What's new

[Chia sẻ] Mongolia - thênh thang những con đường

Chuyến đi mới kết thúc hai ngày. Từ những thảo nguyên mênh mang, sa mạc hun hút, những mặt hồ rờn rợn, rơi về chốn thành phố khói bụi, thế là ốm luôn.

Chuyến đi này chắc sẽ không sâu nặng như Tibet, như Trung Đông, nhưng cũng tha thiết một nỗi nhớ về tự do trên những con đường dài mãi về phía trước.

Có những câu chuyện vui, có cả câu chuyện buồn, có những thảo nguyên xanh, và cả những hoang mạc cháy nắng, có những cơn mưa lạnh buốt, và những ngày oi bức.

Có những phút nhong nhong trên lưng ngựa, ê ẩm trên lưng lạc đà và cả vật vã trên chuyến xe lắc như điên băng qua những con đường đất gập ghềnh.

Có những đêm trăng sáng vằng vặc lạnh tê và có những đêm vọng từ xa về tiếng hát.

Có những mỏm núi trơ trọi và những cánh đồng ngập hoa.

Có những chiều tắm hồ và những ngày bụi đường đóng dầy trên tóc.

Có những phút lặng câm nghe thời gian trôi và có những lúc ngồi trầm ngâm nghe tiếng đọc kinh trong tu viện cổ.

Có những bữa ngon lành căng bụng và những lúc đói ngấu ngán ngẩm nhìn những món không sao nuốt nổi.

Có hương thơm hoa cỏ và mùi hôi gia súc, có vị béo ngậy thơm ngon của thịt nướng và vị gay gắt của món sữa ngựa chua....

Còn nhiều, còn nhiều nữa.
 
Last edited:
Thời tiết

Tháng 7, chuyến đi gặp nhiều dạng thời tiết khác nhau ở Mông Cổ.

Ở Ulaanbaatar ngày nắng nhưng có thể có mưa to đến cực to bất chợt, sau đó lại nắng to. Trong ba đêm ngủ thì 1 đêm lạnh phải đắp chăn, hai đêm bình thường.

Trong chuyến đi, nhiệt độ phụ thuộc hoàn toàn vào việc có nắng mặt trời hay không. Khi có nắng thì rất nóng, bức bối ngột ngạt. Nhưng chỉ cần đám mây che một lúc là lại thấy lành lạnh. Đêm thường gió và lạnh. Có đêm gió to thổi tốc cả tấm che nóc lều, nhiệt độ xuống thấp. Chúng tôi có mang túi ngủ nhưng loại vừa phải thì vẫn lạnh, trong khi các khu lều không phải lúc nào cũng đủ chăn.

Đêm sa mạc cũng vẫn hơi lạnh, dù ban ngày nóng thở hồng hộc. Khi đi lên phía Bắc thì các khu lều có lò sưởi đốt củi. Nhưng khi đốt lò (gỗ thông) lửa rực lên thì lại nóng quá, mà lửa mau tắt, khi tắt lại lạnh. Gỗ thông không để than nhiều.

Vì vậy việc mang theo túi ngủ là cần thiết, nên mang loại dày đủ ấm. Khi nóng thì dùng túi ngủ làm tấm trải, vì giường đệm tại các khu lều đều hầu như không bao giờ giặt.

Trong chuyến đi có lúc gặp cầu vồng gặp cả mưa đá nữa. Còn mưa thì thường xuyên. Có cơn mưa chỉ thoáng chốc nhưng cũng có cơn mưa dai dẳng mất hai ngày.

Cầu vồng sau mưa trên thảo nguyên (by Nheva)

10562600_10201502263352253_7091680031061202079_o.jpg
 
Di chuyển

Xe chạy đường trường như chúng tôi có thể là xe Nhật, Landcruise (ít người) nhưng thông thường nhất là loại xe van của Liên Xô. Đường sá MC chỉ có rất ít trục chính là đương nhựa, mà ngay cả đường nhựa thì cũng thỉnh thoảng chặn lại để sửa nên xe lại lao ra ngoài mà đi. Khi đó xe van phát huy tác dụng tốt, vừa nhanh vừa khỏe.

Tuy nhiên xe van lại có cái mệt là hai hàng ghế của nó quay vào nhau, nghĩa là sẽ có hai trường hợp: Hoặc là hai hàng ghế ngồi nhìn vào giữa xe, hoặc là một hàng nhìn lên phía trước như thông thường, và một hàng ghế nhìn ngược.

Chúng tôi đi hai xe, xe Nhật chở 6 người, trên đường nhựa thì ngon, đường thảo nguyên tự do thì luôn tụt lại sau khá xa so với xe van. Xe van 6 người + Oogii, trong đó Oogii ngồi ghế cạnh tài, 5 người ngồi xuôi chiều và 1 người ngồi ngược... là tôi.

Thực ra lúc đầu bạn Tú bé tí ngồi ngược, nhưng sau hơn 1 ngày thì không chịu được nên tôi ngồi vị trí đó các ngày còn lại. Đường xóc là tha hồ mà lắc và tiếng hò reo vang lên rầm trời.

Hai chiếc xe trên con đường "một trăm làn", thích chạy làn nào thì chạy:

14772699061_87b8d2163a_c.jpg
 
Đồ ăn

Món "quốc hồn quốc túy" của Mông Cổ mà chúng tôi được biết suốt chặng đường, được Oogii nói là: "everywhere, every time" là một loại bánh bột giống như bánh gối. Bên ngoài là một lớp bột tròn dày cán ra, không có bột nở, ở giữa bỏ thịt cừu xắt như kiểu hột lựu, đúng ra là thái sơ sơ, thêm chút muối, chập nửa lởp bột vào thành hình bán nguyệt rồi bỏ vào rán. Món này ngày đầu tiên háo hức ăn lắm, ngày thứ hai cũng thấy OK, dù lặc lè hơn. Đến ngày thứ ba, thứ tư, rồi thứ sáu, thứ bảy... cơ số ngày, ở đâu đâu cũng thấy, thì phát sợ.

Những ngày sau dặn đi dặn lại là tránh món quốc hồn quốc túy đó ra, trong khi các bạn lái xe mỗi bữa chén ít nhất là 4 cái.

Như vậy thịt cừu, thịt dê, thịt lạc đà, thịt ngựa có rất nhiều ở Mông Cổ. Xuống phía Nam thì không có thịt bò, lên phía Bắc mới có, khiến cho những người không quen nổi với mùi hoi của các loại thịt kia thật là khổ sở. Mà trên đường đi không dùng gia vị nào khác ngoài muối, cũng như cách chế biến của họ hết sức sơ khai và du mục, nên món ăn ngày càng trở nên vất vả với nhiều người trong đoàn, và đành quay lại với truyền thống mỳ gói của dân tộc.

Nói riêng là tôi rất dễ ăn, nên bữa nào cũng chén sạch khẩu phần của mình do Oogii làm, và thường chén thêm từ 1/2 đến hơn 1 khẩu phần của người khác nữa. Số mỳ gói, cháo ăn liền, phở của tôi còn nguyên cho đến ngày về. Tôi thấy ăn được, và nhiều món ngon nữa !!!

Những món như rượu sữa ngựa, sữa chua, trà sữa, thịt nướng đá,... thì từ từ kể sau nhá.
 
Đặc sản

Một đặc sản mà chắc chắn ai đi MC cũng phải thưởng thức vài lần, đó là CỘC ĐẦU.

Dù cao, dù thấp, dù béo, dù gầy, dù khó tính hay dễ tính, dù cẩn thận hay hậu đậu, thì rồi bạn cũng sẽ bị cộc đầu khi ở MC.

Bạn sẽ ở lều tròn, mà người MC goi là GER (phát âm là Ghia-r), lều này có ở khắp mọi nơi. Ngay ở thành phố thì nếu ngôi nhà có đất, họ cũng sẽ dựng ger ở sân. Nhà trọ thì trên thượng cũng là ger. Trong tu viện, ngoài vỉa hè, quán bán hàng... đều là ger. Đây là tinh hoa truyền thống ngàn đời của MC.

Mà ger thì dù to, dù bé, dù cao, dù thấp, thì cái cửa cũng đều thấp cả. Và thế là kiểu gì bạn cũng phải cúi đầu thật thấp khi bước vào. Cúi trước, cúi sau, bạn kiểu gì cũng có lúc cộc đầu đánh cộp và nhăn nhó kêu um lên rằng: "Rõ ràng đã để ý rồi mà sao vẫn cộc" !!! Có lúc cúi đầu thật sâu, bước qua cửa rồi vẫn cộc, vì mái lều thấp. Có lúc cộc vì khi ngẩng lên lại đập ra sau.

Thậm chí khi ở nhà trọ, không ở lều, có phòng rồi - vẫn cộc ! Vì cái cửa thấp quá.

Tóm lại: Cộc đầu là một đặc sản nữa của MC.

14775871905_ec9558326a_c.jpg
 
Tuyệt vời quá. Hóng bác kể tiếp :D

( em hỏi ko liên quan lắm, nhưng bác chụp bằng combo j mà ảnh đẹp & trong thế ạ? :D )
 
Quốc gia Mông Cổ

Quốc gia Mông Cổ ngày nay thì biên giới rất rõ ràng. Nhưng trong quá khứ thì không như vậy. Vùng thảo nguyên mênh mông là quê hương của những người du mục với các đội quân thiện chiến. Vó ngựa của họ đến đâu thì lãnh địa của họ đến đó, nên không có biên giới cương thổ rõ ràng.

Từ trước Công nguyên, những bộ lạc du mục gọi chung là Hung Nô đã quy tụ dưới trướng của các vị vua mà sử Trung Quốc gọi là Thiền Vu. Hung Nô chính là tổ tiên của người Mông Cổ ngày nay, lãnh địa không cố định mà thay đổi liên tục tùy theo sức bành trướng của họ. Họ không định cư, không xây dựng thành phố, nên khó mà nói biên giới họ ở đâu. Từ thời Chiến Quốc đến Tần Thủy Hoàng và về sau, Trung Quốc đã phải xây dựng Trường thành để ngăn họ, nên người Mông Cổ cho rằng thời Hung Nô biên giới của họ đến tận Trường thành.

Tuy nhiên khi TQ mạnh thì họ tiến đánh Hung Nô. Vị Thiền Vu nổi tiếng nhất là Attila, khi bị Hán đánh, ông đã quay sang phía Tây và đánh đến tận châu Âu, đánh phá đế quốc La Mã, tiến đánh cả Rome, trở thành "sự trừng phạt của Chúa" đối với người phương Tây, và cơn ác mộng mà ông gieo rắc ở châu Âu còn mãi đến vài trăm năm sau.

Sau thời Hung Nô, người Mông Cổ không thống nhất dưới quyền lực chung. Đến thế kỷ 13, vị vua vĩ đại nhất đã tập hợp các bộ lạc và hình thành đế quốc Mông Cổ: CHINGGIS KHAN (Gengis Khan - Thành Cát Tư Hãn). Từ đế quốc của Chinggis Khan về phía Tây đã có các vương quốc sát châu Âu, về phía Đông có đế quốc Nguyên, và hậu duệ về phía Nam là đế quốc Mogul ở Ấn Độ.

Sau thời Mông - Nguyên, Mông Cổ suy yếu và lần lượt nằm dưới tay các thế lực của Trung Quốc, Mãn Thanh cho đến khi độc lập năm 1945 sau Thế chiến 2.

Lịch sử Mông Cổ đan xen nhưng không phức tạp quá, chỉ có lãnh thổ là cả câu chuyện rất dài. Với người Mông Cổ ngày nay thì đất nước của họ nhỏ hơn những gì họ đã có rất nhiều. Phần Mông Cổ do Trung Quốc giữ (kế thừa Mãn Thanh) mà TQ gọi là Nội Mông rộng gần bằng Mông Cổ bây giờ. Người Mông Cổ do đó ác cảm với người TQ và luôn cho rằng họ đã mất quá nhiều đất vào tay TQ.

Chinggis Khan, vị Đại hãn vĩ đại. Người Mông Cổ không thờ tổ tiên nhưng luôn có tranh vẽ Chinggis Khan trong nhà hoặc lều.

14772690101_175c530e1f_c.jpg
 
Last edited:
( em hỏi ko liên quan lắm, nhưng bác chụp bằng combo j mà ảnh đẹp & trong thế ạ? :D )

Tôi dùng Canon G16, loại PnS thôi.

Nhờ thế mà đoạn cưỡi ngựa chụp được cho mọi người khá nhiều, chứ những ai máy móc to lúc đó xoay xở vất vả cả.
 
Tôn giáo văn hóa

Có bản chất du mục, người Mông Cổ không có tôn giáo đặc thù của riêng mình. Khi có người chết họ để xác ngoài đồng cho kền kền ăn, không cần mộ chí, không thờ cúng tổ tiên gì cả. Ngày nay họ đã chôn và làm bia, nhưng cũng rất đơn giản.

Thời Chinggis Khan, ông đã từng gọi các vị Lama từ Tibet, các Đạo sĩ từ TQ đến để tìm hiểu. Về sau Mông Cổ chấp nhận Phật giáo Mật tông Tây Tạng là quốc giáo của mình. Đặc biệt thời Mãn Thanh cai trị Mông Cổ, các vua Mãn Thanh theo Phật giáo Mật tông nên toàn đất Mông Cổ lập ra rất nhiều tu viện theo kiểu Tibet, dùng kinh sách chữ Tibet bên cạnh chữ Mông Cổ / Mãn Châu.

Thời Mông Cổ do Liên Xô (Stalin) cai trị, những năm 1930 - 1940, khoảng 700 tu viện bị phá hủy, hàng vạn lama bị giết, bị đuổi, chỉ còn sót lại 3 tu viện, một ở Ulaanbaatar, một ở cố đô Kharkhorin, một ở phía Bắc. Gần đây các tu viện mới được khôi phục lại một phần. Hiện nay một nửa dân Mông Cổ theo Phật giáo Tây Tạng.

Trước khi Liên Xô tiêu diệt, Phật giáo Mông Cổ có một vị lãnh đạo tinh thần tối cao, tương tự như Dalai Lama (nhưng thấp hơn Dalai Lama), truyền được 8 đời thì chấm dứt, luôn được tôn sùng tương tự như vua và giáo chủ. Hiện nay các tu viện tại Mông Cổ thờ ảnh Dalai Lama 14 cùng các vị lãnh đạo tôn giáo của mình.

14589365547_6ecfc67dea_c.jpg
 
Thành phố

Mông Cổ hiện nay có gần 3 triệu dân nhưng đến hơn 1,2 triệu sống ở Ulaabaatar, chiếm 40%. Thành phố lớn thứ hai có 110 nghìn dân, thứ ba có 70 nghìn dân. Khoảng một nửa sống du mục khắp các vùng đất đai mênh mông.

Ulaanbaatar tương đối phát triển. Các thành phố khác cũng chỉ có vài thành phố có khu nhà cao tầng. Trong các khu nhà cao tầng có nhiều khu 5 tầng kiểu XHCN phong cách Liên Xô rõ nét. Ngoài ra dân thành phố sống trong các ngôi nhà 1 - 2 tầng mái dốc trải rất rộng theo các triền đồi. Điều thú vị là các ngôi nhà này có mái màu sắc rất sặc sỡ. Họ chọn các màu xanh đỏ tím vàng khác nhau đan xen, tạo thành một bức tranh vui mắt rất riêng. Rất nhiều những ngôi nhà như thế vẫn có các lều tròn (ger) ngay trong sân. Các nhà này không có hệ thống dẫn nước, mà mua nước từ xe bồn. Vì vậy nhà WC nằm bên ngoài và cách càng xa nhà chính càng tốt.

Thành phố Erdenet, thành phố lớn thứ ba ở Mông Cổ

14752846306_e3a4e5d204_c.jpg
 
Cuộc sống du mục

Những người Mông Cổ ở thành phố đã dần quen với cuộc sống định cư, rất khác biệt với những người du mục.

Những gia đình du mục có điều kiện thường cũng có một ngôi nhà ở các thị trấn. Các thị trấn này rải rác khắp nơi, thường có khoảng 1 - 2 trăm nóc nhà. Các nhà này là sở hữu riêng. Tuy nhiên nhà này chỉ là nơi họ trở về vào các dịp tụ họp, lễ hội. Chủ yếu thời gian họ lùa bầy gia súc đi các vùng thảo nguyên để chăn thả, và dựng lều giữa các nơi đó để trông gia súc. Trẻ con ở thị trấn đi học, cuối tuần thì đến lều cùng cha mẹ. Trai gái quen nhau ở thị trấn để nên đôi, chứ còn các lều trại thì cách nhau cả chục km.

Với thảo nguyên mênh mông, người Mông Cổ không có khái niệm sở hữu. Gia đình nào lùa gia súc đến nơi chưa có đàn nào khác thì ở lại đó. Không có sở hữu đất ở đây, nhưng có những bộ luật tục du mục nhất định, để họ không tranh chấp nhau. Một số nơi đặc thù là các nguồn nước sẽ có luật tục riêng. Các nguồn nước nếu là các dòng sông suối dài thì các đàn gia súc sẽ uống ở nơi cách xa nhau để không lẫn lộn. Nhưng có một số giếng nước thì các đàn gia súc sẽ đến uống vào khoảng thời gian khác nhau để tránh tranh chấp lẫn lộn.

Mùa chúng tôi đến là mùa hè, mưa nhiều nhất, cỏ xanh non nhất nên gia súc béo tốt nhất. Mùa thu họ sẽ đi cắt cỏ dự trữ và xây chuồng để mùa đông dồn gia súc lại. Những con tốt nhất sẽ được giữ lại, những con đến kỳ sẽ bị giết lấy thịt, da để số lượng giảm xuống, đến mùa hè năm sau sẽ sinh sản trở lại. Ngoài ra lũ gia súc có thể đào các rễ cỏ dưới đất để ăn trong mùa lạnh.

Nhiều gia đình có xe riêng để di chuyển, đi lấy nước.

Một gia đình lớn với vài gia đình nhỏ (cùng một nhà), mỗi nhà ở một ger. Ngựa, lạc đà thì có dấu sắt nung ở mông, cừu, dê thì có dấu màu ở mông, bò thì có kẹp ở tai để phân biệt.

14775498452_8eab873295_c.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,682
Bài viết
1,135,152
Members
192,382
Latest member
new88markets
Back
Top