen chúc ở trên xe).

Từ bến Putrajaya Sentral, bạn lên các xe buýt đi thẳng vào khu quảng trường trung tâm và bắt đầu chuyến tham quan từ đây. Nhất thời PeterPan không nhớ chính xác số của các xe buýt chạy thẳng tuyến Putrajaya Sentral tới quảng trường Putra nên sẽ cập nhật sau. Bạn cũng có thể hỏi được thông tin này từ quầy thông tin du lịch ở ngay lối ra của bến Putrajaya Sentral.

5256211363_7f1e6b8961_b.jpg

Quảng trường trung tâm Putra, tấm hình chắc sẽ đẹp hơn nếu vòng tròn trung tâm không bị quây lại làm công trường. Kiến trúc lớn bên trái là nhà thờ Hồi giáo Putra, kiến trúc lớn còn lại là phủ Thủ tướng Malaysia.
 
Last edited:
Ngày 5: Putrajaya

Ghé thăm Putrajaya (tiếp)

Với 38% diện tích được dành cho cây cối và hồ nước, Putrajaya thực sự là một thành phố xanh. Cả thành phố giống như một công viên với những cảnh quan mát mắt. Những khối bê tông trở nên mềm mại hơn khi nằm xen kẽ trong những mảng màu xanh. Không chỉ xanh, Putrajaya còn rất sạch. Có cảm giác nhân viên môi trường đô thị ở Putrajaya còn... đông hơn người dân.

putrajaya6.jpg

Phủ Thủ tướng được lấp đầy bởi những mảng xanh.

putrajaya8.jpg

Những hàng cây như thế này là hình ảnh quen thuộc ở Putrajaya.

putrajaya10.jpg

Một công nhân đang... thổi lá. Anh ta tỉ mỉ đến nỗi ngay cả lá rơi trên thảm cỏ cũng được thổi sạch bằng chiếc máy thổi cực mạnh chứ chưa nói đến lá rơi trên đường đi.

putrajaya11.jpg

Đất lành, ... thằn lằn đậu.

putrajaya9.jpg

Một trung tâm hành chính mang dáng dấp của một công viên lớn.

5271650106_bcc62582b1_b.jpg

Một góc thành phố xanh Putrajaya, thấp thoáng phía xa là tòa tháp và mái vòm của nhà thờ Hồi giáo Putra.
 
Ngày 5: Putrajaya

Ghé thăm Putrajaya (tiếp)

Nhà thờ Hồi giáo Putra

Ở vị trí trung tâm của thành phố xanh, nhà thờ Hồi giáo Putra và quảng trường cùng tên chính là trái tim của Putrajaya. Quảng trường thì đã bị quây kín nên PeterPan không có cách nào vào tham quan, đành hài lòng với việc ghé vào nhà thờ Hồi giáo Putra. Chỉ hơi tiếc một chút vì đã tới đây trễ khoảng 10 phút, nếu không đã kịp giờ tham quan dành cho người không theo đạo Hồi.

Nhà thờ Putra là một công trình nguy nga, tráng lệ và nổi bật với những mái vòm bằng đá granite có hoa văn trang trí màu hồng. Tòa kiến trúc tôn giáo này có thể là nơi cầu nguyện của 15.000 người cùng lúc - tức là bằng khoảng 1/2 dân số của thành phố. Mang những đường nét gợi nhớ đến nhà thờ Hồi giáo King Hassan ở Morocco (Ma Rốc), nhà thờ Hồi giáo Putra bao gồm 3 phần chính là điện cầu nguyện, khoảng sân lớn còn được gọi là Sahn và hệ thống những phòng chức năng được lắp các trang thiết bị phục vụ việc học tập của những người theo đạo Hồi.

Điểm nhấn kiến trúc của nhà thờ này là tòa tháp cao 116 m. Mang ảnh hưởng từ kiến trúc của nhà thờ Hồi giáo Sheikh Omar ở Baghdad (Iraq), tòa tháp 5 tầng (tượng trưng cho 5 cột trụ của đạo Hồi) chính là công trình đạt độ cao lớn nhất ở Putrajaya.

Với những du khách lần đầu tới Putrajaya, nhà thờ Hồi giáo Putra là một điểm tham quan không thể bỏ qua.

putrajaya7.jpg

Nhà thờ Hồi giáo Putra.

putrajaya13.jpg

Tòa tháp cao 116 m.

putrajaya14.jpg

Cổng chính dẫn vào nhà thờ.

putrajaya15.jpg

Vòm cổng hoành tráng.

putrajaya16.jpg

Các ngày trong tuần từ thứ Bảy tới thứ Năm, lịch tham quan của người không theo đạo Hồi là 09h00 - 12h30, 14h00 - 16h00 và 17h30 - 18h00. Riêng thứ Sáu sẽ chỉ có 2 khung giờ 15h00 - 16h00 và 17h30 - 18h00.

putrajaya17.jpg

Điện cầu nguyện ở ngay trước mặt mà không thể vào được, thật đáng tiếc...

putrajaya18.jpg

Hẹn 1 lần khác vậy!
 
Ngày 5: Putrajaya

Ghé thăm Putrajaya (tiếp)

Thành phố Putrajaya được chia làm 20 khu (precinct) rải rác quanh hồ nước cùng tên và để tạo nên mạng lưới giao thông thuận tiện giữa những khu vực quanh một mặt nước có diện tích 650 ha, người ta đã xây những cây cầu không chỉ kiên cố mà còn có giá trị thẩm mỹ cao.

Cây cầu đáng chú ý đầu tiên là cầu Putra. Nối liền khu 1 và khu 2 của thành phố, cây cầu dài 435 m này chính là phần quan trọng trên con đường nối liền quảng trường trung tâm Putra và đại lộ Perdana - đại lộ dài nhất của thành phố Putrajaya. Cầu Putra có thiết kế 2 tầng và được lấy cảm hứng từ cây cầu nổi tiếng Khaju ở Isfahan, Iran. Điểm thu hút đặt biệt nhất của cây cầu này là 4 trụ cầu hình bát giác được thiết kế đồng thời là những đài quan sát để từ đó có thể ngắm cảnh hồ Putrajaya.

putrajaya19.jpg

Cầu Putra.

putrajaya22.jpg

Gần hơn 1 chút.

putrajaya23.jpg

Từ cầu Putra tới nhà thờ cùng tên chỉ mất vài phút đi bộ.

Cây cầu độc đáo thứ hai mang tên Seri Wawasan. Nằm ở phía Tây của thành phố Putrajaya, cầu Seri Wawasan là nét gạch nối liền khu 2 và khu 8. Đây là một trong số những cây cầu dây cáp đẹp nhất Malaysia hiện nay và cũng được xây dựng bằng công nghệ tiên tiến bậc nhất. Toàn bộ kiến trúc của cây cầu làm toát lên hình ảnh của một chiếc thuyền buồm đang lướt băng băng trên sóng nước nhờ những cơn gió lớn thổi trên hồ Putrajaya.

putrajaya21.jpg

Cây cầu Seri Wawasan độc đáo.

Không có kiến trúc độc đáo bằng 2 cây cầu kể trên nhưng cầu Seri Bakti nối liền khu 1 và khu 16 cũng đáng được nhắc tới. Cây cầu dài 270 m này có những trạm nghỉ được thiết kế theo kiến trúc đạo Hồi và đó thực sự là những nơi trú ẩn quí giá của PeterPan và các bạn trên đường đi tới quán ăn trong cái nắng vỡ đầu lúc giữa trưa.

putrajaya20.jpg

Cầu Seri Bakti trong góc nhìn thẳng...

putrajaya24.jpg

... và góc nhìn từ xa.
 
Last edited:
Ngày 5: Putrajaya

Mua vé đi Malacca

Chuyến dạo chơi Putrajaya khiến chúng tôi mất sức nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng trước khi tới đây. Đi giữa thành phố rộng lớn trong cái nắng như đổ lửa và lại thêm sự cộng dồn của cả mấy ngày trước đó nữa nên mọi người đều cảm thấy khá mệt mỏi. Sẽ càng phá sức nếu cố đi cao nguyên Genting trong ngày tiếp theo (ngày cao điểm của dịp nghỉ lễ Deepavali) nên tất cả thống nhất sẽ bỏ điểm đến này khỏi lịch trình. Ngày thứ sáu trong hành trình sẽ là một ngày nghỉ ngơi và tự do dạo chơi quanh Kuala Lumpur để chiều tối cả đoàn sẽ tới Malacca - một điểm đến thú vị của chuyến đi lần này.

Nhưng vé xe đi Malacca không có bán tại KL Sentral và đó là lý do khiến PeterPan có 1 buổi tối đánh vật với các line tàu của Kuala Lumpur.

Kuala-Lumpur-Transit-Map.gif


Để mua vé xe Kuala Lumpur - Malacca (Melaka), bạn phải tới bến Bukit Jalil (ở ngay gần sân vận động khổng lồ cùng tên - nơi đội tuyển Việt Nam của chúng ta mới đây đã thúc thủ 0-2 trước đội chủ nhà Malaysia). Cách đi như sau (theo hình vẽ ở trên):

- Từ KL Sentral, bạn đi line màu xanh lá cây Kelana Jaya (còn có tên khác là line Putra) tới bến trung chuyển Majid Jamek (đoạn này PeterPan lên nhầm tàu nên thay vì tới bến Masjid Jamek trong chốc lát thì lại bị đi ngược về bến cuối Kelana Jaya, kết quả là lại mất công xuống tàu để vòng lại). Sau đó, bạn đổi qua line màu vàng Ampang/Sri Petalling (còn có tên khác là line Star, các nhân viên quầy Tourist Information ở KL Sentral hướng dẫn PeterPan theo tên này). Tới bến trung chuyển Chan Sow Lin, bạn xuống tàu và đây là điểm bạn cần chú ý nhất. Tàu chạy trên line Star có đặc điểm là sẽ hiện tên bến cuối ở bảng điện tử trên toa đầu máy và bạn chỉ cần căn theo điều này để bắt cho đúng tàu bạn cần lên. Ví dụ, bạn cần tới Bukit Jalil thì phải bắt tàu có dòng chữ Sri Petalling vì tàu này chạy tới bến cuối là Sri Petalling và trên đường có chạy qua bến Bukit Jalil. Những điều này đều có thể nhìn ra rất dễ dàng trên bản đồ nhưng để theo đó đi cho đúng ngay lần đầu tiên thì e rằng không phải ai cũng làm được ngay. PeterPan chính là một ví dụ như thế. Trước khi nhận ra cách nhận biết đơn giản để đi cho đúng tàu, PeterPan mất khá nhiều thời gian để hỏi thăm người dân bản địa. Cuối cùng thì cũng đến nơi sau khi khá mất thời gian, âu cũng là một kinh nghiệm.

- Một cách khác để đi từ KL Sentral tới Bukit Jalil là bạn mua vé KLIA Transit để đi line màu đen KLIA Eksres/KLIA Transit. Khi đi tới bến trung chuyển Bandar Tasik Selatan thì xuống tàu để đổi qua line màu vàng Star như đã nói ở trên. Ưu điểm của các này là nhanh và đỡ phức tạp hơn nhưng đồng thời cũng đắt hơn (do vé tàu cao tốc KLIA Transit đắt hơn vé tàu thường). PeterPan và các bạn đáng ra đã có thể tận dụng chiều về từ Putrajaya để ghé qua Bukik Jalil theo cách này nhưng khi đó tất cả đều mệt phờ nên chỉ nhận ra khi đã về tới khách sạn :D.

- Cách thứ 3 để đi từ KL Sentral tới Bukit Jalil là mua vé line màu xanh nước biển KTM Serenbang - Rawang, tới bến trung chuyển Bandar Tasik Selatan thì xuống tàu để đổi qua line màu vàng Star.

Vé Kuala Lumpur - Malacca ở thời điểm PeterPan đi có giá là 13 RM/người. Xe rất sẵn vì có rất nhiều hãng xe với nhiều đầu xe chạy liên tiếp trong ngày. Bạn chỉ cần bước chân vào bến Bukit Jalil là sẽ có ngay vài bạn "cò" tiếp cận để chào mời. Bạn cứ theo chân họ vào khu vực bán vé để khảo giá, tuy nhiên, PeterPan thấy rằng không có chênh lệch về giá giữa các đại lý. Bạn tiện chân tới đại lý nào thì mua ở đó luôn cũng được.

Tối hôm đó là tối cuối cùng của chúng tôi tại Kuala Lumpur. Cả đoàn ăn tối khi đã gần nửa.... đêm rồi quáng quàng dạo phố đêm Chinatown để chọn vội vài món đồ lưu niệm nhỏ cho người ở nhà. Ngày mai chúng tôi sẽ tới Malacca - thành phố Di sản Thế giới theo đánh giá của UNESCO.
 
Last edited:
Ngày 6: Kuala Lumpur - Malacca

Một vòng Kuala Lumpur bằng xe hop-on hop-off

Chỉ còn 1 buổi sáng để khám phá nốt Kuala Lumpur, PeterPan quyết định đi 1 vòng thành phố này bằng xe hop-on hop-off. Đây là một loại hình xe tour du lịch trọn gói khá thú vị và phù hợp với những người tham lam kiểu như... PeterPan. Một vòng khép kín của tour tham quan Kuala Lumpur bằng xe buýt 2 tầng hop-on hop-off có tổng cộng 22 bến, đi qua 42 điểm nổi bật của thành phố và khoảng 100 khách sạn nổi tiếng khác nhau. Nói chung, nếu chọn xe hop-on hop-off, du khách sẽ có một cách đơn giản và thuận tiện để có một cái nhìn khái quát về thủ đô Kuala Lumpur.


Bản đồ tour du lịch bằng xe hop-on hop-off (click vào ảnh để xem kích thước gốc).

Vé xe hop-on hop-off là 38 RM/người lớn, 17 RM/trẻ em và... sinh viên. Tất nhiên, PeterPan có "thẻ sinh viên quốc tế" nên mua được vé với giá 17 RM. Chỉ cần lên xe, chìa thẻ ra cho nhân viên soát vé, bạn ấy liếc nhìn trong giây lát rồi mỉm cười bán vé, dễ hơn ăn kẹo và tiết kiệm được 21 RM (khoảng 55%). Vé này có giá trị trong vòng 24 giờ. Ví dụ: PeterPan mua vé lúc 10 giờ sáng hôm nay thì 10 giờ sáng hôm sau vé sẽ hết hạn.

Nếu chọn ghế ngồi trong xe, bạn có thể sử dụng các tai nghe đặt ở trước mặt để nghe thuyết minh về các địa điểm nổi tiếng của Kuala Lumpur. Trên xe cũng có sẵn wifi miễn phí nếu bạn đột nhiên muốn hỏi Google hoặc Wikipedia về những điểm đến trong hành trình. Nếu chọn ghế ngồi ngoài trời, bạn sẽ có view rộng để ngắm nhìn đường phố Kuala Lumpur. Hôm đó là một ngày mát trời và PeterPan chẳng mất nhiều thời gian để chọn ghế ngồi ngoài trời ở tầng 2 phía đuôi xe.

Trong hơn 3 tiếng dạo chơi bằng xe hop-on hop-off, PeterPan kịp đi hết 17/22 bến của hành trình. PeterPan đã tới một số điểm tham quan trong hành trình trong những ngày đầu ở Kuala Lumpur nên chuyến đi dạo quanh thành phố bằng xe hop-on hop-off giống như một chuyến tổng kết nốt những điểm còn sót. Cũng là một cách hay để giết thời gian trong khi chờ tới giờ ra bến Bukit Jalili để đi Malacca - điểm đến thú vị tiếp theo của hành trình tới 4 nước Đông Nam Á lần này của PeterPan.

klhoponhopoff2.jpg

Sau khi ghé qua SVĐ Merdeka, PeterPan bắt monorail để đi ra KLCC rồi từ đó bắt đầu tour hop-on hop-off.

klhoponhopoff3.jpg

Một cái ảnh hơi lạc đề một chút được chụp gần KLCC: sạp báo bên đường, người mua tự lấy báo rồi để lại tiền, miễn bình luận và so sánh :-D.

klhoponhopoff5.jpg

Một chiếc xe buýt 2 tầng của tour hop-on hop-off.

klhoponhopoff4.jpg

Chuyến khám phá một vòng Kuala Lumpur bằng hop-on hop-off bắt đầu...
 
Ngày 6: Kuala Lumpur - Malacca

Một vòng Kuala Lumpur bằng xe hop-on hop-off (tiếp)

Hop-on hop-off nôm na có nghĩa là đi lên, đi xuống. Suốt hành trình xe chạy qua 22 bến, du khách có thể lên xuống bao nhiêu lần cũng được, miễn là vẫn trong thời hạn 24 giờ hiệu lực của tấm vé. PeterPan thì chỉ ngồi trên xe ngắm cảnh là chính, các bến ứng với các điểm tham quan nổi bật của Kuala Lumpur cứ dần dần trôi qua.

klhoponhopoff9.jpg

1. Tháp đôi Petronas (bến 1) và Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur (bến 4).
2. Tháp Kuala Lumpur (bến 2).
3. Trung tâm văn hóa nghề thủ công (bến 5).
4. Tòa nhà tổ hợp Dayabumi (gần Chinatown).
5. Chinatown (bến 8).
6. Hoàng cung Malaysia (bến 10).
7. Khách sạn 5 sao Hilton và Le Meridien (đối diện KL Sentral, bến 11).
8. Bảo tàng Quốc gia Malaysia (bến 12).
9. Vườn lan Kuala Lumpur và vườn chim Kuala Lumpur (bến 14).
10. Nhà thờ Thánh Andrews (gần Chinatown).
11. Dòng chữ Malaysia - Kuala Lumpur kết bằng hoa ở gần Bảo tàng Quốc gia.
12. Ga xe lửa Kuala Lumpur (bến 15).


Trong suốt tour đi ngắm cảnh Kuala Lumpur trên chiếc xe buýt 2 tầng, PeterPan chỉ có 2 lần xuống xe. Lần đầu là ở bến 2 tại tháp Kuala Lumpur để vào hỏi tung tích chiếc chân máy ảnh để quên ở đây từ ngày thứ 2 của hành trình (đáng tiếc là nó đã bật vô âm tín, nhắc đến lại thấy xót ruột) và lần thứ hai là ở bến 16 tại nhà thờ Hồi giáo quốc gia.

So với các nhà thờ Hồi giáo lớn ở Brunei hay nhà thờ Hồi giáo Putra ở Putrajaya, nhà thờ Hồi giáo quốc gia Malaysia chỉ là một cái bóng mờ nhạt. Nó kém hẳn về độ hoành tráng, sự lộng lẫy hay đơn giản nhất là về vị trí đắc địa. Tuy nhiên, nó lại có giá trị lịch sử không thể thay thế trong đời sống tôn giáo của Malaysia - một đất nước có 60,4% dân số theo đạo Hồi.

Tọa lạc giữa một khu đất rộng 53.000 m2, nhà thờ Hồi giáo quốc gia Malaysia có thể là nơi cầu nguyện của 15.000 người cùng một thời điểm. Sau khi được thiết kế bởi bộ ba kiến trúc sư Howard Ashley (Anh), Hisham Albakri (Malaysia) và Baharuddin Kassim (Malaysia), nhà thờ này được khởi công xây dựng vào năm 1965 trên nền cũ của nhà thờ Venning Road Brethren Gospel Hall. Đây là một công trình mang những đường nét kiến trúc hiện đại và mang tính biểu tượng cao cho một đất nước mới giành được độc lập trước đó 8 năm.

Điểm nhấn của nhà thờ này là tòa tháp cao 73 m và phần mái có dạng ngôi sao 18 cánh của khu điện cầu nguyện. Người ta nói rằng nếu mái của khu điện cầu nguyện giống như một chiếc ô đang xòe ra thì tòa tháp ở bên cạnh lại giống một chiếc ô đã xếp lại, tất cả tạo nên một không gian tương phản. Nhiều người cũng cho rằng 18 cánh sao kể trên tượng trưng cho 13 bang của Malaysia và 5 cột trụ chính của đạo Hồi nhưng kiến trúc sư Hisham Albakri phủ nhận điều này.

Ban đầu, nhà thờ này được đề xuất mang tên Tunku Abdul Rahman Putra Al-Haj - vị thủ tướng đầu tiên của Malaysia (mà chính thành phố Putrajaya sau này được lấy theo tên của ông) - để ghi nhận những nỗ lực của vị cựu nguyên thủ này trong việc giành lại độc lập cho Malaysia. Tuy nhiên, Tunku đã từ chối vinh dự này và đặt tên nhà thờ là Masjid Negara (nhà thờ Hồi giáo quốc gia) để đánh dấu việc nhân dân Malaysia giành lại được độc lập mà không phải đổ máu.

klhoponhopoff10.jpg

Nhà thờ Hồi giáo quốc gia Malaysia.

klhoponhopoff11.jpg

Tòa tháp cao 73 m.

klhoponhopoff12.jpg

PeterPan rất có "duyên" với các khung giờ mà người không theo đạo Hồi không được vào phía trong các nhà thờ Hồi giáo.

klhoponhopoff13.jpg

Khoảng sân rộng của nhà thờ hướng ra tổ hợp Dayabumi, tháp Kuala Lumpur và tòa nhà trụ sở ngân hàng Maybank.

klhoponhopoff14.jpg

Toàn cảnh mặt tiền của nhà thờ Hồi giáo Malaysia.
 
Ngày 6: Kuala Lumpur - Malacca

Tạm biệt Kuala Lumpur

Rời nhà thờ Hồi giáo quốc gia, PeterPan cuốc bộ thẳng hướng bến Masjid Jamek để từ đó đi tàu theo line Kelana Jaya về bến Pasar Seni (Chinatown). Đoạn đường đi hết khoảng 1 giờ đồng hồ này lần lượt đi qua một số công trình đáng chú ý của Kuala Lumpur.

Đầu tiên là nhà ga xe lửa Kuala Lumpur. Được hoàn thành vào năm 1910, nhà ga này là đầu mối xe lửa lớn của thủ đô Kuala Lumpur trước khi bến trung tâm KL Sentral ra đời vào năm 2001. Đây là một công trình kiến trúc nổi bật với những đường nét pha trộn giữa phong cách phương Đông và phương Tây.

5288567658_a521f9bf59_b.jpg

Nhà ga xe lửa Kuala Lumpur.

Đối diện với nhà ga xe lửa Kuala Lumpur là tòa nhà trụ sở Đường sắt Malaysia - một công trình tiêu tốn tới 780.422 USD khi được hoàn tất vào tháng 11/1917. Cùng với công trình nhà ga xe lửa Kuala Lumpur, tòa nhà trụ sở Đường sắt Malaysia tạo nên một không gian kiến trúc rất đặc trưng.

railway2.jpg

Tòa nhà trụ sở Đường sắt Malaysia.

railway3.jpg

Một góc khác của tòa nhà.

Cách không xa nhà thờ Hồi giáo quốc gia, nhà ga xe lửa Kuala Lumpur và tòa nhà trụ sở Đường sắt Malaysia là tòa nhà tổ hợp Dayabumi - một trong những cao ốc nhiều tuổi nhất tại Kuala Lumpur. Được thiết kế cách điệu theo hình ngôi sao tám cánh của đạo Hồi, tòa nhà này khiến du khách không khỏi trầm trồ vì vẻ đẹp vượt thời gian của nó.

dayabumi.jpg

Tòa nhà tổ hợp Dayabumi.

flag.jpg

Cột cờ Malaysia và bảo tàng may mặc Malaysia (góc phải khung hình).

flag2.jpg

Căn mãi mới được tấm hình quốc kỳ Malaysia tung bay trên nền trời xanh và mây trắng, giữa quảng trường Merdeka rộng lớn.

Trước khi về tới bến Masjid Jamek, PeterPan đi qua nhà thờ Hồi giáo Jamek - nhà thờ Hồi giáo lâu đời nhất tại thủ đô Kuala Lumpur. Nhà thờ Jamek nằm ở nơi hợp lưu của sông Klang và sông Gombak, nơi được tương truyền là có người sinh sống đầu tiên tại Kuala Lumpur. Trước khi có nhà thờ Hồi giáo quốc gia, nhà thờ Jamek là nhà thờ Hồi giáo chính của thủ đô Kuala Lumpur.

masjidjamek.jpg

Nhà thờ Hồi giáo Jamek.

Vậy là, sau 5 ngày lang thang Kuala Lumpur, Peter Pan sẽ tạm biệt thành phố này để tới Malacca - một điểm đến thú vị khác. Hẹn gặp lại Kuala Lumpur trong chuyến ghé qua chớp nhoáng ở ngày cuối cùng của hành trình trước khi về Hà Nội.
 
Ngày 6: Kuala Lumpur - Malacca

Visit Malacca means visit Malaysia!

PeterPan và các bạn mất 1 tiếng để di chuyển từ bến Pasar Seni (Chinatown) tới bến Buki Jalil để lên xe khách đi Malacca. Chúng tôi có vé khởi hành lúc 17h30, tuy nhiên, do ra sớm và kịp lên xe chuyến 16h30 nên chúng tôi được nhà xe ưu tiên cho đi sớm hơn 1 tiếng đồng hồ so với dự kiến. Thật là quá tiện, nhất là khi chưa biết làm gì tại bến Bukit Jalil - một bến xe chỉ đáng xách dép cho bến trung tâm KL Sentral (hãy nghĩ về bến Giáp Bát hay Mỹ Đình của Hà Nội, bạn sẽ phần nào hình dung ra bến Bukit Jalil).

Nhưng đời không như là mơ và có mấy ai biết được hết chữ ngờ. Chúng tôi cứ nghĩ rằng được khởi hành sớm 1 tiếng đồng hồ thì sẽ đến Malacca sớm và có nhiều thời gian để dạo chơi tại đó nhưng sự thể thì ngược lại hoàn toàn. Xe chạy bon bon trên đường cao tốc và mọi chuyện diễn ra êm đẹp cho tới trước khi xe rẽ vào một bến nhỏ. Một số khách ngồi ở các hàng ghế đầu lục tục xuống xe và tai hại thay trong số đó có 2 người bạn của PeterPan. Chẳng hiểu họ trao đổi với tài xế thế nào mà khăng khăng khẳng định đã tới Malacca và nhất quyết xuống xe, báo hại PeterPan phải khuân đồ chạy theo để rồi 1 lúc sau phát hiện ra bến xe nhỏ này vẫn còn cách Malacca ngót nghét... 40 km.

Chúng tôi bất đắc dĩ bị chôn chân ở bến xe nhỏ đó trong hơn 1 giờ đồng hồ tiếp theo để đợi xe khách khác đi vào Malacca. Tuy nhiên, chiếc xe đó vẫn "bóng chim, tăm cá". Cuối cùng, cả đoàn quyết định thuê 1 chiếc taxi của một bạn tài xế người Malaysia có thân hình như một võ sĩ sumo (đến giờ PeterPan vẫn chưa thôi thắc mắc rằng làm thế nào bạn ý chui lọt vào cái taxi bé tí và cũ kỹ) sau khi trao đổi và nhận được sự tư vấn của 2 chị công nhân người Việt Nam vô tình gặp tại bến xép đó. May mà gặp 2 chị đồng hương nên sự chờ đợi cũng bớt mệt mỏi hơn. Hai chị vừa đi chợ về, tay xách nách mang, miệng không ngớt xuýt xoa vì làm việc ở Malaysia dễ kiếm tiền lắm, làm việc tay chân thôi mà tháng hơn chục triệu, đủ tiền dành dụm và gửi về cho gia đình.

40 km từ bến xép đó vào tới Malacca là một cung đường đẹp và nó phần nào giúp chúng tôi xua đi sự thất vọng vì một sự cố không đáng có khi lịch trình đang ngon trớn. Chiếc taxi khi thì chạy xen giữa những hàng cây hút tầm mắt, khi lại băng ngang những đồng cỏ, lúc lại rẽ qua những khu dân cư đông đúc. Đón chúng tôi trước cửa ngõ Malacca là một cảnh tượng khó quên: cầu vồng kép xuất hiện sau cơn mưa cuối chiều đẹp đến nao lòng mà tiếc thay tay máy run run của PeterPan chẳng kịp ghi lại thành một tấm ảnh rõ nét.

Khi trời vừa sập tối, PeterPan và các bạn vào tới thành phố Malacca. Điểm dừng chân đầu tiên là khu Chinatown - nơi PeterPan đã đặt trước hostel Ringo's Foyer qua mail. Hostel này có ông chủ người gốc Hoa nói tiếng Anh tốt và khá thân thiện. Nhưng (vâng, lại là nhưng), một chút ngúng nguẩy vớ vẩn vì phòng có phòng tắm đã hết, chỉ còn phòng phải dùng phòng tắm ở khu sử dụng chung khiến chúng tôi mất thêm thời gian tìm kiếm, để rồi khi trở lại Ringo's Foyer thì chỉ còn 1 phòng duy nhất. Thật may là sát cạnh Ringo's Foyer có hostel Kititto khá ổn và vẫn còn 1 phòng 3 giường, chúng tôi đành chia ra làm 2 nhóm, mỗi nhóm ở 1 hostel.

rainbowmalacca.jpg

Cầu vồng trước cửa ngõ Malacca.

ringofoyer.jpg

Hostel Ringo's Foyer.

kititto2.jpg

Hostel Kititto chỉ cách Ringo's Foyer vài số nhà. Chủ của hostel này là vợ chồng anh Ken, người gốc Hoa nói tiếng Anh tốt. Chiếc xe nhỏ trong khung hình là của vợ chồng Ken và anh ấy cũng dùng chính chiếc xe này để đưa chúng tôi ra bến Malacca Sentral trong buổi sáng thứ 8 của hành trình - một cử chỉ khiến PeterPan và các bạn rất cảm kích.

kititto.jpg

Hostel Kititto khá ấm cúng, điều kiện phòng cũng ổn, sạch sẽ, wifi miễn phí... Giá: 45 RM/phòng 3 giường, phòng tắm dùng chung (nhưng PeterPan không bao giờ phải xếp hàng cả :D).
Thông tin của Kititto như sau:
Địa chỉ: 50A, Jalan Portugis, 75200, Melaka.
Tel: (60) 6 281 1105
Mobile: (60) 16 366 4077
Email: [email protected]
Web: kititto.com


ringofoyer2.jpg

Chiếc xe của ông chủ hostel Ringo's Foyer và dòng chữ khẩu hiệu "Visit Malacca means visit Malaysia". "Du lịch Malacca là du lịch Malaysia", để thử xem sao...
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,074
Bài viết
1,173,487
Members
191,894
Latest member
Winecornerhanoi49
Back
Top