What's new

Ta rong chơi phiêu lãng cuối trời

Bạn host của tôi đang cực lực lên án chính quyền sở tại vì sự chậm trễ trong công tác ứng cứu và hỗ trợ người bị nạn! Những dòng tâm sự của bạn làm cho tôi cũng ngại vào chia sẻ và cũng không biết làm gì ngoài việc hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp lên hơn. Bạn sống ở Cebu, thành phố này là nơi siêu bão đi qua! Tôi vào trang web của hãng bay, ở đó tôi kiểm tra lại lần nữa về tình trạng của chuyến bay sắp tới. Khi chắc chắn rằng sẽ không có sự thay đổi nào trong chuyến hành trình đầy mạo hiểm này, tôi bắt đầu lôi laptop ra và gõ những dòng chữ này! Trang web vẫn nhấp nháp những top up nhiều sắc màu, Phil đang vẫy gọi, thiên đường của du lịch biển đảo, những ngọn núi lửa, những nhà thờ và thiên đường của jeepney, tricycle, kiến trúc cổ đậm màu Châu Âu, và có một Phil khác cũng đang oằn mình với những màu ảm đạm! Báo chí nước nhà rải những tin tức đầy ám ảnh, về cuộc sống, về con người (cả sống, hay đã chết) ở nơi này! Nếu đếm ngược lại thì chỉ còn ba ngày nữa là tôi sẽ xách ba lô lên, và đi!

Ngày thứ hai luôn là một thảm hoạ đối với những bạn trẻ đang đi làm nhưng máu xê dịch lúc nào cũng chảy rần rần! Tối qua tôi vừa vượt hơn trăm cây số đi và về từ Ninh tới Sài, chỉ để coi một show ca nhạc yêu thích! Sáng ra thì mắt cứ nhúm nhíu lại, vì mệt, và phần lớn vì sức khoẻ cũng chẳng còn sung mãn nữa (Nhắc lại để biết là tai nạn giao thông gây ra cho tôi những nỗi lo sợ, ở đó chỉ cần thấy xe lạng qua thôi cũng đủ để cái cảm giác chạm vào với mặt đường, ngón chân bị gãy và bất lực khi thấy tôi không di chuyển được mới kinh khủng như thế nào, thì cũng cái chân này là cái chân đi, đã quen đi rồi - nhưng đó lại là một câu chuyện khác, của hơn nửa tháng về trước).

Vẫn phải cố gắng tỉnh táo! Nhưng công việc bận rộn cứ cuốn trôi đi tất cả. Ngày tàn, ngày dài! Chợt tỉnh ra mới nhớ ra là trời ơi tôi vẫn chưa gửi đơn xin nghỉ phép! Nỗi ác mộng bắt đầu!

(Dĩ nhiên là đời đến đây vẫn còn lấp ló - Phil của những ngày bão nổi, chắc chắn mình sẽ hoàn tất những dòng hồi ức này. Còn 3 ngày nữa, sẽ đi!)
 
Last edited:

NGƯỜI VỀ TÌNH VỀ KOH SA




1.

Đã từng nghe ở đâu đó, hãy về Koh Sa tìm cây chao có chạc năm nhánh, đứng dưới gốc cây chao ấy, giữa buổi chiều muộn, lúc hoàng hôn buông, lúc sóng biển êm, lúc chạng vạng mặt người, và sẽ tìm được người mình thương, giữa mênh mông, biển người! (Cho một chuyến đi rộng trong bão biển và rạch ròi cô đơn ở Koh Rong Samloem - tháng 08/2015 - warming: là những ghi chép tưởng tượng của người viết, không liên quan đến bất kỳ ai và sự kiện hiện tượng nào, 16 +, có ma)

11880565_1034971503181150_1515522965308190323_n.jpg


...

Lục không hiểu sao mình lên bờ được. Trên người dấp dính vị của biển, của mùi mồ hôi nhớp nháp, của cái ngầy ngật những cơn say sóng. Lục không quen đi biển, nhưng say sóng như thế này, là lần đầu. Đầu đau, ngực phập phồng và chực chờ ói - thực sự là anh cũng đã ói, ói hết, không chừa lại gì. Lúc người ta nắm tay đỡ Lục lên cầu tàu, anh mới biết là mình đã sống trở lại rồi. Trước đó, trước khi lên tàu và khi đang vật lộn với cơn say, anh nghĩ là mình đang dần mòn chết đi. Thở chỉ là hình thức, chớp mở đó, nhưng tượng trưng thôi không nghĩa lý gì cả. Lên đất liền rồi, cái ý nghĩ mình đã sống lại trỗi dậy mạnh mẽ. Dù rằng ngoài kia biển nổi bão, sóng to gió có lớn đến mức nào, thì Koh Sa vẫn thiệt dịu dàng và hiền. Đó là lúc Lục ngây ngất bước đi trên cái cầu tàu nhỏ, dọc bên là hàng đèn liu xiu liu xiu lãng mạn quá chừng.


11863323_1034971833181117_9176519995361817429_n.jpg


Những gương mặt người cứ chạy dài mê mải theo những cơn mộng mị! Lục tỉnh dậy vào lúc hai giờ sáng, đèn đường soi những vệt dài trượt theo ri - đô khi anh với tay bật công tắc đèn! Những ngày mưa, nếu đêm có sấm chớp, Lục hay giật mình giữa đêm khuya khoắc như thế này! Giọng của một người đàn bà lặp đi lặp lại trong giấc mơ chưa kịp tan nơi ngõ ngách nào của trí óc còn lờ mờ, cây chao có chạc năm nhánh! Cây chao, có chạc, năm nhánh!

11866355_1034976939847273_1859873004976953904_n.jpg




Lục vẫn đi làm! Buổi sáng sẽ dậy từ lúc năm giờ. Tưới cây! Từ lúc Thuỷ đi rồi, anh làm luôn cái công việc đòi hỏi phải dậy sớm này! Chậu chao mi ni càng ngày càng rũ, loại cây tên quê trớt được anh bưng về từ một chầu nhậu sương sương với ông bạn già ở dưới gốc cầu Me, với công dụng chữa được căn bệnh khó nói. Lúc mới bưng về trồng anh mê lắm, sáng nào chiều nào cũng ra ban công tưới táp cho cái cây có chút béo. Sau rốt thưa dần! Thuỷ chỉ cười, cô dậy sớm tưới đám rau ngỗ, sẵn tiện chăm luôn cây cho anh! Khi Thuỷ đi rồi, chúng dằn vặt héo úa ủ rủ như chưa từng có bàn tay ai chăm sóc! Lá cây chao chưa kịp thử nghiệm độ hay dở, đã héo!

11825969_1034978636513770_8554640097403445664_n.jpg




Tập vài động tác thể dục uốn éo cho có, Lục sẽ pha một cốc cà phê, còn thời gian thì mở tivi lên nghe tin tức buổi sáng, nếu không kịp giờ thì anh sẽ ủi đồ và đi làm! Những ngày mưa anh mặc lại bộ đồ hôm trước, mùi cơ thể quen rồi và chắc cũng chả ai thèm để ý đến một người ba mưoi tám tuổi râu tóc dài lượt thươt và dòm sơ là biết bầy hầy thấy ớn như thế này! Thuỷ luôn ủi thẳng áo, sẽ nhắc Lục cuối tuần nhớ cắt tóc mỗi bận tóc Lục chỉa vào môi cô đau ngoáy. Và Thuỷ đi rồi anh cũng để tóc tai xụi lơ! Anh không thấy buồn, ba mươi tám tuổi rồi chớ ít ỏi gì mà buồn! Anh chỉ cảm thấy không có hứng! Giấc mộng mị từ lúc đó ngập tràn tiếng Thủy, khi hờn dỗi, lúc vui cười. Đôi lúc, là giọng một người đàn bà, vẫn là, cây chao năm nhánh, ở một hòn đào, gọi là Koh Sa.

Ngôi nhà gỗ nhỏ, dễ thương, lợp mái lá, có nhà vệ sinh gọn hơ trong đó, có cả gác lửng, trèo lên cái cầu thang gỗ, lên đó tha hồ ngắm mặt trời mọc, ngắm sóng biển vờn quanh, nghe tiếng chim hót, và nắng gió nhảy nhót ngoài bậu cửa. Lục không định ở chỗ này đâu, anh muốn chỗ nào đó thanh tịnh một chút, nhạt nhòa bãng lãng và sau đó anh sẽ đi tìm, chao năm nhánh. Nhưng khi ghé chân vào thử ngôi nhà này rồi, anh biết, nó hoàn toàn phù hợp với mình. Mái lá, vách lá, màn tuya trắng phủ drap giường xanh lơ lửng. Thủy thích những màu này, mười năm trước lúc hai đứa mới cưới nhau, đêm úm ba la cô hay cười khúc khích ghé tai anh nói sau này hai vợ chồng sẽ có thiệt nhiều con, ít nhất là sáu đứa, như tên của Lục, Lục heng. Sáng ra màn tốc, drap nhăn. Mười năm sau, chỉ còn một mình Lục lẻ bóng, nhà chưa có tiếng con nít. Và Thủy, cũng đã đi rồi.

11903801_1037097359635231_6170223415350075572_n.jpg


(Tiếp, tiếp ngay)
 
Last edited:

NGƯỜI VỀ TÌNH VỀ KOH SA




2.

Đã từng nghe ở đâu đó, hãy về Koh Sa tìm cây chao có chạc năm nhánh, đứng dưới gốc cây chao ấy, giữa buổi chiều muộn, lúc hoàng hôn buông, lúc sóng biển êm, lúc chạng vạng mặt người, và sẽ tìm được người mình thương, giữa mênh mông, biển người! (Cho một chuyến đi rộng trong bão biển và rạch ròi cô đơn ở Koh Rong Samloem - tháng 08/2015 - warming: là những ghi chép tưởng tượng của người viết, không liên quan đến bất kỳ ai và sự kiện hiện tượng nào, 16 +, có ma)

...

Nhịp thời gian vẫn yên như vậy, hệt như không có gì thay đổi! Sáng Lục vẫn ghé quán cũ, ngay chỗ ngã tư Xanh, cô chủ quán, đã thuộc nằm lòng sở thích của khách mối (tròm trèm cũng chục năm rồi), bún bò không bỏ nước béo, không bỏ chân giò, chỉ bỏ thịt nạc. Lục kêu thêm ly phê đá, sẽ lật tờ nhật trình! Tám giờ kém, Lục chào cô chủ quán, người phụ nữ đẫy đà, và đàn con nheo nhóc năm, sáu đứa thay phiên nhau đứa lau bàn, dọn vệ sinh, giữ xe, rửa chén, châm nước, quét sân. Những đứa trẻ ồn ào đông đúc nhưng lúc nào cũng vui, quán nhỏ chật nức tiếng cười. Nắng lênh khênh đậu trên vai Lục đến sở làm. Ngang qua quảng trường, Lục dừng lại, rải mớ thóc đem sẵn từ nhà cho đám chim ăn. Một thói quen từ rất lâu, khi Lục bị một chú bồ câu mổ trúng, lúc dừng xe nghe điện thoại! Bữa đó anh trễ giờ làm, ngơ ngẩn chỉ vì đàn bồ câu này! Quẹt thẻ từ qua cửa kiểm soát, sếp vẫn chưa tới. Bạn đồng nghiệp lác đác, những đôi mắt ngáy ngủ! Lục đi thẳng vào phòng sếp, góc hành lang bên trái, cánh cửa màu xám! Nửa tiếng sau loạt xoạt cửa mở! Và thêm năm phút nữa, Lục nhận cuộc điện thoại! Không ai để ý những việc không liên quan đến mình! Mười giờ, có người đứng dậy qua bếp pha cà phê cho bớt buồn ngủ. Mười giờ mười lăm Lục bước ra khỏi văn phòng! Không ai để ý cả, mà để ý đến làm gì anh bạn đồng nghiệp thâm niên thập kỷ ở công ty này, lúc nào cũng lủi thủi như cái bóng, âm thầm dai dẳng như cao su già lửa kéo hoài hổng đứt! Chuyện sau đó, chắc cũng không ai thèm quan tâm, hoặc có biết gì đâu mà quan tâm. Chỉ có tờ đơn xin nghỉ việc nằm gọn hơ trên bàn, tưởng tượng có gương mặt cười, méo xệch.

11998821_1051876501490650_510368018491712113_n.jpg


Đảo không có điện, trưa có chút nắng, nhưng cũng không có cần điện đóm chi đâu. Gió từ biển thổi vào phòng, mát rượi. Lục định chợp mắt một chút, rồi sẽ đi. Dè đâu ngủ rồi thì quên mất, đến lúc kiến cắn bụng, mở mắt ra đã hơn ba giờ chiều. Vội vàng kiếm cái gì đó, bỏ vô bụng, ông chủ resort đen thui, mặc cái áo thun ba lỗ khoe rốn, râu con kiến vắt ngang qua khuôn mặt tròn lúc nào cũng đậu nụ cười. Lục kêu đại một món gì đó, có nước, tom yum, nhai cơm không nổi nên nói ông chủ đổi qua bánh mì. Ngồi nhai bánh mì, húp tom yum, ngó ra bờ biển hoang hoải. Biển giờ này vắng người, lặng sóng, cát trắng phau. Hàng dừa chạy dài theo bãi biển, dáng lỏng khỏng vẽ vào không gian những dấu chấm hỏi, mấy con mòng nhảy múa. Tiếng con chim nào đó chưa chiều đã gọi nhau đau rát. Có lứa có đôi. Tom yum cũng nguội ngắt tự lúc nào. Lục buông chén, kêu tính tiền. Xách ba lô lần ra biển, biết chắc rằng phía ấy, làm gì có cây chao nào. Nhưng trái tim gọi, biểu cứ đi về phía biển, như một người vô thức. Chao là cây hoang dại, lá hình vòng cung, hiếm khi ra hoa, trái thì lại càng hiếm có. Đảo Koh Sa mọc nhiều chao lắm, có cây to, vòng cả người ôm. Lục phải tìm được nó, một cây chao lớn có năm chạc, mục đích của chuyến đi này, là vì nó!

11057765_1051876938157273_7813421633368668173_n.jpg




Lục quen Thủy lúc cả hai vừa mới tốt nghiệp đại học. Lúc ấy Lục trẻ măng, vẫn cái tính cà lơ phất phơ đậu xe quên lấy chìa khoá. Thuỷ nhiều lần nhắc anh đi đâu nhớ đem cả hồn cả xác về. Lục nói kiểu gì anh cũng sẽ nhớ đường về với Thủy mà. Nhưng rồi rốt cuộc, Thủy bỏ anh mà đi. Tối đó, Lục về nhà muộn, cũng tại quên ví tiền ở trong công ty, phải quành lại tìm. Lúc mở cửa ra, nhà tối thui, với tay mở đèn, lần theo ánh sáng bước vô bếp, lồng bàn đậy nắp, cơm canh lạnh tanh. Trong căn hộ một phòng ngủ, một phòng khách, chỉ có Lục đứng đó, độc diễn với mình. Không có bất cứ dấu tích nào cho anh biết là Thủy đã từng sống ở nơi này, ảnh cưới không còn treo trên tường, cái móc tòn ten rỉ sét, trơ trọi, gọn lủi. Tủ quần áo trống hoác, Thủy không để lại gì, cho dù là một chiếc áo xu chiêng. Sọt rác cũng không, tủ lạnh cũng không. Chỉ còn lại mỗi cây chao mi ni rẻ tiền ngoài ban công. Tối đó, Lục ôm chậu cây nằm ngủ ngơ ngẩn. Sáng hôm sau, anh đến công ty trễ. Và một tuần, hai tuần sau nữa, Thủy vẫn chưa về. Điện thoại không liên hệ được, nhắn tin không trả lời. Hỏi người quen, bạn bè, không một ai hay biết. Mà hỏi làm chi, ngay cả Lục, còn không biết được lý do, vì sao Thủy lại bỏ anh mà đi. Cô nói thương anh mà, cô nói, sống với Lục, được ở với Lục, dù không có con, cũng là hạnh phúc nhất mà!


11953263_1051876941490606_76029500060630809_n.jpg


Nghĩ rằng Lục sẽ lẩn vào trong những dịu dàng, lững lờ của sóng biển Koh Sa. Ngộ quá, biển gì đâu mà dịu dàng hết cỡ, không ầm ào, không chút náo nhiệt. Vẫn chưa có điện, khách du lịch bắt đầu đổ ra bãi, trầm mình vào sóng sánh dịu dàng của biển đảo nơi này. Lục ngoi lên bờ, để nước nhỏ tong tong xuống mặt. Mặt trời còn đương chói phía cuối đường trời. Lục hỏi đường đi qua Bãi Lười, đường qua đó phải băng ngang một cánh rừng, chao nhiều đếm không kể xiết. Anh hấp tấp chạy đi, giữa nắng chiều chói chang, biển ngoài kia Koh Sa vẫn dịu dàng, dịu dàng. Đường rừng, Lục bước đi trong nhập nhoạng ánh nắng xiên xẹo. Anh tìm cây chao năm nhánh, anh đếm từng chạc cây. Chao mọc đan xen vào nhau, có cây lớn, có cây bé. Cây thường chỉ có một chạc, bởi thân đơn, họa hoằn lắm, thêm chạc nữa, chẻ đôi ở phần ngọn, và ba chạc, có thể. Nhưng năm chạc, thì khó. Lục nghĩ trong bụng, lúc ngồi chờ sếp hai ngày trước đó, tìm chao năm nhánh - có hay không? Hay anh phải tìm được nó, kiểu như tìm được lá diêu bông, thì Thủy sẽ về? Với anh, như nhiều lần trước nữa.

Có những bữa chủ nhật, không phải đến sở làm, Lục vẫn chạy ra quảng trường, mang theo một ít thóc, rải cho đám chim ăn. Quảng trường ấy, là nơi nhiều phụ huynh dắt con ra chơi, vì sân rộng, vì chim bồ câu rất hiền và dạn người. Tiếng trẻ con đùa chơi, chạy loi choi đuổi theo chim bồ câu, và cha mẹ tay xách nách mang luôn dõi theo con mình, với Lục, là hình ảnh đẹp nhất. Có bận cùng Thủy đi siêu thị, hôm ấy anh mặc áo màu xanh, đang lui cui chờ Thủy tính tiền, thì tay bị níu bởi một bàn tay nhỏ, đứa nhỏ kêu ba. Dòm xuống mới hay là đứa nhỏ nhận nhầm, ba của nhóc đang đứng đằng trước nữa, cũng mặc áo xanh. Tiếng ba lần đầu tiếp xúc khiến ánh mắt Lục hơi nhói, tim khẽ run và bàn tay nắm chặt lấy những xúc cảm đang dậy sóng trong lòng. Thủy vẫn rất ngọt ngào, cô đem mấy thứ vừa mua trong giỏ đặt lên quầy hàng, Lục ngày mai được nghỉ làm, ở nhà Thủy nấu món gì đó ngon ngon cho Lục ăn heng.

Dưới ánh hoàng hôn đang dần lịm tắt, Lục sững cả người. Cây chao có năm chạc, nó, chính là nó rồi. Giữa những mịt mùng lau sậy, cây chao dứng đó, dửng dưng hững hờ đẹp đến dị thường. Lá hình vòng cung, chao năm chạc. Hoàng hôn soi rọi, ngày dần tàn, tiếng sóng biển rì rào, êm êm. Lục băng ngang qua hết thảy lau sậy, gần xịt mà ịch đụi té đến mấy lần. Thủy sẽ về, với anh. Có cây chao năm chạc làm chứng mà. Thủy sẽ về, Thủy sắp về rồi. Không có từ ngữ nào có thể miêu tả được niềm vui, nỗi hân hoan của Lục lúc này. Sự lan tỏa mạnh mẽ, nước mắt không kiềm lại được cứ trào ra. Chạo năm chạc trong truyền thuyết, và những giấc mơ giậc cụt chạy rẹt rẹt trở lại, lời của người đàn bà thả vào sâu thẳm, những nói cười, gương mặt Thủy, tiếng khóc. Những viên thuốc đỏ xanh, những lần Lục chở Thủy đi khám những ông thầy lang nơi sơn cùng thủy tận, những phương pháp trị liệu kỳ dị, Lục nắm tay Thủy nói ráng lên em, không lâu nữa đâu, tụi mình sẽ có con, tụi mình làm được mà. Đêm đó Thủy ói, ra máu, rất nhiều máu. Đêm đó, không biết làm cách nào Lục ra khỏi nhà, rồi chạy xe máy lên cầu Me. Sau đêm đó và nhiều đêm nữa, Thủy không còn trở về. Sau đêm đó và nhiều đêm nữa, Lục liên tục nghĩ về cây chao có năm chạc, dưới ánh hoàng hôn, tìm được người thương.

Ánh hoàng hôn tắt, đêm tan. Sáng ra, người ta tìm thấy xác một người đàn ông treo cổ trên cây chao, lạ lùng, cây chao bốn chạc vô cùng hiếm gặp, thường chao chỉ có một đến hai chạc thôi, cây chao này có những bốn chạc, vô cùng quý hiếm. Không có bất kỳ thông tin tùy thân nào của người đàn ông vô danh ấy, Koh Sa cũng cách xa đất liền, người dân đảo đành lặng lẽ chôn cất cho người xấu số. Nắng vẫn nhảy nhót trên những nhánh chao. Chỉ có người thương, là mãi mãi không về.

Hôm sau nữa, báo đăng. Đã tìm thấy xác người phụ nữ mất tích một tháng trước, nổi lên ở nơi cách cầu Me sáu cây số. Thủ phạm được xác định nhanh chóng nhưng chính quyền vẫn chưa xác định được tung tích của hắn ở đâu. Ở một nơi nào đó rất xa, một mầm chao vừa đội đất mọc lên. Đặc biệt, đó là một mầm chao có năm chạc, hiếm gặp vô cùng.
(Hết)
 
BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH​

Bạn nhắn tin, hỏi cậu có nhớ cái lạnh Đông Doanh rồi chưa? Cậu nhắn tin lại, cậu bảo rằng mình ổn, nhưng quê nhà xứ nắng chỏng chao gắt gảo quá, nên ngay từ lúc còn bịn rịn làng xàng xoa xuýt với những cơn gió lạnh chèo queo nơi xứ lạ quê người, cậu đã chắc nụi khẳng định rằng, nơi này làm sao mà quên cho đặng. Rồi vậy đó thư qua tin lại, cậu giữ một mối dây buộc ràng, thông qua người bạn đang sống và làm việc ở Đông Doanh, giúp cho bạn biết được rằng ở nơi ấy hôm nay nắng hay gió, nóng hay mưa như thế nào?

Mười ngày ở Đông Doanh, cậu trải qua những ngày mệt nhoài, về tới nhà là chỉ muốn đem cái chân tháo ra vứt đi mất. Có những ngày thiệt lạnh, đi ngoài đường gió thổi muốn quéo cả tay. Có những bữa cũng êm đềm, ăn tô mì ramen nóng hổi, bốc khói ngọt ngào trong một tiệm mì mà để có được một chỗ ngồi, cậu phải chờ hơn nửa tiếng. Và một bữa khác thức dậy thiệt sớm, vì bởi đêm qua coi trên cái ứng dụng thời tiết của điện thoại di động, báo rằng sớm nay sẽ có tuyết đó nghen, bữa đó cậu cũng ỳ đùng thức dậy sớm thiệt, banh màn cửa sổ ra dòm xuống lòng phố, sớm mùa đông i ỉ, nhưng không có chút tuyết nào hết trơn, tự nhiên mà thấy buồn. Bữa khác nữa cậu tan ra giữa những ngôi đền cổ, những mái ngói cong cong và những hàng cây anh đào chớm chín, sắc trắng tinh khôi, sắc hồng phơn phớt ngọt ngào. Những ngày đó, những ngày ở Đông Doanh thật sự khó quên.

1. Đi tàu ở Đông Doanh

2. Kyoto những bữa buồn thiệt chậm

3. Cóng chân ở Ashikaga

4. Tokyo diệu kỳ

5. Nhớ udon

6. Đông Doanh và hoa đào đã nở



12795509_1153042384707394_897041833892050347_n.jpg

Phố sớm ngày đông



12799253_1153042598040706_2623374594981394579_n.jpg

Một cành lộc mới



12805884_1153042638040702_319268662778739321_n.jpg

Những dòng người



1970406_1153042684707364_3895748776895710433_n.jpg

Hỏi đá có buồn



12791031_1153042801374019_3559328509795394036_n.jpg

Đơn sắc



12718392_1153042898040676_3177010855913841114_n.jpg

Lá ơi



12800226_1153042944707338_3973419734199451540_n.jpg

Những chữ viết



12804650_1153042964707336_4540734739186365708_n.jpg

Đường vắng



12799253_1153042861374013_8496716451669744883_n.jpg

Độc hành



12472519_1153043118040654_8025629954782920160_n.jpg

Có cặp có đôi
 
BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH (1)

12790947_1152902051388094_4973102833773424208_n.jpg



Cậu biết, mùa xuân này mình phải đi Đông Doanh, chứ không thể là một mùa đông, mùa thu hay mùa hạ nào khác nữa. Một năm trước cậu đặt vé bay, phải đặt vé thôi, đặt vé ngay vì vé rẻ quá cơ mà. Chưa có giấy thông hành, chỉ có mỗi một vé bay hai chiều, cột cậu vào với giấc mơ một ngày nào đó được bước trên những con phố nhỏ cong với những hàng hoa đào nở. Cái cảm giác thèm được tan trong cái không gian văn hóa Đông Doanh trở thành một nỗi ám ảnh. Đông Doanh, Đông Doanh, cái cốt cách của con người xứ này, tinh thần của con người nơi đây, tất cả mọi thứ, đều rù quến hấp dẫn cậu bằng một tình yêu mãnh liệt. Tình yêu ấy thôi thúc cậu, bằng bất cứ giá nào, cũng phải tới được nơi đây. Một năm đó cậu rân mình làm việc, cố gắng thật nhiều, đạt thành tích cao, tiền kiếm được cũng trích lại để làm cái việc gọi là chứng minh tài chính. Và chỉ có thể làm việc tốt, mới có thể thuyết phục cơ quan đồng ý cho cậu nghỉ phép dài ngày, phải là một kỳ phép dài ngày - mới đủ để cậu khám phá Đông Doanh.

12804726_1152902114721421_8169860920299146232_n.jpg



Rồi ngày ấy cũng tới, tháng mười hai cậu lọc cọc chạy từ Ninh xuống Sài, tự mình xếp hàng bốc số nộp hồ sơ xin giấy thông hành! Cũng hồi hộp chờ đợi, mặc dù chắc nụi trong bụng, được nhận hồ sơ - nghĩa là kiểu gì cậu cũng sẽ được cấp giấy thông hành, không sớm thì muộn. Ăn tết tây, tháng giêng, cậu nhận được tin báo, đã có giấy. Tháng hai qua, vẫn còn xuân lắm, mồng tám cúng sao hội, bỏ mồng chín bước qua mồng mười, là cậu lên đường.

12802786_1152833148061651_4614678527711975350_n.jpg




Và nếu đã sẵn sàng cho một chuyến hành trình mới, với những sẻ chia muôn đời cũng chỉ nhẹ nhàng và bãng lãng đượm buồn thương sầu với muộn, thì nghĩa là cậu sẽ có thêm bạn đồng hành cho những câu chuyện nhỏ nhẻ sau này. Chắc có ai đó, một ai đó thôi, sẽ đồng hành cùng cậu mà!


12321319_1152838624727770_6634946788360775840_n.jpg



1.Đi tàu ở Đông Doanh

Từ Sài Gòn, cậu trèo lên máy bay ngồi qua xứ Cọ. Xứ Cọ, nhiều lần ghé qua đây rồi, đến nỗi cái sân bay này trở nên quen thuộc với cậu lắm. Năm trước, cũng mới một năm trước thôi, bị kẹt ở đây tới ba ngày, trong chuyến hành trình dang dở tới Nê. Bây giờ, mỗi lần ghé Cọ là nhức nhối nhớ tới chuyến đi bão tố ấy, một kỷ niệm buồn, thiệt là buồn. Vậy nên cũng mùa xuân này, cậu lại đi, lại đi hơi xa xa, nên cũng cầu trời khấn Phật, mong chuyến đi được bằng an suôn sẻ, đi tới nơi về tới chốn. Trước đó nữa, cậu đã gặp một trục trặc nho nhỏ, với cái vé bay của mình. Chuyện là, một hôm cũng rôi rãi tình cờ, tháng mười, cậu đăng nhập vào trang cá nhơn dành để đặt vé, vẻ rẻ, của hãng Không khí Á Châu, cái vô tình phát hiện ra, chuyến bay nối từ Xứ Cọ đi Đông Doanh của mình, đã bị người ta hủy và chuyển sang một giờ bay mới, với cả thay đổi luôn cả sân bay rồi. Đau đớn ở chỗ, cậu bay vé rẻ mà, không hoàn không đổi vé được. Cậu lại không phải bay quá cảnh, phải tự làm thủ tục nối chuyến. Nếu thay đổi chuyến bay nối, thì coi như hai chuyến bay trung chuyển trước, và sau từ Sài đi Xứ Cọ cũng tan tành mây khói. Lần đầu tiên bị đổi ngày bay, giờ bay, đổi cả sân bay. Với tánh tình nông nổi, cậu trách mình sao lại khờ dại đặt cái giờ bay tréo nghoe như thế này. Ai ngờ, là hãng bay họ xếp lại chặng bay. Thêm một động tác gọi qua Thái, nhờ người của hãng xếp lại giùm cậu hành trình bay mới. Cuối cùng cũng suôn sẻ. Nhưng điều còn lại, cộng vào cho cậu thêm đôi điều ám ảnh. Năm trước đã thế, dang dở, năm nay, biết đâu có lại bị dở dang nữa hay không?
12794906_1159115577433408_836093518813206137_o.jpg




Dang dở hay không cậu không biết, nhưng đi Đông Doanh cần phải có vé JR Pass, cái này thì cậu chắc nụi trong bụng. Vé đi tàu của hãng JR này, về công dụng, về giá tiền, về cách vận hành, có lẽ nhiều người biết rồi, cậu cũng lười nhắc đến. Ngày cầm được tấm vé trên tay chỉ trước bữa lên đường có một ngày. Tiền yên vừa may cũng đổi được với tỷ giá ngon lành, sau ngày đổi một bữa, tỷ giá lên, nằm không đem mớ tiền đó đi đổi ăn chênh lệch, cũng gom được một mớ. Nhưng ai lại đi làm thế. Đổi tiền để đi chơi mờ. Tiền có kiếm được nhiều, nhưng liệu có đem đến hạnh phúc được hay không? Đời người là những chuỗi dài đánh đổi, đích đến là hạnh phúc. Và mấy ai, dám đánh đổi những ham muốn bình thường, để cầm trên tay mình những điều giản đơn mà nhận ra, đơn giản chính là hạnh phúc. Với cậu, được đi được sống vui vẻ với những bình dân gốc rạ quê nhà, là vui vẻ rồi!
920685_1159117260766573_8490054985511166837_o.jpg




Rồi hành trình từ Xứ Cọ đến Đông Doanh, dài gần 7 giờ đồng hồ cũng kết thúc. Cậu đến sân bay Haneda lúc 10 giờ rưỡi tối, bước ra khỏi máy bay, Đông Doanh chào cậu bằng cái lạnh run người. Cậu là người xứ nắng, chỏng chao gắt gảo đến cỡ nào, cậu cũng chịu được, nhưng lạnh thì cậu sợ. Khoác lên mình mọi thứ có trong ba lô, kín mít tròn quay như đòn bánh tét, vậy là đòn bánh tét đã giẫm những bước chân đầu tiên lên Đông Doanh rồi. Đêm đó, cậu ngủ ở sân bay, nói là ngủ thế thôi, chớ cũng phải giả vờ trằn trọc, đổ thừa do chốn này người đi qua, kẻ đi lại ầm ào quá, giả vờ trời lạnh nên không ngủ được. Rồi sáu giờ sáng cậu bắt đầu hành trình chánh thức khám phá xứ này. Hỏi quầy thông tin cách bắt xe vào thành phố, may mắn, Haneda là sân bay phục vụ chủ yếu cho các chuyến bay nội địa, nhỏ hơn và nằm gần trung tâm. Tokyo còn một sân bay khét tiếng nữa, là Narita, to bự nằm cách trung tâm thành phố hơn 1h30 đi tàu. Từ Haneda, cậu xoay sở bằng cách nào đó đổi vé JR Pass, rồi lên Tokyo Station, từ Tokyo Station, tìm đường đi Hiroshima. Câu chuyện đi bụi, trong hành trình 11 ngày đó, không thể thiếu những ngày đầu tiên lạ lẫm, vừa đi vừa khám phá, hỏi đường, lên lộn tàu, trễ giờ tàu chạy, nhầm platform, xuống lỡ bến, trả lộn tiền... Những câu chuyện ấy, nhỏ nhặt tủn mủn giờ ngồi nhớ lại cứ làm cho cậu tủm tỉm bỏm bẻm cười hoài.
1270313_1159121474099485_4976559655602903210_o.jpg


(Hơn 10000 chữ nên còn nữa, còn liền)



 
BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH (1b)
12472550_1152902044721428_8202750958817660862_n.jpg


1.Đi tàu ở Đông Doanh

Có sử dụng các phương tiện công cộng ở Đông Doanh rồi, mới thấy được tinh thần và sự tiến bộ của người Đông Doanh, hiện đại, tiện lợi, rắc rối (hiểu được nó thì sẽ thành đơn giản) và đặc biệt là chính xác đến từng phút đồng hồ. Ở Đông Doanh, người người sử dụng tàu điện, xe bus, shinkanshen, subway... Sử dụng phương tiện công cộng vừa tiện lợi, không sợ kẹt xe hay tai nạn giao thông, không sợ trễ giờ làm (trừ trường hợp trễ giờ bắt tàu)... vì tàu chạy theo thời gian biểu vô cùng chính xác. Những lần đầu tiên, cậu gặp rất nhiều khó khăn để tìm hiểu cách vận hành của hằng hà sa số những chuyến tàu, rồi đổi trạm, đổi line... Ngày đầu tiên, giữa Tokyo station rất là rộng lớn, cậu phải bắt tàu tìm đến trạm shinkanshen, mặc dù có sự trợ giúp rất lớn từ site hyperdia và googlemap, nhưng cái gì cũng vậy, làm quen với cái mới luôn đòi hỏi nhiều thời gian. Cậu thì vừa tìm đường vừa cố gắng nói với bản thân mình rằng, đây là niềm vui của chuyến đi. Phải cố gắng tận hưởng. Chắc có lẽ phải nhiều năm nữa, nước mình mới có thể thiết lập được một hệ thống giao thông như thế này? (Nhiều năm nữa, là khi nào?)
12829218_1159122160766083_3505462890882096766_o.jpg




Lần đầu đi tàu viên đạn, lại là lần đầu tiên cậu lên lộn chuyến Nozomi. Bao nhiêu là bực bội với bản thân, xấu hổ và cả tiếc tiền nữa trút hết lên đầu. Tự trách mình là chủ yếu, sao có thể quên mất tiêu cái điều cơ bản như vậy cho đặng. Lúc ngồi trên tàu, chưa kịp thở vì chạy bở hơi tai mới tìm được đúng platform, rồi không kịp để ý tên tàu chạy mà chỉ hỏi những người xung quanh phải tàu nhanh đi Hiroshima hay không? Cái gật đầu của những hành khách không kịp nhớ mặt đặt tên đó đưa cậu ngồi lên trên chuyến tàu tốc hành nhanh nhất hiện có trên thế giới. Và lúc cậu tự tin đưa cái vé JR pass của mình ra chắc cũng vinh quang rạng rỡ không kém, để rồi phũ phàng nhận ra mình đã đi nhầm tàu rồi. Lục đục móc tiền ra trả, thì phải trả thôi chớ còn chờ đợi mà làm chi. Bác soát vé, trong một buổi trời nào đó, Đông Doanh lạnh, tự nhiên đâm ra thương cảm cho cậu trai lần đầu đến đất nước này, nói thôi trạm sau chú mày xuống đi, không cần phải trả tiền. Trời dần ngả về chiều, yên ả và mát mẻ, bác soát vé cũng hiền thương ơi à. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là cậu thôi tự trách bản thân vì tật cẩu thả tăm hơ tăm hớt của mình.
12829272_1159123724099260_5965782073594184337_o.jpg




Nhớ bữa sáng trước ngày từ Ashikaga về lại Tokyo, bữa đó, là hôm cậu cứ thăm chừng nửa đêm bật dậy để canh trời đổ tuyết, cuối cùng mệt quá, bã bợt cậu gục luôn lúc nào không nhớ nữa. Sáng ra tung rèm cửa sổ không thấy bất kỳ một dấu hiệu nào của tuyết. Vậy nhưng lúc ra ga tàu về lại Tokyo, trời lạnh căm căm, ngước nhìn lên những ngọn đồi phía xa, vùng ngoại ô, tuyết lốm đốm phủ mềm trên mặt đất. Cậu cứ nhìn mải miết, ga nhỏ, vùng quê, vắng hoe. Ở Đông Doanh, cậu thích nhất cảm giác được trôi giữa những ga tàu. Nơi ghi nhiều trạng thái cảm xúc nhất, là nơi chứng kiến cuộc chia ky, là nơi đánh dấu ngày trở về, có buổi chào mừng hạnh ngộ, có nước mắt khóc tiễn đưa, có nụ cười, có cái bắt tay, có vòng tay hân hoan chào đón, có chờ đợi, có nôn nao, há chẳng phải là sân bay, là ga tàu? Cậu thích cái cảm giác dập dồn những gương mặt người ở những ga tàu lớn, như Kyoto, và Tokyo nữa. Cái cảm giác chỉ cần một khoảng khắc chớp mắt thôi, là đã lạc mất nhau giữa biển người rộng lớn này, và những chuyến đi xa, và những đường tàu chằng chịt. Cậu cũng yêu cái bình yên nhỏ nhẹ của những sân ga vắng vẻ buồn thiu nép giữa một vùng ngoại ô yên bình, như ga Ashikaga một sớm mùa đông lạnh tê người, ga Kibune trên núi, có tiếng nước chảy vờn quanh, và chim ca và cây mùa vắng lá. Đi tàu ở Đông Doanh, là cậu đang bỏ lại một phần tim mình ở những đường tàu và sân ga ấy – có tấp nập, có ồn ào nhưng cũng không thiếu chút – một chút thôi, khẽ khàng, khoảng lặng vừa đủ cho cậu nghỉ ngơi giữa những cuộc đi.
1801263_1159124617432504_6124003418629155819_o.jpg





Đã nói về sân ga, về con tàu, thì cũng làm sao quên được những con người không nhớ mặt và không biết tên ở nơi này. Cậu thì đi loi lẻ, lại không biết tiếng Đông Doanh, chỉ lận lưng có chút đỉnh tiếng anh lỏm bỏm. Nên sợ, đi tới đâu cũng nháo nhác hỏi lại cho chắc. Và những con người xứ ấy, từ bác soát vé lúc nào cậu hay bất cứ ai đi ngang qua, cũng đều cúi đầu chào rất nhiệt tình – cho tới những cô dì thím bác cậu mợ khác nữa, dẫu nói được tiếng Anh hay không, cũng đều chỉ cho cậu biết đường đi, hướng đi chính xác. Cậu ít khi đi lạc, thậm chí, ngoài vụ lên nhầm tàu Nozomi có kể phía trên, thì cậu không bị đi lạc bất cứ chỗ nào, trong suốt 10 ngày ở Đông Doanh. Người Đông Doanh, họ có thể lúc nào cũng im ỉm một mình, lên tàu thì đeo tai nghe, nói năng nhỏ nhẹ ít gây sự ồn ào, trẻ con thì độc lập – những đứa nhỏ tí teo đeo ba lô sau lưng mà đã tự mình bắt xe điện đi học, rồi đi về nhà – như không, cho tới những ông bà cụ già lòm khom, mỗi người đều có thế giới của riêng mình. Nhưng trong một phần nhỏ khác, họ luôn sẵn sang giúp đỡ cho những người đang cần sự hỗ trợ, như cậu và rất nhiều người khác nữa. Có đôi khi, người ta đến nơi này không vì cảnh nơi đây đẹp, nước ở đây trong, núi ở đây cao, cây cỏ xứ này chuyển mùa thay lá vàng lá đỏ đep hơn nơi khác, mà có thể chỉ đơn giản là vì người nơi này luôn sẵn sang giúp đỡ những người từ phương xa tới, là lòng hiếu khách tự thân, là những bàn tay luôn chìa ra khi người khác cần, là lòng người. Cậu nghĩ, ăn sổi ở thì mấy khi. Cái bền lâu, là do mình.
12792347_1159124714099161_5504711685542627318_o.jpg



Hành trình của cậu, xuất phát từ Tokyo, xuống Hiroshima, sau đó lại vòng về Kyoto, qua Osaka, về lại Yokohama, đi lên Ashikaga rồi cuối cùng, về lại Tokyo. Những ngày đó, là buổi sáng sẽ coi lại hành trình hôm nay đi đâu, đi bằng phương tiện gì: xe điện, tàu viên đạn, xe bus hay taxi… Rồi cứ thế dém mình thật kỹ trong mớ áo khoác, mũ len, bao tay, vớ, khăn… mà bước xuống phố. Trưa sẽ ghé đâu đó, xuýt xoa dỗ dành bao tử. Chiều lại trôi trong những dòng người tấp nập trở về nhà, nhà của cậu ở Đông Doanh – là một phòng nhỏ nằm trên tầng 8 của một khách sạn có view hướng ra vịnh Osaka, hoặc là một cái ryokan nhỏ xíu có cái nhà tắm đứng thẳng băng là hết chỗ ở Kyoto, hoặc là một phòng nhỏ khác, nhìn lên núi, ngắm mặt trời lặn đẹp vô cùng ở Ashikaga… Nhưng hơn tất cả, là những ngày luôn phải hòa mình trong những chảy không bao giờ ngưng nghỉ của hệ thống giao thông công cộng Đông Doanh, có lúc ăn trên tàu, ngủ trên tàu, đi vệ sinh trên tàu. Và đó, là lúc mà cậu thấy mình hạnh phúc nhất. Vì đơn giản thôi, lúc ở trên tàu, là lúc cậu thấy mình thực sự thuộc về nơi này.

943969_1154516221226677_560815853879502375_n.jpg

 
BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH (2)

12718300_1152827094728923_7803207568020302103_n.jpg


Sáng hôm đó, Hiroshima trời mưa. Mưa cứ dai dẳng và âm ỉ, từ ban công phòng khách sạn, cậu phóng tầm mắt về hướng biển, nơi này, nhiều năm trước nữa đã từng hứng chịu một quả bom của Mỹ, nhưng giờ đây, những dấu ấn còn lại ngoài một quảng trường kỷ niệm chiến tranh, một bảo tàng lưu giữ những kỷ vật của rất nhiều năm, thì còn lại gì. Những gương mặt Đông Doanh ở đây vẫn như bao gương mặt khác, luôn giữ một thái độ chừng mực, không nói quá to, không đi quá nhanh, lúc nào cũng từ tốn và nghiêm chỉnh. Một tinh thần Đông Doanh chuẩn mực, chuẩn mực đến độ lúc cậu hỏi thử người trực lễ tân của khách sạn lỡ như trời mưa thế này, cậu đi Iwakuni về trễ một chút, check out trễ hơn giờ quy định tầm mười, mười lăm phút liệu có được hay không? Câu trả lời là không khiến cho cậu hơi chợn, đúng giờ và nguyên tắc, đó có lẽ là phong cách của người Đông Doanh mất rồi.


12804859_1152825928062373_4248005177102543234_n.jpg



Và trong cơn mưa dằng dai đó, cậu chia tay Hiroshima, một ngày mưa buồn. Ngồi trên tàu viên đạn, nhìn thành phố dần khuất sau tầm mắt, cậu biết rằng mình nợ Hiroshima một buổi sáng nắng trong, và cậu thả bộ đi dọc theo những con đường đồi nhỏ, dẫn cậu ra phía biển, những cánh hải âu bay, sóng biển nhẹ nhàng, cát hằn dấu chân. Nhưng đó, có lẽ là một câu chuyện khác. Trưa hôm ấy, cậu về tới cố đô. Nắng nhẹ, gió cũng nhẹ nhàng. Bước ra khỏi tàu, cái lạnh mân mê vòm mắt. Kyoto, vậy là cuối cùng, cậu cũng tới được Kyoto.

12801614_1152826154729017_2021047851758629224_n.jpg


2. Kyoto những bữa buồn thiệt chậm.
Bữa buồn đầu tiên

Lúc đặt phòng ở Kyoto, cậu nghĩ mình có cả chục ngày ở DôngDoanh và một nửa trong số đó sẽ ở trong những nhà nghỉ hiện đại rồi nên ở Kyoto, cậu ráng tìm một nhà nghỉ theo kiểu truyền thống, nhỏ nhỏ thương thương nằm gần trạm Kyoto cho tiện việc đi lại. Hai giờ về đến Kyoto, từ Hiroshima, loanh quanh kéo vali đứng đợi taxi. Một hàng dài, mưa lệt bệt đọng trên vai. Cậu nhớ, mất nhiều thời gian lắm, cuối cùng cũng đến lượt mình. Ở Đông Doanh này là vậy, mọi thứ đều trôi đi trong cái thứ trật tự cơ bản, đều đặn chính xác đến từng phút đồng hồ. Bác taxi lớn tuổi đẩy gọng kính, tìm trên bản đồ rồi gọi cả cho bên nhà nghỉ để hỏi lại địa chỉ cho chắc chắn. Xe lăn bánh, chưa đầy năm phút sau đã ngừng lại trước cổng một căn nhà nhỏ, có cái hàng ba chưng hai cái lồng đèn lớn, mấy vật trang trí dễ thương. Cậu bước vào đấy, và thấy mình lọt thỏm giữa một không gian Đông Doanh vô cùng ấm cúng. Hay ai biết được, những ngày ấy Đông Doanh lạnh giá vô cùng.


10390150_1152826241395675_2757513773308551762_n.jpg


Cái ryokan nhỏ, ba gian quây giữa một giếng trời. Mùa đông, cây lá hòn non bộ giữa giếng trời trụi lủi, cái cầu thang bắc lên tầng trên mỗi khi bước qua đều kêu cọt kẹt. Cô gái phục vụ cứ không ngừng dặn đi dặn lại người khách phương xa cố gắng giảm bớt tiếng ồn đến mức có thể vì sợ ảnh hưởng đến những vị khách khác. Cậu ở đấy ba ngày, sáng sáng chui vô cái nhà vệ sinh chật rí, đứng thẳng thôi chứ quay lui quay tới coi chừng kẹt cửa. Tối tối lại quay mặt xuống nhà dưới nghe ai đó gảy đờn guitar, tiếng đờn mộc giữa những ngày lạnh lạnh cảm giác lãng mạn cô đơn vô cùng. Chắc có lẽ sẽ còn nhiều năm nữa cậu mới quên được cái ryokan nhỏ bé xinh xinh này, nằm gần Kyoto station, trong một con hẻm nhỏ, có đôi đèn lồng thắp trước cổng nhà, có cô phục vụ mặc kymono da trắng dễ thương và giọng nói trong trẻo như lúc nào cũng sẵn sàng rót mật vào tai người.

12234912_1152826064729026_3161980103649416890_n.jpg



Kyoto station - tất cả đều bắt đầu tại nơi này. Trạm rộng, to với rất nhiều line xe điện, bus, shinkansen đi đến nhiều nơi khác trên Đông Doanh này... Chiều đó, cậu ngược ra trạm tàu điện, bắt tàu đi vào khu trung tâm ăn tối. Ở Kyoto, tối đến người đổ ra đường đông lắm, nam thanh nữ tú rập rờn. Cậu đi vào chợ đêm Nishiki, những con đường dày quán xá, những cửa hiệu thời trang, quầy hàng ăn uống. Dừng chân ở một nhà hàng tấp nập ven đường, ăn sushi rồi ăn mì udon và cơm bò, uống trà xanh. Bữa ăn tối hoành tráng, khẩu phần ăn của người nơi này nhiều thôi rồi, nhưng cậu mỏng cơm nên ăn không hết, cơm bỏ một nữa, mì udon nhấp vài nhấp cũng thôi, có sushi nhỏ nhỏ con con nên dễ nuốt. Đứng lên, khoác áo choàng khăn rơi mình vào phố. Rồi ghé qua Starbuck, kêu một caramel macchiato nong nóng áp vào mặt, rồi cứ thế ngồi nhìn ra đường. Bên kia là một trung tâm mua sắm, Loft, người ra kẻ vào liên tục, phố đông, phố của mùa đông ai cũng co ro. Đêm đầu tiên ở Kyoto cứ thế nhẹ nhàng, trời khuya chút nữa thì bắt taxi về lại nhà. Đi khe khẽ vì sợ làm phiền những người khác, tiếng guitar buồn mộc mạc vẫn hắt ở bên song. Từ ban công phòng nhìn xuống, ánh đèn heo hắt. Trong tiếng nhạc buồn, cậu chìm vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng.

12105840_1152826164729016_1781896733856525521_n.jpg
 
Last edited:
BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH (2b)
12804802_1152826474728985_2923580341982255657_n.jpg

2. Kyoto những bữa buồn thiệt chậm.
Bữa buồn thứ hai

Sáng hôm sau thì cậu dậy sớm, đi bộ ra trạm xe bus gần nhà, rồi loay hoay thế nào cuối cùng lại tót lên taxi nói người ta chở cậu lên Kiyomizu, chùa Thanh Thủy. Sớm vắng, anh lái taxi trẻ măng, nói cậu đi sớm thế này lại hay, vì tầm một tiếng đồng hồ nữa mà lên Kiyomizu chen chân không lọt đâu, người đông dữ lắm. Anh tài xế trẻ, trẻ nhất mà cậu gặp trong suốt quãng hành trình ở Đông Doanh này. Anh nói tiếng anh khá tốt, rõ ràng và dễ hiểu. Xe chạy lên con dốc, rồi dừng lại ở lưng chừng, nơi ngã ba, chỉ cho cậu cứ đi bộ lên trên đó, là đụng chùa rồi. Lác đác chỉ một vài du khách đến sớm, ngơ ngác ngái ngủ y chang cậu. Rồi bước lên đền, đường xá quạnh quẽ chìm trong cái lạnh và buồn của ngày đông. Im ắng vắng vẻ, thỉnh thoảng bước qua một cửa hàng nhỏ mở cửa sớm nào đó, người chủ chậm rãi bày hàng ra, dày đặc những hàng lưu niệm lô xô chào đón, khách bước qua như có như không dừng lại, rồi nghinh đông nghinh tây lại bước đi. Quãng đường ngắn, tầm mười phút đĩnh đạc khoan thai dắt bộ, cuối cùng cũng đưa cậu đến với cổng chùa. Sáng vắng yên tĩnh, ngôi chùa nhẹ nhàng hiện lên giữa núi đồi, cảnh mùa đông êm đềm, cây trơ trọi lá, những cụm anh đào nụ còn chum chím chưa bung. Lối kiến trúc chùa cổ điển với những cột gỗ to, dựng lên giữa lưng chừng đồi là một tòa kiến trúc lớn với mái cong vút và chiếc chuông ta có dây lắc bện bằng thừng to bằng tay người lớn đặt trước chánh điện. Ngôi chùa Thanh thủy như cái tên của nó, không gợn chút bụi trần nào, hay không biết nữa, có thể do cậu đi sớm quá, trời còn mờ sương, mọi thứ trở nên huyền ảo. Và những bước chân người, chưa lẹt quẹt đông đúc khuấy đảo đi cái không khí trầm mặc ấy. Những cành anh đào lúp búp nụ, những hàng kệ chưa đầy giấy ước nguyện, mùi nhang phảng phất, sương còn đọng trên lá. Cậu rời Kiyomizu lúc người ta bắt đầu leo lên con dốc nhỏ rung rung tiến vào đền. Đường xuống y như đang đi ngược gió, lội ngược song, Dòng sông người bắt đầu đổ vào đền, hàng quán đã mở, vẫn còn lạnh nhưng nắng đã lên. Cậu thấy hạnh phúc vì mình đã chọn Kiyomizu vào lúc sớm lạnh như thế, lúc trời chưa tan, nắng chưa lên, người chưa đông và chùa còn mờ tan trong cái không gian thoáng đãng tĩnh mịch của một ngày đông giá buốt. Đi ngược dòng người, để thấy lòng mình thênh thang, để thấy cô đơn không có nghĩa, là buồn!

12805915_1152826758062290_2784203925883900720_n.jpg


Rời đi chùa Thanh thủy, cậu thực sự bắt đầu lăn xả vào những điểm đến hấp dẫn của cố đô này. Kyoto, có quá nhiều điểm phải đến. Trước khi đi Đông Doanh, cậu có hỏi nhiều người, ai cũng bảo nên ở cố đô nhiều ngày một chút, ở đó không có chán đâu, tất cả những chỗ hay ho đẹp đẽ đều tập trung ở cố đô này hết rồi. Cậu cũng nghĩ vậy, cố đô nghe cứ buồn buồn, cổ cổ, nhỏ nhẻ, bình yên. Mà thật, cậu dành đến tận bốn ngày ba đêm trong hành trình ở Đông Doanh này cho mỗi Kyoto. Thời gian, không nhanh không chậm bước qua. Giở lại hành trình coi điểm đến tiếp theo, rồi lại quày quả đón xe bus, đón xe điện dò dẫm đi đến những chỗ ấy. Cậu mua vé đi xe bus có thời hạn 2 ngày cho tiện trong việc di chuyển, ở đây, nếu chịu khó tìm hiểu thì mọi thứ không đến nỗi đắt đỏ quá đâu, ví dụ như cái vé đi tàu này, áp dụng cho các tuyến xe bus và subway, và ở Nhật, tất cả các điểm thu hút khách đều có phương tiện công cộng đưa đến tận nơi. Hơi khó, để người lần đầu đến đây nhận biết được những trạm và cách bắt xe bus. Nhưng có sao đâu, mình đi chơi mà, chịu khó dòm, chịu khó để ý một chút là được. Những ngày ở Đông Doanh, là những ngày cậu mải miết sáng sáng trưa chiều toàn bật google map lên coi, cứ dò điểm đi điểm đến, giờ tàu chạy, trạm dừng thứ bao nhiêu. Cái thói quen ngắn ngủi đó, lâu lâu về lại Việt Nam rồi, vẫn nhớ!

12512282_1152826784728954_7266445471604256152_n.jpg



Như nỗi nhớ khi bất chợt nghĩ về hình ảnh những cô gái Đông Doanh mặc kimono rợp trời trên phố Gion, hoặc họ âm thầm bước đi trên những ngõ dài ở thành cổ Kyoto này. Hôm đó là chủ nhật, ngày rằm, người ta đi đền chùa nhiều lắm. Cậu để ý, con gái Đông Doanh mặc Kimono đẹp hơn khi vấn tóc, cài thêm tram hoa. Khách du lịch, nhiều người cũng muốn hòa mình vào trong cái không khí Đông Doanh ấy, nên cũng thuê kimono, khoác lên người tòn ten ra phố. Nhưng người dân nơi này, họ có cái cách di chuyển khoan thai, họ cài tóc chỉn chu và dịu dàng, nhìn cái cách người Nhật vận trang phục truyền thống đi lễ chùa, mới thấy được phần nào tinh thần của người Nhật đối với những giá trị truyền thống của mình. Vận kimono khó khăn trong việc di chuyển, họ không thể nào bước nhanh trên phố, họ từng bước nhặt khoan không nhanh không chậm hòa vào dòng người, nhưng ai biết được chính những hình ảnh lóc cóc với đôi dép ngón lệt bệt ấy lại đi vào lòng những người từ phương xa đến nhường nào. Để ý kỹ thì dân Đông Doanh trang điểm đậm, nhưng họ ít đụng chạm đến dao kéo như người dân các nước khác, lòng tự tôn dân tộc của họ cũng rất cao, đi đâu làm gì cũng vươn cao tinh thần võ sĩ đạo. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng khi cậu cần bất cứ điều chi hỗ trợ, thì ngay lập tức sẽ có một ai đó, ở Đông Doanh này, chìa tay ra giúp đỡ. Như hai cô bạn ở Kyoto quyết tâm đưa cậu đến tận cổng vào chùa Vàng mới thôi mà trở về, lúc đó trời cũng dần ngả về chiều. Nắng giòn rang không xua nổi cái lạnh mùa đông. Nhưng trong lòng ấm ấp, vì ở đâu đó, lòng tốt, là thứ người ta có thể dễ dàng trao nhau không hề toan tính hơn hay thiệt!

1927893_1152827104728922_4150302516703875731_n.jpg
 
BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH (2c)

12800325_1152828208062145_4341123814472271562_n.jpg

2. Kyoto những bữa buồn thiệt chậm.
Bữa buồn thứ ba

Mai này, nếu có còn cơ hội quay lại đất Thần Châu Đông Doanh này, chắc chắn cậu sẽ phải quay lại với cố đô Kyoto, ai biểu cố đô này nhỏ xinh bình yên quá. Ngày thứ ba, cậu bắt đầu đi lên rừng trúc, giả vờ nghĩ mình là một nhân vật nào đó trong Thập diện mai phục. Nhưng thật sự thì cậu thấy Sagano không được như mình tưởng tượng, khu rừng trúc không biết cậu đi có đến tận cùng hay không, nhưng nhỏ bé có một chút thôi, đi một chốc là hết, nhỏ đến độ cậu đi qua một lần, rồi lại đi ra, xong bất ngờ ngơ ngác lật đật tìm trên mạng cái bản đồ cũng như thông tin về rừng trúc để tránh trường hợp đi đến tận nơi rồi mà chân kinh chưa thỉnh được thì tiếc. Rồi thì cũng nhận ra nó chỉ có bao nhiêu đó, cậu mua bánh đậu đỏ, rồi giận mình giận người lèn thêm vô bụng que kem trà xanh nữa. Trời vẫn lạnh, kem với bánh buốt hết chân răng, nhưng ngon đến lạ lùng. Cậu lại đi lên đồi, ngẩn ngơ nhìn xuống dòng sông mùa đông trơ trọi, nước xanh lững lờ, mấy ông lão chèo đò buông chèo thấy cậu chĩa máy ảnh sang thì giơ tay vẫy cười loang cả mặt nước. Dòng sông êm trôi, không sóng, bờ bên này thoáng đãng, có con đường bờ kè rộng rãi trải dài với những hàng bonsai đẹp mê hồn. Bờ bên kia là núi, cây cối trụi lủi ảm đạm buồn thê thải. Một cây anh đào nở sớm, rộn cả một khoảng sông. Cậu cứ muốn ngồi đó mãi, nhìn những con cá nhỏ đớp nước, với một tửu quán bên sông có bà chủ lụm cụm rồi ngồi lúc lỉu tuốt trong góc quá. Kshách ghé qua muốn uống gì cứ chỉ chỏ, ai biết đâu bà cụ lãng tai nên khách phương xa không cần nói gì hết, chỉ cần chỉ vô tờ menu tiếng Nhật mà gọi món để bà cụ lóc cóc bưng ra. Bà cụ già không biết đã bao nhiêu mùa đông ảm đảm như thế này đi qua rồi, người già ở Đông Doanh đi đâu cũng gặp nhưng hết thảy đều sống vui sống khỏe. Có thể là bà cụ già bán nước lãng tai hay những bác tài xế taxi nhan nhản đâu đó ở những nhà ga và sân tàu, họ còn đi lại được là còn lao động. Một nước Nhật già cỗi với những con người già cỗi, trầm buồn nhưng không vì thế mà mất đi sức sống cùng tinh thần lao động. Biết đâu đấy vì sự lao động không ngưng nghỉ của các thế hệ từ già đến trẻ của dân tộc này, mà họ đã vững vàng vượt qua biết bao nhiêu khó khan và thử thách trải dài trong quá trình lịch sử của mình. Cậu yêu Đông Doanh, một phần, cũng từ những điều như thế!

12799056_1152840634727569_4848823211329653735_n.jpg

Và đi ngược lại hết ngọn đồi trong công viên ven bờ sông ấy, mới cảm nhận được cái trống trải trước một mùa hoa nở mới. Cả một ngọn đồi trồng toàn hoa anh đào, nhưng mùa này hoa chỉ chum bủm nụ thôi, họa hoằn lắm mới lác đác một vài bông chum chím nở, trắng có, hồng có, phơn phớt cũng có luôn. Những cánh hoa run run trong gió, nhẹ nhàng đủ để cậu ao ước được một lần, một lần nữa thôi được quay trở lại nơi này, vào mùa hoa bung. Cậu đi dọc hết công viên rồi đi lên cầu Togetsu-kyo, người ken chân đông nghịt. Ghé qua một cửa hàng bán đồ lưu niệm, cầm lên đặt xuống một chút rồi bước ra phố. Phố đông, cây cầu nổi tiếng rùn rùn bước chân. Cậu thả cho hồn mình bay tự do trước cảnh trời mây bàn bạc mùa đông của Arashiyama rồi bùi ngùi chia tay khu phố này, leo lên xe bus trôi vào trong trung tâm thành phố. Trưa đó cậu đi chùa Vàng, cũng lật đật tranh thủ giơ tấm vé mẫu tự Kenji đẹp mê hồn lên chụp hình lưu vào điện thoại làm kỷ niệm. Người đông, chen nhau chụp lấy đôi ba tấm trước biểu tượng của cố đô này. Rồi leo vòng qua ngọn đồi nhỏ, nhìn thấy chùa từ gần đến xa rồi lại lục trong túi ra mấy đồng cắc bỏ vào những chiếc hộp tiên tri để xem thời vận của mình như thế nào. Mấy ông khách xa cũng tò mò lắm, bu ken trước những chiếc hộp chứa đựng may rủi như thế này, rồi bỏ tiền vào, hộp nhả ra một tờ giấy nhỏ, trong viết dăm ba điều về thời vận, về tình cảm gia đình, về công việc. Cậu cũng thử, biết trước là xem cho vui, vì thế nào cũng trước dữ sau lành, vạn sự hanh thông. Coi cho vui, tờ giấy bốc xong bỏ vô túi, cười một cái rồi lại tiếp tục lăn mình ra phố. Những con đường sạch sẽ, những hàng cây trụi lá thẩn thơ. Loanh quanh lại quành về Gion, đi qua những con đường hẻm nhỏ, nhìn những cô gái trong bộ kimono truyền thống, ăn kem trà xanh uống coke. Những giây phút thảnh thơi nhẹ nhàng, yêu đến vô cùng.

10339953_1152827718062194_6566608860012288091_n.jpg

Chiều về thì cậu leo lên Fushimi-Inari, ngôi chùa tựa núi với những hàng dài trụ cột màu đỏ cam, mỗi trụ cột biên những câu thơ khác nhau lên đó. Cậu ước gì mình biết được dù một đôi chữ tiếng Đông Doanh, để hiểu được người ta biên cái gì lên đấy, nhưng vô vọng. Những cột đỏ cam trong ánh nắng chiều chóa mắt. Cậu ròng rắn theo những dòng người cứ thế cắm đầu leo lên núi. Người ta nói, hãy cứ leo đến khi nào mệt thì nghỉ. Cậu thì cứ tòn ten xách máy ảnh lựa những chỗ in ít bóng người rồi chụp lại đôi ba tấm hình, trộm vía, đôi khi thấy sao mình lại tự kỷ thế này? Rồi mang máng nhớ là trời có rặn ra dăm ba hột mưa, không kịp ướt đã khô quéo trước vàng mắt. Mùa đông, có chút mưa càng làm mặn mà thêm cái ảm đạm và buồn của khung cảnh núi non và những hành lang cột dài hun hút không thấy điểm dừng này. Cứ việc bước đi thôi, đi hoài đi mãi. Từ lúc phía trước mình, cả phía sau mình đều rầm rập bước chân người, cho đến khi vỏn vẹn chỉ còn mình với tiếng bước chân của mình lách cách đồng vọng phía sau lưng, những hàng cột gỗ vẫn dài, màu cam vẫn sâu hun hút nhưng cứ tự nhủ, mình còn sức, nghĩa là, còn bước tiếp được.

12802786_1152833148061651_4614678527711975350_n.jpg

Leo cầu thang cũng không khó khăn đâu, nhưng cái cảm giác trời gần ngả về chiều, ánh nắng héo hon xiên xẹo qua từng khe hở giữa hàng lang cột gỗ, đường xa xăm như dài sâu hun hút, và mình không biết mình sẽ đi bao lâu nữa, phía trước mình là gì, sau lứng mình, liệu có còn ai không? Cái cảm giác ấy, lúc bình thường thì không cảm thấy gì đsâu, nhưng trong những trường hợp như cậu lúc này, thốt nhiên lại rung rinh trỗi dậy, vừa như một nỗi ám ảnh, lại mang sức khuyến dụ đến lạ kỳ, thôi thúc cậu trai trẻ một mình từng bước lần mò tiến về phía trước. Cứ bước lên thôi, hạnh phúc, là hành trình. Hành trình ấy, kéo dài hơn một giờ đồng hồ một mình cúc cu leo dốc. Cuối cùng, cũng leo lên được đến đỉnh, lác đác một vài người cũng men theo lối hành lang nhỏ chinh phục đỉnh núi, ít xịu thôi, nhưng cũng thấy vui. Khát nước, định móc mấy đồng xèn ra bỏ vô máy tự động kiếm cái gì đó nhét vô bụng, nhưng xui xẻo, máy trên này bị hư rồi, người ta, chắc thấy đặt ở đây không kinh tế lắm, nên cũng không bảo trì sửa chữa. Vậy là cậu ôm bụng khát, lần dò quay trở về.

12804683_1152833031394996_4633342155110717751_n.jpg

Hoàng hôn chậm rãi xuống núi, tới lưng lửng Inari, nhập vào một dòng người khác đang lố nhố trông về phía cố đô Kyoto, một buổi chiều muộn. Tiếng chân người đã lại rộn ràng, gọi nhau tìm nhau ơi ới, cậu biết, mình đã trở lại với thực tại rồi. Xuống núi xong thì quay quả bắt bus trở về nhà. Bóng chiều chênh vênh với mấy dáng thiếu nữ xinh xinh mặc kimono chầm chậm tan trong vành mắt. Một bữa, buồn trôi.

12805670_1152833501394949_5296619206051691676_n.jpg
 
BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH (2d)

12066007_1152840064727626_5930819060172194187_n.jpg

2. Kyoto những bữa buồn thiệt chậm.
Bữa buồn cuối – chia tay

Hôm sau cậu chia tay Kyoto để về Osaka. Nhưng trước đó, buổi sáng, cậu bắt xe điện chuyến sớm nhất lên Kibune và Kurama - hai ngọn núi kề nhau nằm phía Bắc Kyoto. Chuyến tàu lẻ loi đưa cậu lên vùng cao với đường tàu khúc khuỷa băng qua một vùng nông thôn yên tĩnh buổi sớm mai lạnh giá. Tiếc rằng thời gian không nhiều để cậu dừng lại ở trạm nào đấy giữa chuyến hành trình, rồi thả bộ vô những khu phố im ắng tiếng người, vắng tiếng xe nhưng bình yên quá đỗi ở khu vực này. Tàu ngừng ở trạm Kibune, chỉ có cậu và một số ít người khác xuống. Đa phần đều chọn lên tới trạm cuối phía trên kia thuộc Kurama. Cậu thì đi theo một con đường quanh co khúc khuỷa khác với những người còn lại, từ Kibune lên Kurama, một mình ên, vắng hoe.

12804758_1152878028057163_3068862441067484035_n.jpg

Leo núi, cậu nghĩ trong bụng cuối tháng tư tới mình sẽ thực hiện chuyến leo đầu tiên hơi xa xa hơi cao cao của cuộc đời mình (một câu chuyện khác, sắp tới), vậy nên leo ngọn núi nho nhỏ ở Đông Doanh này, thiệt ra, chỉ là chuyện nhỏ. Con đường nhựa dẫn vào Kibune dễ thương lắm, trời sớm lạnh teo, suối trong veo róc rách chảy hoà với hương núi rừng trog lành thanh khiết ngọt ngào. Cậu cũng đi hết con đường nho nhỏ quanh co đó, rồi quyết định mượn cây gậy nhỏ ở trạm soát vé ngang qua dòng suối, chống đẩy leo lên những bậc thang đầu tiên đi qua Kurama, bụng nghĩ, ráng qua bên đó, có gì mình sẽ tắm osen ở giữa rừng, trên núi cao, giữa mùa đông lạnh lẽo này. Cô bán vé cứ nhìn cậu, hỏi bằng giọng tiếng anh ngọng líu rằng con có chắc hay không? Ít ai leo Kurama từ bên này lắm. Bỏ lại hết sau lưng những lời ngăn cản, vậy là, cậu bắt đầu chuyến hành trình của mình.

12771730_1152883818056584_1582865423311462238_o.jpg

Đoạn đầu tiên, mọi thứ đều trôi chảy, ngày mới vừa lên, bao nhiêu hăng hái, bao nhiêu nhiệt tình đều khẳm mạn thuyền. Cây gậy leo núi được cậu vung vẩy, rừng vắng núi cao chỉ một mình thôi nên cậu lấy gậy gõ tong tong vào thanh barries dẫn đường lên núi, lóc cóc leng keng nghe cũng vui vui tếu tếu y chang như cậu trong mắt người khác – xàm xí đế nói chuyện thất thường dễ mít long khó ưa nhưng quen rồi, lại thương. Đường xấu, ẩm ướt và dốc. Có chi đâu, cậu đang đi giữa rừng, rừng thông, giống như giấc mơ của nhiều năm trước, cậu tỉnh dậy thấy mình đang ở trong một khu rừng nào đó, có cây cối dày và chim hót, đừng gặp thú dữ, chỉ cần hươu nai rái cá thỏ bông thôi là được rồi, và cậu mò mẫm đi giữa khu rừng yên ả đó. Lúc đấy, cậu thấy rất vui. Tinh thần hăng say tiến về phía trước, dọc đường đi hết nhìn cây nấm này đến liếc dọc liếc ngang cây nấm khác, thích thú khám phá ra một ký hiệu nào đó được người qua đường bỏ lại, hăng say khám phá mở to mắt căng rộng tai cảm nhận hết sự bí ẩn của hành trình đi ngược trước mặt này. Vẫn chưa gặp được ai. Cái bản đồ in trên giấy màu đen vẽ lổn ngổn những ký tự kenji lạ lẫm (cậu nói trong bụng, nếu có lạc đường, chắc ăn mình sẽ gọi ngay cho Y.L để nhờ cô ấy dịch hộ, bạn cậu học tiếng Nhựt, không phải sợ đâu).

12705644_1152883318056634_493128459949802694_n.jpg

Rừng sâu núi thẳm, không đến nỗi vời xa nhưng cảm giác một mình giữa nơi vắng vẻ, lại ở đâu đó ở Đông Doanh, rất thích. Ở lung chừng núi, gặp một cô gái, trời đông mặc váy dáng người dong dỏng cao và gầy, ở một cái chùa hoang vắng vẻ thuộc Kimune, lúc đó, cũng không suy nghĩ nhiều, thấy cô ấy làm lễ cầu nguyện ở sân chùa, thì cậu cũng vái tay lễ Phật, rồi hỏi thăm thử coi cô đi từ Kurama phải không? Sao tôi thấy vắng vẻ quá, có ai đi phía sau cô hôn, đường còn xa xôi không vậy? Cô gái không hiểu cậu nói gì, dĩ nhiên rồi, người Đông Doanh mà, không giỏi tiếng anh cho lắm. Gật đầu chào, rồi thôi, không suy nghĩ nhiều, cậu lại đi tiếp. Bây giờ ngồi gõ những dòng này, tự nhiên lại thấy sợ. Vu vơ nhớ tới những bộ phim kinh dị Đông Doanh đã từng coi, thấy ớn, da gà ngọ ngoạy nổi lên. Biết đâu, đó chỉ là một hình ảnh mộng mơ thêm phần kịch tính, giữa chốn vắng vẻ rừng hoang. Một chút thế, rồi thôi!

12792361_1152883744723258_2265677189922119231_o.jpg

Cậu lại leo tiếp. Qua nhiều chặng nữa, rồi cũng gặp được những người sáng nay cùng cậu ngồi trên tàu điện đến đây. Họ đi theo hành trình từ Kurama qua, cậu hỏi thăm chàng trai trẻ người Hàn – kẻ mà trên xe điện có hỏi thăm nhau, vì cả xe chỉ có hai thằng lóc cóc chạy từ toa này qua toa khác chăm chú chụp ảnh, lúc đứng trước toa đầu, hai thằng thay phiên nhau dựa vào cột giữ chân chụp lấy những hình ảnh làng mạc bình yên chìm trong sương sớm. Rồi vậy thôi rồi cười, hỏi thăm nhau mày phải dân Đông Doanh không? Nó nói không, tao tới từ nước Củ Sâm. Hai thằng chụp choẹt rồi chia tay, cậu ghé Kimune còn thằng kia lên tiếp Kurama. Bây giờ lại gặp nhau, nó hỏi cậu đường dưới kia đi dễ không? Cậu trả lời nước suối róc rách rừng thông đẹp lắm. Ba trợn trớt quớt vậy đó rồi lại tiếp tục lật đật lên đường. Giữa đường càng ngày càng gặp thêm nhiều khác nữa. Cậu nghĩ trong bụng đường đi bây giờ, may quá, sạch sẽ lát gạch cầu thang lên xuống mướt rượt luôn, còn mấy người kia, đáng đời, sướng trước bây giờ sẽ khổ. Thực sự, leo núi theo hướng của cậu lúc đầu nản lắm, bởi đường dơ và trơn, bởi phía bên Kimune không có được những cầu thang lát gạch phẳng phiu, chỉ là những bậc cấp bằng đất siêu vẹo, dơ hầy lầy trong những phiến lá khô rụng. Cậu trải qua rồi, bây giờ chỉ ung dung hưởng thụ thành quả khổ trước sướng sau. Đi đâm bang, hổng giống ai, dè đâu lại vô tình hưởng thụ cái cảm giác thành tựu đó.

224839_1152881918056774_7525645702408248144_n.jpg

Leo lên rồi thì lại bắt đầu đổ dốc leo xuống. Định onsen nhưng hỏi thăm người ta bảo chỗ tắm còn cần phải leo lên trên con dốc cao kia nữa. Cậu tự nhiên ớn ngang, cũng thấm mệt rồi, nhìn những gốc thông già thân to cao ơi là cao riết cũng đâm nản, cậu ghé tiệm bánh mua cái bánh đậu đỏ vội vàng nhét vô bụng. Bánh nhỏ nhỏ mềm mềm ngọt ngay, phía ngoài kéo một lớp bột trắng mịn mỏng cắn vô nhân đậu đỏ tràn ra chảy khắp khuôn miệng. Ăn một lần thấy ngon nhưng nhiều lần thì hơi ngấy. May, cậu không phải dạng ăn nhiều, một cái, đã đủ no cái bụng rồi. Hành trình ở Kyoto chấm dứt. Từ đó, cậu bắt tàu quay về lại Kyoto station, rồi lại tìm kiếm khắp nơi coin locker để tuồn hành lý lên vai, ngoảnh mặt quay đầu ba mươi phút sau đã đặt chân đến Osaka. Kyoto như một cái phẩy tay, nhẹ nhàng bay bổng khi nhanh khi chậm đã thực sự nằm lại phía sau rồi.

10401094_1152880154723617_9061669063728627223_n.jpg

Những bữa quê nhà nắng quá, cậu bất chợt lại nhớ đến cái lạnh mênh mang của Kyoto, nhớ ôm trong tay cốc cà phê nóng bới ra từ cái máy bán nước tự động, nhớ những giọt mồ hôi khi leo núi của buổi chiều tà, nhớ cả cái cảm giác đi một mình giữa rừng thông vắng lặng và gặp một cô gái lẻ loi cao dong dỏng nhưng chớ hề xuất hiện một ý nghĩ – ma nữ có phải hay không? Ba bữa buồn đầy thêm nửa buổi buồn vơi rồi thì cũng nằm lại đâu đó trong tiềm thức. Bữa buồn nào, cũng thương!

12801652_1152843021393997_1029095226257856140_n.jpg

(P/s: để ngoài lề biên, em mệt quá, nhưng cho hỏi là mọi người thấy được hình em attach hết, đúng không ạ?)
 

BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH (3)

13256244_1212198555458443_4005546838288673233_n.jpg




Cậu nghĩ rằng thôi mình không đi đâu nữa hết, cứ ngồi đây, từ ban công tầng thứ tám của một khách sạn nho nhỏ nằm bên rìa đường rày của Ashikaga. Rồi cứ vậy ngước nhìn mặt trời đang rực rỡ xẹp xuống phía sau những ngọn núi, con đường trước mặt ửng lên trong ánh tà dương cuối cùng. Xe cộ không đông đúc nối đuôi nhau, con người lọt thỏm giữa cái quạnh quẽ buồn hiu của làng quê xứ này.

13260293_1212198508791781_7773047194254164253_n.jpg



3. Cóng chân ở Ashikaga

Lúc lên kế hoạch, cậu cũng có hỏi thăm thằng bạn đang ở bên Đông Doanh, cái nó cũng ờ ờ, cũng được được. Mà tánh cậu thì thuộc dạng ba bảy hai mươi mốt tứ quý chín, làm cái gì không để tâm thì cứ qua loa, phiên phiến cũng được thôi, hổng có phải người cầu toàn. Đi bụi cũng vậy, cứ lên kế hoạch chi tiết quá làm chi. Mình còn trẻ mà, phải sai sai, bậy bậy, trúc trắc, trục trặc đâm bang xí, mà vui. Nên thành thử tự nhiên lòi ra cái khúc Ashikaga này. Từ Yokohama, cách Tokyo có 17 phút ngồi tàu điện, ghé luôn Tokyo nghỉ ngơi đàn đúm uống rượu sake, đi coi phố đèn đỏ nhảy múa hát ca bềnh bồng cho rồi, sung sướng không chịu. Đâm đầu chạy lên Ashikaga, mùa đông, có cái mệ gì trên đó đâu. Hoa fuji tháng năm mới nở. Mà cái tỉnh lị bé nhỏ này, y chang như một cái thôn quê hút hẻo chắc cha chắc chẻo cuối nẻo mờ xa. Lúc vừa đặt chân xuống ga, là thấy sai sai, thấy đau đau cái đầu rồi. Nhưng ai biết được, kiểu sai rồi thì im luôn, ngậm đắng nuốt cay hát cái câu muôn thuở ầu ơ cứ sai đi vì cuộc đời cho phép mà. Rồi lấc cấc kéo vali bước qua đường rày, đi xuống phố. Cái khách sạn, cũng may, sát bên, đi có mười lăm phút. Lạnh đau hết cả bộ đồ lòng.l
13327516_1212197975458501_6635747415472298926_n.jpg



Ba giờ chiều mới tới giờ check in vô phòng thị tẩm. Ngó ngó đồng hồ, má ơi, mới có hai giờ. Cũng vờ năn nỉ, cũng mỹ nam kế đồ, xịt nước hoa chải tóc đẹp đẹp là, đủ trò, mà hai chế tiếp tân, hổng chịu. Mà vui lắm, hai chế ấy, một chế tóc búi củ tỏi, đẹp lão y chang mẹ của Nobita, một chế tóc ngắn mặc váy đẹp bá chấy bồ chét lửa, lúc cậu khua rổn rẻn bắc cầu thang trước cửa khách sạn la làng lên check in đê, hai chế mới hớt hơ hớt hải vén rèm châu bước ra, mặt hiền ngoan như cô Tấm. Mà hai chế nói tiếng anh hổng được. Nên cậu năn nỉ, cậu ỉ ê hò sự sang sê cống ù liếu lo mà hai chế cuối cùng vẫn cứ làm theo nguyên tắc, ba giờ mới được thị tẩm em ạ, chị cũng muốn nhưng nguyên tắc là quy định, thôi để vali đây đi, cậu muốn phắn ở đâu thì phắn, chút nữa quay lại. Cậu thì đói muốn mờ mắt luôn rồi các anh chị ở lầu trên ơi. Đi suốt từ Yokohama lên đây, có ăn uống chi đâu, sáng gói theo nắm cơm tam giác, in như phía trong nhân cá, bà nội cha nó cậu ăn làm gì được, ghét ăn cá nào giờ. Nên cái bụng trống lỏng, kêu ọt ọt. Đành đoạn gửi cái vali lại cho hai mệ nuôi tiếp tân ấy, cậu phóng thiệt lẹ ra đường, dòm xuôi dòm ngược, định coi chỗ nào có vẻ có đồ ăn ngon, mũi ngửi ngửi khịt khịt, chân nam đá chân chiêu, chân trời nhạt nắng, thấy chỗ nào thơm quất thẳng tới hướng đó.

13331115_1212198588791773_3108744791343910176_n.jpg




Ông trời cũng thương, đi mải miết cuối cùng cũng không gặp được một chỗ nào khả dĩ có thể ăn được. Cậu nói rồi, cậu là con bọ ngựa, ngựa ngựa nên ông trời ổng thương cứ nhè chỗ cậu đứng, mà xỉa xói. Không có cái gì ăn hết, người nông dân hiền ngoan dễ thương lại còn đẹp trai nhứt ở cái vùng này biết phải làm gì? Bán nghệ chớ hổng có bán thân trời ơi? Mặc dù rất là ghét bước chân vô 7/11 ăn trưa, chàng trai trẻ da vàng mắt hí mũi tẹt ở tít nơi xa xa đến đây, cũng phải ướm chân bước vô thôi. Và đó, là cái ly mì ngon nhất cậu từng được ăn, chắc do đói, chớ hổng phải do cái ly mì gói đó giá tới sáu chục ngàn, chớ hổng phải vừa ăn vừa dòm ra đường, cái Ashikaga này bình yên thiệt, người thưa chợ xa quán xá hổng có luôn. Mà nơi này nằm gần núi, nên lạnh, xúc tô mì bốc khói nong hổi áp vô mặt kiếm chút ấm áp ăn ngon lành. Ăn xong rồi còn thòm thèm, nên bấm bụng quất thêm một hũ yaourt nữa, cho dễ tiêu. Dòm xuống cái đồng hồ, ý là, móc điện thoại ra coi mấy giờ, cũng hèm hèm giờ check in rồi, lết tấm thân ngọc ngà còn nguyên seal bao zin chạy về khách sạn, phải chạy chứ, lạnh cóng hết cả giò. Vali đã được hai chế mẹ với dì của Nobita mang lên tận phòng, ăn trưa xong rồi thì lăn ra ngủ. Cái bụng lặc lè, Ashikaga, tới khúc này vẫn là buồn thê thảm.

13327503_1212199165458382_4501886062211097868_n.jpg



Ngủ dậy rồi mới hay, giấc ngủ có thể đem đến cho người ta hy vọng, vực dậy tinh thần và giải tỏa căng thẳng một cách thần kỳ. Vươn vai tỉnh dậy lúc năm giờ chiều, dụi dụi mắt tiện tay kéo rèm cửa. Phòng cậu lắc lẻo ở lầu sáu, ơ hờ dòm ra phố. Mặt trời đang xẹp xuống, phố vẫn bình yên vắng xe hiu hắt bóng người lại qua. Núi mờ xa và mặt trời đang rỏ những tia sáng quạnh quẽ cuối cùng của ngày xuống nơi này. Buồn thê thiết, hổng lẽ hát vống lên mấy câu cải lương ơi hời cho đúng điệu. Nhưng cậu cứ ngồi đó, đứa trẻ chưa bao giờ hiền ngoan như thế, cứ lẳng lặng sững sờ mà ngắm cái giây phút hoàng hôn thần thánh này. Bình yên nhẹ nhàng. Nếu hòn đá đã lăn qua những hốc hẻm đông đúc dấu chân người, nay lon ton rớt trên một vùng cỏ non xanh mượt bình lặng, có thể là buồn, nhưng tĩnh tại an yên. Khoảng lặng đó, cậu gào lên trong bụng mình, là cần thiết.

13237854_1212199062125059_5708165231935226364_n.jpg



Bụng gào lên nữa, nó kêu đói. Cậu lết mình ra phố, mùa đông nên trời tối sớm. Sâm sẩm sáu giờ mà đã chạng vạng hết thấy đường đi rồi, phải cục ta cục tác hỏi mấy cái ứng dụng điện thoại, kiếm chỗ bươi đồ ăn ăn thôi. Mắc cười, Ashikaga này chắc ngoài mùa hoa fuji ra thì người dân không cần làm ăn gì nữa. Cậu cuốc bộ đi theo chỉ dẫn đến mấy nhà hàng khách sạn tửu điếm nức tiếng trên mạng, mà cái thì đóng cửa, cái thì dòm sơ liếc ngang qua coi giò coi cẳng thấy hổng ổn chút nào. Cuối cùng, đi ăn udon lạnh trong một cái hàng ven đường rày, có con bé tóc ngắn phục vụ to tiếng rổn rẻng, cứ la bai hoải làm cậu tưởng nó biết tiếng Anh hay ở một khía cạnh tích cực khác, nó hiểu điều cậu muốn nói. Nhưng trong đêm tối, và trời rất lạnh như này, ăn thêm tô udon lạnh đúng thiệt là …. Bậy bạ. Cậu ăn không nổi, dù đã cố gắng lèn chặt thiệt chặt cái bụng rồi. Trên đường về nhà, lại ghé 7/11 mua thêm cơm nắm muối mè, sợ đêm khuya lúc tàn canh, bụng đói.

13307259_1212198485458450_1810847820773837155_n.jpg




Vụ cơm nắm muối mè đó, dẹp qua một bên, tắt đèn, thị tẩm. Sáng hôm sau, mắc cái méo gì phải dậy sớm, cậu quánh một giấc đến chín giờ, hì hụi vệ sinh rồi chưng diện lên thật rực rỡ. Định bụng làm cho hai chế Nobita tiếp tân dưới lầu hết hồn chơi, lấy le. Dè đâu, dĩ nhiên hôm nay không phải ca trực của mấy mể, bấm bụng tẩy trang, lại thanh tao nho nhã hiền ngoan trở lại, bước ra phố. Ashikaga nhỏ thôi, vòng một vòng, là hết. Cậu đi chùa, đứng ngắm cây ngân hạnh ba trăm năm tuổi, nghĩ nghĩ biết tuổi nào mình mới quay lại đây, coi cái ông cố nội cây hạnh này ra hoa. Lúc đó là khi nào? Ông nội ai mà biết được. Rồi vườn rộng hào sâu, dòm mấy con cá koi lỏn tỏn bay dưới nước mà nói thầm trong bụng, ở xứ mình mà các anh các chệ tiểu ngư nhi này được thoải mái vờn bay thế này thì tôi cúng cụ ạ. Cá koi nhiều quá trời, bơi qua bơi lại trắng đen đỏ chấm bi đủ hết, nhìn hoa cả mắt. Mua cái vé vô trường, trường đại học đầu tiên tại Đông Doanh nằm ở Ashikaga này, trường cổ, nhỏ nhỏ thương thương có cái cổng bằng gỗ cũng có chút xíu, ai đi qua không để ý, dễ đi huốt.

13267739_1212198445458454_3429898346121527361_n.jpg




Sáng đó, có một mình cậu với ba, bốn cụ già nữa, lụm cụm mua vé vô trường. Thời tiết này, lãng mạn gì mà trường xưa lớp cũ, thiệt là rảnh. Cậu đi lòng vòng cái trường nho nhỏ ấy, bước vô phòng truyền thống, chân lạnh bang bang. Rồi đi ra vườn, kiến trúc Đông Doanh thiết kế rất đẹp, bonsai đồ, nhà cổ đồ, sân vườn đồ. Nói chung muốn bao nhiêu diễm lệ có bấy nhiêu diễm tình. Cái trường nhỏ xíu, nhưng được chăm chút kỹ lưỡng, người đi vãn cảnh thưa, có thời gian để cậu dòm đông dòm tây hí ha hí hoáy. Mỹ cảnh là đây chớ nào phải đâu xa xôi.

13310569_1212198328791799_2537175167191449310_n.jpg




Đi thăm trường rồi thì trở ra, lần quần thăm thú ngỏ ngênh đông tây xong thì kéo vali lên đường rày, chờ chuyến tàu xa quay về lại Tokyo. Lúc ngồi một mình ở ga Ashikaga, cậu mới thấm thía hết được nỗi quạnh cô của một thành phố già, trầm lặng, tĩnh mịch và buồn bã. Nghĩ đến cái cảnh rồi một mai này khi mình già đi, chắc cũng thúi hẻo khi xung quanh mình lúc nào cũng ảm đạm lủng lẳng buồn. Và rồi cái cô liêu đó, Ashikaga một ngày cuối đông đã dắt cậu quay về với nhịp sống sôi động của Tokyo. Như một nét chấm phá, như một vết mực loang giữa trang giấy viết dở.

Là đôi điều trôi mãi phía Ashikaga.

13315476_1212199198791712_5048734497134100298_n.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,806
Bài viết
1,138,728
Members
192,755
Latest member
Jacque
Back
Top