What's new

"Quán nác quê choa"

Bác nhắc đến ai rứa hầy??? Cụ Sơn ti teo nổi tiếng a??? Trời, Cụ nớ cụ lắm rồi. Nỏ ai nhớ Cụ nớ là cụ mô nựa mô.
 
Mình sẽ vào chỗ này thường xuyên để học ngoại ngữ...

Kính các bác! Em ù hết cả tai lẫn gáy!

Vãi cả hàng các bác. Em là dân nghệ gốc, chỉ có không ngọn thôi, mà mất 5' để đọc hiểu mấy cái các bác nói. Mấy bác ở vùng khác chắc mất cả tiếng.:D

Em có ý kiến tí ti với các bác về việc sử dụng tràn lan phương ngữ. Dừng để tôn vinh, làm đẹp cho ngôn ngữ không dễ. Dùng đến mức làm sai lệch ngôn ngữ chung, gây khó hiểu cho nhiều người có khi phản tác dụng đấy các bác ạ.
 
Quán nác quê choa nghĩa là Quán nước ở quê chúng tôi. Mà ở quê chúng tôi ấy cậu ạh, cứ vào quán nước là xôm, đặc biệt là các cụ ông, cụ bà bán nước răng đen móm mém. Họ nói chuyện (Gọi là học truyện) đời, chuyện người, chuyện đông tây kim cổ, chuyện thằng cônanđô đá bóng tài ra răng, thằng Yóc (York), thằng Câu (Cole) phối hợp ra răng (ntn) là có hết cả. Mà họ cũng chỉ nói tiếng "choa".
Ô vuông trên có nhắc một câu "Ai vô xứ nghệ thì vô...", ý là ai vào cái Quán này thì vào, vui thì chầu thôi mà. Thấy buồn, không hợp thì thôi. Ý kiến trong nhà người ta là không hay rồi. Dù sao cũng chỉ là topic buôn chuyện.
 
Các bạn thân mến!

Việc lập một topic giới thiệu về danh lam thắng cảnh, con người, sản vật và văn hoá địa phương quê "choa" như thế này là điều rất đáng hoan nghênh. Đây cũng là nơi thích hợp để thảo luận về phương ngữ (như những bài viết của các bạn ovuong, botram ...) hoặc đơn giản là nơi các bạn đồng hương và tất cả dân phượt cùng vào buôn chuyện, tụ tập hay hò hẹn ... vv

Việc mở topic này là hợp lệ tuy nhiên việc nhiều bài viết trong topic này chủ yếu (và có chủ ý) viết nhại theo cách phát âm tiếng địa phương là phạm quy và rất khó đọc. Giọng nói mỗi vùng, miền có thể khác nhau nhưng chữ viết thì chỉ có một, tiếng Việt hay ngoại ngữ khác cũng vậy thôi. Do đó các bạn chú ý post bài bằng tiếng Việt có dấu, đúng chính tả và ngữ pháp nhé!
 
Khi lập topic này, em đã chọn đất là Quán phượt, nơi để mọi người rủ rê, lôi kéo, tụ tập bàn bạc tất tần tật những vấn đề mà Pháp luật "Phượt" không cấm (mà Pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền, Bác nhỉ:D).
Nhưng em nghĩ Bác để bọn em tiết giảm thì tốt hơn là cấm đoán, vì
- Đa số các topic, nếu nói về thổ âm, chính tả đều có lỗi cả.
- Là góc để dân Nghệ chúng em giao lưu, tụ tập.
- Topic nằm trong Quán, nơi đủ mọi loại người từ thập phương, nếu khách đến người khác còn phân biệt vùng miền chứ (Tỷ như Bác vào quán bên đường vậy, nghe: ri, tê, mô... biết ngay dân Nghệ, nghe: hỏng cóa, số zách, ... biết ngay dân miền trong, nghe: xe độp, con gè... biết dân Quảng nam, Phú yên...). Đấy cũng là điều hay mà không thể thể hiện trong các bài viết, văn phong trong các topic chính thức được.
- Cũng là niềm tự hào của bọn em (giọng điệu).
Đấy, em đưa ra các lý do như vậy. Nếu Bác (các bác) không cấm, bọn em sẽ tiết giảm để mọi người đọc dễ hiểu hơn. Nếu cấm, mà là cấm tiệt. Các Bác đóng cái quán này lại cho.
Ah, chúc mừng Bác quay trở lại, nghe "bẩu" Bác bị cái "rì".:D
 
Chứ ngái ngôi chi mà anh nỏ về
Hay là vì quê em nghèo đói
Hay Anh chê em vụng về câu nói
Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà
Chắc có lẹ rứa mà anh chê
Chắc có lẹ rứa mà anh nỏ về...



Em đọc mấy bài reply của các bác, em nghĩ:
Đây là topic của dân Nghệ buôn chuyện, sẽ là nơi chủ yếu để dân Nghệ của Phượt.com gặp gỡ, nói chuyện với nhau. Ngoài ra còn giao lưu với các bạn ở các miền quê khác.
Mỗi miền quê (Tỉnh, Huyện, thậm chí là Làng) đều có văn hoá, phong tục và ngôn ngữ, giọng nói đặc trưng rất riêng. Người Xứ Nghệ cũng vậy. Họ có giọng nói rất nặng, rất "trọ trẹ" như một số người vẫn nói. Nhưng đó là Văn hóa và truyền thống bao đời của một mảnh đất. Không ai lớn lên mà không có gốc rễ quê hương cả. Đặc biệt Người Nghệ, cái tính tự hào quê hương của họ rất cao. Các bạn để ý mà xem, dân Nghệ khi nói chuyện với dân khác, họ có thể dùng ngôn ngữ của dân đó (phổ thông), nhưng khi gặp đồng hương thì 100% họ nói giọng quê. Nơi Xứ Người, nghe giọng nói trọ trẹ thì ai cũng thấy ấm lòng lạ. Ngay cả việc đi cái xe máy. Nếu ai là dân Nghệ mà đi ngoài đường thấy cái xe khác có biển số 37, 38 thế nào cũng chạy lên hỏi: Dân Choa àh ???. Chả quen biết gì cả, chỉ cần nghe cái giọng, nhìn cái biển số xe là thấy thân quen, thấy tình đồng hương, thấy tình quê Xứ Nghệ...

Em xin thưa với các bác là các từ ở trên là các từ được phiên âm theo tiếng phổ thông rồi, nếu các bác để ý lôi cuốn từ điển Tiếng việt ra mà xem thì nó cũng có trong đó đó. Đơn giản đó là một bộ phận cấu thành ngôn ngữ của Việt Nam.

Em rất tôn trọng các đặc trưng văn hóa của các vùng miền. Mỗi nơi có một tín ngưỡng, tôn chỉ, đặc trưng phong thái riêng, cái đó là nên tổng hòa của nền văn hóa Việt Nam. Em tôn trọng các đặc trưng đó.


Chúc các bác một ngày tốt lành.

Muôn đời thì em vẫn là Dân Nghệ - Dân Cá gỗ...
 
Có bài viết hay hay về Xứ Nghệ, em đưa lên ta cùng đọc nhá...


TÍNH CÁCH CON NGƯỜI XỨ NGHỆ
- Vũ Ngọc Khánh -



Bàn đến phong cách của con người xứ Nghệ, chúng tôi có dịp đưa ra một nhận xét, được giới nghiên cứu tán thành. Đó là hiện tượng có 3 nhân vật trong một con người xứ Nghệ:

- Một kẻ bình dân khố chạc (tiếng địa phương là khố dây, chỉ hạng người cùng cực)
- Một con người chữ nghĩa văn chương
- Một chiến sĩ tiền phong cách mạng.

Cả ba nhân vật đều có 4 đặc điểm chung nhau:

- Cái chất lý tưởng trong tâm hồn
- Sự trung kiên trong bản chất
- Sự khắc khổ trong sinh hoạt
- Sự cứng cỏi trong giao lưu.

Nhìn vào văn hoá ẩm thực của những con người trên mảnh đất này, những phong cách trên đây cũng khá phù hợp.

Ai không quen với các vùng đất xứ Nghệ, hoặc thổ âm Nghệ Tĩnh, thường dễ gặp những ngỡ ngàng trong sự giao lưu. Ngay khi nghe một điệu dân ca - một khúc hát đò đưa, hay một câu hát dặm - cũng thường thấy khó hiểu, gây ít nhiều hạn chế trong việc thưởng thức. Đến với những đồ ăn thức uống ở đây cũng vậy. Các vật phẩm đều có giá trị riêng, nhưng nếu không phải là người đồng điệu với quê hương Hồng Lam, thì khó mà nhận ra nét đặc sắc.

Điều chủ yếu nhất, là những người thưởng thức phải thực sự là người bình dân, hoặc gắn bó với người bình dân mới được.

"Ra về răng được mà về
Ở đây tay gối đầu kề nỏ hơn!".

Có những loại thực phẩm được gọi bằng thổ ngữ, nghe rất xa lạ, mặc dù đó là những món bình thường: Nhà Từa rau vác, Giao Tác cà ngải, Phúc Hải bèn môn là ba thứ rau cà nổi tiếng của ba thôn (nay thuộc xã Thuận Lộc - huyện Can Lộc - Hà Tĩnh). "Bèn môn" là loại cây ngoài Bắc gọi là dọc mùng, ở Huế gọi là chột nưa. "Bèn" là thân cây mùng trơn tru một chiều dọc, lá to xòe trên ngọn, "môn" là củ khoai. Người xứ Nghệ thường gọi cây củ xứ mình bằng cái tên riêng như vậy.

Một thí dụ nữa: ở xứ Nghệ có loại cây giống cọ, gọi là "cây tro". Cây tro có quả như quả trám, được dùng làm món ăn, người Nghệ gọi là trấy tro (trấy = quả); tro ăn với bánh đúc rất ngon, đến nỗi người ta bảo nhau "bánh đúc trấy tro, bán bò không kịp" (nghĩa là ăn bánh đúc mà phải bán bò để lấy tiền trả nhà hàng).

Loại thực phẩm như vậy có gì là cao sang đâu, vậy mà người xứ Nghệ rất thích. Người Nghệ không thích những món màu mè, xào nấu, tô điểm công phu, mà chỉ thích những món chân chất, thô sơ, mộc mạc. Nào: "măng chua, nước chát", nào "khoai lang chạc, nước chè trâm", nào "cá lép kẹp rau mưng", "bún, giá, cá, ruốc"...

Ngay trong cách chế biến, nấu nướng, người xứ Nghệ nấu nướng một cách đơn giản, không cầu kỳ. "Chặt to kho mặn" là tác phong quen thuộc của các bà nội trợ. Các thứ để gia giảm họ chỉ thêm những gì dễ kiếm và bình dị nhất. "Cá đồng nấu khế, cá bể nấu dưa", hoặc "Cá bống kho tiêu, cá thiều kho mỡ". Những nguyên liệu, dụng cụ mà người Nghệ dùng trong việc ăn uống cũng thường là những loại to lớn, gần với thực trạng lớn lao trong thiên nhiên, chứ không phải những thứ thanh mảnh. Gạo nếp Voi (có nhiều ở huyện Kỳ Anh), chè xanh phải là chè cốt (bẻ cả lá và cành vào nồi nấu chứ không phải chỉ lấy lá). Bát đem xới cơm hay múc nước phải là loại bát to, gọi là "đọi nậy".

Ngay khi ăn uống, người dân có cách ăn mạnh mẽ, đôi khi quyết liệt, ào ào. Bánh đúc thì phải bẻ ba, cá trích phải cắn ngang, tôm canh phải quẹt ngược. Ta dễ liên hệ đến những đường nét ngang dọc có sức công phá trong những câu thơ của Hồ Xuân Hương "Xuyên ngang mặt đất, đâm toạc chân mây"...

Khí thế hào hùng của người xứ Nghệ toát ra cả trong khi ăn uống. Ăn như thế mới thực là khoái. Rất khoái với những món ăn quê hương thật thà, thô lậu: "Cháo kê bánh đỗ, ai chộ (thấy) cũng thèm. Bồng bồng nấu với tép kho. Dẫu chết xuốngmồ cũng dậy mà ăn"... là như thế. Rõ ràng là lối ăn uống của những anh chàng "khố chạc".

Nhưng không phải ở vùng đất này không có những món ăn cao cấp. Người xứ Nghệ cũng rất thành thạo cách chế biến các thức ăn trong những ngày có cỗ bàn, ngày lễ, tết. Người ta cũng làm các loại giò hoa, chả lụa rất cầu kỳ, làm các loại bánh trong, bánh lọc... Người ta biết chọn những thức ăn kết hợp với nhau, thành một thứ mỹ vị, vừa có giá trị dinh dưỡng, vừa là loại hiếm hoi: gạo tám xoan, gan cá bống, hay cơm ló (lúa) lốc, trốc (đầu) cá rô (lúa lốc là loại lúa thơm ngon).

Bún sốt lòng tươi là món ăn quý, con cái thưòng dành mời bố mẹ. Chim bồ câu cũng là loại chim dùng để biếu xén, hoặc là để bồi dưỡng cho người ốm. Xứ Nghệ gọi bồ câu là con cu cu. Cũng có loại chim cu ngói và cu cườm là loại quý, xuất hiện theo mùa "chim ngói mùa thu, chim cu mùa hè".

Đỏ vàng son, ngon mật mỡ là chỉ các loại bánh tùng, bánh ngào, có một hương vị rất riêng, khác với các loại bánh mật ở nơi khác.

Thịt chó xứ Nghệ cũng là món thích khẩu, và cũng có phần khác, đậm đà hơn ở nhiều nơi. Có làm thịt phải là chó mỡ. Món nhựa mận (thịt chó) được làm rất công phu. Người ta cắt thịt từng miếng, bóp với mẻ, riềng, sả, hành, ớt, lá quýt và các gia vị khác như mật mía, mắm tôm, nước mắm và còn có thêm lớp bỏng rang. Tất cả đóng vuông như cái hộp, vắt đất sét gói thịt lại, trám kín rồi đem nung bằng trấu cho đến khi vỏ đất sét cứng như ngói. Làm như vậy món thịt để được rất lâu. Khi cần lấy ra, bỏ thịt vào nồi, hâm lại, thịt vẫn ngon và thơm như mới.

Khi không tiện làm thịt chó, người ta có thể dùng thịt lợn hoặc thịt chim, nhất là chim cói, chim giang giang để nấu món giả cầy. Giả cầy các nơi đều dùng thịt lợn, giả cầy ở xứ Nghệ dùng cả chim cói (một loại với cò, nhưng không phải cò), ngon hơn.

Xứ Nghệ cũng có những món ăn riêng, được đi vào ca dao, tục ngữ hay đi vào cổ tích, đi vào kho tàng đặc sản dân tộc như ở nhiều nơi. Điều đặc biệt là những món hàng địa phương như thế vẫn bộc lộ cái chân chất, cái thô sơ của miền quê xứ Nghệ. Cổ tích có câu chuyện cá rô Bầu Nón.

Bầu Nón là một cái ao lớn ở huyện Nam Đàn, có thứ cá rô ngon tuyệt vời. Thời Chúa Trịnh cầm quyền, món cá rô này là vật dân làng Hồ Liễu (Xuân Hồ và Xuân Liễu) phải đem vào tiến cung. Tiến cá rồi còn phải tiến cả người biết nấu cá. Đầu tiên là niềm vinh dự, sau lại thành cái nạ cho dân làng. Bà đầu bếp này (tên bà Ngọ) đã phải lập mưu để Chúa Trịnh chán nản mà không quấy rầy dân làng nữa. Nhưng cá rô ở đây vẫn cứ mãi là thức ăn ngon lành:

"Cá rô Bầu Nón kho với nước tương Nam Đàn
Gạo tháng mười cơm mới, đánh tràn không biết no".
 
Ta lại nói đến tương. Tương thì ở đâu cũng có. Nổi tiếng như tương Bần khắp cả nước hâm mộ. Xứ Nghệ có món tương Nam Đàn cũng được nhiều người biết đến trong câu "Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn".

Quả tình món nhút mới là món thực phẩm chỉ có ở xứ Nghệ, cũng chỉ là loại dưa muối chua mà thôi, nhưng vật liệu chủ yếu là mít non và xơ mít. Nhút này phải chấm với tương Nam Đàn mới thực là đúng vị. Còn một thức nữa mà có lẽ không đâu có, nó được gọi bằng một cái tên rất ngộ" "hai ướt một ráo".

Cái gì vậy: đó là những lớp bánh cuốn (người Nghệ gọi là bánh mướt) bọc hai bên bằng hai lớp bánh đa (người Nghệ gọi là bánh khô). Ngày xưa người ta làm loại bánh này một cách rất dân dã , thủ công. Quấn thành từng cái bánh như vậy rồi bỏ cả vào một cái bị cói, tha hồ đấm mạnh bên ngoài, khiến cho bánh tráng gãy vụn, bánh mướt nát nhừ, đoạn lấy ra vắt thành từng nắm, để chấm với nước mắm có pha gia vị - chỉ có thế thôi mà ăn rất lạ miệng, rất ý vị.

Hai ướt là hai lá bánh mướt, một ráo và một tấm bánh khô. Ngày nay người ta không đấm, không vắt thành nắm nữa, mà đem quấn gọn bánh mướt ra ngoài lát bánh tráng, trông có vẻ lịch sự hơn. Khi ăn đồng thời được nếm cả vị khô và vị ướt, có âm thành rào rạo, có động tác nhuần, dẻo , nhịp nhàng, để vị giác, khứu giác và thính giác cùng góp phần tạo nên cái ngon độc đáo.

Người xứ Nghệ thường có cách ăn này. Ghé vào các quán phở thường được ăn món phở với bánh tráng. Húp thìa nước phở soạt soạt, nhai miếng thịt gà hay thịt bò với sợi phở vừa nhuyễn, vừa dẻo, lại cắn miếng bánh khô răng rắc thì vị ngon trở nên vô cùng thú vị xen lẫn hào hùng. Rất ít nơi có kiểu ăn như thế này. Tấm bánh tráng xứ Nghệ quả là nhiều công dụng.

Tài chế biến của người xứ Nghệ đã biết tạo ra một loại kẹo ngọt, gọi là kẹo "cu đơ".
Cái kẹo lạc (nấu bằng mật, chứ không nấu đường), trước đây được bao bằng giấy, hoặc bằng lá, thì nay được bao bằng bánh tráng, không khó bóc, mà thêm phong vị. Cái giòn của hột lạc nghe có vẻ lật sật, cái giòn của bánh tráng lại nghe rào rạo, vui vui. Mấy ai đã phát hiện ra nét đặc sản ấy (!).

Kẹo cu đơ ngày nay phổ biến, hợp với túi tiền. Nhưng "hai ướt một ráo" ngày xưa thì cao giá đấy: "hai ướt một ráo, cởi áo mà ăn". Cởi áo để ăn cho thích và còn cởi áo để cược, vì ngon mồm ăn mãi, sẽ phải đem áo thế tiền (!).

Ăn kẹo cu đơ mà quên một thức uống hết sức phổ biến, hết sức bình dân là nước chè xanh, thì vị ngon kể như đã giảm mất một nửa. Người xứ Nghệ có thói quen uống nước chè tươi (chè trồng sau vườn nhà, hái cả lá, cả cành cho vao nồi nấu). Khi uống nhiều nơi đến giờ vẫn còn uống bằng bát. Nước chè tươi có màu xanh sóng sánh pha chút sắc vàng, nóng bốc hơi nghi ngút, nước chè phải còn thật nóng, cho dù thời tiết đang giữa mùa hè. Uống xong bát nước chè nóng bỏng, thở "khà" một cái, toát hết cả mồ hôi, cảm thấy nhẹ cả người. Uống nước chè kiểu đó là một cách giải nhiệt rất tốt.

Nước chè xanh đi với kẹo cu đơ, tạo nên một sự kết hợp tuyệt vời. Vị ngọt đậm của mật mía, vị bùi bùi của lạc..., ăn xong miếng kẹo, chiêu một ngụm nước chè tươi cho đỡ ngán, vị chát của chè trở nên ngọt nhẹ nhàng, mát dịu, khiến cho người ta ăn kẹo mãi không thấy chán.

Vật phẩm xứ Nghệ nổi tiếng nhất thời xa xưa có quả Hồng Nghi Xuân. Sách địa chí huyện này kể rằng người anh của nhà thơ Nguyễn Du là Nguyễn Nễ, làm quan dưới triều Tây Sơn, khi đi sứ Trung Quốc đã lấy giống loại hồng này về trồng ở làng quê ông là làng Tiên Điền. Loại hồng này ngon, và đặc biệt không có hột, giá bán hơi cao. Bởi vậy mới có câu: "tiền một đồng mà đòi hồng không hột". Rất tiếc giống hồng này bây giờ rất hiếm. Những vật phẩm khác có tiếng tăm thì vẫn được nhắc đến trong dân gian:

Quê ta ngọt mía Nam Đàn
Bùi khoai chợ Rộ, thơm cam xã Đoài

Hãy còn một điểm độc đáo nữa trong văn hoá ẩm thực của người xứ Nghệ. Như có dịp chúng ta đã nói qua về tâm tình của con người xứ Nghệ. Người xứ Nghệ rất nặng tình với đất nước, non sông. Ngay trong những câu hát, điệu hò, họ cũng vẫn nặng về đối đáp chủ nghĩa để ngụ tấm lòng với Tổ quốc.

"Mênh mông một nước một chèo
Non sông gánh nặng vẫn đeo bên mình"

Trong văn hoá ẩm thực cũng vậy. Họ nói đến sản vật quê hương là để tỏ niềm tự hào với của cải tự nhiên, với vật phẩm dồi dào, với đời sống tấp nập. Bác Hồ với nửa đời bôn ba khắp thế giới, cũng không lúc nào quên được không khí và cảnh sắc quê mình.

Sa Nam trên chợ dưới đò
Bánh đúc hai dãy, thịt bò mê thiên.

Còn những người lao động, cái ăn của họ là cái ăn chan chứa yêu thương. Quả cà chua (dân Nghệ còn gọi là quả cà kiu) có gì cao giá lắm đâu, nhưng canh cà chua thì thật nhiều thương nhớ:

Nồi dấm mà nấu cà kiu
Anh ăn mát ruột chín chiều thương em.

Đó là ăn. Còn uống thì sao?

Uống cũng vậy thôi. bát nước chè xanh chiều tối bày trên chiếc chiếu trải giữa đất, hay trên những chiếc chõng tre, để mời bà con chòm xóm quây quần nhấm nháp. Những đọi nước (bát nước) ấy là cả nghĩa tình:

Chè ngon nước chát xin mời
Nước non, non nước nghĩa người khó quên./.
 
Khi lập topic này, em đã chọn đất là Quán phượt, nơi để mọi người rủ rê, lôi kéo, tụ tập bàn bạc tất tần tật những vấn đề mà Pháp luật "Phượt" không cấm (mà Pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền, Bác nhỉ:D)....

Chào bạn Walkman!

Không nên căng thẳng như thế mất hoà khí sân chơi chung. Tớ cũng chỉ là một thành viên bình thường như bạn thôi, việc tham gia điều hành diễn đàn cũng như là cầm chổi đi quét chùa không ăn lương thôi mà. Chùa không sạch thì bản thân tớ có lỗi vì chưa làm tròn trách nhiệm, tín đồ mất niềm tin, khách thập phương nhạt dần hứng thú ... ;)

Đã là chùa nên ta không bàn đến tính giai cấp do đó không nói đến "ý chí" hay "thống trị" nhé! Mà hình như pháp luật còn được hiểu là "những quy tắc xử sự chung nhất ..." nữa đấy, theo cách lý giải của bạn ở trên chả nhẽ lại phải viết nội quy riêng cho từng vùng miền trong cả nước nữa sao?

Nói cho cùng lý lẽ ra thì chỉ có tiếng Việt phát âm theo giọng Nghệ An chứ không có tiếng Việt viết theo kiểu Nghệ An, mà bạn cũng biết đấy hình thức giao tiếp trên diễn đàn này là bằng bài biết chứ không phải bằng lời nói (voice) do vậy việc BĐH đề nghị các bạn viết bài tuân thủ đúng nội quy là hoàn toàn khách quan, hợp tình và hợp lý.

Các nội dung khác như: tự hào, buôn chuyện, tâm tư, hò hẹn, thảo luận về phong tục tập quán ... vv không phạm quy đương nhiên được chấp nhận và xứng đáng nhận "thanks".

Tớ đang say sưa đọc bài của bạn ovuong đây :)

Chúc topic quê "choa" mau tăng trang :D

PS. Cảm ơn bạn đã hỏi thăm sức khoẻ, tớ vẫn còn đau lắm, phải nằm gõ bài trả lời đấy (nhưng vẫn phải gõ tiếng Việt có dấu và đúng chính tả :(). Nếu bạn cảm thấy câu trả lời của tớ vẫn chưa thoả đáng thì có thể PM hay email trao đổi thêm, trên topic chung ta thống nhất vậy nhé!
 
Người Việt Nam, mấy ai chẳng biết đến câu hát “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La, nhớ biển rộng quê ta. Nhớ cánh đồng muối trắng, tình sâu nghĩa nặng, biển ta lại nhớ rừng nên chi giữa đồng bằng gió ngàn bay về…”. Chỉ vài câu hát, Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã cho người nghe một hình dung thật rõ về cảnh sắc Hà Tĩnh: tươi đẹp, khoáng đạt với biển rộng, sông dài; hùng vĩ, mênh mang với mây núi, gió ngàn. Và còn nữa là tình nghĩa con người nơi đây: chất phác mà đậm đà, thuỷ chung như những hạt muối trắng…

Hà Tĩnh nằm ở phía Bắc miền Trung Việt Nam, trong đới gió mùa chí tuyến, khí hậu phân rõ bốn mùa. Cảnh sắc nơi đây vừa được thiên nhiên ban tặng sơn thuỷ hữu tình, vừa được bàn tay con người cần cù tạo dựng đã tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ đối với du khách.

Nhà thơ Xuân Hoài đã từng viết “Nói là Hà Tĩnh không có danh lam nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, núi Ngũ Hành, động Phong Nha… không có nghĩa là Hà Tĩnh không có nơi để khách phương xa gửi hồn mình trong phút giây say đắm, thì đó chẳng phải một thoáng đèo Ngang khiến nữ sỹ đã phải “Dừng chân đứng lại trời, non, nước”; một dòng sông La chưa có tên trên bản đồ Việt Nam nhưng lại ngân vang trong hàng trăm bài thơ, bản nhạc nổi tiếng, chẳng phải ai đó đã không dấu nổi lòng mình: “Em ước mơ hoài mà chưa được đi qua”…”.

Theo sự phân bố tài nguyên du lịch, ở Hà Tĩnh đã và đang hình thành nên các cụm, tuyến du lịch với những điểm tham quan khác nhau, mà mỗi nơi đều để lại trong du khách những ấn tượng khó phai về miền đất này. Đến Hà Tĩnh, người ta nhắc ngay đến sông Lam, núi Hồng như một thứ “đặc sản” nơi đây. Thật vậy, hai địa danh này đã trở thành biểu tượng của vùng đất Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay) từ rất lâu đời. Hồng – Lam với vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hoá bày đặt, là nguồn mạch cho sáng tạo của biết bao thi nhân mặc khách. Dãy Hồng Lĩnh dài khoảng 30 km, rộng 15 km, nhấp nhô vờn đuổi nhau theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, xưa từng được coi là một trong 21 danh sơn nước Việt. Tương truyền núi Hồng có 99 đỉnh với nhiều huyền thoại, cổ tích gắn với cuộc sống của người dân nơi đây. Hồng Lĩnh có nhiều khe suối, tuy không lớn, không sâu nhưng nước trong vắt và không bao giờ cạn. Nhiều mạch nước ngầm của núi tích tụ lại thành nhiều hồ tự nhiên như hồ Kim Cương nằm ở lưng chừng núi, rộng đến 30 mẫu, có vực Thuồng Luồng sâu đến nỗi dân gian truyền là không có đáy, hồ Thiên Tượng, bàu Tiên ở sát chân núi rộng hàng trăm mẫu, quanh năm nước xanh trong vắt. Trải qua hàng triệu năm, Hồng Lĩnh hôm nay vẫn trập trùng, kỳ vĩ đứng ngoảnh mặt ra biển Đông, trấn giữ phong ba cho đất trời Hà Tĩnh. Người Hà Tĩnh hôm nay cũng đang tô đẹp thêm cho Hồng Lĩnh. Chùa Hương Tích, Chân Tiên, Thiên Tượng, đền Củi được sửa sang, tôn tạo, làm cho dáng núi uy nghi của Hồng Lĩnh thêm trầm mặc. Dưới chân núi , những thị trấn, thị xã được hình thành, dân cư đông đúc cho thấy sức sống bền lâu của vùng đất này…

Sông Lam hay còn gọi là sông Cả là con sông lớn nhất xứ Nghệ. Tổng chiều dài của sông là 432 km, trong đó gần 20 km hạ lưu là phân thuỷ Nghệ An – Hà Tĩnh. Sau khi hợp dòng với sông La ở Ngã ba núi Thành, sông Lam tiếp tục chảy về phía Đông. Cũng từ ngã ba này, hữu ngạn là Hà Tĩnh, tả ngạn là Nghệ An. Chỉ có mấy chục km nhưng dòng sông này đã tạo cho Nghệ – Tĩnh cảnh quan vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ. Trên bờ phía Hà Tĩnh, hồi thế kỷ XVI – XVII là thương cảng phố cổ Phù Trạch sầm uất, vang bóng một thời. Và cũng chính bên bờ sông này đã ghi đậm biết bao sự kiện, gắn với tên tuổi biết bao nhân vật lịch sử văn hoá của quê hương đất nước. Ngay sát bờ sông là vùng đất Bình Hồ vốn là kinh đô kháng chiến của nhà hậu Trần đầu thế kỷ XV. Gắn với tên tuổi Trần Quý Khoáng, Nguyễn Biểu. Và cả vùng châu thổ phía Nam này là đất học, từ mấy trăm năm nay, ở đây có nhiều nhà khoa cử nổi tiếng…

Cùng với sông Lam - núi Hồng, núi Tùng - sông La cũng là một địa danh được nhiều du khách lui tới. Sông La là con sông ngắn nhưng nước trong xanh, phong cảnh đẹp nhất ở xứ Nghệ. Con sông này đã đi vào lịch sử quê hương và dân tộc, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ văn nhân tài tử. Sông La chỉ dài khoảng 15 km nhưng hàng năm có đến 6.000 triệu m3 nước chảy qua đây cùng với 100 vạn tấn phù sa, tạo nên một châu thổ phì nhiêu nhất xứ Nghệ, quanh năm một màu xanh ngát đôi bờ. Dọc bờ sông là những xóm làng trù phú có lịch sử hàng ngàn năm và từ những xóm làng này biết bao danh nhân kiệt xuất đã ra đời, làm rạng danh non nước Tùng – La. Đó là Nguyễn Biểu, Bùi Dương Lịch, Phan Đình Phùng, Trần Phú… và rất nhiều bậc kỳ tài khác.

Đối diện với núi Việt ở bờ bắc sông La, ở bờ Nam có núi Tùng. Tùng Lĩnh là ngọn đầu tiên của dãy Trà Sơn, kéo dài từ đây vào tận Can Lộc, Hương Khê. Tùng Lĩnh có rất nhiều thông, quanh năm một màu xanh ngắt. Màu xanh ấy cùng với gió rừng vi vút hoà quyện thành một không gian yên bình và thơ mộng.

Đến với sông La – núi Tùng, du khách còn được tham quan các làng nghề thủ công truyền thống như: rèn Trung Lương, mộc Thái Yên, đóng thuyền và cào hến ở Trường Xuân, dệt lụa ở Đông Thái…

Một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Tĩnh từng khiến cho nữ sỹ Bà huyện Thanh Quan phải bâng khuâng đứng lại trước cảnh trời, mây, non nước nơi đây - đó là Đèo Ngang. Đèo Ngang nằm trên núi Hoành Sơn, cao 265m, là mốc địa giới giữa tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Từ đèo Ngang ngược về phía Bắc khoảng 3km là đèo Con, trải dài theo con đường đó là một bãi biển rất đẹp, cát trắng mịn màng. Ngày nay đã có hầm đường bộ xuyên qua đèo Ngang khá hiện đại và tiện lợi, nhưng nhiều du khách vẫn muốn vượt đèo Ngang để lên đình đèo đứng phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh sắc non nước kỳ vĩ.

Tạo hoá đã ưu ái ban tặng cho Hà Tĩnh 137 km bờ biển, chạy dài từ Cửa Hội vào tận chân đèo Ngang. Biển Hà Tĩnh là một ngư trường lớn, nhiều hải sản quý với 267 loại thuộc 90 họ cá, tôm, mực. Nguồn hải sản phong phú, hàm lượng muối trong nước biển tương đối cao là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc hình thành những làng chài nổi tiếng như Hội Thống, Kim Đôi, Nhượng Bạn, những làng muối lâu đời như Họ Độ, Thiện Trị… Biển ở đây có khá nhiều đảo, không lớn lắm nhưng gần bờ nên rất tiện cho tàu thuyền ghé ngụ cũng như du khách tham quan.

Cái đẹp của bờ biển Hà Tĩnh là có núi sông, biển cả vấn vít, hoà quyện với nhau. Đứng ở biển nhưng du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vỹ, trầm mặc của núi non và từ trên núi cao nhìn xuống, ta có thể cảm nhận hết được sự mênh mông, rộng lớn và thơ mộng của biển cả. Thật ít có nơi đâu có được không gian tuyệt vời như thế. Non cao, biển rộng, trời xanh… tất cả hoà nhập vào nhau để tạo nên một bức tranh của tạo hoá vô cùng quyến rũ.

Sau khi thưởng thức cảnh đẹp sông – núi, thoả thuê mắt nhìn với biển rộng, núi cao, du khách có thể tham gia một chuyến du lịch sinh thái rất thú vị tại Vườn quốc gia Vũ Quang, phía Tây Bắc Hà Tĩnh.Hiện ở đây có 61% diện tích rừng nguyên sinh với hai kiểu rừng chính: rừng kín xanh á nhiệt đới và rừng kín xanh nhiệt đới. Thảm thực vật ở đây rất phong phú, có 307 loài thực vật bậc cao, thuộc 236 chi, 99 họ với 10 loài quý hiếm tiêu biểu như: pơ mu, trầm hương. Động vật có tới 60 loài thú, 187 loài chim, 38 loài bò sát, 26 loài lưỡng cư và 56 loài cá. Khu bảo tồn còn có hai loài thú lớn mới được phát hiện tại đây là sao la (hay dê sừng dài) và mang lớn vào các năm 1992 -1993. Bởi tính đa dạng sinh học và với việc phát hiện hai loài thú mới, Vũ Quang đã trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái đầy hấp dẫn. Cũng tại đây, du khách có thể thực hiện những chuyến du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao để đến thác Vũ Môn theo huyền thoại cá gáy hoá rồng, thăm công trình thuỷ điện Ngàn Trươi với hồ chứa nước có trữ lượng gần 900 triệu m3. Vũ Quang không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên mà còn là một di tích lịch sử ghi dấu những sự kiện lịch sử oanh liệt, bi hùng của cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp của Phan Đinh Phùng cuối thế kỷ XIX.

Dẫu phải trải qua biết bao biến cố thăng trầm lịch sử, đến nay Hà Tĩnh vẫn còn hơn 400 di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, kiến trúc tôn giáo… thuộc nhiều niên đại khác nhau kéo dài từ thời Trần đến nay. Ngoài ra còn có rất nhiều di chỉ khảo cổ học đã và chưa được phát hiện có niên đại từ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt. Di sản văn hoá phong phú và đồ sộ này là tấm gương phản chiếu quá trình lao động, sáng tạo kiên trì, nhẫn nại và thông minh của biết bao thế hệ người Hà Tĩnh suốt hàng ngàn, hàng vạn năm nay…

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không thể giới thiệu hết được nét đẹp của thiên nhiên, của tình người Hà Tĩnh. Chỉ biết rằng, với cảnh sắc được tạo hoá ban tặng, cùng bàn tay tạo dựng, xây đắp và truyền thống lâu đời của con người nơi đây, mãi sẽ là địa chỉ du lịch hấp dẫn, chờ đợi sự khám phá của du khách thập phương. Đến một lần để rồi “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh…”
Trọng Hiếu
(CTV- Bộ Tài Chính)
nguồn: http://www.cpv.org.vn/print_preview....=BT23100659830
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,317
Bài viết
1,175,130
Members
192,041
Latest member
yyuten
Back
Top