Để tiếp tục, xin giới thiệu sơ lược về lịch sử Mũi Hảo Vọng và quá trình bóc lột Châu Phi (ban đầu) và thuộc địa hóa (về sau).
Cũng cần nói thêm, ban đầu người Châu Âu không chiếm lấy Châu Phi do lục địa này thưa người và khí hậu rất độc đối với họ. Họ cũng không trực tiếp cướp bóc Châu Phi mà chỉ nắm lấy một mắt xích trong chuỗi thương mại buôn người và sản vật: sản vật (ngà voi, da thú v.v.) và nô lệ da đen sẽ được chính các bộ lạc Châu Phi tự thu gom theo truyền thống, được các lái buôn da đen và Ả Rập mua mối rồi đem tới bờ biển để trao đổi sòng phẳng cho tàu buôn (cả của Châu Âu lẫn Arab) chở đi tới nơi tiêu thụ, đổi lại bằng những sản phẩm rẻ tiền của Châu Âu. Người Châu Âu chỉ chiếm lấy những cảng biển quan trọng trên tuyến hải hành từ Âu sang Á (như Cape Town hay quần đảo Cape Verde). Việc thuộc địa hóa và thực dân hóa Châu Phi chỉ diễn ra từ cuối thế kỷ 18 (dù đã diễn ra tại Châu Mỹ từ thế kỷ 16), khi khoa học kỹ thuật cho phép người Châu Âu tự tin về tính ưu việt của chủng tộc mình - một niềm tin mà về cơ bản giống hệt việc vào thập niên 1930-1940 người Đức đã tin vào Hitler.
Năm 1453, thành Constantinople, kinh đô đế quốc Đông La Mã rơi vào tay sultan Thổ, đánh dấu một bước ngoặt của lịch sử thế giới - người Hồi giáo thống trị Địa Trung Hải và nắm trọn con đường buôn bán quốc tế từ Châu Âu tới Trung Hoa. Châu Âu như rơi vào cái rọ, và vàng bạc của Châu Âu cứ chảy giọt khỏi đáy giỏ vào tay thương nhân Hồi giáo trên biển và trên bộ không cản nổi. Họ buộc phải tìm cách thoát ra cái rọ ấy.
Những thông tin và hình ảnh dưới đây do Sinbad chụp tại Bảo tàng Pháo đài Mũi Hảo vọng, Cap Town và dịch lại nguyên văn.
NGƯỜI BỒ ĐÀO NHA VÀ MŨI HẢO VỌNG
Vào thế kỷ 15, người Bồ bắt đầu thám hiểm bờ biển Tây Phi - người thúc đẩy mọi chuyện là Hoàng tử Henri mệnh danh Henri Nhà hàng hải, mặc dù ông không ra khơi một ngày nào. Từ Cape St. Vincent tại cực tây nam của Châu Âu cho tới Cape Non trên bờ biển Châu Phi là 960 km đại dương. Theo các ghi chép còn lại ngày nay, đấy là điểm mà rất ít thủy thủ từng vượt qua. Châu Âu gần như hoàn toàn bỏ lơ Châu Phi và do đó các căn cứ đầu tiên của họ là các quần đảo tách rồi bờ biển Châu Phi như các quần đảo Madeiras, quần đảoCanaries và quần đảo Azores.
Tiến trình khám phá xuôi bờ biển Châu Phi ban đầu khá chậm nhưng các trở ngại, gồm cả có thật lẫn tưởng tượng, đều dần dần bị vượt qua. Cái vô minh bị đẩy lùi khỏi hết mũi đất này đến mũi đất khác trước sự bảo trợ của cái tường tận. Năm 1434 Cape Bojador, nằm dưới Cape Non 560km, bị vượt qua. Mãi tới 1441 người Bồ Đào Nha mới tới được bờ biển Guinea và bắt đầu gặt hái thành quả thương mại từ vàng, ngà voi, nô lệ và gia vị. Đến năm 1445, thêm hai mũi đất khác bị vượt qua là Cape Blanco và Cape Verde.
Năm 1453 đế quốc Ottoman bành trướng và chiếm được Constantinople. Hệ quả là con đường thương mại buôn gia vị từ Ấn Độ tới Châu Âu bị cắt đứt và buộc phải tìm ra tuyến đường thay thế. Năm 1481 vua Joao II lên ngôi và ra lệnh cho Diego Cao thực hiện một loạt chuyến thám hiểm của Bồ Đào Nha để tìm ra con đường biển vòng qua Châu Phi tới Ấn Độ. Năm 1482 Cao tới được Cape Santa Maria và tới chuyến thám hiểm kế tiếp năm 1485, ông tới được Cape Cross trên bờ biển Hoang mạc Namib.
Năm 1487 một đoàn thám hiểm gồm hai tàu caravel cùng một tàu chở hàng hậu cần (store ship) do Bartholomew Dias chỉ huy ra khơi từ Bồ Đào Nha. Tới gần cửa sông Orange River họ không thể tiến thêm nữa (tức là mất gió) và đành quay buồm tiến ra biển theo hướng tây nam. Họ gặp bão lớn và phải dong buồm trước khi hoa tiêu thấy bờ tây Châu Phi. Không tìm thấy bờ, họ dong buồm lên phía bắc và cặp bờ tại nơi ngày nay là vịnh Mossel Bay. Từ địa điểm này Dias dong buồm tới nơi ngày nay là Kwaaihoek (Cannon Rocks), tại đây ông cho dựng một "padroe" (cột đá trên đỉnh có một khối đá hình hộp và thập giá) rồi quay về, cuối cùng lại nhìn thấy mũi Cape nổi tiếng, về sau được gọi tên là "Cabo de Tormentoso", Mũi Bão. Người ta kể rằng vua Joao đã đổi tên đó thành "da Bos Esperanza" hay Mũi Hảo Vọng. Con đường tới Ấn Độ giờ rộng mở và Vasco da Gama, rời Bồ Đào Nha năm 1497, đã theo đó tới được Ấn Độ.
* Chú thích: caravel là loại tàu nhẹ chạy nhanh với 2 hay 3 cột buồm với buồm tam giác cùng thủy thủ đoàn 20 người, trọng tải khoảng vài chục tấn - ngang sức tàu cá ven bờ hiện nay.