What's new

[Chia sẻ] Oman-Kazakhstan: vừa đổ xăng, vừa chạy loạn, vừa bập bẹ Ả Rập lẫn tiếng Nga

Cuối tháng 9 vừa qua, để tái khởi động sau đại dịch em đã có một chuyến hành trình mở màn khá là trắc trở trong tình hình ngành du lịch quốc tế vẫn đang dặt dẹo phục hồi. Mấy bữa nay cả thế giới đang hướng về Trung Đông nơi có FIFA World Cup tốn kém nhiều tiền của và nhân mạng nhất trong lịch sử, nên em thiết nghĩ viết bài chia sẻ về chuyến đi đến khu vực này cho hoà chung không khí thời sự. Sau khi đi về thì em cũng đã viết một số bài trên báo, Facebook rồi website nhưng thực sự không phương tiện nào tạo cảm giác thoải mái và thân quen như viết trên Phượt được. Vì thế bài viết này em viết theo dòng thời gian, trên đường thấy gì ghi nấy theo phương pháp truyền thống để mọi người cùng đọc và bình luận như thường lệ.

World Cup thì em đã đi 4 năm trước ở Nga rồi nên không có nhu cầu đi tiếp, nhất là nó lại ở Qatar, một nước mà chỗ ở cho khách đi xem bóng đá còn không đủ nói gì đến các điểm tham quan du lịch. Vì thế em đi từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 để đỡ đông khách hơn. Chuyến đi này phải đổi lịch trình đến mấy bận, cũng nhiều phen mất ngủ vì lo vé lo visa lo chỗ ăn chỗ ở nhưng mà đi du lịch tự túc thì đó cũng là chuyện thường tình, chỉ có điều mình bỗng nhận ra thế giới này vẫn đang bất ổn vô cùng, và thấy may mắn khi mình sống sót qua đại dịch và vẫn có việc làm để mà cầm tiền đi sống vội. Kết quả của những sự phát sinh này là dẫn đến em đi qua 6 nước: Malaysia - Oman - UAE - Kazakhstan - Kyrgyzstan - Thái Lan, không tính thêm Dubai, Bali chỉ transit trong sân bay. Thú vị ở chỗ đa phần các nước này đều là các nước Hồi giáo và dầu mỏ cứ múc lên mà bán nhưng không đâu giống đâu, thậm chí một trời một vực để thấy rằng thế giới nói chung và thế giới Hồi giáo nói riêng đa dạng vô cùng.

Nếu chỉ có 2 mạng như trước giờ vẫn đi thì không quá khó nhưng lần này vác theo thằng con 3 tuổi nên cường độ chật vật tăng lên khá nhiều. Ngày về đến Úc trời mưa xuân tầm tã mà đứng trong phòng khách sạn nhìn ra phấn khởi vô cùng vì đã về đến nơi không sứt mẻ gì, kể cả hai kiện hành lý!

IMG_4733.jpg

Biển điện tử chào mừng đến Oman sau khi đã nhập cảnh thành công! Qua cánh cửa này là đặt chân lên bán đảo Ả Rập huyền bí.


IMG_4734.jpg

Không khí World Cup đã rộn ràng, ngay cả ở các nước lân cận Qatar. Các bác Qatar chơi lớn khiến anh em Trung Đông đều được mở mày mở mặt và tranh thủ đợt này mở toang cửa đón khách du lịch, nước nào cũng có visa World Cup kể cả Ả Rập Xê-út (Ả Rập Saudi) nghìn năm đóng cửa.
 
10. Rùa biển ở Ras al Jinz

Dọc bờ biển đi đến Sur thấy khá nhiều khu công nghiệp. Nhất là những nhà máy lọc dầu san sát nhau với những hệ ống lòng vòng đặc trưng không lẫn đi đâu được. Phải chăng tổ tiên người Oman trải hàng nghìn năm dưới điều kiện cằn cỗi khắc nghiệt nên Allah mới ban cho họ dầu mỏ để đổi đời chăng? Tuy nhiên có cái gọi là “lời nguyền dầu mỏ”, rằng không phải nước nào có dầu cũng trở nên thịnh vượng. Phát hiện ra dầu mỏ cũng như trúng xổ số, khi nhiều tiền quá không biết làm gì dễ khiến người ta hoang phí, dân chúng đâm ra ỷ lại và nhiều khi cả đất nước lao vào nợ nần, chưa nói đến chiến tranh để giành mỏ dầu. Oman tuy vẫn phát triển đều đều suốt mấy chục năm qua nhưng dầu mỏ cũng dần cạn kiệt và dự kiến sẽ hết trong hơn chục năm nữa. Vì thế Oman đang chuyển hướng sang một ngành kinh tế mới: du lịch.

O_K Bài 4 (5).jpg

Thành phố Sur nằm mơ màng im lìm bên bờ biển Ả Rập. Ảnh: Andries Oudshoorn

Đường nhựa đi đến tận Khu bảo tồn bên bờ biển lộng gió giữa hoang vu núi đồi với giá phòng rẻ nhất là 200 USD một đêm ở trong mấy túp lều rách mái tranh… đúng chất du lịch sinh thái. Dĩ nhiên cái khó ló cái khôn, một nhà nghỉ ở ngay cửa Khu bảo tồn đã mọc lên với giá 70 USD, thôi thì kính các đại gia châu Âu ở trong, em đành chân trong chân ngoài.

Một chi tiết thú vị nữa về việc lái xe ở Oman là có khá nhiều người đứng ven đường vẫy xe đi nhờ. Từ Sur đi đến khu rùa biển có những đoạn đường vắng tanh, chỉ có một bên biển xanh vời vợi, một bên núi đá trắng toát. Bỗng thấy một cậu thanh niên Ấn Độ da đen bóng, đứng bên đường vẫy tay xin đi nhờ. Trời nắng 37-38 độ mà không xe nào cho lên nên mình dừng lại, kéo cửa kính xuống và hỏi đi đâu. Tiếng Anh bạn này cũng ú ớ, nói là đi tầm 20km nữa. Cuối cùng lên xe xong mới vỡ nhẽ ra là ông này làm nhân viên buồng phòng ở chính khu khách sạn của Trung tâm bảo tồn rùa nói trên. Thế là quá may vì gặp nhà mình đi thẳng đến đấy (50km chứ không phải 20km). Hỏi đã đợi bao lâu thì nói đã đứng đây gần 45 phút rồi, do ông chú không chở về được mà chỉ thả ở đây. Nếu không ai cho lên thì chẳng biết sẽ thế nào khi đầu trần giữa cái nắng này!

Chẳng nói tiếng Anh được mấy nên mình chỉ hỏi một thông tin tình báo quan trọng mà ngày thường mình không bao giờ quan tâm, đó là: Lương bao nhiêu một tháng? Tính ra được 400 USD! Hai vợ chồng mình kinh ngạc, với mức sống ở đây mà lương có 400 USD thì sống kiểu gì, chưa nói đến còn để dành tiền gửi về quê. Mình hi vọng là cậu này được bao thêm ăn ở chứ không nghĩ thật xót xa, cũng một kiếp người đi làm ăn xa xứ, tiền lương không bằng một đêm phòng nghỉ khách sạn.

IMG_6553.JPG

Nhà nghỉ Ras al Jinz Turtle Guest House. Có nước máy, điện, internet đàng hoàng! Giá 19 OMR/đêm

IMG_3657.JPG

Khu resort đắt tiền trên núi bên phải và trụ sở khu bảo tồn bên trái

Ông Salim, chủ nhà nghỉ là một người có ngoại hình châu Phi, nói tiếng Anh rất trôi chảy và có vẻ đã dành cả thời trai trẻ ở Oman. Nói chuyện qua là đã biết ông là dân hướng dẫn du lịch chuyên nghiệp, và hẳn là cũng thức thời khi đón đầu xu hướng mà xây cái nhà nghỉ này ở đây. Mình hỏi giặt quần áo thì ông chủ bảo đưa cậu Ấn Độ giúp việc này giặt rồi cho bao nhiêu tiền thì cho. Dặn đi dặn lại là quần áo trắng và sáng màu giặt riêng, bố ấy vẫn tống cả vào máy rồi quay, xong phơi. Lộn hết cả ruột mà vẫn phải trả 3 OMR vì cũng khá nhiều quần áo.

IMG_3656.JPG

Phòng ốc rất rộng rãi và mát mẻ. Sàn nhà sạch bong kin kít từ trong ra ngoài. Nhà nghỉ này có vẻ cũng chỉ giống như những nhà dân bình thường trong làng vì thấy nhà nào cũng to đùng bát điếu như vậy cả.

Xung quanh đây chỉ có độ dăm chục nóc nhà dân, không có hàng quán gì, muốn ăn thì đặt trước để nhà nghỉ nấu. Nhà em mới ăn lúc đầu giờ chiều còn no, cơm thừa còn mang theo đây nên không ăn gì. Chỉ có buổi tối về nhờ vào bếp quay lò vi sóng cơm lại cho nóng thì ông chủ mới gọi một cậu châu Phi chính cống ra mở bếp cho. Không có lò vi sóng nên cơm phải cho vào nồi đảo lại cho nóng. Hỏi ra thì biết cậu này người Kenya, mới sang Oman được 1 tuần. Mình hỏi chắc là đến từ Nairobi? Cậu này kinh ngạc vì có người biết Nairobi 😆 nhưng trả lời là em ở Mombasa, anh có biết Mombasa không?

IMG_3654.JPG

Trung tâm bảo tồn rùa biển Ras al Jinz

Salim nói mình phải đi mua vé ngay, 5h chiều rồi thì chắc phải đi nhóm 2. Rất may là tối đó cũng không quá đông nên chỉ có 2 nhóm, và cũng đi cùng nhau, nhóm trước nhóm sau. Vé là 8 OMR một người lớn (dĩ nhiên là không ai khác trong đoàn ngoài nhà mình có trẻ con). Ngoài nhà mình châu Á, một chị châu Phi thì 90% số người đứng đợi tối đó ở Trung tâm bảo tồn rùa đều người châu Âu trung niên ngả già. Dĩ nhiên rằng chúng mình không phải là những người đầu tiên đến đây, nhưng so với các nước khác thì ngành du lịch ở đây mới chập chững những bước đầu tiên. Nhưng cũng vì sơ khai như vậy mà mình còn được tận mắt chứng kiến những con rùa cái đẻ trứng trên bãi biển. Vài năm nữa, nếu khách ùn ùn kéo đến, không biết liệu rùa có còn quay lại đẻ nữa không?

Đoàn khách đi bộ trong bóng tối mịt mùng dưới trời sao vằng vặc một quãng khá xa, xung quanh chỉ có tiếng sóng dạt dào. Dù đã xem phim tài liệu về rùa đẻ trứng trên tivi nhưng tận mắt thấy từng quả trứng rơi ra từ con rùa vẫn thấy xúc động làm sao. Rùa mẹ sau khi đẻ mấy chục quả trứng tròn vo, đều tăm tắp có vẻ như đã cạn sức (ai đẻ em bé rồi đều biết phải không nào?). Vậy mà nó lại tiếp tục lấy hai chân trước ra sức quạt cát để lấp lại đám trứng trong hố.
Cận cảnh trên bàn đẻ

Kì diệu hơn nữa là mọi người được tận mắt nhìn thấy một chú rùa con chui lên từ cát, một con rùa mới nở. Rùa con nở ra sẽ bò xuống biển ngay lập tức. Quãng đường vài chục bước chân ngắn ngủi ấy là cả một thử thách khổng lồ với con rùa bé xíu. Nó có thể bị cua cắp chết, chim mổ làm thức ăn, chó mèo cắn hay bò lạc đường không qua được bãi cát hoặc đuối sức nằm lại trước khi chạm vào sóng biển. Xuống biển rồi còn muôn vàn loài khác có thể tấn công, rồi phải tự tìm cái gì mà ăn theo bản năng sinh tồn. Đó là lí do vì sao rùa đẻ nhiều trứng trong hố nhưng chỉ có 1/10 sống sót đến ngày trưởng thành, và khắp thế giới người ta chung tay bảo tồn rùa biển, nâng niu từng quả trứng trước những người muốn ăn cả… trứng rùa.

Rùa con trước sóng gió đầu đời là dàn đèn của smartphone

Giới tính của con rùa lại được quyết định bởi nhiệt độ của cát, nếu cát dưới 28°C thì rùa sẽ nở ra đoàn đực rựa, nếu trên 31°C thì sẽ toàn thị nở. Buổi tối ở bờ biển này gió mát làm trời dịu hẳn lại so với cái nắng gay gắt ban ngày hay cái nóng hầm hập đêm ngày ở Muscat, có lẽ vì thế mà rùa chọn đẻ ở đây để trứng nở ra đủ nếp đủ tẻ. Một điều nữa mà các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được, đó là những em rùa cái tí hon ngày hôm nay sau khi bơi ra biển lớn, 25 năm sau đến tuổi sinh nở, sẽ lại quay về đúng bãi cát này để đẻ trứng chứ không phải bến bờ nào khác của đại dương mênh mông. Một khi đã trưởng thành rồi thì rùa có mai cứng, bơi khoẻ nên không sợ kẻ săn mồi nào nữa và cứ thế sống đến 70-80 tuổi. Chân ướt chân ráo từ khi lọt lòng ra biển lớn một mình đến khi quay về sinh nở cũng một mình, các bà mẹ rùa quả thực là những bà mẹ anh hùng!
 
11. Bình minh trên cực đông đất Ả Rập
Sáng hôm sau khi mặt trời vừa lên (đã chói chang), mình lái xe băng qua làng chài (toàn nhà bốn tầng 300 mét vuông sàn) bên cạnh còn đang say ngủ đi vài cây số về phía hừng đông. Điều thú vị ở chỗ nơi đây là điểm cực đông của bán đảo Ả Rập, nơi mỏm đá vươn ra biển Ả Rập hay chính là Ấn Độ Dương. Đỗ xe ở bãi cát, đã có các bác ngư dân đi đánh cá để lại… xe bán tải mới cứng đỗ trên bờ biển. Dầu thì nhà nước trợ giá, cá thì không ai tranh, các bác xây nhà to vật cũng phải.

IMG_6550.JPG

Đường làng, nhiều nhà mới nhấp nhô ở phía xa

IMG_6548.JPG

Xe đỗ bên bờ biển nhưng chưa phải mũi cực đông

Xem bản đồ thì thấy chưa tới nơi, bèn men theo vách đá, leo trèo bám víu độ nửa tiếng thì cũng đến điểm cực đông. Mặt trời chiếu xuống mặt biển xanh ầm ì, hắt ánh nắng lên những vách đá hùng dũng chạy dài vô tận trong tiếng gió lồng lộng đất trời. Từ đây về cực tây nước Úc đường quang thẳng tắp, chỉ có 7900 cây số chứ mấy.

Lúc đi xuống không nhìn bản đồ điện thoại mà tí lạc vì đá trơ trọi bốn phía chỗ nào cũng giống chỗ nào. Tình cờ lại thấy một bãi biển phía dưới có dấu vết xây xi măng và mấy cái bồn nước, chẳng nhẽ Oman cũng có tệ nạn phân lô bán nền bãi biển cho resort? Về nhà đọc thêm mới biết hoá ra đây là một di chỉ khảo cổ quan trọng, các nhà khảo cổ Mỹ đã tìm thấy những đồ gia dụng với chữ Ấn Độ cổ đại, minh chứng rằng con người xa xưa đã chọn mũi đá nhô ra này làm mốc đánh dấu trên đường đi giao lưu nhân dân kết hợp đánh quả từ Ấn Độ sang đây.

O_K Bài 4 (10).JPG

Điểm cực đông của bán đảo Ả Rập

IMG_6545.JPG

Bãi biển với di chỉ khảo cổ

Đường lên đỉnh Arabia
 
Last edited:
12. Đường đến Nizwa, đi qua Wadi Bani Khalid

Hôm nay hành trình sẽ khá dài do đi đến Nizwa không nằm trong lịch trình ban đầu. Từ Ras al Jinz đi đến Nizwa theo Quốc lộ 23 là 330 km nhưng vì phải rẽ vào Wadi Bani Khalid mất 33 km vào 33 km ra nên tổng cộng là 400 km.

IMG_3661.JPG

Mới sáng ra, còn chưa ăn sáng mà nàng thơ người Pháp phòng bên đã phì phèo điếu thuốc, trầm ngâm núi đồi

IMG_3670.JPG

Đường quốc lộ thẳng băng cứ thế mà vít ga thôi. Có nhiều đoạn nâng cấp quốc lộ thành cao tốc bằng cách xây thêm các làn đường mới ngay bên cạnh. Ngoài những đoạn đang làm đường ra thì đường nhìn chung rất rộng, đẹp hơn bên Úc nữa và quan trọng là không một bóng xe!

O_K Bài 4 (4).JPG

Biển này ghi: “Các ông đang cày cuốc”, thế các bà đi đâu? Đi học đại học chứ biết làm gì cho hết ngày bây giờ?


Từ Ras al Jinz đến Romail là nơi rẽ đi Wadi Bani Khalid là 140 km đường rất đẹp. Wadi trong tiếng Ả Rập là "thung lũng", thường là một dải dất hẹp giữa hai vách núi đá. Các wadi có mặt nhiều nơi ở Trung Đông và nhiều trong số đó trở thành các điểm du lịch vì cảnh quan hùng vĩ của đá. Oman ngày nay trở thành một điểm đến mới của ngành du lịch gọi là "geotourism" tức là đi xem đá, hay xem lịch sử của Trái Đất để lại dấu tích trên đá như người ta đi xem di chỉ khảo cổ của các nền văn minh vậy. Các núi đá ở Oman quả thực hùng vĩ, nếu yêu cái đẹp thực sự thì sẽ thấy núi đá Oman có cái đẹp hùng hồn của nó, còn nhìn bằng con mắt thường thì chỉ thấy đất trống đồi trọc, chó ăn đá gà ăn sỏi theo cách nói của người Việt Nam.

IMG_3685.JPG

Đứng trên cao nhìn xuống Wadi Bani Khalid

Wadi Bani Khalid nằm trên một Ophiolite (tên là Semail). Ophiolite là một loại hình địa chất (đối với người không chuyên tạm trông như núi) sinh ra do lớp vỏ đại dươngquyển Manti trên, trồi nguội đè lên lớp vỏ lục địa. Lớp vỏ lục địa là lớp trên cùng của bề mặt Trái Đất. Lớp vỏ đại dương và quyển Manti trên là hai lớp bên dưới, nặng hơn và lẽ ra phải chìm xuống.

Thế nhưng khối Semail Ophiolite này lại là kết quả của việc lớp dưới trồi đè lên lớp trên, bằng chứng là có rất nhiều quặng đồng và crôm ở đây. Các nhà địa chất vẫn chưa giải thích được chính xác tại sao, nhưng nó cho ta một "di chỉ" đá siêu mafic, của lớp vỏ đại dương cổ xưa trồi lên mặt đất, tha hồ nghiên cứu. Trong khi các lớp vỏ đại dương khác chìm sâu trong lòng biển thì có mà nghiên cứu bằng mắt!

IMG_3687.JPG

Những hòn non bộ của tự nhiên trong Wadi Bani Khalid

Hầu hết các wadi không có nước nhưng cũng có những nơi có nước vào mùa mưa (gió mùa). Wadi Bani Khalid là nơi có nước quanh năm và vì thế trở thành một ốc đảo xanh tươi giữa hoang mạc đá. Bani Khalid là tên một liên minh các bộ lạc Ả Rập trải dài từ Nam Irắc, Kuwait (Cô-oét) phía tây Vịnh Ba Tư đến tận phía bắc Oman, cai quản vùng này từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Về sau các bộ lạc này bị đánh bại bởi nhà Saud và mất hết đất vào nước mà ta gọi là Saudi Arabia (Ả Rập Xê-út) bây giờ.

Lên đèo rồi lại xuống đèo, vòng vèo bao nhiêu bận, núi non đẹp đến nghẹt thở nhưng chả dám dừng xe giữa đèo chụp ảnh, thì cũng vào đến thị trấn Wadi Bani Khalid tầm trưa. Trời nắng chang chang, vào cây xăng hỏi có đồ ăn gì không thì anh nhân viên cây xăng bảo trong Wadi không có hàng quán gì đâu, tốt nhất ăn ở thị trấn này rồi đi thêm 10 km nữa mới vào đến nơi.

IMG_6573.JPG

Thế là quay lại thị trấn để ăn cơm. Quán này có cá rán, lâu lắm mới lại ăn cá rán, buồn cười chưa, vì ở Tây họ không cắt khúc cá rồi rán như mình mà chỉ phi lê rồi tẩm bột rán. Trong hình là đùi gà. Bữa ăn nhè nhẹ mà chủ quán tính OMR 7.

IMG_6579.JPG

Trời vẫn đầy gợn mây mà nắng vãi cả nắng. Không ai đi ngoài đường trừ chỗ trường học có trẻ con lau nhau lên xe buýt về và mấy nhà giàu đi xe xịn đón con tắc cả đường làng. Được cái ở Oman là sóng điện thoại rất tốt, chỉ trừ những đoạn tít trên đèo cao chứ vào đến những chỗ này sóng 4G vẫn chạy phà phà (vì có cái cột sóng to lù lù trong ảnh các bác thấy không)

IMG_3682.JPG

Vào gần đến Wadi thì cây chà là nhiều hơn hẳn, xanh mướt hai bên đường đi

IMG_3683.JPG

Đỗ xe từ ngoài phải đi bộ thêm một đoạn mới vào đến trong khu vực suối nước. Trời nắng nhưng khô nên không toát nhiều mồ hôi. Thấp thoáng trên đỉnh đồi đã lại thấy resort theo phong cách FLC.

IMG_3684.JPG

Nước suối trong nguồn chảy ra nên trong vắt. Cá bơi hàng đĩa :ROFLMAO:
 
Không có biển chỉ dẫn gì nhiều ngoài một cái mũi tên trên mỏm đá ghi là Cave ở trong 1km nữa. Mấy cụ già người Pháp đứng chống nạnh vì không tìm được lối vào lại tìm đường lần ra. Em bám theo tiếng người vang vang, cứ mò theo vách đá mà bước, đi một đoạn thì thấy mấy người đứng dưới, có mấy cậu choai choai da nâu chắc dân địa phương. Thế là trèo xuống. Một đứa giới thiệu: "Chúng em là tour guide đây, làm tình nguyện dẫn khách vào. Anh bơi theo em vào trong mới có thác nước". Mình mừng quá tụt vội quần để bơi theo thằng nhỏ. Nó còn hỏi anh có điện thoại không thì mang theo để mà chụp ảnh. Mình bảo cầm điện thoại thì bơi thế đ' nào, thế là nó cầm. Mình đưa cho cái điện thoại gắn trên gậy selfie vì sợ nó làm ướt. Nó bảo: "Ôi hiện đại quá, chỉ cần bấm nút, đỡ phải dừng lại bấm máy".

IMG_3690.JPG

Nó định quay em bơi hết cả chặng nên em phải quay lại bảo không cần nó mới thôi

Vào đến trong này thì nước tự nhiên chuyển xanh ngằn ngặt như có ma thuật. Nước trong và mát vô cùng, cảnh đá cũng uống lượn ảo diệu nhưng mà bơi hết cả hơi rồi còn sức đâu mà ngắm. Em uống thử một ngụm thì thấy nước ngọt nhưng hơi xin xít răng, có lẽ do thành phần đá vôi phong hoá trong nước nên làm nước cứng. Chặng bơi thực ra chỉ tầm năm phút nhưng lâu rồi không bơi một mạch dài thế nên phải bám vách đá phờ phạc một lúc.

IMG_3715.JPG

Và cái "thác nước" nó chỉ có thế này thôi
Thằng hướng dẫn viên chụp cho em kiểu ảnh xong thì bảo quay ra thôi. Tiên sư mày, cho tao thở cái đã chứ. Lúc vào thì nó bơi chầm chậm cùng mình, lúc ra nó hùng hục một phát mất hút. Em sợ mất điện thoại thế là cũng cong đít đạp chân bơi ra theo hết hơi. Ra đến nơi đang ngồi nghỉ và thả chân xuống cho cá mát-xa tí thì nó đưa điện thoại trả và hỏi thế anh đưa em bao nhiêu để em còn đi khách khác. "À, ra là mày làm tình... nguyện viên thế này đây hả ?!" Em thầm nghĩ.

Nhưng thôi nghĩ nó cũng giỏi, bơi một tay, một tay cầm điện thoại, là do mình tự chui đầu vào rọ, mà nếu không có nó dẫn đường, bố bảo cũng không dám bơi vào trong hang luồn như thế. Em hỏi thế bình thường giá bao nhiêu, nó nói OMR 4. Mình biết nó nói thách nhưng mà thôi cũng móc túi đưa nốt cho xong. Thế là cu cậu hí hửng ra về. Còn thằng bạn tóc xoăn thì đang đứng đợi một cô người Pháp, mặc áo mỏng tang lội nước đi từ ngoài vào. Một anh người Nhật có vẻ kinh nghiệm hơn thì không dùng dịch vụ này nhưng đứng chần chừ không dám bơi, định quay đi thì em thương tình lại bảo: "Ông cứ bơi vào đi, chỉ tầm 5 phút thôi là đến". Vậy là cảm ơn rối rít rồi lò dò bơi vào.

IMG_3747.JPG

Trên đường lái xe ra thấy cái nhà hàng này buồn cười quá phải chụp lại bởi vì ngoài Arabic Food, Chinese Food và Indian Food thì họ còn bán cả ENGLISH FOOD. Em chưa từng thấy ở đâu có bán món này, hẳn là dân ở đây phải tuyệt vọng lắm thì mới ăn English food!!!

Sau khi bơi xong khoan khoái thì hành trình lại tiếp tục về phía Nizwa. Ra khỏi đường cao tốc thì quốc lộ nhỏ hơn và đi qua nhiều thị trấn hơn nên đến tận xẩm tối mới đến. Qua đoạn này cũng cho một người nữa đi nhờ xe nhưng sau thấy muộn rồi thì không dừng nữa chứ rất nhiều người vẫy xe đi nhờ dọc đường.

IMG_6587.JPG

Hoàng hôn rực rỡ phía chân trời.
IMG_3808.JPG

Nhà nghỉ Nima Guest House, giá rẻ nhất trong khu vực nhưng vị trí lại ngay trung tâm nên rất tiện. Đây là ảnh chụp sáng hôm sau. Lúc đến nơi xẩm tối rồi nên chủ nhà ra tay bắt mặt mừng vì cứ nghĩ là khách bùng rồi cơ. Trong sân chỉ đỗ được một cái xe của nhà em, còn không thì chắc đỗ ngoài ngõ.

IMG_6598.JPG

Tối đến phố lên đèn là bà con lên đường. Hàng vàng nhiều như hàng quần áo bên mình, người ra vào tấp nập đi shopping.

IMG_3762.JPG

Ngã tư thành cổ Nizwa. Đường phố sạch bong và xe cộ đi lại trật tự, không một tiếng còi.

IMG_3790.JPG

Bên trong thành cổ là khu chợ đồ thủ công mỹ nghệ. Quả xe lao ra khỏi cổng thành cứ như phim xuyên không!

IMG_6610.JPG

Ngó nghiêng lướt qua mấy hàng đồ gốm. Giờ thì phải đánh chén đã, vì ngửi thấy mùi thịt nướng thơm phức khắp không gian chợ rồi.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,425
Bài viết
1,175,784
Members
192,098
Latest member
vnae888
Back
Top