What's new

Pakistan, vì tôi trẻ!!!

Đây như là hồi ký của em về 6 tuần em ở Pakistan. Em qua Pakistan đúng ra mà gọi là ' thực tập' nhưng vì sự quái gở của dự án nên cuối cùng em không biết gọi chuyến đi này là gì nữa: thực tập cũng không đúng, du lịch cũng không đúng mà phượt cũng không phải. Em tìm trên mạng chẳng thấy bài tiếng Việt nào về Pakistan cả, thậm chí tiếng Anh cũng ít luôn, toàn là tin tức bom đạn gì đó, không thì đa phần được viết từ người Pakistan. Em muốn chia sẻ những gì mình đã trải qua để mọi người có 1 cái nhìn đa dạng hơn về đất nước này.

P/s: Em không giỏi viết và đang trong kỳ học nữa nên sẽ viết rất chậm.
Đây là lần đầu tiên em viết và em chỉ muốn chia sẻ, tất cả đều là kinh nghiệm, quan niệm và hiểu biết của bản thân, sẽ có rất nhiều hạn chế xin mọi người đừng ném đá :wheelchair:
Và để đảm bảo sẽ không ảnh hưởng đến người khác, em sẽ thay đổi tên một số người có liên quan.


CÁI DUYÊN

Càng lớn, đi càng nhiều, trải càng nghiệm nhiều, gặp càng nhiều người; tôi càng tin vào cái mà người ta vẫn gọi là ‘cái duyên’: duyên để gặp nhau trong đời, duyên để những con người xa lạ trở thành bạn và duyên để đặt chân lên những vùng đất mà thậm chí đến tên thôi cũng chưa bao giờ nghe tới .Và Pakistan với tôi, đến hôm nay cũng chỉ một từ để lý giải ‘Duyên’.

Không bao giờ viết ra giấy, nhưng trong đầu tôi luôn có một danh sách những điều tôi muốn làm, những nơi tôi muốn đặt chân đến và tôi nỗ lực để thêm vào và gạch bớt những tiêu mục trong danh sách đấy hằng ngày. Và danh mục mang tôi đến với Pakistan, rất trớ trêu lại mang tên một đất nước mà rất nhiều người Pakistan ghét : nước Mỹ.

Được đặt chân đến Mỹ là một trong những giấc mơ lớn nhất cụôc đời tôi, tôi muốn nhìn thấy cái đất nước mà người ta vẫn gọi với cụm từ ‘giấc mơ Mỹ’. Tôi đã lên hẳn một kế họach để biến nó thành hiện thực, và kế họach đó là chương trình ‘Work and Travel’- một chương trình trao đổi mùa hè dành cho sinh viên. Ngay từ những ngày đầu đặt chân tới Phần Lan, tôi đã ra sức thực hiện kế họach của mình. Một trong những điều kiện để tham gia chương trình là người tham gia cần phải có một công ty đại diện đê giúp đỡ việc làm hồ sơ, thủ tục và thu phí chương trình. Tôi đã bỏ rất nhiều thời gian và tâm huyết, ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính, tìm kiếm và gửi mail cho các công ty tư vấn ở khắp nơi. Nhưng tôi bị từ chối. Lý do cũng dễ hiểu thôi, hồ sơ đi Mỹ chưa bao giờ đơn giản cả, tôi đã đến từ Việt Nam, lại xin đi Mỹ từ Phần Lan, chẳng trung tâm nào muốn nhận một cục rắc rối cả. Thất vọng!

Trên con đường theo đuổi một giấc mơ, đôi khi người ta không đạt được nó, nhưng một cơ hội khác lại đến rất tình cờ. Trong những tháng ngày miệt mài tìm cơ hội đi Mỹ, tôi đã điền đơn và gửi hồ sơ tham gia khá nhiều tổ chức để thử vận may; một trong số đó có AIESEC Phần Lan. Một tuần sau khi hòan tòan hết hy vọng vào việc đi Mỹ, tôi nhận được thư mời phỏng vấn của AIESEC cho chương trình trao đổi mùa hè. Tìm hiểu trên trang web, đối tác chính của AIESEC Phần Lan là Trung Quốc và một số nước châu Phi. Sơ luợc một chút, AIESEC là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận và do học sinh điều hành, nên hầu hết chương trình trao đổi, người tham gia phải tự chi trả mọi chi phí.Thôi thì đã không đi được Mỹ, đã phải tốn tiền, đã đi để trải nghiệm, tôi muốn một sự khác biệt. Tôi muốn đi châu Phi và đó là lý do tôi tham gia phỏng vấn.

Sau khi vượt qua phỏng vấn, hòan tất mọi thủ tục với AIESEC ở Phần Lan, tôi được nhận một tài khỏan trên trang web tổng của AIESEC và một email riêng để liên lạc. Với tài khỏan này, tôi có thể nhìn thấy tất cả các dự án do AIESEC trên tòan thế giới vận hành. Tôi thích châu Phi, nhưng những dự án chưa thật sự làm tôi thích thú. Hơn nữa, hầu hết các dự án ở châu Phi đều đến những vùng đất nghèo khó làm những công việc tình nguyện nhưng không hiểu sao chi phí khá cao. Có lẽ họ thu phí không phải chỉ cho việc ăn ở của những tình nguyện viên mà còn để phụ giúp vào việc chạy chương trình . Tài chính của tôi lại hạn hẹp, với tôi tìên vé máy bay đã quá mắc rồi. Tôi quyết định không chọn một trong những đối tác chính của AIESEC Phần Lan, tôi muốn tìm ra một dự án mà cả dự án lẫn đất nước đều đem lại cho tôi sự mới lạ và trên hết là…càng rẻ càng tốt. AIESEC có ở trên hơn 100 quốc gia khác nhau, mỗi quốc gia lại có trụ sở ở nhiều hơn 1 thành phố, và mỗi trụ sở lại có vài ba cái dự án, thành ra con số dự án trên toàn thế giới nhảy lên tới vài ngàn. Tìm ra cái dự án mà tôi mong muốn, thực sự như đãi cát tìm vàng. Hàng ngày tôi đã dành tòan bộ thời gian rảnh để đọc, tìm và lục lọi vô phương hướng trong cả rừng dự án đó.

Tôi đã không tìm ra Pakistan, mà chính Pakistan tìm thấy tôi. Khi ngán ngẩm đạt gần điểm cực đại, trong vài chục cái email giới thiệu về nhiều dự án khác nhau mà tôi đã quá chán không còn đủ kiên nhẫn để đọc hết, tôi chọn đại một email để mở và dự án mà email đó giới thiệu là ‘Pakistan, Tum He To Ho’ hay tên tiếng Anh là ‘Pakistan, you are the one’ của AIESEC Lahore. Theo mô tả, đó là một dự án du lịch, nhiệm vụ của tình nguyện viên là đi du lịch và víêt báo về những trải nghiệm ‘tuyệt vời’ của mình. Những bài cảm nhận ấy sẽ được đăng tải trên báo chí, trang web và blog để giúp mọi người trên thế giới có một cái nhìn khác đi về Pakistan…Và cuối cùng, nhưng quan trọng nhất là nhà ở, ăn uống và chi phí đi lại trong quá trình làm dự án sẽ được hỗ trợ hòan tòan.

Khỏi phải nói, tôi đã vui như thế nào khi đọc được email đó. Tôi còn chờ gì hơn một dự án như vậy : đúng nhu cầu, phù hợp sở thích, lại kinh tế. Nam Á, tại sao không? Thú thật lúc đấy thậm chí tôi chẳng cần biết Lahore nằm ở đâu trên bản đồ Pakistan, tôi gửi ngay email xin được phỏng vấn; phỏng vấn và ký tất cả các hợp đồng cơ bản chỉ trong 5 ngày sau đó. Trong điều kiện xin visa, ngoài hợp đồng, tôi phải có thư mời của nơi làm việc. Và đó là trở ngại nhỏ duy nhất mà tôi gặp phải, tôi phải đợi gần 1 tháng để nhận được tờ giấy đó. Mọi thứ còn lại trơn tru một cách kỳ lạ.Tôi nhận được visa đúng một tuần sau ngày gửi hồ sơ, mặc dù Phần Lan không có đại sứ quán của Pakistan, tôi phải gửi passport qua Stockholm, Thụy Điển.Thậm chí lúc đó, mọi thứ khiến tôi còn ngây ngô nghĩ rằng Pakistan là một trong những nước xin visa đơn giản nhất vì chẳng mấy ai đến đó bao giờ. Sau này tôi mới biết, một vài người bạn làm chung dự án với tôi đã khá vất vả để xin được nó dù họ cũng cùng xin từ châu Âu và hơn tôi, họ có quốc tịch châu Âu.

Và như thế, không phải Mỹ, cũng chẳng phải châu Phi, tôi đã đến Pakistan.
 
Last edited:
KỲ VỌNG

Tôi biết đến AIESEC lần đầu tiên khi còn ở Việt Nam, thông qua một người bạn. Lúc đấy, AIESEC Hồ Chí Minh tổ chức một buổi gặp gỡ để quảng bá và tuyển thành viên mới. Tình cờ, địa điểm tổ chức lại đối diện nơi tôi đang ở nên tôi đăng ký tham dự.

Lúc bấy giờ, tôi vẫn chưa là sinh viên nên dĩ nhiên là tôi không đủ điều kiện để đăng ký dự tuyển. Tôi chưa bao giờ có dịp làm việc với AIESEC Việt Nam nhưng buổi hội thảo thật sự mang lại cho tôi một ấn tượng rất tốt về AIESEC. Ngày hôm ấy, mọi thứ được tổ chức rất chuyên nghiệp từ khâu tổ chức chương trình đến thời gian, địa điểm. Những sinh viên trong tổ chức đều là những người trẻ rất ưu tú vì họ phải vượt qua cuộc tuyển chọn khá gắt gao để trở thành thành viên chính thức. AIESEC kết nối những người trẻ lại với nhau, mở ra cho họ cơ hội được đi và gặp gỡ không chỉ ở Việt Nam.Và hơn hết, tôi tìm thấy lửa ở tổ chức ấy, lửa của những con người trẻ đang nỗ lực cho một tương lai tốt đẹp hơn.Tôi tin rằng sẽ học đựơc rất nhiều điều tích cực khi tham gia tổ chức này.Sau ngày hôm đấy, trong danh sách những việc cần làm trước khi chết của tôi, có một danh mục mang tên AIESEC.

-----

Lần đầu tiên cộng tác, AIESEC đã không làm tôi thất vọng.

Ở Phần Lan, có lẽ vì đất nước này quá ít dân, trở thành thành viên của AIESEC khá dễ dàng so với Việt Nam, chỉ cần có nhiệt, có lòng, gần như ai cũng có một cơ hội.Ngặt nỗi thành phố tôi học bé quá, sinh viên ít quá, AIESEC không có trụ sở chính. Tôi phải khăn gói lên Oulu, một thành phố lớn hơn gần đấy để tham dự buổi hướng dẫn, tôi không biết nên gọi nó thế nào, thôi thì tạm gọi là buổi hướng dẫn trước khi lên đường.

Khác với sự hòanh tráng của AIESEC thành phố Hồ Chí Minh, AIESEC Oulu khá giản dị nhưng mọi người làm việc rất hiệu quả. Từ ngày tôi ký hợp đồng chính thức, đến ngày tôi tham dự buổi hướng dẫn ở Oulu là hơn một tháng. Thế nhưng chỉ ngay sau khi ký hợp đồng, tôi đã nhận được một bản kế hoạch những việc cần làm chi tiết từng ngày từng giờ. Nhờ đó, tôi học được một thói quen rất tốt: sử dụng lịch làm việc.

Buổi hướng dẫn trước ngày lên đường là buổi gặp gỡ để chuẩn bị kiến thức và tinh thần cho những thành viên sẽ tham gia trao đổi ở nước ngoài. Có khoảng 25 người tham dự, ngòai vài khách mời, là những người đã từng trong AIESEC nay đã đi làm, hầu hết số còn lại là sinh viên.Dẫu là sinh viên, nhưng tuổi tác mọi người khá cách biệt với tôi, trừ tôi ra, người trẻ nhất cũng đã là sinh viên năm cuối đại học, phần lớn còn lại đang học thạc sỹ và tiến sỹ.Đa số họ đã đi nhiều, trải đời nhiều; nên rất nhiều người mang đến những câu chuyện đặc biệt. Trong đó tôi nhớ nhất là câu nói của chị bên cạnh khi chị nói về châu Phi: ‘’Ai cũng bảo châu Phi nguy hiểm, ai cũng nói châu Phi tệ nạn, nhưng bố mẹ tôi sau khi đến châu Phi du lịch đã quyết định quay lại đó ở 3 năm làm từ thiện. Không phải vì châu Phi, mà đơn giản vì họ tìm thấy một sự bình yên ở đó. Vùng đất nào dù có nguy hiểm đến đâu, khi con người còn sống ở đó, tôi tin rằng nó vẫn tồn tại những khỏang bình yên. Tin tức trên báo chí thường chỉ tập trung vào những vấn đề gây sốc để thu hút độc giả.’’

Vậy là tôi có thêm một lý do để chọn Pakistan, tôi sẽ đi tìm những khoảng bình yên ở Pakistan…

-----

Tìm hiểu về AIESEC Lahore, họ có một facebook rất mạnh. Thông tin được cập nhật liên tục.Những dự án hòanh tráng, những đọan video ấn tượng. Tất cả các tấm hình trên facebook của họ thật sự rất đẹp. Những buổi họp mặt của AIESEC Lahore, qua hình ảnh, trông hoành tráng nhất trong các AIESEC tôi từng biết. Mọi người đều ăn mặc rất trịnh trọng trong những buổi gặp mặt đó. Những cuộc tuyển chọn thành viên của họ thì gắt gao chẳng kém gì Việt Nam.Mọi thứ trông rất rất chuyên nghiệp. Đối với tôi, những chuyến đi không chỉ đơn giản là những kỷ niệm, những chuyến đi còn là những bài học.Khỏi phải nói tôi đã hồi hộp và trông chờ như thế nào về những bài học tôi sẽ học từ chuyến đi này và cách làm việc của mọi người trong AIESEC nơi đây.
 
Last edited:
HẬU THUẪN

Pakistan là vùng đất thừa ‘nổi tiếng’ để tôi được nhận một cơn bão phản đối.

----

Bạn tôi giận dữ.

- Mày biết Pakistan là đâu không hả? Mày chán sống rồi hả? Mày có biết Biladen chết ở Pakistan không hả?
- Hả? Thật hả? Tao biết Pakistan chứ, có điều giờ mày nói tao mới biết Biladen chết ở Pakistan đó …Mà ổng chết lâu rồi mà. Với tao đến Lahore cơ, người ta nói Lahore là thành phố an tòan nhất Pakistan đó. Mày cứ an tâm.
- Đến vụ đó mà mày còn không biết thế mà đòi đi Pakistan.Người ta nào nói với mày á?Ừ đúng rồi!’An tòan’ lắm!Mày mở google lên giùm tao, gõ 2 chữ thôi ‘boom’ và ‘Lahore’ rồi ngồi đếm coi có bao nhiêu kết quả.
- Tao mới thử rồi…mà vụ đánh boom gần nhất cách đây vài năm rồi. Mày yên tâm đi!
- Uh thì lâu rồi cũng là cái đáng lo đó…Thôi tùy mày!Tao chẳng hiểu tại sao mày lại đi đâm đầu vào cái chốn đó.

----

Mẹ tôi than thở.

- Con ơi con dại lắm, đi đâu không đi lại chui đầu vào cái nơi nguy hiểm đó!
- Mẹ đừng lo mà, thì phải an tòan người ta mới đưa con tới để viết tốt về họ chứ!
- Thật không thể hiểu nổi tại sao lại cứ phải đâm đầu vào cái chốn đó!-Mẹ tôi chỉ lắc đầu ngao ngán.

----

Duy chỉ ba tôi là người đón nhận việc tôi đi Pakistan một cách bình thản nhất. Khi tôi nói ‘ Ba ơi con được nhận đi Pakistan rồi, ở thành phố Lahore’. Ba bảo ‘Ờ, ba có nghe nói về thành phố đó. Pakistan hả? Đất nước đó hay đó!’

Tôi biết, với một người mỗi ngày ngoài báo giấy còn dành ra 2 tiếng đồng hồ để đọc tin tức trên internet như ba, ba hiểu rất rõ Pakistan không phải là một đất nước an toàn. Mẹ tôi không phải là người thích xê dịch, nhưng với ba tôi, du lịch là một niềm đam mê.Chính ba là người truyền cho tôi niềm đam mê dịch chuyển, niềm đam mê được đặt chân lên những vùng đất mới. Nên có lẽ hơn ai hết, ba hiểu tại sao tôi lại ‘đâm đầu vào cái chốn đó’.

Trước khi đi Pakistan, tôi có về Việt Nam một tháng. Tôi nhớ mãi trước ngày tôi đi vài hôm, ba gọi tôi ra và bảo: ‘ Này Thanh nè, hôm nay báo mạng lại đăng Pakistan có đánh bom đó. Đừng nói mọi người kẻo lại lo. Ai cũng bảo ba chiều con gái quá để nó hư. Nhưng mỗi người có một cách sống, cách nhìn khác nhau. Theo ba thì đi có thể không làm người ta giàu nhưng đi sẽ giúp người ta có những khỏanh khắc và những bài học không phải cứ có tiền là mua được. Không phải ai cũng có cơ hội để được đi, nhất là đến những vùng đất như vậy.Sẽ vất vả đấy nhưng con còn trẻ, ba giờ mới thấy mình già, giờ chỉ đi du lịch được thôi chứ đi mà vất vả quá, sức khỏe không cho phép nữa rồi. Sống chết có số cả, đời người chỉ sống có một lần thôi nên có cơ hội thì hãy nắm lấy. Có điều phải cận thận, bảo trọng, ba mẹ ở nhà sẽ lo lắm đó’. Và ba đã thay tôi ‘đứng mũi chịu sào’ với tất cả sự phản đối của những người thân trong gia đình.
 
Last edited:
HOANG MANG

Một tuần trước ngày lên đường, tôi gửi tin nhắn cho Grace, một chị người Malaysia làm cùng dự án đã đến Pakistan từ hồi tháng năm để hỏi thăm tình hình. Tôi đã theo dõi hành trình của chị từng ngày qua những bức ảnh trên facebook và mơ về những chuyến đi đáng nhớ cùng dự án của mình.

Chỉ ở trong chăn mới biết chăn có rận. Facebook và những tấm ảnh chỉ phản ánh những khoảnh khắc ngắn ngủi và chỉ người trong cuộc mới rõ những câu chuyện thật sự đằng sau nó. Những hồi âm của chị thực sự làm tôi bất ngờ.Chị bảo những bức ảnh đó là do chị tự đi, tự chụp. Chín mươi phần trăm những người chị đi chung không phải là người trong AIESEC. Chín lăm phần trăm những chuyến đi của chị không đi cùng với AIESEC. Chẳng ai quan tâm đến sự có mặt của chị, chị phải bứt ra để tự đi.Tôi cũng nên chuẩn bị tinh thần cho những điều tương tự nhưng cũng đừng quá lo lắng, có lẽ tại chị đến quá sớm, chỉ có mình chị trong dự án, khi tôi đến, sẽ có nhiều người và tình hình có lẽ sẽ khá hơn.Chị cũng dặn tôi mang đèn pin và kem chống muỗi, đó là hai thứ cần thiết nhất.

Hình ảnh tốt đẹp của tôi về AIESEC bắt đầu bị lung lay. Tôi bắt đầu nhận ra AIESEC Lahore sẽ không như những AIESEC mà tôi từng biết trước đó.Ngồi ngẫm lại, đáng lẽ tôi phải nhận ra điều đó sớm hơn. Ngày tôi phỏng vấn qua skype vào dự án, anh bạn phỏng vấn tôi trễ hơn một tiếng rưỡi vì…bị sốt cao cần đi khám bác sỹ. Wasma, người quản lý trực tiếp dự án của tôi thì trễ mất một ngày khi hẹn tôi lên mạng để giới thiệu về văn hóa và dặn dò những điểm cần lưu ý. Cô cũng quên gửi tôi tờ thư mời làm visa khi cô nhận được nó hẳn một tuần mặc dù lúc đấy tôi đã giải thích tôi cần nó gấp. Hơn nữa, điều tối thiểu của một dự án là phải có ngày bắt đầu và ngày kết thúc, nhưng ở dự án này, không có bất cứ một quy định nào, thành viên có thể đến và đi…lúc nào tùy thích. Và tôi không hề có một tý thông tin về những nơi tôi sẽ đến, những ngày tôi sẽ đi và cụ thể tôi sẽ phải viết như thế nào.

Tôi bắt đầu chùn lòng. Những cảm giác hoang mang đầu tiên xuất hiện khi thực tế và niềm tin có vẻ sẽ khác xa nhau. Hàng loạt câu hỏi mà đáng lẽ tôi phải nghĩ đến sớm hơn, đến giờ phút đó mới chịu chạy ra khỏi não tôi. Tôi sẽ phải làm gì nếu người ta cũng xếp tôi vào xó. Tôi không biết Pakistan có nguy hiểm thật không nhưng chắc chắn đó không phải là đất nước để một đứa con gái dễ dàng đi một mình. Hơn nữa, tôi tự biết mình không phải là đứa khôn ngoan nhanh nhẹn và trải đời, chỉ riêng việc tôi tin tưởng một cách mù lòa không suy nghĩ vào AIESEC có lẽ đã thể hiện một sự ngốc nghếch hơn người.

Nhưng…tôi vẫn muốn đi.Ở nhà, tôi sẽ mất cái vé máy bay, mất cái visa, mất một cơ hội mà tôi không chắc sẽ đến lần thứ hai và mất một mùa hè ý nghĩa. Một người bạn đã trấn an tôi: ‘Khi mày đứng từ xa, tương lai lúc nào cũng bị che phủ bởi một đám mây mù làm người ta hoang mang. Nhưng càng đi lại gần, nó sẽ càng rõ, và ta sẽ thấy con đường ta phải đi. Mày sẽ tự biết mày cần phải làm gì thôi, đừng lo!’ .Lúc đó, tôi chợt nhớ ra trang web couchsurfing. Tôi biết về nó và có tài khỏan trên đó từ khá lâu nhưng chưa bao giờ có dịp sử dụng. Thôi thì chí ít nếu có bị xếp xó, tôi cũng nên gặp gỡ vài người dân địa phương. Tôi quyết định đăng tin nhắn đầu tiên trên couchsurfing.
 
Last edited:
GRACE

Đối với tôi, Pakistan đặc biệt, không chỉ đơn giản vì đó là vùng đất mà bản thân nó đã đặc biệt, cũng không chỉ đơn giản vì những gì tôi đã trải qua, nó còn vì những con người đặc biệt mà tôi từng biết.

Ngòai trang facebook chính của AIESEC Lahore, dự án của tôi có một trang facebook nhóm ở chế độ riêng tư để mọi người giới thiệu, làm quen chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Tôi là thành viên tích cực hóng chuyện nhưng lại không phải là người họat ngôn nên tôi gần như chẳng nói chuyện với ai trước khi đến Pakistan, trừ Grace vì chị là một trong hai người duy nhất trong dự án đến sớm hơn tôi.

Grace lớn hơn tôi 5 tuổi là người Malaysia gốc Trung Quốc, nhưng phần lớn thời gian chị sống ở Singapore. Chị có nét xinh xắn đặc trưng của một người Hoa và đậm chất thư sinh với cặp kiếng cận và cách nói chuyện hài hước nhưng lại nhẹ nhàng và điềm đam. Ai ngờ rằng cô gái nhỏ nhắn ấy lại là người liều lĩnh nhất mà tôi từng biết.

Trong dự án của tôi, Grace là người của rất nhiều cái nhất.Chị là người đến Pakistan sớm nhất, có thời gian ở Pakistan lâu nhất, gặp nhiều người Pakistan nhất và hơn hết là đi được nhiều nơi ở Pakistan nhất. Thay vì bay thẳng tới sân bay Lahore như hầu hết tất cả chúng tôi, chị đến và ở hẳn 1 tuần ở Karachi- thành phố lớn nhất Pakistan và cũng nổi tiếng nhất với đủ lọai tai tiếng sau đó mới đi xe búyt 21 tiếng về Lahore. Từ Lahore, sau khi nhận ra ‘thực tế bị bỏ rơi’, xách ba lô, chị đi gần hết đất nước Pakistan. Điều đặc biệt là chị đi một mình và cũng như tôi, chị không hề quen ai trước khi tới Pakistan.

Dù chúng tôi trao đổi khá nhiều qua facebook và tin nhắn, nhưng Grace bận bịu với những cuộc phiêu lưu của chị, tôi cũng bận bịu với những chuyến đi của riêng mình nên chưa có cái hẹn nào của chúng tôi thành hiện thực. Nếu không nhờ một lần tình cờ gặp nhau trên đường, có lẽ đến giờ này tôi vẫn không biết người con gái mạo hiểm ấy ngoài đời cũng nhỏ nhắn như thế. Chỉ tiếc là lần gặp đó ngắn quá, chỉ đủ để chúng tôi chào nhau và có một cái bắt tay.

Ngay từ những cuộc nói chuyện đầu tiên, tôi đã có ấn tượng rất tốt với sự nhiệt tình của Grace. Tình cờ qua thông tin cá nhân của chị trên couchsurfing, tôi phát lại hiện chị đã từng đến Việt Nam. Khi tôi hỏi về Việt Nam, chị bảo chị yêu Việt Nam, chị đã đến Việt Nam hai lần, và lần nào chị cũng ở hết 29 ngày – tối đa số ngày chị có thể ở mà không phải xin visa. Từ trước đến giờ, những người nước ngòai mà tôi từng gặp, chị là một trong số những người hiếm hoi đã từng đến Việt Nam nên tôi không cần biết chị yêu Việt Nam thật không hay chỉ vì phép xã giao, tôi thật sự rất quý chị từ đó.

Tôi có vẻ không có duyên gặp Grace, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại rất có duyên gặp những người khá thân với Grace hoặc đã từng gặp Grace. Qua họ, tình cờ tôi biết rất nhiều ‘giai thọai’ về chị. Grace là người đam mê dịch chuyển, chị vừa học vừa làm thêm để dành dụm tiền cho những chuyến xê dịch khi chị có những kì nghỉ dài. Chị trông thế thôi nhưng đã từng làm qua khá nhiều việc kể cả việc làm thêm trong trại giam. Một người bạn Trung Quốc, khá thân với Grace kể rằng, trước khi biết đến trang web Couchsurfing, Grace cũng đã đi du lịch bụi rất nhiều. Điều đáng chú ý là đa số chị đi một mình và thay vì ở khách sạn hay nhà nghỉ, chị xin ở nhờ nhà những người lạ mà chị tình cờ gặp trên đường. Và không phải lúc nào chị cũng may mắn gặp được người tốt, ngay cả khi sử dụng trang web Couchsurfing. Một người bạn tôi quen qua chính trang web Couchsurfing kể rằng, Grace cũng từng gặp rất rất nhiều rắc rối với một số Couchsurfer ở Pakistan và có lúc thậm chí anh thấy chị đã khóc.Nhưng rồi chị lại tiếp tục đi, tiếp tục mạo hiểm và suốt gần 3 tháng, chị đã ở nhờ hơn 16 gia đình Pakistan khác nhau.

Tất cả các câu chuyện trên về Grace đều là ‘tam sao’, nên tôi không dám chắc chúng là dị bản thứ mấy.Nhưng tôi chắc chắn là đã từng nghe rất nhiều ý kiến trái chiều về việc Grace làm. Người bảo chị điên, người bảo chị dũng cảm. Nhưng tất cả họ đều nể phục chị.Cho dù cách chị sống có là điên thì chị cũng đã đủ can đảm làm điều mà tất cả chúng tôi không dám. Và hơn hết, chị đã chứng minh cho chúng tôi thấy, người tốt vẫn tồn tại ở khắp mọi nơi.

Sau khi rời khỏi Pakistan, chúng tôi thỉnh thỏang vẫn liên lạc qua Facebook. Grace bảo năm sau chị tốt nghiệp, chị cũng sẽ làm một chuyến đi tốt nghiệp dài qua Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal và quay lại Pakistan thăm vài người bạn và tới một số nơi chị vẫn còn sót; nếu được chúng tôi có thể cùng có một vài chuyến đi chung. Tôi vẫn còn phải học và vẫn còn một đoạn đường dài cho đến ngày có thể hòan toàn tự lực tài chính để tự mình quyết định một chuyến đi như thế; nên có lẽ kế họach gặp gỡ lần này của chúng tôi, lại một lần nữa bất khả thi. Thôi thì lại chúc chị có một chuyến đi đáng nhớ và lại đành hẹn chị vào một dịp khác. Hy vọng rằng khi dịp ấy đến, cả hai chúng tôi vẫn còn giữ được niềm tin và sự hoang dã để cùng ‘bụi’ với nhau một lần.
 
Last edited:
Vẫn hay thỉnh thoảng vào phuot.vn xem bài của các cô bác anh chị, nhất là khi search để đi du lịch mà lười chẳng bao giờ log in hay comment, gần cả năm rồi mới quay lại cái post này, xem nữa quên mất tiêu luôn. Hồi đó định viết mà phần vì bận, phần vì lười nên bỏ cuộc giữa chừng. Một năm qua em cũng đi được kha khá, nhưng vẫn không có chuyến đi nào so sánh được với chuyến đi này. Nhân tiện nghỉ hè rảnh, lại đang nhớ Pakistan, chắc chẳng bao giờ có dịp quay lại, em quyết định viết lại, không biết được đến đâu nhưng em sẽ cố gắng...Em viết lại từ đầu, tại tự dưng ngồi đọc lại bài cũ, chả biết bắt đầu từ đâu :D

‘Thật không thể hiểu nổi!’

Một ngày nào đó tôi sẽ giàu, nhất định sẽ giàu: ngồi máy bay hạng thương gia, ngủ khách sạn năm sao, du lịch không cần lỉnh kỉnh hành lý, mua sắm không thèm nhìn bảng giá. Những chuyến đi sẽ thật nhẹ nhàng với một vài chiếc thẻ ngân hàng, không, một thôi cũng được, một mà chất cũng được, thiếu gì quẹt đấy, cứ quẹt, quẹt và quẹt…
- Này cô bé, cái hành lý kí gửi này bị lố hai kí rồi đó! – Gáo nước lạnh miễn phí vào dòng ảo tưởng tuyệt đẹp của tôi được tạt bằng một anh tiếp viên hàng không đẹp trai cùng quà tặng kèm là cái nhìn ngao ngán.
- Anh cho em qua được không có hai kí thôi mà anh! – Tôi cố gắng giữ vẻ mặt ăn năn nhất có thể.
- Hừm…Sinh viên đúng không? Thôi lấy bớt gì ra bỏ vào hành lý xách tay đi…Ôi trời ơi cái hành lý xách tay!!!Bỏ lên cân xem nào – Lần này anh nhìn tôi bất lực. Thôi em ra ngoài bỏ lại bớt đồ đi rồi quay lại quầy check-in này anh xem thế nào. Anh có thương cho em qua đến Dubai họ cũng vứt vali em lại. Họ kiểm tra hành lý gắt lắm. Cái vali thế kia thì...hài…
Lặc lè đẩy đống hành lý nặng trịch, tôi tìm một góc vắng người để gỡ hành lý, thật ra sân bay 7 8 giờ tối kiếm đâu ra chỗ vắng người cơ chứ, nhiều đôi mắt tò mò nhìn tôi đánh vật với một cái vali tổ chảng, phù nề như chiếc bánh bóng bóng bị căng quá đà, lúc nào cũng chực nổ. Tôi cóc quan tâm, chỉ thấy giận bản thân ghê gớm, đã hạ quyết tâm sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng thế mà cái tật đùm đề mãi vẫn không bỏ được. Tôi hô hào sẽ chẳng mang gì theo rồi cũng lại cái miệng tham ăn hại cái thân thừa ký, cứ một ký măng khô đáng là bao, rồi tôm khô có nặng đâu mà, ôi rồi thì nào là nuôi rang bơ, khô mực, khô bò…cuối cùng tôi luôn có những cái kết không có hậu tẹo nào với cái vali của mình.
- 29.9 kí lô, chuẩn đó cô bé!-Anh tiếp viên gật gù trong khi tôi thở phào nhẹ nhõm. Thành quả của gần nửa giờ đồng hồ vã mồ hôi hột nhét vào lại bỏ ra, đắn đo và tiếc nuối.
- Anh ơi thế cho em nhét thêm hai hộp phồng tôm nhé!
- Hả?
- Có 400 gam à, chắc họ sẽ không vứt vali của em vì lố 300 gam đâu! – Thậm thụt hai hộp bánh phồng tôm Sa Giang, tôi cười cầu may.
- Thôi rồi nhét đi – Anh phì cười – Hành lí xách tay của em vẫn hơi bị dư kí đó nha!Đi qua kiểm tra ráng mà đi thẳng, đừng có kéo lặc lè họ bắt vứt bớt đồ đó!
- Dạ, dạ em biết rồi! Đa tạ anh lắm luôn!- Tôi thầm nhủ thôi thì xem ra khởi đầu cũng không đến nỗi tệ, tôi đã chuẩn bị tinh thần để vứt lại nhiều đồ hơn cơ. Anh nhân viên này đã đẹp trai lại còn dễ thương hết biết.
- Hả?Lahore? Pakistan hả?-Anh đưa hai tấm boarding pass cho tôi với cái nhìn thảng thốt.
- Dạ…Có chuyện gì vậy anh? – Tôi giật mình.
- Em làm gì ở đất nước đó? Có quen ai ở đó không?
- Dạ không. Em đi tình nguyện thôi.
- Đất nước đó không an toàn đâu…Em tình nguyện ở đó làm gì?!Thật không thể hiểu nổi... – Ánh mắt anh ái ngại.
Tôi chỉ cười trừ, cám ơn anh rồi chào tạm biệt. ‘Thật không thể hiểu nổi!’- vâng, đó là năm chữ được tua đi tua lại không biết bao nhiêu lần từ người thân đến những người xa lạ.
- Con điên! Mày biết Pakistan là đâu không hả? Mày chán sống rồi hả? Mày có biết Biladen mà còn chết ở Pakistan không hả?... – Một cơn mưa ‘hả, hả và hả’ từ thằng bạn thông thái cùng bàn những năm cấp hai đáp lại sự hí hửng của tôi qua skype.
- Hả? Thật hả mày?...hehe…Pakistan thì tao biết chứ... ừ…mà… giờ mày nói tao mới biết Biladen chết ở Pakistan đó mày – Cười - Mà ổng chết lâu rồi mày ơi! Với tao làm ở Lahore, người ta nói đó là thành phố an tòan nhất Pakistan đó.
- Mày vẫn mù kiến thức như xưa. Đến vụ đó còn không biết thế mà đòi đi Pakistan.Người ta nào nói với mày á?Ừ đúng rồi!’An tòan’ lắm!Mày mở google lên giùm tao, gõ hai chữ thôi ‘boom’ và ‘Lahore’ rồi ngồi đếm coi có bao nhiêu kết quả. Đếm đi! Đếm xem nào!
- Tao mới thử rồi. Ừ thì…ừ mà vụ đánh bom gần nhất cách đây vài năm rồi. Mày yên tâm đi!- Lại cười trừ.
- Lâu rồi cũng là cái đáng lo đó…Thôi tùy mày! Sao mày lại đi đâm đầu vào cái chốn đó…Thật không thể hiểu nổi! – Bạn tôi tặc lưỡi.
Mẹ tôi thì than ngắn thở dài:
- Con ơi con dại lắm, đi đâu không đi lại chui đầu vào cái nơi nguy hiểm đó! Cái chỗ người ta tránh thì mình lại chui vào.
- Mẹ đừng lo mà, thì phải an tòan người ta mới đưa con tới để viết tốt về họ chứ!
- Thật không thể hiểu nổi tại sao lại cứ phải đâm đầu vào cái chốn đó!-Mẹ nhìn tôi bất lực.
Vâng, chẳng có gì phải bàn cãi, Pakistan là vùng đất ‘thừa nổi tiếng’ để tôi tự dung trở thành một con bé ‘thật không thể hiểu nổi’.
----
- Ba ơi con đang ngồi trên máy bay rồi!
- Ừ, vậy ba yên tâm rồi, ba về đây.
- Con…cám ơn ba. – Thật nực cười, tôi có thể cám ơn một cách phản xạ với những người dung trên đường vì những việc hết sức nhỏ nhặt, nhưng lúc nào cũng mất khá nhiều thời gian để cám ơn chính ba mẹ của mình – những người mà cả đời tôi cũng không thể trả hết ơn. Tôi thây mắt mình cay cay.
- Cha mày! Bữa nay biết cám ơn cơ đấy!Bảo trọng nha con gái! –Dẫu là người đứng mũi chịu sào cơn bão phản đối của cả đại gia đình cho cô con gái ‘thật không thể hiểu nổi’của mình, tôi chắc chắn rằng bên đầu dây điện thoại bên kia mắt ba cũng đang đỏ…
 
Quá cảnh ở Dubai
Bị đánh thức bởi một cơn ù tai, tôi thật sự choáng ngợp bởi những gì đang dần rõ nét hơn bên kia khung cửa sổ. Những con đường cao tốc đan xen nhau. Những toà nhà đồ sộ, ngất ngưởng và kiêu hãnh với đủ mọi hình thù. Những ánh đèn đủ màu lấp lánh. Tất cả làm nên một Dubai lộng lẫy xa hoa.
---
Thở phào nhẹ nhõm sau khi đống hành lý bé bự qua hải quan trót lọt, đứng giữa sân bay Dubai, tôi ngơ ngác đúng kiểu ‘nhà quê lên tỉnh’. Những người đàn ông Trung Đông trong trang phục thawb (thobe) trắng sáng, khăn đội đầu caro, sandal và cặp táp đen. Những người phụ nữ với abaya và burqa đen huyền bí, những gương mặt xinh đẹp bị che kín bởi lớp mạng che mặt càng làm những đôi mắt sắc trở nên quyến rũ và khiêu khích. Những cô tiếp viên của Emirates kiều diễm với đồng phục màu kaki tông xuyệt tông nón đỏ, cao gót đỏ, cặp xách đỏ. Cái thế giới Trung Đông mà trước đây thi thoảng tôi nhìn thấy trên ti vi hay qua các báo đài, nay mồn một rõ nét trước mắt như một giấc mơ. Tôi không có ý định này từ trước nhưng lòng tham được nhìn một Dubai tận mắt trỗi dậy.
- Anh ơi cho em hỏi, chỗ làm visa quá cảnh ở đâu ạ? – Tôi lân la hỏi một anh nhân viên ở gần đấy.
- À em lên lầu hỏi đi, nó nằm đâu đó ở tầng trên đó.
- Anh biết thủ tục làm khoảng bao lâu không ạ? À khoảng bao nhiêu tiền nữa? Hihi.
- Em quá cảnh bao lâu?
- Dạ 20 tiếng.
- Thôi thế thì anh khuyên em đừng làm, nghe đâu gần 200$ đó.
- Hả!!!??? Sao mắc vậy anh?
- À tại hình như em phải thuê khách sạn ở sân bay họ mới cho em làm visa. Anh không chắc, em cứ lên tầng trên hỏi thử đi. Nhưng mà chắc chắn không miễn phí rồi! Đây là Dubai mà hahaha.- Anh cười giòn tan.
- Dạ!Em cám ơn anh! – Nghe tiền là nhụt chí anh hùng. Tôi tiu nghỉu.
- Ê này cô bé, lên lầu đi lối này cơ mà? Em đi ngược hướng rồi?
- Dạ em có lên lầu đâu ạ?
- Thế em không xin visa quá cảnh à?
- Dạ em không xin nữa, em tiếc tiền lắm. Có 20 tiếng à, thôi em ở trong sân bay cho khỏe.- Nhìn lại đống hành lý của mình.-Đi ra được rồi liệu có chui vào êm xuôi với cục nợ này không?Tinh thần đâu mà đi hỏi nữa.Thôi ở lại đây cho lành. – Tôi thầm nghĩ.
- Hahaha. Cô bé đến từ đâu đấy? Nãy giờ anh nghĩ hoài không ra.
- Haha Việt Nam ạ. Anh chắc đến từ Ấn Độ nhỉ? – ‘Tiếng Anh của Anh đậm chất Ấn Độ, làm sao mà lẫn được vào nước nào khác cơ chứ’, tôi thầm đắc chí, ‘Mình cũng đâu đến nỗi mù kiến thức lắm đâu’.
- Đoán hay thế. Ừ anh là người Ấn nhưng làm việc ở Dubai. Em quá cảnh để đi đâu thế?
- Dạ, Pakistan.
- Hả? – Không chỉ anh mà anh bạn đồng nghiệp đứng cạnh nãy giờ chỉ lặng lắng nghe cũng giật mình quay ra trân trân nhìn tôi, tiếp sau đó là một loạt những câu hỏi quen thuộc: làm gì ở đó, quen ai ở đó, tại sao lại đến đó… blah blah. Rồi cũng như những người khác anh kết thúc cuộc tra hỏi của mình: ‘Thật không thể hiểu nổi’
Tôi chỉ cười rồi chào tạm biệt anh. Tôi thật sự không mong đợi đến tận Dubai vẫn có người nhìn tôi ngao ngán như vậy. Có chút gì đó nhụt lòng, tôi tự trấn án ‘Thôi thì có lẽ vì anh là người Ấn Độ, đất nước của anh và Pakistan không có mối quan hệ hòa hảo cho lắm!’.
Không ra ngoài được, tôi đành đi dạo vòng quanh khu vực quá cảnh. Sân bay Dubai đẹp lắm. Đẹp nhất, bự nhất, đông nhất và nhộn nhịp nhất trong những sân bay mà tôi từng đi qua. Hai giờ sáng, khu mua sắm vẫn tấp nập như trẩy hội. Ai ai cũng xách vài túi shopping to tướng với dòng chữ ‘duty free’. ‘Duty free’ thật đấy nhưng toàn những thương hiệu thượng đẳng, tôi ước mình cũng có tiền để làm một túi, một túi giống thế thôi tôi cũng thấy mãn nguyện rồi. Vì nằm trong một đất nước mà đại đa số người dân theo đạo Hồi, sân bay Dubai không những có phòng cầu nguyện mà còn có cả phòng tắm nữa. Tôi thật sự muốn chui vào phòng cầu nguyện ngó cái cho biết, chẳng biết họ làm cầu nguyện như thế nào nhưng tự thấy mình ngơ ngác qua, sợ ảnh hưởng tới mọi người, tôi chỉ dám đứng ngoài ngó nghiêng.
---
Đi mãi cũng mệt, tôi quyết định tìm nơi nào đó đánh một giấc, còn hơn cả một ngày trời đằng đẵng phía trước đang chờ. Không tìm ra được cái ghế nằm nào trống, tôi đành ngậm ngùi chọn cho mình chiếc ghế ngồi ở một góc vắng người. Gục đầu vào đống hành lý bé bự, tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Nói ngủ thì ngủ vậy, nhưng phần vì tư thế chẳng thoải mái tẹo nào, phần vì phải trông chừng đống hành lý xách tay, tôi cứ chập chờn, thỉnh thoảng lại ngước đầu lên nhìn xung quanh và kiểm tra đống hành lý của mình. Trong cơn mơ màng gục lên gục xuống, tôi thấy hình như ai đó ngồi cùng hàng ghế ngúc đầu chào tôi. Tôi cũng đáp lễ bằng một cái cúi chào rồi gục đầu ngủ tiếp.

(Còn tiếp)
 
Viết không quen, ngồi gõ đau cả mắt mà được có xí hà :( Buồn ghê! Không biết chừng nào có động lực ngồi viết tiếp, thôi có cái clip, hồi đó em bị bắt làm, ai quan tâm xem tạm, khi nào em lại gõ tiếp.

P/s: Trừ những hình nào có em trong đó, còn lại hình với clip do em tự quay tự chụp..hơi buồn là sự thật là thực tế nó đẹp hơn tí :(.Với hơi dị tí, cái clip có 1 lỗi ở cuối đáng lẽ là 'let 's be' mà ghi 'let be'...mà máy tính hư, mất mất cái bản gốc để chỉnh lại bị dị, không dám khoe =))...mà tự dưng hôm nay tự dưng bị tự kỷ, tự dưng nhớ Pakistan quá,....khoe luôn :D :D :D =))

https://www.youtube.com/watch?v=8naKamzWMdk
 
Thật không ngờ cũng có bài viết về Pakistan!

Câu chuyện em kể làm anh nhớ về quãng thời gian vạ vật hai tháng rưỡi ở Pakistan hồi năm 2003.

Và thật tình cờ, anh cũng lang thang ở Lahore cả tháng trời, đêm đêm tụ bạ hút sách với hội bacpackers rách việc đến từ khắp nơi trên thế giới.

Mấy tháng ở đó là quãng thời gian đầy ắp kỷ niệm buồn vui không thể nào quên!

E viết tiếp đi nhé; ítnhất em cũng siêng năng hơn một người chưa từng có một bài viết nào về đất nước kỳ lạ này:T. Nếu được, anh sẽ đồng hành cùng em qua vùng đất này cho đỡ "cô đơn"...

Thân,
 
Thật không ngờ cũng có bài viết về Pakistan!

Câu chuyện em kể làm anh nhớ về quãng thời gian vạ vật hai tháng rưỡi ở Pakistan hồi năm 2003.

Và thật tình cờ, anh cũng lang thang ở Lahore cả tháng trời, đêm đêm tụ bạ hút sách với hội bacpackers rách việc đến từ khắp nơi trên thế giới.

Mấy tháng ở đó là quãng thời gian đầy ắp kỷ niệm buồn vui không thể nào quên!

E viết tiếp đi nhé; ítnhất em cũng siêng năng hơn một người chưa từng có một bài viết nào về đất nước kỳ lạ này:T. Nếu được, anh sẽ đồng hành cùng em qua vùng đất này cho đỡ "cô đơn"...

Thân,

Ôi cám ơn anh nhiều nha! Thật không ngờ lại tìm được người cũng đến Pakistan. :D :D Cám ơn anh đã động viên. Em sẽ cố gắng viết :) Còn được đến đâu thì em ko chắc :D :D
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,124
Members
192,341
Latest member
Hb88compro
Back
Top