What's new

[Chia sẻ] Thổ Nhĩ Kỳ - trong lòng Tiểu Á

Đã có quá nhiều topic về TNK và đều được người viết phân loại châu Âu. Riêng tôi, xin được nhìn nhận TNK thuộc về châu Á vì về phương diện địa lý, phần lớn lãnh thổ của TNK cũng nằm trọn trên vùng bán đảo Tiểu Á. Và quan trọng hơn hết, là để được thấy nơi đó gần hơn và thân thuộc hơn.

Hình ảnh những buổi chiều có hải âu bay trên bến cảng Bosphorus từ thuở thiếu niên nhi đồng, khi mà chẳng có gì đọc ngoài "Con cái chúng ta giỏi thật" hoặc "Những người thích đùa". Đùng một cái, Air Asia mở chặng KL-Tehran, một khi chạm đến giấc mộng Ba Tư thì giấc mơ về chuyến phà Á Âu giữa hai lục địa không còn là chuyện hoang đường. Một hành trình hai điểm đến, giờ nghĩ lại vẫn như một giấc mộng đêm hè, tròn đầy và mãn vị.

Sẽ kể về Iran bằng một topic riêng. Tấm tình dành cho Thổ Nhĩ Kỳ xin được trút tại đây.

Nói sơ về hành trình trên đất Thổ, có tổng cộng 12 ngày đi qua Istanbul, Safranbolu, Capadoccia, Antalya, Pamukkale, Selcuk. Vào Thổ từ Isfahan của Iran bằng Turkish Airlines, ra khỏi Thổ bằng Kuwait Airlines ở Istanbul để về Bangkok. Di chuyển giữa các điểm đều bằng xe bus đêm, chỉ một chặng Pamukkale-Selcuk bằng train. Cứ một đêm ngủ trên mặt đất, một đêm lại ngủ trên xe bus.

Ai cũng hỏi câu duy nhất khi nghe tin tôi đi TNK "không sợ IS hả?". Sợ chứ, nhưng xét cho cùng thế giới bây giờ là phẳng, mọi nơi trên thế giới này đều hứng chịu một rủi ro về khủng bố như nhau. Khoảnh khắc sợ hãi hoang mang nhất của cả chuyến đi là tại bến xe Ankara. Từ Safranbolu đi Goreme không có xe đi thẳng và phải transit tại Ankara, nửa đêm cả bọn nằm co ngủ trong bến xe thì đặc vụ ngầm đến soát xét anh chàng Đài Loan ngồi bên cạnh, lục lọi thẩm vấn mãi rồi họ bỏ đi. Tưởng sao, lên chuyến xe tiếp theo đi Goreme, anh chàng đó ngồi sát ngay bọn mình. Lòng thầm nghĩ, anh ơi anh có bomb thì đợi đến chỗ nào đông người hãy kích hoạt nha, trên xe bus này không có mấy người đâu :)). Rồi mấy ngày tiếp theo tại Goreme, lang thang đến chỗ nào cũng gặp lại anh chàng đó, cũng rất là thân thiện, cười chào hỏi bọn mình liên tục.

Từng nơi chúng tôi đi qua, đều mang một phong vị khác nhau, đủ để chúng tôi ồ à xuýt xoa, và luôn rộn ràng vì niềm vui được nhìn thấy, được trải nghiệm tại những vùng đất mới. Istanbul lộng lẫy, Goreme đẹp lạ lùng, Safranbolu dễ thương hiền hòa, Antalya khoáng đạt, Pamukkale bồng bềnh và Selcuk hoài niệm. Người TNK làm du lịch khá tốt, lại đang trong thời điểm họ cần vực dậy nền du lịch của họ sau 2 năm khủng hoảng nên khách du lịch được hưởng lợi khá nhiều trong giai đoạn này. Khách sạn giá rẻ, ăn uống cũng rẻ, dịch vụ lại có sẵn rất nhiều để lựa chọn.

Yêu thích nhất góc phố này, khu Sultanameh, đường lát đá vào đến tận cửa nhà, có xe bán bánh mì vòng rắc mè simit, lại có tàu điện lanh canh chạy xuyên suốt. Mua cho mình ly cafe rồi ngồi nơi góc phố, cảm thấy Istanbul thật lắng đọng và êm đềm dù vẫn luôn nhộn nhịp người lại qua.

 
Last edited:
Ngắm nhìn cho kỹ nha các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng, cột đá cẩm thạch lại có các chi tiết đầu cột bằng kim loại chạm lộng tinh xảo



Hai tấm phù điêu này, là một khẳng định rõ ràng nhất về sự hiện diện của Hồi giáo tại đây, bên trái là Muhammad và bên phải là Allah



Lối đi của sảnh trên lầu, bảo tàng tranh ảnh nghệ thuật nơi các tác phẩm được trưng bày chính tại nguyên xứ



Các bức tranh mosaic, mỗi bức tranh là một câu chuyện. Có thời gian bị chôn vùi sau lớp vôi vữa nên đã bị hư hỏng ít nhiều





Kiệt tác, và những bức ảnh không thể nào tải nổi vẻ đẹp thực sự của nơi này

 


Đã đến lúc ngắm nhìn Istanbul đẹp qua một lăng kính khác, bằng sắc màu của thiên nhiên và hoa lá. Chớm xuân sang, mọi bước chân quanh Istanbul đều được đón chào bằng sự ưu ái của các loài hoa. Hoa ngập lối đi, hoa tràn đáy mắt. Và chúng tôi cứ việc ngụp lặn thỏa thuê trong muôn sắc cỏ cây, không hề phải kiềm chế bản thân mỗi khi thấy những loài hoa đẹp. Thật ra thì cũng đã được thỏa mãn ít nhiều từ bên Iran vì rất nhiều hoa được trồng ngoài công cộng. Để rồi thêm một lần nữa được sờ được ngắm, Istanbul quả biết cách đối đãi "mặc khách tao nhân" bằng lễ hội hoa tulip. Nghe đồn rằng tulip ở đây chỉ thua về số lượng ở lễ hội Keukenhof, còn lại là không hề kém về chủng loại. Thú vị hơn nữa, địa điểm tổ chức nằm ở công viên Emirgan, là một điểm nằm trên hành trình của chuyến phà Bosphorus.



Hoa tulip có nguồn gốc sâu rộng trong lịch sử và bề dày văn hóa nghệ thuật của người dân TNK. Được xem là quốc hoa, là biểu tượng của vẻ đẹp và sự hoàn hảo, tulip có mặt từ tranh ảnh cho đến thơ ca, họa tiết trang phục, kiến trúc và chính các thương gia Ba Tư đã mang hoa tulip vượt eo biển sang châu Âu để rồi giờ đây châu Âu có hoa tulip. Đế chế Ottoman có cả một giai đoạn được gọi là Kỷ nguyên Tulip, với tất cả sự thịnh vượng và giàu mạnh vốn có, càng khẳng định thêm dấu ấn của loài hoa này về thành tựu và khát khao của một dân tộc.











Một đôi chụp ảnh cưới trong vườn hoa. Cô dâu đạo Hồi phương Tây đẹp lạ



Nhân tiện cho khoe dáng hình tác giả luôn

 
Các bức tranh mosaic, mỗi bức tranh là một câu chuyện. Có thời gian bị chôn vùi sau lớp vôi vữa nên đã bị hư hỏng ít nhiều




Xin góp chút thông tin với bạn.

Những lớp vữa này là người Thổ trát lên, rồi sau đó chính họ lại bóc ra.

Hồi giáo nhìn chung là phản đối việc mô tả con người và động vật, coi rằng "việc sáng tạo ra muôn loài là quyền năng của riêng Thượng Đế". Nên khi họ chiếm được công trình nào của tôn giáo khác thì họ thường phá hoặc tẩy xóa các hình tả người. Những hang động Phật giáo trên con đường tơ lụa là ví dụ, hàng ngàn mặt phật đã bị đục bỏ khi người Tân Cương chuyển từ Phật giáo sang theo Hồi giáo.

Người Thổ chiếm Istanbul và Haggia Sofia vào thế kỷ 15. Haggia Sofia là nhà thờ lớn nhất trong thế giới Thiên chúa giáo trong suốt 1000 năm trước đó. Sau khi chiếm được thì họ biến nó thành thánh đường Hồi giáo chính của mình (cho đến khi xây Blue Mosque hoặc nhà thờ Suleimaniye gì đó).

Họ không đục bỏ những hình Chúa và thánh thần trong Haggia Sofia (có thể người Hồi giáo Thổ văn minh hơn chăng; hoặc có thể họ biết họ đang đối xử với cái gì, không thể hồ đồ; hoặc họ không dám báng bổ thánh thần của Thiên Chúa giáo trong cái nhà thờ vĩ đại này, việc có thể gây ra căng thẳng hoặc chiến tranh thêm với châu Âu), mà họ chỉ lấy vữa trát kín lại.

500 năm sau, khi Attaturk quyết định không có thờ cúng gì trong Haggia Sofia nữa, mà chuyển thành bảo tàng cho tất cả mọi người được vào xem, thì người Thổ lại lọ mọ bóc từng miếng vữa ra.

Vậy là Haggia Sofia cũng chìm nổi như Kiều vậy.

(thông cảm, mình mê nó lắm, đọc bạn viết lại thấy ngứa ngáy, nên không thể không bình luận chen vào :) )
 
Vậy là Haggia Sofia cũng chìm nổi như Kiều vậy.

Thật, xét về kiến trúc tôn giáo chắc chỉ mỗi mình Hagia Sophia trầm nổi truân chuyên nhường đó. Angkor Wat cũng qua bao cuộc bể dâu từ đạo này sang đạo khác nhưng tuổi đời ít hơn, lại ở vùng sâu vùng xa nên sức hút cũng kém hơn.
 
Đối với mấy đứa quanh năm suốt tháng cày bừa ruộng vườn ở xứ nhiệt đới, thì việc được lăn lộn trong những thảm hoa tulip này quả như được lên thiên đường trong vài phút, dù khi chúng tôi đến hoa đã gần tàn do lễ hội hoa đã được gần 1 tháng. Lại thêm một lời hứa hẹn cho những đôi chân, "Keukenhof tháng 4 vào một năm nào đó nha, xem tulip Hà Lan có đẹp hơn không?"



Hoa muscari xanh biếc rất hay được sắp đặt chung với tulip, nở thành chùm nhỏ xinh nhìn như các loại berry. Màu hồng nhạt trong ảnh là một loại tulip cánh kép và nở xòe, không có dáng vẻ điển hình của tulip, nhưng cũng không kém sắc hương



Cùng là cánh kép, màu tím lại kiêu kỳ hơn hẳn



Hết vàng lại trắng



Đúng chất tulip, cứng cáp vươn cao, cho dù cánh nhọn hay cánh tròn, vẫn là khí chất rạng ngời



Chàng này đáng iu hết sức, xin phép chụp ảnh là chàng diễn luôn vậy đó



Đám hoa này đã lưa thưa sắp vãn. Công viên với rất nhiều cây cổ thụ cao to, bóng mát lý tưởng cho các cuộc picnic dạo chơi.



Mãn nhãn rồi, thôi về nhé

 
Pinky chụp hoa đẹp quá hihi...hôm nọ Gấu đi Hà Lan cuối tháng 4, tulip cũng nở to sắp tàn rùi í.

Gấu xem tulip ở Keukenhof luôn hả? Ước mơ quá, biết đến khi nào...
Ở Iran thì đắm đuối với hồng, sang TNK lại sa đà vì tulip. Đi ra đường cứ cặm cụi tìm hoa ngắm hoa, quên mất cả ngắm trai đẹp :))

đi vào tháng mấy thì sẽ trúng mùa Tulip đẹp nhất hả Pinky?

Cứ canh trong tháng 4, vừa chuyển sang xuân là tulip vào mùa, do mỗi năm xê xích một chút nên không có ngày cố định. Như năm 2017 thì Tulip Festival ở Istanbul bắt đầu từ ngày 1/4 cho đến hết tháng. Mình đến vào ngày 29/4 mà vẫn còn được bấy nhiêu đó đó :)

Kể cả ở Keukenhof cũng là khoảng thời gian này, mình thấy năm sau festival từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 5 luôn.
 
@pinky2510: Cái dáng vẻ điển hình kia của uất kim hương là lúc bạn ấy đang nở rực rỡ nhất thôi… chứ tàn thì cũng toe toét loét ấy. Ở VN… chắc do khí hậu nên bạn ấy chỉ “chúm chim” rồi chuyển qua héo queo chứ đúng đất là nở đến cỡ toe toét luôn.

Cuối tháng 4 thì là lúc tuylip khắp nơi đều tàn là nhiều rồi. Nếu đi Keukenhof thì khoảng 10-20/4 là xác suất cao nhất để ngắm hoa đẹp nhất.

Keukenhof siêu rộng, có thể đi cả ngày không hết. Nhưng nếu đến đúng lúc ~(từ cuối tháng 3 đến trước 20/4) thì ngắm hoa đẹp nhất lại ko phải là trong vườn đâu mà ở ngoài ruộng cơ. Vì trong vườn thì luôn đông khách từ sáng sớm đến chiều muộn, còn ngoài ruộng thì bạt ngàn hoa đến chân trời mà người thì chả có mấy mống luôn.

Thế nên nếu mê tuylip thì mọi người nên thu xếp đi trước 20/4, chơi trong vườn một ngày, ngủ đêm lại Lisse (làng có vườn Keukenhof) rồi hôm sau thuê xe đạp đạp một vòng các ruộng hoa trong làng ra đến biển… Thích vô cùng ấy.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top