Namche Bazaar
Hơn 3h chiều chúng tôi mới chạm cửa ngõ Namche Bazaar sau rất nhiều dốc nối tiếp dốc.
Namche Bazaar là thủ phủ hành chính của khu vực Solu Khumbu, đồng thời cũng là “vương quốc” của tộc người Sherpa. Trước đây, nó đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương hàng hóa với Tây Tạng và phiên chợ ngày thứ 7 vẫn luôn thu hút rất nhiều người dân từ những vùng xa xôi đến trao đổi buôn bán, cũng như khách du lịch đến chiêm ngưỡng và tìm hiểu.
Nhiều người nước ngoài vẫn thường nhầm tưởng người Nepal đều là Sherpa, nhưng thực ra chỉ có khoảng hơn 20,000 người Sherpa trên toàn Nepal (so với dân số khoảng 30tr người). 4-5 thế kỷ trước đây, người Sherpa từ Tây Tạng đã di cư xuống phía Nam, và giờ đây làng của người Sherpa nằm rải rác quanh dãy Himalaya ở phía đông Nepal, trong đó tập trung đông nhất là ở Khumbu với thủ phủ là Namche Bazaar. Những nơi này hoàn toàn không có dấu vết của những vệt bánh xe hay bất cứ phương tiện đi lại trên đường nào. Ngoại trừ máy bay trực thăng, tất cả sự di chuyển – vận chuyển đều dựa vào đôi chân lầm lụi của con người và gia súc.
"Sau này con sẽ leo Everest"
Thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá, địa hình hiểm trở, dốc cao đã khiến cho nông nghiệp kém phát triển tại khu vực này. Người dân ở đây từ xưa sống chủ yếu bằng việc giao thương với Ấn Độ, Tây Tạng và nuôi bò yak. Tuy thế, mọi sự thay đổi kể từ sau khi Everest được công bố là ngọn núi cao nhất thế giới vào cuối thế kỷ 19. Năm 1921, Anh quốc dẫn đoàn thám hiểm Everest đầu tiên đặt chân đến đây và phát hiện ra họ có thể thuê người Sherpa trợ giúp đắc lực cho chuyến đi do sự thích nghi cơ thể đặc biệt, sự chăm chỉ, thông minh, can đảm và lành tính của họ. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi với người dân và cuộc sống vùng Solu Khumbu.
Hai thập kỷ gần đây, sau khi Nepal mở cửa lại vào năm 1949, kinh tế và văn hóa ở khu vực Khumbu đã dần dần gắn liền với sự xuất hiện của những người leo núi và thám hiểm. Người ta ước tính hàng năm có khoảng gần 20,000 khách đến khu vực này. Những người Sherpa có nhiều kinh nghiệm leo núi, đặc biệt là những ai đã lên được Everest và các đỉnh cao khác, được kính trọng và có thu nhập tốt.
Với một chuyến leo Everest trong 2 tháng, một người Sherpa có kinh nghiệm và kỹ năng tốt có thể kiếm được khoảng 3-4000$ (Chú thích: chi phí leo Everest cho 1 khách khoảng 75,000-100,000$; 1 đoàn leo sẽ cần từ 6-10 Sherpas) - 1 khoản vô cùng hấp dẫn so với thu nhập bình quân đầu người chỉ 458$/năm tại Nepal.
Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Thu nhập cao đồng nghĩa với nguy hiểm lớn. Năm 1922 trong lần thám hiểm thứ 2 của đoàn Anh quốc tại Everest, 7 người Sherpas đã bị chết trong 1 trận lở tuyết. Tính trung bình, số người Sherpa thiệt mạng chiếm khoảng 1/3 các vụ thương vong từ trước đến nay ở Everest. Thế nhưng bất chấp hiểm nguy, người ta vẫn cạnh tranh nhau để có suất đi trong bất kỳ 1 đoàn thám hiểm Everest nào.
“Nghề” leo núi cũng trở thành nghề “hot” nhất tại đây. Những người đàn ông trưởng thành và kinh nghiệm sẽ truyền lại các kỹ năng cho con cháu họ. Lớn lên chút nữa, chúng sẽ mong muốn có 1 suất trong trường đào tạo về các kỹ năng leo núi (Khumbu Climbing School). Tại đây, người ta sẽ dạy mọi điều cần thiết để trở thành 1 người hướng dẫn/ phụ việc chuyên nghiệp. Người Sherpa đã có những tố chất thiên bẩm trong việc chinh phục những đỉnh cao khắc nghiệt nhất, cái họ thiếu chỉ là kỹ năng và những chỉ dẫn để bảo đảm an toàn hơn cho bản thân, đồng đội và khách hàng của mình. Yếu tố tiền bạc quan trọng với họ, song tôi cảm thấy cái căn nguyên lớn hơn là tình yêu thuần khiết với mảnh đất họ sinh ra, nơi những đỉnh núi được tôn kính như những vị thần. Đối với họ, đó còn là cách thể hiện niềm tự hào dân tộc, giữ gìn và tiếp nối những truyền thống đáng được kính trọng từ cha ông để lại.
Giao thương và sự góp mặt của dân leo núi từ khắp nơi trên thế giới đã mang tới ngoại tệ và cho Namche Bazaar 1 bộ mặt khác. Nhiều nhà trọ, quán ăn, cửa hàng mọc lên khắp nơi ở đây. Tivi rồi internet cũng xuất hiện. Người ta cũng dần dần thay thế các bộ quần áo truyền thống bằng những bộ quần áo tiện dụng của phương Tây.
Sự thay đổi về văn hóa, môi trường không khiến cho người dân ở đây phiền lòng. Tiền mặt từ các nhà leo núi; tiền trợ giúp từ các tổ chức cứu trợ do các nhà leo núi đứng sau đã giúp xây dựng và mở rộng trường học, bệnh viện, xây cầu, mang điện và văn minh đến cho khu vực này.
Namche Bazaar cũng là nơi cuối cùng có thể “tận hưởng” sự tiện nghi như máy rút tiền, quầy đổi tiền, các tiệm ăn tây .. vv trước khi bước vào những vùng xa xôi hẻo lánh với những điều kiện ăn ở hết sức cơ bản.