Re: Thúc Hà (Lệ Giang), Lugu (Tứ Xuyên), Mai Lý Tuyết Sơn (Đức Khâm), Hồng Thôn (An H
Thật ngại khi bỏ dỡ topic khá lâu. Chung quy cũng vì công việc mà "cái văn" vẫn ở tận đâu đâu không khơi nguồn cảm hứng.
Sắp tháng 11, chắc Lugu đã chuyển sắc màu. Gửi đến các cô chú anh chị bài viết mới về Lugu cuối tháng 5.
LƯU LẠI Ở LUGU
LẠC GIỮA TÂY LƯƠNG NỮ QUỐC
Cảm xúc như một dòng chảy mãnh liệt xoá tan đi ranh giới của cái mà người đời gọi là đúng và sai, nên và không nên. Khi Bạch Mã đã đưa Đường Tam Tạng đi xa mà lòng tôi vẫn còn lưu lại bên khung hình cũ với hơn một lần trôi theo dòng cảm xúc “mạo phạm”: phải chi Ngài “lạc lối” trong đêm ngắm “bảo vật” mà hoàn mỹ giấc mộng của nữ vương.
Thời gian thấm thoát thoi đưa mà ước hẹn ngày xưa “nếu có kiếp sau” vẫn còn đâu đó vọng về để hôm nay tôi một mình lạc bước giữa Nữ Quốc Tây Lương.
Địa danh Tây Lương Nữ Quốc trong tiểu thuyết nổi tiếng “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân được người ngày nay cho là vùng cao nguyên hồ Lugu, nằm giữa hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên.
Mặc dù đã được đưa vào khai thác du lịch nhiều năm qua, song do địa hình trắc trở với nhiều đèo dốc, lại nằm bên rìa ngoài trục đường du lịch liên hoàn Đại Lý - Lệ Giang - Shangrila nên Lugu vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ của một vùng cao nguyên mây trời - rừng – núi - hồ xanh biếc, một thế giới tĩnh lặng gần như tách biệt với bên ngoài, để những người mê dịch chuyển như tôi ngay từ khi đặt chân đến đã phải dẹp tan ý nghĩ nó chỉ là một điểm đến để rồi đi.
Chế độ Mẫu hệ và nữ quyền tập trung; tục tẩu hôn và những cuộc tình giữa đêm; xã hội không có khái niệm vợ chồng và cuộc sống không hôn nhân… Lugu, nơi sinh sống của bộ tộc Mosuo, được ngành du lịch Trung Quốc gọi là “Thế giới của phụ nữ và thiên đường của đàn ông”. Người người tìm đến Lugu có lẽ trước hết là để tìm hiểu đời sống tình cảm chăn gối và tập quán phong tục của Tây Lương Nữ Quốc giữa thời hiện đại. Song Lugu không chỉ có thế.
Trong kế hoạch ban đầu, tôi dự định chỉ lưu lại Lugu 2 đêm song chuyến xe Lugu - Lệ Giang đã chở theo 4 ngày tươi đẹp và bình yên nhất của tôi về lại phố phường đông đúc.
Tôi nhớ cảm giác một mình giữa một căn phòng 4 giường lớn, trong một ngày khách sạn Hồ Tư chỉ có một khách nhàn du. (Husi youth hostel - 小洛水-湖思国际青年旅社)
Tôi nhớ con đường đi về hun hút, quanh co, bóng chiều tà chỉ một mình độc bước. Nơi đây, Tiểu Lạc Thủy, ranh giới giữa Vân Nam và Tứ Xuyên lâu lắm mới có một chiếc xe lướt qua. Và Tây balô ở tận đâu đó chứ gần như không hiện diện ở chốn này.
Tôi nhớ mình chưa từng có nhiều thời gian như thế để ôm vào lòng sắc màu mỗi thời khắc của ngày, của khi nắng và của khi mưa, khi bình minh và hoàng hôn, đêm xuống…
Nơi đây, cuộc sống trôi chậm hơn bên đường kim mũi chỉ của những cô phục vụ suốt ngày nhàn nhã với công việc thêu thùa. Nơi đây bữa cơm tối chỉ có vài khách trú trọ và nhân viên phục vụ khách sạn quây quần bên nhau. Nhớ ôi món ớt xanh nguyên trái xào mặn cay đến chảy mũi mà ngon đến tận cùng và tiếng cười nói làm tan cái lạnh của miền sơn cước đêm buông.
Suốt ngày hoạt động nhiều nhất của Tiểu Lạc Thủy là trong sự bất động! Thi thoảng lắm mới thấy một vài người đánh cá ven hồ mà cứ như thể một cuộc dạo chơi. Ngay cả chợ búa cũng không. Miền sơn cước hẻo lánh này chỉ có một chiếc xe chở hàng di động đến cung cấp thực phẩm cho người sống quanh đây mỗi ngày. Phần đông vẫn là hoạt động nông nghiệp tự cung tự cấp. Ngay bên cạnh khách sạn Hồ Tư cũng là một vườn rau.
Và trên bước đường “chạy” du lịch bụi với thời hạn visa cận kề sắp hết, tôi cảm thấy mình gần như cũng bất động...
.
TREKKING ĐẾN ĐẠI CHỦY
Nói đến Lugu, nhiều người thường nghĩ về hồ nước trung tâm như một tấm gương sáng xanh biên biếc và cảm giác được thả mình thư thái ven hồ. Song đã đến Lugu mà không trekking lên một ngọn núi nào đó thì thật sự là một thiếu sót.
Tôi may mắn gặp Tiểu Hàn và 10 người bạn khác đến từ các vùng miền của Trung Quốc. Chúng tôi đã thực hiện một chuyến trekking lên một ngọn núi nằm gần thôn Đại Chủy với sự hướng dẫn của một anh chàng người Mosuo. (sau đ ây gọi ngọn núi này là Đại Chủy)
Tôi từng trekking đến Yu Peng, dưới chân Mai Lý Tuyết Sơn. Nếu Yu Penh từng làm tim tôi đập loạn xạ do phản ứng ở độ cao 3700m thì đường lên Đại Chủy với những lối mòn dành cho người bản địa đi chặt củi vốn chỉ toàn đất đỏ và dốc tuột luốc thật sự là một cuộc nắn gân thú vị! Đường lên có lúc đòi hỏi phải dậm chân đạp tốc lực, đường xuống có lúc phải ở trong tư thế bò.
Càng lên cao cảnh quan càng đẹp với rừng thông trập trùng và nhiều loài hoa dại đua nhau khoe sắc thắm. Có loài hoa mỏng manh đến mức như sắp vỡ tan trong gió nhưng lại mãnh liệt vươn lên trong nắng vàng.
Càng lên cao, hồ Lugu càng trở nên diễm lệ như một viên châu. Thu vào tầm mắt cả một vùng rộng lớn với mây trời xanh ngăn ng ắt và những ngôi nhà Mosuo nhỏ tí bên cạnh những thửa ruộng vuông vắn bình yên.
Càng lên cao càng cảm thấy tự do trước đây là một khái niệm cần được định nghĩa lại khi chúng tôi vô tư như trẻ dại nằm lăn đùng trên cỏ và đắp mảnh chăn là bầu trời lồng lộng sắc xanh…
HỒ LUGU
Nằm ở độ cao 2688m so với mực nước biển, rộng 58.8 km2, nơi sâu nhất 93m, độ sâu trung bình 45m, là một trong những hồ nước ngọt trong xanh nhất trên các cao nguyên của Trung Quốc. Trong hồ có 5 đảo nhỏ. Quanh hồ là núi cao, trong đó hai ngọn núi thiêng là Cách Mẫu và Hậu Long sừng sững đứng đối diên qua hồ.