Re: Rong chơi Tây Giang – Nam Giang dành cho những kẻ tự kỷ 15 – 18/5/2014
Bảo tồn và phát triển văn hóa Cơ-tu
ở Tây Giang
HUYỆN Tây Giang có trên 95% dân số là đồng bào Cơ-tu, với một kho tàng văn hóa phong phú, giàu bản sắc dân tộc. Từ khi tái lập huyện đến nay, Đảng bộ, chính quyền, các ngành, đoàn thể và đồng bào đã quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ-tu trên địa bàn huyện. Trong đó, việc xây dựng mái gươl (thiết chế văn hóa làng Cơ-tu) được đặt lên hàng đầu. Bởi, gươl của người Cơ-tu là linh hồn của người Cơ-tu. Nơi đây vừa lưu giữ nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc vừa diễn ra các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội truyền thống của cộng đồng người Cơ-tu.
Toàn huyện có 61/70 gươl thôn, 3 gươl xã. Mái gươl được dựng tuân thủ cấu trúc, ý niệm tâm linh truyền thống của người Cơ-tu. Kinh phí xây dựng mỗi nhà gươl bình quân 150-200 triệu đồng. Đặc biệt là huyện đã đầu tư gần 4 tỷ đồng để xây dựng khu làng văn hóa truyền thống Cơ-tu tại trung tâm xã Atiêng. Ngoài gươl trung tâm làng, còn có 10 moong (nhà truyền thống) do nhân dân 10 xã trong huyện góp công sức xây dựng. Khu làng văn hóa truyền thống còn có “điểm nhấn” là ngôi nhà dài (còn lại duy nhất ở miền núi Quảng Nam, với 40 bếp) được đưa từ Ch'ơm về phục dựng và ngôi nhà mồ với những lối kiến trúc và điêu khắc nguyên bản phong cách Cơ-tu rất đặc sắc. Khu vực làng văn hóa truyền thống tại trung tâm huyện giống như một “bảo tàng” về văn hóa kiến trúc và điêu khắc của người Cơ-tu Tây Giang. Đây không chỉ là nơi dừng chân của du khách, mà còn là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá văn hóa người Cơ-tu Quảng Nam. Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh'ríu Liếc cho biết: “Văn hóa Cơtu rất đa dạng, phong phú. Trong đó, nghệ thuật điêu khắc cũng đặc sắc như điêu khắc của các dân tộc anh em, đã được phát huy và phát triển tốt. Sau một thời gian tưởng như mai một, khi Tây Giang phát triển phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư thì làng văn hóa truyền thống, gươl và nhà mồ điêu khắc gỗ ở trung tâm huyện được khôi phục lại. Công đóng góp của nhiều người, nhưng vai trò lớn nhất là các nghệ nhân là những người uy tín trong cộng đồng. Họ vừa làm vừa hướng dẫn, truyền nghề nghề điêu khắc cho lớp trẻ để góp phần bảo tồn và phát huy tích cực các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ-tu”.
Bên cạnh việc xây dựng mái gươl và các thiết chế văn hóa, huyện Tây Giang cũng chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa phi vật thể của người Cơ-tu. Trong năm 2009, lần đầu tiên huyện tổ chức lễ hội mừng lúa mới với qui mô toàn huyện. Lễ mừng lúa mới được phục dựng đã tạo ra niềm vui lớn trong các tầng lớp nhân dân ở Tây Giang. Việc sưu tầm các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc, các điệu dân ca, hát lý đã được Trung tâm VHTT huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các địa phương triển khai thường xuyên. Đội cồng chiêng của huyện và các xã được xây dựng với trình độ biểu diễn ngày càng được nâng cao để phục vụ các hoạt động văn hóa - lễ hội tại địa phương. Các ấn phẩm về vùng đất, văn hóa, con người và ngôn ngữ Cơ-tu Tây Giang được xuất bản, nhằm làm cho mỗi người dân Tây Giang thêm yêu mến về quê hương, ý thức về gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa, tình đoàn kết anh em của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện.
Ngoài việc nâng cao cái tâm và tầm của người làm văn hóa, huyện Tây Giang cũng đã phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ-tu. Toàn huyện có 72 trưởng thôn, già làng có uy tín, đa số là cán bộ nghỉ hưu, đảng viên. Nhiều già làng, trưởng thôn ở Tây Giang còn có đóng góp rất tích cực cho địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó là những Clâu Nâm, Bhríu Pố, Ker Tíc, Clâu Blao, Alăng Bhuôch… Hầu như tất cả các gươl trên địa bàn huyện Tây Giang đều có sự tham gia đóng góp công sức, trí tuệ của đội ngũ già làng, trưởng thôn. Họ là những người cần cù chịu khó tạo ra các công cụ, nhạc cụ, nghệ thuật điêu khắc, lưu giữ và truyền lại các giá trị văn hóa phi vật thể như nói lý, hát lý, các loại truyện cổ và câu đố của dân tộc Cơ-tu…
Cùng với việc xây dựng mái gươl, nhà làng truyền thống, văn hóa phi vật thể của đồng bào Cơ-tu, huyện Tây Giang đã thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của địa phương để thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà. Những năm qua, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: ngày hội đại đoàn kết, chợ ẩm thực Cơ-tu, ngày hội văn hóa Cơ-tu tại Đà Nẵng, về thăm khu địa đạo Axòo… Những hoạt động ấy góp phần tích cực trong việc “quảng bá” văn hóa, vùng đất và con người Tây Giang.
Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn xác định văn hóa Cơ-tu là nền tảng tinh thần vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Nghị quyết về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Cơ-tu được ban hành thể hiện quyết tâm đó. Nghị quyết chỉ rõ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: gươl, làng truyền thống, các lễ hội mừng lúa mới, nghề dệt thổ cẩm, ẩm thực truyền thống, truyện cổ tích, ca dao, dân ca, nghệ thuật biểu diễn các loại nhạc cụ, nói lý, hát lý, hát giao duyên, nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ hoa văn... Nhấn mạnh tập trung xây dựng con người Cơ-tu trong giai đoạn mới. Bản sắc văn hóa là vốn quý của người Cơ-tu, được truyền từ đời này qua đời khác, đã và đang được bảo tồn và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Tây Giang./.