What's new

Ta rong chơi phiêu lãng cuối trời

Bạn host của tôi đang cực lực lên án chính quyền sở tại vì sự chậm trễ trong công tác ứng cứu và hỗ trợ người bị nạn! Những dòng tâm sự của bạn làm cho tôi cũng ngại vào chia sẻ và cũng không biết làm gì ngoài việc hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp lên hơn. Bạn sống ở Cebu, thành phố này là nơi siêu bão đi qua! Tôi vào trang web của hãng bay, ở đó tôi kiểm tra lại lần nữa về tình trạng của chuyến bay sắp tới. Khi chắc chắn rằng sẽ không có sự thay đổi nào trong chuyến hành trình đầy mạo hiểm này, tôi bắt đầu lôi laptop ra và gõ những dòng chữ này! Trang web vẫn nhấp nháp những top up nhiều sắc màu, Phil đang vẫy gọi, thiên đường của du lịch biển đảo, những ngọn núi lửa, những nhà thờ và thiên đường của jeepney, tricycle, kiến trúc cổ đậm màu Châu Âu, và có một Phil khác cũng đang oằn mình với những màu ảm đạm! Báo chí nước nhà rải những tin tức đầy ám ảnh, về cuộc sống, về con người (cả sống, hay đã chết) ở nơi này! Nếu đếm ngược lại thì chỉ còn ba ngày nữa là tôi sẽ xách ba lô lên, và đi!

Ngày thứ hai luôn là một thảm hoạ đối với những bạn trẻ đang đi làm nhưng máu xê dịch lúc nào cũng chảy rần rần! Tối qua tôi vừa vượt hơn trăm cây số đi và về từ Ninh tới Sài, chỉ để coi một show ca nhạc yêu thích! Sáng ra thì mắt cứ nhúm nhíu lại, vì mệt, và phần lớn vì sức khoẻ cũng chẳng còn sung mãn nữa (Nhắc lại để biết là tai nạn giao thông gây ra cho tôi những nỗi lo sợ, ở đó chỉ cần thấy xe lạng qua thôi cũng đủ để cái cảm giác chạm vào với mặt đường, ngón chân bị gãy và bất lực khi thấy tôi không di chuyển được mới kinh khủng như thế nào, thì cũng cái chân này là cái chân đi, đã quen đi rồi - nhưng đó lại là một câu chuyện khác, của hơn nửa tháng về trước).

Vẫn phải cố gắng tỉnh táo! Nhưng công việc bận rộn cứ cuốn trôi đi tất cả. Ngày tàn, ngày dài! Chợt tỉnh ra mới nhớ ra là trời ơi tôi vẫn chưa gửi đơn xin nghỉ phép! Nỗi ác mộng bắt đầu!

(Dĩ nhiên là đời đến đây vẫn còn lấp ló - Phil của những ngày bão nổi, chắc chắn mình sẽ hoàn tất những dòng hồi ức này. Còn 3 ngày nữa, sẽ đi!)
 
Last edited:
MÙA THU DU KÝ
Có lúc anh chỉ muốn như thế này. Đong đưa chân trên những nhịp cầu gỗ teak trăm năm, nghìn năm. Như có như không mà vui vẻ với ánh mặt trời le lói nơi cuối chân trời.

Lúc về nhà, anh lục lại tấm ảnh hoàng hôn trên Ubein làm ảnh cover trên trang cá nhân. Những lúc anh mệt mệt, ghé ngang qua dòm một cái, thấy đời khỏe khoắn, thấy lòng mình thanh thản. Để có được những phút giây ấy, anh đã giẫm lên giọt tà dương cuối cùng của ngày, trong một buổi Mandalay hanh nắng. Thứ nắng mùa thu ve vãn lòng người.

3. Chạy theo ánh mặt trời (c)​



Cầu Ubein ôi cầu Ubein, lúc anh quyết định đi Burma, là lúc anh cứ lần giở mấy bức ảnh hoàng hôn chậm rơi trên cầu, đẹp đến mụ mị cả người. Bây giờ anh đang sắp được chạm vào cây cầu trăm năm ấy, ngắm hoàng hôn ở nơi nức danh là địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới. Trời mùa thu nắng vương vất, nhưng nắng sẽ tắt hoàng hôn sắp tàn rồi. Xe chạy, anh trôi trong giấc mơ sắp bị vỡ tan về một buổi chiều tàn. Con đường nhựa chạy vào khu vực cầu bắc qua những thôn xóm nhỏ, tàn tạ rệu rã với những mái tranh liêu xiêu. Sao nơi này thu hút nhiều khách lạ người xa tới đây vãn cảnh ngắm hoàng hôn ngắm chiều rơi mà sao dân nơi đây vẫn nghèo. Anh xót xa mà cám cảnh. Nhớ ra ủa ủa sao mình lại buồn?

Ubein nằm ở ngoại ô thành phố, cầu bắc ngang qua hồ Taungthaman, với chiều dài khoảng 1,2km. Cầu hơn 160 tuổi, đã được công nhận là cây cầu gỗ dài nhất thế giới. Mặt nước hồ Taungthaman phía bờ đục ngầu, do vòng quanh hồ là cơ man những quán xá, kiểu như nhậu quán vườn ao cá ở Việt Nam, ô nhiễm. Anh thấy có chút thất vọng, thì đâu ai bắt nước phải xanh trong thấy đáy cho mỹ nhân rửa chân ngắm nhan sắc, nhưng đục ngầu màu cà phê sữa thì cũng đáng thất vọng thật. Khách đi cầu rất đông, nối dài suốt chiều dài cả cây số. Hoàng hôn đang chậm rơi, mặt trời nhiễu những giọt tà dương cuối cùng phía cuối chân trời. Anh hối hả vượt qua những cột gỗ đầu tiên, sải chân men theo đến giữa mặt hồ. Nước hồ thay đổi, trong xanh hơn, và hoàng hôn cũng đẹp hơn, và lòng người... mệt hơn.

Anh bị ảnh hưởng bởi mấy món ăn vặt đường phố, đau chói lói. Anh cầm cự ngắm hoàng hôn "đẹp nhất thế giới" ở "cây cầu gỗ teak dài nhất thế giới". Mặt trời đỏ như chảo lửa, từ từ chạm dưới đáy chân trời. Một trời nước một trời mây, gió thu chiều nhẹ nhẹ, những cọc gỗ trăm năm, những chiếc thuyền nhẹ trôi trên mặt hồ thu. Cảnh đẹp đến nao lòng. Anh cầm cự, cảnh đẹp cảnh đẹp mà. Rồi chịu hết nổi, anh băng ngang qua hết chiều dài cầu, đi bộ hơn một cây số, chiều dần buông, nắng tắt, anh sang sông.

Khi giải quyết xong (vất vả và đau khổ, không thấy đường, không biết giải quyết nơi đâu), thì trời đã chuyển tối thui. Cây cầu thơ mộng, đông kín người bây giờ quạnh hiu vắt một lằn mỏng manh qua mặt hồ nước. Đâu đó có bóng người, những người vội vã trở về sau những phút giây thanh thản nhẹ nhàng ngắm ánh tà dương. Anh bây giờ chắc ăn là nhẹ nhàng và sảng khoái, bước thấp bước cao trở về. Những cái đầu ló lên dưới sông, là những người đi mò cá buổi tối, những xâu cá nặng theo tay người đi trên mặt cầu. Nhưng thì sao? Anh bị hấp dẫn mất tiêu rồi bởi một thứ khác, còn hấp dẫn hơn cả hoàng hôn và mặt trời.

Là ánh trăng, trăng gần rằm tròn vành vạnh, ánh sáng dịu nhẹ lan tỏa trên mặt nước. Anh đến miền đất Phật vào mùa trăng, chưa phải rằm nhưng ánh trăng cũng đã gần đầy đặn. Trên quãng dài hàng cây số, cầu Ubein không một ánh điện, chỉ có ánh trăng soi đường, ánh sáng lăn tăn nhẹ nhàng, tiếng chim gì kêu gọi bạn giữa đêm buồn. Đôi bờ sông nhập nhờ những ánh sáng quán xá. Anh chỉ muốn đi thật chậm, thật chậm để thả mình vào những phút giây này. Cần gì ánh điện, chỉ cần ánh trăng soi chân anh bước, bình yên và trong trẻo đến lạ lùng. Đường về thênh thang. Nhiều khi là duyên, anh bị đau bụng nên phải bươn bả hết cả chiều dài cây cầu. Sau đó lại phải quay về khi ánh trời đã tắt. Mò mẫm đi trong đêm tối, yên ả và vắng tiếng người. Đêm sáng trăng, lại được hít thở cái không khí lành lạnh của ngày thu nơi mà chỉ vài khắc trước đây được mệnh danh là địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới. Tất cả đều là duyên, là duyên nên trân trọng cất sâu trong đáy lòng, sợ mất.

Là một trong những chiếc taxi cuối cùng rời khỏi bãi xe Ubein. Anh được bác tài xế chở ra bến xe Mandalay, tối nay anh sẽ rời đi Bagan. Bến xe giờ cao điểm, tấp nập và bụi bặm. Anh mua vé bus chuyến cuối cùng đi Bagan. Ngủ gục ở nhà xe chật chội, chưa tắm rửa, chưa ăn uống. Như một khạp mắm lâu ngày chưa mở, anh nhọc nhằn nhắm mắt ngủ vội. Chờ ngày mai trời sáng, chờ ngày mai nắng lên. Chạy theo ánh mặt trời, theo một cách nào đó, rời bỏ ánh mặt trời.


10540786_884996094845359_6685746016208135848_n.jpg


Qua sông

10410123_884991971512438_6608952328836544170_n.jpg


Hoàng hôn trên sông, hớp hồn
 
MÙA THU DU KÝ

Mưa gió bập bùng. Mưa thu nhẹ nhẹ.

Rời Bagan lúc bảy giờ tối. Sau cơn mưa chiều, trời thu mát mẻ. Lòng người phây phây! Những đền đài chùa chiền cũ, ngây ngất những vó ngựa buồn. Là đến Bagan lúc 2 giờ sáng. Mưa rơi âm thầm. Bến xe Bagan âm thầm. Mưa xéo xiên rót màn đêm với ánh đèn vàng vọt, buồn đến ngơ ngẩn vào lòng người.

Cái lạnh một sớm khuya thu nào với mưa e ấp. Bagan chưa đi xa đã nhớ. Bagan trở về là thương nhớ. Những nhớ với thương vo tròn thành kỷ niệm. Những kỷ niệm thuộc về mùa thu, chênh chao miêng miếc mà sâu đầm không tả nổi.


4. Vó ngựa Bagan​

Anh xách ba lô lên chuyến xe đêm đường dài vượt Bagan đi Yagoon lúc bảy giờ tối. Nhà xe phát cho anh đống của nã gồm có bịch khăn giấy ướt, kem và bàn chải đánh răng mini. Xe ghế ngồi, ngật ngừ vượt hơn bảy trăm cây số xuyên đêm đi về cố đô Miến Điện. Nằm trên xe, mùi hoa lài phảng phất (mãi sau anh mới biết, đó là mùi của cái khăn giấy ướt, làm anh cứ tưởng mùi nhang. Nhang với khói chập chờn trong giấc ngủ trệu trạo!). Vòng bánh xe quay quay, chưa gì mà đã thấy nhớ.

Ai đến Bagan đa phần đều chọn xe ngựa làm phương tiện đi lại chính. Cũng đúng thôi, hợp thời và hợp với cảnh. Tuy nhiên, do không có thời gian nhiều, anh chỉ ở lại Bagan từ hai giờ sáng cho đến bảy giờ chiều của ngày thứ hai trong chuyến hành trình ngắn ngủi này, nên anh chọn đi taxi. Thuê một chiếc taxi rong ruổi cả ngày ở Bagan, cảm giác tiện lợi và cũng hay hay, nhìn người ta cà xịch cà tang bên cỗ xe ngựa, nhìn người ta cong giò đạp xe, nhìn người ta lại lại qua qua, nhanh chóng và mất hút, cũng có cái thú riêng của nó. Anh đơn giản nghĩ rằng mọi thứ đều là duyên. Là duyên thì không cầu không cưỡng duyên cũng tới. Anh khám phá Bagan theo cách của riêng mình. Âm thầm cảm nhận, âm thầm đi qua, không đắn đo, không hoài vọng, không mệt mỏi. Nhưng ai mà biết được, sao tự nhiên đi về nhà rồi, yên ổn hết mọi thứ rồi, thì lại thành ra thương nhớ Bagan hết sức!

Bagan là thành cổ nổi tiếng của Miến Điện, xây dựng từ thế kỷ thứ 9, phát triển rực rỡ từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 13. Bagan gắn liền với quần thể đền chùa đồ sộ. Ở đây, đường đá đỏ trải lối, những vạt cây cổ thủ với muôn hình vạn trạng, đẹp đến mụ mị cả người. Thu Bagan rựng trong nắng, nhiều khi đang chang chang nắng lại đổ mưa rào, mưa xong rồi lại nắng tiếp, nhưng nắng đã bớt hanh, mùi đất mới rộn lên theo từng cánh mũi, phập phồng. Và những con đường đá đỏ mới chập chùng bụi, qua cơn mưa chưa kịp ướt đất trở nên hiền hòa. Khách du lịch tới đây, thích thú đi qua hết những mưa nắng đất mù bụi đỏ đó, hợp thành những điểm quyến rũ rất riêng của thành cổ Bagan vẫn còn ngái ngủ trong những giấc mơ nghìn năm thiên lý. Bagan cổ, Bagan buồn và Bagan quyến rũ trong cái cổ cổ, buồn buồn, thiếu thốn và ẩm ương mưa thu ấy!

Chuyến xe từ Mandalay vắt một cái tới Bagan, thả anh xuống bến xe thuộc khu New Bagan lúc chưng hửng hai giờ sáng. Mấy ánh đèn vàng vọt tỏa xuống bến xe vắng ngơ ngắt những chùm sáng mờ ảo. Mưa, nhẹ nhẹ nhưng đủ để ướt áo mất tiêu rồi. Anh không có đặt nhà nghỉ ở Bagan, định tìm chỗ nào đó, nghỉ tạm đôi chân này, sáng lên lại đi, ngắm mặt trời mọc ở một trong những nơi mà người người ước mơ một lần được chiêm ngưỡng ánh bình minh rạng ngời trên những lắc lẻo đền đài cũ kỹ. Nhưng New Bagan là chỗ nào? Bến xe mới được dời ra, nằm heo hút ở tuốt luốt thẻo đất mút cà tha nào đó, vắng vẻ hiu quạnh, không có một chỗ nghỉ lưng, mấy nhà xe thì đóng cửa, nhân viên ngủ còng queo trên nền đất (kế bên có cây xăng, đang xây dựng, anh lếch thếch mò qua, thấy cái cảnh người ta mặc longi ngủ tềnh hênh nhìn muốn bỏ chạy, sợ quá!). Cánh tài xế bến xe bu đen bu đỏ, mời cái này, mời cái kia. Đêm lạnh, mưa buồn, lùng bùng lỗ tai. Anh ngơ ngác nói với một ông tài xế nào đó, làm ơn, tôi muốn kiếm một chỗ ngủ, chỉ cần ba tiếng đồng hồ thôi, miễn phí, sau đó thì tôi muốn thuê một chiếc taxi, đi từ bình minh cho đến hoàng hôn, làm ơn, tôi buồn ngủ quá rồi. Ông chú tài xế nói tiếng Anh bập bẹ, nói với anh yên tâm đi, để ông giúp cho. Anh ngồi chong ngóc ở một chái hiên một quán cà phê đêm nào đó, ngồi nhìn ra thấy hạt mưa bay bay, đôi mắt dấp díu phản đối vì muốn ngủ. Mông muội thế nào rồi anh liều mạng leo lên một chiếc xe bán tải, ngồi ở thùng xe phía sau, mưa tạt vô ram ráp ướt. Phía buồng lái là một cậu trai lạ hoắc (ông tài xế đã đá anh qua tay của cậu này, không thương tiếc, chỉ nói yên tâm đi, em của tao!). Cậu trai nói với anh là có chỗ ngủ rồi, một thiền viện nhỏ, sư sẽ cho anh ngủ nhờ ba tiếng đồng hồ thần thánh, sáng, là có người đến đưa anh đi. Anh lên xe. Xe tải rồ máy chạy đi đâu đó, đêm sâu thẳm, đường không có ánh đèn. Màn mưa nuốt chửng anh với cơn buồn ngủ vào lòng. Xe chạy khoảng mười phút (hay cỡ đó) thì ngừng lại. Ló đầu ra là hai gương mặt khác lạ hoắc, hai người đàn ông trung niên, nói xuống xe, đưa tiền ra. Anh ngơ ngác, đứng hình. Hay là gặp trấn lột rồi đây?

.....

Anh cố viết cho nó hồi hộp thế thôi, chớ không sao đâu, anh đã trở về, mọi chuyện đều ổn. Dân Bagan hiền lắm. Mà thật ra là hiền hay không, là do mình cảm nhận. Nếu nghĩ theo cái kiểu dân du lịch bị mấy tay hàng rong tào lao đu bám, mệt hết sức, thì sẽ thành ra mệt thiệt. Nhưng như anh, nhìn mấy người hàng rong, thấy họ đa phần đều nghèo, họ thoa thanaka, họ cười rạng ngời trong nắng. Nắng thu làm cho lòng anh thấy bình yên lạ, anh mua giúp họ, và anh thấy nắng thu mỉm cười. Đại loại là như vậy. Anh đi, thấy mùa thu Bagan ấp ôm trọn vẹn những vòng tay.

Và chắc ăn là sẽ còn tiếp.



10690013_868796776465291_6127060496495148152_n.jpg


Trời thu rất xanh, nắng rất trong.

10392283_886066844738284_1054583375180888415_n.jpg


Là Bagan
 
hii mấy món này nhìn lạ quá cũng ngon ha .!
10612857_884996438178658_3376651509258624499_n.jpg
Có cơm cháy, bánh chuối, rau câu dừa, bánh tráng nướng, bánh còng.... Ôi nhiều loại lắm. Rẻ rề luôn bạn ơi. Mình là chúa ăn hàng nên thấy là tấp vô liền.

Nhưng chống chỉ định với những ai bụng yếu vì họ làm dơ lắm luôn ấy.
 

MÙA THU DU KÝ (3) - VÓ NGỰA BA GAN (TT)
Ló đầu ra là hai gương mặt lạ hoắc. Trong bóng đêm bập bùng, mưa không ngớt, anh dụi mắt, hỏi có chuyện gì không? Người ta chỉ vô bảng thông báo, khách du lịch vào Bagan phải đóng phí 15usd. Anh lờ mờ nhớ ra hình như mình đã đọc thông tin này rồi. Cũng không nói gì nhiều nữa, phần vì mệt, phần mưa tạt liêu xiêu hết cả màn đêm rồi. Vội vàng đóng phí rồi leo lên xe, vẫn chiếc xe bán tải với cái thùng xe lắc lư trải chiếu dơ hầy.

Đồng hồ chỉ ba giờ sáng. Ba giờ sáng ở Bagan. Anh lại tiếp tục không biết mình sẽ được chở đi đâu. Mưa thu réo rắt gõ vào đêm những mịt mùng. Anh thiếp đi trong đêm lạnh và màn mưa thu ấy!

Anh bạn lái xe ghé vào một tu viện. Đêm khản đặc trong tiếng của côn trùng kêu, của những con bồ hóng theo ánh đèn xe loang loáng mà tủa về. Sư thầy ra mở cửa. Anh tài xế bỏ dép ra, đi chân trần vào nhà rồi kỉnh lễ với sư thầy. Anh ta quỳ xuống, lạy, thầy gật đầu anh mới đứng lên, ngoắc anh vào trong. Đó là một căn phòng trống, khá rộng, sàn lót chiếu, mọi thứ đơn sơ, mấy bóng đèn hột vịt đỏ choe choét soi những gương mặt ngái ngủ. Anh nhấc nhẹ chân, sợ một tiếng động nhỏ thôi cũng làm cho nơi cửa thiền bừng tỉnh dậy. Không ai nói gì, anh tài xế ra đi, anh ở lại, tự tìm cho mình một chỗ trống - có rất nhiều chỗ trống, đèn tắt, sư thầy lui vào nhà trong, anh nằm xuống, chưa nhắm mắt đã ngủ, giấc ngủ ăn mòn từ sâu thẳm ở trong bụng ăn ra, húp trọn anh luôn.

Giấc ngủ ngắn ngủi ba tiếng đồng hồ, muỗi vo ve làm bạn với anh trong suốt những canh ngắn ấy. Anh trệu trạo nhớ là mình đã làm cách nào đó lôi được chai thuốc chống muỗi ra ve vo khắp mặt mày chân cẳng, và nhiều khi buồn ngủ quá rồi, mệt mỏi quá rồi thì tiếng muỗi kêu cũng như là tiếng đờn, ò e te tí càng làm cho giấc ngủ thêm sâu. Như một phản xạ, anh bật dậy lúc năm giờ sáng. Rọt rẹt dòm ra ngoài sân, thấy trời tối u u, chim đã kêu rình rang, nhưng trong phòng thì vẫn tối hù. Sợ người tài xế đã đến, không thấy mình thì người ta lại buồn nên anh giả bộ bước ra cửa, không biết có phải phép hay không nên đâu có dám mở cửa bước ra đâu, cứ đứng tần khân bên bậu cửa, lấp ló kiễng chân nhìn ra ngoài qua mấy khe cửa xem thử coi có người đến hay chưa. Te rẹt ở đó chừng năm mười phút thì có tiếng sư thầy ở nhà sau đi lên, mở cửa cho anh ra ngoài. Trời mờ mờ tỏ, soi gương mặt sư thầy trẻ măng, hiền khô, anh cúi chào thầy, nói cảm ơn rằng thì là duyên, duyên của mùa thu nên trên đường rong chơi phiêu lãng cuối trời, may mắn làm sao anh được một đêm ngủ lại nơi thiền viện này. Một thiền viện nhỏ, nép trong những vườn cây - thứ cây lá nhỏ xíu xiu rất đặc trưng ở Bagan, và tiếng chim kêu rộn ràng, kéo một buổi bình minh mùa thu về qua từng tiếng chim ca và hơi sương mờ ảo. Khuôn viên của tu viện khá rộng, gồm nhiều căn khác nhau, làm bằng gỗ, mộc mạc và đơn sơ. Sư thầy bảo anh ra ngoài sân sau, ở đó có bồn nước, anh có thể vệ sinh cá nhân cho tỉnh táo. Thầy nói tiếng Anh rất tốt, giọng hiền từ, dáng người thấp nhưng nhanh nhẹn. Anh cảm ơn rồi ôm của nả ra sân sau, ở đó có vài nhà sư đang ... tắm. Họ mặc áo nâu sòng, tắm sáng, xả nước ào ào. Anh thấy tự nhiên hỏi họ có nhà tắm không thì cũng... kỳ, nhưng tắm trần như vậy thì thấy còn ... kỳ hơn nữa nên thôi, đánh răng, rửa mặt rồi bước ra. Giấc ngủ ngắn ngủi của mùa thu làm cho anh lấy lại sức thấy rõ. Hay cũng không biết nữa, ngủ ở chùa, nơi Phật tích này làm anh thấy bình yên đến vô ngần.

Năm giờ hơn thì bác tài xế đến, lại một gương mặt lạ hoắc. Nhưng chả hiểu sao anh cứ thấy mọi việc chả có gì phải sợ, nơi đất Phật này, anh đâm ra tin tưởng người ta một cách vô thần, không đắn đo, không suy nghĩ, cứ thế mà tin vào người. Cám ơn sư thầy một lần cuối, anh vác ba lô vất lên xe, bắt đầu một ngày rong ruổi thành Bagan. Anh chào hỏi chú tài xế, một người đàn ông trung niên, không nói được tiếng Anh, mặc longi, không hút thuốc, vẻ ngoài khá bảnh tỏn và sạch sẽ. Hỏi chú có bản đồ không? (ôi bản đồ, biết bao lâu rồi anh chưa nhìn tới được cái bản đồ, ở Miến Điện này, hình như con người ta không cần đến cái thứ ấy, cứ như có người đưa đường chỉ lối, chỉ là đi. Anh thì thấy không có bản đồ, mình như một người mù.). Nói một thôi một hồi chú mới hiểu được là anh cần bản đồ, lắc đầu, nói không có. Anh hơi nản, không có thì thôi vậy. Sợ không kịp giờ đi ngắm bình minh, nên chú tranh thủ chạy, lát sau anh mới biết, thì ra chú ấy quanh lại vài cây số để về nhà mình, lấy cho anh cái bản đồ. Cái cảnh người vợ chú - một người phụ nữ Miến Điện cực kỳ đẹp (mái tóc vấn, thoa thanaka, mặc longi một màu rất nhã, đứng ở trước cổng căn nhà bằng gỗ, cái cổng dựng lên thô sơ bằng mấy cái cây con con, quanh nhà là những vườn cây cổ thụ in bóng, con đường đá đỏ đẹp mê hồn trong buổi sáng mùa thu trong lành. Người vợ đón anh và chú bằng một nụ cười. Ôi người đàn bà ấy, trong cái khung cảnh mờ ảo buổi bình minh hôm ấy, đã ngơ ngẩn cướp đi một nửa hồn anh rồi!).

Đi ngắm bình minh. Sáu giờ, anh được chú chở đến một ngọn tháp, không lớn lắm, đường vào đền là đường đất, cát lún phún theo mỗi vòng bánh xe lăn. Anh không biết tên, có hỏi, nhưng chú trả lời anh không hiểu, dò trên bản đồ thì do chưa quen nên không tìm ra được, nhờ chú tra giùm thì chú chỉ là Ananda nhưng lúc đi về, anh kiểm tra đối chiếu lại thì thấy không phải. Đền nằm có mình ên, có rất đông khách du lịch tập trung trên đỉnh rồi. Những gương mặt người quen thuộc, hơn phân nửa là những người đã cùng anh đi chung chuyến xe bus đêm từ Mandalay đi Bagan tối hôm trước. Ai cũng bừng bừng khí thế ngắm bình minh ở một trong những nơi được cho là đáng để ngắm nhìn mặt trời mọc nhất thế giới. Anh leo lên mấy nhịp cầu tre (ý da), mấy bậc cầu thang, lên đến đỉnh. Phóng tầm mắt nhìn ra bốn phía, một vùng rộng lớn, bạt ngàn tháp, bạt ngàn những đồng không mông quạnh. Phía chân trời, mặt trời nhói lên như đốm lửa, ráng đỏ ửng hồng, những tia nắng đầu tiên xiên xéo, nhảy nhót nhẹ nhàng trên mỗi phiến đá, những phiến đá trăm năm. Cảnh đẹp đến ngơ ngẩn cả lòng. Tiếng máy ảnh vang lên, tiếng người xuýt xoa xôn xao. Anh chỉ im lặng, như nuối tiếc như muốn ngừng lại phút giâ này. Bình minh mùa thu Bagan, nắng đã lên, mặt trời rựng hồng phía cuối chân trời. Không vội vã, anh bước những bước cuối cùng ở bậc thang xuống đất. Bắt đầu hành trình rong ruổi Bagan.

Chùa ở Bagan nói riêng hay Burma nói chung thường có bốn cửa: Đông Tây Nam Bắc dẫn vào đền. Đền cũng có bốn ngã, mỗi ngả lại dẫn đến Ban thờ với tượng Phật. Chánh điện luôn có tượng Phật to đep nhất. Không giống chùa ở Việt Nam, sẽ có cửa Chánh môn với Nam tả nữ hữu, một Ban thờ Chánh điện, phía sau thờ Cửu huyền thất tổ hoặc Thờ Chư vị Lão tổ. Khách hành hương đến bái lễ Phật sẽ phải để chân trần, tâm tịnh không vướng bụi trần. Ở đó người sẽ kỉnh lễ Phật theo tuần tự Kora, vòng tròn từ trái qua phải. Khách có thể mua những lá vàng để dâng lên Phật qua nhiều ngày tháng. Có cả hoa nhưng khác với Phật tử ở Lào hay Cambodia, ở đây người ta không thắp hương lễ Phật. Ngoài sân chùa thường có ba Chuông đồng. Ở đó, khách hành hương hay đến thỉnh chuông. Tiếng chuông chùa trầm bổng dễ lay động lòng người trong tiết trời hanh khô của mùa thu đang chậm rãi qua.




1782143_868729159805386_981939844864797583_n.jpg


Là duyên. Mưa đổ xuống vào chiều Bagan, ướt rượt mấy dấu chân ngựa buồn. Rồi thì mưa tạnh, có cả cầu vồng. Và may mắn là dưới chân những đền đài, mưa thu đi qua có mình đứng lại mà ngẩn ngơ.

10665221_868731776471791_5700999582998296043_n.jpg


Ở nơi đó họ dâng lên Phật những loại lá. Là lá, không có hoa.

10711139_868796866465282_675839030456695940_n.jpg
 

MÙA THU DU KÝ (3) - VÓ NGỰA BA GAN (TT)

Anh đi qua những ngôi đền Bagan, nao lòng với những hành lang dài, chân trần mát rượi trên nền gạch trăm năm, gió thổi lồng lộng. Đền Htilominlo được xây dựng bằng đất, đẹp và buồn, như những niềm riêng xưa lơ lắc, một thời vàng son, một thời rực rỡ. Qua những thâm trầm, nay đền vẫn còn đó, vẫn đẹp, nhưng buồn. Đền Swezigon Phaya: đền đẹp với những hành lang gấp khúc, buổi sáng nắng vừa lên, vắng vẻ heo hút. Đền Ubethein cũng được xây bằng đất, đền nhỏ thôi, tượng Phật cũng bằng đất nung, khác với các chùa khác, do chùa nhỏ, chỉ có hai mặt, cảnh phía sau đền đẹp đến nao lòng vì nhìn ra xa là thấy cả một rừng tháp khác. Cũng không thể bỏ qua Ananda Phaya, quần thể chùa lớn và còn giữ được nguyên vẹn nhất trong tổng thể hơn hai ngàn đền chùa ở Bagan này. Ananda với hai vòng trong ngoài, là nơi thu hút rất đông khách du lịch đến đây chiêm ngưỡng, là nơi dân bản địa ngày đêm đến bái vọng. Ngôi đền bên sông Buphaya, với ngọn tháp tròn, rất đẹp màu vàng chóe nằm mé rìa sông. Và Gaw Daw Palin Phaya làm anh nhớ mãi không phải vì bên ngoài chùa người ta bày ra không phải là những quầy bán kinh sách, bán quà lưu niệm, bán thanaka... mà là những mặt hàng thời trang, là mắt kiếng, đồng hồ, nước hoa... Gaw Paw Palin đón anh bằng cơn mưa mùa thu chiều bất chợt. Anh ướt không đáng kể nhưng lúc chạy vội trốn cơn mưa thu, chạy vào chánh điện anh bị trượt chân, té một cái ầm ngay trước cửa chùa. Và thì chào Phật bằng một cách không được chính thống cho lắm, thì thôi mưa trơn và bước vội. Mưa to quá, nước mưa xối xả tạt vào chùa. Rất đông du khách lỡ bước nên tập trung vào chùa, anh tìm một góc nhỏ thanh tịnh nào đó, chợp mắt một tí trước thời tiết mưa nắng bất chợt thế này. Rồi thì Sulamani Pahto, một ngôi chùa rất lớn, anh đến chùa trong tâm trạng gấp rãi vì chuẩn bị nắng tắt sang sông, anh cảm nhận Sulamini Pahto một cách vội vàng, ngôi đền dở dang vì trời ơi sau một ngày dầm mưa và dãi nắng, con người ta đâm ra ớn nhợn với những đền chùa buồn hiu hắt đậm dấu trăm năm, nghìn năm như thế này.

Bagan chào anh bằng cơn mưa khuya. Bagan cũng trêu ghẹo anh bằng một cơn mưa chiều bất chợt. Anh sợ, sợ mưa giăng trời thế này rồi làm sao mà ngắm nắng về trên những giọt hoàng hôn mùa thu trên những ngọn tháp Bagan trăm nghìn năm này? Nhưng mưa đến nhanh rồi cũng tạnh. Nắng lại lên, lại xỏ xiên qua những vòm quá, hong mái tóc người con gái Miến, thanaka lại được dịp rựng lên trong nắng. Phía chân trời có cầu vồng, lúc anh chạy ngang qua Shwenanday Phaya - một ngôi đền rất to và đẹp, ở cánh đồng dẫn vào đền, anh hú lên cầu vồng, ôi cầu vồng, rực rỡ trong nắng chiều quạnh quẽ, màu sắc này như ám ảnh, một cảm giác ám ảnh, tựa như qua một cơn mưa, mùi của đất váng lên trong không khí quyện với mùi của cây cỏ, của mùa thu, của không gian bình yên tĩnh tại Bagan, làm cho lòng người thơ thới. Là tiếng của mùa thu đang vẫy gọi, là tiếng của trái tim rung lên trước khoảng khắc tuyệt vời của đất trời. Từ Dhammaya Gyi Pahto, anh lặng ngắm mặt trời lặn. Binfh minh và hoàng hôn, tính ra là thời khắc mà lòng anh tĩnh tại nhất. Chỉ cần im lặng thôi, không cần làm gì cả. Nghe tim mình nói, nghe lòng mình buông lời. Lời của trái tim, ừ, là lời chân thật nhất.

Anh rời Bagan vào lúc bảy giờ tối. Một ngày rong ruổi nơi bình yên và trầm mặc. Anh đi qua những dấu chân ngựa buồn, những con đường đất đỏ bụi mù, những bóng cây cổ thụ lá nhỏ xanh rì hai bên đường, những đền chùa nghìn năm, những gạch đất trăm năm. Gương mặt thanaka rựng lên trong nắng sớm, ánh hoàng hôn nào vừa tắt phía lưng đồi. Sau cơn mưa thu, anh gặp ánh cầu vồng, mùi đất đỏ quyện với mùi xưa cũ, Bagan đẹp và buồn. Nếu cần tìm một chốn bình yên, hãy đến Bagan. Bằng một cách nào đó, anh đã say với cái bình yên tĩnh tại và buồn đến nao lòng của mảnh đất này. Có cánh chim nào vừa bay ngang, chim rỉ tai anh, biểu thôi bữa nào bây rãnh thì ghé Bagan chơi, để cho ngày đừng vội, để người được chậm rãi đi với người. Chớ thiệt tình là ở Bagan là anh trôi. Tỉnh ra mới thấy tiếc, sao mà thời gian nhanh quá vậy trời?

Những dấu chân ngựa vẫn buồn.
Như Bagan trăm nghìn năm vẫn vậy!
Mưa mùa thu giăng sương khói.
Sáng nay nhìn trời, thấy hồn khuyết đi một mảnh.
Như có mảnh hồn nào gửi theo giọt mưa thu Bagan


1922018_868705436474425_5076257425330603328_n.jpg


Trời Bagan bình yên tĩnh tại

10711088_873897505955218_2558371457935202832_n.jpg


Gaw Paw Palin Phaya trước cơn mưa thu

10441419_873897735955195_2012419790702890757_n.jpg


Gạch đá trăm năm
 
MÙA THU DU KÝ
Người Miến Điện cho rằng, đất nước của họ là nơi có Phật hiện diện, là nơi Phật từng đến. Những chùa Phật Nha, chùa Phật vàng, chùa Xá lợi tóc Phật là những Thánh tích quý giá không chỉ của riêng đất nước "không giống như đất nước nào khác mà bạn từng biết", mà còn là điểm đến tâm linh của rất nhiều Phật tử trên khắp thế giới.

Người dân Miến Điện cho rằng, thuở Đức Phật chưa nhập Niết Bàn, trong một buổi thuyết pháp có hai người từ phương xa đến, xin đầu nhập làm môn đệ. Phật thu nhận họ làm đệ tử. Sau một quãng thời gian tu hành, họ xin được trở về cố hương. Phật đồng ý, đồng thời ban cho hai vị đệ tử ấy tám sợi tóc của Ngài. Tám sợi tóc xá lợi đó của Phật, hiện nay được cho là đang thờ tại chùa Vàng Shwedagan - Yangon, thủ đô của Miến Điện.

Truyền thuyết còn kể lại rằng, một lần Đức Phật thu nhận một người thương nhân tên là Punna, đã lặn lội đến tận Savatthi (một Thánh tích thiêng liêng của đạo Phật, ngày nay nằm sát biên giới Nepal - Ấn Độ) để dập đầu xin vào tăng chúng. Sau một thời gian tu hành, Punna xin Đức Phật cho ngài được đi giáo hóa chúng sanh. Phật nói: dân xứ ấy dữ lắm, ông giáo hóa bằng cách nào? Ngài thưa: con sẽ không bao giờ giận dù cho họ giết con.Punna giáo hóa thành công, xây được một tu viện, và mời Phật đến thăm. Đức Phật đến với 500 vị tăng. Khi trở về, đức Phật dừng chân bên sông Nammada, gần dãy núi Saccabandha. Một vết chân của Ngài in dấu không phai gần bờ sông, một vết chân khác in dấu trên núi. Hai vết chân bây giờ là hai thánh tích, ngày xưa được vua thờ, ngày nay là đất hành hương của dân chúng.

Burma là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhưng người dân Burma bao đời nay lại đắm mình trong lòng di sản Phật giáo được xem là lớn nhất nhì thế giới. Anh không theo đạo Phật, anh cũng không nghiên cứu về Phật pháp, nhưng ừ thì bằng những ơn vọng về ánh sáng của từ bi hỉ xả, của Phổ độ chúng sinh, anh đã đến Miến Điện vào những ngày đầu thu, đi qua những chùa chiền, chạm tay vào Phật, ở nơi mà người ta vẫn hay nói: Hãy đi, ngay khi Burma vẫn còn "chưa được nhiều người biết đến"


1782088_891621754182793_9104532983309285711_n.jpg


5. KHÔNG TÊN

Ở Không tên có cái gì đó rất hay.

Sáng đó xe đến Yangon lúc tầm năm giờ sáng. Anh nhoài người ra khỏi xe, tranh thủ chạy đi kiếm nhà vệ sinh để rửa mặt, cái bến xe lúc hừng đông lúc nhúc những người. Bến xe Yangon rộng và cũ kỹ - thì ở Burma này, cũ kỹ là đặc sản, như mắm - dậy mùi nhưng ai ăn được thì thấy ngon, đi xa là mắc nhớ, gọi tên là mắc thèm. Anh kiếm một chiếc taxi, đi vào thành phố. Đi chung xe với hai chú sadi, mới sáng sớm, mặt ai cũng chảy dài theo từng vòng bánh xe lăn vô trung tâm, quãng đường di chuyển hơi xa, taxi lại bỏ hai chú ấy đi vào một thiền viện nào đó trong hẻm hốc. Sau một chuyến đi đêm dài, bây giờ thì chỉ muốn đi tắm và đi ngủ. Anh chưa đặt phòng nghỉ, chỉ đưa đại địa chỉ của một hostel nào đó anh đọc thấy trên mạng cho người tài xế, rồi gật gù trôi vào giữa những làn đường thênh thang, cây xanh mướt cả trời.

Đến sớm, cũng may hostel dễ chịu, cho anh check in vào ngay mà không cần phải chờ đến một giờ trưa, không cần cả việc phải đặt phòng trước. Có điều, anh thấy xót xa quá vì mấy đứa trẻ làm chân giúp việc ở hostel này, toàn bộ đều là mấy đứa nhỏ, nhỏ xíu, lớn nhất chắc chừng mười lăm, mười sáu tuổi. Đất nước người ta nghèo, nên trẻ con - cũng là một thành phần lao động chính. Anh tranh thủ nghỉ ngơi một xí, rồi dựng dậy, đi bộ vô thành phố. Cũng may, chỗ anh ở rất gần với khu China town, khu Tiểu Ấn, và gần cả chùa Vàng.​

1972534_891620330849602_2386319186852387852_n.jpg


Chùa Tàu

Không Tên là ở lúc anh lê la ở khu chợ trời, đi bộ thôi, đường phố Yangon rộng nhưng nhếch nhác, đường đầy rác, người đông và nhấp nhô, lộn xộn. Những dãy nhà theo lối thuộc địa xưa, một thời quá vãng, nay rêu phong và cũ kỹ, buồn thôi là buồn. Lúc len lỏi qua những ngã tư đường, anh để ý Không tên ở bên lề một phố đông đúc, Không tên bán yaourt, tan lợ lợ lạnh lạnh trên đầu lưỡi. Không tên có một ánh mắt trong veo, mùa thu buồn tênh nhẹ tênh trên đôi tay Không tên gầy nhỏ. Không tên mặc một chiếc longi màu trầm, tóc tết thành bím và nụ cười răng trắng mỏng manh như khói. Thứ khói mùa thu bãng lãng bay bổng và nhẹ nhàng. Một Không tên ngồi bên vệ đường, đôi quang gánh yagourt nhẹ theo từng bước khách lại qua.

Lúc anh mò đường đi qua khu China town, anh vớ đại một Không tên trên phố. Không tên vừa bước xuống khỏi chiếc xe bus, em nhiệt tình dắt anh đi qua mấy ngã phố, bảo để em dắt anh tới tận nơi. Không tên tóc ngắn, da ngăm ngăm, ít khi cười, nói chuyện nhanh và đầy tự tin. Không tên bảo, em không thích đất nước này, em đã từng tham gia các chương trình tình nguyện, được đi ra khỏi đất nước. Với em, Yangon thật bẩn và kém phát triển, đất nước kềm kẹp con người, không muốn cho người ta đi lên, những trì trệ và cũ kỹ đang từng ngày xói mòn hết những con người nơi đây. Chia tay Không tên ở Ngôi chùa Tàu, anh thầm chúc em sẽ có cơ hội phát triển, Myanmar cũng được, Yangon cũng được hay ở bất cứ nơi nào khác, em hãy cứ luôn lăn xả với cuộc đời như vậy nhé. Không tên nhiệt tình và tốt bụng dắt anh qua mấy nẻo đường. Chia tay rồi, có mái tóc tém nào hiện lên trong đáy mắt. Mùa thu Yangon nắng bỗng nhiên thật hiền.

Không tên cũng giúp anh dọn lại kệ dép. Ánh mắt trẻ thơ ngời sáng. Bàn tay bé thơ quen lần áo mẹ đã phải ra đời sớm, dày đặc vết chai. Buổi tối Yangon mưa, mấy sợi mưa thu buồn rười rượi, nhìn ra đường cũng vắng, mới bảy giờ hơn đã lặng tiếng chân người và xe cộ. Không tên ngồi với một Không tên khác, chăm chỉ học tiếng Anh. Chủ cho các em học thêm tiếng Anh để phục vụ cho việc kinh doanh. Em ngọng nghịu đọc chưa tròn vành rõ chữ nhưng chăm chỉ, ngoan hiền. Mấy đứa em của anh ở quê nhà, từng tuổi này vẫn còn được cha má chở đi học, và ngửa tay ra xin tiền. Mùa thu len lén những xót xa.

Anh nhai thử một lá trầu. Mùi hăng hăng cay cay chát chát của lá trầu, của thuốc rê, của mấy loại nguyên liệu khác không tên quến vào trong khoang miệng. Anh giả bộ nhai nhai, chịu không nổi tìm một góc nào đó nhổ xuống, màu bã trầu loang trên phố. Anh thấy răng mình kin kít. Ai biểu tự dưng mắc nhớ những ngày xưa, nhà cô Hai có vườn trầu, phía ngoài cặm mấy cây cau, mấy đứa nhỏ như anh hay lượm mo cau kéo đi khắp xóm. Thấy người lớn nhai trầu, cũng ba trợn lén lấy vôi trét vô lá trầu, kẹp một miếng cau nho nhỏ vô rồi làm ông bà già móm xọm. Cái vị đắng chát cay xè ấy táo tợn theo năm tháng. Lúc lớn lên anh cũng không từng nghĩ sẽ thử lại cái vị khó chịu ấy. Nhưng ở Yangon, ở Burma, ai ai cũng nhai trầu. Những Không tên mặc longi, thoa thanaka và nhai rầu. Anh thấy mình như nhỏ lại, bắt chước những Không tên, anh quện tim mình trong những bệt trầu phai.


10696322_891620667516235_3284066054386037544_n.jpg


Yêu nhau cau bổ làm đôi miếng - Một lá trầu xanh thắm nợ duyên


Những vết trầu phai theo năm tháng. Những góc phố cũ kỹ buồn thiu đậm dấu thời gian. Những đền chùa dát vàng lộng lẫy, ngày đêm được vạn người bái ngưỡng. Dáng longi nhẹ nhàng từng bước chân sớm tối. Anh ngủ lại hostel một đêm, đêm ấy mưa thu buồn. Sáng hôm sau anh dậy sớm, bắt taxi ra sân bay. Đến Yangon vào buổi sáng, rời khỏi Yangon lúc trời tờ mờ sáng. Anh khe khẽ nắm mở bàn tay mình. Buổi sáng Yangon trong lành, đường rợp bóng cây. Ánh vàng hắt ra từ ngôi chùa Vàng Schwedagon còn vương nơi đáy mắt. Mùa thu lặng lẽ đi qua.

Như những câu chuyện diễm tình, anh nhớ những cô gái Không tên, nụ cười như khói, ánh mắt như mưa mùa thu​
.


10267774_891620250849610_6882053942804717235_n.jpg


Đường phố Yangon

10363964_891620857516216_7533514035508552002_n.jpg


Đọc báo sáng

1016263_891621017516200_4557894375642378803_n.jpg


Một ngôi trường cấp ba

10454448_891621097516192_2159551495477748176_n.jpg


Bóng dừa lơi lả

10403084_891621624182806_972364880876312987_n.jpg


Còn thì thấy lạ lạ là quất liền​
[/CENTER]
 
Nếu có ai lỡ đọc lỡ duyên và có hứng đi Nepal mùa xuân này từ 5/03 - 12/03 thì đi chung với mình nhé.

Mình đi thì buồn, không nhiều tiếng động và đảm bảo muốn bao nhiêu bụi có bấy nhiêu. Ngẫu hứng!
 
Một giấc mơ Nê



Là Nê, biết đâu đó của một ngày không xa, sẽ trở lại!

Bữa đó, trước lúc lên đường Út hỏi chị là có liều lĩnh và phí quá hay không cho chuyến đi lần này? Chị nói, thằng bây không chịu để dành tiền có vợ, hoặc tiền đó bây đưa chị, mua sữa cho con còn có lý hơn. Tóc chị ba dài, tóc đứa cháu nhỏ cũng dài, hai má con ngồi chải tóc cho nhau trong ánh chiều chập chợn mặt người. tiếng đứa cháu hòa theo tiếng muỗi kêu, tiếng của đồng quê gốc rạ nghe mắc cưng dễ sợ: Cậu út đi chơi nhớ mua quà cho con với nghen nghen! (Có bận anh đi, lúc về giả bộ lấy cho nó cái khăn giấy ướt, thứ mùi thơm thơm rẻ tiền mắc ngấy mà mấy cái xe tốc hành chất lượng cao chạy ba trầy ba trật hay phát, vậy mà nó mê quên trời quên đất, giữ khư khư. Con nít là vậy, suy nghĩ giản đơn, dễ giận dễ hờn nhưng dễ dụ. Vẫn là con nít là sướng nhất!)

Bụng của út thì nói, út còn trẻ mờ. Út phải đi thôi, đã đặt vé rồi thì kiểu gì út cũng phải đi cho tới bến. Tính út nào giờ là như thế, nên cha má cũng không cản được. Chị ba thân nhất trong nhà, cunggx không cản. Kiểu như bây còn trẻ, bây tự làm và tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình. Dễ dàng quá bây không chịu, khó khăn quá thì bây thở than. Tuổi trẻ của bây đâu thể cột hoài, ràng ghịt hoài với mấy cái bờ mương mỗi năm dăm ba bận nạo đất đắp bờ, với cây me gốc khế sau nhà cho đặng. Nói chớ cha má lớn tuổi thì hay chép miệng, kiểu sao thằng mày đi hoài, lỡ có chuyện gì, ông bà già sống sao cho nổi. Út đi từ lúc bụi bông trang cha bứng về trồng trước hàng hiên còn lấp xấp tới bắp vế cho tới bây giờ bụi bông trang cao lút ngọn sào, bữa chạp ngứa mắt ngứa tay cha xách rựa ra đốn giờ trơ cái gốc đen xập xì dòm phát tội. Thế mà út vẫn chưa có chịu về.

Bận này thì út đi dãy Nê. Dãy này thì xa, xa cái thẻo đất miệt vườn nhà út tới tận năm ba mùa phóng lúa, xa đâu tận mấy mươi cao ớt trúng giá được mùa, bằng dăm bảy cao thuốc lá lá người ta trồng mà không bị cuốn lá, xoăn hình bắp cải… Út đi gọn hơ, nói đi là sắp xải của nả đi cái rột. Dãy Nê là nơi phát tích của đạo Phật mà. Út nói chớ đận này mình đi về với Phật, duyên tới là út đi, đi và sẽ trở về. Út tin vào cái duyên lắm, như cái duyên giúp mình sinh ra và lớn lên ở đây, cái duyên đưa út đi tới những vùng đất khác, duyên gặp gỡ và tao ngộ những con người kỳ lạ. Út gom hết tiền cắc ca
cắc củm từ bấy hổm rày, dồn vô mua vé đi Nê vào một ngày cuối năm con Ngựa.

Tháng tận năm tàn và đông qua và xuân tới. Út cắm sào bứt cái mặt mình ra khỏi bờ giậu giêng hai vào một buổi sang mùa xuân gió thổi chớm chớm má. Bữa đó út bưng theo có vài tấm hình, chụp kiểu ảnh bốn sáu, đặng qua Nê làm giấy thông hành. Út nhớ, cái bữa đi chụp ảnh, ở cái hiệu ảnh xưa lơ xưa lắc nằm ở đường Tám, hiệu này lâu lắm rồi, mần ăn cũng được nên song lâu, thì đời mà, ăn xổi ở thì mần ăn chụp giựt lâu ngày dài tháng cũng rung cuốn. Chỉ có uy tín chat lượng cao thì được người ta tin tưởng, xài hoài, mua hoài. Út xớ rớ xỏ vô cái áo sơ mi, dưới là cái quần đùi dòm mắc cười muốn xỉu. Chụp choẹt một hai phát xong rồi ra bang ghế ngồi chờ, vói đầu vô trong nói cha nội kỹ thuật viên có chỉnh sửa thì đừng có làm lố quá nghen, xóa mụn căng da chỉnh sang tối nọ kia chớ đừng xóa mục ruồi, đừng them này them nọ chút ra đẹp rực rỡ mà hổng giống tui cái chỗ nào hết là tui hổng trả tiền à! Nói chuyện kiểu đâm bang, cà rỡn cà giựt thì út giỏi lắm. Hình chụp xong rồi út điếc ngơ điếc ngắc, ủa ủa cũng lâu lắm thiệt lâu rồi không còn dòm thấy được cái khuôn mặt nghiêm nghị này. Chắc tại hay cười hay giỡn riết đâm ra quên mất gương mặt người. Những gương cười giả tạo và phù phiếm, cứ xoay xoay!

Đi Nê thì phải mần cái giấy thông hành. Út thấy nhiều người chê này chê nọ kiểu như cầm cái tờ giấy nhân thân ở cái xứ thiên đường này đi đâu cũng hổng được, nhiều người đâm bất mãn, biểu chớ xứ chi đâu mà đi cái hốc bà tó nào cũng bị người ta dòm lom lom, mắc ngượng. Út thì khác, mình sinh ra và song ở nơi này, mỗi ngọn cây, cọng cỏ, mùi dầu cù là cho tới bợn giấm chua bỏ vô hũ năm bảy bữa sau chua lè chua lét... đều thân quen và gần gũi cả. Mình phải biết trân quý những thứ mình đang có. Đứng nơi này mà cứ ngó nơi kia, dòm khói mà tưởng tượng nồi cơm bên phía bờ giậu bên kia ăn chắc ngon, tới cỏ cây bông lá bờ giậu bên kia cũng bự xự hơn, mướt rượt hơn là hổng có được. Cả đời cha má út sống ở đây, nơi này là nhà, là thương là nhớ nên đi đâu cũng hổng bứt rời ra được. Ai biểu ba má chôn cái cuống rốn lúc út còn đỏ hỏn ở dưới gốc cau, bụi chuối nào ở cái xứ thẻo cà tha này rồi mà.

(Còn tiếp, tiếp liền!)

 
MỘT GIẤC MƠ NÊ (2)

Bỏ qua hết cái nọ tới cái kia. Út chạy băng băng trên những ngọn gió và chín tầng mây, dòm qua cánh cửa hẹp thấy trời cao đất rộng gió thổi mát rượi. Định cái bụng mở cửa ra cho gió thổi mát mát tóc bay bay, tưởng tượng chắc nụi chỉ cái bụng là hổng dám. Có bận nghe người ta nói dân ở cái xứ gì cũng mũi tẹt và da vàng mà dân thì xấu tính, đi chơi xa cưỡi gió đáp mây mà tẹt nước mũi vô mặt người khác vì... ngứa. Út cười, hay bây giờ người ta bớt tôn trọng những cái thuộc về văn hóa ứng xử đi vì những cơn gió như thế này. Giống như út, thấy gió mát quá muốn bứt bỏ hết những buộc ràng, những lề thói cũ. Hay những chuyện như người ta giành nhau quả phết cầu may bữa hội làng, người ta tranh nhau quết tiền vô máu con heo vừa được phân thây tứ mã chém ngay đơ thẳng đuộc giữa sân làng rồi tha hồ mừng rỡ vì ... lộc, người ta có thể dễ dàng dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn lặt vặt kiểu như dòm hổng ưng con mắt thì hốt nhau thôi. Chắc tại gió, mát quá đã quá nên dễ quên trời quên đất, giống út, bữa sáng đi Nê.

Máy bay ngừng lại lưng chừng đồi cọ. Út có biết gì đâu, người ta chở qua tới đồi cọ, ngưng lại ở đó, nói chờ dãy Nê mở cửa trở lại, mới làm giấy thông hành đi tiếp được. Lân la hỏi hỏi kiểu như ủa sao kỳ vậy? Tui có tội tình chi đâu mà tự nhiên lại đóng cửa dãy Nê làm ảnh hưởng đến tui? Trời ơi quê tui còn nghèo nghèo lắm, tui phải chắt mót mấy vụ lúa, mấy sào thuốc lá, dăm bảy mươi cao ớt trúng mùa mới đủ tiền cỡi mây và đạp gió tới đây được. Việc ở nhà đâu phải nói bỏ xuống là bỏ được đâu, đi được đã khó, lại đi có dăm bảy ngày (vì sợ, lúc bận về lỡ ông thời tiết hổng thương đổ trận mưa rào, làm cho lúa nhảy xổ đồng, làm thuốc lá co vòi xoắn bắp cải, ớt rụng cuống đỏ oặt cả đồng thì chắc út trắng phơi. Mà ngộ, đó rày ông thời tiết cứ hổng thương hoài, xoay qua đổi lại chóng hết cả mặt, không đoán trước được nên người dân xứ của Út, đã nghèo lại càng nghèo hơn!). Nên bữa đầu tiên ngưng lại ở đồi cọ, Út mới đầu còn sợ sợ, sau rồi hớn hở, ý da đi tới đất Nê chớ bộ giỡn, biết đâu trúc trắc nho nhỏ này làm cho mình nhớ hoài, hổng có quên được rồi sao. Nguyên bữa đó út đi cà vòng cà vòng. Thấy chỗ này đẹp chỗ kia vui vui chộ nọ hay hay thì ghé, móc cái điện thoài cùi ra chụp lấy chụp để. Lâu lâu mới có dịp được đi ra khỏi lũy tre làng chứ bộ!

Rồi tối đó cũng lục đục nhiều chuyện. Người bị kẹt lại đông, cả ngàn người chớ ít ỏi gì (có người kẹt lại đã ba bữa, không tắm rửa, không chỗ nghỉ chân, toàn lựa chỗ nào có cây cọ to to, chụm lưng lại, ngáp xong lại ngủ, ròng rã mệt mỏi suốt ba ngày trường!). Đồi cọ thì lúc quỡn đãi dòm cũng rộng rãi, nhưng lúc có chuyện rồi thì co vòi lại còn có chút ét, nhỏ xíu hổng đủ chỗ nhét kẽ răng, cạp một phát hết trơn. Dân xứ Nê sao toàn là đàn ông thanh niên, những gương mặt người có râu, mắt sâu hoắm như chứa cả một đời người trong đó, tóc xoăn, da ngăm và nặng mùi. Họ tụ tập dưới những gốc cọ, khổ sở và bơ phờ chờ đợi tin tức khi nào thì họ tiếp tục cuộc hành trình. Út thì khác, út hổng có quen với cái không khí cọ dầu này, thế giới nhỏ bé của út thì đậm mùi bùn, là những mái nhà trước cau sau chuối, có bầy vịt lỏm đỏm lội nước, có tiếng con gà trống giữa trưa đạp mái kêu ỏm tỏi, có con chó sủa ma váng cả những giấc đêm... Vậy nên tối đó út đi lân la ra khỏi đồi, tìm một chỗ nghỉ lưng đắt ngang ngửa nửa vụ lúa (cũng may, có quế nhân phù trợ, út hổng phải trả tiền, nửa vụ lúa, còn ở lại với út!). Ngủ một giấc, tỉnh dậy thấy thần thanh và khí sảng. Tâm trạng tốt hơn, đi kiếm thịt gà ăn sáng. Ở cái đồi cọ này, người ta không ăn thịt heo, người ta cũng hổng ăn thịt bò, thịt gà thì được, cá cũng tạm được. Út thì không ăn cá, nhưng ăn thịt gà hoài cũng ớn chớ bộ. Thứ gà công nghiệp thịt bở rẹt, ăn thì cứ ăn thôi, cho qua ngày đoạn tháng. Nhớ thớ thịt gà ở quê mình, gà tơ, không đẻ được nữa thì má nhốt vô sọt, rồi cắt tiết nấu nước sôi, vặt lông, nấu cháo, thịt xé phay, bóp gỏi, thịt ăn dai, nhưng cái ngọt của gà ta thì sâu đậm nhức hết cả răng. Út cứ bần thần, nhớ mấy món nhà quê thơm thảo mà làm động lực chống đẩy hết những thức ăn ở đồi cọ này! Rồi thì cũng qua, người ta nói ăn để sống, chớ sống để ăn thì nghĩa lý gì!

Chuyện kể rằng có một vụ trật đường băng ở dãy Nê. Không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về mặt xã hội thì chắc hổng đong đếm được, hơn ba mươi ngàn người (có út trong đám nhấp nhô đó) và hàng trăm chuyến bay bị hủy, hoãn. Điều bất ngờ là, phải mất tận hơn năm ngày mà ông chính quyền xứ Nê vẫn chưa giải quyết được vụ khủng hoảng. Nê là miền đất của Phật, có cội bồ đề tương truyền là nơi đất Phật sinh ra, có dãy Hy hùng vĩ hoành tráng và là nóc nhà của thế giới. Phái có duyên và phải thực tâm muốn đến nơi này, thì mới nhấc chân lên mà đi được. Nhiều khi, có tâm như út cũng hổng đến được nữa kìa. Đó là điều mà mãi cho đến khi đặt túi bàng xuống trước hàng hiên, mệt mỏi rã rời sau một quãng hành trình lưng lửng, út đau đớn buồn khổ nhận ra được. Và đó, là chuyện của một ngày sau đó.

Đồi cọ lại tiếp tục nở ra, không phải về diện tích bởi nó có chút chíu à, mà vì người. Ngày mới đến đón nhận thêm nhiều những gương mặt người khác nữa, út dòm thấy họ như thấy mình của ngày hôm trước .Hớn hở khí thế chờ dừng chân rồi làm tiếp nửa sau của cuộc hành trình đến Nê, để rồi thất vọng não nề, thả nỗi buồn rơi khắp đồi cọ. Đồi cọ thì không có lỗi, chỉ là điểm dừng chân. Nhưng biết làm sao được, người ta chỉ đổ lỗi cho những gì rành rành trước mắt chớ ai đâu tỉ mẩn bóc tách những thứ xa xôi hoặc đã là dĩ vãng quá khứ làm chi (như ở quê út, ông trưởng xóm có tội tình gì, chết là hết, từ chức trưởng làng là hết, nhưng khổ cái, ổng có biết từ chức viết ra mần sao đâu?). Nê còn quê hơn ở quê của út, nên ở đó có mỗi một chỗ cất và hạ cánh, đườngbaăng bị trục trặc rồi nên đóng luôn cửa ra vào, nội bất xuất và ngoại bất nhập. Út ở lại đồi cọ ngóng tin đến ngày thứ hai, bước qua ngày thứ ba, út quyết định mua vé trở về. Trong mệt mỏi và thất vọng, út trở về.

Hãy tưởng tượng mình đến nơi trễ, phải mua lại vé mới, sau đó mình đi tới đồi cọ, trạm dừng chân thôi, để chờ đi tiếp đến Nê, thì nhận tin Nê đóng cửa giải quyết sự cố, mình chờ ở đồi cọ một ngày, hai ngày rồi đến ngày thứ ba, mọi nhiệt tình đều bốc hơi đi mất. Mình thì chỉ có bảy ngày, mất hết ba ngày ngồi ở đồi cọ ngắm nước chảy hoa trôi, mùi người thì nóng, mặt người thì quạu, thử hỏi bao nhiêu chờ đợi trôi đi hết. Mình mất trắng ba vụ lúa, mấy mươi cao ớt, dăm ba sào thuốc lá lá vụ xuân. Muốn gỡ gạc thì mình phải bỏ tiền ra đặng mua vé trở về nhà, rồi đâm đơn đi đòi lại một vụ lúa. Là út, là tình huống của út bữa đó. Chỉ nhớ út lang thang ở đồi cọ, tay buông thõng, vai buông thõng, túi bàng nặng thênh thang, cõi lòng tan nát. Chờ đến sáng, út mua vé trở về nhà. Nếu có thể khóc, chắc đã có một phen đồi cọ được tuưới nước rồi. Nhưng ông trời đã định sẵn, út không được khóc, chỉ có thể gượng cười. Ông trời đã định vậy, nước mắt chỉ dành cho kẻ thua cuộc và yếu đuối mà thôi!
Ngày mồng tám tháng ba, ngườit a mua hoa hồng và bánh tặng cho một nửa của cuộc đời. Ngày mồng tám tháng ba có những lời gợi nhắc và hình ảnh về một cuộc đạp mây cưỡi gió từ đồi cọ đi mãi vẫn chưa trở về. Ngày mồng tám tháng ba, có út lôi thôi ôm giỏ trở về lại nhà, ôm trong bụng một rổ lổn nhổn những hối tiếc. Tiếc vì bao công sức bỏ ra đã không đi được đến hết hành trình, tiếc vì mỗi lần dứt bờ lau gốc rạ ra là mỗi lần cực nhưng cuối cùng lại không đi được. Lổn nhổn tiếc kèm theo mệt mỏi vì ba ngày hai đêm kẹt lại ở đồi cọ. Chuyến về út ngủ, gió có mát nắng có rực rỡ dường nào cũng không quan tâm. Phật thì vẫn còn ở đó, trong tâm tưởng, chỉ có một khoảng trống trong lòng chả biết bao giờ mớidđeền vô được. Thì thôi cũng đành là hẹn. Chả biết đến bao giờ.

Như những cơn mộng mị, có thể đánh tỉnh út bất cứ lúc nào, ngay lúc mình đang say nhất. Bữa đó, cũng là lúc mình đang say,thấy đang dậm chân trên nóc nhà thế giới, thấy đang đi những vòng kora quanh cội bồ đề. Cái rồi vía giật mình tỉnh dậy. Tỉnh cơn mê, hụt hẫng cho mãi đến tận bây giờ
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,811
Bài viết
1,138,736
Members
192,758
Latest member
gamebaidoithuonguscom
Back
Top