What's new

[Chia sẻ] Thâm Quyến - Quảng Châu: Đâu chỉ có đánh hàng

Cách đây dễ đến hơn 10 năm, PeterPan đã được biết tới Quảng Châu và Thâm Quyến qua các bộ phim đình đám thời bấy giờ là "Vòng đời" và "Tình Châu Giang" - những bộ phim từng khiến phố xá vắng tanh vào mỗi giờ phát sóng.

Ngần ấy thời gian trôi qua, cũng nhiều lần muốn đi Quảng Châu - Thâm Quyến cho biết mà đều bất thành. Lần này, sau khi đã kéo được 1 dải từ Nam Ninh tới Côn Minh rồi lên tới Thành Đô với điểm nhấn Cửu Trại Câu, PeterPan lại khăn gói lên đường làm chuyến chốt cho 1 năm khám phá các tỉnh phía Nam của Trung Quốc.

Một chuyến đi khá ngẫu hứng nên thời gian chuẩn bị chưa tới 1 tuần chứ không được tới hơn nửa năm như chuyến khám phá Cửu Trại Câu. Trong đoàn 4 người đi lần này, chỉ mình PeterPan lên đường với mục đích du lịch, 3 người còn lại đều qua Quảng Châu lần đầu để đánh hàng.

Một chuyến đi 6 ngày với phần nhiều thời gian là lọ mọ 1 mình giữa Quảng Châu và Thâm Quyến, khá thú vị và đáng nhớ, cũng đủ để thấy đó không phải là nơi chỉ có đánh hàng.

Lịch trình chi tiết
03/12: khởi hành từ Hà Nội lúc 12 giờ trưa, tới Hữu Nghị Quan lúc 15 giờ, 19 giờ 30 lên xe giường nằm từ Bằng Tường tới Quảng Châu.
04/12: đi xem các chợ nổi tiếng ở Quảng Châu, dạo sông Châu Giang, tối đi chơi phố đi bộ Bắc Kinh nổi tiếng.
05/12: thăm nhà số 250A phố Văn Minh - nơi bác Hồ từng sống và làm việc, thăm công viên Việt Tú Nam với biểu tượng Ngũ Dương, ghé bảo tàng Quảng Châu, tới thăm mộ liệt sỹ Phạm Hồng Thái tại công viên Hoàng Hoa Cương, tối về dạo phố đi bộ Thượng Hạ Cửu.
06/12: bắt tàu cao tốc từ ga Quảng Châu Đông đi Thâm Quyến, ngó qua Cửa Sổ Thế Giới, Trung Hoa Cẩm Tú và Thung Lũng Hạnh Phúc bằng tàu trên không, trèo lên tầng 69 của tháp Địa Vương để ngắm toàn cảnh Thâm Quyến.
07/12: phá sản kế hoạch đi vườn Bảo Mặc - nơi thờ Bao Công - vì bị sốt, tối lên xe giường nằm trở lại Bằng Tường.
08/12: về tới Hà Nội lúc 12 giờ trưa, kết thúc một chuyến lọ mọ.

nguduong.jpg

Tượng Ngũ Dương tại công viên Việt Tú - biểu tượng của thành phố Quảng Châu
 
Last edited:
Trình tự chi tiết để mua vé tại ga Quảng Châu Đông

Nếu bạn rành tiếng Trung, bạn sẽ rất dễ dàng để có một tấm vé tàu cao tốc tuyến Quảng Châu - Thâm Quyến. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không rành tiếng Trung, đừng quá lo lắng bởi việc mua vé không quá khó khăn.

Bạn chỉ cần làm đúng như trình tự sau là chắc chắn có một chỗ trên tàu cao tốc:

ga1.jpg

Bắt taxi tới ga Quảng Châu Đông (phiên âm là Guangzhou Dong, đọc là quảng châu tung). Chỉ cần nói với tài xế như vậy là ok. Vào thẳng cổng chính của ga, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy khu vực bán vé.

ga2.jpg

Đây là khu vực bán vé, nếu không biết tiếng Trung, bạn chỉ cần nói với người bán là "chuy sân trân" hay chỉ đơn giản nói "sân trân" là sẽ có vé đi Thâm Quyến.

ga3.jpg

Nhanh chóng hòa vào dòng người đi tới khu vực quẹt vé.

ga4.jpg

Bạn sẽ phải đi qua những máy quẹt vé này mới có thể lên tàu. Những chiếc máy này làm thay nhiệm vụ của nhân viên soát vé.

ga5.jpg

Vào tới khu vực các đường ray, bạn chú ý các bảng điện tử và ứng với thông tin trên vé của mình để tìm đúng số hiệu chuyến tàu và đường ray.

ga6.jpg

Lên tàu yên vị rồi thì vẫn nên để ý bảng điện tử trên tàu nhé, để xem mình đã lên đúng tàu chưa. Bảng điện tử luôn có đầy đủ những thông tin cần thiết, cả bằng tiếng Anh và tiếng Trung.

ga7.jpg

Tới ga Thâm Quyến, bạn nhớ đi theo đường riêng dành cho khách đi tuyến Quảng Châu - Thâm Quyến để qua các cửa quẹt vé.

Nói chung, việc mua vé tàu cao tốc tuyến Quảng Châu - Thâm Quyến và ngược lại không quá khó. PeterPan cũng chỉ biết chút ít tiếng Trung nhưng vẫn mua vé một cách dễ dàng, nhanh chóng và đi lại an toàn.
 
Ga Thâm Quyến

Ga đường sắt Thâm Quyến nằm tại quận La Hồ - một quận sầm uất, tấp nập và nổi tiếng vào loại bậc nhất tại đặc khu kinh tế có hơn 8,6 triệu người. Từ nhà ga này, chỉ mất vài phút để tới khu vực phân chia địa giới hành chính giữa Thâm Quyến và đặc khu hành chính Hong Kong.

Ga Thâm Quyến là một ga hiện đại và thậm chí ăn đứt ga Quảng Châu Đông của thủ phủ tỉnh Quảng Đông. Thiết kế của ga rất hiện đại, trẻ trung và thể hiện được cái chất của một thành phố tươi mới, năng động như Thâm Quyến.

Chợt nhớ có lần đọc bài của bác gianker có đoạn như sau: "Rồi bắt tàu sang Thẩm Quyến, thì lại bắt đầu nhận thấy Quảng Châu quê thật." Quả là thế vì sự ngăn nắp, hoành tráng, hiện đại và ấn tượng của Thâm Quyến được thể hiện ngay từ nhà ga.

ga8.jpg

Khu vực bán vé của ga Thâm Quyến.

ga9.jpg

Quang cảnh phía ngoài ga.

ga10.jpg

Đôi bạn trẻ sắp cùng nhau lên tàu...

ga11.jpg

Ga Thâm Quyến rất gần khách sạn 5 sao Shangrila Thâm Quyến.

ga12.jpg

Những hình ảnh cổ động cho Đại hội thể thao sinh viên thế giới lần thứ 26 sẽ diễn ra tại Thâm Quyến vào mùa Hè năm 2011. Đây là một sự kiện thể thao dành cho sinh viên được tổ chức 2 năm 1 lần, mỗi lần được chia ra làm 2 kỳ mùa Đông và mùa Hè. Trong năm 2011, còn có kỳ Đại hội mùa Đông được tổ chức tại Erzurum của Thổ Nhĩ Kỳ.

ga13.jpg

Hành lang rộng thênh thang trong ga Thâm Quyến. Từ đây, thông qua các ngã rẽ khác nhau, hành khách sẽ chọn phương tiện để di chuyển tiếp theo là taxi, xe buýt hay metro (tàu điện ngầm) sau khi xuống tàu.

ga14.jpg

Cảnh chờ taxi tại ga Thâm Quyến. Hành khách sẽ phải xếp hàng chờ tới lượt của mình để lên taxi theo sự điều tiết của nhân viên nhà ga. Mọi việc diễn ra một cách tự giác, trật tự và văn minh.
 
Last edited:
Thêm một số hình ảnh về ga Thâm Quyến và khu vực xung quanh:

ga15.jpg

Bảng điện tử ở mặt tiền tòa nhà điều hành của ga Thâm Quyến. Ở thời điểm PeterPan bấm máy, tấm bảng này đang chạy hình của Đặng Tiểu Bình - một nhân vật rất được người dân Thâm Quyến tôn sùng.

ga16.jpg

Dù là một ga lớn với tần suất các chuyến tàu đến và đi liên tục nhưng ga Thâm Quyến không có cảnh người chen người mà PeterPan từng gặp phải ở ga Nam Ninh. Có lẽ là vì việc phân hướng rời ga của hành khách theo các loại phương tiện khác nhau ngay sau khi họ xuống tàu đã giúp giảm thiểu khả năng ùn tắc.

ga17.jpg

Một góc con đường chếch phía bên trái của ga Thâm Quyến. Bạn có thể dễ dàng nhận ra khách sạn 5 sao Shangrila Thâm Quyến và tòa tháp màu xanh ở phía xa chính là tháp Địa Vương - công trình kiến trúc có độ cao lớn nhất tại thành phố này và là nơi có thể nhìn thấy một phần của Hong Kong trong những ngày đẹp trời (PeterPan sẽ đề cập trong phần sau của topic). Địa Vương là cái tên mà PeterPan đã dùng để nói với tài xế taxi. Sau này, khi tìm hiểu thêm, mới biết rằng tên phổ biến hơn của tòa nhà cao thứ 5 Trung Quốc và thứ 9 trên thế giới này là Shun Hing Square.

ga18.jpg

Hành lang rộng thênh thang phía bên trong nhà ga.

ga20.jpg

Những nhân viên như người đàn ông này liên tục lau chùi hành lang nên lúc nào nó cũng sáng bóng.

ga21.jpg

Một tấm biển quảng cáo chương trình chào đón Noel tại Disney Land ở Hong Kong. Từ Thâm Quyến sang địa phận Hong Kong rất gần, chỉ mất ít phút đi xe mà thôi.

ga19.jpg

Cận cảnh khách sạn 5 sao Shangrila Thâm Quyến với nhà hàng quay ở trên đỉnh (thực khách có thể vừa thưởng thức món ăn, vừa từ từ ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Thâm Quyến từ trên cao).
 
Nói không với hàng nhái

Cũng giống như Quảng Châu, Thâm Quyến là nơi tập trung nhiều chợ và trung tâm mua sắm lớn. Nổi tiếng nhất có thể kể ra đây là chợ điện tử Hoa Cường. Tất nhiên, về độ đa dạng của mặt hàng thì chợ ở Thâm Quyến không thể bằng được chợ ở Quảng Châu, có chăng là vượt trội ở những mặt hàng có giá trị cao phục vụ cho một số ít người dư dả.

Mặc dù vậy, do đã no nê NGẮM chợ ở Quảng Châu nên PeterPan không còn thiết tha gì với chợ ở Thâm Quyến. Và nữa, PeterPan cũng không khoái hàng nhái cho nên chủ động nói không với các tiết mục Cửa Sổ Thế Giới hay Trung Hoa Cẩm Tú - những điểm đến vào loại đáng chú ý nhất của Thâm Quyến.

Cửa Sổ Thế Giới là một khu công viên có mô hình thu nhỏ của rất nhiều kỳ quan trên thế giới. Ngược lại, Trung Hoa Cẩm Tú cũng là tập hợp các mô hình thu nhỏ nhưng là của riêng Trung Quốc mà thôi. Vé vào cửa của 2 khu này đều là 120 tệ/người. Tính ra đi cả 2 nơi này thì tốn hơn 700k tiền Việt. Cá nhân PeterPan chọn phương án bắt taxi tới đứng ngoài rồi... nhìn cho biết. Sau đó, nhẹ nhàng bỏ 40 tệ để lên một chiếc tàu chạy đường ray trên cao để đi 1 vòng qua Cửa Sổ Thế Giới, Trung Hoa Cẩm Tú và Thung Lũng Hạnh Phúc (một khu vui chơi chủ yếu để phục vụ trẻ em).

Tất nhiên, chuyến tàu cũng chỉ giúp PeterPan ngó qua được 1 phần của Cửa Sổ Thế Giới và Trung Hoa Cẩm Tú (xem được hết thì các bạn Tàu lỗ to :-D), nhưng PeterPan cũng chỉ cần có vậy. Đơn giản chỉ vì không thích hàng nhái thôi.

cstg1.jpg

Kim tự tháp bằng kính trước lối vào Cửa Sổ Thế Giới, đây đồng thời là lối xuống một đường ngầm cho khách bộ hành.

cstg2.jpg

Khoảng sân rộng thênh thang phía trước công viên.

cstg3.jpg

Dù là ngày Chủ Nhật nhưng không thấy có cảnh chen lấn, đông đúc.

cstg4.jpg

Cửa Sổ Thế Giới cách khá xa ga Thâm Quyến, nếu được thì đi xe buýt hoặc tàu điện ngầm sẽ rẻ hơn, PeterPan đi taxi cho nhanh nên tốn hơn.

cstg5.jpg

Đây là chiếc tàu chạy quanh Cửa Sổ Thế Giới (khác tàu mà PeterPan đi).

cstg6.jpg

Những cái cây được tỉa công phu thành hình khối, vừa mang tính trang trí, vừa là chỗ tránh nắng hữu hiệu.

cstg7.jpg

Cận cảnh tháp Eiffel nhái.
 
@Gianker: Hì, cảm ơn bác đã động viên, PeterPan muốn góp thêm thông tin tham khảo cho mọi người mà, sẽ cố gắng bổ sung chi tiết hơn nữa :).
--------------------------------------------------------------------------
Nói không với hàng nhái (tiếp)

thct1.jpg

Đây là bản đồ chi tiết của Trung Hoa Cẩm Tú. Công viên này nằm ngay cạnh Cửa Sổ Thế Giới, chỉ đi bộ chừng 5-10 phút là tới.

thct2.jpg

Cổng chính của Trung Hoa Cẩm Tú. Tại đây, vào khoảng 17h30 hàng ngày, thường có một chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống khá hấp dẫn. Tuy nhiên, vì không có thời gian nên PeterPan không nán lại để xem được, đành hẹn lần sau.

ve1.jpg

Vì quyết nói không với hàng nhái nên PeterPan chọn phương án mua vé đi tàu trên không để dạo qua qua một lượt Thung Lũng Hạnh Phúc, Cửa Sổ Thế Giới rồi vào về Trung Hoa Cẩm Tú (nơi có ga đầu và cũng là ga cuối của một tuyến hoàn chỉnh).

canh2.jpg

Trong suốt hành trình dài khoảng 30 phút, đoàn tàu gồm 3 khoang sẽ dừng lại tại các ga nhỏ dọc đường để đón thêm hoặc trả bớt khách.

canh4-1.jpg

Ga đầu và cũng là ga cuối hành trình khép kín của đoàn tàu trên không nằm đối diện với cổng chính của Trung Hoa Cẩm Tú.

canh1.jpg

Đoàn tàu đang chạy ngang một đại lộ lớn và song song với một cây cầu vượt rất đẹp dành cho người đi bộ.

canh3.jpg

Một khu vui chơi dành cho trẻ em nằm trong công viên Thung Lũng Hạnh Phúc.
 
Tháp Địa Vương

Cảm thấy vừa đủ với Cửa Sổ Thế Giới và Trung Hoa Cẩm Tú theo kiểu lướt lát cho biết, PeterPan lại bắt taxi ngược trở lại quận La Hồ để trèo lên tháp Địa Vương - tòa nhà cao thứ 5 tại Trung Quốc và thứ 9 trên thế giới. Trước khi tòa nhà CITIC Plaza được khánh thành tại Quảng Châu vào năm 1997, tháp Địa Vương chính là tòa nhà cao nhất tại Trung Quốc.

Thực ra, việc xếp hạng độ cao của các tòa nhà cũng có rất nhiều tiêu chuẩn đánh giá và thậm chí chính trang bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia cũng bị mâu thuẫn ở những phần nội dung liên quan. Trong bảng xếp hạng chi tiết các tòa nhà chọc trời, Wikipedia lại xếp tháp Địa Vương đứng thứ 13 tại Trung Quốc và thứ 14 trên thế giới.

Tòa tháp còn có tên Shun Hing Square này cao 384m. Khi còn trong quá trình xây dựng, tốc độ lên tầng của tòa tháp này là 4 tầng trong vòng 9 ngày. Toàn bộ tòa tháp là một tổ hợp gồm tháp đôi chính 69 tầng là nơi có các văn phòng cho thuê và một tòa nhà phụ 35 tầng là nơi có các căn hộ cao cấp, bãi đỗ xe, trung tâm mua sắm...

Để lên được tầng cao nhất của tháp Địa Vương (tầng 69), PeterPan bỏ 60 tệ để mua vé ở quầy ngay cửa chính dẫn vào tháp. Sau khi có vé, bạn sẽ được các nhân viên nữ dẫn tới thang máy và thao tác hộ luôn. Thang máy dành riêng cho khách du lịch được lập trình chạy qua 2 chặng, chặng đầu lên tới tầng 40 rồi đổi thang máy khác (sẽ lại có nhân viên chỉ dẫn tận tình), chặng thứ hai lên tới tầng 69 - nơi có Meridian View Centre dành cho du khách ngắm toàn cảnh thành phố Thâm Quyến (và có thể cả một phần của Hong Kong trong ngày đẹp trời).

diavuong1.jpg

Trên đường tới tháp Địa Vương, Peter đi qua Trung tâm Tài chính Thế giới (tòa nhà dạng tháp ở chính giữa ảnh).

diavuong3.jpg

Tháp Địa Vương nổi bật với màu xanh thu hút.

diavuong2.jpg

Trung tâm mua sắm ở nằm trong tổ hợp tháp Địa Vương.

diavuong4.jpg

Cận cảnh Tháp Địa Vương.

diavuong7.jpg

Từ tầng 1 lên tầng 40, rồi lại từ tầng 40 lên tầng 69...

diavuong5.jpg

... bạn sẽ tới được Meridian View Centre.

diavuong6.jpg

Ngay lối vào khu vực ngắm cảnh có tượng sáp của Đặng Tiểu Bình và Margaret Thatcher với bối cảnh là cuộc gặp gỡ giữa 2 cựu nguyên thủ quốc gia của Trung Quốc và Anh để bàn về việc trao trả Hong Kong.
 
Tháp Địa Vương (tiếp)

Tầng 69 của tháp Địa Vương được thiết kế theo kiểu một căn phòng lớn hình tròn với các cửa kính lớn để du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Thâm Quyến. PeterPan tới đây đúng vào một ngày nhiều mây nên không được ngắm một phần của Hong Kong - điều chỉ có trong những ngày trời quang mây tạnh.

Ngắm thành phố về đêm hẳn sẽ lung linh và hấp dẫn hơn nhưng PeterPan phải trở lại Quảng Châu vào buổi tối nên chỉ có phương án duy nhất là ngắm toàn cảnh Thâm Quyến vào khoảng 15 giờ.

Trước khi dành thời gian ngắm Thâm Quyến từ độ cao gần 400m, PeterPan dạo một vòng Meridian View Centre. Đây là một tổ hợp gồm nhà hàng, phòng trưng bày lịch sử phát triển của thành phố Thâm Quyến (và cả người anh em gần gũi là Hong Kong), phòng chiếu phim về các thành tựu của Thâm Quyến...

diavuong8.jpg

Bỏ 2 tệ vào một cái khe trên thân ống nhòm này, bạn sẽ được sử dụng thoải mái trong... 15 phút.

diavuong9.jpg

Mô hình tháp Địa Vương và khu vực xung quanh.

diavuong10.jpg

Mô hình robot trong phòng trưng bày của Meridian View Centre.

diavuong11.jpg

Mô hình một góc của Hong Kong...

diavuong12.jpg

... còn đây là một góc của Thâm Quyến.

diavuong13.jpg

Giống như người Quảng Đông nói chung và người Hong Kong, dân Thâm Quyến cũng rất khoái môn đua ngựa (tất nhiên là phải có thêm cá cược).

diavuong14.jpg

"Cây tình yêu", các bạn trẻ sẽ để lại những lời nhắn yêu thương tại đây.
 
Em có xem bác ạ. Cứ khoảng 20 phút là nhân viên nó đi gom hết du khách một lượt vào phòng chiếu phim. Nội dung phim thì em không hiểu hết một cách chi tiết vì không rành tiếng Trung. Với vốn từ ít ỏi của em thì nó là những đoạn phim nhỏ nói về thành tựu phát triển kinh tế vượt bậc của Thâm Quyến, từ một làng chài nhỏ nằm cạnh Hong Kong thịnh vượng trở thành một đối trọng ngày một tương xứng hơn với đất Hương Cảng.

Em cũng định chụp lại mấy tấm ảnh nhưng phòng thì tối om (phòng chiếu mà :D) còn chất lượng phim và kỹ thuật chiếu thì không ổn lắm (cái này hơi bất ngờ) nên ảnh lên không ổn (cũng có thể em chưa biết chụp trong điều kiện thiếu sáng trầm trọng như vậy). Thế nên, chỉ có mỗi một cái ảnh sau đây là tương đối nhất :shrug:.

diavuong15.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,144
Bài viết
1,173,968
Members
191,971
Latest member
anhthwu
Back
Top