What's new

[Chia sẻ] Nhật Bản & Hành Trình Đi Tìm Lá Đỏ

Hi các bạn,

Trở về sau chuyến đi lần đầu đến Nhật Bản đầy cảm xúc, mình muốn viết vài dòng vừa là để chia sẻ những cảm nhận cá nhân về đất nước và con người xứ hoa anh đào, đồng thời cũng chia sẻ thông tin cho các bạn khác đi sau. Đây cũng là lời cảm ơn của mình đến các bạn đã giúp đỡ mình để mình có được chuyến đi thành công này.

Mình ấp ủ cho chuyến đi cũng gần 1 năm trời, từ lúc có ý định nghiêm túc đến bắt tay vào việc thì thấy có vẻ phức tạp, nhưng dần dần thì thấy mọi sự cũng đơn giản. Để chuẩn bị cho chuyến đi, mình đã tìm đọc các sách về lịch sử, văn hóa và cả du lịch Nhật Bản, trong đó có cuốn sách Frommer Japan (Frommer's Japan (Frommer's Complete Guides), 11th Edition - Beth Reiber). Mình rất thích đọc sách du lịch của Frommer vì nó là 1 cuốn sách đúng nghĩa chứ không phải là “Guide” như là Lonely Planet. Chính vì vậy, mình cũng sẽ viết theo mạch của sách (có thêm tí chỉnh sửa cho phù hợp điều kiện VN). Thông tin du lịch mình sẽ viết ở phần sau các bạn nhé!

11146631596_6334db0531_c_d.jpg
 
Re: Chuyện đi lại ở Nhật

Tổng kết lại quy trình đi tàu ở Tokyo như sau:

1. Search xem mình đang ở gần ga nào, điểm đến của mình ở gần ga nào.
2. Vào Hyperdia để search tuyến tàu; ga đi, đến và giá tiền.
3. Đi bộ đến ga, mua vé và tìm đường lên tàu
4. Chuyển tàu (nếu có)
5. Xuống tàu, tìm đúng cửa ra để đi tiếp đến điểm tham quan.

Lưu ý:

1. Bạn phải đi bộ (taxi miễn bàn) tới ga để đi tàu. Thế nên việc lựa chọn ga nào để xuất phát cũng rất quan trọng. Cách thức của mình là vào Google Map để search từ điểm A đến điểm B, phương tiện đi lại là tàu. Google sẽ cung cấp cho bạn vài phương án, trong đó thông tin quan trọng nhất là ga nào gần chỗ bạn đang đứng, và đi bộ đến đó mất bao lâu. Mình đã từng chọn ga ở xa hơn cho rẻ nhưng đi bộ có mà gẫy cẳng. Nếu điểm đến là những điểm nổi tiếng thì có chỉ dẫn rõ ràng thì thuận lợi i.e. Station: Tsukijishijo (exit A2, 2 min.) or Tsukiji (Honganji Temple exit, 10 min.), trường hợp này chắc chắn sẽ chọn ga đầu tiên vì đi bộ ít chứ đi bộ 10 phút kiểu Nhật thì ta đi nhanh thì cũng phải mất 20 phút. Còn những điểm chung chung kiểu như khu Ginza thì cứ xác định là đi bộ mút chỉ.

2. Hyperdia cung cấp nhiều lựa chọn cho 1 điểm đi đến nên chúng ta phải lựa chọn. Tiêu chí có thể là (i) giá cả - chênh lệch không đáng kể (ii) số lần chuyển tàu – cái này quan trọng

3. Mua vé: khi bạn đã có thông tin về giá vé ở Hyperdia (chẳng hạn như đi từ điểm A đến B hết 290 Yen), chỉ việc vào máy chọn số tiền (290Y), cho tiền của mình vào, và máy sẽ trả lại tiền thừa và nhận vé. Trong 2 bước này, bước nào trước cũng được. Nếu chưa biết giá, cứ mua vé giá thấp nhất, rồi khi ra khỏi ga đến, sẽ có máy tính xem bạn phải trả thêm bao tiền (Fare adjustment). Nếu dùng Pasmo/Suica, bạn cũng chẳng cần quan tâm đến tiền vé, cứ quẹt thẻ ở ga xuất phát, quẹt lần nữa ở ga kết thúc, máy sẽ tự động trừ tiền trong thẻ.

Như mình đã nói ở trên, ở Nhật cái gì cũng có Internet trợ giúp, dân Nhật dùng Internet mọi lúc mọi nơi nên các bạn cố gắng thuê 1 cái wifi router hoặc sim 3G để tìm đường. Chuyến đi của mình được tài trợ 1 cái wifi router nên chẳng khác gì có bảo bối bên người, đi bộ tìm đường, tìm tàu hay giao dịch với người Nhật bằng Google translate đều được. Thật không còn gì bằng!

Cũng phải cám ơn người Nhật vì tất cả mọi người đều rất tốt và rất nhiệt tình giúp đỡ. Cái gì không biết, không rõ thì cứ hỏi, kiểu gì cũng được giúp đỡ tận tình. Bản thân mình biết mỗi câu Arigato còn đi lại tung hoành, tung hoành xong thì có thêm câu Sumimaseeee bên cạnh (c)
 
Thông tin về đi lại chi tiết quá, thanks bạn nhé :)
Mình đang dự tính đi Nhật vào cuối năm nhưng đang sợ vụ visa, bạn có thể cho mình xin thông tin và thủ tục chi tiết về việc này được không
Nghe mọi người hay đi Nhật vào mùa thu để ngắm hoa cỏ, nhưng mình có 1 số lí do chỉ có thể đi vào cuối năm tầm khoảng tháng 11, 12, vậy thì nên đi đâu bạn nhỉ, hay lại đi săn lá đỏ theo bạn vậy ^^
 
Quá dữ luôn. Mình cũng muốn hỏi thăm vụ visa để qua đấy. Tổng chi phí cả chuyến đi của bạn là bao nhiêu thế?
 
Last edited:
Chuyện ăn uống và giá cả ở Nhật

Ở Nhật mà lại so sánh giá cả với Việt Nam mình thì chỉ có 1 từ duy nhất là… CHÁT. Nhiều người cứ hay hỏi câu đầu tiên sau khi đi du lịch là: “Hết bao tiền?” Một câu hỏi vô cùng khó trả lời vì mỗi người có nhu cầu khác nhau, ăn uống đi lại chẳng biết thế nào mà lần nên trả lời cũng khó khăn lắm. Tuy nhiên, sau khi lang bạt kì hồ các kiểu thì tôi cũng tạm thời tính qua qua thì giá cả ở Tokyo ~3-4 lần giá cả ở HN hoặc SG. Nghĩa là nếu bạn ở 1 nhà nghỉ giá 300k ở HN thì ở Tokyo khoảng 1t-1t2, còn nếu ở KS giá 1tr ở SG thì bên kia tầm khoảng 4tr. Đại khái là như vậy  (còn ở Hàn Quốc thì rẻ hơn, ~3 lần so với ta)

Ăn uống bên Nhật thì cũng không phải là ngoại lệ, giá 1 hộp bento trung bình từ 500-1000Y (loại xịn thì phải). Em thì ít tiền nên toàn ăn loại 500Y, chắc nó cũng tương đương 1 hộp cơm bình dân 20-30k ở HN quê em. Nói thế để các bạn có 1 cái nhìn chung chung về giá cả bên Nhật ra sao.

Xã hội Nhật rất văn minh và trật tự, nhưng hàng ăn vỉa hè cũng có. Tuy nhiên, hàng ăn vỉa hè chắc là chỉ bán trên vỉa hè thôi, còn lại thì rất có tổ chức, không có lấn chiếm như nhà mình, giá cả thì cũng tương đương convenient store (500-1000Y).













Đi du lịch Nhật mà muốn ăn uống tiết kiệm để lấy tiền đi chơi như em chỉ có cách duy nhất là ăn ở convenient store. Ở Nhật có 3 thương hiệu lớn nhất, có cửa hàng ở khắp mọi và có chữ tiếng Anh để cho dân bụi đọc đó là: 7 Eleven (khắp châu Á), Lawson và Family Mart. Giá cả thì cơ bản như nhau, nhưng mỗi hệ thống họ có lợi thế trong từng mặt hàng nhất định, nếu có điều kiện các bạn cứ để ý. Các convenient store kiểu này để có đủ những thứ cần thiết: đồ ăn uống, vật dụng hàng ngày, vệ sinh và gia dụng, và các dịch vụ văn phòng linh tinh như photo, scan, gửi mail hay có luôn cả máy ATM bên trong. Đặc biệt là có bán cả… tạp chí người lớn luôn (bán công khai nhưng tạp chí bị buộc dây ở ngoài để chống đọc trộm hihi)



Tất nhiên ở Nhật thì ăn uống trong các cửa hàng là điều phổ biến nhất, giá cả cao hơn 1 chút (1-2000Y). Ngoài ra, các nhà hàng ăn uống sushi hay BBQ cũng ken đặc người, ngon bổ rẻ thì phải có thổ địa dẫn đi. Còn các thể loại ăn uống cao cấp thì em không có cơ hội được thử sức, nhưng 1 suất bò Kobe tắm bằng Romano và nghe nhạc Mozart thì cũng đâu đó từ 4000Y trở lên. Chỉ tiếc là là món sushi gắp trên người thì em không có điều kiện kiểm chứng nên không có thông tin hầu các bác được.

Liên quan đến chuyện chợ búa cơm nước ở Nhật thì có 1 cái phải khẳng định là công nghệ sử dụng tiền mặt (cash) của Nhật là đỉnh cao của thế giới. Không kể đến các máy bán hàng tự động (vending machines) có mặt ở tất cả mọi ngóc ngách (kể cả trong guest house…), thì kể cả các cửa hàng truyền thống, hay bến tàu hoặc trên xe buýt mới thấy đỉnh cao này. Sau này, khi đi Hàn Quốc thì em càng thấm thía cái sự cao thủ của người Nhật trong bộ môn cash (nhưng HQ lại hơn Nhật ở cái khác hihi). Chỉ chung kết lại một câu là với tiền mặt, bạn có thể mua dc mọi thứ ở Nhật, kể cả bạn có biết chữ hay không biết chữ; không biết các con số, không biết phép cộng hay phép đếm cũng không sao hết: máy giải quyết tất.
 
Last edited:
Chuyện ăn uống (cont.)

Điều ấn tượng nhất và cũng là đặc sản của Nhật chính là Macha – trà xanh. Cái gì cũng có Macha và ở đâu cũng có bán cái này, chế biến trong mọi trường hợp.

Bột trà xanh



Kem





Pha để uống

 
Shopping ở Nhật

Tôi không phải là người thích mua sắm và cũng không có tiền để mua sắm nhiều khi ở Nhật nhưng do nhàn rỗi sinh nông nổi, cộng với tính tình tiền ít nhưng lại mơ mộng cao xa nên dành nhiều thời gian cho việc mua bán đồ và sau này khi sang Nhật thì càng có cơ hội để ý về việc tiêu tiền ở xứ này.


Nói đến mua sắm ở Nhật thì chắc ai cũng nghĩ đến mua sắm đồ điện tử và máy ảnh. Tất nhiên là như thế rồi, vì đây là cái nôi của ngành này và mua sắm ở Nhật thì cũng ít có cơ hội bị lừa vì người Nhật vô cùng trung thực.

Chả là trước khi đi Nhật, tôi cũng đã quyết tâm mua bộ máy ảnh mới. Trước đây xài Pentax nhưng chuyến này sang Nhật thì tính sẽ chuyển sang cả dàn Nikon cho đúng chất Nhật Bổn. Mua máy ảnh ở Nhật thì giá không hề rẻ so với mua ở VN, vì sao đó tôi không rõ nhưng chất lượng hàng Nhật thì chắc chắn là hơn hẳn hàng ở VN. Tôi có bạn ở Nhật nhưng vì bạn không am hiểu về máy ảnh, lại vô cùng bận rộng công việc gia đình con cái nên ít dám nhờ mua, cứ lẳng lặng mua hàng rồi ship về nhà bạn để bạn trả tiền theo kiểu Cash On Delivery COD hoặc thích thì mua luôn bằng thẻ tín dụng thôi.

Camera Shop





Đối với mua đồ máy ảnh ở Nhật thì không có gì là không có, vấn đề là bạn muốn trả bao nhiêu tiền mà thôi. Nếu bạn vào cửa hàng của Yodobashi Camera ở Shinjuku thì tôi có thể khẳng định là chỉ trừ những sản phẩm không được sản xuất, còn lại cái gì cũng có hết. Từ những dòng máy đỉnh nhất trong thế giới DSLR đến dòng mirror-less, medium format cũng có, hay kể cả các loại step ring hay filter ở đây cũng không thiếu bất cứ một cái gì, chưa kể các loại dây đeo máy bán rời của Nikon cũng chi chit luôn. Và riêng trong thế giới DSLR mà tui xài thì khẳng định luôn là Nikon là số 1 ở Nhật, còn Canon là số 1 ở VN. Chỉ có điều duy nhất là Yodobashi chỉ bán đồ mới (brand new).

Yodobashi Camera Shinjuku


Với sự trung thực của người Nhật thì tôi nghĩ mua đồ cũ là một lựa chọn khôn ngoan. Tôi nghĩ sự khôn ngoan là khi mình mua hàng 2nd, người bán luôn luôn mô tả 1 cách vô cùng chính xác và trung thực về sản phẩm của mình, không bao giờ có phong cách chém ẩu để bán hàng như VN mình. Và luôn rất cẩn thận và chính xác đúng kiểu Nhật. Mọi người mua đồ điện tử hay máy ảnh ở Nhật thường nghĩ đến khu Akihabara nên khu này lúc nào cũng đông đặc khách du lịch đến xem và mua. Không dám so sánh về chất lượng nhưng tôi thấy khu Shinjuku bây giờ còn đầy đủ và nổi bật hơn, tất nhiên là chủ yếu dành cho dân Nhật là chính. Sau một thời gian chính chiến và mua sắm thì tôi thấy đúng là mua đồ ở Nhật yên tâm hơn hẳn ở nhà, còn nếu vừa tốt vừa rẻ thì phải rình rập mà thôi.

Tôi chưa được đi nhiều nơi và có nhiều điều kiện để cảm nhận về shopping về nhưng thấy ở Nhật làm việc quá chu đáo. Tôi có đặt một bộ body và lens qua mail cho cửa hàng, với mục đích là khi sang đến nơi sẽ mua trực tiếp để được hoàn thuế GST (VAT ở mình). Cũng viết mail bằng tiếng Nhật qua Google translate, thế mà cửa hàng cũng giữ cho mình đúng như hẹn, và còn làm thủ tục hoàn thuế cho mình ngay tại cửa hàng luôn. Tức là lúc thanh toán đã được discount phần GST rồi, ra sân bay không phải làm gì ngoài việc chìa cái giấy của cửa hàng ra là xong. Lưu ý là chỉ có 1 số cửa hàng chấp nhận làm việc này, các chỗ khác thì bạn phải làm thủ tục hoàn thuế ở sân bây như tất cả các nước khác.

Thành quả

 
Shopping ở Nhật (cont.)

Ngoài đồ điện tử và máy ảnh, thì tôi thấy chổi cùn dế rách ở Nhật cũng thích mua nên tôi đã tự hạn chế mình chỉ mua sắm ở mức độ đề ra, chứ để thả phanh có mà chết mất hihi. Mua sắm ở Nhật chắc ai cũng biết khu Ginza, khu trung tâm tập trung những thương hiệu hàng đầu thế giới như LV, Channel hay Dior… tất cả đều có ở Ginza. Đối với tôi thì Tokyo nói riêng và Nhật nói chung có cách phân phối hàng kì lạ nhất châu Á (hoặc ít nhất là những chỗ tôi đã đi qua). Ở Tokyo thì hàng luxury của LV, Channel hay Bvlgari… chỉ được trưng bày ở showroom Ginza, còn lại là không thể gặp được các trung tâm thương mại hay ở đâu khác. Tôi nghĩ Ginza là biểu tượng của Tokyo nên việc các thương hiệu xuất hiện ở đây mang tính biểu tượng và trưng bày nhiều hơn, việc mua sắm hoàn toàn có thể qua các trang web ở Nhật (hàng vẫn xịn như thường).

Night in Ginza




Đồ hiệu ở Ginza










 
Shopping ở Nhật (cont.)

Ngoài Ginza thì điểm đến cũng tấp nập hơn đó chính là Shinjuku, lúc nào cũng đông nghịt người với vô vàn các trung tâm thương mại bán đủ thứ trên đời, mỹ phẩm thì vào trung tâm Lumine lớn nhất Tokyo luôn, quần áo thì miễn bàn chưa kể bàn là, kem đánh rang hay nồi cơm điện có mà đi cả ngày không hết. Riêng với Shinjuku thì lời khuyên của tôi dành cho các bạn là phải có mục đích từ đầu là mua cái gì? ở đâu? chứ nếu cứ lang thang chọn hàng thì cả vài ngày cũng không hết vì rộng và nhiều lắm hehe.

Poster ca nhạc trên phố



Nghệ sĩ đường phố ở Shinjuku




Shinjuku by Night


Nói đến quần áo, nói đến giới trẻ Tokyo thì phải đến Shibuya, nằm cách ga Shinjuku 2 ga nếu tôi nhớ không nhầm. Thật không hề sai lầm khi người ta quay Fast & Furious ở đây - ở ngã tư đông nhất thế giới với cửa hàng Starbucks ở vị trí đắc địa, để mỗi khi ngồi đó nhìn dòng người qua đường lúc đèn xanh mới thấy xã hội và giới trẻ Tokyo ra sao. Chắc cũng chỉ là một phần thôi nhỉ!

Shibuya là nơi tập trung đầy đủ các thương hiệu thời trang dành cho giới trẻ ở Tokyo, và cũng gần gũi với người VN: Zara, HM, F21, Mango hay Berska,… Nếu đến đây thì bạn sẽ cảm nhận được thời trang, phong cách, lối sống và cả cá tính của giới trẻ Nhật. Shibuya và Ginza là 2 hình mẫu rất rõ ràng cho Tokyo, nếu như Shibuya là một nơi sôi động trẻ trung thì Ginza rõ ràng là nơi sang trọng, đẳng cấp dành cho những người chín chắn hơn.

In Shibuya

 
Xã hội Nhật

Với 1 người lần đầu tiên đến Nhật như iem thì xã hội Nhật có lẽ là 2 từ: quy củ và chuẩn mực. Nhất là sau khi đi Hàn Quốc, nghĩ về Nhật thì cái này lại càng thấy đỉnh cao. Không phải AQ khi mà so sánh với Việt Nam quê hương ta, nhưng ở xã hội Nhật thì iem không thấy / không có khả năng thấy được những cái ngang trái như nhà ta, tất cả mọi thứ đều được quy hoạch và tổ chức hoàn chỉnh, không chê vào đâu được.



Một điểm dễ thấy nhất về lĩnh vực này cách thức tổ chức du lịch trong đền, chùa, và các điểm du lịch ở Nhật. Các chùa / điểm thăm quan ở Nhật đều được tổ chức theo kiểu đi 1 chiều, tức là người ta đã sắp xếp sẵn 1 thứ tự thăm quan nhất định, bạn cứ việc đi theo thứ tự này là xong. Thường thì các đền chùa hay sắp xếp 1 cổng vào và 1 cổng ra, nên tuyệt nhiên không có hiện tượng chen lấn hay lộn xộn, hoặc là tình trạng hỗn loạn trong các điểm thăm quan. Tất nhiên, công tác tổ chức có tốt đến đâu cũng không giải quyết được toàn bộ vấn đề nếu không có ý thức…




Bác taxi quét lá trên đường


Ý thức của dân Nhật thì có kể cả ngày không hết, trong mọi xó xỉnh đều rất có trình tự và chuẩn mực rõ ràng. Trong lĩnh vực du lịch của anh em ta, thì có lẽ cái ngạc nhiên nhất là hầu hết các đền chùa ở Nhật đều không có người soát vé, bảo vệ thì chỗ nào cũng có nhưng nhiệm vụ chính của họ có lẽ là hướng dẫn du khách chứ không phải là xé vé. Ở nhiều đền chùa ở Nhật như Golden Pavilon tại Kyoto, người ta còn chẳng buồn xé vé của bạn. Chỉ có 1 chốt duy nhất để bán vé cho bạn, còn lại bạn cứ cầm cái vé vào thăm quan, rồi đi ra, đi ăn và mang lên giường ở nhà thì cái vé vẫn còn nguyên.
Một điều cuối cùng để nói về văn hóa Nhật có lẽ là sự cầu kì và cẩn thận. Đây có lẽ là đặc tính nổi bật cú dân Nhật mà tất cả mọi người đều biết, nhưng có sang đến nơi, nhìn tận mắt mới cảm nhận được. Ví dụ thì vô vàn, các bạn cứ đi đi rồi sẽ thấy nhé!

Hút thuốc đúng chỗ



Sang đường đúng chỗ

 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,673
Bài viết
1,134,998
Members
192,357
Latest member
pvausashop765654
Back
Top