Re: Thúc Hà (Lệ Giang), Lugu (Tứ Xuyên), Mai Lý Tuyết Sơn (Đức Khâm), Hồng Thôn (An H
TỈNH AN HUY
HỒNG THÔN – THÔN TRONG TRANH TRUNG QUỐC
Nếu bạn chỉ có đủ thời gian du lịch một tỉnh của Trung Quốc thì An Huy (Anhui) nên là sự lựa chọn đầu tiên. Và đã đến đây, nếu bạn là một người yêu thích làng cổ ngàn năm tuổi thì không thể nào không ghé thăm Hồng Thôn (Hongcun).
Nằm cách thành phố Đồn Khê (Tunxi) khoảng 65km, làng cổ Hồng Thôn, di sản văn hóa thế giới, được xây dựng từ năm 1131 và phát triển hưng thịnh vào những năm 1401 - 1620 và 1796 -1908. Hiện nay làng vẫn còn bảo tồn tốt khoảng 137 nhà cổ theo kiến trúc các đời Minh, Thanh.
Trong khi không ít cổ thành, cổ trấn trên đất Trung Quốc đã bị thương mại hóa nặng nề với những đoàn khách du lịch như một rừng người tấp nập qua qua lại lại, cười nói bi bô từ sáng đến tối thì Hồng Thôn vẫn còn giữ được cho mình một nhịp sống tĩnh lặng vốn có của làng cổ gần ngàn năm tuổi, khiến những người đam mê xê dịch cũng muốn dừng bước để tự hỏi mình có nên tiếp tục hành trình hay nán lại chốn này!?
Ấn tượng đầu tiên khi men theo đường dẫn phía Nam vào làng cổ là một hàng đại thụ trên 400 năm tuổi nghiêng mình soi bóng mặt hồ xanh; một chiếc cầu đá hình bán nguyệt đã lên màu thời gian chia đôi mặt hồ; xa xa là dãy núi Lôi Cương mơ màng và đây đó khắp nơi dưới những tán lá xum xuê các bạn trẻ với cọ vẽ và màu nước như quên bẵng không gian xung quanh, chỉ chăm chú ghi lại cho được vẻ đẹp của ngôi làng trong nắng sớm.
Qua cầu, vào làng, đôi chân lữ khách như vô định, thả bước tự do trên những con đường nho nhỏ uốn cong; men theo những bờ tường đá sỏi rêu xanh; lặng ngắm những mái ngói xô nghiêng cao thấp; rồi bất chợt dừng chân trước một ô cửa tràn ngập ánh sáng hay một khóm dây leo hoa vàng tươi thắm để nhận ra lòng thật bình yên.
Du khách cũng sẽ bắt gặp những chiếc cửa gỗ đơn sơ bên trên phủ đầy rơm rạ, nơi mở ra những vườn rau xanh mướt như thể đưa người ta trở về một ngày xưa nào đó khi con người vừa mới biết định cư bằng nhà. Rồi khắp làng là hình ảnh người dân sinh hoạt bình thường như trăm năm trước: giặt giũ, làm cá bên hồ; ngồi nhặt rau trước cửa nhà; phơi đậu trong sân; chở hàng bằng xe ngựa cọt kẹt; vo gạo, rửa trái cây bên dòng nước mát chảy men theo bờ tường…
Một phần lớn thu nhập của dân trong làng đến từ trồng và chế biến trà. Trong đó Thái Bình Hầu Khôi (太平猴魁: tàipíng hóukuí) được chế biến tại đây là một trong những danh trà nổi tiếng nhất Trung Quốc. Sau một ngày lang thang làng cổ, nếu mệt du khách có thể ghé lại một nhà dân vừa nghỉ ngơi vừa tận mắt chứng kiến cách sao trà cũng như từ từ nhâm nhi thưởng thức.
Một lần đến với Hồng Thôn để biết rằng rồi mình sẽ có ngày trở lại!
ĐI THẾ NÀO:
Từ bến xe buýt công cộng gần ga tàu lửa thành phố Đồn Khê bắt xe đi bến xe Quận Yi (黟县 – Yixian). Giá vé 12.5Tệ (tương đương 38000VND). Xe khởi hành khi đủ khách với nhiều chuyến trong ngày từ sáng sớm. Đến bến xe Quận Yi, đổi xe ngay tại bến đi Hồng Thôn, giá vé 2 Tệ. Chiều về tương tự.
Lưu ý chuyến xe muộn nhất từ Hồng Thôn về Đồn Khê khoảng 4 giờ chiều (Nên kiểm tra lại với nhà xe ngay khi đến Hồng Thôn)
Ở:
Thành phố Đồn Khê có nhiều khách sạn, nhà nghỉ với giá cả phải chăng, là nơi xuất phát cho chuyến tham quan làng cổ Hồng Thôn một ngày. Trong đó nhà nghỉ Koala, số 58 đường Bắc Hải, cách ga tàu lửa thành phố Đồn Khê khoảng 5 phút đi bộ là sự lựa chọn hàng đầu cho những du khách thích đi du lịch bụi một mình. Phòng nhiều giường sạch sẽ, dạng ký túc xá. Giá một giường/đêm là 30 Nhân Dân Tệ, máy lạnh và nước nóng, Internet 2 Nhân Dân Tệ/giờ.
ĂN VẶT TRONG LÀNG:
Nổi tiếng có bánh đậu đỏ, bánh mè với giá 2 Tệ/cái; đùi vịt/gà quay rồi hấp với trà 6 Tệ/đùi
VÉ THAM QUAN HỒNG THÔN: 104Tệ/ngày
THỪA CHÍ ĐƯỜNG
Trong số 137 công trình kiến trúc còn bảo tồn tốt trong làng cổ Hồng Thôn, nổi tiếng nhất là công trình Thừa Chí Đường (承志堂:Cheng Zhi Tang) được xây dựng vào năm 1855, dưới thời vua Hàm Phong, triều Thanh. Công trình này có diện tích 2100 m2, bao gồm 28 phòng lớn nhỏ với một hồ nước, một nhà bếp, một vườn cảnh… Nhiều hình tượng được chạm khắc tuyệt đẹp trên các cột, xà, cửa gỗ và được mạ vàng óng ánh. Chính những điều trên đã giúp cho Thừa Chí Đường nhận được vinh dự :” Bảo tàng cung điện dân gian Trung Quốc”.
TBC