Báo QDND hôm nay, mình sẽ cố gắng hoàn tất số sách ebook về các đảo xong in rồi gửi ra cho các anh. Mình sẽ in 16 cuốn Nhà giàn DK gửi tặng các nhà giàn, bạn chauha có biết chổ nào để gửi cho DK không? Vì hình như tiếp tế cho DK là từ Vũng Tàu
---------------------------------------------
Văn hóa “đọc, nghe, nhìn” ở Trường Sa
Không còn cảnh “cây đàn ghi ta một dây”, “cả đảo đọc nhàu một tờ báo”, nhờ sự quan tâm “cả nước vì Trường Sa”, đời sống văn hoá - tinh thần ở Trường Sa giờ đây còn “thiếu” nhưng không... “nghèo”. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều việc phải làm với những câu chuyện chưa hề cũ về đọc, nghe, nhìn...
Tủ sách Trường Sa - thừa và thiếu
Hệ thống viễn thông đã giúp cải thiện đời sống văn hóa ở Trường Sa.
Một trong những vấn đề mà đoàn công tác của Tổng cục Chính trị do Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục dẫn đầu ra thăm, kiểm tra tại quần đảo Trường Sa tháng 4-2009 rất quan tâm là tủ sách của bộ đội và nhân dân Trường Sa có gì? Thật mừng vì 100% các đảo hiện nay đều đã có tủ sách, cỡ hơn một trăm đến vài trăm cuốn các loại. Song, vẫn còn nhiều khoảng trống. Đại úy Nguyễn Tất Thắng, trợ lý thanh niên Đoàn M46, nguyên là Chính trị viên đảo Tiên Nữ là một người ham đọc sách. Trở lại đảo Tiên Nữ lần này, anh thấy số lượng sách có tăng lên, nhưng chưa nhiều. Thắng “bật mí” cho chúng tôi một loại sách mà bộ đội Trường Sa còn “khát”, đó chính là sách viết về… Trường Sa. Trước kia, anh em ra Trường Sa làm nhiệm vụ nhưng vốn văn hóa về Trường Sa lại rất “khiêm tốn” vì sách về Trường Sa chưa nhiều. Năm 2007, Quân chủng Hải quân đã có một sáng kiến rất hay giúp khỏa lấp một phần khoảng trống ấy là xuất bản bộ sách gồm mấy chục sách nói về truyền thống của từng hòn đảo, sau đó in, phát cho tất cả các điểm đảo. Tuy nhiên, những cuốn sách văn học nổi tiếng viết về Trường Sa như Đảo chìm của Trần Đăng Khoa, Hoàng hôn màu lá mạ của Chu Lai thì qua khảo sát của chúng tôi, khá nhiều điểm đảo lại chưa thấy có. Sách tư liệu nói về chủ quyền Trường Sa – Hoàng Sa như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí hay công trình nghiên cứu khá nổi tiếng của Tiến sĩ Nguyễn Nhã về Hoàng Sa - Trường Sa cũng chưa thấy có ở đảo. Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng nhận xét: “Sách về luật pháp khá nhiều trong khi sách về văn học, giải trí lại còn ít. Nơi đảo xa thiếu thốn, gian khổ, bộ đội cần sách để học tập, nâng cao trình độ nhưng cũng rất cần những loại sách để bồi đắp tâm hồn”.
Loại sách về lập thân lập nghiệp, dạy nghề, học nghề… khá thiết thực với bộ đội Trường Sa cũng còn ít. Nhiều đảo đã có nhà văn hóa, nhưng sách hướng dẫn cách làm ăn, sản xuất, đánh bắt hải sản phục vụ dân trên đảo… lại chưa có.
Khoảng trống nghe, nhìn
Hiện nay, sóng Đài Truyền hình Việt Nam đã phát liên tục trên 6 kênh tại các đảo. Bộ đội và nhân dân hằng ngày đều được xem ti-vi, nắm mọi tin tức thời sự từ đất liền. Ở đảo chìm Tiên Nữ, nằm ở cực đông xa nhất của Tổ quốc, Đại úy Hoàng Anh Tuấn, Chính trị viên cho biết: Các đảo bây giờ đều không thiếu ti-vi, đảo nào cũng có hẳn một cái dự phòng khi nước biển xâm hại, ti-vi hỏng mà chưa có tàu ra thì bộ đội vẫn có để xem ngay. Song điện sinh hoạt phải phát máy nổ, mỗi ngày chỉ 5 giờ (buổi trưa 2 giờ, buổi tối 3 giờ) nên thời gian xem ti-vi quá ít. Lúc này, chính chiếc ra-đi-ô mới là người bạn thân thiết, hữu dụng, giúp anh em nghe tin, nghe nhạc giải trí mọi lúc mọi nơi. Hệ thống dàn ka-ra-ô-kê thì đảo nào cũng có nhưng cũng không dễ đáp ứng nhu cầu vì… thiếu điện.
Gần nửa tháng đi tới nhiều đảo ở Trường Sa, thêm một điều khiến tôi thực sự bất ngờ là khảo sát hàng chục điểm đảo, chỉ duy nhất 2 đảo có… máy vi tính, mà cũng là máy của cá nhân do anh em bộ đội tự mang ra. Một chiếc máy tính xách tay ở đảo Núi Le do Trung úy, bác sĩ Trần Văn Phúc mang ra, một chiếc nữa ở đảo An Bang là máy để bàn do Đại úy Nguyễn Văn Trương “cõng” ra theo tàu, phục vụ trực tiếp cho việc quản lý tài chính của anh. Nhờ hai chiếc máy này, anh em trên đảo có thêm niềm vui mới: Nghe nhạc, học tin học, đọc sách điện tử. Như chiếc máy của Phúc, có tới hàng nghìn cuốn sách trong ổ cứng, nhiều hơn cả tủ sách trong đơn vị, anh em ai cũng thích...
Bài toán không khó
Tất nhiên, không thể đòi hỏi Trường Sa phải như một thư viện tổng hợp nhưng rõ ràng vấn đề sách cho Trường Sa cần được quan tâm hơn. Đã có nhiều đơn vị tặng sách cho Trường Sa với tấm lòng đáng trân trọng. Song không phải không có lúc, có nơi người ta tặng mà chưa tính đến nhu cầu, sở thích của bộ đội. Nghe nói, đã từng có một cơ quan, gửi tặng Trường Sa hàng ngàn quyển sách dạy học tiếng Nga. Đành rằng sách là quý, nhưng trong điều kiện đảo xa, nên tặng cái gì thiết thực trước.
Lãnh đạo Viện Khoa học – Công nghệ quân sự kiểm tra chất lượng thiết bị viễn thông.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Bạch Nhật Hồng, Phó viện trưởng Viện Khoa học – Công nghệ quân sự, một trong những người tham gia dự án xây dựng mạng lưới phát sóng FM ở Trường Sa ngay từ những ngày đầu cho biết: Sóng yếu do công nghệ cũ và do khí hậu biển xâm hại nên cần được nâng cấp. Hiện chúng ta đã có hệ thống vệ tinh VINASAT với cấu phần dành riêng cho lĩnh vực quân sự nên hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề sóng phát thanh cho quần đảo bằng nhiều cách: Nâng cấp hệ thống, lập trạm chuyển tiếp sóng.
Đồng chí Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, nhu cầu nghe nhìn, giải trí của bộ đội và nhân dân trên quần đảo sẽ được đáp ứng tốt hơn trong thời gian tới, nếu như hệ thống viễn thông được nâng cấp. Với việc Tổng công ty Viễn thông Quân đội đã đưa sóng di động công nghệ 2G ra Trường Sa, là tiền đề quan trọng để phát triển, nâng cấp công nghệ viễn thông công nghệ 3G (truyền không dây dữ liệu thoại và phi thoại (gửi email, hình ảnh, video... - PV) ở Trường Sa sau này. Tuy nhiên, đầu tư cho một trạm thông tin di động trên đảo chi phí cao gấp hàng chục lần so với ở đất liền vì nước biển hấp thụ sóng rất lớn, làm giảm 10 lần cường độ phát sóng, cộng với các khó khăn khác như vận chuyển thiết bị, sóng biển, gió biển, nước mặn xâm hại máy móc, thiết bị nên Chính phủ cần phải có sự đầu tư, hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Năm ngoái, tới đảo Phú Quốc, chúng tôi rất ngạc nhiên khi bộ đội trên đảo có hẳn một phòng học vi tính hàng chục máy do một tỉnh đoàn gửi tặng. Tại sao đã có nhiều quà tặng gửi tới Trường Sa nhưng chưa hề có một phòng máy vi tính? Nghe tôi “đặt vấn đề”, Đại tá Lê Anh Tuấn, Trưởng ban Thanh niên Quân đội nói: Đó cũng là điều chúng tôi tâm đắc và ấp ủ từ lâu. Chúng tôi sẽ làm việc với các tỉnh, thành đoàn, phát động phong trào “phòng máy vi tính” cho bộ đội Trường Sa và nhiều vùng biên giới, hải đảo khác trong thời gian tới!
Muốn phát triển đời sống văn hóa tinh thần ở Trường Sa, còn phải giải bài toán điện. Các dự án điện năng lượng mặt trời, sức gió cần phải được đầu tư, nâng cấp mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ dừng lại ở đáp ứng nhu cầu chiếu sáng như hiện nay.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MINH