What's new

Một lần đến Philippines

Chuyến đi Philippines này của tôi diễn ra trong khoảng thời gian Tết âm lịch vừa qua. Tôi đã dành gần 2 tuần lang thang từ miền bắc Luzon đến vùng Visayas (Cebu, Bohol). Không quá nhiều ấn tượng, nhưng vẫn có những trải nghiệm và cảm xúc tôi muốn chia sẻ. Tôi cũng đã sơ ý làm hỏng máy ảnh ngay ngày đầu tiên, nên cũng không có nhiều ảnh cho lắm :(, đành kể chuyện là chính vậy

Chuyện thứ nhất: không tên

Bên vịnh Manila
r0012142zd6.jpg


Tôi ngồi trong một quán bia cũ kỹ, tuyềnh toàng dọc theo đại lộ Roxas, hướng ra vịnh Manila. Tôi gọi một chai Red Horse, giống như hàng chục chai bia xếp ngả ngớn trên chiếc bàn tròn trịa bên cạnh với những người đàn ông luống tuổi đang ồn ào cười nói với nhau. Không khác Việt Nam là mấy, chỉ khác tôi đang ở cách Việt Nam hàng nghìn hải lý

Những ngụm bia tràn vào cổ, mát lạnh và đọng lại một cảm giác dịu ngọt. Gió từ vịnh Manila thổi ào ạt, xoa dịu cái nóng ngột ngạt của một ngày cuối tháng giêng. Sao mà giống Sài Gòn quá. Ngay từ khi bước chân ra cửa máy bay, tôi đã cảm thấy vừa gần vừa xa. Cái oi bức này là của Sài Gòn, những khuôn mặt nâu bóng cũng giống Sài Gòn. Sài Gòn chỉ không có jeepney và tricycle, không có cảnh sát bảo vệ súng giắt bên hông nhiều như quân Nguyên Mông thế này.

Rõ là tôi có nhớ nhà, nhưng chỉ một chốc mà thôi

Tôi ngả người lên chiếc ghế nhựa còm cõi, lặng ngắm từng hàng taxi hối hả đưa đón khách, lặng ngắm hang dừa vi vu trong gió, ngắm những chùm đèn đường đứng một cách chỉn chu, thẳng thớm và đều tăm tắp dọc đại lộ. Sao trên đời mọi thứ cứ phải theo trật tự? Tôi thích sự lộn xộn và bất ngờ, như cuộc sống vốn dĩ vậy. Và tôi thấy mình nực cười khi dành khá nhiều thời gian lên một kịch bản hoàn chỉnh cho chuyến đi. Như cái sự thư giãn tuyệt vời với bia ngọt và ngắm tàu dừa bay này đâu có trong kế hoạch, đáng ra giờ này chúng tôi đang phải ở China Town. Thế nhưng, nó làm tôi cảm thấy thích thú hơn cả một ngày trời cuốc bộ tại Rizal park và trong bức tường thành nổi tiếng Intramuros.

Và tôi ngồi nghĩ. Tại sao tôi cứ nhất nhất phải nghe theo sách. Tôi không phủ nhận Lonely Planet là một cuốn sách hữu ích, hay bất cứ website chỉ dẫn du lịch nào cũng đều có những giá trị riêng của nó. Nhưng khi tôi nhìn lại, tôi thấy tôi loạt xoạt lật sách ra, à “SIGHTS”, à “ABC”, “DEF”, thành cổ nhất định phải xem, nhà thờ cổ là không thề bỏ qua, công viên này rất nổi tiếng. Và tôi bay đến Manila, vội vã đi những ABC, DEF, những must-see, để rồi xế chiều trở về đầy mệt mỏi. Tôi cảm thấy không khớp, những cái “must” của sách không phải là những cái “must” đối với tôi. Tôi mới chỉ loanh quanh Malate và nháo nhào Makati, còn những Caloocan, Quezon, Pasig…làm nên một Manila rộng lớn?

Nhà thờ thánh San Agustin theo phong cách Baroque trong Intramuros - Manila, một trong những di sản thế giới do Unesco trao tặng năm 1972
img0226qo3.jpg


Đường phố Manila, jeepney, skytrain, taxi, bus
img0245yn9.jpg
 
Núi lửa Taal (tiếp)

Hồ nước trên miệng núi lửa
img0361.jpg


img0352.jpg


Hoa đào bám dọc vách đá
img034111.jpg


Chơ vơ trên đỉnh
img0338.jpg


Một ngọn núi lửa khác
img0349.jpg
 
"Bước chênh vênh trên miệng núi lửa" - copyright by duongtranthe hay đuđủ08 (NT)

Đây có lẽ là điểm đẹp và "chênh vênh" nhất để ngắm núi lửa Taal. Ngoài ra còn nóng kinh hoàng

img0389g.jpg


img0364m.jpg
 
Ở Tagbilaran

Bohol là một hòn đảo nằm ở phía Nam vùng Visayas, cách Cebu tầm 3 tiếng đi tàu thuỷ và có thành phố Tagbilaran khá sầm uất nhộn nhịp. Nơi đây rất nổi tiếng với đồi Chocolate và con tarsie, một loài vật lười nhác, lờ đờ như kiểu trái đất là nơi nhạt phèo và ôm cây ngủ là việc thú vị nhất trên đời.

Tại Tagbilaran, chúng tôi tách nhau ra. Những người bạn có lẽ đã quá mệt mỏi với việc di chuyển dài ngày và liên tục theo một lịch trình kín mít, nên giờ đây tất cả những gì họ mong mỏi là được nằm dài trên bãi biển. Tôi hiểu, cân nhắc mông lung và cuối cùng quyết định gói ghém đồ đạc để ngày hôm sau rong ruổi một mình. Một cảm giác là lạ, bỡ ngỡ mà cũng thú vị xâm chiếm, bởi lẽ tôi chưa bao giờ không có bạn đồng hành trong các chuyến đi cả.

Tôi dậy sớm vào sáng hôm đó, bắt chiếc tricycle nhỏ bé và đi tới bến xe nằm bên rìa thành phố. Bến xe không lớn lắm, nhưng cũng khá vất vả để tìm đúng cái xe mình cần đi. Chiếc xe bus to đùng cũ kỹ và xộc xệnh đang gầm gừ xả khói, trên xe đông đặc người. Tôi chạy dọc xe ngó nghiêng hy vọng tìm được 1 chỗ trống, thì ngay sát gần tài xế, một cánh tay giơ lên vẫy vẫy: “lady, come here”.

Tôi len giữa những hàng ghế chật chội và chất đầy nhóc hàng hoá, dẫm lên vài cái thùng, một cái xô và cuối cùng thấy một chỗ trống hàng đầu tiên, sát bên tay phải. Cậu bé ngồi cạnh cười tươi rạng rỡ, chìa tay ra: “Xin chào, tôi là Michael”.

Tôi chào đáp lại Michael và chúng tôi hỏi han nhau từ đâu tới. Cậu bảo tôi là người Việt Nam đầu tiên cậu gặp, cũng kịp buông ra một lời khen ngợi đầy ngoại giao. Michael là người Phil, nhỏ hơn tôi 1 tuổi nhưng trông già hơn tuổi nhiều lần. Cậu là sinh viên hàng hải và đang trên đường về thăm mẹ cuối tuần. Trên đường đi, thật may cái khoảng thời gian buồn bã dài loẵng ngoẵng trên xe được cậu bồi vào với vô số câu chuyện, chỉ trỏ giới thiệu cảnh trên đường. Michael khoe cậu nhảy rất giỏi và hát rất hay, cậu có cái vẻ tếu táo tinh nghịch khi bảo tôi rằng “nhưng tớ chỉ có thể ghé sát tai cậu hát thôi, ko thì tài xế nó giết tớ mất với cái giai điệu não nề yêu thích của nó”.

“Ồi, như vậy có quá nhanh ko”, tôi thầm nghĩ và toét miệng bảo, thôi, tớ thích nghe cậu kể chuyện hơn. Khi xe dừng lại ở một thị trấn nhỏ, cậu chạy vụt xuống, lúc sau quay lại với 1 túi “rice cake” 6 cái và đưa cho tôi. “Món ăn bình dân truyền thống của người Phil đấy, tuyệt nhất là ăn sáng kèm theo một cốc café”. Món “bánh gạo” của cậu trông giống bánh bao cỡ nhỏ, trắng mịn màng, xôm xốp mềm và … ngọt lịm. Tôi cố gắng ăn được hai cái, sau thì đưa lại cho Michael. Tôi cũng bất ngờ khi biết giá của 1 túi 6 cái này rất rẻ (10 peso, tương đương khoảng 4k VND). Ở đây còn bán khá nhiều trứng vịt lộn, Michael ngạc nhiên khi tôi bảo tôi thích ăn món đó. “Ồ, tốt, cậu không kinh sợ như những người nước ngoài khác”. “À đấy cũng là đặc sản nước mình”. Chúng tôi cùng cười toét

Từ Tagbilaran, nếu có hai mình trở lên, thuê 1 con kào kào hoặc đầu kào kào đuôi bình thường và chạy vun vút trên con đường ven biển, rồi đèo dốc hẳn sẽ rất tuyệt. Tôi thấy vô số các bạn tây tàu tóc bay phần phật ngược chiều gió ra chiều khoái chí. Đến gần Chocolate hills là những cánh đồng lúa xanh rì, chạy kéo dài dưới những hàng dừa rủ bóng. Cái sự yên ả của vùng quê như đông lại dưới bầu trời xanh đầy nắng. Tôi ồ à thích thú, còn bạn Michael thì có vẻ hài lòng với sự ồ à của tôi.

Xe dừng lại thả tôi xuống gần Chocolate Hill, tôi luyến tiếc chia tay bạn Michael, người vẫn cố nhoài ra ngoài cửa sổ xe bus đưa cho tôi một cái hôn gió đầy mùi mẫn. Từ đây, tôi phải đi bộ lên dốc khoảng hơn 1km nữa, mua vé tham quan, rồi thấy trước mặt mình nhấp nhô những quả đồi đều đặn, béo lùn và nếu có 1 cái hàng rào đủ lớn bao quanh các bạn đồi lại thì ta sẽ có một hộp chocolate xanh hoàn hảo. Vào mùa khô, khi các bạn đồi trơ trọi màu đất nâu, ấy là lúc Chocolate Hills giống chocolate hơn bao giờ hết.

r0013060.jpg


r0013066.jpg
 
Ở Tagbilaran (tiếp)

Loanh quanh mua đồ lưu niệm và ăn trưa tại Chocolate hills xong xuôi, tôi đang ái ngại không biết sẽ tiếp tục đi như thế nào thì một bạn “xe ôm” lân la ra mời mọc. “Xe ôm” ở Phil được gọi là habal-habal, đa phần là loại xe đầu kào kào đuôi wave, nhưng thỉnh thoảng cũng gặp vài bạn kào kào. Cái cảm giác đi “xe ôm” bằng kào kào ở Tagbilaran cũng khá thú. Tôi nhớ tối hôm đó khi đang đứng đợi habal-habal, phanh kịt trước mặt tôi là một bạn Raid khá mới, nhưng bạn xế thì đã đứng tuổi và vận bộ đồ sờn bạc cũ kỹ. Trông bạn đó khá nhỏ bé so với cái xe kềnh càng, nhưng rồi tôi cũng chặc lưỡi đặt mông lên.

Cuối cùng tôi cũng ngã được cái giá tương đối ở Chocolate Hills cho việc chở tôi đi sông Loboc, đi xem con trăn khổng lồ và cuối cùng là con Tarsie lười biếng. Bạn Daniel đèo tôi trên con xe mới coóng vừa mua, thậm chí còn chưa kịp làm biển số. Vi vu trên xe máy mới thấy hết cái thú của con đường, của những cơn gió táp rần rật vào mặt, của mùi lúa, mùi đất, và cả mùi của cơn mưa đang dần kéo đến.

r0013090.jpg


Chúng tôi đến điểm du lịch trên sông Loboc khi trời lác đác mưa. Với 300 peso (khoảng 120k tiền Việt), tôi sẽ được 2h đi du thuyền nổi dọc con sông, ăn buffee và nghe những người bản địa gảy đàn hát. Một cái giá tương đối rẻ. Sông Loboc nổi tiếng với những cruise trip ngắn chạy qua những ngôi làng yên ả, dưới những tàu dừa rũ lá xuống mặt nước xanh như ngọc. Những chiếc tàu kết hợp nhà hàng nổi này được làm bằng gỗ, lợp mái lá, kéo bằng một chiếc xuồng bé ở đuôi. Trên tàu, người ta bố trí bàn ghế xung quanh, ở giữa đặt buffee với những món ăn phổ biến xen lẫn đặc sản của người dân Phil. Một ban nhạc ít người khiêm tốn đứng ở góc tàu và nhiệt tình ca hát những điệu jazz sôi động. Tôi nhận thấy người dân ở Phil rất yêu thích âm nhạc, và có nhiều người hát rất hay. Nghe ông già với cãi mũ Mexico say sưa gảy đàn, tôi lại nhớ đến chàng trai trẻ ở Bontoc ngày nào, rồi lại bật cười với cái giọng tinh quái của bạn Michael.

"Nhà hàng" nổi trên sông
r0013102.jpg


Có lẽ vì đi một mình, nên tôi cũng dễ nói chuyện với nhiều người hơn, hay nói cách khác tôi buộc phải nói nhiều, cởi mở hơn và người ngoài cũng dễ bắt chuyện hơn. Đa phần khách trên tàu là khách du lịch nước ngoài, không thì cũng vợ chồng con cái đầy đủ, nên cuối cùng tôi ngồi tán phét với mấy bạn phục vụ và 1 bạn tour guide. Kết thúc chuyến đi tôi được các bạn tặng một quả xoài và nhiều luyến tiếc, thật là cảm động :D.

Sông Loboc với rất nhiều dừa
r0013148.jpg


Đôi khi có cảm giác như đang ở sông nước miền Nam
r0013143.jpg



Là một địa điểm du lịch có tiếng, nên dọc bờ sông, tôi bắt gặp hai cái chòi thò ra như thế này, trên đó các bà các chị các em nhỏ mỗi khi có khách tới là mở nhạc tưng bừng nhảy nhót. Du khách thi nhau chụp ảnh, còn họ thì lặng lẽ bán một vài đồ lưu niệm đơn giản. Không có sự chèo kéo nì nài ở đây
r0013132.jpg



Tàu đi đến con thác lùn xịch này thì quay đầu, đơn giản vì không đi tiếp được nữa. Vậy là kết thúc chuyến đi
r0013155.jpg
 
Đi thăm "em" Tarsier

Nhắc đến Bohol, ngoài đồi Chocolate người ta sẽ nhớ ngay ra em Tarsier đáng yêu. Đây được coi là loài linh trưởng nhỏ bé nhất trên thế giới, hiện có nguy cơ tuyệt chủng và sinh sống rải rác chủ yếu ở Đông Nam Á, phần lớn là Philippines, Indonesia. Ở Phil, có thể bắt gặp em tại Bohol, Samar và Minandao.

r0013190.jpg


Em Tarsier nhỏ chưa tới nắm đấm tay người, hình thù kì quặc với hai con mắt to thô lố so với thân hình bé nhỏ, nếu so với tỉ lệ mắt người thì gấp 150 lần. Là động vật sống về đêm, công việc ưa thích ban ngày của em là ôm cây ngủ và lờ đờ nhìn khi có người tới chỉ trỏ ngó nghiêng. Thức ăn của loài tarsier chủ yếu là côn trùng. Đầu em Tarsier còn đặc biệt ở chỗ có thể xoay 180 độ trong khi thân mình vẫn đứng nguyên. Tuy nhiên, chứng kiến điều này thì chắc không mấy ai có vinh hạnh.

Là loài vật khá nhút nhát, lại bé tẹo, cộng thêm nguy cơ tuyệt chủng khiến người ta gom các em về một khu "bảo tồn" riêng biệt. Thật là khó nếu muốn nhìn thấy tarsier ngoài thiên nhiên hoang dã, nhưng khu bảo tồn với diện tích khiêm tốn có thể giúp đỡ cho những du khách tò mò.

Trời mưa, khu bảo tồn ở Cordilla vắng hoe, chỉ mình tôi là khách. Sau khi mua vé tham quan 20 Peso, tôi được anh chàng guide dẫn qua con đường mòn lép nhép với những tán cây loà xoà che lối đi. Anh bảo trời mưa nên chúng nó trốn mất không tìm thấy, nên hiện giờ chỉ còn 5 "em" cho tôi xem.

Theo lời anh guide thì hiện khu bảo tồn có tất cả 10 em, 3 đực 7 cái. Công việc của anh khá buồn cười: sáng sáng đi đếm từng em và ghi nhớ địa điểm. Khi nào có khách tham quan thì dẫn đường cho khách đến "thăm" từng em một. "Cũng may chúng nó ít di chuyển và mỗi con có lãnh địa riêng nêm tìm cũng không khó lắm", anh nói.

Nhưng quả thật tôi vẫn phục anh, vì cái màu nâu xỉn của tarsier có thể lẫn lộn với cả tá những chiếc lá khô trong rừng. Với em đầu tiên, tôi phải căng mắt một lúc mới thấy em nó đang ôm một cành cây lẫn trong đám cọ lù xù. Nếu tôi post cái ảnh đó lên chắc phải để size to, và tôi đảm bảo phải zoom một lúc mới tìm ra "em ở đâu".

Em thứ hai, ba, bốn thì dễ hơn vì không trốn chui nhủi lẫn lộn lắm, tôi có thể chụp ảnh dễ dàng. Trước đây, ngừoi ta còn bế các em lên chụp ảnh, hôn hít sờ soạng. Nhưng bạn guide bảo tôi như vậy nó dễ chết, nên chính phủ đã cấm tiệt việc đụng chạm vào tarsier.

Hồi xưa dư thế này (ảnh sưu tầm)
philippinetarsier.jpg


Còn em í bây giờ đây, ở ngoài rất nhỏ bé, nhìn tôi dí máy ảnh vào một cách chán nản và thờ ơ.
r0013186.jpg


Một em khác
r0013194.jpg


Có thể tham khảo thêm về tarsier ở link dưới đây
http://www.bohol.ph/article15.html
 
Last edited:
Còn em í bây giờ đây, ở ngoài rất nhỏ bé, nhìn tôi dí máy ảnh vào một cách chán nản và thờ ơ.
r0013186.jpg

Cái mặt này thì đích thị mặt của.....

Hé hé, các bác tự đoán và điền vào.
 
(tiếp)

Chia tay các em tarsier đáng yêu, bạn Daniel tiếp tục chở tôi đi đến xem một loài trăn mà theo lời bạn thì to bằng bắp đùi của bạn í. Tôi hoảng hốt nghĩ "Anaconda?", nhưng bạn chỉ cười

Lần này chúng tôi không đi đường thẳng nữa mà theo đường tắt. Nhưng có lẽ bạn Daniel cũng không ngờ là đường tắt lại mất nhiều thời gian hơn và "phá xe" bạn hơn thế. Tất cả chỉ do trời mưa. Mưa làm con đường làng trơn nhão đất sét. Thi thoảng có vài nơi đá hộc với bùn lầy không khác gì những con đường offroad của Việt Nam. Bạn Daniel xin lỗi tôi rối rít vì lỡ đưa tôi vào đường xấu, nhưng tôi chả lấy làm phiền lòng cho lắm, bởi con đường làng ngoằn ngoèo đưa tôi đến những bản làng yên ả dưới những tán dừa, êm ái những thảm lúa xanh mát. Lại còn offroad, lâu lắm mới "trải" lại cảm giác ê mông thế này. Quá đã :D

r0013198.jpg


Cuối cùng tôi cũng đến nơi được gọi là "python sanctuary", nhưng thực tế trong đó không chỉ có con trăn to đùng, mà còn có cả đại bàng, vài loài chim kì lạ tôi không biết tên. Ngay gần tâm điểm của khu bảo tồn, nơi đang có một tá du khách vây quanh là một cái chuồng nhỏ hơn, bên trong một chú trăn cỡ bình thường đang im lìm say giấc, cạnh đó con gà mái đứng yên như tượng. Món ăn của con trăn trong nay mai, tự dưng tôi thấy tồi tội mặc dù mình ăn thịt gà như điên.

r0013214.jpg


Em gà tội nghiệp đây

r0013219.jpg


Chờ du khách vãn bớt, tôi mới quay trở lại chuồng trăn lớn, nơi 1 em đang phì phì ngóc đầu lên nhìn cái lũ đang vây quanh mình. Cũng không to khủng bố như Anaconda, nhưng phần to nhất của bạn trăn này cũng phải hơn cái bắp đùi của tôi. Một cô gái ăn vận sexy, rõ là chuyển giới tính đứng trước cửa chuồng đột nhiên mở toang cửa ra, hét lớn "Who wanna come in?". Cả đám khách ồ lên, một bác Tây già xung phong.

Bác rón rén bước vào chuồng, không tự tin lắm. Ở ngoài nín thở theo dõi. Cô gái sexy cũng bước vào theo, bảo bác có thể vuốt ve con trăn. Bác ngập ngừng ngồi xuống rồi nhè nhẹ đưa tay lên vuốt vuốt nó, con trăn vẫn phì phì nhưng hiền lành chả phản ứng gì. Bạn Daniel đứng sau hỏi tôi: "Cậu có muốn vào không? Con này được cho ăn no rồi nên không nguy hiểm gì đâu". Tôi nuốt nước bọt đồng í và bước vào, bạn Daniel cầm máy ảnh sẵn sàng :D. Tôi chạm nhẹ tay vào người nó, cảm giác mềm mềm, ram ráp, bung bủng. Em trăn cũng không có vẻ gì muốn tấn công cả, ngoan hiền nằm im. Tôi hết cả sợ hãi, ngồi sờ soạng em một lúc thì bị nhắc "hết giờ" vì ở ngoài vài người đang nhao nhao hào hứng muốn "vào chuồng" như tôi. Thế là cười toe 1 nhát, và bước ra...

Hí hí
r0013229.jpg


Bạn Daniel đưa tôi trở về, trước khi chia tay vẫn cố chụp 1 kiểu với em "habal-habal" của bạn. Thật là một ngày đầy phấn khởi, tôi mơ màng ngồi trên chiếc jeepney về thành phố, trong lòng nghĩ đến những tấm vây tuyệt đẹp của cá heo ngày hôm sau.

Habal-Habal của bạn Daniel
r0013230e.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,311
Bài viết
1,175,022
Members
192,036
Latest member
imperiaglobalgate
Back
Top