Tại Quảng trường Lubyanka, có một đài tưởng niệm. Trên đó ghi:
"Trong những năm tháng khủng bố, tại Moskva có hơn 40 ngàn người bị xử bắn vì những tội chính trị vô căn cứ. Xác họ được chôn tại Nghĩa trang Bệnh viện Yauza (nay là Bệnh viện 23) trong khoảng từ 1921-1926; tại Nghĩa trang Vagankovo trong khoảng 1926-1935 và thiêu tại Lò hỏa táng Moskva (Donskoi) từ đầu thập niên 1930 cho tới, ít nhất, là thập niên 1950. Bắt đầu từ 1937, hai pháp trường - Pháp trường Butovo ngoại ô Moskva và Nông trang Kommunarka - cũng được dùng làm nơi chôn."
Ghi chú: Đây là hòn đá lấy từ Đảo Solovki (Solovetsky), nơi có trại tù GULag đầu tiên.
Dmitri Likhachev, sau này trở thành một trong những nhà bình luận văn học nổi tiếng nhất nước Nga, cảm thấy mình may mắn khi không bị phân vào làm ở một trong nhiều trại vô danh đóng giữa rừng (Ở Solovki). Ông đã tới một trại và viết lại như sau: “tôi phát rùng mình vì kinh hãi khi nhìn thấy nó: mọi người ngủ ngay trong những con hào vừa mới đào lúc ban ngày, đôi khi phải đào cả bằng tay”.
Trên toàn cụm đảo, điều kiện vệ sinh đã đến mức thảm họa, lao động quá sức và chất lượng thức ăn tồi dẫn tới bệnh tật, và trên hết là dịch sốt chấy rận. Trong số 6.000 tù do SLON quản thúc năm 1925, có khoảng một phần tư chết trong mùa đông 1925-1926 trong một đợt bệnh dịch dữ dội. Theo một số tính toán thì con số chết bệnh ở mức khá cao: có từ một phần tư đến một nửa tù chết vì sốt chấy rận, thiếu ăn và vì các bệnh dịch khác hàng năm. Một tài liệu ghi nhận 25.552 ca sốt chấy rận tại các trại của SLON trong mùa đông 1929-1930 (vào lúc này thì SLON đã phình ra khá lớn).
Trong trại có phụ nữ và trẻ em:
Ngược với mọi điều từng được viết về tính ích kỷ và dễ bị mua chuộc của những phụ nữ sinh con trong trại, bật lên câu chuyện của Hava Volovich. Là một tù chính trị bị bắt năm 1937, bà vô cùng cô đơn trong trại, và chủ động tìm cách sinh cho được một đứa con. Mặc dù bà không có tình cảm gì đặc biệt với cha đứa bé, Eleonora được sinh hạ năm 1942, tại một trại không có trang bị gì riêng cho các bà mẹ:
Ở đấy có tất cả ba người mẹ, và chúng tôi được phân riêng cho một căn buồng bé xíu trong lán. Rệp rơi xuống như mưa từ trần và tường nhà; suốt đêm chúng tôi phải phủi chúng khỏi người lũ trẻ. Vào ban ngày chúng tôi phải ra ngoài làm việc và để con lại cho bất cứ phụ nữ lớn tuổi nào chúng tôi thấy không phải đi làm; những người này bình thản chén sạch chỗ thức ăn mà chúng tôi để lại cho đám trẻ.
Tuy nhiên, Volovich viết
Đêm nào cũng vậy trong suốt một năm trời, tôi đứng bên chiếc giường con mình, nhặt bỏ lũ rệp và cầu nguyện. Tôi cầu Chúa hãy kéo dài sự khốn khổ của tôi thêm trăm năm nữa miễn sao tôi không phải xa rời con gái mình. Tôi cầu mong mình sẽ được thả cùng bé, thậm chí nếu tôi phải đi ăn xin hay tàn phế cũng được. Tôi cầu cho mình có thể nuôi dạy con cho tới lớn, thậm chí phải quỳ phục dưới chân mọi người van xin tôi cũng làm. Nhưng Chúa không đáp lại lời tôi. Con tôi chật vật tập đi, tôi vất vả mới được nghe những tiếng đầu của nó, thốt lên lời kỳ diệu ấm lòng “Mama” khi chúng tôi quấn trên mình toàn giẻ rách dù đang giữa mùa đông giá rét, chen chúc trong toa tàu chở hàng và di chuyển tới “trại cho các bà mẹ”. Tại đây, thiên thần bé nhỏ bụ bẫm với mớ tóc vàng xoăn tít của tôi mau chóng biến thành một bóng ma xanh xao với những quầng thâm dưới mắt và vết lở loét khắp môi.
Volovich ban đầu bị nhét vào một đội lâm nghiệp, sau đó chuyển tới làm tại trại cưa. Mỗi buổi chiều, bà mang về nhà một ôm củi để đưa cho các cô nuôi trẻ trong nhà trẻ. Để đáp lại đôi khi bà được phép đến gặp con gái mình ngoài giờ thăm con bình thường.
Tôi thấy các bảo mẫu đánh thức trẻ con dậy vào buổi sáng. Họ xô đẩy và đá đít để lùa chúng ra khỏi những chiếc giường lạnh lẽo… lấy nắm tay đẩy dúi chúng và chửi rủa thô bạo, họ lột quần áo ngủ và tắm cho chúng bằng nước lạnh buốt. Thậm chí lũ trẻ đến khóc cũng không dám. Chúng chỉ khụt khịt khe khẽ như người già và buột ra những tiếng rít trầm trầm.
Tiếng rít dễ sợ phát ra từ giường cũi ấy suốt cả ngày. Lũ trẻ đã đến tuổi ngồi thẳng lưng và bò trườn nay thường nằm ngửa, đầu gối gập đến tận bụng, đã tạo ra những tiếng động kỳ lạ ấy, giống như tiếng gù của con bồ câu bị bóp nghẹt họng.
Một bảo mẫu phải lo cho mười bảy đứa trẻ, nghĩa là cô ta khó mà có đủ thời gian để cho tất cả thay đồ và ăn uống, chưa nói đến chăm sóc đúng mức:
Cô nuôi trẻ đem ra một thau cháo bốc khói từ nhà bếp, chia nó vào từng đĩa. Cô ta tóm lấy đứa gần nhất, nắm tay nó ra sau, trói lại bằng cái khăn mặt rồi bắt đầu nhồi hết muỗng này đến muỗng khác món cháo nóng vào họng nó không để thời gian cho nó nuốt, chính xác y như nhồi thức ăn cho gà tây vậy.
Dần dần, Eleonora bắt đầu héo lả đi.
Vào một trong những chuyến đến thăm tôi trông thấy những vết bầm trên mình nó. Tôi không bao giờ quên cảnh nó ôm lấy cổ tôi bằng đôi tay gầy trơ xương mà kêu van “Mama, muốn về nhà!” Nó vẫn chưa quên cái phòng nát đầy rệp nơi lần đầu tiên nó thấy ánh sáng mặt trời, nơi nó được luôn bên mẹ suốt cả ngày…
Eleonora bé bỏng, nay mới có mười lăm tháng tuổi, mau chóng nhận ra việc đòi về “nhà” chỉ là vô vọng. Nó thôi không còn vươn tay với tôi khi tôi đến thăm; thay vào đó nó lặng lẽ quay đi. Vào cái ngày cuối cùng trong đời, khi tôi nhấc nó lên (họ cho phép tôi cho con bú) nó đã mở to mắt nhìn vào khoảng trống xa xăm, sau đó đập nắm tay nhỏ bé lên mặt tôi, bấu lấy ngực tôi rồi cắn lấy. Rồi nó chỉ xuống cái giường.
Đến chiều, khi quay về với ôm củi, cái giường của nó đã bỏ trống. Tôi thấy nó trần truồng nằm trong phòng xác cùng xác của những tù người lớn. Nó trải qua một năm và bốn tháng trên cõi đời này, rồi chết ngày 3/3/1944… Đó là câu chuyện về việc, khi sinh hạ đứa con duy nhất của mình, tôi đã phạm cái tội khốn nạn nhất như vậy đó.
Hòn đá Solovki
Tác phẩm của các tù GULag
http://englishrussia.com/2011/01/04/dark-pages-of-the-russian-history/2/