What's new

[Chia sẻ] Phượt miền trung một thời lửa khói

Tôi cũng chưa quá già để mất cái máu phượt trong người, nhưng cũng không còn trẻ để trèo đèo lội suối ngả đâu cũng là giường. Và cũng không quá cầu toàn khi đi du lịch chỉ để nghỉ dưỡng hoặc mua sắm. Với cái chất chẳng giống ai đó tôi lên kế hoạch đi "bán phượt" cho cả gia đình vào miền trung một thời lửa khói của đất nước. Chính vì cái chất chẳng giống ai nên cái kế hoạch của tôi cũng khác lạ, không tìm đến những hang động được gọi là "Di sản thiên nhiên thế giới" như động Phong Nha hay động Thiên đường. Mà chuyến đi của tôi được lên kế hoạch chia làm 2 phần: "Tìm hiểu chiến tranh và nghỉ dưỡng"
Tôi là thế hệ hậu sinh (sinh ra được 1 năm thì đất nước thống nhất) nên cũng rất may là chưa một ngày phải cầm súng bắn "kẻ thù" bất kỳ "kẻ thù" đó là ai nên cách đi của tôi cũng không giống các cụ già là "Thăm chiến trường xưa" mà tôi muốn tự đi tìm hiểu, tự suy nghĩ (không thuê HDV khi đến các điểm) và tự đánh giá theo cái suy nghĩ riêng của mình về cuộc chiến tranh Nam - Bắc 1954-1975 của dân tộc.
Cách hành văn của tôi có thể hơi lủng củng, ảnh ọt tôi chụp cũng chẳng ra gì, nhưng đó là suy nghĩ của tôi, cảm xúc của tôi khi thực hiện chuyến đi này. Tôi viết sẽ không theo thứ tự thời gian của cuộc hành trình, mà sẽ viết theo những điểm đến của chúng tôi gồm 1 gấu và 2 F1.
 
CÁC ĐIỂM ĐẾN

Lăng mộ của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Mở đầu cho cuộc phượt di tích chiến tranh của chúng tôi không phải là những địa danh bom đạn ác liệt mà lại là Phần mộ của Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác. Có lẽ cụ là một tromg những phượt tử đầu tiên của Việt nam mình khi viết cuốn "Thượng kinh ký sự" nổi tiếng kể về chuyến hành trình ra Thăng long chữa bệnh cho Chúa Trịnh Cán. Sau đó ông đã từ bỏ mọi vinh hoa phú quý mà lui về Hương sơn viết bộ "Y tông tâm lĩnh" Ông được coi là ông tổ của ngành y Việt nam.
Trải qua hơn 200 năm, trong khi tất cả các di tích khác hầu hết đã bị phá hủy nhưng lăng mộ của ông vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào.





 
Nghĩa trang Liệt sĩ Trường sơn

Tôi đến nghĩa trang liệt sĩ Trường sơn vào buổi chiều tà, khi những ánh nắng cuối cùng sắp xuống bên kia dãy trường sơn. Đứng trước hàng ngàn bia mộ của các anh, những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh từ Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Hà nội cho tới Bình trị Thiên tôi mới thấy sự khủng khiếp của cuộc chiến tranh này. Cái giá phải trả cho sự khác biệt về ý thức hệ giữa hai miền là quá lớn. Nó phải trả bằng máu của hàng triệu người con đất Việt. Tôi muốn thắp cho tất cả các anh một nén hương thơm nhưng không thể. Thời gian thì có hạn mà có tới 10.263 phần mộ thôi đành dâng những nén hương chung. Mong tất cả các anh ngậm cười nơi chín suối













 
Khu trung tâm nằm trên một ngọn đồi cao 32,4m có đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghiêm, rỗng ruột và khuyết ba mặt, thể hiện nỗi mất mát vô cùng. Hai bên là bức phù điêu được khắc vào đá mô tả những binh đoàn.









Bốn khu đặt mộ liệt sĩ được xếp theo tỉnh, thành phố trải trên năm quả đồi. Xen kẽ các khu mộ là những cánh rừng. Lối đi được lát đá, gạch hoặc tráng xi măng, hoa nở bốn mùa hai bên.



 
Mỗi khu đều có nhà tưởng niệm với kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng quê đất nước

Khu các anh quê Hà nội



Khu các anh quê ở Bình Trị Thiên



Khu các anh quê Hà Nam Ninh



Nơi các anh yên nghỉ




 
Có biết bao nhiêu người mẹ Việt nam như thế này tiễn con đi rồi không thấy ngày trở về



Thi thể của các anh đã mãi mãi nằm dưới lòng đất khi tuổi đời còn rất trẻ



Chia tay những liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường sơn, gia đình chúng tôi lên xe im lặng. Ngay cả 2 F1 suốt buổi nghịch ngợm nô đùa trên xe cũng ngồi im suy tư. Nghĩ về những người ngã xuống và cùng cầu nguyện cho tất cả những người con đất Việt, (nhất là những người chưa được hoặc không được quy tụ đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương mình) siêu thoát. Mong các anh hãy vui mừng vì dù sao đất nước ta cũng được thống nhất dù cái giá phải trả cho nó quá đắt

 
Rời Nghĩa trang liệt sĩ Trường sơn chúng tôi lên đường phóng về phía đường 9. Chỉ chưa tới 20km là đã tới được ngã 3 đi Lao bảo. Tôi định rẽ phải về Khe sanh ngủ để sáng hôm sau đi Khe sanh. Nhưng gấu can và bắt tôi rẽ trái về phía Đông hà. Tuy phải rẽ trái nhưng tôi tiếc đứt ruột và chắc chắn phải quay lại để xem một trong ba mắt thần của hàng rào điện tử Mc Namara. Có lẽ đây là điểm bỏ sót lớn nhất và đáng tiếc nhất của tôi trong cuộc hành trình này



Về tới Đông hà rẽ vào Khách sạn Đông trường sơn theo recommend của các cụ otofun



Khách sạn này được cái rộng rãi, sạch sẽ và giá rất ok

 
Vùng đất lửa Quảng trị.

Nhắc tới vùng đất này công đầu tiên mở mang phải kể tới Bà Huyền Trân Công chúa. Nhờ việc bà đã anh dũng vào làm vợ vua Champa - Chế Mân (một đất nước còn lạc hậu với những hủ tục rất man rợ hồi bấy giờ) để đổi lại 2 châu là châu Ô và châu Rí (châu Ô là đất Quảng trị ngày nay). Nhờ việc đó mà nhà Trần thời bấy giờ không mất 1 mũi tên ngọn giáo nào mà mở rộng thêm được đất nước. Thế nhưng không hiểu sao với công lớn như thế nhưng ở ngay giữa Hanoi không có một con đường nào được đặt tên theo tên của bà (Saigon thì có) thay vào đó những đường phố được đặt tên theo một số ông mà tôi cũng chẳng biêt ông ta là ai? có công trạng gì? Hơn nữa sử sách trong cái nền giáo dục của mình cũng nói về bà rất ít.
Vùng đất lửa này là một trong những nơi có những cuộc chiến khốc liệt và tàn bạo nhất trong cuộc chiến Nam - Bắc giữa QDNDVN và QDVNCH. Nơi đây là nơi thiết lập hàng rào điện tử McNamara nổi tiếng. Rồi các chiến dịch Đường 9 Khe sanh năm 1968, Đường 9 Nam Lào năm 1971 và đặc biệt là Trận đánh thành cổ Quảng trị tàn bạo và khốc liệt nhất trong chiến tranh Nam - Bắc VN







 
Thành cổ Quảng trị dấu ấn của trận chiến

Hồi còn nhỏ, tôi thường xuyên lân la sang nhà hàng xóm nghe người lính già kể chuyện về những ngày tháng ông đã chiến đấu anh dũng ở trận đánh thành cổ Quảng trị. Nhưng hồi đó còn quá nhỏ nên tôi không hiểu lắm về cuộc chiến này chỉ cần cuối cùng hỏi một câu: "Bác ơi cuối cùng quân ta thắng hay quân địch thắng ạ?" và nhận được câu trả lời: "Quân ta thắng nhưng quân ta rút quân để bảo toàn lực lượng rồi để sau này giải phóng miền nam cháu ạ". Hồi đó tôi đâu có hiểu gì về lực lượng, về chiến tranh. Chiến tranh với bọn trẻ ở phố nhà tôi chỉ là trò đánh trận giả. Thằng nào bị cho vào phe địch là không thích, thằng nào cũng muốn làm chú bộ đội để sau này cầm súng bắn nhau "bùm! bùm!". Lớn lên một chút mải học hành rồi ra trường đi làm cuộc sống cứ cuốn trôi đi. Cũng không mường tượng được gì về sự khủng khiếp của chiến tranh và hậu quả của nó. Hôm nay đến đây đứng trước đống đổ nát của thành cổ tôi không đi tìm những cái mới, những cái được người ta xây lại. Mà tôi ngẩn ngơ đứng trước vẻ đổ nát, nhìn từng viên gạch, từng ngọn cỏ vì mỗi viên gạch mỗi ngọn cỏ nơi đây đều có linh hồn của những người lính cả hai phe ngã xuống vì những lý tưởng riêng, những ý thức hệ riêng. Nhưng trên hết họ đều là những người lính Việt nam hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình

Qua sông Thạch hãn xin mượn mấy vần thơ của bác Lưu Bá Dương để mô tả cuộc chiến khốc liệt cũng như cầu cho vong linh của những người lính

Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm



 
Hình ảnh thị xã Quảng trị trước năm 1972 và trong cuộc chiến (ảnh sưu tầm)

Trước 1972, khá sầm uất





Trong cuộc chiến

Những người lính QDNDVN và Giải phóng quân của MTDTGPMN











Lính VNCH và lính Mỹ









Bom đạn khói lửa tàn phá thị xã Quảng trị

 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,718
Bài viết
1,136,048
Members
192,483
Latest member
79kinggcc
Back
Top