What's new

Phượt Đà du xuân Phú Quý (2013)

Mười một tháng để hoàn thành một chuyến đi.
Nghe có vẻ lâu, mười một tháng không phải là quãng thời gian dài, nhưng cũng không phải là quá ngắn.

Cơn bão số 1 của năm 2012 đổ bộ vào vùng biển Bình Thuận vào khoảng 30/3 – 2/4, làm chuyến đi đảo Phú Quý lần thứ nhất của ông Pô rơi vào ngõ cụt.
Cay mũi nhất là, Pô lão lên kế hoạch trước cả đôi tháng, dự kiến nhân số thực tế sát rạt, vé tàu hỏa đi Phan Thiết cũng đặt xong xuôi, các đoàn khác í ới hẹn ra giao lưu dự kiến tới dăm chục mạng,…
Đùng một phát, khi Pô lão đến Phan Thiết, bão … cũng đến – cơn bão đầu tiên của năm 2012 – và dự báo của các cơ quan khí tượng còn chỉ ra rằng, có thể nó đi trúng đảo. Thế là xong.
Dù sao cũng đã cất công đến Phan Thiết - lại thêm rằng, dù bão được dự đoán quét ngang qua đảo, nhưng nó vẫn còn từ ngoài khơi xa tít chạy vào, nên vẫn còn đủ nắng để đi chơi … trong đất liền hoặc ven bờ biển – nên Pô lão chuyển hướng sang càn quét khu vực Phan Thiết và lân cận để … báo hận.

attachment.php

Con đường ven biển phía Nam Phan Thiết, các resort cũng gần kín mấy chục km rồi


attachment.php


attachment.php

Bão đang đến, trời xám xịt, sóng bắt đầu nhồi.


attachment.php

Tăng bo thúng sang ca nô ra hải đăng Kê Gà - Ít ra, cũng là ... ra đảo.


attachment.php

Hải đăng trên đồi sứ.


attachment.php

Trên hải đăng nhìn về đất liền, phía sau doi cát góc trái là điểm lên thúng.



Chuyện ấy về sau có thơ rằng :

Lão Pô hận chuyện thành Phan
Tháng 3 năm trước, bão tràn ngang qua
Đang yên ấm ở thành Đà
Một đêm thức dậy, la cà thành Phan
Bất ngờ, Bão số 1 càn
Quét ngang Phú Quý, quét tan lịch trình
Quyết không chịu phụ công … mình
Lão Pô càn quét Phan thành bù qua
Không Phú Quý thì … Kê Gà
Cũng là hòn đảo, cũng là hải đăng
Tiền dư, nên nhậu tằng tằng
Nhậu chờ bão đến, mấy tăng một chiều
Sáng sau, ra cảng liêu xiêu
Thấy tàu nghiêng ngả, oánh liều xông lên
Hò hét chụp choạch một phen
Lên mạng chém gió, được khen ầm ầm
(Khen : vừa … dũng cảm vừa hâm
Bão đến không né, còn đâm đầu vào)
Chém gió phần phật cao trào
Nảy Mit-tơ Ích và tàu Hải quân(*)
Về sau, “gió” cũng lặng dần
Nhưng giấc mơ đảo có phần cồn thêm.


attachment.php

Lời lão Pô : "Gửi lão Tun cái này cho khỏi quên ngày ra đảo nhá."

(*) Chuyện Mr.X : https://www.phuot.vn/threads/19843-Rủ-rê-tụ-tập-dân-phượt-đang-ở-Đà-Nẵng-(Tập-3)/page280
 
Hoan hô Tunbo tiếp tục lên sóng. Công nhận trí nhớ của Lãnh chúa quả là cực tốt, mấy cái địa danh anh còn quên mất tiêu, hehe!

Chờ xem tiếp đây!
 
Hoan hô Tunbo tiếp tục lên sóng. Công nhận trí nhớ của Lãnh chúa quả là cực tốt, mấy cái địa danh anh còn quên mất tiêu, hehe!

Chờ xem tiếp đây!

Hehe, chẳng hiểu sao lại quên bẵng đi ... 2 năm trời mới viết tiếp, tốt ở điểm nào anh Po :))
Dạo này đang lặn lội trên đất Tánh Linh, Đức Linh, nên chả mấy khi có net mà viết, cứ tranh thủ, hy vọng xong kịp đi sinh nhât Phuot.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

attachment.php

Lão Pô làm một nhát kỷ niệm lúc vừa phình phường leo hết các bậc cấp lên chùa.


Mẹ con nhà Noel cùng giangho vợ leo hết dãy bậc cấp lên đến chùa có lẽ cũng đã là cố gắng vượt bậc, cho nên khi Lãnh chúa và anh Pô phát hiện lối lên đỉnh núi với tiếp tục những bậc cấp nhân tạo lên cao tiếp, giangho vợ và mẹ con nhà Noel xua tay, bảo các ông cứ … lên đỉnh đi, chúng tôi ở dưới này thôi.


attachment.php

Lối lên đỉnh núi từ chùa Linh Sơn.


attachment.php

Lão Pô cùng giangho chồng đang dừng lại ... thở.


attachment.php

Lưng chừng đường lên đỉnh núi. Một mỏm đá được gió "xoáy" tròn vo.


attachment.php


attachment.php

Vết khắc của gió.


attachment.php

Từ đỉnh núi Cao Cát nhìn ra phía Đông Bắc, nơi Hòn Đỏ, Hòn Giữa và Hòn Đen nằm cách đảo Phú Quý chỉ chừng 1km


attachment.php

Từ độ cao này, thấy cả ba cây phong điện trên đảo.


attachment.php

Nhìn sang con đường lên trạm thông tin.
 
attachment.php

Trên đỉnh núi là tượng Quan Âm.


attachment.php

Gần tới đỉnh núi, cạnh khối đá bị gió vo tròn như hòn bi đá khổng lồ, là một chiếc ghế nát tả tơi vì nắng gió.


attachment.php

Đứng dưới chân tượng Quan Âm, nhìn xuống phía chùa và dãy bậc cấp dẫn lên đỉnh núi có gắn lan can thép ...


attachment.php

... và nhìn xuống từ phía ngoài "hòn bi đá khổng lồ".


attachment.php


attachment.php

Lưng chừng sườn núi phía Đông Bắc có một khộp đá lớn nhô ra, như một con ếch :)).


attachment.php

“Con ếch đá” nhìn giữa khe hai “hòn bi đá khổng lồ”, ngoài biển là Hòn Đen (nhô cao 2 cụm) và Hòn Giữa (lấp xấp mặt nước một dải).


Đứng trên đỉnh núi Cao Cát lộng gió, dưới cái nắng vàng rực rỡ của ngày xuân, thật là dễ chịu. 3 anh em lão Pô chụp ảnh phong cảnh, chụp ảnh cho nhau loạch choạch liên hồi, rồi lục tục xuống núi, sợ giangho vợ và mẹ con nhà Noel ở dưới chờ lâu.


Sau mới có thơ rằng :

Biển xanh hòa lẫn với trời
Gió thổi lồng lộng, sóng khơi rì rào


Hết chùa, leo tiếp lên cao
Lên đỉnh Cao Cát, gió gào ngày đêm
Vách núi gió “cạo” lem nhem
Từng thớ đá mỏng xếp lèn lên nhau
Tượng Quan Âm ngự trên cao
Mỉm cười nghe sóng rì rào ngày đêm​
 
Mấy anh em Phượt Đà túc tắc kéo nhau xuống núi, rời chùa.
Xuống vừa hết con dốc dẫn lên chân bậc cấp sân chùa, thì gặp một quán cafe kiểu sân vườn khá rộng rãi, lại thấy chị con gái bà chủ nhà trọ đang đứng đó, cả bọn kéo vào uống nước.


attachment.php

Quán cafe ngay chân con dốc dẫn lên chùa Linh Sơn.


Cả bọn chọn chiếc bàn ngay hàng rào, nhìn thẳng lên chùa Linh Sơn trên núi Cao Cát, thấy gần xịt.
Gọi nước ra uống, rồi 3 anh em lão Pô khoe mấy tấm ảnh chụp trên đỉnh núi, lập tức mẹ con Moon-Noel ... ngưng uống nước, cứ một hai kỹ kèo "bố Pô, ông Pô" đi cùng trở lên đỉnh núi chụp ảnh cho hai mẹ con.
Dĩ nhiên 3 người còn lại sẵn sàng vui lòng ngồi uống nước dưới chân núi để chờ. Có thể thời gian ít không đủ đi hết những chỗ nổi tiếng, nhưng ... du xuân mà, chỗ nào mình thấy đẹp, thấy thích, thì ở lại thêm một chút cũng đâu có đáng kể gì.
Thế là ba cha con, ông cháu lão Pô phóng xe lên lại sân chùa và leo ngược lên chùa, lên đỉnh núi. Xe máy để dưới chân chùa, khóa lại là ... xong, cứ ở trên đấy lúc nào chán thì xuống mở khóa xe và ... đi.
Lúc mấy người trong "đoàn chụp ảnh" của ông Pô diễn và chụp trên núi, ở dưới quán cafe dùng chiếc máy ảnh Canon siêu zoom gì gì đó (quên rồi) của vợ chồng giangho, cũng xem thấy rõ và chụp được một số. Nhưng do zoom quá xa và không có chân máy, nên cũng nhòe nhoẹt. Quan trọng là nhìn thấy hết, và gọi điện lên trêu quay bên nọ, quay bên kia, làm Pô lão cứ ngạc nhiên ô a trong điện thoại "Sao bọn mày biết mà chỉ (trỏ) hay thế?"


attachment.php

Động viên Noel chuẩn bị leo nốt những bậc cuối cùng lên đỉnh núi.


attachment.php

Làm một quả tươi rói lấy tinh thần trước khi lên đỉnh nào.


attachment.php

"Quay xuống ông Pô chụp nào" - Noel thở chưa cười nổi.


attachment.php

"Titanic" bên khe đá.


attachment.php

Mệt, nhưng mát, nhăn nhó vì nắng, nhưng bé Noel đã ... cười được rồi.


attachment.php

Tấm này bị bọn dưới quán cafe gọi điện ... điều khiển.


attachment.php

Chụp cho con gái một kiểu trên đỉnh núi ...


attachment.php

... rồi xuống thôi, mọi người chờ lâu rồi.


Nhanh thật, mới ngày nào Noel bé tí theo mọi người ra đảo, người lớn cứ sợ em bị say sóng (lo cuối cùng là thừa), giờ đã ra dáng thiếu nữ đến nơi rồi.


Chuyện ấy sau có thơ rằng :

...
Tượng Quan Âm ngự trên cao
Mỉm cười nghe sóng rì rào ngày đêm


Mẹ con nhà bé Noel
Nghe kể thích quá, nên bèn leo lên
Mẹ con “song diễn” một phen
Ông Pô chụp ảnh cứ khen tằng tằng
Cha con, ông cháu dung dăng
Dắt nhau xuống núi, vào hang café
(Nơi vốn sẵn ba đứa kia
Ngồi chờ vụ diễn, cafe nãy giờ
Thấy trên núi, nhóm ông Pô
Chụp ảnh các kiểu, mờ mờ tít xa)

 
Nhập bọn ngồi uống nước nghỉ mệt thêm một lúc nữa, cả bọn rời quán cafe đi tiếp. Lúc này thấy ngại phiền người nhà trọ, nên bảo chị ấy cứ đi về. Giờ cũng sắp trưa rồi, nên chỉ đi lòng vòng rồi về ăn trưa.
Từ trong núi đi ra, rẽ phải vào đường Nguyễn Thông một quãng ngắn thì gặp một ngã ba đường - đúng hơn là con đường tới đó là hết, gặp một con đường khác vuông góc với nó. Lại rẽ phải tiếp (để quặt một vòng ra phía biển) thấy tên con đường vừa rẽ vào là "Công chúa Bàn Tranh". Đi vừa qua chợ xã Long Hải bên trái đường, ngay ngã ba, thì thấy miếu Bà Chúa bên phải đường.
Miếu Bà Chúa là miếu thờ công chúa Bàn Tranh. Có hai truyền thuyết về công chúa Bàn Tranh.

Truyền thuyết của người Việt : (theo baobinhthuan.com.vn)
Xưa kia, trên đảo chưa có người ở. Một hôm, có hàng chục chiếc thuyền dẫn giải một người con gái xinh đẹp cùng đoàn tùy tùng ngược sóng ra khơi cập vào đảo Phú Quý. Về sau người ta mới biết đoàn hạm thuyền này là hạm thuyền của công chúa Champa tên là Bàn Tranh, tức là con gái út của vua, vì không vâng lời vua cha nên bị đày ra đảo. Dù vua cha đã băng hà từ lâu, nhưng theo lệnh của triều đình, công chúa Bàn Tranh bị đày vĩnh viễn tại hòn đảo này. Về sau khi nàng chết, người Chăm trên đảo xây dựng đền để thờ nàng tại đây. Trong ngôi đền có cả mộ của công chúa Bàn Tranh.

Một thởi gian sau, người Chăm lần lượt rời khỏi đảo. Họ để lại trên đảo ruộng vườn của mình cùng những công trình thủy lợi xây bằng đá, những giếng cổ để lấy nước ngọt và ngôi đền thờ công chúa Bàn Tranh. Ngày nay trên đảo người ta còn thấy nhiều giếng cổ được làm một cách công phu và đầy kinh nghiệm.
Trước khi rời đảo, người Chăm bàn giao đền thờ công chúa Bàn Tranh cho người Việt để tiện cho việc chăm sóc.
Đền thờ được người Việt tiếp thu và phụng thờ theo truyền thống của người Việt.


Truyền thuyết của người Chăm : (theo champaka.info)
Vào thế kỷ thứ XV, văn chương Champa có lưu lại truyền thuyết cho rằng công chúa Po Sah Ina là chị hay con của vua Po Kathit (1421-1448 hoặc là 1433-1460) tùy theo dị bản, có chồng người Hồi Giáo tên là Po Sanimpan. Cuộc tình giữa công chúa Po Sah Ina gốc Bà La Môn giáo với Po Sanimpar gốc Hồi Giáo đã gây ra sự phản đối trong gia đình. Để giải quyết chuyện tình khó khăn này, Po Sah Ina rời bỏ cung đình ra khơi trên chiếc ghe buồm để xây dựng đền miếu làm nơi an nghỉ. Khi xây dựng xong, Po Sah Ina lấy cánh buồm của chiếc ghe vứt bỏ trong biển trước đền của Bia Anaih, tức là Po Sah Anaih (mũi Né, Phú Hài) để bà không còn có phương tiện trở về lục địa nữa. Đây là tin tức được xác nhận trong văn bản Chăm mang mã số CAM MICROFILM 1 (5), trang 54-70, bản chép tay do Trung Tâm Văn Hóa Chăm Phan Rang thực hiện vào năm 1974, hiện lưu trữ tại Viện Viễn Đông Pháp.
Po Sah Ina là công chúa của tiểu vương quốc Panduranga. Sau thế kỷ thứ XV, Champa chỉ nằm trong địa hạt của tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hôm nay. Nếu truyền thuyết cho rằng Po Sah Ina ra khơi để xây dựng đền làm nơi an nghỉ, thì người ta phải nghĩ đến đảo Phú Quý, một hòn đảo duy nhất đối diện với lục địa của Champa thời đó.


Hai truyền thuyết này có nội dung rất gần gũi, tức hai công chúa Champa đều đến đảo Phú Quý nhưng không bao giờ trở về lục địa nữa.
Sự khác biệt giữa hai truyền thuyết này chỉ mang một chi tiết không quan trọng cho lắm. Truyền thuyết Po Sah Ina cho rằng công chúa Po Sah Ina tự ra đi và gia đình không cho phép bà lấy người chồng theo đạo Hồi Giáo, trong khi đó truyền thuyết Bàn Tranh cho rằng vì không vâng lời vua cha nên công chúa Bàn Tranh bị đày ra đảo.
Nếu công chúa Bàn Tranh chính là Po Sah Ina thì thật là một bất ngờ thú vị, vì lúc tì tòi tài liệu về tháp Po Sah Inu ở Phú Hài - Phan Thiết, Lãnh chúa đã từng đọc thấy chuyện Po Sah Ina và cuộc hôn nhân với người chồng Hồi giáo, và tài liệu đó từng nói rằng phải gọi là tháp Po Sah Ina mới đúng.
Nhưng thôi, đấy là việc của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.
Còn bọn Phượt Đà? Chúng - thật đáng tiếc - không vào được miếu Bà Chúa, do các cửa bên ngoài bị khóa.
Chuyện này cũng hay, ngày trước trong cuộc rong ruổi trên con đường di sản Chăm, Lãnh chúa từng gặp nhiều khu di tích Chăm "khóa" cổng, nhưng y vẫn dễ dàng tìm ra điểm "mấu chốt" để có thể vào bình thường. Nhưng lần này ngoài đảo, là khóa ... thật.
Cả bọn cũng không ai chụp được tấm ảnh nào cho đầy đủ miếu Bà Chúa, nên phải mượn trên Internet


attachment.php

Miếu công chúa Bàn Tranh - ảnh internet.
 
Rời khỏi miếu Bà Chúa, cả bọn tiếp tục chạy xuôi theo con đường Công chúa Bàn Tranh vào sâu trong khu dân cư thôn Quý Hải (xã Long Hải) thì ... hết đường.
Đã nhìn thấy biển rất gần, chúng bèn ... đi nhờ qua vài cái sân của nhà dân trong thôn, thì đã xuống tới bãi biển.


attachment.php

Núi Cao Cát nhìn từ chỗ miếu Bà Chúa, nhìn thẳng vào sân chùa Linh Sơn lưng chừng núi.


attachment.php

Bờ cát trắng (không biết tên) ở thôn Quý Hải.


attachment.php

Hòn Đỏ nhìn từ bãi biển thôn Quý Hải.


attachment.php

Hòn Đen rất gần bờ Đông Bắc đảo - nhìn từ bãi biển thôn Quý Hải, cuối đường Công chúa Bàn Tranh.


Cụm đảo đá nhỏ ở phía Đông Bắc đảo Phú Quý, gồm 3 hòn đảo nằm tiếp nối gần sát với nhau, thứ tự từ phía Đông sang Tây là Hòn Đen, Hòn Giữa, Hòn Đỏ.
Hòn Đen gần bờ nhất, nhìn ước đoán chỉ vài trăm mét, nước cạn chắc người ta bơi ra dễ dàng. Vì đảo này toàn đá đen, nên mới có tên Hòn Đen, dân địa phương còn gọi là Hòn Nghiên hoặc Hòn Mực
Hòn Giữa, thực ra là một dải đá cao hơn mặt nước một chút - nhìn xa thì cảm giác lấp xấp mặt nước - nằm giữa Hòn Đen và Hòn Đỏ, nếu nước cạn một chút, nhìn từ xa dễ tưởng 3 đảo là một.
Hòn Đỏ nằm ngoài cùng, vì đá có màu đỏ mà có tên như thế, dân cư ở đây còn gọi nó là Hòn Bút hoặc hòn Son.

Rời bãi biển Quý Hải trở lên điểm cuối của đường công chúa Bàn Tranh, cũng là điểm giao của con đường này với đường Lê Hồng Phong, cả đám rẽ vào Lê Hồng Phong chạy bọc theo bờ biển vòng qua mé Bắc núi Cao Cát, rồi rẽ phải vào đường Lê Lai, đi xuống phía Nam đảo. Nếu từ ngã ba Lê Hồng Phong - Lê Lai mà rẽ trái vào Lê Lai thì chỉ một quãng ngắn là tới nhà hàng khách sạn Long Vỹ - chỗ nghỉ dự kiến ban đầu của cả nhóm.
Hết Lê Lai, gặp Nguyễn Thông, lại rẽ trái vào Nguyễn Thông tiếp tục men lấy bờ biển. Nhưng ngó giờ thấy đã khá trưa, nên ông Pô bàn ... về đi ăn đặc sản. Nghe cũng có lý, nên vừa gặp con đường đầu tiên cắt với Nguyễn Thông, cả bọn liền rẽ phải vào ngay để chạy về phía Nam đảo, chạy vào một lúc thì biết là đường Trần Hưng Đạo (một trong số mấy con đường chính chạy xéo từ Đông Bắc xuống phía nam đảo).
Đang chạy, nhìn sang tay phải thấy ngọn hải đăng trên núi Cấm, lại ... hung hăng rủ nhau rẽ phải (chả nhớ là đường gì) về phía hải đăng trên núi. Rõ hâm, vì đã sợ trưa mất mà lại đâm qua bên phía Tây đảo, trong khi "con đường ăn uống" được chỉ là ở phía Nam, ngay gần nhà trọ.


attachment.php

Nhưng đang ngon trớn thì đường phía trước thấy cái này ...


attachment.php

... nên đành zoom hải đăng từ xa xa vậy.


Lại trở ngược ra tận Trần Hưng Đạo và rẽ xuống phía Nam đảo.Gặp con đường đôi rộng thênh thang, lại rẽ nhầm về tay phải, loanh quanh một hai nhát rẽ nữa thì chạy qua Công an huyện Phú Quý và tìm ra được đường 27 tháng 4 ở ngay chỗ công viên biển Phú Quý đang xây dựng.


attachment.php


attachment.php

Đã tìm về được đường 27 tháng 4, biển chỗ này xanh ngắt ...


attachment.php

... hàng dừa nghiêng nghiêng soi bóng trên bãi đất trống ven biển.


attachment.php

Và Noel làm ngay một kiểu, Noel rất chịu khó chụp ảnh.


Đoạn ấy về sau có thơ rằng :

...
Thấy trên núi, nhóm ông Pô
Chụp ảnh các kiểu, mờ mờ tít xa)


Nghỉ xong, rời núi đi ra
Chạy một quãng, gặp miếu Bà Chúa ngay
Nhưng gặp cửa khóa then cài
Loay hoay một lúc phải quay ra ngoài
Chạy tiếp về phía biển khơi
Qua nhà dân, chạy xuống chơi một hồi
Xem giờ, mười rưỡi mất rồi
Bèn lên, chạy ngược ra ngoài Lê Lai
Nhắm về Nam đảo chạy dài
Vòng vèo mấy phát, ra ngoài Công viên
Biển xanh biếc, bóng dừa nghiêng
Gió reo, sóng vỗ, như miền bồng lai
Lại dừng, lại chụp lai rai
Ngắm biển, hóng gió, ngồi hoài mới đi
Trưa rồi, phải kiếm món gì
Uống bia cho mát, rồi phi về phòng
Chiều lại lên ngựa long dong
Dạo loanh quanh đảo, một vòng thật to
 
Từ phía Công an huyện Phú Quý, rẽ trái vào đường 27 tháng 4 chạy một hồi, tự dưng lại ô a khi gặp ... đèn xanh đèn đỏ, ô thế ra nhà trọ đây rồi.
Đã hỏi trước từ sáng, nên cả đám vòng xe qua đường Ngô Quyền - "con đường ăn uống" - và tìm vào quán ăn cua huỳnh đế.
Quán ở ngay cạnh nhà trọ nữ lang áo tím thuê trọ.
Lúc tới quán đã 11g30, mọi người gọi đồ ăn ngay.
Lão Pô ở Đà thành - vốn là đất du lịch và ẩm thực - là tay sành ăn, từ ngày PĐN có gái giangho và em Moon tham gia, lão Pô rất khoái, vì cả hai vị này đều thuộc hàng đầu bếp xuất sắc. Chuyến du xuân Phú Quý lần này, tháp tùng lão Pô có cả hai vị bếp trưởng PĐN, khiến lão rất ... tự hào.
Tuy là lần này đi ít thời gian, ăn thì hoàn toàn ăn hàng, nhưng có được hai vị rành về chuyện chế biến, thì đi chợ lựa "nguyên vật liệu" cũng phải tốt hơn bình thường rồi.
Ra ngoài hải đảo chơi, dĩ nhiên nên ăn hải sản. Ngoài các món cá tôm, hải sản khác, thì cua huỳnh đế là món nhất định chúng muốn nếm vị, nên hăm hở gọi ngay, đầu tiên là xem hình dáng nó thế nào, sau đó là xem mùi vị nó ra sao.


attachment.php

Đại khái cua huỳnh đế đây...


attachment.php


attachment.php

... từ bếp lên đĩa nó thế này.


Huỳnh hoặc hoàng, nghĩa là (màu) vàng, nhưng thực tế bọn cua huỳnh đế có màu giống màu đỏ hơn là vàng, trông tròn tròn giống mấy con ... bọ cánh cứng khổng lồ hơn là giống con cua con ghẹ.


attachment.php

Trông lão Pô trẻ thật, có lẽ đi chơi thoải mái người ta sẽ trẻ ra, và trẻ lâu.


attachment.php

Trước bữa ăn, Noel rất tươi, mẹ con rất ... thắm thiết. Sắp ăn xong có khi lại khác.


attachment.php


attachment.php

Xử lý công đoạn cuối cùng.


attachment.php


attachment.php

Xong xuôi, bia đã sãn sàng. Chúc mừng xuân mới thôi.


Cua ngon thật, dĩ nhiên rồi.
Sau một buổi đi chơi dưới cái nắng nóng, dù có gió biển đem lại sự mát mẻ, nhưng lại có leo bậc cấp trên núi Cao Cát nên cũng có chút mệt mỏi. Tuy rằng leo "vài" bậc cấp ở núi Cao Cát chả đáng gì, nhưng Têt vừa mới qua chưa hết, vận động thế có hơi hổn hển cũng ... không xấu hổ lắm.
Nhất là anh Pô, đi chơi đâu thì đi, khó khăn vất vả thế nào cũng không quá quan trọng, nhưng ăn uống là phải đầy đủ, ngon càng tốt - dĩ nhiên, hehe.
Có thể bỏ qua một vài địa điểm vì khó khăn, vì hết thời gian, hoặc vì gì đó, nhưng ăn là phải đến nơi đến chốn.
Mọi người ăn uống chuyện trò vui vẻ. Noel thì chỉ thấy lạ với món cua là chính, vì ăn một lúc, rồi cô nàng bắt đầu giảm tốc độ, dần dần chuyển sang ... lờ đi không chịu ăn gì cả.
Câu chuyện ăn sang lại tái diễn, ban đầu mẹ Moon còn dỗ nàng ăn, nhưng ngúng ngoắng một hồi rồi lại ... độp độp độp ba phát, lại vừa nước mắt chứa chan vừa nhai trệu trạo.
Rồi chuyện "vất vả" của Noel cũng kết thúc, mọi người trở về nhà trọ nghỉ ngơi, chờ qua cái nắng gắt giữa trưa lại lên đường đi chơi đảo tiếp.

Mọi người chưa kịp rời quán thì gặp nữ lang áo tím hôm qua đi chơi về tới nhà trọ. Nàng ta cũng thuê xe nhưng chạy thế nào đó khác đường, cả buổi sáng không gặp lần nào.
Nữ lang áo tím ở trọ đúng nhà trọ phía sau quán Phượt Đà vưa ăn, nên về tới, nàng ta cũng dừng lại ăn trưa ở quán luôn, trong lúc chờ đồ ăn, thấy lôi cái notebook ra xem xem, ngó ngó.
Lãnh chúa vốn vừa bị hỏng cái thẻ nhớ máy ảnh, nó bị sao đó mà máy ảnh không nhận dạng được, nhưng máy tính vẫn nhận dạng được. Thời gian gấp quá, y chẳng kịp mua thẻ mới mà lùa ngay được cái thẻ từ thời xa vắng nào đó có 512Mb tống tạm vào máy ảnh. Nay thấy nữ lang áo tím lôi notebook ra, y mừng quá nán lại ... mượn để chuyển ảnh từ thẻ nhỏ qua cái thẻ lớn dở hơi.
Phượt Đà kéo nhau về nhà trọ bên kia đường, kéo nhau ra ngoài ban công đứng ... theo dõi phía quán ăn.

Sau này, mỗi khi ngồi với bọn đàn em kể chuyện đi Phú Quý chơi, đến đoạn đó, toàn thấy lão thì thào hạ giọng bảo : "... bọn anh đứng trên ban công từ xa theo dõi, thấy thằng Tunbo hì hục rút ra cắm vào một lúc, thấy nó cười tươi với cô kia, quay trở ra đi về nhà trọ của bọn mình" =))
Về nhà trọ, lăn ngay ra ... ngủ tít.


Về sau, vụ này có thơ rằng :

...
Chiều lại lên ngựa long dong
Dạo loanh quanh đảo, một vòng thật to


Một hồi bàn bạc nhỏ to
Nghị quyết : huỳnh đế, chén cho khoái vào
Giữa đảo, trưa nắng lao xao
Phượt Đà một bọn tấp vào quán ăn
Cua huỳnh đế, gọi mấy cân
Bia cụng lốp cốp, thập phần thỏa thuê
Chỉ mỗi tội, lúc sắp về
Noel bị độp vì … chê cơm nhiều
Cả bọn về nghỉ chờ chiều
Gặp lại áo tím từ chiều tối qua
Lão Tun mượn máy nàng ta
Xổ ảnh thẻ nhớ, rút ra cắm vào
Hồi lâu, xong mới cười, chào
Phóng về nhà nghỉ, lăn vào … ngủ ngay​
 
Sau một buổi dang nắng leo núi, rồi chén hải sản và bia trưa, về tới nhà trọ là tất cả lăn ra ngủ ngay, ngủ ngon.
Tới tầm gần 14g kéo nhau dậy tiếp tục đi chơi đảo buổi cuối, vì sáng hôm sau tàu chạy sớm rồi.

Nhưng đến lúc chuẩn bị lên đường thì có biến : Chẳng ai thấy Noel đâu.
Rõ ràng nó với mẹ và cô giangho nằm ngủ trưa với nhau trong phòng, lúc phòng bên kia mấy người lục cục dậy, bên này cũng dậy theo. Thế mà loay hoay rửa mặt xong, không ai thấy nó đâu.
Lúc này đám người lớn bắt đầu hoảng, mẹ Moon mặt tái mét. Mọi người hốt hoảng vừa gọi vừa chia nhau tìm, mấy người chạy xuống đường, ngó theo 4 hướng ngã tư đèn đỏ tìm tung tích Noel.
Một hồi sau, bỗng nghe tiếng Noel khóc ré trên lầu, mọi người quay lên, thấy cô nàng đang bị mẹ "độp" cho mấy nhát vào mông. Hóa ra nó chui vào tủ áo ... ngồi im =)).
Công nhận lỳ thật, người lớn gọi ầm í, tìm kiếm nháo nhào, chị chàng vẫn ngồi im trong tủ. Người lớn vừa tức vừa cười, mẹ Moon vẫn còn đang giận, nhưng ông Pô thì cười hê hê, khen Noel ... lỳ :))

Cả đoàn buổi chiều vẫn xuất phát theo đường 27/4 rẽ bên trái nhà trọ giống lúc sáng, nhưng hẹn nhau đi sát bờ biển nhất, làm một vòng quanh đảo xem thế nào.
Hết "27 tháng 4" là Hùng Vương (rồi sau đó là Nguyễn Thị Minh Khai) thực ra là một con đường, nhưng từng đọn có tên khác nhau mà thôi.
Tới ngang sân bay Phú Quý, thấy hải đăng trên núi Cấm khá gần, lại bèn cùng nhau hỏi đường tính tìm lên hải đăng.
Rẽ phải vào Hoàng Hoa Thám, rẽ trái vào Bùi Thị Xuân tiến vào chân núi Cấm.
Tới sát chân núi, gặp chốt gác của bộ đội, họ yêu cầu để xe lại chân núi và leo bộ lên.
Đến đây thì bắt đầu .... có chuyện. Nghe nói phải để xe lại leo bộ lên, đầu tiên ông Pô ngần ngừ rất ... hợp lý :"Anh ở dưới chơ thôi, đứa nào leo thì leo. Anh mà leo lên thì mất thời gian lắm, không đủ đi hết vòng đảo mất"
Có người đi trước, có kẻ tiếp bước theo ngay, vợ chồng giangho cũng ngần ngừ theo. Cuối cùng thống nhất, thôi ... bỏ qua hải đăng, vì leo hải đăng sẽ tốn nhiều thời gian, với lại người leo người chờ cũng bất tiện.
Được cái là, đi chơi cốt phải vui, đã quyết rồi là tất cả vui vẻ chấp nhận. Lại quay xe trở ra đường Nguyễn Thị Mình Khai ven biển.
Tiếp tục ôm theo đường Nguyễn Thị Minh Khai, chẳng mấy chốc đã gặp cây chong chóng phong điện đầu tiên. Nó đứng lẻ loi ngay sát lề đường bên phía biển. Cái chong chóng 3 cánh lớn, quay không nhanh lắm, tiếng chém gió nghe veo véo, cũng gần bằng tiếng chém gió của anh Pô :LL


attachment.php

Gặp cây phong điện đầu tiên phía Tây Bắc đảo, đứng ven con đường nhỏ cây cối xanh rì hai bên.


attachment.php

Đứng giữa đường chụp ảnh vô tư, vì đường không có ai ngoài chúng.


Sau mới có thơ rằng :


...
Hồi lâu, xong mới cười, chào
Phóng về nhà nghỉ, lăn vào … ngủ ngay



Giắc trưa đánh thật là say
Xong rồi lại dậy loay hoay lên đường
Bỗng nhiên có sự bất thường :
Noel chẳng hiểu chạy đường nào chơi
Người lớn cứ gọi ời ời
Hoảng hồn tán loạn chia nơi đi tìm
Cuối cùng, thấy nó lặng im
Ngồi trong tủ áo, đứng tim cả nhà
Tất nhiên lại bị mẹ la
Và kèm theo, “độp” cho ba phát liền
Ông Pô xoa dịu, bèn khen
“Quả là gan góc, Noel nhà mình”
Sau khi chuẩn bị linh tinh
Phượt Đà lên ngựa, rùng rình diễu đi
Vẫn rẽ tay trái mà đi
Chạy cặp bờ biển sóng rì rào theo
Con đường cứ thế vòng vèo
Sân bay Phú Quý nằm theo đường này
Vừa chạy gần tới sân bay
Thì thấy núi Cấm nằm ngay gần kề
Bèn hỏi đường để tiến về
Vòng vèo mấy phát đã kề dưới chân
Gặp chốt mấy chú quân nhân
Bắt để xe lại, dùng chân mà trèo
Mấy người bàn bạc eo xèo
Lão Pô lẩm bẩm “Anh leo thế nào”
Giangho cả cặp cũng chào
“Em leo chả nổi, phì phào hết hơi
Lại chiếm hết cả giờ chơi
Thôi em ngồi lại, xin mời ai leo”
Đã vậy, cả bọn đành chiều
Bỏ qua núi Cấm, khỏi trèo hải đăng
Lại ra đường biển lăng quăng
Một hồi chạy tới cây Phong điện rồi
Một mình nó đứng bên đồi
Cánh quay chém gió từng hồi veo veo
Đường vắng, cả bọn … hò reo
Chụp choạch lia lịa ì xèo ngay bên
 
Tiếp tục lên đường, con đường vòng về bên phải, chạy dần sang phía Đông hòn đảo, tới đoạn gần như cực Bắc đảo, có thêm hai cây chong chóng phong điện đứng gần nhau ở hai bên đường. Vào thời điểm đó (3/2013) ngoài đảo Phú Quý vẫn chưa đủ điện sinh hoạt, điện trên đảo vẫn cắt từ 23g đến 7g sáng hôm sau.
Nguồn điện cung cấp cho cả đảo khi đó là 3 cây chong chóng Phong điện này, với một nhà máy nhiệt điện nhỏ phía Đông Nam đảo.
Đến phía Bắc đảo này, bên phải con đường nhỏ vẫn là những bụi cây lúp xúp xanh rì (những khu dân cư ven đường đã kết thúc từ đoạn gần sân bay Phú Quý ở lưng chừng đảo rồi, càng đi lên phía Tây Bắc càng vắng nhà dân, đến doạn này là không có nhà nào hết. Bên phải con đường là biển rồi.
Gần hai cây chong chóng phong điện là một khu nghĩa trang lớn, có chiếc cổng khá to đẹp hoành tráng.
Cả đám lại dừng lại chụp choach, khi thấy xa xa phía sau nghĩa trang, bắt đầu xuất hiện khu dân cư mới.


attachment.php

Ông chưa già và biển cả.


attachment.php


attachment.php

Cây chong chóng phong điện phía bên trong, góc trái là núi Cao Cát phía Đông Bắc đảo.


attachment.php

Cây chong chóng phong điện phía ngoài bờ biển. Phía sau là nghĩa trang với cái cổng rất bề thế.


Chỗ này nhìn chéo về phía tay phải đã thấy núi Cao Cát sừng sững phía xa với cột ăng ten cao ngất, phía sau khu nghĩa trang đã thấy một khu dân cư mới của xã Long Hải.
Biển xanh ngắt ngay bên cạnh, mấy bạn khoai đang lướt ván dù dưới biển. Lúc này mới nhớ khi leo lên boong thượng của tàu Phú Quý 07 lúc ra đảo, thấy xếp rất nhiều ván lướt sóng. Hóa ra các bạn khoia mang ra để chơi ngoài này.


attachment.php

Núi Cao Cát với tượng Quan Âm màu trắng trên đỉnh, góc trái ảnh đã thấy một khu dân cư đông đúc.


attachment.php

Dưới biển, mấy bạn Tây đang chơi trò lướt sóng bằng dù.


Đoạn này sau có thơ rằng :


...
Đường vắng, cả bọn … hò reo
Chụp choạch lia lịa ì xèo ngay bên


Chụp ảnh xong lại tiến lên
Đường vòng tay phải lên miền Bắc cao
Gió lồng lộng, sóng rì rào
Hai cột phong điện gần nhau bên đàng
Ngay cạnh là một nghĩa trang
Lại dừng chụp ảnh dọc ngang một hồi​
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,728
Bài viết
1,136,484
Members
192,526
Latest member
8xbetirish
Back
Top