What's new

“Thái Lan có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?”

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?

....



“Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?” - thằng bạn cắt khố đâm hông một câu ngang xương. Tức cành hông, tăng-xông lên gần tới đỉnh!



“Tui thấy tour dài nhất đi bên đó có 7 ngày, ông làm gì cứ rị mọ tới tới lui lui như đi trốn nợ vậy cà?” – nó bồi thêm. Cái thằng cà chớn! Nói thiệt là nhỏ lớn giờ số lần tui xài tiếng Đan Mạch chỉ đếm trên đầu mấy ngón chưn, vậy mà bây giờ muốn qua bển sống để nói cho thả giàn!



“Nói với ku như nước đổ đầu vịt Thanh Đa à! Mày cất cao cổ cò cổ vạc, vác chiếu qua nhà tao để tao kể cho mà nghe. Trợn mắt cái gì, chuyện Thailand còn hay hơn Nghìn đêm lẻ một, vậy mày phải vác chiếu đi là phải rồi còn ừ à gì nữa”.



Mạnh miệng nói xong, tôi cũng phải 3 chân 4 giò lên mạng tìm tòi thông tin hỗ trợ. Lạc vô xứ nhà lá này thấy thiệt là hứng chí, nhưng xem đi xem lại thấy thông tin sao mà ít hều vậy cà. Thông tin chỉ đâu đó Bangkok, Pataya, xa lắm là Chiangmai, Phuket, thỉnh thoảng có thêm mấy miệt khác mà thông tin sao trống huơ trống hoắc. Mấy ông cất công viết cuốn Lonely Planet Thailand dày cộp, gấp 3 lần cuốn Vietnam, mấy anh hai ở TAT chổng mông viết brochure du lịch cho hầu hết các tỉnh thành Thailand… vào mục này xem chắc ngửa cổ than trời, đấm ngực bùm bụp… buồn tình dữ lắm á. Thailand mà chỉ vậy làm gì hàng năm cả 20 triệu du khách đổ xô (trừ 2010 bạo động giảm xuống còn 14T, gần gấp 3 Vietnam!). Thôi, nhân tiện trả lời bạn hiền, tui chen vô đây thêm ít ít, có gì mấy ảnh đọc được cho tiền tip mình kiếm gì đó mần chơi, hén!




Tài hèn sức mọn, không tham vọng gõ một topic “lộng lẫy” ( - như khói trời, của cô Tư miệt đất mũi; như “Cá khoai lộng lẫy” – của tờ Sài Gòn Tiếp Thị; như “Côn trùng lộng lẫy” – của Tuổi trẻ Cuối tuần; … mà có thể mai mốt ai đó đi Tibet, India… cám cảnh dân tình nhọc nhằn đóng phân bò thành bánh làm chất đốt mà chơi luôn cái tựa “Cứt khô lộng lẫy” chắc cũng được hoan nghênh… - lại cái tật lan man rồi), cái thằng motdoidirong tui chỉ dám chen vào đây tám chút lúc hưỡn. Mà dù gì, nó cũng là “Thông tin du lịch Thailand”, phải không ku. Rảnh rỗi, không vác chiếu qua nhà tao được mày vào đây đọc cho nó tăng pageview của anh hai mày. Có hưỡn hơn nữa rủ mấy em tuổi teen mối ruột đăng ký vài chục cái nick vào đây bấm nút Thanks lia lịa, cho anh hai mày qua một đêm bỗng đổi đời như mấy em Vietnam đưa đồ - à quên, Vietnam ai-đồ thì càng tốt. Nghen ku!

* *
*​




Thailand, những ngày đầu năm thật khác!



Những triền đồi, những bãi bồi ven sông lau trắng miên man trong nắng mới. Đám lau sậy ngày thường còi cọc xấu xí xác xơ tơi tả vì gió vì mưa, vì đám gia súc ngược ngạo dẫm nát giờ kiêu hãnh phô phang rừng cờ lau trắng trong thanh khiết. Đám gió hung hăng dữ tợn ngày nào giờ lả lơi ve vuốt ôm ấp đẩy đưa… làm sông chiều không dậy sóng xanh chỉ xô bờ những con sóng bạc đầu, bạc đầu, miên man….




P1040248.jpg

Những triền lau bạt ngàn Sukhothai



Miền nhiệt đới đã qua ngày qua những ngày hè. Lũ sen hồng sen bạch đã tàn đã úa, đã nhường lại sông nước ao hồ cho đám súng hừng hực sức sống rừng rực đỏ vươn cao. Cái nắng vàng rực những ngày đông chói chang Thailand, đám súng càng rực rỡ phô trương hơn… vì chúng biết giờ là thời khắc huy hoàng của chúng.



P1040092.jpg

Súng trong Sukhothai Historical Park



Nhưng chúng đã lầm! Mùa này chỉ có lũ sen là thảo hiền nhường nhịn thôi. Coi nè, bọn hướng dương hoàng tộc con cháu thần mặt trời chúng tao chẳng thèm liếc lấy một cái với bọn súng hèn mọn chúng mày đâu. Thẹn thùng, lũ súng khép nép ôm nụ khi nắng lên, chỉ có hướng dương kiêu hãnh nhìn thẳng vào mặt trời cháy bỏng, chẳng thèm cần lấy một mảnh Rayban, dù là kính dzỏm mua ở Trương Định, cho nó gọi là!



P1011634.jpg

Những cánh đồng hướng dương Lopburi


“Nè khoan phát biểu nghen mậy! Biết thế nào mấy cũng càm ràm “Mấy cái bông đồ yêu đó tui dzìa miền Tây thiếu giống gì”, tao đưa ra cái hình này là quê mình hết có à nghen!”.



P1040286.jpg

Hoàng hôn Sukhothai chiều nắng đẹp (lộng lẫy!).​




…..


Còn ít nhất 99 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 51

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 51


“He he he, rị mọ vậy mà ông cũng đi được nửa đường, 50 “chương hồi” so với con số 100 như đã hứa, thấy cũng tàm tạm hén. Dù sao cũng có cố gắng. He he he…”. Nó nói như cha người ta vậy trời! “Nhưng mà anh hai nè, tui thấy qua 50 chương hồi mà ông cũng mới đi có mấy tỉnh của Thailand hà. Lúc trước ông còn nói hết tỉnh, ông còn xuống huyện, xuống xã (!?) nữa… Dzậy, ngó bộ chắc ông tính kéo dài ra vài trăm tập nữa hả? Nói trước là cái gì nó dài, nó dai là nó dở đó nghen! Liệu cơm gắp mắm đi anh hai mình!”. Lại lên lớp, sao không đi dạy ku?


“Ừa, lúc trước cũng tính dzậy. Lúc đầu cũng tính mỗi tỉnh chỉ gom gọn trong một “chương hồi” thôi nhưng sau thấy hổng được. Làm dzậy nó bất công với Thailand xinh đẹp quá, nên anh hai mầy mới gắp mắm liệu cơm, chi tiết thêm một chút, chứ cũng không kéo dài lê thê lượt thượt để cho mầy rủa đâu! Tao nói hổng đúng sao mà còn trợn mắt? Tuy nhiên, đâu phải tao “ăn mày dĩ vãng”, lôi đồ cổ ra nói hoài đâu mà mầy lo. Thỉnh thoảng được nhảy dù, tao cũng lấy thêm thông tin mới mà, nên mầy yên tâm đi. Nói hổng phải cưa bom, chứ hổng chừng cái topic này nó lên tới 1.000 chương hồi luôn đó! :T He he he, giỡn chơi chút mậy! Ừa, “mà cuộc đời làm sao ta đoán được” phải hông?”.


“Thôi thôi, bớt giỡn đi cha nội! Kể tiếp đi. Nghe mấy cái giải thích dài dòng thanh minh thanh nga thanh sang… gì gì đó của ông thấy ớn quá. Đừng nói nữa, mần đi! Nhanh nhanh đi cha nội!”.


“Ack ack ack…!!!”


ThailandMap-03.jpg

Hành trình của 50 chương hồi vừa qua (các ghi chú có tính cách điệu vì trên bản đồ không chi tiết từng tỉnh).​


***


Kỳ này kể chuyện “Thailand lan man” một chút há. Thailand lan man, có nghĩa là Thailand và “những người bạn” đó mà. Vẫn còn lơ mơ hén, nói chi tiết luôn nghen.


Lang thang Thailand, có 1 điểm rất được các bạn khoai Tây lê la dài ngày rất thích là việc dễ dàng renew cái visa mỗi khi nó gần hết hạn. Các bạn ấy cứ chạy tọt đến biên giới Thailand và các nước láng giềng, làm thủ tục qua biên giới, sang nước láng giềng, rồi về lại Thailand với visa mới, ung dung lê lết thêm tháng nữa. Nhưng lạ hơn là các bạn ấy thích renew visa ở một đất nước không cho nhập cảnh bằng đường bộ, nhưng lại có cái giá cho việc renew visa rẻ nhất. Khác với công dân các nước thành viên Asean được miễn phí visa trong khu vực (trừ Myanmar), phần lớn các bạn khoai Tây vẫn phải xin visa khi vào các nước Asean, và giá thường khoảng từ 30$US trở lên. Trong khi đó, Myanmar, tuy không cho du khách vào trong đất nước mình bằng cửa khẩu đường bộ, nhưng lại cho nhập cảnh để “tham quan” các thành phố biên giới trong ngày, với chi phí từ khoảng 10-15$US. Vừa tiết kiệm, vừa được ngó nghiêng một vùng đất còn khá bí hiểm với du khách phương tây, tội gì không chơi! Và tôi cũng vậy! Dù tôi chẳng cần renew visa gì hết. Giang hồ thường nói hội chứng ăn theo, đu gió… gì đó vốn phổ biến ở nước Nam mà (!?).


Do vậy, kỳ này chúng ta sẽ cùng đến một thành phố biên giới của Thailand, thăm thú ngó nghiêng chút, rồi tôi sẽ cùng các bạn sang thăm luôn thành phố Myanmar bên kia biên giới nhé. Đây cũng là một trong những lý do “Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển” của tôi đó! (beer)


***


Thailand và Myanmar có 3 cửa khẩu chính thức ngày trước cho phép khách quốc tế có thể qua lại, không tính các cửa khẩu nhỏ chỉ mở cửa cho cư dân của 2 nước như Three Pagodas Pass,…Giờ thì 3 cửa khẩu này chỉ cho phép dân du lịch sang thăm và về trong ngày, chủ yếu là để renew Thailand visa, thêm nữa là thăm thú một góc nhỏ, rất nhỏ của Myanmar huyền bí. Tôi cũng lần mò đến hết 3 cửa khẩu này, vui buồn lẫn lộn khi ở đó, tôi sẽ kể câu chuyện về Mae Sot (Thailand) – Myawadi ( Myanmar) trước.



P3240015-1.jpg

City-pillar của Mae Sot


P3240032.jpg

Một góc chùa Mae Sot​



Tôi chưa dự định đến Mae Sot buổi chiều đó. Tôi dự định đến thành phố Tak, thủ phủ của tỉnh cùng tên, nhưng buổi trưa nắng lóa đến Tak, tôi cảm thấy sao sao (!?), bèn nhảy tiếp lên chuyến xe đi tiếp đến Mae Sot. Một phần có lẽ do tính tưng tửng của tôi, một phần do trên chuyến xe đến Tak, tôi đọc thấy Mae Sot hay ho, bèn thay lòng đổi dạ! :T


___________________

Còn ít nhất 49 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 52

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 52



Maesot là huyện nhỏ của tỉnh Tak nhưng nổi tiếng hơn thành phố thủ phủ Tak. Ở Maesot có cả 4 nhóm dân chính Hoa, Burmese, Karen và Thái, cùng sinh sống. Vì ở đây là đất Thái nên phải tách riêng 2 sắc dân Burmese và Karen, vì thực chất đây là 2 dân tộc khác nhau. Và những vùng đất biên giới Thái – Miến chính là nơi các đội du kích người Karen chống lại chính quyền Myanmar/Burma ẩn náu.



P3240154.jpg

Một dãy phố ở Mae Sot, giông giống các dãy phố cũ kỹ ở Yangon, Myanmar.​



Thành phố nhỏ, có thể chỉ là thị trấn nhưng thật đa dạng. Chùa Thái rực rỡ bên cạnh chùa Tàu sáng choang, bên chùa Miến vuông vắn thanh thoát, và cả thánh đường Hồi giáo. Ngay cả những pho tượng Phật trong các ngôi chùa cũng khác nhau, theo phong cách của từng dân tộc…


P3240160.jpg

Chùa với stupa vuông vắn…


P3240009.jpg

..rồi stupa tròn đặc trưng Thái, Lào…


P3240040.jpg

…rồi vuông ắn thanh thoát đặc trưng phong cách Bắc Miến…


P3230077.jpg

…rồi không thể nhầm lẫn phong cách Hoa



Người dân thì đủ các sắc mặt, hoa mắt với các loại quần áo, từ longyi của đàn ông Miến, đến váy nón sặc sỡ của những người phụ nữ Karen, đến các sắc hồng tím yêu thích của người Thái. Nhà cửa cũng vậy, bạn như thấy 1 khu phố nhà xây cũ kỹ nhưng nhiều sắc màu của Yangon bên cạnh những khu phố với các căn nhà sàn bằng gỗ của người Tai-Yai… Nói chung, Mae Sot có một bề ngoài thật đa sắc.


P3240013.jpg

Bên bức tường chùa này…


P3240042.jpg

..đến trên bức tường chùa kia…


Bao quanh là những triền núi xanh um, Mae Sot còn may mắn có thêm dòng Mae Nam Moei xanh mát lững lờ lượn quanh, cũng là biên giới tự nhiên Thái - Miến, nơi mỗi ngày đón đưa, che chở những phận đời buồn ngang qua



___________________

Còn ít nhất 48 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 53

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 53



Sự đa dạng về tôn giáo đã góp phần đem đến cho Mae Sot một nét duyên lạ, nhất là với những kẻ trên bước đường lang thang vẫn luôn mong tìm cho mình những khoảnh khắc lặng yên bình dưới bóng từ bi.



Đón nhận một làn sóng tha hương của những người Miến Điện, luôn mang trong mình những tâm tư trĩu nặng về quê hương xa ngái, Mae Sot đã có thêm những ngôi chùa mới, đong đầy những tâm tư ước nguyện của người tha hương.


P3240071.jpg

Rồng của người Hoa, người Tai Yai…


P3240065.jpg

Sư tử của người Miến


P3240168.jpg

Rắn thần Naga của người Thái



Những ngôi chùa mới, không chỉ mang những nét riêng Miến Điện, mà còn mang những tâm tư thầm kín của họ - được thăm viếng những miền đất thiêng, ngôi chùa linh trên quê hương mình. Do vậy, ngoài những kiến trúc bên ngoài mang phong cách miền Bắc Miến (có ít nhiều giao thoa giữa kiến trúc chùa chiền của người Burmese và Tai Yai), những pho tượng Phật bên trong lại mô phỏng theo những bức tượng từ những miền đất Phật bên đó, như trong những ngôi chùa linh thiêng ở Mandalay, Bago hay Yangon… ở tận miền Nam Miến xa xôi. Do vậy, nếu đã từng lang thang Miến Điện, về Mae Sot, bạn sẽ ngỡ ngàng trước những pho tượng ở đây.


Một trong những điểm khác biệt, và độc đáo của Phật giáo Miến Điện là những pho tượng Phật nằm – mô tả cảnh Đức Phật về cõi Niết Bàn ở Kushinagar. Khác với tất cả các miền đất khác (ít ra là những nơi tôi từng ngang qua), những bức tượng Đức Phật nhập Niết Bàn ở Myanmar mang một dáng vẻ hết sức thanh thản, hiền hòa, đặc biệt với đôi mắt mở hiền từ,hoặc chỉ khép hờ, rất dịu dàng và thoáng nụ cười huyền hoặc như người đang nghỉ ngơi, suy tư… chứ không giống như người đang viên tịch, thường thấy ở các pho tượng của những ngôi chùa ngoài xứ Miến…



P3240077-2.jpg



P3240031-2.jpg

Tượng Phật về Niết Bàn ở trong chùa Mae Sot…



P5070340-2.jpg

…và ở Bago, Myanmar – thanh thản, hiền hòa và gần gũi….



Và những pho tượng thanh bình hiền hòa đó chắc chắn sẽ níu chân bạn ở Mae Sot.


___________________

Còn ít nhất 47 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 54

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 54




P3240202.jpg

Ở Mae Sot, những pho tượng Phật mang nét Aryan như thế này rất nhiều



P3240196.jpg

Lâu lắm mới gặp lại pho tượng mang nét quen thuộc này.​



Theo LP, trong nội đô phố nhỏ Mae Sot chỉ có 1 ngôi chùa thu hút du khách, nhưng có lẽ thông tin này đã quá lạc hậu, hoặc quan điểm của những du khách phương tây về tôn giáo, cụ thể là Phật giáo, có phần thiên lệch – theo thiển ý của tôi. Rất nhiều những ngôi chùa đẹp ở Mae Sot. Tôi cứ mê mệt lang thang trong những ngôi chùa phong cách đa dạng của Mae Sot, người cứ ngẩn ngơ ngơ ngẩn...


P3240054.jpg

Một cổng chùa rực rỡ



P3240235.jpg



P3240034.jpg

Những ngôi miếu, stupa… là lạ


Thiệt tình mà nói, lúc ở Mae Sot, tôi chưa lên các vùng Tây Bắc Thái, cũng như Tây Bắc Lào, nên tôi chưa quen mắt với những ngôi chùa thanh mảnh, vuông vắn mang ảnh hưởng Miến Điện hay Tai Yai. Hơn thế nữa, đã quen với những ngôi chùa Thai – Lanna với màu vàng rực rỡ, tôi quê mùa ngơ ngác với những ngôi chùa mang những sắc lạ như màu hồng rực rỡ,… vốn rất xa trong tâm trí của tôi khi nghĩ về chùa chiền.


P3240229.jpg

Một ngôi chùa màu hồng..



P3240177.jpg

Một “Borobudur” thu nhỏ?



Vậy mà tôi đã ở lại Mae Sot nhiều hơn tôi dự tính. Đó là tôi còn chưa kể đến sự cuốn hút của sự đa dạng về ẩm thực, sự tinh tế trong các sản phẩm thủ công, dù là đồ gỗ hay gốm sứ hay….


___________________

Còn ít nhất 46 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 55

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 55



Có lẽ tôi lê la ở Mae Sot đã quá lâu, đi là vừa. Trước khi đi, chia sẻ thêm vài thông tin, hình ảnh về cuộc sống đa sắc của Mae Sot, rồi sẽ đi.


P3240053.jpg



P3240051.jpg

Đồ gỗ, đồ gốm… sắc xảo và đa dạng ở Mae Sot



Ngoài một con đường, có thể gọi là khu phố Tây, nơi có nhiều hàng quán phục vụ du lịch, nơi mà từ sáng đến khuya, lười biếng ngồi đó cũng có thể thấy cuộc sống Mae Sot trôi ngang. Nhưng giữa phố cũng là một cái chợ đa dạng, một khu riêng buôn bán đá quý, từ Myanmar đưa qua, những con đường tấp nập những hàng quán, những người bán rong… luôn náo nhiệt đầy sức sống.


P3240095.jpg



P3240107.jpg



P3240101.jpg



P3240102-1.jpg

Sắc màu đơn giản nhưng đa sắc Mae Sot


Người dân Mae Sot rất hiền lành mến khách. Những ngày tôi ở đây, nắng cháy da người, tôi lại đi lon ton bằng xe đạp nên cứ phơi người giữa đường nóng hực, nên phải thường xuyên ghé quán dọc đường uống “nước”. Mỗi lần vậy là tôi lại gặp những người dân vui vẻ. Cứ tưởng tôi là người Thái, họ xí xô xí xào, một hồi biết là “người ngoại quốc”, họ càng lăng xăng chăm sóc. Chút tình nhỏ đó làm tôi khó có thể quên Mae Sot!



P3240203-1.jpg

Chia tay Mae Sot, nhưng làm sao tôi quên hoàng hôn đó dưới chân người​



___________________

Còn ít nhất 45 chương hồi nữa!
 
Khen tác giả quá xuất sắc, bài phóng sự của anh mà gửi qua mấy cuộc thi về chu du đât khách thì đoạt giải cái một đó.
Tiếp tục mong dược đọc từ bài viết này.
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 56

@htv2202, cảm ơn bạn!

-------------------------





Miền đất đa sắc tộc Mae Sot yên bình bên ngoài, nhưng dấu phía sau những cơn sóng dữ. Ngày trước, con đường đi của hoa anh túc ngang qua đây, kéo theo nó bao nhiêu hệ lụy, cũng như những làn sóng ồ ạt những du khách hippy đổ về đây để thả hồn theo nàng tiên nâu bay cùng gió lên trời. Giờ, tình hình có vẻ được kiểm soát chặt chẽ hơn thì phát sinh những vấn đề khác, người tỵ nạn và các công xưởng “bóc lột lao động” – không những đối với những người tỵ nạn, mà cho cả những người dân Miến mỗi ngày lội qua con sông Moei sang Thái làm việc. Họ lội sông vì nếu đi qua cầu, qua cửa khẩu, họ sẽ phải đóng phí – dù chỉ là một số tiền rất nhỏ - thế nhưng tại sao quân đội Thailand vẫn để họ đi qua, đây là 1 câu chuyện khá phức tạp mà tôi sẽ quay lại khi chúng ta cùng đến Mae Sai, một cửa khẩu biên giới Thái – Miến khác. Vấn đề “bóc lột lao động” này đã được nhiều tổ chức hoạt động xã hội thế giới lên tiếng, nhưng từng ngày, vẫn nhiều nhà máy, công xưởng tiếp tục mọc lên bên bờ con sông Moei.


P3250018.jpg

Qua biên giới, con sông Mae Nam Moei.
Người nghèo, để đỡ trả phí giấy thông hành khi qua cửa khẩu bằng đường bộ, qua cầu, thì đi bằng phao qua sông, nhưng vẫn đỡ hơn những người nghèo hơn nữa, phải lội sông.



Bên kia biên giới Myawaddi cũng vẫn chưa bình yên, nếu không muốn nói là còn “nóng bỏng” hơn bên Mae Sot. Ngày 12.7.2010, chính phủ Miến Điện đã đóng cửa khẩu qua lại giữa Myawaddi và Mae Sot vì lý do Thái Lan xây dựng bờ kè trên con sông Mae Nam Moei gây lở bờ sông bên phía Miến.Ngày 6.8.2010, đã có 1 vụ nổ bom tại cổng chợ Myawaddi, giết chết 2 người và làm thương nhiều người. Rồi những ngày đầu tháng 11.2010, sau khi nhà cầm quyền Miến Điện tổ chức cuộc bầu cử, được xem là “dân chủ” đầu tiên của nước này, các dân quân du kích Karen, cho rằng có sự gian lận, không công bằng…, đã nổi dậy gây binh biến. Hàng vạn người dân Myawaddi đã băng sông sang tỵ nạn bên Thái… Đạn pháo phản công của quân đội Miến Điện đã bay tới tận thành phố Mae Sot (!?), làm bị thương nhiều người…



P3250015.jpg

Đã trên đất Myawaddi – cửa khẩu bên phía Miến Điện



Vậy đó, nhưng tôi vẫn sang sông, đến với Myawaddi, tìm về một góc nhỏ Myanmar – một Myanmar không có Bagan, không có Yango, Mandalay, Gold Rock, Inle Lake…


P3250026.jpg

Một Myanmar không có Bagan, không có Yango, Mandalay, Gold Rock, Inle Lake…, vẫn lung linh rạng ngời...


P3250113.jpg

…và dù còn rất nghèo khó vẫn đầy ắp tình người – nước mát và chỗ nghỉ ngơi cho người lỡ đường…. – một điều giờ còn rất hiếm thấy ở nước Việt.



___________________

Còn ít nhất 44 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 57

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 57



Myawaddi, còn được viết là Myawaddy, Myawadi hoặc Myawady nằm trong tiểu bang Kayin, có thủ phủ là thành phố Hpa-an. Điều rất lạ là bạn không thể tìm thấy bất kỳ hướng dẫn nào liên quan đến thành phố biên giới này trong cuốn Lonely Planet về Myanmar (9th Edition), kể cả cách hướng dẫn đi đến đó như thế nào, dù Myawaddi nằm rất gần thành phố Hpa-an, và còn gần hơn nữa với thành phố Mawlamyine nổi tiếng, thủ phủ của tiểu bang Mon, trên đất Myanmar.


P3250107.jpg

Những chiếc xích-lô thô sơ vẫn là phương tiện di chuyển phổ biến ở Myawaddi…


P3250125.jpg

..bên cạnh rất nhiều những quầy xem bói – để giải tỏa những ức chế, những khó khăn, những tâm tư… người ta hay đi tìm mơ ước?!


P3250126.jpg

..để rồi trở về thực, tế, tranh thủ tính toán lỗ lời khi vắng khách bên gánh hàng rong nghèo.


Myawaddi là một thành phố rất nghèo, dù thành phố biên giới này là cửa khẩu cho một lượng rất lớn hàng hóa qua lại, nhờ giao thông thuận tiện, đường về Yangon cũng không quá xa xôi. Thế nhưng, sự nghèo khó đó hầu như không thể tìm thấy ở các ngôi chùa lộng lẫy trong vùng.


P3250031.jpg



P3250033.jpg



P3250060.jpg

Và sao những ngôi chùa lại lộng lẫy rực rỡ quá!!!



Đã choáng ngợp với những kiến trúc ảnh hưởng phong cách Miến của những ngôi chùa Mae Sot, tôi nghĩ rằng Myawaddi chắc cũng gần gần giống như vậy, và cũng chỉ định dành một thời gian ngắn cho vùng đất này. Vậy mà tôi đã rời khỏi Myawaddi để về lại Mae Sot, chỉ vài phút trước khi chuyến xe rời Mae Sot chuyển bánh. Chỉ có điều, chính những ngôi chùa lộng lẫy, rực rỡ đó… lại quá tương phản với những căn nhà khu phố lụp xụp… Và điều này đã gợi lên trong tôi rất nhiều những câu hỏi về Myanmar!



___________________

Còn ít nhất 43 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 58

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 58



Rất gần cửa khẩu, đi bộ chừng 5 phút, là ngôi chùa lớn nhất Myawaddi, chùa Shwe Muay Wan, còn gọi là Chùa Vàng. Ngôi chùa to lớn và lộng lẫy, theo người dân địa phương, đã hơn 1.000 năm tuổi này, được gọi là Chùa Vàng vì cái stupa lớn nhất trong chùa được dát hàng chục kilogam vàng và đính lên đó hơn 1.600 viên ngọc và đá quý. Một điều đặc biệt nữa trong ngôi chùa này là bức tượng Phật bằng đồng phiên bản của pho tượng Phật bằng vàng ở chùa Mahamuni nổi tiếng nơi cố đô Mandalay. Hình như với Myanmar, tôi có chút duyên may nào đó vậy, cho dù những ngày còn nhiều cách trở, chưa đến được Myanmar thì tôi cũng đã may mắn được viếng thăm ngôi Chùa Vàng này, pho tượng Phật Mahamuni này,… trước khi đến được Mandalay nhiều năm sau đó.




P3250008.jpg

Tượng Phật phiên bản Mahamuni ở Chùa Vàng, Myawaddi (chụp thẳng bị vướng dây cờ)…


P3250010.jpg

… nên đành phải chụp nghiêng.​



Ngoài stupa chính ánh vàng sáng chói, xung quanh chùa còn rất nhiều stupa vàng lấp lánh khác và cũng như hầu hết những ngôi chùa trên đất Miến, các khoảng sân đều được lót gạch men trắng toát bóng loáng càng làm tương phản thêm sắc vàng rực rỡ. Ngôi chùa rộng thênh thang có 4 cổng luôn rộng mở về 4 hướng và rất nhiều điện thờ với các pho tượng Phật theo phong cách Mon, Burmese…


P3250004-1.jpg



P3250019.jpg

Những pho tượng Phật phong cách Mon, Burmese…


P3250006.jpg

Stupa dát vài chục kilogam vàng!



Một điểm đặc biệt khác hẳn với những ngôi chùa ở thành phố láng giềng Mae Sot ngay kề bên là trong Chùa Vàng có nhiều pho tượng nhân sư. Không biết những nhân sư này có liên quan gì đến những linh vật miền sông Nile hay không, nhưng ở đây trong chúng thật duyên dáng và hiền lành – và chưa hề đưa ra câu đố bí hiểm nào cho kẻ lang bạt đang ngẩn ngơ lượn tới lượn lui quanh chúng!!!


P3250013-1.jpg

Duyên dáng nhân sư Miến Điện​



___________________

Còn ít nhất 42 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 59

Những ngày này, tiếng súng lại vang lên trên đất nước của những người dân hiền hòa Miến Điện, vùng Kachin, giáp giới Trung Quốc. Nguyên nhân cũng từ các con đập do Trung Quốc xây dựng trên những con sông thiêng của người Kachin!

________




P3250016.jpg



P32500182.jpg

Các tượng Phật hiền hòa Myanmar-Style trong Chùa Vàng ở Myawaddy​



Trong ngôi chùa Shwe Muay Wan lộng lẫy này, tương phản giữa những vàng son lấp lánh là những người dân địa phương và cả những vị sư sãi gầy gò, đen đúa, trong những bộ đồ lam lũ,… đang thành kính thăm viếng và khấn nguyện. Có nhiều khả năng để giải thích sự tương phản này, nhưng lý do chính có thể là do tín ngưỡng nhiệt thành của người dân, nên dù nghèo khổ họ vẫn cố gắng dành dụm tiền quyên góp xây chùa… Có điều, khi nhìn những vị sư sãi cũng gầy ốm khắc khổ không kém người dân, những bộ cà sa cũng phai màu thời gian … tôi nghĩ rằng người dân đã không bị phí hoài lòng tin của mình. Nhiều nơi ở nước XXX, cũng như trên đất Tàu… nhìn những vị sư béo trắng phốp pháp, quần lụa áo là láng mượt… tôi phải dằn lòng tự nhủ là mình đi viếng chùa vì Phật, vì tâm mình… chứ chẳng phải vì họ.

P3250028.jpg

Những bạn trẻ dễ mến Myanmar trong chùa



P32500152.jpg

Nghe lời kinh tệ mẹ đọc từ lúc còn bé thơ dù chưa hiểu nhưng chắc sẽ dễ thấm sâu vào tâm…



P3250020.jpg

Ngôi Chùa Vàng càng rực rỡ trong nắng trưa…


P3250034.jpg

…nhất là bóng lẻ loi của thốt nốt cô đơn càng làm chùa thêm lộng lẫy.​



Lang thang trong chùa một hồi lâu ngẩn ngơ nhìn, vẩn vơ ngắm, thẫn thờ nghĩ suy… tôi chia tay ngôi chùa lộng lẫy lấp lánh Shwe Muay Wan, leo lên xe ôm hướng về ngôi chùa nổi tiếng khác Myikyaungon, còn có tên tiếng Thái là Wat Don Jarakhe và tên tiếng Việt (dịch từ tiếng Anh) là Chùa Cá Sấu. Nhìn hình bạn sẽ biết vì sao ngôi chùa có tên này liền hà.


P3250038.jpg

Chùa Cá Sấu Shwe Muay Wan lạ lùng. Trước giờ ít thấy cá sấu ở chùa hén!


___________________

Còn ít nhất 41 chương hồi nữa!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,014
Members
192,333
Latest member
Phanduchoa
Back
Top