Chuyện đi lại ở Nhật
Chuyện đi lại ở Nhật, nhất là chuyện đi tàu ở Tokyo là vấn đề khiến nhiều người lo lắng khi đi du lịch. Tôi cũng đã có suy nghĩ như vậy nên sẽ cố gắng chia sẻ với các bạn thông tin một cách rõ ràng nhất để thuận tiện cho những ai đi lần đầu như tôi. Tuy nhiên, ở Nhật tất cả mọi thông tin đều đầy đủ và rất rõ ràng, nên ta có thể đi chậm nhưng tuyệt đối không đi nhầm tàu, vì việc sửa sai trong đi tàu là rất mất thời gian và tiền bạc.
Đi tàu ở Tokyo
Nguyên tắc đầu tiên khi đi lại ở Tokyo mà các bạn đều phải nhớ: “It will always take longer than you think.” tức là thời gian đi lại bao giờ cũng lâu hơn mình tính. Trừ phi bạn đi taxi với giá cắt cổ ở Tokyo (nếu không gặp tắc đường) thì thời gian khá chính xác chứ đi tàu theo kiểu dân du lịch như mình thì chắc chắn là lâu hơn nhiều. Nguyên nhân do Tokyo rất rộng, tàu chạy nhanh nên cảm giác lúc nào cũng gần, nhưng thực tế là quãng đường rất xa. Thời gian đi tàu, chờ tàu là 1 phần thì thời gian đi bộ đến ga, ra khỏi ga, đi bộ trong ga để chui lên tàu là rất nhiều nên như tôi đã nói lần trước: đi bộ ở Nhật là điều kinh khủng nhất =)).
Tìm tàu
Việc quan trọng nhất khi đi tàu là phải tìm được đúng chuyến tàu để đi đến nơi. Đây có lẽ là điều tuyệt vời nhất mà mình đã thấy ở Nhật: tất cả đã có internet trợ giúp. Trang web để cung cấp thông tin là
http://www.hyperdia.com/ cung cấp thông tin về tuyến tàu, giá vé cực kì chính xác. Chỉ cần vào web search đi từ ga A đến ga B, website sẽ cung cấp cho bạn vài phương án di chuyển. Cứ việc lựa chọn thoải mái rồi dành sức và đi bộ hihi. Những điểm quan trọng mà bạn phải nhớ khi đi tàu là: (i) ga xuất phát (ii) ga trung chuyển (nếu có) (iii) điểm kết thúc (iv) tuyến tàu (cái này vô cùng quan trọng). Bản thân mình thì dùng điện thoại và screen captured là xong.
Vé tàu
Vé tàu ở Nhật cực kì tiện lợi cho tất cả mọi người, kể cả người đi lần đầu như tôi. Thẻ Suica, Pasmo là loại thẻ nhiều người quan tâm nhưng bản thân mình lại không xài.Thẻ Suica, Pasmo là thẻ trả trước (có thể nạp thêm khi hết tiền) và có 1 chút discount nếu bạn là người đi lại rất nhiều trong ngày, hoặc đi lại theo một tuyến cố định. Bạn của mình ở Nhật dùng thẻ này (kiểu như vé tháng nhà mình) để đi lại theo một tuyến cố định chứ dân du lịch thì mình thấy không cần thiết lắm.
Tôi chỉ mua vé từng tuyến và trả tiền mặt từng chặng vừa để tìm hiểu, vừa để tìm hiểu thông tin, vừa để kiểm tra xem cái Hyperdia dùng có dc không hihi. Ở mỗi ga đều có trạm gác, là nơi vừa tư vấn, cung cấp thông tin, giải quyết trục trặc vừa là nơi bán vé cho các bạn. Nếu mua vé quen thì cứ ra máy bán vé, nhanh gọn đơn giản. Mua vé đi tàu bằng máy tự động ở Tokyo và toàn Nhật Bản thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng tiền mặt (giấy, xu); đơn giản là cứ chọn số tiền phải trả, cho tiền vào máy rồi máy sẽ tự trả lại tiền thừa (nếu có). Cái này mình thấy văn minh hơn hẳn ở Sing vì ở Sing không thể dùng tiền mặt mà bạn bắt buộc phải sử dụng prepaid card.
Trên tàu đi Nikko từ Asakusa
Tuyến tàu và ga tàu
Ở Tokyo có 13 tuyến (line) tàu điện ngầm và một số tuyến đi nổi. Ở Tokyo thì không ai quan tâm đến việc mình đi tàu điện ngầm hay nổi vì đấy là việc của công ty quản lí. Tất cả cả ngầm và nổi khoảng chừng 20 tuyến gì đó, mỗi tuyến cho khoảng 10-15 ga. Mỗi tuyến tàu được kí hiệu bằng 1 màu và 1 chữ cái đại diện, chẳng hạn như tuyến Ginza thì kí hiệu là chữ G và màu da cam hoặc Hibiya là chữ H. Mỗi ga thuộc một tuyến lại được đánh số thứ tự ví dụ như ga Asakusa là điểm dừng thứ 19 trên tuyến Ginza nên sẽ được đánh số là G19, ga Akebonobashi (chỗ tôi ở) thì được đặt là A3,…
Ga Kawasaki
Các ga nhỏ như Akebonobashi thì có thể là điểm dừng của 1-2 tuyến tàu nhưng các ga lớn như Shinjuku hoặc Asakusa, Kawasaki,.. thì là điểm giao nhau của rất nhiều tuyến tàu. Khi ngồi trên tàu ở Nhật, mình rất nhớ câu “Interchange with Ginza line, Toei Shinjuku line,…” ngồi nghe mà thấy dài miên man các tuyến giao nhau ở đây. Các ga lớn đều rất rộng, có nhiều cửa ra nên điều quan trọng nhất là các bạn phải nhớ chính xác là tuyến tàu mình cần đi để tránh bơ vơ :shrug: Biển chỉ dẫn đều rất rõ ràng nên luôn luôn chú í đến tuyến tàu, sau khi vào được ray rồi thì hỏi lại chiều đi đến để tránh nhầm là được.
Việc chuyển tàu cũng hệt như vậy. Sau khi đến điểm A bằng line Ginza, bạn phải chuyển sang line Toei để đi đến điểm B (đây là điểm giao nhau của 2 line này). Việc của chúng ta là xuống tàu, tìm đến line Toei, lại lên tàu rồi lại xuống tàu
Tùy thuộc vào bạn phải chuyển tàu bao nhiêu lần.
Sau khi đã xuống tàu, việc quan trọng không kém là tìm đúng cửa ra để cuốc bộ tiếp. Thông tin này đều rất rõ ràng ở mỗi điểm thăm quan, hoặc tại cá ga, các điểm trực ga. Ví dụ như bạn đi Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Quốc gia thì chỉ dẫn là ga Takebashi, exit 1B, 5min (đi bộ 5 phút); hoặc đi chợ cá Tsukiji thì sẽ là Station: Tsukijishijo (exit A2, 2 min.) or Tsukiji (Honganji Temple exit, 10 min.)
Đi bộ ở ga Shinjuku