What's new

[Chia sẻ] Myanmar, miền đất vàng hồn hậu

Hôm qua, và ngày mai, sẽ có hàng đoàn dân Phượt Việt đến với miền đất Myanmar. Sau đó chắc sẽ có rất nhiều, rất nhiều chia sẻ, cảm xúc... Chuyến đi của chúng tôi kết thúc vừa trước Tết, tràn đầy kỉ niệm trong mắt, trong tay, trong tâm trí.

Có lẽ cũng không thể viết nhiều, vì trong Phuot đã có những "Cảm xúc Myanmar" của Toet, "Myanmar trong tôi là bóng mặt trời" của LinhEvil, "Hành trình xông đất Myanmar của phi đội củ đậu" của Black, ba nữ anh thư hàng đầu, nên thuận tiện gì thì viết nấy, gửi lên vài tấm ảnh như một sự tri âm với các bạn bè đã giúp đỡ, tri âm với các bạn Myanmar hồn hậu, với một miền đất vàng không xa nhưng lạ...


Lịch trình chi tiết của phi đội Củ Lạc: gồm Mingala-One, Mingala-Hai, Minglala-Ba, Mingala-Tư.

Ngày 1:
Chuyến bay từ Bangkok xuống sân bay Yangon lúc 8h sáng
Mr.Saw của Kotar travel đón, đổi tiền ngay cạnh sân bay với tỉ giá 1USD = 1005 Kyat. Cafes, mua 2 SIM card rồi về văn phòng công ty lấy vé máy bay, được mời ăn Mogingha khá ngon. (Vé 4 người 4 chặng tổng cộng 928USD)

Lên xe riêng đi Golden Rock. Qua Bago ăn trưa. Đến chân Golden Rock, chờ xe đầy mất toi 1 giờ, xe chạy lên đến bến đỗ đã muộn. Đi bộ lên đỉnh, thuê gùi đồ 2000K. Lạc nhau lung tung. Phải nghỉ tại Khách sạn 40USD/phòng đôi, vé tham quan 6USD/người, 2USD/máy ảnh. Ăn tối khá ngon, dạo quanh Đá Vàng. Lạc mất một số thứ.

Ngày 2:
Dậy sớm đón bình minh, xuống núi, xe chở về Bago ăn trưa, thăm chùa Shwemawdaw rồi về thẳng chùa Vàng Shwedagon, đồ đạc thì nhờ xe mang về khách sạn (đã đặt trước). Lang thang trong Shwedagon từ chiều đến tối, đi tìm mua một số thứ ở Treasure Hall không có.
Về khách sạn Yoma (146 Bogyoke Aung San Str. 299243. 15USD/phòng đôi), ăn đối diện ngon, giá hợp lý.

Ngày 3:
Bay chuyến sớm, 8h đến Bagan với sân bay rất dễ thương. Taxi đi tìm nhà nghỉ, cuối cùng ở May Kha Lar làng Nayung Oo (20USD/phòng 4). Gọi luôn 2 xe ngựa (12USD/ngày) đi vào thành cổ Bagan. Trưa ăn ở gần đền Ananda kiểu buffet Miến (Danuphyu Daw Saw Yi, 3000K/người). Chiều tiếp tục thăm các khu đền. Về Nayung, ăn tối cạnh nhà nghỉ, đi dạo, hát nghêu ngao với các bạn Miến bên đống lửa.

Ngày 4:
Dậy sớm, xe ngựa đón đi ngắm bình minh từ đỉnh tháp. Thăm một loạt đền chùa tiếp. Trưa về ngủ một giấc. Chiều ra chợ Bagan, ăn sinh tố kiểu Miến.
Vào chùa Shwezigon ngắm hoàng hôn, rồi về quán ăn toàn khách Miến ở gần đó, một bữa rất ngon với các bạn phục vụ hớn hở cuống cuồng cả lên.

Ngày 5:
Bay sớm đi Mandalay, xe đưa về thành phố ngang đồng hoa hướng dương, về khách sạn Silver Star (195 Corner of 27 str & 83 str, 37USD/4 người). Gọi taxi, đi ăn trưa rất ngon ở quán Aye Myit Tar 1 (81 str. Between 36 - 37 str.), rồi cả loạt chùa với nhiều phiến đá ghi kinh, tu viện gỗ tếch rất đẹp.
Xe đưa qua chỗ chuyên đồ lưu niệm Pho La Pyae với giá cả rất hợp lý và nhiều đồ phong phú đa dạng. Sang Sagaing, thăm Học viện Phật giáo, lên đồi Sagaing. Quay về cầu U Bein ngắm hoàng hôn.
Tối đi dạo phố, vào hàng đồ ăn Hồi, chè Ấn, cơm rang...

Ngày 6:
Ngủ muộn hơn. Gọi xe đi chùa Mahamuni thăm tu viện có cả ngàn vị sư ăn lúc 10h sáng. Ra cầu U Bein lần nữa. Ra bến phà thuê thuyền đi Mingun (25USD), vì lạc mất GPS nên phải bỏ cái chấm Mingun; về xe đưa lên đỉnh đồi Mandalay. Tối đi ăn quán Tàu Min Min gần khách sạn.

Ngày 7:
Bay sớm đi Heho, đã đặt trước resort Sky lake (40USD/phòng đôi). Xe đón từ sân bay Heho về làng Nayang Shwe (18USD), thăm tu viện với khung cửa bầu dục. Xuồng (28USD) đưa đến Resort, rồi nhà hàng ăn trưa, thăm chùa với 5 pho tượng đã thành 5 cục vàng. Đi thăm chỗ làm thuốc lá, làng dệt vải tơ sen, lụa tơ tằm. Rồi làng rèn, đúc đồng sắt, ngôi nhà của người cổ dài.
Ngắm hoàng hôn tắt trên hồ. Về phòng nghe nhạc trong bóng đêm phủ xuống. Ăn tối tại resort.

Ngày 8:
Dậy sớm nhưng chỉ thơ thẩn trong resort. Xuồng đi thăm làng làm đồ bạc, rồi về thẳng làng Nayaung Shwe, ra sân bay về Yangon.
Yangon có xe của Kotar travel đón miễn phí, nghỉ tại Beautyland ngay cạnh chợ Boyzoke nhưng hơi ồn và leo cao (28USD/4). Đi chợ, lang thang rồi ăn tối.

Sáng hôm sau bay sớm về Bangkok để về Hà Nội.
 
Last edited:
Hoàng hôn U Bein, hoàng hôn U Bein, cũng bao kẻ rình mò, bao người dòm ngó. Sự quyến rũ của U Bein cũng đơn giản là
một hoàng hôn, một bình minh, một cây cầu và những con người.

Trong khi rất nhiều người lên thuyền để đi ra giữa hồ, thì mấy kẻ chỉ lần mò quanh dải đất hẹp, mà khi nước xuống làm lộ
ra. Từ đây nhìn lên U Bein gần gũi, không phản chiếu lung linh, mà lẫn chìm trong những bụi cây, đám cỏ.

Máy tớ còi, chụp xa không nét ...

33127119.jpg
 
Ẩm thực ở Mandalay (tiếp)

(Cố gắng viết tiếp, không thì tính lười và bận rộn linh tinh lại nhấn chìm mình mất.) :(

Bữa ăn ngon nhất được phi đội Mingalar chấm điểm hình như chính là bữa trưa đầu tiên ở Mandalay. (*)

Không nhớ lắm trong 3 anh taxi ở Mandalay, anh từ phi trường về, anh đi cầu Ubein và anh đi Mingun thì anh số 1 hay số 2 đã tha chúng đến cái nhà hàng ấy, nhưng ấn tượng về nhà hàng và món ăn thì quả là vô cùng đáng nhớ. Ả Mingalar_Ba vốn trí não kém, có xu hướng gán mọi thứ hay ho tốt đẹp cho Bagan, lúc đầu khăng khăng là ả được nếm món măng hồng ở Bagan. Thực ra, Mandalay mang lại cho cái hội rất tốt bụng và "cởi mở" này khá nhiều trải nghiệm về ăn uống.

Thoạt tiên, trưa hôm đó, chúng biết thế nào là món măng hồng. Ngôn ngữ không đủ để trao đổi kinh nghiệm ẩm thực xem tại sao măng mà lại màu hồng, nhưng cũng chẳng đứa nào quan tâm trao đổi vì còn mải ăn. Như bất cứ bữa ăn nào ở Myanmar, Mingalar-team có xu hướng coi mọi thức ăn Myanmar, từ bữa bún đầu tiên trên đất Myanmar, được VP công ty du lịch mà chúng mua vé máy bay mời mọc, đến bữa Brunch ở Bagan, rồi vô số những bữa ăn dọc đường gió bụi . . . . là đỉnh cao của ăn uống. Chúng cắm mặt vào ăn, hoạ hoằn lắm Mingalar_ hai và Ba mới nhớ ngước lên liếc một tý các cậu phụ việc khôi ngô sáng láng chạy quanh bàn. Có một điều lạ là ở Myanmar tất cả nhà hàng bình dân đều có một đội ngũ phục vụ mặt mũi rất sáng sủa, mặc đồng phục, lịch thiệp và nhanh hết chỗ nói. Chúng không nhớ được có lúc nào đó đã phải ngẩng lên tìm vài phút để được lấy thêm cơm hay đồ ăn, vì thường là cơm chưa hết thì đã được tiếp thêm rồi. Và nói chung chúng không hiểu lắm cái văn hoá du lịch ở đất nước này, có vẻ, người ta luôn biết và làm mọi điều nhanh hơn trước khi cần, với một thái độ ân cần và vô tư nhất.

Không biết những người phục vụ ở đây đi học xong mới đi làm, hay có ai phải bỏ học không? Mingalar_ba, theo thói quen nghề nghiệp, mấp máy môi định hỏi chuyện mọi người mấy lần, nhưng rồi, không hiểu sao, ả ngại một cái gì đó và không dám hỏi.

Mải ăn, rút cuộc là chả biết có ai nhớ chụp ảnh hay không, chỉ biết là xem hết đĩa ảnh của Chitto không có bữa ăn đó.

Thức ăn Myanmar không khác lắm với Việt nam, có lẽ còn nhiều rau dưa hơn, nhang nhác chút gì đó của Thái của Lào. Cũng có canh chua, dưa chua, rau sống. Giống như ở bất cứ nơi nào khác, nhóm Mingalar gặp khó khăn lớn trong việc gọi một đĩa rau luộc, và nếu dính đến nước luộc thì còn to chuyện nữa. Hình như ngoài Việt nam ra, Trung quốc, Thái, Lào, Cambi và giờ là Myanmar, chả ai ăn rau luộc bao giờ, một là ăn sống, hai là chao dầu, kiểu gì cũng phải có ít dầu vào đó.

Cô lễ tân ở khách sạn chỉ cho họ nhà hàng Min Min, cứ tạm gọi là Minh Minh đi. Nhà hàng nằm ngay cánh phải Silver Star, cách có mấy trăm mét. Ngày đầu tiên, vì đi lang thang chợ về quá muộn, chúng về đến nơi thì Minh Minh đã đóng cửa vào 8.30 nên láng ra chợ mua ít đồ ăn Hồi giáo. Nhưng hóa ra Minh Minh chủ cũng là người Hồi giáo, từ Trung quốc đến.

Hôm sau, với tâm trạng bứt rứt vì không đi được cái chấm của Mingalar-One, chúng quay lại, lại Minh Minh bằng được. Ở Mandalay, buổi tối ngoài đi dạo chợ thì cũng ít việc để làm. Thành phố tuy sôi động, nhưng cũng đóng cửa sớm, nhất là cái khu Hồi giáo này, chắc để 5h còn dậy cầu kinh ;).

Lớ ngớ thế nào họ mang luôn ra một đĩa rau luộc, nào là suplơ, bắp cải, su hào, gì gì nữa, cà rốt thì phải. Tuy hơi láo nháo, nhưng cả bọn ngây người ra vì sướng.

Đoảng vị, Mingalar-Ba quay ra hỏi một bát nước luộc hòng chiếm trọn chất bổ của cái đĩa rau luộc đó. Thật là một sai lầm! Thật là uống nước cả cặn!! Nhà hàng Minh Minh náo loạn lên. Người ta hỏi nhau nháo nhác bằng tiếng Myanmar, chắc là hỏi xem cô này gọi cái món gì. Ả thì hoảng, vì gã Mingalar_tư thường cằn nhằn rằng ả nói tiếng Anh cứ như sợ người ta bảo mình không biết tiếng Anh, tức là rất liến thoắng, chưa ai kịp hiểu thì đã nói xong từ lâu rồi. Chắc người ta không hiểu mình nói cái gì rồi, thôi vậy cho nó lành. Ả vội gọi mấy cậu bé lại, hủy món nước luộc mơ ước!



___________________________________________
(*) Địa chỉ nhà hàng xin hỏi Chitto và Quỳnh Em.
 
Last edited:
Gần cầu Ubein có mấy cánh đồng, lúa cấy thẳng tắp, chắc cũng là lúa nước phải gieo mạ và cấy lại như ở Việt nam.

33850380.jpg

Bên kia cầu, từng bãi ngô chạy dài bên một ngôi đền bồng bềnh trong sương chiều.

33850378.jpg

Trên cầu, khi mặt trời đã lặn nhưng còn chút sáng. Hình như cầu chỉ giành cho người đi xe đạp và đi bộ.

33850377.jpg
 
Last edited:
Ẩm thực ở Mandalay (tiếp)

Lần đầu tiên trong những chuyến du lịch, Mingalar_Ba có cơ đi xem người khác ăn.

Thực ra, ả hơi ngần ngại trong bụng. Nghe nói "nơi hàng ngàn nhà sư dùng bữa" và ai cũng đế thêm "trong im lặng", ả khiếp vía.

Thôi, ăn uống thì để người ta tự nhiên cho lành. Tất nhiên cuối cùng ả vẫn đi, nhưng ngường ngượng. Cứ như thể đang làm gì không đứng đắn.

Cảm giác này tăng lên khi ả đến gần tu viện (tên gì nhỉ? Atunashi à?). Nghe nói các nhà sư ăn vào đúng 10h sáng, bọn Mingalar sắm nắm đi cho sớm. Tuy gọi là sớm nhưng cũng phải thong thả xong bữa sáng vào 7h3. Đây là buổi sáng duy nhất chúng được . . . ăn không vội vàng, ăn tại khách sạn hẳn hoi, trong cả một chuỗi ngày 11 ngày 10 đêm. Những sáng khác, không bình minh thì bay sớm, hoặc đơn giản là Mingalar_Ba chưa mở hết 2 mắt đã thấy Mingalar_Hai nằm nghiêng, tay chống đầu, nhìn chằm chằm vào mặt và trầm giọng như đang luyện chưởng luyện công hỏi: "Chị dậy rồi đấy à" vào 4h sáng, mà mụ kia thì mắt to, nên ả choáng váng không ngủ lại được nữa.

Nhàn cư vi bất thiện, không phải ăn vội buổi sáng, chúng liền kéo nhau đi xem người khác ăn trưa. Vì thế sinh ra vụ đi tu viện.

Ả càng ngại hơn khi đến gần. Tu viện là một dãy nhà 2 tầng màu bã trầu, thanh tao và tươi sáng (về sau ả thuận miệng khuyên Mingalar_One mua quà cho mẹ màu này, là khi trong bụng đang nghĩ đến màu mấy tòa tu viện của Myanmar). Các nhà sư, phần lớn còn rất trẻ, cũng thanh nhã không kém. Hẳn là đã quen bọn du khách tò mò lỗ mãng, họ bình thản rửa tay, rửa đĩa bát, bày mâm, hay trò chuyện nhẹ nhàng gì đó chả thèm nhìn ra.

Nhà sư này trọng tuổi nhất, và có lẽ an nhiên nhất. Ả tủm tỉm cười một mình nghĩ có ai đó dỗ con rửa tay bằng cách đưa bức ảnh này minh họa: 'Đây con xem, ông rửa tay bằng xà phòng sạch thế này mà.'

33864039.jpg


Những người khác thì rửa bát đĩa, và lau luôn bằng áo cà sa :)

33864505.jpg
 
Hình ảnh cả nghìn vị sư lặng lẽ tiến vào thọ thực bữa trưa quả thật rất ấn tượng. Dù rằng du khách xúm xít xung quanh làm hỏng đi ít nhiều cảm giác, nhưng cũng không vì thế mà làm bọn chúng thấy chán.

Bọn chúng còn lịch sự chỉ đứng xa, có những tên Khoai tây hẳn hoi sỗ sàng tiến sát vào chỗ các vị sư đang ăn, rất thô thiển.

Mỗi người một góc, nên bọn chúng có những góc ảnh rất khác nhau.


33127454.jpg
 
Last edited:
. . . bọn chúng có những góc ảnh rất khác nhau.

Ừh chính thế lại hay.

Mingalar_Ba không dám lên tầng 2 nên chỉ mon men ngoài hàng rào, nói đúng hơn là ngoài hàng bia (beer)

Trước 10h, tu viện rất thanh bình. Trong sân, có một vài bà má cũng chuẩn bị mấy chõ xôi (có thể là cơm nhưng tớ thích nghĩ là xôi hơn, tớ thích xôi thịt mà :"> . . ).

Trong nhà, mâm nào đã vào mâm ấy. Chả biết trên mâm có những món gì nhỉ? Có măng hồng không ;)?

33864038.jpg

Ngoài hiên, mấy chú tiểu trẻ măng thản nhiên quệt mũi nói chuyện. Thầy ơi, thầy đã rửa tay trước khi ăn chưa đấy?

33864031.jpg
 
Cố đô Yangon

Chiếc phi cơ của hãng hàng không giá rẻ Air Asia chạm bánh lên phi đạo phi trường quốc tế Yangon (Rangoon) lúc gần tám giờ sáng. Trời nhiều mây, ‘nhiệt đô bên ngoài là 32 độ C’, giờ Miến Điện sau Việt Nam 30 phút. Một phi trường vắng như phi trường Tân Sơn Nhất hồi đầu thập niên 1990. Cửa mở và dưới cầu thang, hai chiếc xe ca chờ đưa hành khách vào nhà chính. Hành khách lên, ‘lơ máy bay’ đứng một chân trong chân ngoài trong khi xe lăn bánh. Dưới bầu trời âm u ẩm ướt giữa mùa mưa, sân phi trường chỉ có chiếc phi cơ vừa hạ cánh và hai chiếc máy bay của hãng hàng không nội địa Air Bagan. Không khí trầm trầm. Khu làm thủ tục nhập cảnh im lìm như tăng thêm bầu khí e dè ở một đất nước bị cô lập. Vài nhân viên an ninh đứng ở trong nhìn ra, khách xuống xe im lặng bước vào. Dường như nếu không có hai chiếc xe ca chở khách từ ngoài phi đạo vào thì bầu khí ở đây chắc còn lặng lẽ hơn nữa.
Tôi vào làm thủ tục di trú đầu tiên. Có tám cửa nhưng chỉ bốn quầy có nhân viên ngồi, như vậy cũng đủ vì chỉ có một chuyến máy bay quốc tế. Mỗi quầy có hai nhân viên ngồi cùng bên, người trước nhận giấy tờ của khách kiểm tra rồi đưa qua người bên cạnh. Tôi đã xin visa nhập cảnh ở Lãnh Sự Quán Danh Dự Myanmar nằm trong một con đường nhỏ ở quận Tân Bình, Sài Gòn. Ở đây họ nhận hộ chiếu và đơn xin nhập cảnh rồi gửi ra Hà Nội, hẹn trong một tuần đến lấy. Giấy tờ đầy đủ, nhưng khi đưa hộ chiếu có đóng dấu visa 28 ngày thì cô nhân viên lắc đầu quầy quậy, nói cái gì đó. Cô lấy một tờ giấy trắng, chỉ vào tờ giấy rồi lật hộ chiếu chỗ có đóng dấu visa của sứ quán quán Myanmar ngoài Hà Nội, rồi lại chỉ tấm hình trên hộ chiếu, nói ‘paper paper’. Thì ra khi xin visa, sứ quán Myanmar vừa đóng dấu visa nhập cảnh lên hộ chiếu, vừa bấm kèm lá đơn của người xin có dán ảnh lên trên. Tôi tưởng có khuôn dấu đóng lên hộ chiếu là đủ rồi nên cất tờ đơn một chỗ khác. Lại lục ba lô một hồi mới tìm ra. Nhân viên di trú thu tờ giấy có tất cả các chi tiết của người xin nhập cảnh. Bây giờ mới hiểu tại sao khi xin chiếu khán phải viết hai tờ đơn, một đơn giữ ở sứ quán, một tờ di trú giữ khi đến. Thủ tục thật phiền phức.
Hành lý không có gì khai trừ mớ áo quần đi bụi, lương khô và các viên vitamine đủ sống trong năm ngày. Đem theo lương khô cho chắc ăn vì trước khi đi đã nghiên cứu kỹ, mấy anh Tây ba lô đi trước khuyên thế, nhất là nếu đi tàu lửa vài chục tiếng thì trên xe lửa không có gì để ăn. Nói chung là lỡ có mệnh hệ nào, chiến tranh chẳng hạn, hay lỡ chính quyền quân sự đột ngột cấm nội bất xuất ngoại bất nhập thì mình còn ôm mớ lương khô kiếm đường… vượt biên qua Thái!
Thật ra tôi cẩn thận trên mức bi quan đó thôi, dù không phải không có lý do. Bởi một đất nước trong thời buổi liên thông mà lại bị ‘nghỉ chơi’ thì quả là điều khó hiểu, càng gây cảm tưởng nó là một ngôi làng sống biệt lập và bị cô lập sau lũy tre làng, không biết điều gì đang xảy ra trong ấy, và người ta có cái cảm giác ái ngại cho người ở trong, thậm chí thương hại. Nhưng người ở trong chưa hẵn đã nghĩ như vậy, nhất là với một dân tộc vốn trầm lắng, ít bày tỏ cảm xúc bằng lời nói, ít ra tôi cũng thấy như vậy trong 12 ngày đêm ở Miến Điện.
Bầu khí lặng lẽ nơi khu làm thủ tục nhập cảnh nới rộng cho đến cửa hải quan. Một nữ nhân viên ngồi ở Cửa Xanh, khuôn mặt thản nhiên, không vồn vã, không dọa nạt, không soi mói, đôi mắt đen và da mặt ngăm ngăm của cô có một vẻ lặng lẽ. Liếc ra bên ngoài khu đón khách cũng không có cảnh nhí nhố tưng bừng hay cánh taxi sớn rớn mời mọc. Mọi người đứng yên lặng, chỉ nhìn. Yangon không còn là thủ đô từ năm 2005, nhưng vẫn là thành phố thương mại sầm uất nhất Miền Điện. Vậy mà cảnh phi trường và đón khách bình thản, nhìn phát lo. Một tuần trước ngày đi tôi đã gửi email đặt phòng ở nhà khách Ocean Pearl Inn, nhà khách này quảng cáo trên mạng là đón khách từ sân bay miễn phí, phòng dưới 10 đô, và quan trọng nhất là ‘điện nước đầy đủ’. Gửi email ba ngày không thấy trả lời, tôi gửi tiếp một email nữa nhắc, sáng ngay đi còn mở mail kiểm tra một lần chót nhưng phía nhà trọ vẫn ‘lặng lẽ’. Thôi thì bề nào cũng lặng lẽ tới đây rồi. Ra khỏi cửa hải quan, mừng sao thấy một quầy thông tin (Information) nhỏ bên tay phải. Cô thông tin cười lặng lẽ, cô lấy hai tấm bản đồ du lịch ra tặng. Tôi nhờ cô tìm một nhà trọ rẻ, cô gái gật đầu, lúi húi tìm địa chỉ. Đúng lúc đó một thanh niên tiến lại, anh ta mỉm cười, rồi giơ một tấm bảng lên thì kìa, tên họ tôi viết bằng chữ hoa đàng hoàng. Anh ta mỉm cười ra dấu đi theo ra xe.
Khi lên xe tôi hỏi sao không thấy phía anh trả lời tin đặt phòng, anh nói mới nhận email sáng nay thôi. Tôi đã biết chính quyền kiểm soát thông tin rất chặt, xe cộ cũng cũ kỹ nhất hạng thế giới, nhưng không ngờ khi nghe và thấy Yangon thì mức độ ‘chặt’ và ‘cũ’ còn trên tưởng tượng. Chiếc xe cá mập không biết của hãng nào cũ như không thể rách nát hơn. Các chiếc xe hơi đang chạy trên đường đều xập xệ cà tàng thế cả. Thùng xe tróc sơn lòi cả dấu hàn xì, nệm ghế bờm xờm như bờm ngựa, máy xe khục khịa, như các xe khác, cửa kính xe tôi hạ xuống và có tay cầm quay lên quay xuống, và trước mặt bác tài không có một cái đồng hồ nào hoạt động kể cả đồng hồ tốc độ. Xe lượn trên con đường xanh lá. Đến một ngã ba trước khi vào đường lớn, thấy một tấm bảng có hàng chữ nỗi màu vàng trên tấm bảng xanh, ghi: Myanmar, The Golden Land.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,108
Members
192,337
Latest member
inhopcartong
Back
Top