What's new

[Myanmar] Bagan/Yangon - Tôi đi, tôi khám phá và tôi trải nghiệm

Myanmar - Miền giao thoa văn hóa

Trước khi đến Myanmar, tôi cũng lọ mọ tìm hiểu đôi điều về đất nước con người và văn hóa nơi đây. Myanmar nói chung, mà chính xác hơn là thành phố Yangon vốn dĩ được gọi là nơi văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa giao thoa. Như tựa đề một cuốn sách nổi tiếng "Where India meets China" đủ để nói lên sự đa dạng về văn hóa, sắc tộc của đất nước này. Là nơi hội tụ ẩm thực, kiến trúc của rất nhiều nền văn hóa lớn xung quanh, là nơi giao thoa của Phật giáo Nam Bắc...

Myanmar đẹp từ cảnh vật đến con người, bản sắc văn hóa. Myanmar có những nét mộc mạc quyến rũ rất riêng, rất đẹp và mọi người nên đi nhanh. Vì có lẽ theo đà mở cửa với thế giới, sợ rằng người dân sẽ không còn mặc longyi mà là quần jeans, không còn nhai trầu nhóp nhép mà là chewing-gum, cầu gỗ sẽ được thay bằng cầu dây văng, thuyền chèo một chân ở Inle Lake sẽ được thay bởi những chiếc canô cao tốc. Những khu vườn nổi, những ngôi nhà lá sẽ không còn...

Hãy đi Myanmar và hãy tiêu tiền đúng chỗ. Tiền có thể phải chi trả nhiều nhất sẽ là tiền đi lại. Nên có một lịch trình để chọn phương tiện di chuyển phù hợp, quản lý được túi tiền và thời gian. Tôi cũng đã lên một bản kế hoạch khá tỉ mỉ. Nhưng lên kế hoạch là một chuyện, đến nơi vì cảnh đẹp mà vỡ một phần "plan" lại là một câu chuyện khác. Khả năng vỡ kế hoạch là bình thường tùy theo sự lưu luyến cảnh vật, văn hóa của từng người. Tuy nhiên điều này cũng xứng đáng ^_^...

Tôi đã chọn hành trình Bagan - Yangon vì nhiều lí do. Yangon thì màu sắc rực rỡ, hài hòa giữa những thái cực đối lập nhau. Bagan thì đầy bụi băm và màu thời gian. Bagan, nếu nói một cách trọn vẹn không hề khoa trương thì Bagan là nơi ôm trọn vẹn linh hồn của đất Miến.

---------------------------------------------------------------​

>>> Mingalaba là cách người dân Miến chào hỏi, nghĩa là "chúc tốt lành". Mỉm cười và nói “mingalaba” đúng trong bất cứ tình huống nào. Đây là cách chắc chắn nhất để lấy sự thân thiện của bất kỳ ai.

>>> Thanakha là một loại bột làm từ cây gì đó không biết tên. Người ta bán từng khúc cây này hoặc bột đã mài sẵn. Người dân mua về, mài ra trộn với nước rồi thoa lên mặt. Tác dụng chính là để chống nắng, dưỡng da. Các cô gái bôi lên mặt rồi vẽ thành hình này hình kia nhìn cũng hay hay, ngộ ngộ...

>>> Đàn ông xứ Miến mặc váy và ăn trầu. Váy của đàn ông gọi là longyi, màu đậm, được túm trước bụng. Váy của phụ nữ là shayi, có nhiều hoa văn và được quấn lại một bên hông. Đi đường, thỉnh thoảng lại thấy các đấng nam nhi hồn nhiên mở váy ra rồi túm lại (do bị tụt vì nhiều nguyên nhân ^_^). Nhìn thì đơn giản nhưng mặc một chiếc Longyi cho chắc chắn đó là cả một vấn đề. Longyi là trang phục truyền thống của đàn ông, nó như một dấu hiệu báo cho tất cả du khách biết rằng họ đã đến đất nước Myanmar này.

>>> Uống trà lá, ăn mohinga. Nói đến Myanmar, ai cũng nói đến tục ăn trầu, nhưng có một thứ mà theo tôi quan sát thì người dân còn “nghiện” hơn ăn trầu đó là… ngồi uống trà lá ở các quán cóc. Uống trà, tán dóc ở Miến đơn giản và xuề xòa như chính con người của họ. Nhiều người ra quán trà để ăn sáng (và phần lớn ăn “món kinh điển” của Myanmar là mohinga, mì gạo và súp cá.

>>> Tu giữa đời thường. Cứ mỗi sáng sớm các nhà sư sẽ đi khất thực. Theo Phật giáo Nam Tông nguyên thuỷ (Theravada), các nhà sư không được kêu gọi cúng dường. Một hàng dọc các nhà sư choàng áo đỏ, đi chân đất, tay ôm bình bát cúi đầu im lặng bước đi khất hành. Còn người dân nơi đây không cần vào chùa tụng kinh, cũng không cần khoác áo cà sa. Mỗi ngày, người dân Myanmar vẫn “tu” bằng chính lối sống của họ: thật thà, chất phác hiền lành và vô cùng hiếu khách.

---------------------------------------------------------------​

Chuẩn bị đi thì nên cần mang:

+ Nón: rất nắng, rất nóng và gắt nếu bạn đi vào thời gian sau tháng 3.
+ Dép: nếu thích đi đền, chùa thì nên mang theo một đôi dép. Dễ cởi ra, mang vô. Dễ nhét vào cái túi nào đó đang mang trên mình để đi chân không (không vớ) vào đền chùa tham quan.
+ Bao tay: dậy sớm đi xe đạp, xe ngựa, đi thuyền hay dùng tay vịn vào thành cầu thang bằng sắt lạnh ngắt để leo lên tháp thì bao tay là thứ rất nên mang theo người.
+ Các bạn nữ có lẽ nên mang theo khẩu trang. Đi giữa những con đường đất đỏ đầy bụi dưới vó ngựa của Bagan thì khẩu trang cho các bạn có lẽ không thừa ^_^.
+ Thuốc đau đầu sổ mũi (thời tiết ở đây sáng rất lạnh, trưa rất nóng chiều lại lạnh rất dễ làm xây xẩm nhiều người). Thuốc đau bụng (phòng trường hợp không quen món ăn hay do ăn bốc cho giống dân bản địa ^_^).
 
Last edited:
Bagan - Miền đất Phật

Thành phố cổ Bagan là cố đô xưa kia của Burma hàng ngàn năm về trước. Mang một nét đặc trưng rất riêng, rất Myanmar, không pha tạp. Bagan nằm bên sông Ayeyarwady, nơi tập trung dày đặc những ngôi chùa, đền và bảo tháp. Tại Bagan có 5 ngôi đền, chùa không nên bỏ qua khi đến nơi này là: Ananda Phaya, Dhamma Yangyi, Sulamani Pahto, Thatbyinnyu Pahto và đặc biệt là chùa vàng Shwezigon.

>>> Htilo Mininlo: ngôi đền bề thế và tinh xảo được xây dựng bởi vua Zeya Theinkha. Vua cha của Theinkha có 5 người con và ông phải chọn ra người kế vị. Trong ý muốn của vua cha, Theinkha là người xứng đáng nhất. Nhưng để công bằng, ông đã chọn lựa người kế ngôi theo truyền thống của hoàng tộc. Đó là sử dụng cây dù trắng để chọn lựa người xứng đáng. Cây dù sẽ được đặt giữa các hoàng tử và cây dù nghiêng về phía ai, người đó sẽ được chọn. Cây dù đã chọn Theinkha và ông đã lên ngôi với sự tích như thế. Theinkha đã xây dựng nên ngôi đền này và "Htilo Mininlo" nghĩa là đức vua được lựa chọn bởi chiếc dù trắng và vua cha.

>>> Ananda Phaya: ngôi đền có 4 tượng Phật lớn bằng vàng đặt ở 4 hướng. Trong đó tượng Đức Phật ở phía nam (Phật ca diếp), mình hóng hớt nghe được loáng thoáng từ hướng dẫn viên một đoàn khách người Đức nói rằng, khi tiến đến Đức Phật để cầu nguyện, hãy luôn mỉm cười để lòng thanh thản khi cầu nguyện. Bốn Đức Phật dựng ở bốn hướng là những Đức Phật đã đạt được cõi Niết bàn.

Phía đông: Konagamana (Phật Câu Na Hàm)
Phía tây: Gotama (Phật Thích Ca Mâu Ni)
Phía nam: Kassapa (Phật Ca Diếp)
Phía bắc: Kakusandha (Phật Câu Lâu Tôn)

>>> Dhamma Yangyi: là ngôi đền có diện tích lớn nhất Bagan hình khối kim tự tháp. Đặc biệt đền không có chóp như những ngôi đền khác. Do vua Narathu (Kalagya Min) cho xây dựng năm 1167. Sau khi giết chính vua cha của mình, Narathu chiếm ngai vàng và cho xây dựng bằng gạch đỏ đất nung không hề có mạch vữa. Tương truyền Narathu tự mình giám sát việc xây dựng và những người thợ xây sẽ bị hành quyết nếu một cái kim có thể lọt giữa hai lớp gạch. Sau khi xây xong, ông cho chặt hết tay của nô lệ để đảm bảo giữ bí mật kỹ thuật xây ngôi đền. Trong ngôi đền ông cho đặt hai bức tượng: một là cha và một là anh trai của ông. Cả hai đều bị ông ám sát để đoạt ngôi. Còn có một bức tượng người phụ nữ nằm sau bức vách, đó là vợ của ông, người cũng bị ông giết chết. Tương truyền rằng ngôi đền xây mà không hoàn thành được do những nhân quả mà Narathu gây ra, đó cũng giải thích vì sao nó không có cái chóp như những ngôi đền khác.

>>> Sulamani Phaya: được vua Narapatisithu xây dựng năm 1183. Sulamani được trang trí rất đẹp ở các bức tường phía bên ngoài đền, nhưng Sulamani khác biệt với những ngôi đền khác ở những bức tranh rất tinh xảo được trang trí trên tường, trên trần phía bên trong ngôi đền. Khi bạn bước chân vào ngôi đền có ngàn năm tuổi này, sẽ có cảm giác như bỏ lại những bụi trần phía bên ngoài cổng đền, tạm quên đi mọi thế sự nhân gian.

>>> Thatbyinnyu Pahto là ngôi đền cao nhất ở vùng đất đầy gió bụi này và chùa vàng Shwezigon là một biểu tượng của đất Phật Bagan. Tương tự như chùa vàng Shwedagon ở Yangon nhưng yên bình và thanh tĩnh hơn rất nhiều. Nơi đây, bạn có thể kiếm cho mình một góc nào đó để ngồi tư lự, nhìn trời nhìn mây, mơ màng hàng giờ liền cho dù cuộc sống ngoài kia có sôi động đến đâu, có nhộn nhịp đến thế nào.

---------------------------------------------------------------​

Các đền tháp ở Bagan được làm bằng gạch nung mang sắc màu phôi pha của nắng, của mưa, của thời gian. Có hơn bốn ngàn ngôi đền chùa thuộc phái Theravada (hay còn gọi là phái tiểu thừa) trải khắp Bagan. Trận động đất năm 1975, đã phá hủy gần 2000 đền chùa nơi đây. Đa số các ngôi đền được xây kiến trúc hình tháp vuông. Bốn mặt thường đặt bốn tượng Phật lớn (4 faces). Các dãy hành lang có mái vòm cao, dọc hành lang đôi khi cũng đặt các tượng Phật nhỏ. Luôn lưu ý tháo giày vớ ra trước khi vào đền chùa nhé. Hãy tỏ lòng thành kính, chân thật và mộc mạc như người dân nơi đây đối với những ngôi đền của họ. Vào đền nên đi theo kiểu Kora. Đi vào một cổng chính, đi theo hướng trái rồi men theo bên phải hành lang đi một vòng (nền gạch bên trong đền rất mát, đi mà cảm thấy lòng rất nhẹ nhàng).

Bagan yên bình lắm. Đến Bagan phải thử đi xe ngựa và đạp xe đạp một lần để thả hồn vào những tiếng lộc cộc của vó ngựa, cảm giác lắc lư trên xe, hình ảnh bụi đất tung mù lên phía sau để đưa tâm hồn chìm vào cảm giác một thời oai hùng xa xưa của cố đô. Bagan chất chứa cả một lịch sử huy hoàng phía sau những lớp bụi đỏ mịt mờ. Đền chùa ở Bagan nhiều vô kể trải rộng khắp nơi, qua những thăng trầm thời gian cả ngàn năm vẫn còn đó. Bagan xinh đẹp khiến tôi mê mẩn cứ ở lại đó mà đạp xe đi lòng vòng không biết mệt… Có đi giữa những đền tháp này mới thấm thía được nỗi buồn cô quạnh theo thời gian của Bagan. Nếu như Angkor thể hiện nét tinh tế của mình ở đá và gạch, thì Bagan rực rỡ ở bụi mù và sự bao la nhưng cô tịch trên những bức tường tróc loang lổ qua thời gian. Bởi vậy, ai nói rằng thời gian không có màu?

Ở Bagan, các đền chùa còn giữ được hiện trạng rất tốt. Khí hậu ở Bagan khô nên các công trình được bảo tồn tốt hơn ở những nơi khí hậu ẩm. Những đền tháp được phục chế rất khéo léo, hòa hợp bằng kỹ thuật còn lạc hậu do chính bàn tay những người dân Myanmar làm. Với họ, công việc này không hẳn là phục chế lại một công trình do chính tổ tiên xây dựng từ xa xưa, mà đó là sự thể hiện của lòng tôn kính với Đức Phật, của sự mộ đạo có thừa trong mỗi con người Myanmar. Nếu như được công nhận là di sản văn hóa thế giới, được nhiều người biết đến, du khách đến với Bagan nhiều hơn, thì những đền tháp này liệu có còn nguyên vẻ đẹp trầm mặc cô quạnh, những người dân nơi này có còn nguyên sự thật thà chất phác như vốn có hay không?

Trên mảnh đất cố đô, thời khắc được chú ý nhất có lẽ là bình minh và hoàng hôn. Không biết có phải vì bình minh và hoàng hôn là thời điểm linh thiêng nhất hay vì đó là thời điểm đẹp nhất để thả hồn lãng mạn, để nhìn ngắm và chụp ảnh. Muốn ngắm mặt trời nên đi từ tháng 11 đến tháng 3. Mùa này ít mây, còn lại mùa nắng với mây mù rất khó nhìn được mặt trời mọc và lặn. Rồi thì cuối cùng đã được tận mắt ngắm nhìn những đền tháp cổ thức giấc cùng bình minh, đốt cháy mình trong nắng và cô đơn lạnh lẽo trong ánh chiều tà.
 
Last edited:
Yangon - Đa màu sắc

Yangon như bao thành phố lớn ven sông gần biển khác... Đó là ở đây bạn có thể bắt gặp rất nhiều nền văn hóa hòa quyện vào nhau, những pha trộn giữa văn hóa Nam Á với Đông Á, Trung Á. Thành phố của những sắc màu rực rỡ, của những hàng quán ven đường, của những công trình kiến trúc thuộc địa xưa cũ. Yangon có lẽ là một thành phố mà bất cứ kiến trúc sư hay nhiếp ảnh gia nào muốn khơi nguồn sáng tạo nên tìm đến. Tôi lang thang, thơ thẩn từ góc phố này đến con đường kia, tìm góc và bấm máy.

Sự thân thiện bắt đầu từ ngay nơi sân bay Yangon tôi đến, nơi mà từ anh lao công quét dọn ân cần đến cô gái hải quan luôn nở nụ cười trên môi. Hành lý chưa kịp để xuống máy soi thì họ đã mời tôi bước qua luôn không cần soi chiếu... Việc đầu tiên nên làm khi xuống sân bay sau khi làm thủ tục nhập cảnh đó là đổi tiền. Ở Myanmar đổi tiền rất khó, nếu tờ USD của bạn hơi nhăn, có lằn gấp nếp, hơi tối màu một chút nhiều thì nhiều khả năng bạn sẽ không đổi được tờ tiền đó. Một điều khá lạ lùng nữa là ở mỗi quầy đổi tiền một passport chỉ đổi được 100 USD. Muốn đổi 300 USD thì cứ đi đủ 3 quầy đổi tiền ^_^.

Một đất nước cởi mở và thân thiện dù còn khá nghèo khó. Trên đường phố luôn lao vùn vụt những chiếc xe bốn bánh, tuyệt nhiên không có xe máy hai bánh vốn bị cấm mà theo lời anh lái taxi là do tai nạn quá nhiều nên chính phủ cấm luôn xe máy. Khi định mở cửa taxi và lên ngồi ghế bên trên bên tay phải, anh lái xe trố mắt nhìn: "Mày muốn lái xe sao". Tôi bật cười chợt nhận ra ở đây xe đều là xe tay lái nghịch, chịu ảnh hưởng từ nước Anh vốn là nước đô hộ cũ ở nơi đây, dù xe đều chạy bên tay phải, một sự trái ngược kì lạ...

---------------------------------------------------------------​

Yangon nổi bật ở những kiến trúc kiểu thuộc địa cũ, của những màu sắc đỏ vàng trên các công trình ấy, nơi mà xen lẫn trong không gian tâm linh là những ngôi chùa Phật giáo, những nhà thờ Công giáo, những đền thờ Hồi giáo. Về cuộc sống ở đây, ta có thể bắt gặp hình bóng của chính Sài Gòn hơn 20 năm về trước. khi chúng ta bắt đầu mở cửa với thế giới. Yangon còn một bộ mặt khác nếu bạn có thời gian lang thang ở khu vực chùa Sule và quảng trường trung tâm. Đó là sự bình thản, yên lành của một thành phố đầy tiếng chim. Người ta sống hòa đồng với chim chóc, chăm sóc chim theo kiểu rất riêng của họ. Chim nhiều đến độ bạn có thể bị chúng ị lên đầu lúc nào mà không hay (mà bản thân tôi khi lang thang ở hồ Kandawgyi đã bị ^_^).

Ở đây luôn tồn tại những mảng đối lập đang cùng nhau. Ví dụ như có thế thấy rằng ở Yangon chỉ có xe hơi, và xe hơi... nhưng kì thực người dân lại rất nghèo, ngay cả những người lái xe hơi kia vẫn phải gồng mình để có được một phương tiện đi lại trong thành phố, như lời tâm sự của anh tài xế đón tôi ở sân bay. Xe hơi ở đây bị áp đến 3 lần thuế: thuế lúc mua xe, thuế lúc làm giấy tờ xe và thuế để đưa cái xe đó có thể chạy hợp pháp ở Yangon. Hay như bên cạnh tòa thị chính bề thế của thành phố, bên cạnh chùa Sule ngay khu trung tâm ấy... là những khu ổ chuột, chung cư cũ xuống cấp của dân lao động nghèo.

Yangon có hai hồ nước lớn, hồ Inyahồ Kandawgyi. Hồ Inya lớn hơn nhưng nổi tiếng hơn là hồ Kandawgyi nơi ngôi chùa ngự trên lưng hai con linh thú biểu tượng của Myanmar. Hồ Inya và hồ Kandawgyi có thể so sánh như hồ Tây và hồ Gươm của thủ đô Hà Nội. Bình minh và ánh chiều tà nơi đây nếu ngồi ngắm nhìn từ cầu gỗ về phía chùa Shwedagon vô cùng đẹp và rực rỡ. Biểu tượng ấy theo lời anh lái xe, khi nó xuất hiện ở đâu thì ở đó là một nhà hàng ăn uống và có bán đặc sản bia Myanmar (đúng là sự thật 100% nếu bạn cứ để ý tìm hiểu). Người dân ở đây ăn trầu vô cùng nhiều. Tôi - vốn dĩ là một người ở cái xã "Mười tám thôn vườn trầu", thế mà lại lần đầu tiên thử một miếng trầu ở đất nước xa xôi này.

---------------------------------------------------------------​

Người dân ở Yangon nói riêng và Miến Điện nói chung rất sùng bái đạo Phật. Việc dâng tiền, vàng, đá quý để xây dựng chùa rất phổ biến trong dân chúng. Hầu hết các ngôi chùa đều có đỉnh dát vàng nạm đá quý thể hiển sự phồn thịnh của tôn giáo. Nhưng bên cạnh đó là sự cơ cực của người dân sống xung quanh chùa. Đa số dân cư thu nhập rất thấp, cuộc sống đói khổ, nhà cửa sập xệ, không có công trình dân sinh. Nơi du khách thường chụp hình thường chỉ là một phần nhỏ sáng nhất ở Yangon mà thôi. Ngay bên kia sông Yangon là huyện Dala, nơi bắt đầu từ đây được xem là “lãnh địa” của người nghèo thành phố.

Buổi chiều đó trong chùa vàng Shwedagon, ngồi thơ thẩn, suy ngẫm về cuộc sống. Dưới bóng mát của tháp chuông lớn, một người đàn ông Miến Điện đang ngồi tịnh thiền. Nơi cửa Phật đúng là nơi con người có thể trút bỏ được nỗi buồn thế thái, lánh xa cuộc sống xô bồ đầy những lo toan bề bộn. Ở đây người ta có thể quay lại bản chất thật của con người. Ngày 26/08/1988, nơi chùa vàng linh thiêng nhất đất nước này, bà Aung San Suu Kyi, người từng nhận giải Nobel hòa bình, người phụ nữ đấu tranh không ngừng nghỉ cho nền dân chủ của Myanmar đã có buổi diễn thuyết đòi xóa bỏ chế độ độc tài quân sự và thực hiện dân chủ . Có hơn nửa triệu người tham gia nghe buổi diễn thuyết khi đó của bà, một con số khổng lồ biết nói.

Quần thể chùa vàng Shwedagon bao gồm 1000 đơn thể chùa bao quanh toà bảo tháp trung tâm. Trong đó có 72 ngôi chùa bằng đá quí có thờ tượng Phật bên trong. Tôi thầm nghĩ rằng nếu mỗi ngày tôi quì lạy một tượng Phật thì có lẽ tôi lạy hơn 2 năm cũng chưa xong. Bảo tháp trung tâm là một tuyệt tác nghệ thuật được phủ kín bởi gần 10 ngàn lá vàng với tổng khối lượng hơn nửa tấn. Trên đỉnh tháp là lá cờ nheo được làm hoàn toàn bằng vàng khảm kín với hơn 5 ngàn viên kim cương và hơn 2 ngàn viên đá quí. Đỉnh tháp treo tất cả một ngàn cái chuông vàng và gần năm trăm cái chuông bạc. Dưới ánh sáng ban ngày cũng như ánh đèn về đêm, ngôi chùa vàng luôn rực rỡ sắc vàng lấp lánh. 18 giờ, các cô gái đi quét chùa, rồi tới các anh con trai theo sau, sau đó người dân thành kính quì ở bảo tháp trung tâm cùng niệm kinh với trụ trì ngôi chùa huyền thoại này.
 
Last edited:
Đây là kế hoạch ban đầu của chuyến đi... Đi solo nên plan kĩ kĩ một chút, anw là sau khi đến nơi, kế hoạch bị vỡ vài chỗ vì cảnh đẹp níu giữ lâu hơn dự kiến nhưng ko sao, vì cái đẹp và vì một chuyến đi trải nghiệm và khám phá ^_^

11961018254_86f22580e6_o.jpg
 
Last edited:
Và đây là lịch trình re-fix sau khi đến Myanmar của mình (3 ngày ở Bagan, 2 ngày ở Yangon). Không được nghỉ nhiều nên không nhét vào Inle và Mandalay được. Mà mình thì đi nơi nào thật sâu và cặn kẽ vào cuộc sống rồi mới đi tiếp và nghỉ ngơi chứ ko thi đua đi nhiều chỗ.

Myanmar/Yangon - Ngày 1:

+ 11 giờ 30 ~ 14 giờ: VN943 (Sài Gòn - Yangon) + nhập cảnh + đổi tiền (200 USD ~ 196.000 ks).

+ 14 giờ ~ 15 giờ: từ taxi về downtown (khu vực chùa Sule + tòa thị chính + quãng trường độc lập).

+ 15 giờ ~ 17 giờ: quăng valy trên taxi cho bác ấy đi đâu, hẹn đúng 16 giờ 30 quay lại đón ở ngay chùa Sule. Rồi loanh quanh kiếm gì bỏ bụng (quanh trục đường ấy, đồ ăn vỉa hè rất nhiều và rất ngon). Trong hai tiếng loanh quanh có thể ngắm nghía quanh khu vực downtown tùy vào khả năng đi bộ và nhòm ngó của mỗi người.

+ 17 giờ ~ 18 giờ: bác tài chở từ downtown lên hồ Kandawgyi. 2000 ks mua vé vào cầu gỗ ngắm hoàng hôn rất đẹp (ngó sang biểu tượng Myanmar, nếu còn sức thì nên đi một vòng cầu gỗ quanh hồ có rất nhiều chỗ đẹp).

+ 18 giờ ~ 19 giờ: leo lên xe chạy ra bến xe đi Bagan (từ trung tâm ra bến xe khoảng 1 tiếng, tuy nhiên nên trừ hao khoảng 30p vì đoạn đường này là đường trọng điểm rất hay kẹt xe vào tầm 12g trưa và 17g chiều trở đi).

+ 19 giờ 30: tới trạm xe (gần sân bay Yangon) checkin đi Bagan. (Ghế ngồi được bác tài chọn luôn lúc mua. Ghế hàng thứ hai, cửa sổ, ghế đơn bên phải). Xe đường dài của JJ Express rất tốt tuy nhiên chọn được ghế hàng trên ngồi vẫn thích hơn. Không nên ngồi hàng đầu tiên vì chân ko thoải mái bằng từ hàng hai trở đi.

+ 20 giờ ~ 05 giờ: JJ Express khởi hành đi Bagan. (vé được anh tài xế mua trước cả chiều đi và về. 18.000 ks cho mỗi chiều). Nên ăn uống trước khi lên xe, kẻo giữa đêm bị dừng trạm đói vào ăn chỗ Feel Express thì bị chém rất đẹp và tàn nhẫn. Trên xe cũng được phát nước uống, phần ăn Donuts và mền đắp giữ ấm.
 
Last edited:
Myanmar/Bagan - Ngày 2:

+ 05 giờ: tới Bagan lúc trời còn tối om, ngoài trời 12 độ C. Trước lúc đi đã check GPS khách sạn gần bến xe, đối diện Shwezigon nên lững thững kéo valy đi và đã định hướng đúng đường. Từ bến xe về khách sạn 3 phút kéo valy. Quăng valy cho lễ tân, vì khách sạn 13 giờ mới cho checkin. Rồi ra tìm xe ngựa đi ngắm bình minh.

+ 05 giờ ~ 05 giờ 30: Thông thường giá xe ngựa trọn ngày khoảng 25.000 ~ 27.000 ks. Nhưng nếu bạn tìm vào lúc 5 giờ sáng + người đánh xe biết tiếng Anh và bạn đến vào mùa cao điểm thì mức giá vào khoảng 30.000 ks là chấp nhận được. (nếu trả hớ, bạn sẽ bị bán qua xe khác ngay, họ kiếm hoa hồng sang tay).

+ 05 giờ 30 ~ 07 giờ: Ban đầu bị mối hét giá 40.000, trả 1 lèo xuống hắn 25.000. Rồi nâng lên 27.000 và chốt giá 30.000ks. Cũng chấp nhận được mặc dù bị hớ khoảng 2 3 ngàn ks (vì cũng gần tới giờ mặt trời mọc và đứng lâu lạnh run), nên thôi đi cho lẹ. (và sau đó bản thân mình cũng bị bán sang xe khác).

+ 07 giờ ~ 07 giờ 30: anh đánh xe mới thì quá tốt. Dẫn đi ăn sáng chỗ người dân địa phương (hết 700 ks). Anh này nói chuyện vui vẻ, chỉ đường này nọ (vì lẽ đó mà hôm sau tôi có thể vi vu khắp Bagan bằng xe đạp điện rồi sau đó nữa là xe đạp). Ngày đầu nên đi xe ngựa để lấy cảm giác đường đi, rồi ngày sau tự mà đi loanh quanh. (sáng hôm đó đi xem Htilo Mininlo + Ananda Phaya + nhiều cụm đền khác...)

+ 07 giờ 30 ~ 11 giờ 30: ngồi trên xe ngựa lọc cọc đi dọc con đường Lanmadaw xem đền đài. (ở Bagan đi từ Nyaung U tới Old Bagan có 2 con đường song song. Một là đường nhựa Anawarahta rất đẹp + nhiều cảnh sát du lịch, hai là đường Lanmadaw dân sinh ngoằn ngòe, mà theo cảm nhận mình cũng rất đẹp + chỉ có dân và hàng quán, không có cảnh sát. Muốn ảnh đẹp đi dọc đường này rất nhiều.

+ 11 giờ 30 ~ 12 giờ 30: ra bến thuyền gần chùa Bupaya mướn thuyền chạy dọc sông Ayeyarwady. Thuyền có mỗi mình và người lái, đi một tiếng dọc sông từ Bupaya ngược lên Shwezigon rồi vòng về hết 12.000 ks.

+ 12 giờ 30 ~ 13 giờ 30/15 giờ 30: về khách sạn checkin, tắm rửa nghỉ ngơi hồi sức (cho cả anh đánh xe ngựa nghỉ ngơi, không nên vắt kiệt người ta quá mức). Hẹn anh ta quay lại đón lúc 15 giờ 30.

+ 15 giờ 30 ~ 18 giờ 30: đi ra phía đường nhựa Anawarahta (anh ấy nói đi vậy để có gì nếu mai mình thích tự đi thì biết đường mà đi). Chui vào mấy ngóc ngách xem ngó nghiêng, ngồi anh ấy chỉ một chỗ ngoài Shwe san taw ngồi ngắm hoàng hôn cũng đẹp. Mà đúng là cái góc chỗ này cũng đẹp thật (chiều hôm đó đi quanh khu vực đền Dhamma Yangyi + Sulamani Pahto + ... rồi tới cái đền gần đó ngắm nghía hoàng hôn).

+ 18 giờ 30 ~ 20 giờ: quay về khách sạn, ăn tối, tắm rửa, sạc các thể loại thiết bị (điện thoại, máy ảnh, Ipad...).

+ 20 giờ ~ 21 giờ: muốn lang thang qua Shwezigon hoặc làm gì cũng đc. Tốt nhất nên ngủ lấy sức. Ngủ sớm cũng đc vì sẽ dậy sớm nếu muốn đi ngắm bình mình (bình minh, hoàng hôn và đền chùa là đặc sản ở đây).

+ 21 giờ ~ 04 giờ 45/+: ngủ cho hồi mana (sau một đêm trên bus và cả ngày lang thang thì ngủ sẽ rất rất là ngon).
 
Last edited:
Myanmar/Bagan - Ngày 3:

+ 05 giờ ~ 07 giờ 30: chạy xe đạp điện ra Shwe san taw, đi sớm kiếm góc đẹp chụp hình (thuê xe đạp điện từ người nhà anh đánh xe ngựa, giá hữu nghị 8.000 ks cho hơn 1 ngày (từ 5 giờ 30 sáng tới 20 giờ). 5 giờ 30 sáng anh ta mang xe tới giao. Vào tầm đó, không thể nào đào đâu ra cái xe đạp điện được nếu không đặt trước. Một ngày thuê xe ngựa/xe đạp/ xe điện được tình là từ mặt trời mọc tới mặt trời lặn (06h tới 18h).

+ 07 giờ 30 ~ 11 giờ 30: lang thang phía đường nhựa Anawarahta không bị ngược sáng để chụp hình, lưu ý hướng ánh sáng nhé mọi người nếu muốn chụp ảnh, bởi vậy ngày trước đó bạn nên để ý đường đi và hướng sáng. Nên chọn đường nào nên đi buổi sáng, đường nào nên đi buổi chiều nếu thích lang thang chụp ảnh.

+ 11 giờ 30 ~ 15 giờ: ăn trưa, về khách sạn tắm rửa nghỉ ngơi, không nên mò ra đường tầm thời gian này, nắng nóng mà ánh nắng lại gắt lên hình không đẹp. Ăn gần đền Ananda có cơm đặc sản Miến rất ngon, 3.500 ks cho rất nhiều món, bạn cứ thoải mái ăn, ăn hết món nào họ lại dọn lên thêm cho bạn. Nói là phần 1 người chứ 2 người ăn cũng không hết. Tuy nhiên thì nên lịch sự nếu 2 người thì gọi phần cho 2 người nha m.người.

+ 15 giờ ~ 17 giờ: chạy dọc cung đường Lanmadaw chụp ảnh, chiều thì bên cánh này không ngược nắng, cung này rất rất nhiều cảnh đẹp mà hôm sau nữa mình đi thêm cả buổi sáng. Phía cung đường này thì dân cư Bagan sinh sống nhiều, nhiều hàng quán, làng nghề, cảnh vật và đền chùa nho nhỏ rất đẹp nếu khéo chọn góc.

+ 17 giờ ~ 18 giờ: lại phi ra Shwe san taw ngắm hoàng hôn, thật sự là ở Bagan 3 ngày thì cả 3 ngày mình đều đi ngắm hoàng hôn và bình minh. Dù phải dậy sớm rồi chạy xe giữa cái giá lạnh sớm mai hay nóng đổ lửa, chen chúc nhau buổi chiều thì đó với mình cũng là những giây phút vô cùng đẹp, lãng mạn và bình yên.

+ 18 giờ ~ 21 giờ: ăn tối, trả xe điện, rồi đi bộ qua chùa Shwezigon lộng lẫy ánh vàng dưới ánh đèn về đêm. Chùa Shwezigon rất đẹp và yên tĩnh nhé mọi người, ngồi thừ ở đây hàng tiếng đồng hồ cũng được nếu bạn thực sự muốn buông trôi suy nghĩ một khoảng nào đó. Mướn trước xe đạp cho ngày hôm sau vì vào sáng sớm ko ai thức mà cho bạn mướn xe đâu. Ở đây 3 ngày thì mình đi đủ 3 phương tiện xe ngựa/xe điện/xe đạp.

+ 21 giờ ~ 05 giờ/+: ngủ cho hồi mana (sau ngày quần thảo Bagan dù là bằng xe đạp điện thì cũng khá là phê).
 
Myanmar/Bagan - Ngày 4:

+ 05 giờ ~ 07 giờ 30: điệp khúc quen thuộc: đạp xe đạp ra Shwe san taw để ngắm bình minh và chụp ảnh. Cứ đạp thong thả vì hôm nay mình quyết định xuống tầng thấp hơn chụp để đổi góc, không cần vội vã đi sớm kiếm góc trên tầm cao. Góc tầm thấp cũng lợi hại ở một vài điểm là bị che bởi vài tán cây hay vài cái chóp đền, sẽ tạo hiệu ứng ảnh rất đẹp. Chỗ tầm thấp lại rộng tha hồ cho bạn quay ngang quay ngữa tìm góc.

+ 07 giờ 30 ~ 10 giờ 30: ăn sáng, chạy dọc phía đường dân sinh chụp ảnh bình minh sớm mai của người dân lao động, của các làng nghề (làm lu, làm gốm, điêu khắc, sơn mài, tranh cát... hay đi khất thực, làm đồng, cuốc rẫy...) rất chân thực về cuộc sống ở đây (bình dị, cơ cực nhưng rất mộc mạc, chất phác, thanh bình).

+ 10 giờ 30 ~ 12 giờ 30: về khách sạn, tắm rửa rồi checkout lúc 11 giờ. Quăng valy nhờ khách sạn coi giùm. Ngồi nghỉ ngơi ở đó một chút tránh nắng cũng được. Tạt qua các quán gần khách sạn ăn trưa, không nên ra đường dưới trời đang đổ lửa. Càng nên giữ sức khỏe vì buổi tối sẽ đi bus về Yangon, sẽ ngủ trên bus.

+ 12 giờ 30 ~ 15 giờ 30: kiếm cái ghế bành của khách sạn mà ngả lưng nghỉ ngơi chờ dịu nắng. Các bạn quản lý cũng dễ thương lắm, họ sẽ thiết kế chỗ cho bạn nghỉ chờ bus mà không nhăn nhó gì đâu, vì đơn giản họ đều biết giờ xe chạy và giờ checkin, checkout ở đây lệch nhau một cách kì cục. Valy thì bạn nhờ họ sẽ giữ giùm.

+ 15 giờ 30 ~ 18 giờ 30: cả buổi chiều lang thang trong chùa Shwezigon, các bạn có choice khác thì cũng hay. Mình hay thích vào chùa ngồi trầm ngâm nên đây khoảng thời gian chờ bus này mình dành vào đây. Cũng hay hay khi ngồi thừ ra, tựa lưng ngó trời ngó mây giữa những tiếng mõ, tiếng chuông và mùi hoa thoang thoảng.

+ 18 giờ 30 ~ 19 giờ 30: ăn tối, ngồi nhâm nhi trà lá nhìn xe ngựa cồm cộp trở về nhà sau một ngày lao động. Cũng là một cái thú, rất thú khi hai tay bưng ly trà nóng nhâm nhi rồi nhìn dòng người qua lại ngược xuôi.

+ 19 giờ 30 ~ 20 giờ: ra trạm xe bus làm thủ tục về Yangon, lại gặp lại em phục vụ xinh xinh của JJ Express.

+ 20 giờ ~ 05 giờ: JJ Express khởi hành đi Yangon. Về tới Yangon, bắt taxi về khách sạn gần downtown 5.000 ks share xe với 2 bạn Hàn Quốc khác cũng về khách sạn gần đó. Về tới downtown khoảng 6 giờ sáng.
 
Myanmar/Yangon - Ngày 5:

+ 05 giờ ~ 06 giờ: về tới trạm xe bus. Bắt taxi về khách sạn Queen Park ở downtown (5.000 kyats, share xe chung với 1 bạn Hàn Quốc cũng về downtown). Rẻ hơn 3.000 nếu đi 1 mình, còn chờ gì nữa mà ko đi nhanh.

+ 06 giờ ~ 7 giờ: về tới khách sạn, dự định checkin phòng sớm sẽ bị charge thêm tiền. May mắn (lại may mắn) là tiếp tân nói phòng chưa được dọn nên vui lòng đợi một chút. Mình nói ngay rằng mình chỉ cần chỗ để valy và rửa mặt mũi cho tỉnh táo rồi sẽ đi tới trưa, nên không cần phải dọn liền đâu. Thế là khách sạn cho nhận phòng.

+ 07 giờ ~ 9 giờ 30: gần 2 tiếng rưỡi đồng hồ quanh khu vực trung tâm của Yangon để nhìn ngắm, ảnh iếc, cảm nhận... đi bộ từ khách sạn ra đây mất khoảng 10 phút. Suốt dọc con đường là rất, rất nhiều kiến trúc kiểu Anh thuộc địa, kiểu Ấn/Miến. Ra quảng trường độc lập và khu vực quanh đó thì dưới ánh nắng sớm mai, nếu bạn là một người thích chụp ảnh, tìm hiểu thì có lẽ bạn sẽ mất kha khá thời gian ở khu vực này.

+ 09 giờ 30 ~ 10 giờ 30: đi rảo rảo từ chùa Sule ra chợ Scott ăn sáng. Đồ ăn ở chợ khá ngon, đủ món, đủ loại, đủ các nước Ấn, Miến, Trung, Thái... nhưng hãy cẩn thận kẻo bị chém, hỏi giá kĩ trước khi ngồi xuống ăn.

+ 10 giờ 30 ~ 11 giờ 30: vì chùa Botataung đang sửa chữa nên không vào, chỉ chụp ảnh bên ngồi rồi lang thang ở cầu cảng sông Yangon (từ chùa đi tới khoảng 500 mét là cầu cảng). Rồi ăn trưa, về khách sạn (1.500 ks).
+ 11giờ30 ~ 15giờ30: trốn về khách sạn tránh nắng, làm một giấc đã đời quên sầu lấy sức để chiều đi tiếp.

+ 15giờ30 ~ 16giờ30: mò ra một quán cóc trà lá gần tòa thị chính ngồi nhâm nhi cho có cảm giác về món đặc sản lề đường này của người Miến Điện (đâu đâu cũng thấy có, quán nào cũng để một ấm trà kiểu này).

+16 giờ 30 ~ 19 giờ: bắt taxi từ loanh quanh khu trung tâm đến chùa vàng Shwedagon (2.000 ks). Do chỉ có một đêm ở Yangon, nên đã quyết định dành kha khá thời gian ở chùa Shwedagon. Từ lúc trời sắp lặn, cho đến khi lên đèn, 18 giờ nam thanh nữ tú đi quét dọn chùa để làm lễ chuẩn bị cầu nguyện cùng trụ trì.

+ 19 giờ ~ 20 giờ: ăn tối no nê xong dư hơi nổi hứng tiết kiệm đi bộ một vòng gần 3km từ chùa vàng Shwedagon dọc theo hồ Kandawgyi qua Karaweik lung linh sắc màu về đêm. Tuy nhiên khuyến cáo các bạn nên đi taxi cho nhanh và tiện (khoảng 1.000 ks) ko nên đi bộ vì nhiều lí do.

+ 20 giờ ~ 22 giờ: bắt taxi từ Karaweik về chùa Sule, nếu còn sức đi bộ ngắm nghía chùa Sule lên đèn thì ra phía cầu vượt gần khách sạn Trader (khách sạn lớn nhất Yangon hiện tại). Ngắm chán chê nếu đói đói thì đi ăn đêm ở các con đường "n-th" street nhé. Có một con đường được nhắc đến khá nhiều là 19th street, tuy nhiên theo mình thì các "n-th" street đan xen với đường Maha có nhiều món ăn chất Miến hơn.

+ 23 giờ ~ 06 giờ: sau một ngày lang thang, khá mệt vì đa số là đi bộ. Hầu như ngày nào cũng ngủ rất ngon.
 
Last edited:
Myanmar/Yangon - Ngày 6:

+ 6 giờ 30 ~ 8 giờ: ăn sáng, đi bộ khoảng 2km theo chiều xe chạy trên đường Maha Bandoola (đường này một chiều chạy từ chùa Sule ra sông Yangon). Ngắm buổi sớm mai trên sông và cuộc sống lúc sáng sớm của dân lao động nghèo ở đây. Đầy màu sắc và tấp nập dù chỉ là những hàng quán xập xệ, những nét cơ cực còn hằn dấu trên khuôn mặt mỗi người dân. Cây cầu bắc qua sông Yangon rất đẹp nhé mọi người, nếu trời không nắng gắt thì đi bộ rất thú vị, mất khoảng 20 phút thong dong ăn sáng, đi bộ và nhìn ngang, ngó dọc.

+ 8 giờ ~ 9 giờ: bắt taxi (2.000 ks) từ cầu Maha ra hồ Kandawgyi, tầm lúc này nắng vẫn còn dịu, trời vẫn mát. Chạy ra đó đi một vòng hồ trên cầu gỗ. Nếu bạn thích cảnh đẹp, bình yên và chụp ảnh, thì chắc chắn đây là một nơi đẹp nhất để bạn tác nghiệp ^_^. Có lẽ góc nào ở đó cũng đẹp, và buổi sáng ở đây đẹp hơn buổi chiều.

+ 09 giờ ~ 10 giờ 30: có nhiều lựa chọn cho một tiếng rưỡi này. Bạn có thể đến thăm ngôi chùa Nga Htatgyi có tượng Phật nằm với những hàng kinh Phật trên đôi bàn chân Ngài, hoặc đến hồ Inya thăm thú (thật ra không đẹp bằng ở hồ Kandawgyi), hoặc ra chợ Ấn/Hồi Mingalar sầm uất hoặc kêu bác tài cho bạn một cuốc taxi-view chạy vòng vòng thành phố ngắm nghía. Mình thì chọn ra chợ Mingalar chơi (thích cảnh sinh hoạt buôn bán, đền chùa thì đi cũng nhiều rồi).

+ 10 giờ 30 ~ 12 giờ: về khách sạn, checkout lúc 11 giờ, ăn trưa. Taxi từ downtown ra sân bay là 8.000 ks.

+ 12 giờ ~ 13 giờ 30: từ downtown ra sân bay làm thủ tục về nước (lưu ý buổi trưa cũng có kẹt xe nhé mọi người. Nên dự phòng thêm 30 phút kẹt xe, quầy checkin đóng 30 phút trước giờ bay. Quầy làm thủ tục của Vietnam Airlines là quầy 8, 9, 10. Làm thủ tục xong còn dư vài chục phút thì đi ngắm nghía đồ lưu niệm.

+ 14 giờ 30 ~ 17 giờ: VN942 Yangon - Sài Gòn về tới sân bay Tân Sơn Nhất.

Note:
> Luôn luôn lưu ý trang phục và giày dép trước khi bước vào đền, chùa.
> Múi giờ ở Myanmar chênh lệch sớm hơn 30 phút so với giờ ở Việt Nam.
> Buổi sáng Bagan lạnh hơn Yangon rất, rất nhiều. Buổi trưa thì nóng như nhau.
> Hành trình mình đi xe đạp, đi bộ khá nhiều, tùy lựa chọn mỗi người mà thay đổi hen.
> Giá cả sinh hoạt ở Yangon đối với dân du lịch khá là bén (hay nói khác là chém), nên lưu ý.
> Ks = kyats. 1.000 kyats = 1 USD (tính vậy cho dễ nhẩm giá cả). Giá đổi thực tế: 1 USD = 980 ks.
> Ăn uống phong phú và ngon miệng. Nếu muốn gọi phục vụ hoặc tính tiền, hãy mút chuột nhé mọi người.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,139
Bài viết
1,173,929
Members
191,964
Latest member
360Marco
Back
Top