What's new

[Chia sẻ] Sìn Hồ độ cuối đông

Mất 1 ngày để nghĩ tới điểm đến Lai Châu, 1 tiếng để check thông tin về Sìn Hồ, và 1 phút để thuyết phục bạn đồng hành. OK, lên đường.

Xe khách nhé, cho chủ động, 230k/người/lượt Hà Nội - Lai Châu. Nhưng ngay sau khi chúng em về HN thì được tin nhà xe rẻ nhất này cũng đã nâng giá vé lên 260k cho bằng bạn bằng bè, may thế!

Xe xuất phát từ bến Giáp Bát, 7h tối, 7h sáng hôm sau đã có mặt ở bến xe thị xã Lai Châu. Những đứa quen đi phượt bằng xe máy như tụi em không thể ngờ là ở một THỊ XÃ hẳn hoi, mà tìm thuê cái xe máy nó khó thế. Sau bao gian nan, cuối cùng cũng kiếm được em Wave ZX. 61km, trực chỉ (chính xác là "ngoằn ngoèo chỉ") Sìn Hồ theo đường tỉnh lộ 129 (bác nào thích đi đường "mua" thì xuôi theo quốc lộ 4D, em chưa đi, biết đâu nó đẹp hơn tỉnh lộ).

Nhưng tỉnh lộ của em thì nhìn được thế này:
Mênh mang
4321690543_1b5cb27be6_o.jpg


Đường đi nói chung là đẹp, chỉ hơi giống cách mà các lãnh đạo trả lời chất vấn ở nghị trường tí thôi (quanh co), kiểu như cung đường từ Quản Bạ lên Đồng Văn - Mèo Vạc, khác là có rất nhiều cây và tần suất ôm cua cao hơn.

Được 2/3 quãng đường (khoảng 40km) thì thấy một cảnh khá thơ mộng: một em gái (Mông thì phải, trông khang khác trên Hà Giang, Lào Cai, hay Sơn La) ngồi đạp máy khâu trước cửa nhà. Em ấy đang may cái dải thắt lưng. Phải rồi, hôm nay là thứ 7, sáng mai chủ nhật chợ phiên Sìn Hồ đông vui nhất tuần. Lại chụp, nhỉ?
4322463116_9d6e6d550f_o.jpg


Vẫn biết là với những bộ đồ sặc sỡ của bà con dân tộc, thì chụp ảnh đen trắng là một sự xúc phạm cỡ vừa, nhưng em mê ảnh b&w quá nên hơi lạm dụng.

Chúng em tới trung tâm thị trấn Sìn Hồ lúc gần trưa, sau khoảng 2,5 tiếng vừa chạy xe vừa nghỉ. Phải nói là Lai Châu đã nghèo, Sìn Hồ dĩ nhiên phải nghèo hơn, nhưng không ngờ là ở xó này cũng có một cái khách sạn kha khá, mang tên Thanh Bình - ngay đầu thị trấn. Có vẻ tư duy của ông chủ của nó hơi phức tạp, nên kết hợp giữa bồn tắm và bồn rửa mặt hiện đại là bộ màn khung cực cải lương. Thôi, chẳng mong gì hơn với 200k/ngày đêm/phòng 2 giường cá nhân.

Tranh thủ lượn ra chợ thị trấn, thứ 7 nghe nói cũng là ngày đông vui (tuy không bằng chủ nhật), nhưng thấy hẻo quá. Phải đợi tới sáng mai thôi.

Kế hoạch ban đầu là sẽ đi Pú Đao, nhưng còn có nửa ngày, mà xem bản đồ thì thấy quãng đường đến Pú Đao chí ít cũng xấp xỉ đoạn đã đi buổi sáng. Phương án B được chọn: Tả Phìn, cách thị trấn khoảng 5km.

Em ấn tượng với cái tên Tả Phìn (và những gì phát âm tương tự) lắm. Hà Giang có Tả Phìn, Lào Cai có, đây cũng có, mà trước đó 3 tuần đi Mộc Châu còn ghé vào... Tà Phình. Mỗi nơi một vẻ, riêng Tả Phìn ở Sìn Hồ thì có nhiều nét giống... Tây.

Đây là mùa đông trắng bên Âu
4321770225_d423424106_o.jpg

Nêm tí màu cho lạc quan nào
4321783425_0f51b03b3b_o.jpg


Thôi dừng chất Tây ở đây nhé. Bịch, rơi trở lại An Nam.
Kẹo nào, các cháu.
4322525808_afb3d71d1f_o.jpg

Lại b&w nhé: heo mọi
4321798067_81786e8f90_o.jpg


...
Đặt gạch vậy đã, sẽ tiếp sau. Đang say quá, mấy hôm chưa tỉnh hơi men. (beer)
 
nếu nói về đá thì mình chỉ biết đá đen mà người ta hay dùng để lợp mái nhà thôi.hay các mỏ đá đang khai thác để xây dựng khác,chứ đá này thì lạ quá...
 
Post bài lên phượt thì chăm, chứ viết báo thì lười nhác. Nhưng cuối cùng cũng chịu đặt bút cho cảm nhận đầy đủ về 1 góc nào đó ở Sìn Hồ. Viết cho giới kinh doanh đọc, nên cách tiếp cận có thể hơi lạ tai.

Lang bạt nơi thung lũng Sìn Hồ

Bài: N.L.B​

Đang lãng đãng trong cái cô tịch của rừng núi, chợt thị giác như vỡ oà hân hoan trước một khoảng mênh mông đầy nắng và gió, rồi lại thu mình vào những khúc cua tay áo ôm sát sườn vách đá, miệt mài bám theo con dốc quanh co kiếm tìm một điểm dừng chân thật cao để ngắm thung lũng mờ sương - con đường dẫn lữ khách tới Sìn Hồ (Lai Châu) có đầy đủ những cung bậc cảm xúc như thế.

Trước khi khởi hành, chúng tôi chỉ được biết đôi chỗ người ta gọi Sìn Hồ là “Sapa thứ hai của Tây Bắc”, thông tin về miền đất này trên cái kho tư liệu khổng lồ là internet lại khan hiếm như hàng hoá thời tem phiếu. Bằng một động lực rất cảm tính về cái tên của điểm đến, và mong muốn được đón chút lạnh cuối mùa còn rớt lại, chúng tôi vẫn quyết định đi Sìn Hồ. Vốn liếng kiến thức marketing ít ỏi an ủi những kẻ lên đường rằng, mình đang đi tìm một “thị trường ngách” – một điểm đến mà nhiều người bỏ qua.

Bài học 1: đánh giá & dự phòng rủi ro

Những quyết định trong lúc hứng khởi luôn đem đến một “nhuệ khí” tuyệt vời ngay sau đó, và cũng rất dễ dẫn đến những biến cố bất lợi khó lường ở đoạn kế tiếp. Kế hoạch ban đầu là sẽ thuê xe máy để chạy từ thị xã Lai Châu tới Sìn Hồ, nhưng tới thị xã rồi, mới nhận ra mình đã không lường trước được rủi ro không thuê được xe để tiếp tục hành trình. Bạn đồng hành hỏi “làm sao bây giờ” – kẻ “chủ mưu” của chuyến đi tự tin: khắc phục khủng hoảng là nghiệp vụ của PR, đã có phương án khắc phục mà vẫn bám sát mục tiêu kế hoạch.

Sau nửa ngày làm công tác “dân vận”, cộng với một hành trình mang ý nghĩa khởi động là vượt đèo Hoàng Liên Sơn với hai anh xe ôm, chúng tôi đã có thể thuyết phục một anh cho thuê chiếc xe để tự lái trong những ngày còn lại. Từ thị xã Lai Châu, bạn có thể chọn một trong hai cách để tới Sìn Hồ: bám theo quốc lộ 4D; hoặc chạy tỉnh lộ 129. Chúng tôi chọn tỉnh lộ, với chiều dài cung đường là 61km.

Lai Châu – Sìn Hồ rõ ràng không phải là đoạn đường quá dài, nhưng chúng tôi cũng phải mất gần 3 tiếng để đến đích. Đường không tệ, và đèo dốc không quá nguy hiểm, nhưng nếu lại được đi trong khung cảnh tuyệt vời như thế, chúng tôi có lý do để không phải vội vàng. Vượt qua chừng hơn chục cây số tính từ thị xã Lai Châu theo hướng lên dốc, một khoảng không gian mênh mang mở ra khi nhìn về bên tay phải: toàn bộ thị xã đang nằm trong tầm mắt chúng tôi, mờ trong sương sớm của buổi bình minh, dưới nắng ấm nhè nhẹ. Lọt vào khuôn hình máy ảnh là vài ngọn lau hơi run rẩy trong gió cuối mùa – vẫn mang hơi lạnh dịu ngọt của rừng núi. Không gian tĩnh lặng, tiếng động lớn nhất có thể nghe thấy là hơi thở rất sâu của chính mình.

Bài học 2: biểu đồ hình sin

Nắng, gió, thoảng chút hương hoa, hay cái mùi ngai ngái đặc trưng của núi rừng, đôi lúc rợn rợn trên da thịt khi lướt qua khe núi giàu độ ẩm, hoặc bất chợt muốn dừng chân nghỉ ngơi ngắm cảnh, những trải nghiệm đó khó có thể bắt gặp nếu chỉ ngồi “cưỡi ngựa xem hoa” trên ôtô. Chúng tôi chọn xe gắn máy làm phương tiện di chuyển là thế.

Chạy xe ở miền núi cao như đường lên Sìn Hồ dĩ nhiên là có nguy hiểm, từ những đoạn cua tay áo liên miên, đến việc phải tránh vài cục đá lác đác rớt rơi từ sườn núi xuống từ bao giờ, hay những lúc tránh xe ngược chiều, tới cái ma lực thôi miên của khung cảnh dễ khiến bạn mất tập trung. Nhưng cần phải chú ý nhất vẫn là cái chu kỳ leo dốc-xuống dốc lặp đi lặp lại trên cả cung đường, như cái biểu đồ hình sin của chu kỳ kinh tế. “Khủng hoảng” (xuống dốc) là lúc chúng tôi phải sử dụng liên hoàn cả phanh tay, phanh chân, lẫn dìm số/trả số, nhưng đừng hãm phanh quá đà, vẫn phải duy trì tốc độ vừa đủ để lấy quán tính chuẩn bị cho giai đoạn “tăng trưởng” (lên dốc) ngay sau đó. Khi đạt tới điểm bão hoà (đỉnh dốc), chúng tôi cho phép mình nghỉ chân vài phút, nhìn lại những khúc quanh co mình đã đi qua, và hướng mắt về những đích mới cần chinh phục.

Chỉ còn cách Sìn Hồ chừng 15km, một bối cảnh giản dị và đẹp như sắp đặt sẵn để đón chờ chúng tôi bày ra ngay bên đoạn đường lưng chừng ngọn đồi hơi thoải: một thiếu nữ đang độ trăng tròn ngồi bên máy khâu, may dải dây lưng sặc sỡ đặc trưng của người Mông, quanh đó là bầy em nhỏ mải nhìn chúng tôi như thể chính những lữ khách mới là người dân tộc thiểu số. Phải rồi, ngày mai là chủ nhật, chợ phiên Sìn Hồ đông vui nhất tuần, thiếu nữ sẽ ăn mặc thật đẹp để đi chơi chợ. Hỏi thăm, chỉ thấy cười; hỏi thêm, nghiêng mặt ngượng nghịu. À, không biết tiếng Kinh, nhưng người Kinh có biết tiếng Mông nhé: “Lùa” (cười đi) - vậy là cả Kinh lẫn Mông đều “lùa”. Chớp lấy một khoảnh khắc, mà khi trở về tới phồn hoa đô thị, còn miên man tính đến ngày trở lại để tận tay tặng người Sìn Hồ tấm ảnh kỷ niệm.

Bài học 3: quy luật 1 giá

Sìn Hồ có lẽ chưa phải là đích nhắm phổ biến của các hãng lữ hành, và chắc cũng còn khá lạ tai với du khách, nên chúng tôi cũng không kỳ vọng rằng thị trấn huyện lị sẽ có đủ những tiện ích dịch vụ như “phiên bản gốc” là Sapa. Tuy nhiên, ở ngay đầu thị trấn vẫn có một khách sạn khá tươm tất (và duy nhất) là Thanh Bình. Sự lựa chọn duy nhất không phải bao giờ cũng là lựa chọn tồi, nhất là khi giá phòng nghỉ ở mức tạm gọi là “hạng phổ thông”.

Trong khi đó, sự lựa chọn của số đông thường là lựa chọn hợp lý, nhất là ở khâu ăn uống. Thanh Trung – tên của tiệm cơm mà chúng tôi bước vào có một lối phục vụ không giống ai. Lạ ở chỗ, bạn đừng gọi món rau – rau mặc nhiên là món sẽ được bày ra bất kể bạn có muốn gọi hay không. Các món khác, sẽ được tính tiền theo “quy luật 1 giá”: 2 món, tính giá 70.000đ; 3 món, tính 80.000đ; bất kể đó là món gì. Lý thuyết kiểu mới (là sự kết hợp giữa buffet và tiệm cơm bình dân có người phục vụ) của chị chủ quán được chứng minh hiệu quả bằng số lượng khách hàng.

Buổi sáng ngày chủ nhật, chúng tôi dạo chợ. Chợ phiên Sìn Hồ không được rộng và đông đúc như Bắc Hà hay Mèo Vạc, và thiếu nét kiến trúc độc đáo như Đồng Văn, nhưng lại là địa chỉ giao lưu buôn bán của nhiều đồng bào dân tộc ít người, như Mông, Dao, Dáy… Đặc sắc nhất là sự hoà trộn của kiểu dáng và màu sắc trang phục người bản xứ, và những gương mặt thiếu nữ - xinh đẹp đến bất ngờ. Chúng tôi còn bắt gặp một gương mặt như thế, khi quay ngược trở lại theo hướng về Lai Châu chừng 5km, vào xã Tả Phìn, mà bạn đồng hành gọi cô bé là “Angelina Jolie rừng núi”. “Nàng Jolie của xứ Sìn Hồ” thả tầm mắt vào xa xăm, để trong một khoảnh khắc bất thần, khuôn mặt và dáng đứng ấy hiện lên tất cả những nét hoang sơ, tự nhiên và kiêu kỳ lạ thường.

(Tạp chí Doanh Nhân, số ra ngày 20/04/2010)
 
Quay trở lại Sìn Hồ nào!

Đường lên Sìn Hồ có rất nhiều cây cao, trơ trọi. Một trong số chúng là đây:
4322431464_87b407c77d_o.jpg

...
Bạn gì gì ơi!!! Cho tui hỏi cái. Bạn chụp mấy cái ảnh bằng máy Canon phải ko??? Len gì mà đẹp vậy hả bạn??????
 
Last edited by a moderator:
Bạn gì gì ơi!!! Cho tui hỏi cái. Bạn chụp mấy cái ảnh bằng máy Canon phải ko??? Len gì mà đẹp vậy hả bạn??????

"Gì gì" xin trả lời bạn là đúng, mình chụp bằng máy Canon. Chuyến đi này mình dùng 2 ống, 1 chiếc Tamron 17-50mm F/2.8 (của mình) và 1 chiếc tele Canon 70-200mm F/2.8 (đi mượn) (NT)

Đường xa, mà cứ vác máy trên vai, nên UV bám đầy bụi, nếu để ý bạn sẽ thấy cả những đốm bụi này trên ảnh :D Mình không thích và không biết dùng photoshop nên mặc kệ, cứ để nguyên bản.
 
Sìn Hồ, cái tên mà lần đầu tiên tôi rê bút đến trên tấm bản đồ du lịch chỉ gợi nhớ một điều duy nhất: mỗi đợt gió mùa đông Bắc tràn về, mấy em phát thanh viên trên chương trình dự báo thời tiết thường lấy ra làm ví dụ về độ lạnh. Chỉ có thế và không còn gì nữa, cho tới khi tôi đặt chân đến đó vào một ngày tháng 5.

Sìn Hồ đánh dấu lên người tôi với một cú ngã sõng xoài trên quốc lộ 4D, cằm sứt, tay sướt một mảng lớn, nhưng vẫn còn may lắm, vì trên con đường quanh co này có rất nhiều miếu cô hồn bên mép vực. Âu cũng là tôi ham đi vội để đến xem chợ Sìn Hồ.

Chợ Sìn Hồ bé tẹo như một cái chợ cóc ở Hà Nội, và cũng chật chội ngang như thế, nếu là một cái chợ Huyện thì nó quả là bé nhỏ so với chợ Bắc Hà, nhưng có lẽ ít nơi ta gặp nhiều dân tộc cùng chung sống như ở Sìn Hồ, nếu ở Sapa ta chỉ thấy sắc tím đen của người Mông Đen, ở Bắc Hà đỏ thắm - Xín Mần đỏ sậm (người Mông Hoa), thì ở Sìn Hồ, ta sẽ thấy đủ các màu đen, đỏ, xanh, vàng - những người Dao, người Xá Lá Vàng... cùng đến chợ một lúc trong phiên chợ đầy màu sắc. Điều đặc biệt là nơi đây chưa bị du lịch hóa như Sapa nên đồng bào pose ảnh rất tự nhiên. Hơi ngạc nhiên là bác chủ topic không post vài cái ảnh chợ Sìn Hồ cho bà con nhỉ?

Sìn Hồ được ví như Sapa thứ 2, nhưng thực sự thì thời tiết của nó còn đỏng đảnh hơn, tôi đi theo quốc lộ 4D, vượt qua đỉnh đèo từ tx Lai Châu sang mạn Sìn Hồ, có cảm giác như sống lại lời bài hát Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, một bên là nắng ấm, bên kia là những lớp sương mù dày đặc đang hóa mưa phùn trong cái se lạnh tựa cuối thu.

Hơi tiếc là tôi đến Sìn Hồ lúc gần 11h trưa Chủ Nhật - khi phiên chợ đã vãn, chắc chắn sẽ còn quay lại ít nhất một lần nữa!
 
Tôi không có nhiều ấn tượng với chợ huyện Sìn Hồ, không phải vì nó bé, mà vì nó chật chội quá. Lều lán căng bạt mịt mùng, đi phải hơi cúi đầu, lại xanh đỏ đủ thứ hàng Tàu với rất nhiều phản thịt lợn thịt bò, người đi chợ như nêm vào nhau...

Sìn Hồ chưa phải là điểm du lịch đông khách thì đúng, nhưng bà con chẳng chịu pose đâu ạ, họ trốn ống kính là đằng khác. Cũng có thể tại cái thằng tôi trông du thủ du thực quá.

Cuối tháng 9 năm nay tôi sẽ lại ghé qua Sìn Hồ, trên 1 cung đường rất dài, hi vọng là sẽ có thêm nhiều điều để chia sẻ ở topic này.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,305
Bài viết
1,174,993
Members
192,033
Latest member
cmd368vnccloud
Back
Top