What's new

Một lần đến Philippines

Chuyến đi Philippines này của tôi diễn ra trong khoảng thời gian Tết âm lịch vừa qua. Tôi đã dành gần 2 tuần lang thang từ miền bắc Luzon đến vùng Visayas (Cebu, Bohol). Không quá nhiều ấn tượng, nhưng vẫn có những trải nghiệm và cảm xúc tôi muốn chia sẻ. Tôi cũng đã sơ ý làm hỏng máy ảnh ngay ngày đầu tiên, nên cũng không có nhiều ảnh cho lắm :(, đành kể chuyện là chính vậy

Chuyện thứ nhất: không tên

Bên vịnh Manila
r0012142zd6.jpg


Tôi ngồi trong một quán bia cũ kỹ, tuyềnh toàng dọc theo đại lộ Roxas, hướng ra vịnh Manila. Tôi gọi một chai Red Horse, giống như hàng chục chai bia xếp ngả ngớn trên chiếc bàn tròn trịa bên cạnh với những người đàn ông luống tuổi đang ồn ào cười nói với nhau. Không khác Việt Nam là mấy, chỉ khác tôi đang ở cách Việt Nam hàng nghìn hải lý

Những ngụm bia tràn vào cổ, mát lạnh và đọng lại một cảm giác dịu ngọt. Gió từ vịnh Manila thổi ào ạt, xoa dịu cái nóng ngột ngạt của một ngày cuối tháng giêng. Sao mà giống Sài Gòn quá. Ngay từ khi bước chân ra cửa máy bay, tôi đã cảm thấy vừa gần vừa xa. Cái oi bức này là của Sài Gòn, những khuôn mặt nâu bóng cũng giống Sài Gòn. Sài Gòn chỉ không có jeepney và tricycle, không có cảnh sát bảo vệ súng giắt bên hông nhiều như quân Nguyên Mông thế này.

Rõ là tôi có nhớ nhà, nhưng chỉ một chốc mà thôi

Tôi ngả người lên chiếc ghế nhựa còm cõi, lặng ngắm từng hàng taxi hối hả đưa đón khách, lặng ngắm hang dừa vi vu trong gió, ngắm những chùm đèn đường đứng một cách chỉn chu, thẳng thớm và đều tăm tắp dọc đại lộ. Sao trên đời mọi thứ cứ phải theo trật tự? Tôi thích sự lộn xộn và bất ngờ, như cuộc sống vốn dĩ vậy. Và tôi thấy mình nực cười khi dành khá nhiều thời gian lên một kịch bản hoàn chỉnh cho chuyến đi. Như cái sự thư giãn tuyệt vời với bia ngọt và ngắm tàu dừa bay này đâu có trong kế hoạch, đáng ra giờ này chúng tôi đang phải ở China Town. Thế nhưng, nó làm tôi cảm thấy thích thú hơn cả một ngày trời cuốc bộ tại Rizal park và trong bức tường thành nổi tiếng Intramuros.

Và tôi ngồi nghĩ. Tại sao tôi cứ nhất nhất phải nghe theo sách. Tôi không phủ nhận Lonely Planet là một cuốn sách hữu ích, hay bất cứ website chỉ dẫn du lịch nào cũng đều có những giá trị riêng của nó. Nhưng khi tôi nhìn lại, tôi thấy tôi loạt xoạt lật sách ra, à “SIGHTS”, à “ABC”, “DEF”, thành cổ nhất định phải xem, nhà thờ cổ là không thề bỏ qua, công viên này rất nổi tiếng. Và tôi bay đến Manila, vội vã đi những ABC, DEF, những must-see, để rồi xế chiều trở về đầy mệt mỏi. Tôi cảm thấy không khớp, những cái “must” của sách không phải là những cái “must” đối với tôi. Tôi mới chỉ loanh quanh Malate và nháo nhào Makati, còn những Caloocan, Quezon, Pasig…làm nên một Manila rộng lớn?

Nhà thờ thánh San Agustin theo phong cách Baroque trong Intramuros - Manila, một trong những di sản thế giới do Unesco trao tặng năm 1972
img0226qo3.jpg


Đường phố Manila, jeepney, skytrain, taxi, bus
img0245yn9.jpg
 
Ký ức về Bontoc

Bontoc đơn giản chỉ là nơi dừng chân trên hành trình đi về “di sản thiên nhiên thứ 8 của thế giới;)- ruộng bậc thang ở Banaue. Tôi đã khá ngán ngẩm khi bước xuống xe bus và thấy mình đang đứng giữa những dãy nhà thấp và buồn tẻ. Phố xá nhỏ, nhạt nhoà, mang trong mình vẻ trầm mặc, yên ả. Rất thích hợp cho người già, tôi nghĩ. Những người bạn đồng hành thốt lên, làm gì cho đến ngày mai?

r0012648bg3.jpg


Tôi đã tưởng tượng nó phải náo nhiệt như Baguio.

Nhưng có lẽ, sau những ồn ào, những âm thanh rộn rã tất bật đã qua, thì Bontoc là một khoảng lặng để tôi có thể cho tâm hồn mình chút thư thái, hít thở cái sự lành lạnh và tinh khiết của một thị trấn nhỏ bé bên cạnh dòng Chico nổi tiếng

Tôi đi dạo trên con phố chính, đã là cuối chiều của ngày chủ nhật, bảo tàng đóng cửa. Hai bên đường, người ta bày thúng mẹt bán hàng không khác gì ở Việt Nam. Những vỉ cá khô, những bó rau cải hoa còn vàng ươm, những quả cà chua đỏ mọng. Tất cả đều giản dị và đậm chất thôn quê. Tôi vòng ra cây cầu to nhất thị trấn, gió từ dòng sông mang mùi thơm của lúa chao chao bên cánh mũi. Cánh đồng sắp vào vụ gặt, màu vàng ánh lên trong nắng chiều. Xa xa, hai chú trâu lờ lững lười biếng ngâm mình trong dòng nước. Tôi nghe văng vẳng đâu đó những âm thanh trầm bổng thanh thoát của bài thánh ca. Mọi thứ yên bình và dịu dàng quá đỗi.

Một chiều ở Bontoc
img0821ro2.jpg


Không có gì đặc biệt cả, nhưng tôi cũng không thấy buồn tẻ là mấy. Đối với tôi, mỗi chuyến đi và mỗi khoảnh khắc đều có những giá trị riêng.

Tôi vòng lại con đường qua chợ để về khách sạn, nghĩ thế nào lại tạt vào tít cuối chợ, và tôi thấy mình đang đứng nói chuyện với ông chủ sạp bán thuốc lá. Những chiếc lá to như cánh quạt, khô cong queo và nâu xỉn được để cùng “mồi” hút thuốc lào và những điếu xì gà hình cái kén xếp đầy một hộp. Thấy tôi lạ lẫm, ông chủ bắt chuyện, giảng giải cách sử dụng (có thể nhai hoặc hút), và còn rất sẵn sàng mời tôi nếm thử. Chúng tôi trò chuyện rôm rả, tôi kể về Việt Nam và ông thì kể về Bontoc, về ước mơ một lần được đưa vợ mình đến Palawan.

Sạp bán thuốc lá cuối chợ Bontoc
img0823it2.jpg
 
Bontoc (tiếp)

Tôi tản bước trên vỉa hè xếp kín những thúng, mẹt, chậu, xô. Và bỗng nhiên, tôi trông thấy bà, nhỏ bé đơn độc, đôi mắt nhìn vô định vào khoảng không trước mặt, vào những bước chân hối hả ngang qua. Bà ngồi nép mình dưới góc của chiếc cửa sắt gồ ghề, trước mặt bày hai cái túi vải cũ sờn, một cái đựng đầy đậu xanh, một cái đựng đầy gạo.

Trong thứ ánh sáng sắp tắt hẳn và nhập nhoạng hơi sương ấy, không ai chú ý đến bà, có lẽ vì người dân ở đây đã quen thuộc, hoặc cũng có lẽ chẳng có ai ngoài tôi là khách du lịch trên con phố này. Tôi chú ý đến bà vì đôi bàn tay. Đôi bàn tay nhăn nheo, gầy guộc, được phủ kín bởi những hình xăm, những hoa văn tinh xảo và cầu kỳ.

Tôi cố lục lại trí nhớ, rõ ràng là tôi đã đọc ở đâu đó về Bontoc, về tộc người “body full of tattoo”, về những kẻ săn đầu người còn sót lại. Bộ tộc Kalinga, chính nó.

Nếu có thời gian ở Bontoc, bạn có thể dành một ngày trekking đến Kalinga, nơi mà theo sách thì có những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp và những hình xăm kỳ lạ. Tôi đã từng tiếc hùi hụi vì không sắp xếp được thời gian, nhưng giờ đây tôi có thể ngắm người đàn bà Kalinga bằng xương bằng thịt trên đường phố Bontoc

Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh bà, mỉm cười và cất tiếng chào. Bà đáp lại bằng một tràng ngôn ngữ tôi không hiểu. Không phải ai ở Philippines cũng nói được tiếng Anh.

Tôi loay hoay 1 hồi mà không đối thoại được với bà. Tôi chỉ vào hình xăm nơi cánh tay bà và ra dấu hiệu là tôi rất thích. Bà gật đầu, rồi vẫn cái nhìn chăm chăm vào khoảng không phía trước. Tôi im lặng ngồi cạnh, cũng không có hứng chụp ảnh. Tôi và bà cứ ngồi thế cho đến khi bóng tối phủ kín lấy thị trấn và ánh đèn đường leo lét được thắp lên. Tôi cũng không biết tại sao tôi làm thế, nhưng giờ đây tôi vẫn không quên khoảnh khắc ấy, yên lặng bên người đàn bà Kalinga và ngắm những bước chân, những bánh xe vội vã trở về nhà.

----
Kalinga là một trong những bộ tộc cổ xưa ở Phil, nổi tiếng với những hình xăm phủ kín cánh tay, bả vai (phụ nữ) và ngực (chỉ những người đàn ông - săn đầu người). Đây được cho là biểu tượng của cái đẹp, nhằm thu hút người khác giới; và cũng là biểu tượng của thanh thế, uy tín trong cộng đồng. Theo thống kê thì hiện tại ở Kalinga chỉ còn duy nhất 1 người có thể xăm được, và bà cũng đã rất già. Người ta đang lo ngại liệu tập tục này có bị mất đi

26644281787066faa096ax8.jpg


20700864wf3.png


Dụng cụ xăm được làm bằng một loại cây gai, và 1 ống tre nhỏ luồn vào, bên trong chứa mực
2667912058c5bc1b96f3wb3.jpg


Xăm hình
266705959368a70e45d2is4.jpg


(ảnh sưu tầm)
 
Bontoc (tiếp)

Bontoc không cho tôi những vẻ đẹp thiên nhiên, nhưng mang lại cho tôi những khoảnh khắc đẹp. Tôi nhớ cuộc trò chuyện với ông già người Thuỵ Điển trên ban công tầng ba của khách sạn Churya khi phố xá đã lên đèn. Ông là một kỹ sư thuỷ lợi đã làm việc gần hai chục năm tại Châu Phi. Trở lại Bắc Âu, ông thường “chạy trốn” mùa đông khắc nghiệt nơi đây bằng những chuyến đi dài đến các nước vùng nhiệt đới.

“Năm kia tôi đi Indonesia, năm ngoái đi Thái Lan và năm nay tôi dành 3 tháng ở Philippines, có thể năm sau tôi sẽ sang Việt Nam”, ông mỉm cười, “thật ra tôi đang đi tìm một nơi thích hợp để dưỡng già”.

“Tôi đã từng làm việc ngay dưới chân Kilimanjaro trong 3 tháng, ngày nào cũng ngắm và chụp ảnh hoàng hôn, nhưng chưa từng leo”, câu chuyện trôi đại khái như vậy.

Tôi kể cho ông nghe về người đàn bà Kalinga tôi vừa gặp, rồi hỏi ông, ông định ngày mai làm gì ở Bontoc, ông có định đi thăm bộ tộc Kalinga không.

“Cô bé, tôi còn nhiều thời gian, tôi chưa nghĩ gì cả, hãy cứ ở đây vài ngày đã rồi tôi sẽ quyết định xem mình làm gì. Tôi muốn bắt nhịp với cuộc sống nơi đây một chút”. Ôi, ước gì tôi cũng “tỷ phú thời gian” như ông, ước gì tôi cũng không phải hùng hục đi như chạy sô, được nhẩn nha gặm nhấm những mẩu vụn cuộc sống nơi tôi đã qua.

“I used to be hasty and I always thought I run out of time, so I tried to grasp it as much as possible. But then it became meaningless to me when I realized I did not really get into it. And now I make it more slowly, but I am satisfied. You won’t need to go to all countries in the world, but make every place you go memorable and valuable both for you and for the locals”.

Đôi khi, trò chuyện với người già mang lại niềm vui nhiều hơn tôi tưởng. Đôi khi, một nơi buồn tẻ như phố huyện nghèo trong truyện ngắn của Thạch Lam năm xưa lại ẩn chứa những điều không hề buồn tẻ.

Thời gian ở Bontoc trôi như con sên già yếu ớt. Bóng tối, tiếng dế và tiếng côn trùng rin rít khiến tôi thấy mình như đang ở nơi hẻo lánh và heo hút tận cùng của thế giới. 9h tối, cửa hiệu và nhà nhà tắt điện đi ngủ, chỉ còn heo hắt thứ ánh sáng vàng vọt sau cánh cửa gỗ tít phía dưới kia. Đằng sau đó, tiếng đàn ghita và tiếng hát day dứt, đượm buồn của chàng trai trẻ gieo vào đêm tối tĩnh mịch những hoài cảm mênh mang, dịu dàng. Quán bar duy nhất trong thị trấn.

r0012693ys6.jpg


Tôi vẫn nhớ giọng hát da diết và đôi mắt đen sâu thẳm ấy. Quán vắng tênh, chỉ có mấy đứa chúng tôi là khách, nhưng chàng trai vẫn say sưa bằng tất cả xúc cảm của mình. Tôi nghĩ rằng thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến giọng hát ấy, giọng hát như ôm trọn tất cả những nỗi buồn của bóng đêm….
 
Tôi nhớ cuộc trò chuyện với ông già người Thuỵ Điển trên ban công tầng ba của khách sạn Churya khi phố xá đã lên đèn. Ông là một kỹ sư thuỷ lợi đã làm việc gần hai chục năm tại Châu Phi. Trở lại Bắc Âu, ông thường “chạy trốn” mùa đông khắc nghiệt nơi đây bằng những chuyến đi dài đến các nước vùng nhiệt đới.

“Năm kia tôi đi Indonesia, năm ngoái đi Thái Lan và năm nay tôi dành 3 tháng ở Philippines, có thể năm sau tôi sẽ sang Việt Nam”, ông mỉm cười, “thật ra tôi đang đi tìm một nơi thích hợp để dưỡng già”.

“Tôi đã từng làm việc ngay dưới chân Kilimanjaro trong 3 tháng, ngày nào cũng ngắm và chụp ảnh hoàng hôn, nhưng chưa từng leo”, câu chuyện trôi đại khái như vậy.

Nhân đây lại nhớ câu chuyện tại sao người Việt kém năng động mình đọc được ngày trước! đó là vì người Việt chỉ có thói quen quanh quẩn quanh lũy tre làng mà ít dám đi đâu xa làm việc ....Như Ông già này thì cả đời lang bạt mà đâu có xá gì đâu...nhiều lúc ngẫm lại thấy cuộc đời cũng hay thật, ta ở đây thì tồn tại nhưng có khi đi tận đẩu đâu làm việc sinh sống thì ở đây ta lại không tồn tại nữa ...con người quả là nhỏ bé và mong manh và cái để lại là làm được gì cho những người xung quanh để họ nhớ! đó mới là tồn tại



Tôi vẫn nhớ giọng hát da diết và đôi mắt đen sâu thẳm ấy. Quán vắng tênh, chỉ có mấy đứa chúng tôi là khách, nhưng chàng trai vẫn say sưa bằng tất cả xúc cảm của mình. Tôi nghĩ rằng thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến giọng hát ấy, giọng hát như ôm trọn tất cả những nỗi buồn của bóng đêm….

Đoạn này thơ quá ! (c)
 
Đến với “Di sản thiên nhiên thứ tám của thế giới"

Dòng quảng cáo đầy mời gọi của các bạn Phil về Banaue làm tôi tò mò. Điều gì đặc biệt ở đây khiến nó trở thành một niềm tự hào không che dấu của người dân Phil mỗi khi được hỏi? Và dù những hình ảnh search trên mạng từ google đã làm tôi giảm sự hưng phấn đi phần nào, tôi vẫn quyết sắp xếp để nhét được Banaue vào cái lịch kín mít của mình.

Từ Bontoc, chúng tôi bắt chuyến xe bus sáng để đến Banaue. Xe chạy khoảng 2h, nhưng đó là quãng thời gian ruột gan lòng mề lộn tùng phèo vì đường xấu, vì sương mù dày đặc và vì lạnh. Chiếc xe bus xộc xệch ngả nghiêng trên những con đường đất ẩm ướt men theo sườn núi, đôi bận phải dừng lại chờ thông đường do đá lở.

Chúng tôi tới Banaue khi trời lất phất mưa, cũng không còn nhiều thời gian nên tôi vội vã thương thảo thuê một cái jeepney chở cả bọn đến Batad, nơi được miêu tả có những thửa ruộng bậc thang “đẹp một cách lộng lẫy”. Chịu đựng thêm hơn 1 tiếng xóc long mề trên con đường nhão nhoét bùn đất trộn đá hộc, chúng tôi đến Batad junction và trek đến ngôi làng Batad của người Ifugao.

Không có gì khó khăn cả ngoại trừ vài đoạn bùn và trơn. Chúng tôi đến view point sau khoảng 45 phút trek, tới nơi đã thấy rất nhiều bạn Tây đang ngồi thành một dãy ngẩn ngơ ngắm những thửa ruộng bậc thang, trầm trồ khen ngợi

“Tháng 3-5 là đẹp nhất để đến đây, còn bây giờ ruộng vẫn chưa có lúa”, bạn guide nói với chúng tôi như vậy

img0872.jpg


Chà, trước mắt tôi là “kỳ quan thiên nhiên thứ tám của thế giới”. Nhưng có lẽ điều này chỉ mới lạ với các bạn Tây, đối với những kẻ sinh ra ở một đất nước nông nghiệp và đã đôi lần đặt chân đến vùng núi phía Bắc Việt Nam thì chúng tôi không thấy làm lạ lẫm và sửng sốt lắm. Thành thật mà nói, ruộng bậc thang ở Việt Nam đẹp hơn ruộng bậc thang ở đây, xét về quy mô và vẻ đẹp của những đường cong uốn lượn. Tôi vẫn chưa thấy nơi nào hơn La Pán Tẩn hay Y Tý cả.

Xuống gần hơn
img0895.jpg


Có lẽ, điều làm ruộng bậc thang ở Batad đặc biệt bởi nó được cho là đã xuất hiện cách đây hơn 2000 năm do tộc người Ifugao cần mẫn đẽo từng vách đá bằng chính đôi tay của mình chứ không có sự trợ giúp của bất kỳ máy móc nào. Những bậc thang cách nhau trung bình từ 1 – 1.5m, khá cao, bờ được đắp hoàn toàn bằng đá. Tôi cũng khá ngạc nhiên khi thấy những bờ kè bằng đá như vậy tồn tại suốt chừng ấy năm mà không bị đổ vỡ hư hại, nhưng bạn guide đã kịp chỉnh sửa cho tôi rằng chúng được bảo tồn khá cẩn thận bởi chính phủ Phil.

Bờ đá
img0973s.jpg


Ruộng bậc thang ở Việt Nam có lẽ chỉ xuất hiện cách đây một, hai trăm năm (tôi đoán) và cũng hiếm thấy có bờ kè bằng đá như vậy.

Sự lâu đời của ruộng bậc thang ở Batad nói riêng và Banaue nói chung là lý do chính để UNESCO chứng nhận nó “Di sản thiên nhiên thế giới”, và tất nhiên, tôi không phủ nhận rằng nó đẹp, sẽ rất đẹp nếu màu xanh của lúa phủ kín những bậc kia.
 
Gà, có 1 con gà
Đến giờ vẫn thắc mắc sao nó bay cao được như chim thế, trên 1 cái cây nhỏ tí, khẳng khiu và cao vút

(Ảnh chụp trên đường trek xuống làng Batad :D)
img0887.jpg


Jeepney thuê từ Banaue xuống Batad saddle khoảng 1800 - 2000 peso/ cả xe, 1 xe chở được hơn chục người nên đi càng nhiều càng rẻ. Có thể hỏi các bạn phượt khác tham gia, hoặc tham gia vào nhóm của họ

Trong khi đó, không nên thuê tricycle vì đường xấu, tricycle lại chỉ đến được Batad junction. Từ đây bạn phải đi bộ tiếp rất xa để đến Batad saddle là nơi bắt đầu trek xuống làng.

Tại saddle, vài tour guide sẽ hỏi bạn có cần người dẫn đường không. Chúng tôi lúc đầu cũng không định thuê, nhưng bạn đó nói nhiều ngã rẽ lắm, dễ lạc nên chúng tôi thuê 1 bạn với giá 250 peso/ 1 chiều. Chiều về chúng tôi sẽ tự đi. Nhưng thật ra việc thuê là không cần vì gần như chả có ngã rẽ nào cả, đường trek chính cứ to nhất mà đi thôi

Nên mua đồ ăn, uống trước khi tới Batad vì giá ở đây đắt hơn nhiều so với ở Banaue.

Mỗi tối đều có xe từ Banaue về Manila, xuất phát lúc 8h tối, về Manila lúc 4-5h sáng hôm sau.
 
Chuyện tips

Tôi lớn lên ở Việt Nam, một quốc gia Đông Nam Á và tôi không có thói quen tips như người phương Tây. Các nước ĐNA mà tôi đã qua, tôi cũng ít khi tips vì tôi du lịch theo kiểu backpacker, tôi ko có nhiều tiền và cũng không ai “đòi hỏi” chuyện này. Trừ ở Philippines.

Tôi đến Philippines - một sự pha trộn của nhiều nền văn hoá - trong tư thế sẵn sàng chờ mọi chuyện có thể xảy ra. Tôi cũng tỏ ra là một người lịch sự và biết điều. Đối với những người thực tâm và nhiệt tình giúp đỡ, chúng tôi nếu không biếu chai nước, gói bánh thì cũng một chút tiền lẻ. Và cả hai bên đều hài lòng.

Cho tới khi tôi đi hồ núi lửa Taal và thác nước Pagsanjan nổi tiếng.

Hồ núi lửa Taal được coi là “hồ nước lớn nhất trên thế giới bao quanh núi lửa và trên núi lửa lại có thêm 1 cái hồ”. Nhớ là phải kèm theo điều kiện rất dài ở sau “bao quanh núi lửa ... cái hồ” thì hồ Taal mới được gọi là “lớn nhất thế giới”. Các bạn Phil cũng thích nói lớn thật. Nhưng cái này tôi sẽ không nói nhiều ở đây, lan man quá. Tôi đang nói về hồ Taal và chuyện tips.

Để đến được ngọn núi lửa nằm giữa hồ, chúng tôi trèo lên chiếc bangka, một loại thuyền mà tôi gọi nó là “cua càng” bởi người ta buộc vào hai bên mạn thuyền những thanh tre lớn để giữ thăng bằng giống hệt hai cái càng cua. Và trèo lên con cua khổng lồ kêu inh tai ấy, chúng tôi từ từ lướt mặt nước xanh như biển để tới hòn đảo nơi có núi lửa Taal ngự trị.

Bangka
img0265q.jpg


Tới đây, chúng tôi tò mò bỏ ra 400 peso mỗi đứa để thử cảm giác cưỡi ngựa leo núi trong khoảng hơn nửa tiếng. Mỗi chú ngựa có một người dẫn đường, kiêm luôn lái ngựa. Thường là những cậu bé, thậm chí cả cô bé nhỏ tuổi, làn da đen nhẻm cháy nắng, khuôn mặt lộ rõ vẻ già dặn và khôn trước tuổi

Tôi đi cùng thằng bé tên là Daniel, khoảng 9-10 tuổi, tôi đoán vậy. Có lẽ mới vào nghề nên đôi lúc cậu ta có hơi lúng túng, tuy nhiên cậu vẫn rất thích thể hiện trước mặt “khách” bằng cách la hét và quật vào mông ngựa liên tục. Ok, không có vấn đề gì với tôi cả trừ việc con ngựa trắng xinh đẹp của tôi đi chậm hết mức, chậm hơn hết thảy các con ngựa khác. Nó cứ nhẩn nha tà tà như bước dạo cùng người yêu, lững thững và mơ hồ như một vị khách đang ngẩn ngơ vì cảnh đẹp nơi đây.

Con ngựa làm cậu bé đỏ mặt tía tai vì la hét, trong khi đấy tôi thì thấy buồn cười. Đến viewpoint, chưa kịp xuống ngựa đã có hai người đàn bà chạy ra nói tôi mua nước cho thằng bé. Tôi chần chừ rồi tặc lưỡi mua, 50 peso, nghĩ cũng khổ thân, trời thì nắng to như thế.

Khung cảnh thật tuyệt vời và chúng tôi say mê ngắm nhìn mặt nước hồ xanh màu ngọc, rải rác một vài cụm khói bốc lên từ xa. Hoa đào phớt nở rộ bám dọc bên vách đá vừa hoang dã vừa lãng mạn. Tôi xuống núi trong sự nuối tiếc không thể dành thêm nhiều thời gian hơn ở đây, như trekking xuống hồ nước kia chả hạn.

Đường về với tôi xa thật là xa, vì con ngựa tiểu thư không chịu bước nhanh hơn lúc đi là mấy. Cuối cùng sau khoảng một triệu giây thì tôi cũng về đến nơi xuất phát. Ngay khi chúng tôi vừa về tới, thằng bé đã chìa tay ra: “Tips madam”. Tôi nói với nó:“I bought you water already”. Thằng bé vẫn chìa tay: “Tips”. Tôi lắc đầu, nó tỏ vẻ giận dữ và cũng lắc đầu quầy quậy: “Tips”. Có lẽ nó sẽ giữ tôi trên lưng ngựa cho đến khi nào tôi đồng ý. Tôi đành bảo, thôi mày đợi ở đây, tao ko có tiền lẻ, để tao mua cái gì ăn rồi đưa mày sau. Nó bảo nó sẽ đứng đợi tôi.
 
(tiếp)

Cũng không có gì đáng kể, cho đến ngày hôm sau đi thác Pagsanjan. Chúng tôi đến thị trấn và mua tour chèo thuyền đi thác với giá khoảng 900 peso/người đã bao gồm tất tần tật mọi thứ. Mỗi thuyền có 2 người lái, một người ngồi phía mũi và một người ngồi phía đuôi. Hai người đàn ông này sẽ chèo chiếc thuyền độc mộc chở ba đứa chúng tôi ngược dòng Bumungan để đến thác nước.

img04421.jpg


Buổi chiều tháng giêng êm ả và thơ mộng. Chúng tôi trôi đi trên mặt nước xanh xanh, những hàng dừa rủ bóng, lao vun vút dưới những vách đá cao sừng sững và dựng ngược.

Hai người đàn ông có vẻ rất mệt, mỗi lần nghỉ tôi thấy họ thở hồng hộc. Chúng tôi nghỉ tất cả 4 lần, trong đó có 1 lần dài để họ lấy lại sức. Tại nơi nghỉ, một người bán hàng cầm ra những chiếc đùi gà và lon soda, nói chúng tôi mua cho người lái thuyền ăn và uống cho lại sức. Chúng tôi thấy họ cũng thật mất nhiều công đưa chiếc thuyền ngược dòng, nên đồng ý mua với giá 200 peso cho 2 cái đùi và 2 lon nước.

Cạnh nơi nghỉ là một con thác nhỏ cũng đẹp, mua xong tất cả chúng tôi chạy ào ra đó chụp ảnh. (Sở dĩ tôi đưa chi tiết này vào vì sau này ngẫm lại, chúng tôi ko biết những người chèo thuyền có ăn đùi gà và uống nước chúng tôi mua ko, hay họ bán lại cho người bán hàng ở đó)

Được một chốc, chuyến đi tiếp tục. Chúng tôi đến nơi và hơi thất vọng vì thác Pagsanjan nổi tiếng thật sự chỉ bằng một góc của thác Bản Giốc nhà mình. Chụp ảnh và bơi lội ở đó một lúc, chúng tôi ra về. Kịch bản cũ lại lặp lại, chiếc thuyền vừa cập bến, hai người đàn ông đã lên tiếng: “Tips m’dam”. Một người bạn đi cùng không đồng ý, vì chúng tôi đã mua đùi gà và nước cho họ rồi. Nhưng họ vẫn cứ đeo bám và luôn miệng: “Tips, tips”. Vài người khách khác đứng nhìn. Bực mình và muốn cho xong chuyện, chúng tôi lại đưa mỗi người chèo thuyền thêm 100 peso. Tôi biết tôi không muốn làm vậy, và tôi có quyền không làm vậy, nhưng rốt cuộc chúng tôi vẫn làm, để rồi chúng tôi trở lại Manila với một điêu gì đó rất khó chịu trong người

“Tại sao chúng ta phải làm vậy? Chúng ta đều là sinh viên và cũng không có nhiều tiền. Chúng ta tips cho mỗi thuyền tất cả là 400 và bây giờ chúng ta phải đi tìm quán nào rẻ để ăn”. Và chúng tôi biết chúng tôi sẽ không còn tips thêm lần nào nữa ở đất nước vạn đảo này.
 
Thông tin bên lề tại hồ núi lửa Taal và thác Pagsanjan

1/ Hồ núi lửa Taal


- Xe bus đi từ Manila - Tagaytay tại bến xe ở Pasay City, chạy liên tục, giá 83 peso/người. Xe chạy 2 tiếng.
- Từ Tagaytay có thể bắt Jeepney (ít thấy) hoặc tricycle (giá 150 peso/xe chở đc 3 người/ 1 chiều) để đến thị trấn Talisay. Từ Talisay mới có thuyền để đi ra núi lửa giữa hồ
- Giá thuê 1 chiếc bangka khoảng 1800 - 2000 peso/ khứ hồi ra núi lửa. Nhưng nếu tôi có dịp quay lại, tôi sẽ tự thoả thuận riêng với người lái thuyền làm 1 chuyến đi vòng quanh núi lửa Taal và vài ngọn khác nữa xung quanh
- 50 peso/ người lê phí tham quan đảo
- Để hiking lên hồ (miệng núi lửa), có thể chọn đi ngựa hoặc đi bộ. Đi ngựa mất khoảng 30-45'', đi bộ thì lâu hơn. Đường rất bụi, đi ngựa đỡ mệt và bẩn hơn nhưng đi bộ thoải mái ngắm cảnh hơn. Đa số khách du lịch châu Á là đi ngựa, còn tôi thấy các bạn khoai Tây toàn đi bộ. Giá thuê ngựa từ 250-400/ con/ khứ hồi
- Muốn hiking xuống sát hồ nước có thể hỏi từ ngoài (chỗ bán vé lệ phí tham quan). Sách nói có thể bơi được trong đó, nhưng tôi không thấy ai bơi cả
- Khi ngựa lên view point sẽ có người chạy ra hỏi mua nước cho đứa bé lái ngựa, có thể mua hoặc ko mua. Mua rồi thì cũng không nhất thiết phải tips nữa
- Xe từ Tagaytay - Manila cũng chạy liên tục ở bến xe bus, giá vẫn 83 peso/người

2/ Thác nước Pagsanjan

- Không nên đi vào dịp cuối tuần vì đông nghẹt (1/2 dân Manila đổ xuống đấy)
- Không có xe bus chạy thẳng Manila - Pagsanjan mà chỉ có Manila - Santa Cruz. Từ đây phải bắt jeepney hoặc tricycle đi tiếp. Xe bus Manila - Santa Cruz chạy khoảng 2tiếng/ chuyến, giá vé 133 peso/ người/ lượt.
- Nếu thuê taxi chạy thẳng Manila - Pagsanjan thì mất khoảng 1700-2000 peso/ xe/ khứ hồi, nếu đi đông thì sẽ tiện hơn và chỉ đắt hơn chút
- Tour chèo thuyền đến thác Pagsanjan mất khoảng 2h khứ hồi, giá khoảng 800-900/người đã bao gồm mọi thứ. Nếu muốn đi bè gỗ ra sát thác thì thêm 90/ người nhưng cũng không cần lắm vì gần xịt
- Có thể mang đồ bơi ra bơi ở thác
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,311
Bài viết
1,175,022
Members
192,036
Latest member
imperiaglobalgate
Back
Top