Re: Thúc Hà (Lệ Giang), Lugu (Tứ Xuyên), Mai Lý Tuyết Sơn (Đức Khâm), Hồng Thôn (An H
Lâm viên Tô Châu: LƯU VIÊN (Lingering garden)
KHI TẠO HÓA GHEN TỊ
Nhà thiết kế và nghệ nhân tài hoa Trung Quốc đã "chở" thiên nhiên về nhà, tạo lập nên những kiệt tác lâm viên mà vẻ đẹp của chúng làm cho cả tạo hóa cũng phải ghen tị!
Có vô số lâm viên trên khắp đất nước Trung Quốc, riêng Tô Châu có khoảng 200. Nhà văn hiện đại nổi tiếng Diệp Thánh Đào (1895 - 1988) đã nhận xét các lâm viên Tô Châu là tiêu bản của các lâm viên khác trên đất nước của ông. Do đó nếu ai muốn thẩm định và thưởng thức lâm viên Trung Quốc thì không nên bỏ qua lâm viên Tô Châu.
Bài viết xin giới thiệu một trong bốn lâm viên được tổ chức UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới vào năm 1997: Lưu Viên
Lưu Viên được tạo lập vào năm 1593 với trên 26 hạng mục công trình lớn nhỏ. Chủ nhân lâm viên cùng những nhà thiết kế và nghệ nhân đã dựa vào địa hình cụ thể, tự mình suy nghĩ ra những ý tưởng cách thức độc đáo xây dựng Lưu Viên thành một bức tranh hoàn mỹ, làm cho người dạo chơi dù đứng ở bất cứ góc độ nào thì vẫn có cảm tường như đang ở trong tranh vậy.
Kiến trúc Trung Quốc, từ cung điện cổ đại đến nhà ở cận đại, tuyệt đại bộ phận là đối xứng, bên trái như thế nào thì bên phải cũng như thế ấy. Lưu viên lại tuyệt đối không chú trọng đối xứng. Mỗi bước đi trong Lưu viên mang lại cho người thưởng ngoạn một cảm xúc khác nhau nhờ sự sắp đặt, bày trí các hạng mục không trùng lắp. Các nhà thiết kế đã rất coi trọng bố cục các hạng mục, đặc biệt là đình đài hiên tạ, chú trọng sự phối hợp của hòn non bộ và hồ nước trung tâm, cũng như chú ý đến thứ lớp của cận cảnh và viễn cảnh. Các lối đi được thiết kế quanh co, cao thấp tự nhiên; những ô cửa sổ mộc mạc được trổ khắp mọi nơi, tuy đóng mà mở, qua các ô cửa là những không gian sắc màu khác nhau tạo cho cảnh vật hiện ra có bề sâu, nhiều tầng lớp...
Việc trồng trọt và cắt sửa cây cối trong Lưu viên cũng chú ý đến ý tứ của bức tranh. Cây cao cây thấp, tư thế cúi xuống ngẩng lên đều rất đẹp. Chủng loại cây đa dạng, từ chuối, tre trúc, thông đến các loài dây leo, cỏ hoa tạo cảm giác không đơn điệu. Không có cây được cắt sửa chỉnh chu như bonsai, cũng không có hàng cây hai bên như kiểu duyệt binh. Sắc màu cây cỏ hoa lá, đậm nhạc, mật độ dày thấp cũng khác nhau. Tất cả đều nhằm mang đến cảm giác tự nhiên tươi đẹp cho du khách thưởng ngoạn.
Lưu viên cũng là nơi dạo chơi của sắc màu. Các lối đi được lót bằng nhiều loại đá, sỏi có màu xám, cam nhạc; mái ngói mộc mạc với một màu đen xám như ngưng đọng thời gian làm nổi bật màu xanh cây lá, bầu trời. Bên khung cửa sổ, các bóng râm xen lẫn trong sắc màu xanh đậm của lá và màu vàng tươi của nắng tạo nên một cảm giác yên tĩnh thanh nhàn và "cuộc đời ấy" thật đẹp biết bao...
Dù trong ngày nắng, hay trong ngày mưa, mỗi một thời khắc Lưu viên đều có vẻ đẹp riêng. Có những không gian mở với bộ bàn ghế đá thô mộc để nhâm nhi trà. Có tiếng đàn hòa quyện trong tiếng mưa và bóng dáng người thiếu nữ bên khuê phòng. Có người họa sĩ thả hồn theo đường nét bút vẽ. Có những du khách thả đôi chân theo những ngóc ngách rêu phong. Có song mây già cành lá xù xì vươn mình trong nắng sớm...
Đến Lưu viên để thèm khác một ước muốn: chở lâm viên Tô Châu về nhà!
(Bài viết có tham khảo ý tứ trong "Đàm lâm viên Tô Châu" của nhà văn Diệp Thánh Đào)