Tìm không thấy xóm cũ tìm người hỏi thăm cũng không có
Trời nắng như đổ lửa, con đường nhựa kết thúc, trước mặt là đường đá lởm chởm với nhiều ngã rẽ hướng vào núi xa thẳm. Vừa chạy xe vừa thầm nghĩ quái thật, sao đi hoài không tới vậy, hồi đó đi học có chứng 6km thôi mà giờ đi hơn chục cây số thấy vắng hoe vậy. Muốn hỏi đường cũng không biết hỏi ai, vậy là lết thêm một đoạn xa nữa. May gặp được một anh mang cái bình xịt thuốc chui trong vườn cam ra, dừng xe hỏi thăm mới biết mình đã đi ngang qua Xê Sáu xa rồi, quay xe lại chỗ cây cầu bê tông bé bé nơi con dốc. Đến cái ngã ba có nhà hai bên mình dừng xe ghé vào ngó ngó định hỏi thăm thì có một anh tóc hơi bạc chắc cỡ tuổi mình đi vào hỏi tìm gì. Mình trình bày là tìm cái Xê Sáu của Nông trường 3/2. ảnh bảo đây là Xê Sáu, qua bên kia cậu là Xê 7. Má ơi, thay đổi đến vậy rồi sao, đường sá nhà cửa cảnh quan thay đổi hoàn toàn, con suối ngay xưa mình và lũ bạn trẻ con tắm hoài giờ không nhận ra được nữa. ngay xưa là một cây cầu gỗ phía trên bên cho người đi xe đạp với đi bộ qua suối, phía dưới là con đường đá nước chảy tràn qua cho xe bò và ô tô qua suối, ngày đó nước suối trong vắt chảy rao rao suốt ngày đêm, bây giờ là cái cầu bê tông cốt thép bắc qua suối, đướng xuống suối được nâng lên và nắn thẳng lại không cong không dốc như ngày xưa nên mình không nhận ra, cứ thế phi xe qua cầu chạy thẵng.
WP_20180304_018 by
Ngô Trung Thành ngô, trên Flickr
Những hàng rào trồng Dứa Gai xưa kia không còn, bây giờ xây tường bao hết
WP_20180304_004 by
Ngô Trung Thành ngô, trên Flickr
WP_20180303_023 by
Ngô Trung Thành ngô, trên Flickr
Nói chuyện với ông bạn lúc nãy mới hay xóm cũ là ở đây nhưng đã thay đổi hết rồi, không còn những lô cao su quanh xóm nữa, nhà cửa người ta xây lại làm tường bao, đường đi sửa lại và làm cống đi qua suối rồi, những cánh rừng xưa kia biến mất. Anh bạn mời vào nhà và gọi Bố của ảnh ra hỏi thăm, thì ra nhà cũ chú ấy ở cách nhà cũ mình mấy mảnh vườn, nói tên Ba Mẹ mình ra là chú ấy nhớ ra, mình cũng nhớ lại được một số chi tiết. 42 năm gặp lại mừng lắm, mình hỏi chú còn nhớ cái thằng lùn lùn dẫn đầu lũ trẻ con đi phá phách khắp xóm không. Chú ấy nói mày là thằng Thành con bà Thảo Phụng phải không, chú ấy còn nhớ hết tên mấy anh em nhà mình, bạn bè cùng trang lứa hầu hết đã vào nam từ những năm đó, còn số ở lại bé tý không nhớ được gì, anh bạn tóc bạc bạc lúc nãy chính là một trong số những đứa trẻ bé tý vẫn chơi chung với mình hồi đó, bây giờ đã là ông ngoại rồi. Lứa tuổi Ba Mẹ mình thì phần lớn đi theo Ông Bà, còn lại có mấy người đã già. Chú ấy mời mình nghỉ lại nhà chú, anh bạn dẫn mình đi thăm quanh xóm cũ với thăm lại cây Thị già ngày xưa mình hay hái quả chín vào mùa mưa. Năm đó máy bay Mỹ ném bom miền bắc trường học của xóm dời vào rừng núp dưới bóng cây thị đó. Và kỷ niệm không quên là ngay dưới gốc cây Thị già đó mình học lại thêm một năm lớp một, thực ra là năm trước mình đã học xong lớp một và vào học lớp hai, nhưng vì thói quem mặc quần đùi đi học như ở lớp một nên ngày đầu tiên vào học lớp hai, bị cô giáo mắng "mặc quần đùi thì xuống lớp một mà ngồi". Chỉ một câu của cô giáo mình ôm túi sách qua bên lớp một chọn một chỗ ngồi học, sau đó cho dù bị đòn nát đít, nhà trường làm đủ mọi cách, Ba Mẹ mình cũng làm hết cách cũng không bắt được mình lên học lớp hai, đành để mình học thêm một năm lớp một nữa. Giờ nghĩ lại không biết vì sao mình lỳ dữ vậy. Sau này khi chuyển trường vào nam, từ hệ phổ thông 10 năm chuyển sang hệ 12 năm mình phải học lại một năm lớp đầu cấp hai. vậy là xảy ra một chuyện ngược đời học sinh khá giỏi mà hai lần ở lại lớp, mất 14 năm mới học hết phổ thông.
Cây Thị già vẫn còn đây, ngày xưa nó to lắm, nguyên một lớp trẻ con mấy chục đứa nắm tay nhau đứng quanh gốc giáp một vòng, cành ngang đủ che hết dãy phòng học có 4 lớp, bây giờ thấy cành ngang không còn, gốc thị chỉ còn một bên còn sống, mình hỏi thì mấy anh bạn ở đây nói năm nào đó bão lớn lắm, cây thị bị xé toạc phần lớn gãy đổ rồi chết dần, phần còn lại tiếp tục sống và xanh tốt trở lại, tính ra chu vi gốc bây giờ chỉ còn lại khoảng 1/3. Hèn gì mình xem tin tức thấy cây thị lớn nhất việt nam không phải là cây này vì từ ngày mình vào nam chưa từng thấy cái cây nào to hơn cây thị hồi đó cả. Ôi Cây Thị già dũng mãnh, vượt qua bao giông bão vẫn đứng hiên ngang với đất trời, rừng xanh không còn, chỉ còn một mình Cây Thị cô đơn và Kiêu hãnh giống y như cuộc đời của chính mình.
WP_20180304_014 by
Ngô Trung Thành ngô, trên Flickr
WP_20180304_013 by
Ngô Trung Thành ngô, trên Flickr
Nhìn lại những cây Đào, cây mâm xôi hay cây Vả thật bồi hồi,
WP_20180304_003 by
Ngô Trung Thành ngô, trên Flickr
WP_20180303_018 by
Ngô Trung Thành ngô, trên Flickr
WP_20180304_006 by
Ngô Trung Thành ngô, trên Flickr
Và nhất là cây Nê, từ ngày vào nam mình chưa thấy ở đâu có, không phải mãng cầu cũng không phải mãng cầu xiêm, quả Nê thật đặc biệt, ăn một lần sẽ nhớ mãi.
WP_20180304_017 by
Ngô Trung Thành ngô, trên Flickr
Vậy là Cây thị 3/2 đã không phải là cây thị lớn nhất Việt Nam nữa rồi, thật tiếc. Nhưng dù sao sức sống của nó quả thật là kiên cường nhất, đi qua chiến tranh, bom đạn, đi qua giông bão cuộc đời, Cây thị hiên ngang tồn tại bất chấp tất cả. Tạm biệt nhé hi vọng 46 năm nữa tao lại trở về thăm mày dù phải chống bằng mấy cây gậy.