What's new

Pakistan, vì tôi trẻ!!!

Đây như là hồi ký của em về 6 tuần em ở Pakistan. Em qua Pakistan đúng ra mà gọi là ' thực tập' nhưng vì sự quái gở của dự án nên cuối cùng em không biết gọi chuyến đi này là gì nữa: thực tập cũng không đúng, du lịch cũng không đúng mà phượt cũng không phải. Em tìm trên mạng chẳng thấy bài tiếng Việt nào về Pakistan cả, thậm chí tiếng Anh cũng ít luôn, toàn là tin tức bom đạn gì đó, không thì đa phần được viết từ người Pakistan. Em muốn chia sẻ những gì mình đã trải qua để mọi người có 1 cái nhìn đa dạng hơn về đất nước này.

P/s: Em không giỏi viết và đang trong kỳ học nữa nên sẽ viết rất chậm.
Đây là lần đầu tiên em viết và em chỉ muốn chia sẻ, tất cả đều là kinh nghiệm, quan niệm và hiểu biết của bản thân, sẽ có rất nhiều hạn chế xin mọi người đừng ném đá :wheelchair:
Và để đảm bảo sẽ không ảnh hưởng đến người khác, em sẽ thay đổi tên một số người có liên quan.


CÁI DUYÊN

Càng lớn, đi càng nhiều, trải càng nghiệm nhiều, gặp càng nhiều người; tôi càng tin vào cái mà người ta vẫn gọi là ‘cái duyên’: duyên để gặp nhau trong đời, duyên để những con người xa lạ trở thành bạn và duyên để đặt chân lên những vùng đất mà thậm chí đến tên thôi cũng chưa bao giờ nghe tới .Và Pakistan với tôi, đến hôm nay cũng chỉ một từ để lý giải ‘Duyên’.

Không bao giờ viết ra giấy, nhưng trong đầu tôi luôn có một danh sách những điều tôi muốn làm, những nơi tôi muốn đặt chân đến và tôi nỗ lực để thêm vào và gạch bớt những tiêu mục trong danh sách đấy hằng ngày. Và danh mục mang tôi đến với Pakistan, rất trớ trêu lại mang tên một đất nước mà rất nhiều người Pakistan ghét : nước Mỹ.

Được đặt chân đến Mỹ là một trong những giấc mơ lớn nhất cụôc đời tôi, tôi muốn nhìn thấy cái đất nước mà người ta vẫn gọi với cụm từ ‘giấc mơ Mỹ’. Tôi đã lên hẳn một kế họach để biến nó thành hiện thực, và kế họach đó là chương trình ‘Work and Travel’- một chương trình trao đổi mùa hè dành cho sinh viên. Ngay từ những ngày đầu đặt chân tới Phần Lan, tôi đã ra sức thực hiện kế họach của mình. Một trong những điều kiện để tham gia chương trình là người tham gia cần phải có một công ty đại diện đê giúp đỡ việc làm hồ sơ, thủ tục và thu phí chương trình. Tôi đã bỏ rất nhiều thời gian và tâm huyết, ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính, tìm kiếm và gửi mail cho các công ty tư vấn ở khắp nơi. Nhưng tôi bị từ chối. Lý do cũng dễ hiểu thôi, hồ sơ đi Mỹ chưa bao giờ đơn giản cả, tôi đã đến từ Việt Nam, lại xin đi Mỹ từ Phần Lan, chẳng trung tâm nào muốn nhận một cục rắc rối cả. Thất vọng!

Trên con đường theo đuổi một giấc mơ, đôi khi người ta không đạt được nó, nhưng một cơ hội khác lại đến rất tình cờ. Trong những tháng ngày miệt mài tìm cơ hội đi Mỹ, tôi đã điền đơn và gửi hồ sơ tham gia khá nhiều tổ chức để thử vận may; một trong số đó có AIESEC Phần Lan. Một tuần sau khi hòan tòan hết hy vọng vào việc đi Mỹ, tôi nhận được thư mời phỏng vấn của AIESEC cho chương trình trao đổi mùa hè. Tìm hiểu trên trang web, đối tác chính của AIESEC Phần Lan là Trung Quốc và một số nước châu Phi. Sơ luợc một chút, AIESEC là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận và do học sinh điều hành, nên hầu hết chương trình trao đổi, người tham gia phải tự chi trả mọi chi phí.Thôi thì đã không đi được Mỹ, đã phải tốn tiền, đã đi để trải nghiệm, tôi muốn một sự khác biệt. Tôi muốn đi châu Phi và đó là lý do tôi tham gia phỏng vấn.

Sau khi vượt qua phỏng vấn, hòan tất mọi thủ tục với AIESEC ở Phần Lan, tôi được nhận một tài khỏan trên trang web tổng của AIESEC và một email riêng để liên lạc. Với tài khỏan này, tôi có thể nhìn thấy tất cả các dự án do AIESEC trên tòan thế giới vận hành. Tôi thích châu Phi, nhưng những dự án chưa thật sự làm tôi thích thú. Hơn nữa, hầu hết các dự án ở châu Phi đều đến những vùng đất nghèo khó làm những công việc tình nguyện nhưng không hiểu sao chi phí khá cao. Có lẽ họ thu phí không phải chỉ cho việc ăn ở của những tình nguyện viên mà còn để phụ giúp vào việc chạy chương trình . Tài chính của tôi lại hạn hẹp, với tôi tìên vé máy bay đã quá mắc rồi. Tôi quyết định không chọn một trong những đối tác chính của AIESEC Phần Lan, tôi muốn tìm ra một dự án mà cả dự án lẫn đất nước đều đem lại cho tôi sự mới lạ và trên hết là…càng rẻ càng tốt. AIESEC có ở trên hơn 100 quốc gia khác nhau, mỗi quốc gia lại có trụ sở ở nhiều hơn 1 thành phố, và mỗi trụ sở lại có vài ba cái dự án, thành ra con số dự án trên toàn thế giới nhảy lên tới vài ngàn. Tìm ra cái dự án mà tôi mong muốn, thực sự như đãi cát tìm vàng. Hàng ngày tôi đã dành tòan bộ thời gian rảnh để đọc, tìm và lục lọi vô phương hướng trong cả rừng dự án đó.

Tôi đã không tìm ra Pakistan, mà chính Pakistan tìm thấy tôi. Khi ngán ngẩm đạt gần điểm cực đại, trong vài chục cái email giới thiệu về nhiều dự án khác nhau mà tôi đã quá chán không còn đủ kiên nhẫn để đọc hết, tôi chọn đại một email để mở và dự án mà email đó giới thiệu là ‘Pakistan, Tum He To Ho’ hay tên tiếng Anh là ‘Pakistan, you are the one’ của AIESEC Lahore. Theo mô tả, đó là một dự án du lịch, nhiệm vụ của tình nguyện viên là đi du lịch và víêt báo về những trải nghiệm ‘tuyệt vời’ của mình. Những bài cảm nhận ấy sẽ được đăng tải trên báo chí, trang web và blog để giúp mọi người trên thế giới có một cái nhìn khác đi về Pakistan…Và cuối cùng, nhưng quan trọng nhất là nhà ở, ăn uống và chi phí đi lại trong quá trình làm dự án sẽ được hỗ trợ hòan tòan.

Khỏi phải nói, tôi đã vui như thế nào khi đọc được email đó. Tôi còn chờ gì hơn một dự án như vậy : đúng nhu cầu, phù hợp sở thích, lại kinh tế. Nam Á, tại sao không? Thú thật lúc đấy thậm chí tôi chẳng cần biết Lahore nằm ở đâu trên bản đồ Pakistan, tôi gửi ngay email xin được phỏng vấn; phỏng vấn và ký tất cả các hợp đồng cơ bản chỉ trong 5 ngày sau đó. Trong điều kiện xin visa, ngoài hợp đồng, tôi phải có thư mời của nơi làm việc. Và đó là trở ngại nhỏ duy nhất mà tôi gặp phải, tôi phải đợi gần 1 tháng để nhận được tờ giấy đó. Mọi thứ còn lại trơn tru một cách kỳ lạ.Tôi nhận được visa đúng một tuần sau ngày gửi hồ sơ, mặc dù Phần Lan không có đại sứ quán của Pakistan, tôi phải gửi passport qua Stockholm, Thụy Điển.Thậm chí lúc đó, mọi thứ khiến tôi còn ngây ngô nghĩ rằng Pakistan là một trong những nước xin visa đơn giản nhất vì chẳng mấy ai đến đó bao giờ. Sau này tôi mới biết, một vài người bạn làm chung dự án với tôi đã khá vất vả để xin được nó dù họ cũng cùng xin từ châu Âu và hơn tôi, họ có quốc tịch châu Âu.

Và như thế, không phải Mỹ, cũng chẳng phải châu Phi, tôi đã đến Pakistan.
 
Last edited:
Ngày đầu tiên ( tiếp theo)

Cảm xúc chưa kịp thăng hoa, Pakistan đã cho tôi một quả đấm.
- Cái gì? 7$ ???? 7$ cho cái gì???– Tôi hét toáng lên
- Tôi giúp cô lấy hành lý và xe đẩy.- Đẩy xe được vài bước ra khỏi khu vực băng chuyền, anh chàng chặn tôi lại…đòi tiền.
- Xin lỗi, những gì anh làm tôi có thể tự làm được. Tôi không hề nhờ anh giúp đỡ.
- Nhưng cô nhận giúp đỡ của tôi, khi cô nhận giúp đỡ của nhân viên sân bay cô phải trả tiền. Đó là luật.
- Cái gì??? Ở đâu ra cái luật đó? - Tôi thật sự nổi khùng.
- Nhìn đi! Chúng tôi có giá cả đàng hoàng. - Một anh chàng khác cũng mặc đồng phục đen bước tới. Cả hai giật xe đẩy của tôi, đẩy về phía một cái banner. Trên banner là những anh chàng đồng phục đen cười thật tươi cùng toàn chữ Ả Rập loằng ngoằng, thứ duy nhất tôi có thể hiểu là ‘500 PKR’.
- 500 Pakistan Rupee là gì? – Tôi chợt nhận ra mình thật ngu ngơ, đến giờ này vẫn chưa kiểm tra tỉ giá trao đổi ngoại tệ của Pakistan.
- Nó tương đương với 7$ cô cần phải trả. – Trái ngược với sự niềm nở ban đầu, mặt hai anh lạnh tanh.
- Tôi chẳng hiểu gì hết, toàn tiếng Pakistan, sao tôi biết các anh nói thật? Nếu các anh làm việc cho sân bay thật, ít nhất tôi cũng phải có một cái hóa đơn.
- Hóa đơn của cô đây!- Một anh thanh niên khác đứng gần đó tiến lại sau một cái ngúc đầu của anh chàng đang ghì chặt cái xe đẩy của tôi. Anh móc ra một cọc hóa đơn trắng từ túi, ghi nguệch ngoạc ‘500 PKR’ rồi xé toạt ném về phía tôi.
- Thật là vô lý, các anh chỉ đỡ giúp tôi cái vali, lấy giúp tôi có cái xe đẩy và tôi phải trả 7$. Tôi không có tiền, tôi chỉ là học sinh đến đây tình nguyện. - Tôi cố gắng hét to nhất có thể, mong có ai đó đến giúp đỡ. Sân bay lúc đó khá đông người, bình thường họ nhìn tôi chằm chặp như sinh vật lạ, giờ thì dẫu chúng tôi đứng ngay giữa sảnh, chẳng ai thèm đoái hoài mảy may.
- Cô thật sự không có tiền?- Lại thêm hai anh chàng nữa bước tới.
- Không! - Tôi hét lên, cố gắng giữ vẻ mắt bình tĩnh nhất có thể.
Năm phút trôi qua, 1 anh chàng nữa lại tiến tới. 10 phút trôi qua, lại thêm một anh chàng nữa. Anh nào cũng đồng phục đen, giang chân, khoác tay đứng bệ vệ, ánh mắt nhìn tôi với ánh mắt bặm trợn. Bảy chàng trai ngày càng nhích lại gần, vì chỗ chúng tôi đứng đã bắt đầu ra khỏi khoảng có máy lạnh, tôi thậm chí có thể ngửi thấy mùi mồ hôi phát ra từ họ. Đến lúc này thì tôi cũng đổ mồ hôi hột, tôi biết mình không thể ra khỏi đây nếu không trả tiền.
- Tránh xa tôi ra! Được rồi tôi sẽ trả, nhưng tôi chỉ có 6$ thôi! – Chút nỗ lực mặc cả yếu ớt cuối cùng. Đến giờ nghĩ lại thấy tôi dại thật, đã trả giá thì phải trả cho đáng, hạ xuống có 1$ làm gì không biết! Mà lúc đó cuống quá, với bản thân ở Việt Nam tôi cũng ít trả giá gì lắm, tôi hay sợ nếu mình nói giá thấp quá bị chửi. Tôi toàn đi chung với người biết trả giá xong rồi phó mặc cho người đó trả giá sao thì trả giá, tôi chỉ trả tiền thôi. Đến lúc đó mới thấy trả giá cũng là cả một kỹ năng.
- Thôi 6$ cũng được. – Câu trả lời được đáp lại ngay lập tức không chút đắn đo. Tôi biết là mình bị hớ rồi.Trong khi tôi cố gắng ghì chặt chiếc bóp, cầm ở tư thế khó giật, khó ngó nhất, họ không thèm giấu giếm, tất cả gắng liếc nhìn số tiền trong bóp tôi.
Vẻ mặt mãn nguyện, cuối cùng các anh chàng cũng tản đi, bỏ lại tôi run như cầy sấy với chiếc xe đẩy của mình. Sau này tôi mới biết, họ chẳng phải là nhân viên gì cả, chỉ là một nhóm tự lập, chuyên kiếm tiền ở sân bay. Tôi đã nhỏ con, con gái, người nước ngoài, lại đi một mình, nên bị ‘chặt’ mạnh tay hơn. Ấy là tôi tự an ủi mình thế, chứ tôi biết đơn giản tại tôi bờm, người bình thường chỉ mất có 1 – 2 $, tôi đã trả giá mà vẫn mất 6$ . Dù sao tôi cũng may, họ toàn thanh niên trai tráng, họ có trấn hết tiền của tôi hoặc giật luôn nguyên chiếc ví, tôi cũng phải chịu thôi Thôi xem như họ cũng còn quá nhân đạo với tôi rồi .Vừa sợ, vừa ức nhưng tôi biết bây giờ không phải lúc khóc. Tôi cần ra khỏi đây càng sớm càng tốt. Máy bay đã không trễ, nhưng những sự cố làm tôi bị kẹt trong này quá lâu rồi.Sợ hãi cũ chưa qua, lo lắng mới lại tới: Liệu có ai ra đón tôi? Liệu người ra đón vẫn đợi tôi ngoài kia? Dự định là phải đổi chút tiền, nhưng giờ chắc không kịp rồi, thôi tôi cứ chạy ra xem có ai ở ngoài kia không đã…

(còn tiếp)
 
Last edited:
Em tới Lahore rồi anh nhé, anh bắt đầu kể đi, em xách dép ngồi hóng :D dạo này em bận quá nên viết chậm lắm. Ông anh viết đi lấy sức cho em út viết tiếp :D :D
Trái ngược với Thanh Thanh, bọn anh rất là hào hứng trước khi qua Pakistan, cho dù cuối cùng đó là chuyến đi "thảm họa" theo đúng nghĩa đen của từ này!

Khi nào em thực sự "đến" Lahore anh sẽ góp dzui LOL...
 
Ngày đầu tiên ( tiếp theo)

Tim tôi như thắt lại…không có tấm poster nào như Wasma cho tôi xem cả. Tôi cố gắng đảo mắt cặn kẽ từng ngóc ngách một. Cũng như tất cả các sân bay, người người đứng chen chúc cầm biển cầm hoa, gương mặt háo hức chờ đợi chờ người thân. Poster đã không có, cũng chẳng có tấm biển nào có tên tôi cả. Rất nhiều tài xế tiến lại hỏi tôi có cần taxi. Tôi không còn đủ sức để trả lời, chỉ lắc đầu từ chối, đứng chết lặng, mắt hoa, tai ù…
Đứng mãi, tìm mãi chẳng thấy ai, mà ai nấy cũng nhìn tôi với anh mắt lạc loài. Phần lớn mọi người ở đấy lại là nam giới, phải 10 người nam giới họa hoằn lắm mới thấy một nữa giới. Nữ đã hiếm, tôi lại còn lạ, tôi khốn khổ với đủ kiểu ánh nhìn, chẳng biết diễn tả làm sao. Nghĩ bụng, thôi thì tôi đẩy xe vào trong nghỉ một tí vậy, tôi thật sự rất mệt không đứng nổi nữa rồi, đứng đây hoài thế này cũng cứ rợn rợn thế nào…
Nào có yên thân, vừa quay xe bước được dăm bước, tôi thấy mình bắt đầu trở thành tầm ngắm’ của các anh áo đen điển trai một lần nữa. Từ nhiều phía, ba bốn anh nhìn tôi và đang có ý định tiến lại gần. Quá sợ, không đợi các anh tới gần ngỏ lời ‘giúp đỡ’, tôi vội vàng quay đầu xe…Bên ngoài người vẫn chẳng ngớt đông, giữa gần cả trăm tấm biển, tuyệt nhiên vẫn chẳng có tên tôi, tôi lại tiếp tục đợi, tôi cũng chẳng biết tôi đã đợi bao lâu, chỉ biết đợi mãi vẫn chẳng thấy ai tiến lại gần tôi ngoại trừ những bác tài taxi ra sức giành giựt nhau chèo kéo tôi mặc cho tôi bảo tôi có người đến đón. Thời gian như đứng lại. Trước mặc là hàng trăm người xa lạ chẳng có một tí mối liên hệ nào, sau lưng thì bốn anh áo đen vẫn đang lảng vảng chỉ chực để ‘giúp đỡ’ tôi. Tôi cũng yếu bóng vía, nào có phải đứa gan lì gì đâu, lần đầu tiên trong đời tôi ở trong một hoàn cảnh hoàn toàn tiến thoái lưỡng nan theo đúng nghĩa đen như thế. Tay chân bủn rủn, phần vì quá mệt, phần vì quá sợ…
‘Rồi sẽ ổn! Rồi sẽ ổn!’ Tôi cố gắng lấy hết sức lực còn lạ tự trấn an và cố gắng kéo hồn mình trở về phách. Mới 3 4 giờ sáng, trời tối như mực. Làm gì thì cũng phải đợi trời sáng, dù gì tôi cũng cần đổi một ít Rupee, thôi thì đành quay ngược vào trong vậy. Dẫu sao bên trong hiện giờ cũng chỉ có 4 anh áo đen thôi, còn hơn bên ngoài cả trăm anh áo đen, áo trắng, áo kem, áo xanh lá sẫm, áo xanh dương đen…đủ cả. Tài xế taxi kéo chèo kéo ngày một đông. Dẫu sao ở sân bay cũng phải có nhân viên an ninh, các anh áo đen kia chắc cũng chỉ dám bắt nạt, làm tiền tôi thôi chứ chắc cũng chẳng dám làm gì hơn. ‘Thôi đi vào!’- tôi hạ quyết tâm.

(còn tiếp)

P/s: mấy bữa em bận quá không lên phuot.vn. Mở lên bất ngờ quá, nhiều người đọc hơn em mong đợi hihi thích tóa. Cám ơn mọi người nhiều. Dạo này em mới ổn định lại, để em sẽ tiếp tục tập gõ :D
 
Green ơi, ấy viết hay quá, cố gắng viết tiếp nhé, tớ cũng đang có bạn rủ qua Pakistan mà có ít thông tin quá chưa quyết định được có đi hay không, đọc bài của ấy xong thấy đúng là lành ít dữ nhiều :)
 
Ngày Đầu Tiên
‘Kịch!’ 2 giờ sáng, máy bay hạ cánh an toàn. Tiếng vỗ tay râm ran làm tôi tỉnh giấc. Dường như quên mất nỗi lo mất máy ảnh, nỗi sợ bị bỏ rơi, nhìn cánh cửa máy bay từ từ mở ra, lòng tôi nao nao lạ. T....

Mình cũng k hiểu là vì sao khi máy bay hạ cánh, rất nh ng nước ngoài lại vỗ tay (mình đã chứng kiến khi có trên chuyến bay đến NZ), lúc ấy mình cũng k hiểu hết đc ý nghĩa hay là phong tục thói quen của dân phương Tây. Giờ đọc thấy đoạn này mới rõ hơn - đúng là văn minh thật! :)):))
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,151
Members
192,343
Latest member
77winfun
Back
Top