What's new

Pakistan, vì tôi trẻ!!!

Đây như là hồi ký của em về 6 tuần em ở Pakistan. Em qua Pakistan đúng ra mà gọi là ' thực tập' nhưng vì sự quái gở của dự án nên cuối cùng em không biết gọi chuyến đi này là gì nữa: thực tập cũng không đúng, du lịch cũng không đúng mà phượt cũng không phải. Em tìm trên mạng chẳng thấy bài tiếng Việt nào về Pakistan cả, thậm chí tiếng Anh cũng ít luôn, toàn là tin tức bom đạn gì đó, không thì đa phần được viết từ người Pakistan. Em muốn chia sẻ những gì mình đã trải qua để mọi người có 1 cái nhìn đa dạng hơn về đất nước này.

P/s: Em không giỏi viết và đang trong kỳ học nữa nên sẽ viết rất chậm.
Đây là lần đầu tiên em viết và em chỉ muốn chia sẻ, tất cả đều là kinh nghiệm, quan niệm và hiểu biết của bản thân, sẽ có rất nhiều hạn chế xin mọi người đừng ném đá :wheelchair:
Và để đảm bảo sẽ không ảnh hưởng đến người khác, em sẽ thay đổi tên một số người có liên quan.


CÁI DUYÊN

Càng lớn, đi càng nhiều, trải càng nghiệm nhiều, gặp càng nhiều người; tôi càng tin vào cái mà người ta vẫn gọi là ‘cái duyên’: duyên để gặp nhau trong đời, duyên để những con người xa lạ trở thành bạn và duyên để đặt chân lên những vùng đất mà thậm chí đến tên thôi cũng chưa bao giờ nghe tới .Và Pakistan với tôi, đến hôm nay cũng chỉ một từ để lý giải ‘Duyên’.

Không bao giờ viết ra giấy, nhưng trong đầu tôi luôn có một danh sách những điều tôi muốn làm, những nơi tôi muốn đặt chân đến và tôi nỗ lực để thêm vào và gạch bớt những tiêu mục trong danh sách đấy hằng ngày. Và danh mục mang tôi đến với Pakistan, rất trớ trêu lại mang tên một đất nước mà rất nhiều người Pakistan ghét : nước Mỹ.

Được đặt chân đến Mỹ là một trong những giấc mơ lớn nhất cụôc đời tôi, tôi muốn nhìn thấy cái đất nước mà người ta vẫn gọi với cụm từ ‘giấc mơ Mỹ’. Tôi đã lên hẳn một kế họach để biến nó thành hiện thực, và kế họach đó là chương trình ‘Work and Travel’- một chương trình trao đổi mùa hè dành cho sinh viên. Ngay từ những ngày đầu đặt chân tới Phần Lan, tôi đã ra sức thực hiện kế họach của mình. Một trong những điều kiện để tham gia chương trình là người tham gia cần phải có một công ty đại diện đê giúp đỡ việc làm hồ sơ, thủ tục và thu phí chương trình. Tôi đã bỏ rất nhiều thời gian và tâm huyết, ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính, tìm kiếm và gửi mail cho các công ty tư vấn ở khắp nơi. Nhưng tôi bị từ chối. Lý do cũng dễ hiểu thôi, hồ sơ đi Mỹ chưa bao giờ đơn giản cả, tôi đã đến từ Việt Nam, lại xin đi Mỹ từ Phần Lan, chẳng trung tâm nào muốn nhận một cục rắc rối cả. Thất vọng!

Trên con đường theo đuổi một giấc mơ, đôi khi người ta không đạt được nó, nhưng một cơ hội khác lại đến rất tình cờ. Trong những tháng ngày miệt mài tìm cơ hội đi Mỹ, tôi đã điền đơn và gửi hồ sơ tham gia khá nhiều tổ chức để thử vận may; một trong số đó có AIESEC Phần Lan. Một tuần sau khi hòan tòan hết hy vọng vào việc đi Mỹ, tôi nhận được thư mời phỏng vấn của AIESEC cho chương trình trao đổi mùa hè. Tìm hiểu trên trang web, đối tác chính của AIESEC Phần Lan là Trung Quốc và một số nước châu Phi. Sơ luợc một chút, AIESEC là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận và do học sinh điều hành, nên hầu hết chương trình trao đổi, người tham gia phải tự chi trả mọi chi phí.Thôi thì đã không đi được Mỹ, đã phải tốn tiền, đã đi để trải nghiệm, tôi muốn một sự khác biệt. Tôi muốn đi châu Phi và đó là lý do tôi tham gia phỏng vấn.

Sau khi vượt qua phỏng vấn, hòan tất mọi thủ tục với AIESEC ở Phần Lan, tôi được nhận một tài khỏan trên trang web tổng của AIESEC và một email riêng để liên lạc. Với tài khỏan này, tôi có thể nhìn thấy tất cả các dự án do AIESEC trên tòan thế giới vận hành. Tôi thích châu Phi, nhưng những dự án chưa thật sự làm tôi thích thú. Hơn nữa, hầu hết các dự án ở châu Phi đều đến những vùng đất nghèo khó làm những công việc tình nguyện nhưng không hiểu sao chi phí khá cao. Có lẽ họ thu phí không phải chỉ cho việc ăn ở của những tình nguyện viên mà còn để phụ giúp vào việc chạy chương trình . Tài chính của tôi lại hạn hẹp, với tôi tìên vé máy bay đã quá mắc rồi. Tôi quyết định không chọn một trong những đối tác chính của AIESEC Phần Lan, tôi muốn tìm ra một dự án mà cả dự án lẫn đất nước đều đem lại cho tôi sự mới lạ và trên hết là…càng rẻ càng tốt. AIESEC có ở trên hơn 100 quốc gia khác nhau, mỗi quốc gia lại có trụ sở ở nhiều hơn 1 thành phố, và mỗi trụ sở lại có vài ba cái dự án, thành ra con số dự án trên toàn thế giới nhảy lên tới vài ngàn. Tìm ra cái dự án mà tôi mong muốn, thực sự như đãi cát tìm vàng. Hàng ngày tôi đã dành tòan bộ thời gian rảnh để đọc, tìm và lục lọi vô phương hướng trong cả rừng dự án đó.

Tôi đã không tìm ra Pakistan, mà chính Pakistan tìm thấy tôi. Khi ngán ngẩm đạt gần điểm cực đại, trong vài chục cái email giới thiệu về nhiều dự án khác nhau mà tôi đã quá chán không còn đủ kiên nhẫn để đọc hết, tôi chọn đại một email để mở và dự án mà email đó giới thiệu là ‘Pakistan, Tum He To Ho’ hay tên tiếng Anh là ‘Pakistan, you are the one’ của AIESEC Lahore. Theo mô tả, đó là một dự án du lịch, nhiệm vụ của tình nguyện viên là đi du lịch và víêt báo về những trải nghiệm ‘tuyệt vời’ của mình. Những bài cảm nhận ấy sẽ được đăng tải trên báo chí, trang web và blog để giúp mọi người trên thế giới có một cái nhìn khác đi về Pakistan…Và cuối cùng, nhưng quan trọng nhất là nhà ở, ăn uống và chi phí đi lại trong quá trình làm dự án sẽ được hỗ trợ hòan tòan.

Khỏi phải nói, tôi đã vui như thế nào khi đọc được email đó. Tôi còn chờ gì hơn một dự án như vậy : đúng nhu cầu, phù hợp sở thích, lại kinh tế. Nam Á, tại sao không? Thú thật lúc đấy thậm chí tôi chẳng cần biết Lahore nằm ở đâu trên bản đồ Pakistan, tôi gửi ngay email xin được phỏng vấn; phỏng vấn và ký tất cả các hợp đồng cơ bản chỉ trong 5 ngày sau đó. Trong điều kiện xin visa, ngoài hợp đồng, tôi phải có thư mời của nơi làm việc. Và đó là trở ngại nhỏ duy nhất mà tôi gặp phải, tôi phải đợi gần 1 tháng để nhận được tờ giấy đó. Mọi thứ còn lại trơn tru một cách kỳ lạ.Tôi nhận được visa đúng một tuần sau ngày gửi hồ sơ, mặc dù Phần Lan không có đại sứ quán của Pakistan, tôi phải gửi passport qua Stockholm, Thụy Điển.Thậm chí lúc đó, mọi thứ khiến tôi còn ngây ngô nghĩ rằng Pakistan là một trong những nước xin visa đơn giản nhất vì chẳng mấy ai đến đó bao giờ. Sau này tôi mới biết, một vài người bạn làm chung dự án với tôi đã khá vất vả để xin được nó dù họ cũng cùng xin từ châu Âu và hơn tôi, họ có quốc tịch châu Âu.

Và như thế, không phải Mỹ, cũng chẳng phải châu Phi, tôi đã đến Pakistan.
 
Last edited:
Quá cảnh ở Dubai (tiếp theo)

Sau khoảng 4 tiếng vật vã, cuối cùng tôi tỉnh hẳn, giật mình khi xung quanh có khá đông người, chẳng còn mình tôi một giang sơn như lúc thiếp đi. Đang nghĩ bụng thôi thì ta đi tìm giang sơn mới, một giọng nói cất lên:
- Này cô bé đến từ Thái Lan à?
Cách một chiếc ghế từ nơi tôi đang ngồi, một người đàn ông Trung Đông trong trang phục Tây Âu, quần kaki, áo sơ mi và một chiếc áo khoác mỏng trông khá giản dị đang cười chào tôi. Thú thật thì tại thời điểm đó, tôi vẫn chưa phân biệt được thế nào là thế nào là Trung Đông, chẳng biết lấy từ đâu ra, tôi mặc định cứ người nước nào mắt sắc, mũi cao, trông không phải là người da trắng thì đích thị là người Trung Đông. Tôi còn tưởng cứ phụ nữ mà quấn khăn hay che mặt là chắc chắn đạo hồi. Dựa vào nền tảng kiến thức sai bét nhè của mình, cả một tiểu lục địa Ấn Độ, gồm Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bhutan và Bangladesh, Sri Lanka và Maldives tôi gom hết vào gọi là Trung Đông.
Câu hỏi của người đàn ông làm tôi có chút khó chịu. Tôi chẳng kì thị gì ai, nhưng tôi bị dị ứng bị nhầm là con gái Thái. Số là thế này, học ở Phần Lan, dẫu là một trong những đất nước được cho là văn minh nhất thế giới, ông trời cứ hay trêu ngươi tôi thế nào, cứ hễ đàn ông trung niên nhầm tôi là người Thái, được câu trước câu sau thể nào cũng bị hỏi…’Bao nhiêu tiền một đêm?’. Lý do thì chắc có lẽ ai cũng biết, nhiều người nước ngoài tới Thái Lan không chỉ để nghỉ dưỡng mà còn để mua vui xác thịt. Nhiều đàn ông Phần được cho là ‘hết đát’ đến Thái Lan tìm vợ. Mà người châu Á thì theo họ trông cứ giống giống nhau, chẳng phân biệt được. Hơn nữa, phải thừa nhận một sự thật đau lòng rằng Việt Nam cũng chẳng phải ngoại lệ, có lẽ có chút kém ‘nổi tiếng’ so với Thái Lan hay Philipine nhưng dẫu có trả lời tôi đến từ Việt Nam, đôi khi tình hình cũng chả khác là bao. Biết là ở đâu cũng có người này người kia, chẳng qua chỉ là bản thân một số lần không may gặp vài người không tử tế, nhưng thỉnh thoảng nghĩ cũng có chút tủi tủi. Thôi, đó là một câu chuyện khác, quay lại với vấn đề chính, người này trông hiền lành, phúc hậu,có lẽ âu cũng chỉ là tôi quá đa nghi, nhạy cảm, cố quên đi những lợn cợn trong lòng:
- Không, con là người Việt Nam, sao chú hỏi con thế?
- Tại chú trông con giống người Thái. Chú thích Thái Lan lắm. – Mắt ông nhìn xa xăm. Chẳng biết sao giác quan bảo tôi rằng người này có kỷ niệm gì đó sâu sắc lắm với vùng đất ấy…- À thế Việt Nam đi du lịch an toàn không?
- Dạ an toàn chứ! Tại sao nó lại không an toàn ạ? Bây giờ nhiều khách du lịch đến Việt Nam lắm!
- Ô thế Việt Nam không còn chiến tranh à? – Ông có chút ngạc nhiên.
- Việt Nam bây giờ làm gì có chiến tranh. Việt Nam hòa bình gần cả 40 năm nay rồi. – Tôi thì thật sự ngạc nhiên.
Ông bảo ông sống ở Nam Phi, là một thương gia, có một chuỗi cửa hàng chuyên phân phối điện thoại di động. Ông thích đi du lịch và bày tỏ ý định muốn đến Việt Nam. Tôi thì thích thú với Nam Phi, đó là một trong những quốc gia nằm trong danh sách ‘Phải đến trước khi chết’ của tôi. Tôi kể về Việt Nam của tôi, ông nói về cuộc sống ở Nam Phi xa xôi. Cuộc trò chuyện của hai con người xa lạ cứ thế tiếp diễn.
- Thôi đến giờ chú phải lên máy bay rồi, chú đi đây, tạm biệt cô bé nha! Rất vui khi được nói chuyện với con. Khi nào có dịp nhớ đến Nam Phi chơi nhé! Đất nước đó đẹp lắm! Con còn quá cảnh lâu không, à mà nãy giờ quên hỏi, cô bé đi đâu thế?
- Dạ chắc chắn rồi! Con thích Nam Phi sẵn rồi! Chú có dịp cũng nhớ đến Việt Nam chơi! À con đi Pakistan, con còn 10 tiếng nữa lận. Chào chú nhé!
Khi chúng ta đi, đâu đó trên chuyến hành trình, có những con người mà đến tên cũng chẳng buồn hỏi, ấy vậy mà dành cả giờ đồng hồ nói chuyện với nhau hồ hởi như bạn thân lâu năm không gặp, rồi ai nấy lại tiếp tục cuộc hành trình của mình như người kia chưa bao giờ xuất hiện. Tôi thích cái cảm giác ấy, cái cảm giác nói chuyện với một con người xa lạ có những điểm chung, đủ đồng cảm để giãn lòng mình một chút nhưng cũng đủ xa lạ để không ai đi quá sâu vào cuộc sống của ai. Tôi thích những khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc mà con người ta trò chuyện chẳng với mục đích gì, chẳng ai cần lấy lòng ai, chẳng ai cần quan tâm người kia nghĩ gì về mình…vì biết bao giờ gặp lại nhau trong đời.

(còn tiếp)
 
Quá cảnh ở Dubai (tiếp theo)
Mải loay hoay mơ màng và triết lý của, mãi tôi mới nhận ra người đàn ông kia trân trân nhìn tôi, và như tất cả những người tôi gặp trước đó, khi hồn về lại xác, ông tặng tôi một cơn mưa câu hỏi quen thuộc:
- Hả? Cháu làm gì ở đó?
- Dạ cháu đi…tình nguyện.
- Cháu biết Pakistan là đất nước như thế nào không?
- Dạ biết.
- Cháu đến Pakistan lần nào chưa?
- Dạ chưa.
- Cháu có quen ai ở đó trước không?
- Dạ không.
- Cháu đi đâu ở Pakistan?
- Dạ Lahore ạ.
- Cháu ở đó bao lâu?
- Dạ 6 tuần.
- Thế tới đến đó có ai ra sân bay đón không? Rồi ăn ở ở đó làm sao?
- Dạ người ta bảo người ta ra đón cháu. Ăn ở họ lo.
- Thế người ta không ra đón thì làm thế nào?
- Cháu có số điện thoại với địa chỉ, cháu sẽ mò tới đó.
- Rồi tới đó sim điện thoại đâu mà gọi? Rủi địa chỉ sai thì sao?
- Cháu xin gọi nhờ ai đó trên đường…
- Rủi mấy số điện thoại đó sai thì sao?
- Thì cháu kiếm wifi ở đâu đó rồi liên lạc với họ.
- Thế cháu tới Lahore lúc mấy giờ?
- Dạ, 2 giờ sáng.
- Trời ơi!!! Rủi không liên lạc với họ liền được thì sao?
- Thì cháu ở tạm sân bay đến lúc trời sang
- Trời ơi! Cô bé ơi, Pakistan không phải là Việt Nam hay là Nam Phi đâu!!!
Ông thật sự thảng thốt và nhìn tôi với một ánh mắt ‘thật không thể hiểu nổi’… Tôi nghĩ bụng: ‘Người này còn lợi hại hơn những người trước nữa, không chỉ hỏi còn nghĩ ra đủ thứ viễn cảnh làm tôi đau tim. Trời ơi sao mà nhiều ‘rủi’ thế này, tôi mà nghĩ được xa đến vậy thì tôi ở nhà từ lâu rồi!’
- Có giấy bút không, lấy ra đây đi. - Trầm tư một lát ông nói.
Tôi đưa ông cuốn sổ tay của mình. Một cách vội vàng, ông vừa viết gì vừa nhìn đồng hồ, vừa giải thích:
- Chú định cư ở Nam Phi nhưng lớn lên ở Pakistan, kì này về thăm Pakistan 2 tháng. Chú không ở Lahore và hiện tại chưa có số điện thoại Pakistan nhưng đây là tên chú, địa chỉ nhà, bến xe buýt gần nhất để đến địa chỉ này, số điện thoại của em ruột chú. Nếu có bất cứ gì khó khăn cần giúp đỡ hãy gọi vào số này tìm chú. Hoặc nếu muốn nhìn thấy một Pakistan thật sự, liên lạc với chú, Lahore cũng chưa hẳn là Pakistan đâu.
Người đàn ông lạ vẫy chào, chúc tôi may mắn rồi nhanh chóng lẫn vào dòng người tấp nập.”Mohsin Khan’, ‘trạm xe buýt Abbottabad’…tôi vân vê quyển sổ, chẳng có khái niệm gì về địa chỉ được ghi trong đó. Tại sao Lahore lại chưa hẳn là Pakistan? Ừ nhỉ, tại sao tôi chưa bao giờ tự hỏi nếu họ không ra đón, nếu số điện thoại đó không gọi được, nếu họ bỏ tôi một mình bơ vơ giữa Pakistan…Càng tự hỏi, tôi càng bối rối…Ôi thôi tôi không dám nghĩ đến nữa, dù sao tôi cũng đã leo lên lưng cọp rồi, cứ tập cưỡi xem thế nào…

(còn tiếp)
 
Tôi thích những khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc mà con người ta trò chuyện chẳng với mục đích gì, chẳng ai cần lấy lòng ai, chẳng ai cần quan tâm người kia nghĩ gì về mình…vì biết bao giờ gặp lại nhau trong đời.

(còn tiếp)


Viết tiếp nhé bạn.
Cám ơn bạn rất nhiều về bài viết. Tôi thích câu kết trong đoạn này, nó làm tôi nhớ những ngày mình từng lang thang.
Có những người gặp rồi trong tích tắc lại chia tay. Rồi để lại cho nhau thật nhiều kỉ niệm, quyến luyến. Rồi tự hỏi suốt cuộc đời này có còn cơ hội gặp nhau nữa không!
 
Quá cảnh ở Dubai (tiếp theo)
Để kéo bản thân ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, tôi quyết định chơi sang một bữa, ghé vào tiệm Starbucks gần đấy tặng chính mình một ly lên tinh thần. Học marketing lúc nào thầy cô cũng lấy Starbucks làm ví dụ, thế mà đến tận bây giờ mới biết nó mô tê thế nào. Nói chứ tôi cần wifi, chẳng hiểu sao tôi vào mãi không được wifi sân bay, người đàn ông ấy nói đúng, tôi cần chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất. Tôi mở facebook và nhắn tin cho Wasma- quản lý dự án hay ngắn gọn hơn là sếp tôi:
- Yeah, Dubai rồi, còn vài tiếng nữa là nhìn thấy Wasma rồi, hồi hộp quá ☺! 2 giờ sáng Thanh Thanh tới nơi đó!- Tự thấy chính mình đôi lúc cũng giả tạo ghê, thật ra tôi chỉ muốn nhắc cô bạn làm ơn đừng cho tôi leo cây như hai lần cô hẹn tôi lên mạng dặn dò những điều cần biết về Pakistan. Lần này là tôi đến Pakistan thật đấy, không phải trên mạng nữa đâu! Chứ thật lòng sau hai lần leo cây, tôi chẳng có cảm xúc gì mấy về việc gặp cô ngoài đời.
- Ồ Thanh Thanh! Bạn đến Dubai rồi à? Yeah! Sắp được gặp bạn rồi! Thích quá! Thích quá! À mà lát nữa Wasma không ra sân bay được, mai mình có một bài kiểm tra ở trường, mai thi xong sẽ đến intern house gặp bạn nhé!
- Ơ thế rồi làm sao mình tới được intern house?
- Yên tâm đi, vẫn có người ra đón bạn mà!
- Thế cậu gửi facebook hay hình của người ra đón cho mình với, chứ không biết mặt nhau làm sao nhận ra nhau ☺.
- Hahaha chắc chắn họ sẽ nhận ra Thanh Thanh thôi, yên tâm đi!
- Kệ, cứ gửi mình facebook họ đi, mình cũng nên chào người lặn lội 2 giờ sáng ra đón mình trước một tiếng chứ!
- Bạn không cần chào đâu, chắc chắn là họ nhận ra bạn mà!
- Cơ mà mình cũng muốn nhận ra họ ☺! Cho mình facebook đi mà!
- Bạn sẽ nhận ra họ thôi, nhìn cái này nè…
Nói rồi cô gửi tôi tấm hình đại diện facebook của chính tôi, được chỉnh sửa trông như một cái poster hoành tráng với dòng chữ: Chào mừng Thanh Thanh đến từ Phần Lan…
- Hừm…Tớ đến từ Việt Nam mà. Ê mà có cần giăng poster ngay giữa sân bay thế không?
- Cần chứ hahaha. Yên tâm rồi nhá! Thôi mình học bài tiếp để mai thi đây. Mai gặp Thanh Thanh nhé.
Chả đợi tôi phản hồi, nick Wasma phụt tắt. Lo lắng lại càng thêm lo lắng. Sao Wasma cứ lảng tránh mỗi lần tôi hỏi về thông tin người đến đón cơ chứ? Lỡ máy bay của tôi tới trễ thì sao?
---
Cuối cùng thì 20 tiếng cũng trôi qua. Tôi nhìn Dubai lần nữa, tự nhủ nhất định một ngày sẽ đặt chân đến cái thế giới bên kia lớp cửa kính…
Bước qua khỏi cánh cửa phòng chờ, tôi giật mình khi mọi mắt đang đổ dồn về phía mình. Tôi nhanh chóng nhận ra mình là đứa con gái duy nhất mặc quần jean áo thun trong cái phòng chờ này.Tôi còn quất cả một đôi bốt mùa đông giày cộm đã không hợp gu lại càng không hợp cảnh. Đã cố gắng đi nhẹ nói khẽ để ít gây chú ý nhất có thể, ấy thế mà cái bánh xe vali của tôi lại phản chủ, tự dưng nó dở chứng, tôi cứ bước một bước nó lại kêu lẹt kẹt một cái. Mặt tôi nóng ran ran, tay chân lúng túng như ngáo ộp. Có lẽ trông tôi thảm hại quá, mọi người quay lại với công việc của mình, những ánh mắt thưa dần, nhưng cũng có những người chả ngại ngùng vẫn cứ trừng trừng nhìn tôi. Chẳng biết họ có phải người Pakistan hay không, nhưng tất cả họ đều đang đi từ nước ngoài đến Pakistan, biết là họ không trông đợi sẽ có một con bé như tôi lên máy bay ngồi cùng họ, nhưng có cần phải thể hiện sự ngạc nhiên lộ liễu khiến người khác phải bối rối vậy không? Biết thân phận của một kẻ lạc loài, tôi chọn cho mình hàng ghế riêng biệt ngoan ngoãn ngồi đợi, không dám táy máy hay hỏi han gì ai.

Có vẻ như mọi người mua sắm ở sân bay khá nhiều, không khó để bắt gặp những chiếc vali xách tay phù nề hay những bọc ‘duty free’ quá khổ, nhờ vậy mà chiếc vali bé bự của tôi trở nên khá vừa vặn với hoàn cảnh. Chưa kịp vui mừng, khi xếp hàng lên máy bay, tôi thấy những chiếc vali quá khổ của những người xếp hàng đi trước bị chặn lại bởi một thanh niên trong trang phục đen. Tôi chột dạ…
Đúng như dự đoán, tôi đã không thoát khỏi cửa ải này. Người thanh niên áo đen chặn tôi lại mặc dù tôi đã cố nép vào những người đi bên cạnh khi đi ngang qua anh. Anh bảo vali của tôi không thể nào nhét vừa vào khoang hành lý xác tay được. Tôi vui vẻ đưa vali cho anh chuyển xuống gầm máy bay khi anh giải thích tôi sẽ không phải trả thêm tiền. Gì chứ tôi chỉ sợ phải trả thêm tiền thôi!
Còn mỗi cái ba lô trên vai, cảm giác thật sảng khoái làm sao! ‘Ê khoan! Sao ba lô mình nhẹ thế!’ – Tôi hốt hoảng. Tôi sực nhớ ra vì balo quá nặng, để tiện cho việc đi lại tôi đã chuyển con Nikon D90 yêu quý của mình vào chiếc vali đó. Tôi vội vàng chạy ngược lại phía người thanh niên, nhưng muộn rồi, chiếc vali cuối cùng vừa được chuyển vào gầm máy bay. Thất thểu quay lại máy bay tìm chỗ ngồi ghi trong vé. Vừa an tọa, tôi chợt nhận ra tôi vừa mắc một sai lầm còn trầm trọng hơn tôi nghĩ…Chiếc vali đó vẫn chưa được khóa, đã vậy tôi còn thật thà giải thích với anh nhân viên là tôi để quên máy ảnh trong đó khi anh cố trấn an tôi. Ôi đúng là không có cái dại nào giống cái dại nào. Ôi chẳng nhẽ chuyến hành trình của tôi lại bắt đầu bằng việc mất máy ảnh sao?Tôi sẽ phải làm gì đây khi không có máy ảnh? Tôi muốn có những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc của riêng mình. Biết bao giờ mới quay lại được nơi tôi sắp đến. Mà mua máy ảnh mới thì tôi không đủ tiền…Ôi! Ôi! Ôi! Máy ảnh yêu dấu của tôi!!!
Máy bay cất cánh. Chẳng còn tâm trí để ngó ngang ngó dọc, tôi thiếp đi cùng hàng tá viễn cảnh tiêu cực bủa vây trong đầu…
 
Trái ngược với Thanh Thanh, bọn anh rất là hào hứng trước khi qua Pakistan, cho dù cuối cùng đó là chuyến đi "thảm họa" theo đúng nghĩa đen của từ này!

Khi nào em thực sự "đến" Lahore anh sẽ góp dzui LOL...
 
Ngày Đầu Tiên
‘Kịch!’ 2 giờ sáng, máy bay hạ cánh an toàn. Tiếng vỗ tay râm ran làm tôi tỉnh giấc. Dường như quên mất nỗi lo mất máy ảnh, nỗi sợ bị bỏ rơi, nhìn cánh cửa máy bay từ từ mở ra, lòng tôi nao nao lạ. Tự hỏi chính mình tôi đến Pakistan thật rồi sao? Dẫu Pakistan chưa bao giờ hiển hiện trong những giấc mơ trong hơn 19 năm tôi hiển diện trên đời, lạ thay tôi vẫn thấy mình lâng lâng như đang sống trong một giấc mơ…
Khu vực nhập cảnh trông cũ kỹ như một nhà ga lâu năm với duy nhất hai quầy nhập cảnh, một dành cho người có quốc tịch Pakistan, một cho người có quốc tịch nước ngoài. Ngoài cô đứng quầy mặc quân phục xanh lá cây, có rất nhiều người mặc đồng phục đen, trông khá giống áo nâu sòng của Việt Nam, trên ngực áo có một kí hiệu gì đó màu đỏ, tất cả họ đều đều là những thanh niên trông rất khôi ngô tuấn tú. Ôi sao ở đây người ta khéo chọn nhân viên sân bay thế? Mà sao lại chọn trang phục màu đen nhỉ? Tuy là sân bay quốc tế, người mặc trang phục Tây Âu đã hiếm, người da trắng lại càng tuyệt nhiên không có. Hầu hết mọi người đều mặc Shalwar kameez – trang phục truyền thống của Pakistan và tất cả đều trông rất Pakistan với mũi cao, da ngăm, mắt to, lông mày đậm. Ngay cả khi nhập cảnh ở quầy dành cho người nước ngoài, người duy nhất trông ‘người nước ngoài’ và nghiễm nhiên trở thành tâm điểm của hàng trăm ánh mắt tò mò. Đối lập với hai hàng dài đông đúc ở quầy nhập cảnh cho quốc tịch Pakistan, quầy nhập cảnh của người có quốc tịch nước ngoài chỉ lèo tèo tầm 10 người. Làm người nước ngoài thỉnh thoảng cũng có lợi ghê, tôi nghĩ bụng.
Nhưng đời thường chẳng như người ta nghĩ, trông lèo tèo thế mà tôi cũng phải đứng đợi mãi. Cứ 3 4 người ở quầy bên cạnh được nhập cảnh mới có 1 người phía bên tôi được đóng mộc. Đợi đến lượt để đóng mộc đã lâu, đợi được cái dấu nhập cảnh lại còn lâu gấp đôi. Chị nhân viên mặt lạnh như tiền, lật tới lật lui hộ chiếu của tôi, hỏi đủ thứ nào là tôi xin visa ở đâu, sẽ làm gì, sẽ ở đâu, AIESEC là gì, tại sao tôi lại có cả thị thực Phần Lan,… bắt tôi trình cả địa chỉ intern house. Mà hỏi thì hỏi cho lấy lệ thế, chị tuyệt nhiên không ghi chép bất cứ thứ gì còn tặng tôi cái thở dài trước khi đóng mộc. Tôi cứ đinh ninh chị hỏi kĩ vì an ninh ở đây đang được thắt chặt, sau này tôi mới biết, có lẽ vì nhận ra tôi thuộc dạng ngơ lâu khó đào tạo, đã đứng quá lâu mà chả khôn lên tẹo nào nên chị đành để tôi đi, tất cả các bạn tôi đến Pakistan đều phải ‘biếu’ chị vài đô.
Vừa nhận được mộc nhập cảnh, hai anh thanh niên đồng phục đen tiến lại gần hỏi tôi có đi cùng ai không, có cần giúp đỡ gì không. Tôi chỉ lắc đầu cảm ơn rồi lao vội tới băng chuyền. Mối quan tâm lớn nhất của tôi là chiếc máy ảnh.
Ông trời lại khéo trêu tôi, phải mất khá lâu vali xách tay của tôi mới xuất hiện… ‘May quá! Còn nguyên!’ - tôi thở phào nhẹ nhõm. Đến lúc này tôi mới để ý, một trong hai anh thanh niên áo đen ban nãy vẫn đi theo tôi cho đến lúc anh giúp tôi đỡ chiếc hành lý ký gửi Anh còn giúp tôi lấy cả xe đẩy nữa.Tôi thầm nghĩ: mọi người cứ kì thị Pakistan, người ta tốt thế kia mà, camera của tôi để vậy bình thường là bị ‘thịt’ rồi! Đã vậy đố mà tìm ở đâu nhân viên sân bay giúp hành khách nhiệt tình thế này. Tôi nhất định sẽ viết về một Pakistan thật tuyệt…

(còn tiếp)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,152
Members
192,343
Latest member
77winfun
Back
Top