What's new

[Chia sẻ] Trekking in Himalayas

Hành trình này chúng tôi đã thực hiện từ cách đây tròn nửa năm. Nửa năm qua, chẳng quá ngắn cũng chẳng quá dài, đủ để quên những thứ cần quên, và không bao giờ đủ để xóa nhòa những ký ức cần nhớ.

Những ngày cuối tháng 3, nằm trên giường bệnh và nhìn về phía ô cửa sổ, nơi những mầm xanh khẽ đu đưa trong gió, tôi gặp lại chính mình trong những ngày dài rong ruổi trên vùng thánh địa của núi non - nóc nhà của thế giới. Cũng là tôi một ngày xưa cũ, trên một chiếc giường đơn độc nơi căn phòng tối, nhìn xa xăm về những dãy núi phủ trắng tuyết và ứa nước mắt vì cơ thể yếu đuối trì trệ khiến cho giấc mơ không thành hiện thực.

Himalayas - cái tên đã trở thành tượng đài với những kẻ ưa trek, leo trèo và phiêu lưu mạo hiểm. Đối với tôi, ấy là giấc mơ lớn trong đời. Từ lâu tôi đã mơ được đặt chân lên vùng đất bất tử của những ngọn núi cao nhất thế giới, cảm nhận dư vị của biết bao huyền thoại đã đến và đi, và được trải lòng mình với tất cả sự khoáng đạt bao la của núi non đất trời.

Để tôi cảm thấy là chính tôi nhất, tự do nhất, đối lập nhất, điên rồ nhất và cũng yếu mềm nhất.


Trên đường trek đến Chukkung

dsc0728i.jpg



Me in front of a stone house

dsc0751z.jpg
 
Ngày 5: Tengboche (3900m) - Dingboche (4400m)

Dil gõ cửa phòng tôi vào 6h30. Nhìn thấy tôi, nó giật mình. Sau khi hỏi han tình hình, nó cân nhắc 1 lúc rồi bảo: “Tao gọi trực thăng đưa mày về Kathmandu vào bệnh viện. Càng đi bây giờ càng lên cao. Mày bị bệnh độ cao nặng rồi, không đi được đâu”. Tôi nằm im lắc đầu: “Tao muốn đi tiếp” và cứ lải nhải câu đó như mất hồn. Nó đành bảo sau khi ăn sáng và uống thuốc xong thì sẽ quyết định.

Dil quay ra và lát sau bưng cho tôi bữa sáng vào phòng. Bữa sáng của tôi, hay chính xác hơn là mọi bữa của tôi từ Namche Bazaar cho đến hết hành trình, chỉ có cháo và sữa. Răng đau khiến tôi không thể nhai bất cứ thứ gì trừ việc nuốt chửng. Cũng may tôi đã cẩn thận mang 3 hộp sữa Ensure từ nhà đi, và đấy chính là cứu tinh cho tôi duy trì nốt hành trình còn lại.

Ăn sáng và uống thuốc xong, tôi thiếp đi 1 lúc và tỉnh dậy vào hơn 9h sáng. Mặt trời đã lên cao, nắng rọi chói chang vào cửa sổ. Có lẽ điều đó cũng làm tôi khỏe khoắn và phấn chấn hơn. Tôi thuyết phục Dil là mình đi được tiếp, rằng chắc sự cố hôm nay chỉ là 1 bad luck, rằng nếu sau đó có bất cứ vấn đề gì thì tôi sẽ nghe nó bay về ngay lập tức. Nó đành miễn cưỡng đồng ý.

(Giờ về nhà nghĩ lại vẫn thấy mình liều) :T

Chúng tôi lên đường vào lúc 9.30 sáng, muộn hơn 2 tiếng so với lịch trình. Tôi phải đưa balo của mình cho porter đeo để không tốn thêm sức, Dil đưa tôi thêm cây gậy của nó.

Quãng đường ngày hôm nay đẹp không kém so với hôm qua. Chúng tôi tiếp tục đi qua những cây cầu vắt vẻo, dọc con sông rạt rào nước chảy, qua những phiến đá khắc kín những ký tự cổ xưa. Điểm nhấn chính và cũng đẹp nhất của đoạn đường trek này là đỉnh Ama Dablam phủ trắng tuyết sừng sững giữa nền trời xanh. Chúng tôi lại có dịp chiêm ngưỡng nàng công chúa của Himalayas một cách rõ nét với tất cả vẻ lộng lẫy. Vẻ đẹp kiêu kỳ pha lẫn hoang dại của nàng có lẽ đã làm thổn thức không biết bao kẻ lãng du, ước ao chinh phục.

dsc0505n.jpg
 
Ama Dablam

dsc0487i.jpg


Mặc dù chỉ cao chừng 6800m, nhưng Ama Dablam là một trong những đỉnh núi thách thức nhất, thậm chí độ khó về kỹ thuật còn hơn Everest và nhiều đỉnh trên 8000m. Sườn núi dựng đứng tưởng như không có chỗ đặt chân, bao bọc bởi những mảng băng hà vĩnh cửu là một sự cám dỗ khó cưỡng với những kẻ thích phiêu lưu mạo hiểm.

Bất chấp hiểm nguy, hàng năm vào mùa leo núi, vẫn có hàng chục đoàn expedition ôm mộng chinh phục Ama Dablam. Nếu như những mối đe dọa khi leo Everest hay Lhotse là độ cao (khiến việc cứu nạn cực kỳ khó khăn - trực thăng chỉ bay được đến base camp), bão tuyết, crevasses (rơi xuống những khe nứt giữa các mảng băng lớn) và những điều kiện cực kỳ khắc nghiệt nơi nồng độ oxy trong không khí chỉ bằng 1/3 so với thông thường, thì ở Ama Dablam, đa số các ca thương vong là do lở tuyết và sự bất cẩn của người leo. Ở độ cao 6800m, cơ thể người nói chung vẫn chưa cần đến sự hỗ trợ của bình oxy. Thế nhưng, việc treo mình trên những mảng băng dựng đứng và leo trong nhiều giờ liền là 1 thách thức không nhỏ đòi hỏi kỹ thuật leo trình độ cao và sức khỏe đáng nể.

Chi phí cho 1 chuyến expedition kéo dài 1 tháng đến Ama Dablam từ 8-15,000$/người tùy thuộc vào độ lớn của nhóm. Thực ra thời gian để trek từ Lukla đến Ama Dablam base camp chỉ mất 5 ngày. Hai chục ngày còn lại dành cho việc thích nghi độ cao và luyện tập. Người ta sẽ nghỉ ở base camp vài ngày, rồi leo lên Camp 1, rồi lại về base camp (theo nguyên tắc "leo cao ngủ thấp"). Sau đó sẽ lại lên Camp 1, ở lại đó 1-2 ngày, lên Camp 2 rồi lại quay lại Camp 1 hoặc base camp. Cứ dần dần như vậy đến Camp 3, Camp 4. Trong thời gian thích nghi độ cao, 1 người thường phải leo lên leo xuống giữa các camps vài lần. Sau khi cảm thấy đã thích nghi tốt và thành thục về kỹ thuật, người ta sẽ chọn ra 1 ngày (được dự báo là thời tiết đẹp) để lên đỉnh. Thông thường từ Camp 3 hoặc 4, người ta sẽ leo 1 mạch lên đỉnh và quay lại trong ngày. Các chuyến đi thường được bắt đầu vào nửa đêm để đảm bảo thời gian lên đỉnh buổi sáng và đủ thời gian cho việc leo xuống.

Bạn guide của chúng tôi không phải là người duy nhất bảo với tôi: “Everest chỉ là đỉnh cao nhất, nhưng không phải đẹp nhất, mà là Ama Dablam”.

dsc0478q.jpg


Đối với nàng, tôi chỉ dám kính nhi viễn chi. Nhưng tôi chắc sẽ rất dễ phải lòng anh chàng nào gan góc leo được lên đó :L.

Chúng tôi đến Dingboche vào khoảng 4h chiều, mây mù ngày càng rơi xuống thấp, phủ kín mọi thứ trong màn sương mờ đục. Trời lạnh buốt và gió. Chúng tôi chui vào nhà trọ của mình, mỗi đứa làm ngay cốc trà nóng. Mặc dù Dingboche ở độ cao hơn Tengboche, song cơn đau đầu của tôi có vẻ đã thuyên giảm.

Dil quyết định chúng tôi sẽ dành 1 ngày thích nghi độ cao ở Dingboche để chuẩn bị cho Island Peak.
 
Không biết nói gì ngoài 2 chữ tuyệt vời. Cám ơn bạn rOsy rất nhiều và mong từng ngày để đọc tiếp hành trình của bạn :)
 
Mong chờ bài viết tiếp theo của chủ thớt. Chủ thớt có thể chia sẻ sâu hơn về quãng thời gian tập luyện, lựa chọn thời điểm đi cho thích hợp được không. Theo mình được biết hàng năm cũng có nhóm leo đỉnh trên 5400 m(dành cho dân bán chuyên) với thời gian chuẩn bị trên 6 tháng và chi phí cũng khá lớn.
 
Ngày 5 (tiếp)

1 stupa trên đường đến Dingboche

dsc05011c.jpg



Những phiến đá này khắc kín những ký tự tiếng Phạn, chủ yếu là Om mani padme hum

dsc05041o.jpg



Đoàn bò Yaks trên đường trek và Dingboche ở phía xa

dsc05131b.jpg
 
Mong chờ bài viết tiếp theo của chủ thớt. Chủ thớt có thể chia sẻ sâu hơn về quãng thời gian tập luyện, lựa chọn thời điểm đi cho thích hợp được không. Theo mình được biết hàng năm cũng có nhóm leo đỉnh trên 5400 m(dành cho dân bán chuyên) với thời gian chuẩn bị trên 6 tháng và chi phí cũng khá lớn.

Chào bạn, tớ sẽ chia sẻ các thông tin về chuyến đi của tớ ở gần cuối topic này nhé. Nói chung là chi phí ko quá lớn đâu. Đây là quãng đường trek rất rất đẹp và hy vọng sau tôpic này sẽ có nhiều người lên lịch cho chuyến đi :)
 
Ngày 6: Thích nghi độ cao ở Dingboche (4400m)

Như vậy, chúng tôi có 1 chút thay đổi so với lịch trình ban đầu. Dil nói nếu trek đến EBC trước rồi quay về leo Island Peak thì e rằng sức khỏe của chúng tôi đã bị hao tổn, trong khi leo Island Peak (6189m) không phải chuyện đùa. Vì vậy hiện giờ khi chúng tôi còn dẻo dai thì nên leo IP trước rồi trek đến EBC sau. Chúng tôi nhất trí với sự sắp xếp của Dil

Chúng tôi sẽ dành 1 ngày thích nghi độ cao ở Dingboche. Ngày hôm sau sẽ trek lên Chukkung (4900m). Ngày kia sẽ trek đến Island Peak base camp (5200m) và đêm hôm đó sẽ bắt đầu leo lên Island Peak

mapebctrek1.jpg

Ngôi làng Dingboche có khoảng dăm chục nóc nhà, vây quanh bởi các ngọn núi cao trên 5000m, quanh năm tuyết phủ. Hầu hết người dân ở đây kinh doanh nhà nghỉ và các dịch vụ cho du khách. Ngoài ra, họ còn trồng khoai tây, cà rốt và bắp cải. Vào mùa du lịch (từ tháng 9 đến hết tháng 11 và từ tháng 2 đến tháng 5), khu vực này lúc nào cũng nhộn nhịp dân trek và leo núi nườm nượp qua lại. Song vào mùa vắng khách, người ta đa số về lại Lukla hoặc Kathmandu ... nghỉ ngơi để chờ đến mùa có khách tiếp theo.

Du lịch chính là nguyên nhân khiến cho Dingboche ra đời và phát triển. Trước kia khi chưa có nhiều khách, Namche Bazaar chỉ là một thị trấn nhỏ với khoảng 15-16 nóc nhà; Tengboche chỉ có mỗi tu viện; còn Dingboche thâm chí chưa hình thành. Lượng khách đông đảo đã góp phần làm trù phú thêm làng mạc và hình thành nên những ngôi làng nhỏ dọc đường trek đến Base camp và các đỉnh núi khác trong vùng để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách.

Dọc đường trek đến Dingboche, chúng tôi bắt gặp những người porters cõng trên vai những súc gỗ lớn nặng dễ đến trăm ký nặng nhọc đi lại. Thế mới biết, để đẽo đá và xây lên được những ngôi nhà, những con đường; canh tác được những mảnh ruộng ở nơi thời tiết khí hậu khắc nghiệt thế này là một khối lượng công sức và thời gian khổng lồ.

Theo nguyên tắc thích nghi độ cao "leo cao ngủ thấp", hôm nay chúng tôi sẽ trek lên một đỉnh núi cạnh làng cao khoảng 5000m rồi chiều sẽ về lại Dingboche để ngủ.

Trên đường leo, chúng tôi bắt gặp hàng chục dải cờ phướn đủ màu sắc bay phần phật trong gió. Trên núi, chúng tôi còn trông thấy những stupa với khuôn mặt Phật và con mắt thứ ba nhìn về bốn phía. Từ đây, có thể bao tầm mắt đến khắp các đỉnh núi “nổi tiếng” trong vùng.

dsc0618lt.jpg


Dil chỉ cho chúng tôi Island Peak – đỉnh núi chúng tôi sẽ chinh phục ngày hôm sau. Thời tiết hôm nay rất đẹp, dự báo ngày mai cũng vậy, nên tôi cũng thấy yên tâm hơn phần nào. Bên phải nó là một đỉnh thiêng có hình dạng giống như Kailash bên Tây Tạng. “Không ai được phép lên trên đỉnh núi đó. Đến bọn chim cũng không bay qua đây” – Dil nói, “bọn nó bay vòng sang chỗ khác”. Bên trái Island Peak là Lhotse – đỉnh núi cao thứ 4 thế giới. “Đã có rất nhiều người bỏ mạng khi leo ngọn núi này”.

Ngay trước mặt chúng tôi lại là Ama Dablam, tuy nhiên ở một góc nhìn khác. “Giờ này năm ngoái có 1 chiếc trực thăng đâm vào đây”, Dil kể cho tôi. “Có 2 người leo núi Nhật Bản bị mắc kẹt khi đang leo lên. Họ không di chuyển được và phải gọi trực thăng cứu hộ, song chiếc thực thăng xấu số ấy khi loay hoay tiếp cận hai người gặp nạn đã va phải vách núi và nổ tung”. “Vậy rốt cuộc hai người Nhật Bản đó có được cứu không?” – tôi hỏi. “Có chứ, một chiếc khác đến và cứu họ”.
 
Ngày 6 - Thích nghi độ cao (tiếp)

Lhotse, Island Peak và đỉnh núi thiêng nhìn từ trên đường trek lên ngọn núi gần Dingboche

dsc06241psd.jpg



Island Peak close - up

dsc0613a.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,057
Members
192,337
Latest member
Corinamith4
Back
Top