What's new

Sáu ngày nhìn ngó Seoul

Năm ngoái em có tham gia vào Đoàn giao lưu thanh niên Việt Nam - Hàn Quốc nên có chuyến đi một tuần đến Seoul. Đoàn Thanh niên nhưng chỉ có em là to đầu nhất, còn lại là một đội hình mới học cấp 1 cấp 2 và mấy bác già đi quản lý. Nói là "giao lưu" cho oai chứ thực ra giao lưu thì ít đi chơi thì nhiều và ai đi thì phải đóng tiền người ấy nên cũng là một dạng tour. Tuy nhiên chương trình tham quan có nhiều điểm hay khác với tour du lịch thông thường vả lại em cũng hay "ngọ nguậy" bỏ đoàn đi khám và phá nên cũng muốn viết bài chia sẻ quan sát và nhìn nhận của mình.

Sau chuyến đi thì em cũng rút ra vài nhận xét khái quát thế này:
- Seoul là thành phố hiện đại, sạch sẽ và cực kỳ đông đúc (1/3 dân số Hàn Quốc sống ở Seoul và 1/2 dân số Hàn Quốc sống quanh Seoul)
- Người Hàn Quốc kỷ luật, nóng tính và không thân thiện (nhiều người hay so sánh với người Nhật, nhưng nếu ai đi Nhật rồi sang Hàn thì thấy người Nhật là một đẳng cấp khác)
- Ẩm thực Hàn Quốc quả thực là khủng khiếp (nếu ăn một hai bữa thì được còn em tin rằng những ai đi Hàn Quốc hay sinh sống tại đây một thời gian sẽ đồng ý với nhận định này, không hiểu các bạn trẻ bây giờ cứ phát sốt với món ăn Hàn Quốc vì lí do gì)
- Khoa học và công nghệ của Hàn Quốc rất tiên tiến, thông minh và tiện lợi.

Còn bây giờ là lúc hạ cánh xuống sân bay quốc tế Incheon. Ấn tượng đầu tiên là một sân bay rộng mênh mông. (Lúc về Việt Nam, để ra cửa có máy bay phải đi tàu điện ngầm từ nửa này đến nửa kia của sân bay). Đây là sân bay có thời gian làm thủ tục hải quan nhanh nhất thế giới nên đến lượt đứng vào, in vân tay, chụp ảnh, cộp dấu một cái là xong, chưa đầy hai phút. Sân bay nằm trên một hòn đảo nên sáng sớm sương mù dày đặc:



Trên đường đi về thành phố dễ dàng thấy cơ sở hạ tầng của Seoul đã hoàn chỉnh và đồng bộ với đường cao tốc và những cái cầu hình dáng đủ kiểu xiên bên nọ chọc bên kia:



Cầu ở quê ta cứ sơn màu xám xịt, sơn đỏ choét thế này cho máu có phải không:



Kỹ thuật xây dựng của Hàn Quốc bây giờ đã đạt tầm cỡ hàng đầu thế giới rồi (bằng chứng là Burj Dubai và Keangnam nhà ta cũng do Cuốc của mấy anh Hàn xây nên cả):



Giữa trưa, mọi người đói, được dụ dỗ đi ăn một nhà hàng nổi tiếng với món Samgyetang (Sâm Kê Thang) nên ai cũng hào hứng. Đến nơi thấy hàng người xếp hàng gần 500m chán hẳn. Trong lúc chờ đợi nhìn trộm vào bếp một tí, cả một đống gà cởi truồng:



Đây là giây phút hân hoan khi mình sắp bước vào và những người còn lại vẫn bị luộc chín dưới nắng hè:


Sau vụ này mới biết ở Seoul, nói xin lỗi các bác chứ...đi đái cũng phải xếp hàng. Ở đây người ta cũng xếp hàng quen rồi chứ ở nhà mình cũng không có mấy chỗ vì ăn mà đi xếp hàng giữa trưa nắng thế. Món cháo gà nhân sâm này đã tạo được một ấn tượng tốt và đề nghị các bác đi Hàn là phải thử món này. Gà nấu nguyên con, bụng nhồi thuốc bắc và một cái rễ bé tí tượng trưng cho sâm:



Cơm no rượu say rồi thì ta đi bảo tàng. Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc địa chỉ thế này các bác nhé: 137, Seobinggo-ro, Yongsan-gu, Seoul không phải cái Bảo tàng bé xíu National Folk Museum of Korea ở trong Hoàng cung đâu. Cái bảo tàng này cực kỳ to nhưng không hề lạnh lẽo như bảo tàng bên quê mình vì người đi đông như trẩy hội, đi xem rất thích. Cái khoản này chắc chắn phải cắp sách sang đây học tập. Em cũng phải thay đổi quan niệm về Bảo tàng khi đến đây. Đây là tiền sảnh:



Đây là hành lang chính, họ mang cả một tòa tháp đá to đùng bát điếu vào trong nhà:



Người dân và khách du lịch đến đây không chỉ để đi xem bảo tàng mà đơn thuần là đi chơi picnic cũng được. Khuôn viên là những bãi cỏ mênh mông. Trong nhà điều hòa mát thì trẻ con ngồi tô vẽ lên những cái quạt giấy trắng, tô tượng, sàn đá sạch bóng loáng, người ta thích thì ngồi bệt lên sàn nhà. Người già ngồi uống cà phê. Thậm chí trai gái yêu nhau đi hẹn hò, mấy góc tối hôn nhau túi bụi. Đi hẹn hò trong bảo tàng! Trong phim Mỹ thì bảo tàng chỉ có xã hội đen hay điệp viên mới hẹn nhau thôi.

Cổ vật thì không có gì đặc sắc, gốm sứ xấu òm nhưng lại có những đoạn phim 3D cảnh Cung điện trong bốn mùa sống động như thật, có phòng trang trí bàn ghế kiểu cổ ngồi vào nhìn qua cửa sổ (màn hình) có tiếng chim hót, gió thổi, mưa rào như thật, nói chung là người ta xem đồ cổ thì ít mà đi dạo chơi thì nhiều hơn. Nhưng thế là bảo tàng đã đạt được mục đích của nó, là nơi người ta đến để giải trí, kết hợp tìm hiểu lịch sử. Đặc biệt là Hàn Quốc đã xếp hạng hoàn chỉnh những cổ vật quý vào hàng National Tresure (quốc bảo) được bảo vệ bởi cái cửa thép dầy như cửa thép két tiền ngân hàng trong phim (lúc về gần đóng cửa em thấy mấy anh bảo vệ hạ cửa xuống). Đây là vương miện và dây đai xếp hạng Bảo vật quốc gia số 191-192 (có bản phục chế đóng trong phim Nữ Hoàng Seon Deok, em không xem phim Hàn nhưng thấy mấy bà chị xem):

 
Hay quá, viết tiếp nữa đi bạn, tour này bạn đóng bao nhiêu? Bao nhiêu ngày hả bạn?
Mình đóng 24 triệu, đi 7 ngày 6 đêm, so với giá các tour của các công ty du lịch thì không đắt cũng không rẻ nhưng điểm đến đa dạng hơn rất nhiều, không phải đi các điểm tiếp thị bán hàng và quan trọng là đòi ăn gì thì được ăn cái đấy.
 
Ngày thứ tư là phần không thể thiếu trong mọi chuyến đi Seoul đó là đi Gyeongbokgung (Cảnh Phúc Cung). Gyeongbokgung là cung điện lớn nhất trong năm cung điện của nhà Triều Tiên ở Seoul được chính quyền đầu tư thành điểm thăm quan chính của du khách.

Đoàn đi từ cửa sau (Hậu môn) rồi mới ra phía trước. Ngay phía sau Cung điện là nơi ở và làm việc của Tổng thống Hàn Quốc. Tòa nhà xây kiểu cung điện, có mái toàn bộ màu xanh nên gọi là Blue House:



Chính quyền thuộc địa Nhật Bản đã xây Phủ Toàn Quyền ngay trong Cảnh Phúc Cung, phá rất nhiều cung điện để lấy chỗ xây, và phải nói là cực kỳ "thâm" khi xây thêm Nhà riêng của Toàn Quyền ở phía sau để "kẹp" Hoàng Cung Hàn Quốc vào giữa. Tổng thống Hàn Quốc ở trong cái tòa nhà bê tông xám xịt đấy gần 20 chục năm rồi mới chuyển sang đây sau khi Park Chung Hee suýt bị Bắc Triều Tiên ám sát. Tòa nhà có mái xanh mới được xây từ năm 1991 nhưng các Tổng thống đã ở trên cái nền đấy từ 1968. Người ta cho rằng từ lúc chuyển sang ở tòa nhà mới này thì cũng là lúc bắt đầu thời kỳ phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc.

Theo quan sát của em (các bác nhìn trên ảnh) thì tòa nhà này có quy định phong thủy cực kỳ chặt chẽ và hợp lí hơn cái Hoàng Cung mà các cụ nhà họ đã xây (số phận cái Hoàng Cung này sẽ kể bên dưới). Phủ Tổng Thống ở trên nền cao hơn hẳn so với Hoàng Cung, lưng tựa núi Bukhansan, bên trái là núi Naksan tương trưng cho Thanh Long, bên phải là núi Inwangsan tượng trưng cho Bạch hổ, ba quả núi chống lưng là tượng trưng cho ngai vàng, phía mặt trước thì nhìn ra sông. Các bác cũng thấy trên ảnh là con đường đi vào Phủ không hề đâm thẳng vào mặt tiền mà cái mặt tiền hơi chếch đi một tí. Nhưng chả biết Phong Thủy thế nào chứ từ lúc vào đây, cứ bác Tổng thống sau tố tội bác trước và cũng đã hai bác đi tù, Park Chung Hee thì bị ám sát.

Còn đây là cảnh biểu tình trước Phủ Tổng Thống, ngày nào cũng có, số lượng không bằng chất lượng:



Năm 1996, chính quyền Hàn Quốc mới chính thức cho phá bỏ Phủ toàn quyền Nhật Bản trong sân điện Cần Chánh để kỷ niệm 50 năm ngày độc lập rồi bắt đầu khôi phục Cảnh Phúc Cung như thế này:



Nhiều khách du lịch đi tham quan cứ nghĩ rằng cung điện này 500 tuổi như các hướng dẫn viên Hàn Quốc giới thiệu nhưng thực ra 90% là bê tông cốt thép, ví dụ như Bảo tàng văn hóa dân gian Hàn Quốc nằm trong cái tháp này, lúc đầu em tưởng xây bằng đá nhưng lại gần sờ mó mới biết toàn xi măng:



Đây là một trong vô vàn những lí do mà người Hàn Quốc cực kỳ căm thù người Nhật Bản. Mặc dù các Tổng thống cho đến các nhà trí thức của Hàn Quốc đều từng đi du học Nhật, nói tiếng Nhật nhưng họ học được cái gì thì đem về Hàn Quốc "chế biến" lại rồi dán mác Hàn Quốc. Các bác để ý những công trình của người Hàn xây ở Việt Nam hay nhà riêng của họ, không bao giờ họ dùng đồ Nhật, thà dùng đồ Trung Quốc còn hơn (mặc dù Trung Quốc cũng hành Hàn Quốc cả mấy nghìn năm). Em đã từng chứng kiến một ông Hàn Quốc đi taxi ở Hà Nội, trời thì mưa mà taxi gọi đến toàn Toyota, bố ấy cáu tiết chửi hãng taxi um tỏi trong điện thoại.

Nhân đây cũng nói luôn về độ nóng tính của dân Hàn. Trời thì nắng, ông đại diện Hội Thanh niên Hàn Quốc cứ lôi cả đoàn ra giữa sân nắng chang chang, thuyết trình lịch sử Hàn Quốc bắt đầu từ thế kỷ thứ 5, rồi đến thế kỷ thứ 6, thế kỷ thứ 7 (cung điện này xây vào thế kỷ 14), chị phiên dịch cũng không dịch được hết, mọi người kêu oai oái, em đại diện đoàn đề nghị đứng vào chỗ râm nghe tiếp và kể luôn từ giai đoạn xây cung điện. Ai ngờ ông ấy tức điên lên, hùng hùng hổ hổ đòi lao vào...đấm em!!! Tất cả đều bị sốc!!! Dù gì em cũng là khách mời của Trung ương Hội thanh niên Hàn Quốc em có làm gì thì cũng không được thế, nữa là mình nói rất lịch sự và có lý. Sau đó chị phiên dịch (người Hàn, giải nhất cuộc thi nói tiếng Việt tại Hàn Quốc) phải xin lỗi đoàn mình và nói rằng đàn ông Hàn Quốc rất nóng tính và gia trưởng (thì thầm với em là muốn lấy chồng Việt Nam). Em hoàn toàn mất cảm tình với đàn ông Hàn Quốc từ lúc đấy.

Quay trở lại Cảnh Phúc Cung, cung điện này được xây cực kỳ hoành tráng nhưng số phận thì bi đát. Thế kỷ 16 đã bị một lần cháy to hỏng rất nhiều rồi khi Nhật Bản xâm lược Triều Tiên vào cuối thế kỷ 16 thì cung bị người Nhật phá hủy hoàn toàn. Triều đình Triều Tiên phải dùng Changdeokgung (Xương Đức Cung - cung điện to thứ nhì, ngày mai mới đi xem) trong suốt 270 năm cho đến khi Cảnh Phúc Cung được xây lại vào năm 1868.

Đến khi xây xong được mấy chục năm thì Hoàng hậu cuối cùng của Triều Tiên là Minh Thành bị quân Nhật ám sát năm 1895 ngay trong Cung. Vua Cao Tông (vua cuối cùng của Triều Tiên) lại cùng toàn bộ Hoàng gia dời sang Xương Đức Cung và không bao giờ trở lại nữa vì bị Nhật đô hộ. Và như đã nói ở trên, Nhật lại vào phá cung xây phủ Toàn Quyền. Vì vậy cung điện ngày nay chủ yếu là sau này xây lại và cũng không có gì đặc sắc lại không có một cái cây xanh nào, đi nắng rất mệt:



Bên trong điện Cần Chánh nơi thiết triều:



Đây là màn đổi gác khi ra đến cổng chính phía trước Gwanghwamun (Quang Hóa Môn):



Đây là Quang Hóa Môn (như Ngọ Môn bên mình):



Các bác phải để ý kĩ mới nhận ra trên diềm mái của tất cả các điện và trong ảnh Quang Hóa Môn này đây chỉ có tối đa là 7 con linh vật gắn trên bốn cái phần nhọn chìa ra. Đấy là một quan niệm cực kỳ quan trọng trong tư tưởng Khổng giáo. Hoàng đế là thiên tử, linh vật tượng trưng là Rồng, theo truyền thuyết Rồng sinh ra được 9 con (trong đấy có một con là con Tỳ Hưu mà bây giờ thiên hạ mua rất nhiều để cầu tài lộc), chỉ có Hoàng đế mới được dùng đủ 9 con để trang trí (ví dụ mái cung điện ở Bắc Kinh) và trong thiên hạ chỉ có một mình Vua Trung Hoa là Hoàng đế mà thôi. Vì các vua Triều Tiên sợ Trung Quốc nên chỉ dám xương Vương (王), vì thế chỉ dám dùng 5-7 con. Còn Việt Nam nhà ta rất tự hào là đời đời xưng đế (帝) (lần nào Trung Quốc đánh ta cũng viện cớ Việt Nam mình bố láo dám xưng đế) nên ở Huế gắn 9 con đủ cả.

Phía trước Quang Hóa Môn là Quảng trường Quang Hóa Môn, trung tâm chính trị của Đại Hàn Dân Quốc với rất nhiều cơ quan ban ngành (trừ Quốc hội) giống như Ba Đình bên ta. Bên phải là Tòa thị chính Seoul to đoành và bên trái là...Đại sứ quán Mỹ (vâng, người Hàn rất cay mũi). Đại sứ quán Mỹ thì ở đâu trên thế giới cũng như cái lô cốt, dây thép gai chằng chịt, xấu cả cái quảng trường.

Đây là tượng vua Triều Tiên Thế Tông, phía sau là Quang Hóa Môn:



Ông vua này được coi như anh hùng dân tộc. Ông có công sáng tạo ra chữ Hàn Quốc gồm nhiều hình que và hình tròn như bây giờ. Vì thế tên hiệu của ông phía dưới được ghi như vậy chứ không phải ghi bằng chữ Hán. Nếu em nhớ không nhầm thì ông có được in trên tờ 10,000 won. Dưới triều đại của ông văn hóa, khoa học của Triều Tiên phát triển rực rỡ nhất nên chính quyền Hàn Quốc rất ca ngợi và đặt tên cho thủ đô mới là Sejong (Thế Tông).

Trên quảng trường còn bức tượng thứ hai là tượng của Tam đạo Thủy quân Thống chế sứ (Đô đốc Hải quân) Yi Sun-sin (Lý Thuấn Thần):



Tương tự như Vua Thế Tông bên văn thì Lý Đô đốc được ca ngợi là anh hùng dân tộc bên võ (trên vỏ tất cả những cái kiếm gỗ đồ chơi mà em thấy ở chợ Insa-dong hay Dongdaemun đều khắc tên ông này). Đài phun nước dưới chân tượng được đặt tên là đài 12.23 để kỷ niệm 23 trận đánh thắng quân Nhật với 12 cái tàu con rùa. Tàu con rùa do Lý tướng quân chế tạo (cái tượng nhỏ phía dưới) đã góp phần quan trọng vào việc đánh bại hải quân Nhật.
 
Last edited:
Ăn đôi đũa của dân Hàn cực kỳ khổ, vừa nặng vừa nhỏ vừa trơn lại vừa dẹt vì nó làm bằng sắt, đũa gỗ mình tốt hơn.
Dân Hàn hơi khó chịu vì nó bị gò vào kỷ luật ngay từ bé quen rồi, thây ai làm khác là khó chịu và hơi thiếu dân chủ
Thích đọc bài của bạn
 
Trưa hôm đó mọi người ăn ở một quán có rất nhiều món Hàn, mỗi người chọn một món trong tủ kính:



Lưu ý các bác là mấy bát đem trưng này toàn là đồ nhựa cả. Em đã xem phim tài liệu ở Hàn Quốc có cả ngành công nghiệp sản xuất đồ ăn giả này, thấy làm từng hạt gạo một, giá một cái bát này nghe đâu cũng chát lắm.

Em chọn món cơm trộn Bibimbap (quả trứng ở giữa là trứng sống đấy nhé - vừa ăn vừa thấp thỏm H5N1):



Buổi chiều được đi thăm quan tòa nhà 63 city - tòa nhà dát vàng cao nhất thế giới:



Tòa nhà này được xây để chuẩn bị cho Thế Vận Hội Mùa hè Seoul 1988, biểu trưng cho sức mạnh kinh tế và tài chính của Hàn Quốc vì lúc đó nó là tòa nhà cao nhất thế giới ngoài Bắc Mỹ, đồng thời là tòa nhà cao nhất Hàn Quốc cho đến tận năm 2009. Tòa nhà được dát vàng để mỗi lúc bình minh hoặc hoàng hôn thì nó sáng rực như một thỏi vàng. Bên trong có một thủy cung, rạp phim IMAX, bảo tàng tượng sáp. Tầng 60 là tầng quan sát, có một bảo tàng nghệ thuật đương đại Hàn Quốc, giá mỗi tác phẩm cũng tầm vài triệu đô. Ví dụ cái này nhìn gần:



Và nhìn xa:



Toilet cũng phải thiết kế nghệ thuật (gặp đúng người thích toilet như mình nên phải chụp một phát :))):



Từ đây nhìn được toàn cảnh Seoul ra đến tận Incheon. Còn đây là sông Hán với những cây cầu bắc qua:



Nói đến việc sông Hán hay sông Hàn, chiết tự tiếng Hán của tên sông (trên các biển chỉ đường) là 漢江 (Hán giang). Em đã phải chịu thua mọi người còn lại trong đoàn, lại còn bị nói là "chẳng biết cái gì cả, sông này tên là sông Hàn" :(. Chị phiên dịch thì cũng không giải thích được (vì không biết chữ Hán) mà tiếng Hàn thì đọc là Hangang, "Han" thì không biết là Hán hay Hàn. Đây là một cách gọi sai do các phương tiện truyền thông tưởng rằng sông ở Hàn Quốc (Han Guk) nên cứ dịch bừa là Hàn. (Tường hợp này của em giống như ba anh bộ đội ngồi trong hầm, anh nào trả lời sai câu hỏi thì phải xông ra, một anh hỏi: "Bác Hồ quê ở đâu?", anh Nghệ An trả lời: "Nghệ An", hai anh quê Thái Bình dõng dạc: "Bác Hồ quê ở Thái Bình", rồi biểu quyết và anh quê Nghệ An đã phải mở nắp hầm chui ra)

27 cây cầu bắc qua sông Hán là một kì công xây dựng của chính quyền đô thị Seoul. Trong ảnh là cầu Hán Giang và cầu đường sắt Hán Giang nằm ở khúc giữa sông. Những cây cầu sông Hán là địa điểm quen thuộc của những người tự tử. Hàn Quốc là nước có tỉ lệ người tự tử cao nhất thế giới (Nhật Bản xếp thứ nhì). Mới đây đài truyền hình Trung ương Hàn Quốc bị lên án gay gắt vì để một đạo diễn quay lại cảnh phim một người đàn ông nhảy từ trên cầu xuống. Người ta đã dùng rất nhiều biện pháp như nhưng bức tượng điêu khắc mô tả hai người ngồi an ủi nhau, một người trèo lên thành cầu, một người giữ chân, trên thành cầu thì viết đầy những dòng chữ "Bạn có vấn đề gì vậy?", "Bạn đã suy nghĩ kĩ chưa?", "Bạn còn một gia đình ở nhà"... nhưng số người nhảy cầu vẫn không hề giảm.

Đây là một hình ảnh dễ dàng bắt gặp trước cửa những tập đoàn lớn:



Cùng với sự bùng nổ kinh tế tư bản ở một tốc độ chóng mặt, người dân Hàn Quốc vẫn duy trì những quan niệm và tư tưởng cổ hủ của xã hội Khổng giáo tạo ra một xã hội bất ổn và rất nhiều vấn đề nan giải: trọng nam khinh nữ, đàn ông gia trưởng, hôn nhân và ly hôn, bạo lực gia đình, áp lực thi cử... Sự coi trọng nhan sắc hay vẻ bề ngoài cũng là một suy nghĩ tạo áp lực cho cả xã hội, trẻ em từ 12 tuổi trở lên được phép phẫu thuật thẩm mỹ và tỉ lệ tăng trưởng hằng năm của thị trường mỹ phẩm dành cho đàn ông Hàn Quốc là 70%. Phim ảnh Hàn Quốc phản ánh phần nào những mặt trái của xã hội Hàn Quốc với những sức ép rất lớn lên một cá nhân dẫn đến số người tự tử ngày càng tăng và độ tuổi tự tử ngày càng trẻ.
 
Ngày thứ năm là tham quan Changdeokgung (Xương Đức Cung), Cung điện này lớn thứ hai và nằm phía đông Cảnh Phúc Cung nên gọi là Đông Cung (các bác xem phim cứ thấy gọi Đông Cung Thế Tử là vì Thế Tử ở cái cung này). Cung điện này ít khách du lịch hơn Cảnh Phúc Cung vì quy mô không hoành tráng bằng nhưng theo em bên này mới đáng xem vì bên này là đồ thật (được công nhận là Di sản văn hóa thế giới), bên kia là đồ giả cổ. Đây là cổng chính Đôn Hóa Môn (Donhwamun):



Cung điện này được dùng làm cung điện chính thiết triều trong suốt hàng trăm năm mặc dù nó xây lên với mục đích ban đầu để làm nơi ở của hoàng tộc. Đây là Nhân Chính điện (Injeongjeon) (mấy cái bóng đèn là đồ cổ nhé, hàng Made in Nippon hẳn hoi):



Thấy có một cái cửa buộc dây phập phều, em chui vào xem, lúc đầu bảo quái sao lại có bếp lò ở dưới sàn cung điện sau mới nghĩ ra đây là hệ thống sưởi mùa đông. Ở Hàn Quốc rét nên họ mới nghĩ ra cái này chứ bên nhà mình nóng chảy mỡ nên không có:



Chắc là nàng Dae Jang Geum đã từng bê cơm lên cho Hoàng thượng trong Ngự thiện phòng này đây:



Tiếc nhất là phía sau cung điện còn Bí Uyển (Biwon) em không đi. Lúc về mới biết đấy là kiến trúc vườn cung đình đẹp nhất. Vì hôm đấy nắng to, đi mệt, đã thế chỗ vườn đấy lại đóng cổng thu thêm một lần vé nữa, em không thèm vào mà quay ra, giờ về tiếc hùi hụi.

Buổi chiều hôm đấy đi xem một show nhạc kịch mà em cho là hay nhất em từng được xem. Đây là trang web giới thiệu của Bibimbap show:

http://visitkorea.or.kr/enu/SI/SI_EN_3_2_1.jsp?cid=1329215

Theo như giới thiệu trên này thì 31/12/2013 sẽ hết, bác nào đi Hàn nhớ tranh thủ ghé qua xem. Chương trình gắn mác là phù hợp cho mọi lứa tuổi, tôn giáo và nghề nghiệp, nội dung là một cuộc thi nấu ăn giữa hai đầu bếp, không hề có một câu nói nào nhé, kịch câm, nhưng cười vỡ bụng. Kết hợp trong đó là rất nhiều màn trình diễn nghệ thuật. Em được mời lên sân khấu ăn thử món thứ hai là pizza, mình ngồi vào bàn nhìn cái pizza bằng nhựa, chưa biết ăn kiểu gì thì đèn phụt tắt, cô diễn viên xinh gái lấy tay bịt miệng em lại rồi hôn chụt chụt vào cái mu bàn tay cô ấy, đèn bật lên, cả sân khấu ở dưới nhìn lên tưởng hôn nhau thật, đến lúc em xuống nhất là bọn trẻ con trong đoàn cứ nhao nhao: "Êu ơi, anh Hoàng sướng thế được hôn chị Hàn Quốc", mình cứ ỉm ỉm cho chúng nó tưởng thật :))

Còn một show nữa hình như tương tự như thế, thấy cũng được đánh giá rất cao trên tripadvisor đây:

http://www.tripadvisor.com.au/Attra...5-Reviews-MyeongDong_NANTA_Theatre-Seoul.html

Tối hôm đó, em quyết định đi mò mẫm tàu điện ngầm của Seoul xem như thế nào. Hệ thống metro của Seoul còn hơn cả một mớ bùi nhùi, chắc chỉ có Tokyo mới phức tạp hơn mà thôi. Khi mua vé thì phải mất 500 won đặt cọc cái thẻ, khi đi xong rồi, đút cái thẻ vào máy thì lấy lại được 500 won. Chỉ dẫn rất mù mờ, khó hiểu nên dù em đã xin bản đồ metro của khách sạn, hỏi han trước nhưng xuống dưới ma trận đấy vẫn chịu chết, phải hỏi thăm mấy người mới chui được lên mặt đất. Hành lang đợi tàu:



Hàn Quốc sang Nhật học hỏi hệ thống tàu điện ngầm nhưng có cải tiến hơn, và đặc biệt là có cái cửa kính này đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách. Nhiều nước châu Âu hay Úc, Mỹ đều không có gì che chắn ở ga tàu ngoài cái vạch vôi, nếu nhỡ có ai rơi xuống đường ray thì chỉ có nước...nát bét. Nhưng riêng Seoul thì thấy có hệ thống kính chắn, ngăn hành khách và đường ray tàu điện:



Trên tàu thì như thế này:



Hành khách trên tàu một là ngủ hai là smartphone. Tàu này giống kiểu Nhật, hai hàng ghế chạy dọc theo thành tàu để lấy chỗ đứng nhiều hơn chỗ ngồi.

Metro ở đây đóng cửa rất sớm, 10 giờ tối các ga đã đóng gần hết nên em không dám đi xa, lên ngay bờ sông chỗ nhà Quốc hội. Nhà Quốc hội ban đêm (bị mấy anh bảo vệ xua đuổi cấm chụp ảnh nên phải chạy sang đường):



Còn ban ngày thì trông nó thế này ạ:



Dân Hàn Quốc cũng mê tín đấy chứ. Đây rõ ràng là trời tròn đất vuông còn gì. Ngay cái quốc kỳ cũng là âm dương bát quái.

Lúc về đi ngang qua tiệm thịt nướng, mấy cái ống dài ngoằng hút khói rồi xịt ra đường. Chỉ khổ khách lữ hành đang đói bụng:

 
Ngày thứ sáu là chương trình mua sắm, bình thường em đi bộ rất khỏe nhưng không hiểu sao cứ vào mấy trung tâm thương mại là chân yếu tay run các bác ạ. Các bác già lôi em đi phiên dịch để mua nào nhân sâm, nào linh chi, nào O Hui, nào Sochu. Ôi chóng hết cả mặt, nên em không kể dông dài chuyện mấy phố mua sắm làm gì nữa. Buổi chiều có ngồi thuyền trên sông Hán nhưng cũng không có gì đặc sắc cả. Hôm sau là về rồi nên em quyết phải lên điểm cao nhất Seoul: Tháp truyền hình N Seoul.

Anh lễ tân khách sạn hướng dẫn đi tàu điện đến Tháp nhưng thấy phải qua ba lần đò chưa kể thời gian lạc đường nên quyết định nhảy taxi, ăn chơi một lần cho máu. Được cái taxi Seoul không phải là đắt nên đi được. Các bác lưu ý là taxi đen đắt tiền hơn nhiều taxi trắng, da cam, vàng nhé. Muốn đi đâu thì phải thủ sẵn card ghi địa chỉ hoặc nhờ ai viết cái tên bằng tiếng Hàn, lái xe taxi không biết tiếng Anh đâu và không biết cả đường nữa, toàn hỏi máy định vị cả. 80% người lái taxi là người già, "hello" các bác ấy cũng không biết. Hôm em đi thì ngồi xe một cụ chắc phải gần bằng tuổi ông ngoại mình, lo sốt vó không biết cụ mắt mờ chân chậm thì đạp phanh kiểu gì. Giải thích mãi điểm đến không được liền chỉ thẳng cái tháp ở trên đỉnh đồi xa xa, cụ gật gù, ok, lên xe. Thấy cụ tuôn một tràng tiếng Hàn, hình như hỏi mình ở đâu đến, "Việt Nam", "Ồ, Vietnam? Việt-Lam-muôn-lăm!" (Không biết cụ ngày xưa có đi lính Park Chung Hee không nữa).

Xe đến dưới chân đồi, cụ dừng lại, em chỉ chỉ, cái tháp trên kia cơ mà, cụ gật gù, phóng xe đi một mạch, em không hiểu là đi đâu cứ cái tháp mà chỉ, tay bắt chước mấy con khỉ leo cầu thang, à, xe lại quay lại chỗ dừng lúc nãy. Em đang bó tay thì thấy cụ chỉ ra ngoài nói liên hồi, giờ thì em đã hiểu là đi lên đấy chỉ có một đường độc đạo là cái cáp treo.

Đang hào hứng nhưng nhìn thấy đoàn người đứng xếp hàng kín 3 tầng nhà kính tụt hết cả cảm xúc. Không thấy chỗ mua vé gì cả, thôi cứ đứng vào đã. Nhích mãi thì cũng đến chỗ mua vé trên tầng hai. Dọc hai bên đoàn người đứng chờ là các quầy bánh kẹo, kem, nước ngọt, làm ăn phát đạt ra phết nhưng mà em quyết tâm chống lại cám dỗ vì giá trong này cỡ gấp đôi ngoài phố. Đi cáp treo lên đó mất 3 phút nhưng xếp hàng 1 tiếng 30 phút. Tháp nhìn từ cáp treo:



Xuống cáp treo rồi còn phải leo dốc một đoạn nữa mới đến chân tháp:



Vào mua vé lên tháp người ta phát cho một cái vé ghi số thứ tự, mình đứng vào xếp hàng thì anh nhân viên nói cứ ra sân mà ngồi, không cần đứng cho mệt vì còn khoảng trăm rưởi người nữa mới đến lượt mình, 1 tiếng nữa quay lại xếp hàng là vừa!

Trong tháp có một bảo tàng gấu bông (hình như phải mua vé) mà em không có hứng gì lắm nên ra sân ngồi. Đang khát nước thấy có hàng kem, cách làm kem lạ mắt, cùng đua đòi xếp hàng. 5000 won một cái kem ốc quế, 100 nghìn cái kem thì cũng chát nhưng mà mấy khi lên đỉnh Seoul ăn kem nên vẫn mua. Mình gọi vị gì (em gọi dâu tây) thì người ta lấy hoa quả đấy trộn với kem, dùng hai cái xẻng nhỏ trộn thật nhuyễn, rắc bột quế hay gì đó vào rồi đặt cả viên kem to tướng vào cái ốc quế:



Ăn ngon phết các bác ạ. Mãi sau này em mới biết đấy là hàng kem ngon nhất Seoul, may mà lúc đấy không tiếc trăm bạc.
Cuối cùng thì cũng lên được tháp, cái thang máy này được quảng cáo là nhanh nhất thế giới. Tháp 101 Đài Bắc cũng tuyên bố là nhanh nhất thế giới thì không biết cái nào nhanh hơn. Trên tháp nhìn Seoul 360 độ trong đêm, cũng không rực rỡ như mình nghĩ:



Ở đây họ nghĩ ra một cái cũng hay, đấy là đo khoảng cách đến thủ đô các nước theo đường chim bay, chia ra mỗi hướng thành một ô kính, ai cũng tíu tít chụp ảnh quê mình:



Có mỗi một ô Pyongyang 80km là không thấy ai đứng. Bình Nhưỡng cách đây có 80 cây số, nếu có bắn tên lửa sang thật thì đừng nói Mỹ chứ Tề thiên đại thánh cũng không đỡ nổi, thế nên chính quyền Hàn Quốc đang chuẩn bị cho việc dời đô (đồng thời đem tiền của sang Việt Nam cất bớt).

Sáng ngày thứ bảy còn một điểm tham quan cuối là trụ sở của tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc Samsung:



Trong tòa nhà trưng bày tất cả những công nghệ tiên tiến nhất của Samsung từ trò chơi thực tế ảo, đên công nghệ cảm ứng điều khiển màu sắc của cả một bức tường. Và quan trọng nhất vẫn là gian hàng bán điện thoại (Samsung Galaxy giá đắt hơn ở Việt Nam).

Các Chaebol của Hàn Quốc là những đầu tàu kinh tế của đất nước. Họ nắm trong tay cả quyền lực kinh tế và chính trị, Tổng thống muốn làm gì cũng phải xin ý kiến họ. Tập đoàn Tam Tinh (Samsung) và Tập đoàn Hiện Đại (Hyundai) sản xuất tất cả mọi thứ từ tên lửa cho đến cái bút chì. Chữ "Chaebol" dịch ra là "tài phiệt", trong tiếng Việt hiểu theo nghĩa là "tư bản tài chính có thế lực chi phối kinh tế- chính trị" nhưng vậy là chưa hết, đó mới là chữ "tài" còn chữ "phiệt" nghĩa là "dòng họ". Các tập đoàn này do cha truyền con nối, họ hàng đưa vào làm các chức vụ cao, quản lý kiểu gia đình trị. Thế nên phim Hàn Quốc muôn thuở có cái bài một cô lọ lem yêu anh công tử sắp lên chức chủ tịch tập đoàn, ông chủ tịch tập đoàn không có con trai nên có vợ bé để sinh con nối dõi cơ nghiệp. Thế nhưng đâu phải con trai ông nào cũng giỏi, nhiều anh lên phá tan hoang cả cơ nghiệp hoặc mấy ông em trai, em rể không có năng lực vẫn làm lãnh đạo vậy nên chính quyền Hàn Quốc đang tìm cách hạn chế các Chaebol nhưng vô ích. Một Chaebol đang phất lên nhanh chóng là Lotte, nhìn sự hiện diện của họ khắp nơi ở Việt Nam thì đủ hiểu.

Những tòa nhà trụ sở các công ty đủ hình dáng, kiểu cách:



Tòa nhà này do kiến trúc sư nổi tiếng Mario Botta thiết kế:



Bữa ăn chia tay Hàn Quốc thật xúc động vì...cuối cùng cũng được một bữa no:



Tạm biệt và hẹn gặp lại:



Cảm ơn các bạn đã theo dõi topic này rất nhiều :*
 
ô mô... mình coi kĩ mấy pic hình cũa bạn thì mình nhận ra 1 điều là running man ( variety show) chiếu ở mấy chỗ này hết luôn. :)) mình cũng muốn dc 1 chuyến như bạn quá :))
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,426
Bài viết
1,175,808
Members
192,098
Latest member
vnae888
Back
Top