Ngũ Hành Sơn là danh thắng mang biểu tượng tâm linh của người dân Đà Nẵng.
Ngũ Hành Sơn cách thành phố Đà Nẵng khoảng 8km về phía đông nam, nằm trên tuyến đường đi Hội An, vì thế có thể đến Ngũ Hành Sơn theo tuyến đường biển Hoàng Sa (đường Sơn Trà - Điện Ngọc) hoặc tuyến đường Ngũ Hành Sơn - Lê Văn Hiến.
Bạn có thể bắt xe bus tuyến "Đà Nẵng - Hội An" đến làng đá mỹ nghệ Non Nước và thăm thú Ngũ Hành Sơn.
Thông tin về tuyến xe bus Hội An - Đà Nẵng: chính thức hoạt động từ tháng 11-2005, cứ 20 phút có một chuyến xe buýt xuất hành tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng, tuyến có tám xe với tần suất bình quân 37 chuyến xe/ngày, bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng đến 18 giờ 30 hằng ngày. Giá vé: Đà Nẵng - Ngũ Hành Sơn 7k; Đà Nẵng - Hội An 15k
Lộ trình từ Đà Nẵng: bến xe trung tâm - Tôn Đức Thắng - Điện Biên Phủ - Lê Duẩn - Trần Phú - Trưng Nữ Vương - Núi Thành - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Ngũ Hành Sơn - Hội An. Từ Hội An đi: bến xe Hội An - Ngũ Hành Sơn - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Núi Thành - Trưng Nữ Vương - Bạch Đằng - Phan Đình Phùng - Yên Bái - Lê Duẩn - Điện Biên Phủ - Tôn Đức Thắng - bến xe trung tâm.
Thông tin về các ngọn núi Ngũ Hành Sơn:
Quần thể danh thắng Ngũ Hành có 6 ngọn núi nằm ngay gần bên một trong những bãi biển đẹp nhât của thành phố Đà Nẵng - bãi biển Non Nước. Dưới chân ngọn Thủy Sơn còn có làng đá Non Nước với nhiều sản phẩm mỹ nghệ kỹ xảo đẹp mắt. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy mua hàng ở đây rất dễ bị hớ, vì thế nếu có thể bạn nên qua các cửa hàng đá mỹ nghệ trên dọc đường Nguyễn Chí Thanh để lựa chọn và mua hàng (gợi ý: cửa hàng đá Thanh Tùng, 165 Nguyễn Chí Thanh, 0935999002 - cửa hàng này bán giá rất hợp lý, hàng hóa do chính gia đình của chủ nhà làm chứ không nhập ồ ạt từ các xưởng khác).
Nếu có thời gian, bạn có thể đi xe máy khám phá hết tất cả những di tích của cụm danh thắng này, còn nếu thời gian và phương tiện không cho phép bạn có thể thực hiện một cuộc tham quan ngắn qua ngọn Thủy Sơn và làng đá Non Nước. Sau đây là một số thông tin tham khảo thú vị về các ngọn núi của Ngũ Hành Sơn (sưu tầm)
- Kim sơn (Metall - metal) là hòn núi khiêm tốn nhất trong 5 ngọn núi kéo dài từ đông sang tây, sông Trường nối dài ra sông Đà Nẵng, có đò Bến ngự ngày xưa Vua chúa thường cập bến nơi đây để ngọan cảnh, qua thời gian biển dâu biến thành ruộng đồng, sông Trường có tên "Lộ Cảnh Giang là sông Cổ Cò", đã bị vùi lấp biến thành ruộng hoặc hồ nước còn dấu tích của những đoạn sông chưa bị lấp kín
- Mộc sơn (Holz - wood) phiá đông nam nằm song song với núi Thủy sơn dù mang tên là mộc, nhưng cây cối mọc rất ít núi cũng có hang động nhỏ, Mộc sơn có khối đá cẩm thạch trắng giống hình người
- Thuỷ sơn (Wasser - water) phiá đông bắc là núi đẹp nhất, du khách thường đến ngoạn cảnh gọi là Chùa Non Nước, phong cảnh hữu tình có thể nói núi Thủy sơn nằm dài từ đông sang tây rộng 15 ha, có nhiều Chùa được xây cất lâu đời, có động Thạch nhũ, có hai chùa đẹp chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng, đường lên núi làm bằng từng cấp lót đá, trên đỉnh 3 ngọn núi mang tên là "Tam Thai" bởi vì nó giống như "Sao Tam Thai" tức là 3 ngôi sao làm thành cái đuôi của chùm sao Đại Hùng Tinh. Du khách từ vùng biển muốn lên thăm Linh Ứng phải bước lên khoảng 108 tầng cấp, nếu đến chùa Tam Thai nằm ở phiá nam phải đi xa hơn những tầng cấp dài 156 bậc. Ngày nay phần lớn du khách đến Thuỷ sơn bằng xe từ đường Huyền Trân, hai bên đường là làng chuyên về nghề điêu khắc tạc tượng, bằng đá cẩm thạch
- Hỏa sơn (Feuer - fire) ngọn núi hướng về phiá tây nam sườn núi hiểm trở và dốc, hang động hoàn toàn im lặng, đối diện với hòn Kim Sơn, bên trái đường Sư Vạn Hạnh, trên dãy núi Hỏa sơn còn lại những đống gạch vụn từng mảnh hay đôi khi nguyên vẹn, trong những hố đá gạch sụp lở đó là di tích đền tháp của người Chiêm Thành. Hoả sơn nơi người ta khai thác lấy đá cẩm thạch. Đá cẩm thạch non nước có nhiều vân, sắc đẹp hồng, xám, trắng, những loại đá khác nhau rất hữu ích cho công nghiệp, đá vụn để trãi đường, tô tường nhà. Hỏa Sơn gồm có một hòn Âm và một hòn Dương, nối liền với nhau bằng một đường đá thiên tạo nhô cao hẳn lên.[1]
Hòn Âm Hỏa Sơn nằm phía đông, gần đường Lê Văn Hiến, chóp núi tròn nhô lên cao hơn. Sườn núi có nhiều thớ đá nằm nghiêng và chạy nghiêng cắt ra từng đoạn, cây cối mọc ở các kẻ đá, ở mỏm núi phía đông có một cái hang thông từ sườn phía nam ra sườn phía bắc. Nhân dân địa phương thường đi theo đường này đến các hòn Kim Sơn và Thổ Sơn.
Hòn Dương Hỏa Sơn nằm ở phía tây. Ngày xưa, khi còn giao lưu được giữa Hội An và Đà Nẵng bằng đường thủy, ở đây có một bến sông, ghe thuyền đi về buôn bán vô cùng tấp nập. Trên bờ sông, sát chân hòn Dương Hỏa Sơn có khu miếu Ông Chài, hiện đã bị đổ nát. Tên dân dã "núi Ông Chài" có thể bắt nguồn từ đó. Tại một điểm cao trên sườn núi cheo leo, vách đá thẳng đứng, phía bắc Dương Hỏa Sơn nhìn về phía Kim Sơn, có ba chữ Hán lớn, nhìn từ xa rất rõ "Dương Hoả Sơn" và một dòng chữ nhỏ phải đến gần mới thấy : "Sắc Minh mạng thập bát niên thất nguyệt nhật cát lợi".
- Thổ sơn (Erde - earth) là núi thấp nằm chính giữa có dạng vuông, cạnh không đều nhau, Thổ sơn không có phong cảnh đẹp chỉ có đất sét đỏ và đá cát lẫn lộn. Theo truyền thuyết Thổ sơn là nơi linh địa ngày xưa người Chiêm Thành đồn trú nơi đây, còn tìm thấy những nét về văn minh người Chiêm Thành điêu khắc vào đá như một cứ điạ từ đó xuất phát đi cướp phá các vùng biển có tàu buôn đi từ Trung hoa xuống đến vùng biển Mã lai. Thổ sơn thấp bao quanh những ngọn núi cao hơn.