Thăm thẳm U Ma Tu Khoòng
Ka Lăng, Thu Lũm mây mù
U Ma Tu Khoòng dốc leo gù lưng tôm.
Giữa tháng 11 năm 1969, từ Đài phát thanh khu Tây Bắc (Sơn La) tôi được phân công lên biên giới huyện Mường Tè viết về các chiến sĩ BP và đồng bào các dân tộc vùng biên giới thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Từ thị trấn Mường Tè, cuốc bộ ngược sông Đà 2 ngày mới đến Đồn BP Ka Lăng. Đang là mùa đông mà áo lúc nào cũng nhớp nháp mồ hôi vì phải liên tiếp leo những cái dốc núi hình chóp nón. Từ thị trấn Mường Tè lên vùng biên giới chỉ toàn những con đường mòn vắt vẻo, hun hút núi cao vực thẳm.
Đồn BP Ka Lăng phụ trách 2 xã Ka Lăng và Thu Lũm, dài hơn trăm cây số biên giới Việt - Trung. Khu vực đồn quản lí là một vùng đất quanh năm chỉ có mưa rừng, gió rét mây mù, ít khi có nắng ấm. Cuộc sống thường ngày của cán bộ, chiến sĩ nơi đây phải tự túc từ lá rau xanh đến một phần lương thực, thực phẩm. Bữa ăn sáng chỉ có tôi và một vài cán bộ của đồn tiếp khách mỗi người mới được lùm lùm bát cơm nếp gạo đỏ trộn lẫn đậu nho nhe, thứ đậu do các chiến sĩ trồng xen với ngô trên nương. Các cán bộ, chiến sĩ còn lại mỗi người hai khúc sắn luộc dài chừng gang tay.
Hai bữa cơm chính hàng ngày thì cứ theo đúng công thức: Một cơm hai sắn hoặc khoai sọ cũng do các chiến sĩ tự trồng. Điều thật kỳ lạ, tôi thấy trong đồn một phụ nữ chừng ngoài hai lăm tuổi đang thái chuối cho lợn và bốc sắn ngô cho gà... Hỏi ra mới biết, chị quê Thanh Hóa phải lặn lội hai mươi ngày đường vượt núi băng đèo và kể cả có thể nguy hiểm đến tính mạng lên đây thăm chồng. Đến khi về chị nghĩ lại đoạn đường đã qua, không dám về một mình, đành ở lại chờ chồng khi nào được nghỉ phép sẽ đưa chị về cùng.
Gần một năm sau, một chiến sĩ BP tí hon ra đời. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Ka Lăng chỉ quen nghe tiếng vượn hú, hổ gầm, giờ đây được nghe tiếng khóc của trẻ thơ nơi biên cương đèo heo hút gió thì vui như được nghe bản nhạc tình ca hạnh phúc. Cả đồn yêu quý, nâng niu đồng chí chiến sĩ BP tí hon như vàng. Người con gái xứ Thanh tiếp tục tình nguyện ở lại nuôi con, tăng gia chăn nuôi để chồng yên tâm cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
Sau ba ngày ở đồn, tôi đề xuất và được đồn trưởng đồng ý cho đi vùng biên giới thuộc xã Thu Lũm, nơi đây có một trạm BP với cái tên rất lạ nhưng lại thật hấp dẫn đối với tôi. Đó là Trạm BP U Ma Tu Khoòng. Đồn trưởng cười hà hà rồi bảo: Thế thì may cho đồng chí đấy. Bên trạm có một cán bộ hôm qua mới về đây nhận nhiệm vụ, sáng mai mới về. Đồng chí có thể đi cùng cho an toàn hơn.
Sáng hôm sau, kim đồng hồ chỉ 8 giờ nhìn chưa rõ mặt người, sương vẫn mờ đục. Nhưng để đảm bảo độ đường, tôi vẫn quyết tâm hành trang đi Thu Lũm. Người cùng đi vừa là dẫn đường vừa bảo vệ cho tôi là Thượng sĩ Lò Văn Bơn. Qua tiếp xúc tôi được biết: Bơn là người dân tộc Thái, có vợ và con ở Mường Tè. Vợ anh là chị Thái, Hội trưởng Phụ nữ huyện. Vì công việc nên ít khi anh được về thăm vợ con.
Bơn bảo: Đường sang U Ma Tu Khoòng không dài lắm, nhưng vô cùng hiểm trở. Bọn xấu thường hay lợi dụng để gây mất trật tự trị an vùng biên giới, phải hết sức cảnh giác. Nhiều đoạn phải đi dưới bóng cây, sương phủ mờ mịt. Mùi ngai ngái của lá rừng, gỗ mục và xác súc vật... Bơn đi trước cách tôi chừng 3m, bỗng ra hiệu cho tôi dừng lại, rút khẩu súng ngắn trong bao hướng về bên trái đường quan sát.
Tôi ngồi nép vào một gốc cây, bụng bảo dạ: Rất có thể gặp bọn biệt kích đón đường. Trong giây lát, Bơn tra súng vào bao ra hiệu cho tôi đến gần và chỉ tay: Đồng chí nhìn thấy gì chưa? Tôi nhìn về phía tay Bơn chỉ, thì ôi, một con gà gô có bộ lông hoa mơ và cái mỏ đỏ như bông hồng. Chú gà vẫn đứng nhìn, không biết sợ là gì. Tôi hỏi: Sao không bắn?. Bơn bảo: Quy chế quản lí biên giới chỉ nổ súng khi gặp địch. Hơn nữa phải làm gương bảo vệ muông thú quý. Mình bắn được, dân cũng bắn theo.
Gần ngày đường quốc bộ, sống lưng đầu gối mỏi nhừ. Khoảng hơn 3 giờ chiều, chúng tôi đến bản Ka Lăng và cũng là hết phần đất xã Ka Lăng. Bên kia suối là phần đất xã Thu Lũm. Nhìn sang bản U Ma Tu Khoòng, những ngôi nhà trình tường lợp tranh ẩn hiện dưới những lùm cây xanh của đồng bào Hà Nhì, Kháng. Chúng tôi vào nghỉ qua đêm nhà Bí thư chi bộ Pờ Gò Xá.
Như mọi sáng trên vùng biên giới, trời mù mịt sương, không gió nhưng rét như kim châm vào da thịt. Tôi và Bơn lên đường sang U Ma Tu Khoòng. Pờ Gò Xá đưa cho tôi cái gậy và bảo: Chưa đi quen phải cầm cái này mới xuống được dốc. Bơn đeo giúp tôi cái máy ghi âm R5 (Hung-ga-ri). Ra khỏi bản, đi theo con đường mòn hun hút xuống vực thẳm. Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới chạm chân vào bờ con suối nhỏ dưới thung sâu. Lội suối chừng 5 bước chân là sang bờ bên kia. Đặt chân xuống nước tôi cảm giác giá buốt đến tận tim.
Chúng tôi nghỉ ăn cơm để lấy sức trèo dốc, mồm miệng tay chân run cầm cập. Từ đây lên trạm chỉ một con dốc này nữa là tới nơi. Nhưng vô cùng gian khổ, đầu gối luôn luôn giáp mặt bò dần lên từng bước. Lên được một đoạn đã thấy người nhớp nháp mồ hôi. Tôi có bệnh đau dạ dày, thi thoảng lại phải nuốt khan mấy viên ka vét để cắt cơn đau. Nhá nhem tối cùng ngày, chúng tôi đến Trạm BP U Ma Tu Khoòng, cách Đồn BP Trung Quốc bên kia biên giới 4km. Cơm tối xong, trừ một số làm nhiệm vụ canh gác, tôi và Bơn cùng ngồi quanh bếp lửa nghe các chiến sĩ kể chuyện: Tuần tra bắt biệt kích, giúp dân sản xuất, dạy các em nhỏ học chữ, học hát v.v... Ngày mai, Bơn sẽ đưa tôi xuống dân bản tìm hiểu tình hình thực hiện di chúc của Bác Hồ. Ngoài trời sương phủ dày đặc cả một vùng núi non trùng điệp hiểm trở.
Qua một ngày đánh đu với đèo dốc, tôi thấy khó chịu, mệt mỏi nên xin được nghỉ để mai tiếp tục công việc. Đang ngủ ngon, tôi rùng mình kêu lên một tiếng, cảm thấy như có ai đó dội một bát nước lạnh vào dạ dày, người choáng váng, rét đến kinh khủng rồi ngất xỉu. Y tá Hà của trạm biết tôi bị xuất huyết dạ dày đã kịp thời tiêm thuốc cầm máu, trợ lực, trợ tim và làm mọi biện pháp để tăng nhiệt độ. Trước cái sống, cái chết liền kề, Bơn bảo đưa tôi sang đồn BP bên kia biên giới nhờ bạn cấp cứu may ra mới sống được. Vì từ đây về bệnh viện đi nhanh cũng phải mất 3 ngày đường. Tôi nói thều thào: Đưa ngay tôi về bệnh viện huyện rồi về Khu, có chết dọc đường cũng được chết trên đất mình, khỏi phiền đến bạn.
Nhưng đưa tôi đi bằng cách nào là điều hết sức khó khăn, khiêng đi bằng võng, cáng đều không thể vượt qua được vực thẳm núi cao. Bơn và y tá Hà hội ý chớp ngoáng rồi cử chiến sĩ xuống bản U Ma Tu Khoòng huy động dân quân, những người có nhiều kinh nghiệm tìm cách đưa tôi về viện huyện. Sau đó, tôi được quấn chặt từ đầu đến chân, chỉ để hở miệng, mũi để thở bằng hai cái chăn Ka Bốc. Đòn khiêng bằng cây tre khô lấy đoạn gốc, dài hơn 3m, đặt dọc theo chiều người rồi lấy dây bo buộc ép vào đòn khiêng như ép giò. Hai đầu buộc cố định, không thể xê dịch khi lên dốc, xuống dốc. Hai kíp dân quân, mỗi kíp 4 người, 2 người khiêng, 2 người phụ.
Lên dốc thì đẩy lên theo chiều thuận, xuống dốc thì đẩy ngược lên. Người chưa khiêng thì cầm đuốc, vác đuốc, y tá Hà mang đầy đủ thuốc cấp cứu đi cùng. Chuẩn bị xong, Bơn cho xuất phát. Tôi vẫn nhớ lúc đó khoảng 12 giờ đêm 20 tháng 11 năm 1969, người khiêng và cả tôi nữa, không biết mình còn sống hay chết? Những người khiêng khát nước, tôi chỉ thấy họ uống rượu, mỗi người mang theo 2 bình tông rượu. Ngày hôm sau, khi mặt trời vừa xuống núi, cũng là lúc chúng tôi đến bản Pắc Ma, xã Ka Lăng. Từ đây về viện huyện đã có thuyền đưa đi. Y tá Hà liên hệ và có ngay một thuyền và hai người chèo lái rất khỏe. Những người khiêng nghỉ lại Pắc Ma qua đêm, hôm sau quay trở lại U Ma Tu Khoòng.
Mờ sáng hôm sau, Hà đưa tôi đến viện, Bác sĩ Kỷ, Trưởng bệnh viện trực tiếp cấp cứu. Sau hai ngày bệnh tạm ổn, Hà mới quay về đơn vị. Tôi chỉ biết nắm chặt bàn tay nồng ấm của Hà xúc động rưng rưng. Tiếp đó tôi được đưa về bệnh viện Khu Tây Bắc (Sơn La) điều trị 26 ngày thì được xuất viện. Năm 1979, đúng 10 năm sau, nhiều cán bộ của Lai Châu cũ lên đây công tác. Trong đó có đồng chí Hoàng Tinh, Bí thư Tỉnh ủy, tôi vẫn được chiến sĩ BP và đồng bào Hà Nhì nơi đây hỏi thăm: Ông nhà báo bị chảy máu dạ dày ở U Ma Tu Khoòng, còn sống hay chết?.
Dù câu chuyện xảy ra cách đây 38 năm, vẫn là một kỉ niệm sâu sắc thầm kín trong lòng. Nay kể lại mong được góp một tiếng nói nho nhỏ nhân kỉ niệm 50 năm BĐBP và cũng là lời tri ân với những người đã cứu sống mình. Tôi coi họ như ân nhân.
Nguyễn Quốc Chiến
Nguồn:
http://www.bienphong.com.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=5896