Tình cờ đọc được một bài viết của 1 bạn trong nhóm tình nguyện vừa rồi, thấy thật xúc động . Mang lên cho nhà mình đọc chung nhá :
Kết thúc chuyến đi, đọng lại trong chúng tôi là những suy nghĩ về cuộc sống bản làng trên Gia lai, những đứa trẻ nghèo khó, những gia đình bất hạnh và cả làng bị 1 căn bệnh quái ác từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những phần quà hôm nay của chúng tôi liệu có thể giúp cho họ được bao lâu, hay chỉ là kéo dài sự nghèo khổ của họ thêm vài ngày, vài tuần? Mọi sự chẳng có gì thay đổi cả, hàng chục năm qua có biết bao nhiêu đoàn, biết bao nhiêu chuyến xe, bao nhiêu con người lên đây, lên cái xứ nghèo khó này, và rồi lại ra về với trăn trở, và cũng từng ấy năm, cái xứ này vẫn nghèo, vẫn khổ, và vẫn oằn mình trên vai sự đói rách......
Cái mà chúng tôi giúp họ đây, chỉ là 1 vài kg gạo, vài ba chai nước tương nước mắm hay những gói mì tôm chống đói, chứ không phải giúp họ thay đổi cái sự khốn khó này. Cái mà chúng tôi giúp họ, chỉ là cái sự sống qua ngày chứ không giúp họ thay đổi số phận, cái mà chúng tôi giúp họ, chỉ là cái ngọn, chứ không phải cái gốc rễ của vấn đề, của xã hội.
TÔI ĐI TỪ THIỆN Ở GIA LAI
Qua 1 người bạn, tôi biết đến CLB Từ thiện Ban Mai Xanh,
Chuyến đi bắt đầu vào tối thứ 6 ngày 9.9 từ TPHCM đến làng Mui, xã Chư Prông, huyện Đức Cơ, Gia Lai.
CHúng tôi bắt đầu cuộc hành trình bằng 1 trận mưa tầm tã, khiến cho việc chuyển đồ đạc và quà bánh lên xe khá vất vả, nhất là gạo và các thùng quà bằng giấy cạc tông. Mưa làm bục hết các thùng giấy này. Nhưng dù sao thì các bạn tình nguyện viên cũng chuẩn bị bọc ni lông và quần áo đầy đủ cho các tình huống mưa gió nên cũng tạm ổn. Chuyến xe khởi hành lúc 9h pm ( hẹn hò họp mặt và giờ chót là 7h pm, xài dây thun thêm 2 tiếng nữa vì trời mưa to).
Đoạn đường đi khá xa (khoảng 630 km), đường hẹp khá xấu. Đến tận 12h30 trưa chúng tôi mới đến nơi. Chỗ chúng tôi tá túc là nhà thờ Thanh An. Khi lên đến nơi, thì chúng tôi nhận được tin từ chính quyền xã là không cho biểu diễn văn nghệ hay bất kì các hoạt động vui chơi nào. Cả đám mặt mày tiu nghỉu vì thất vọng, cả nhóm bỏ cả tháng trời để tập văn nghệ biểu diễn cho các bé. Nhưng thôi, biết sao được, quốc tang mà, thôi thì tiễn đưa bác Võ Chí Công trước vậy.
Sau khi ăn trưa vội vã, chúng tôi leo lên xe đi đến trại phong. Trại phong này, có lẽ có khoảng 50 hộ dân, cách xa nơi chúng tôi trú, cách xa cái làng Mui vốn đã nghèo, 30km, càng nghèo hơn, càng khổ hơn. Nó khuất sau 1 đoạn đường dài đầy rừng cao su. Những cánh rừng cao su này, rộng lắm,dài lắm, có lẽ chủ của những cánh rừng ở đây rất giàu, chúng tôi đoán thế. Mỗi phần quà chỉ có vài kg gạo, nước tương,bột ngọt, bánh trung thu và 1 thùng mì tôm, ít ỏi nhưng chúng tôi thấy trong mắt họ là 1 niềm vui khó tả. Ở cái xứ này, nhất là ở cái trại phong cách biệt này thì những cái bánh trung thu quả là khó có.
Có những đứa trẻ không bệnh tật sống trong cái làng này từ khi lọt lòng, sống với cha mẹ chúng, không biết lớn lên tương lai của chúng sẽ ra sao.
Khi những túi quà được phát hết, chúng tôi lên xe trở về nhà thờ với cái ám ảnh từ những con người ở đây. Bệnh phong, đã lấy đi sự hòa nhập cộng đồng, đã lấy đi đôi tay, đôi chân họ. Những ánh mắt hân hoan khiến lòng chúng tôi thắt lại khi trước mặt chúng tôi, những con người này, chẳng có mấy ai lành lặn để mà xách cái gùi đựng quà về nhà, 1 số tình nguyện viên tình nguyện mang gùi quà đến tận nhà cho họ. Tội thực sự muốn khóc khi chứng kiến cảnh 1 cụ già cụt cả 2 tay, 2 chân, lê lết ráng đến chỗ phát quà, đành phải đem đến tận nhà cho cụ.
Khi về đến nhà thờ rồi thì lại lao vào khiêng đồ, phân loại quà, bánh cho các em thiếu nhi dân tộc, cho các bé hộ nghèo đúng tôn chỉ Trăng Yêu Thương. Nhưng bởi vì không được diễn văn nghệ nên đành cho các em xếp hàng chơi trò chơi, mệt rồi thì hát vài bài thiếu nhi, rồi cũng phát quà, phát bánh, sữa, vở, bút... nhìn các bé trang phục sơ sài, dơ bẩn và có bé chẳng có dép đi, chúng tôi thực sự thấy buồn. Đất nước trải bao năm chiến tranh, hòa bình đã 36 năm, đất nước thay đổi đã nhiều nhưng đời sống ở đây, hầu như ngoài điện ra, chẳng thay đổi là bao. Có chăng là thêm những cánh rừng cao su bạt ngàn mà bà con họ ở đây không làm chủ.
Chúng tôi nghỉ ngơi qua đêm ở nhà thờ và sáng sớm lại quay trở lại thành phố HCM, với bao nỗi niềm...