What's new

[Chia sẻ] Vanuatu - Xứ sở hạnh phúc diệu kỳ ở nơi tận cùng thế giới

Chuyến đi này em đã thực hiện từ năm 2016, có viết một vài bài trên mạng nhưng vẫn cố chờ xem có bác nào trên Phượt viết về Vanuatu trước không. Nay đã 2019 vẫn chưa thấy có động tĩnh gì về Vanuatu nên em xin phép viết bài kể lại hành trình rất đáng nhớ ấy, hi vọng lôi kéo được thêm bác nào chân có nốt ruồi đến đây và ở vùng đất sống chậm này thì sau 3 năm, có lẽ thông tin tình báo em thu thập được vẫn còn nguyên giá trị.

Năm 2016, Tổ chức nghiên cứu New Economics Foundation ở Anh công bố Chỉ số hành tinh hạnh phúc 2016 (Happy Planet Index – HPI) và Việt Nam xếp thứ 5 trong số 140 nước được khảo sát. Nhiều người còn đang tranh luận về tính xác thực của chỉ số này cũng như các căn cứ và số liệu của nhóm nghiên cứu vì họ không tin rằng Việt Nam có thể xếp hạng cao như thế. Emthì lại quan tâm đến một quốc gia khác mà hầu như người Việt Nam ngày nay không biết đến sự tồn tại của nó: Vanuatu (Va-nu-a-tu). Năm 2016, Vanuatu đứng thứ tư, trên chúng ta một bậc trong danh sách HPI, còn trước đó 10 năm thì nước này đứng vị trí số 1. Thôi thì chép miệng, lại bán thêm sào ruộng để lên đường. Mời các bác cùng em đi tham quan học tập một xứ sở hạnh phúc diệu kì ở nơi chân trời góc bể.

IMG_1594.jpg
 
IMG_1554_副本.jpg

Phụ nữ và trẻ em tắm giặt bên bờ sông. Nước trong vắt thấy cả cá bơi và đáy sông.

Việc môi trường sinh thái đang thay đổi theo chiều hướng xấu chính là vấn đề lớn nhất với Vanuatu. Biến đổi khí hậu đang hiện diện ở đây như một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi được, trong khi cơ sở hạ tầng và năng lực kinh tế của một đảo quốc nhỏ bé khó mà chống chọi nổi. Nhưng khổ nỗi người dân nơi đây không hề tàn phá môi trường mà lại phải gánh chịu hậu quả từ phần còn lại của thế giới đang ngày ngày làm ô nhiễm Trái đất. Người dân Vanuatu sinh sống vô cùng thân thiện với môi trường, theo cách nói của phương Tây, bởi thực chất họ vẫn sinh hoạt đơn giản theo cách mà ông cha họ nghìn đời vẫn sống. Đám trẻ con thì cứ tủm tỉm cười, liếc mắt nhìn trộm, e dè đứng nép cả vào nhau dưới gốc đa hết sức dễ thương, có lẽ vì ít khi thấy một người ngoại quốc đến từ châu Á.

IMG_1634_副本.jpg

Suối nước nhỏ trong vắt

Một thông tin khá thú vị là nước đang giúp đỡ các quốc đảo Nam Thái Bình Dương chống biến đổi khí hậu một cách tích cực và hiệu quả lại là Cuba. Các nước lớn như Trung Quốc đến đây chỉ vơ vét là chính, còn Cuba cấp học bổng ngành y cho sinh viên và gửi bác sĩ sang. Ví dụ như ở Kiribati là một nước nhỏ láng giềng, 16 bác sĩ Cuba đã giúp giảm thiểu đến 80% tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Điều kiện y tế ở đây gần như không có gì, đỡ đẻ đều tại chỗ, trừ khi có bệnh nặng lắm mới bắt xe vào thành phố, vì căn bản là không có xe, như em đi cả ngày may ra mới gặp một hai xe đi ngược chiều.

Ngay trên đảo chính Efate mà nhiều nơi vẫn chưa có điện và nước máy. Người làng vẫn tắm gội, giặt giũ và lấy nước sinh hoạt từ những con sông nhỏ. Nguồn nước tự nhiên sạch vô cùng, không nhà máy, không chất thải nên có thể múc lên là uống được. Mấy năm gần đây nước sông suối đang ngày càng ít đi, nhiều suối nhỏ đã cạn. Lí do là vì El Niño, John cũng không hiểu El Niño là gì nhưng đọc báo thì thấy viết thế. Thác nước Mele vốn là cảnh quan nổi tiếng nhất vùng này, khi trước người ta còn tổ chức chương trình du lịch mạo hiểm bám dây leo ngược lên thác nhưng giờ thì đã tạm dừng vì thác không còn nhiều nước. Em ỉu xìu bỏ qua điểm tham quan này vì đứng từ trên cao nhìn xuống, thác nước chỉ còn những dòng nước yếu ớt, không phải những dòng chảy trắng xóa quanh năm như trong ảnh quảng cáo.

Trong khi El Niño gây thiếu nước thì những cơn bão biển lại xuất hiện với tần suất cao hơn và cường độ mạnh hơn. Bão Pam năm 2015 đã tàn phá nặng nề, thiệt hại ước tính hơn 250 triệu đô với một quốc gia mà GDP chỉ khoảng 750 triệu đô. Tổng thống Baldwin Lonsdale đang dự Hội nghị Thế giới lần thứ ba về Giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Nhật Bản vào tháng 3. 2015 thì ở nhà bão Pam tiến vào tàn phá, đến lượt phát biểu, ông kêu gọi thế giới giúp đỡ Vanuatu trong giọng nói nghẹn ngào, nức nở và dường như chỉ chút nữa thì bật khóc. Em đến Vanuatu sau một năm nhưng vẫn thấy rõ hậu quả của nó để lại. Những gốc cây năm bảy người ộm bật cả rễ lên nằm ven đường, bờ biển sạt lở những mảng sâu hoắm.

IMG_4013_副本.jpg

Bãi biển với hai màu nước rất đẹp. Nước biển dâng đang là một nguy cơ trông thấy. Bão Pam đã quật vỡ cả bờ đá phía trước.

Xe dừng lại bên một vách đá, có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát một vịnh nhỏ. Phía sát biển là một dãy nhà lớn lợp tôn đã han rỉ, xác xơ. Đó là nhà máy tuyển quặng mangan cũ của người Pháp bỏ lại sau khi Vanuatu giành độc lập vào năm 1980. Từ bấy đến nay chính quyền đành bỏ mặc đống di sản ấy mà không vận hành được. Tôi muốn lại gần xem thì John nói không vào được vì chủ đất đã khóa cổng, chặn đường lại rồi.

“Ai là chủ cơ?” Tôi hỏi. “Người Pháp, họ chạy lấy người nhưng không bỏ của, những đồn điền bát ngát trên đảo này vẫn còn rất nhiều thuộc sở hữu của người Pháp, dân Đen chỉ làm thuê cho họ thôi.”

Trong thời gian Chế độ Cộng quản tồn tại (1906-1980) đã có một sự kiện “long trời lở đất” ảnh hưởng đến Vanuatu. Chiến tranh Thế giới thứ hai đã mang đồng minh “vĩ đại” của cả Anh và Pháp là Hoa Kỳ đến đây, lựa chọn New Hebrides làm căn cứ chính để xây dựng tuyến phòng thủ chống phát xít Nhật trên mặt trận Thái Bình Dương vì lo sợ bị cắt đứt con đường đến Úc. Người Mỹ đã tiêu cả núi tiền vào New Hebrides để làm quân cảng, xây sân bay, đường sá và chuẩn bị vô số súng ống, xe tăng, xe bọc thép, đại pháo sẵn sàng trên các đảo. Con đường quốc lộ và sân bay quốc tế ngày nay đều do người Mỹ xây dựng 70 năm về trước.

58025564.jpg

Một số địa danh còn lưu lại những cái tên thú vị

300,000 lính Mỹ ngày ấy đổ bộ vào New Hebrides mang theo lượng hàng hóa khổng lồ. Những người thổ dân tưởng họ là thiên binh thiên tướng nhà trời cưỡi hàng đàn chim sắt, mang theo những thức ăn ngon lạ thường (đồ hộp) và những vật dụng lạ kì. Thậm chí thổ dân còn tôn thờ một vị thánh tưởng tượng là John Frum, tương truyền là John From (America) và những hàng hóa, quân lương của người Mỹ. Người thổ dân tin rằng thánh John Frum này chính là đấng cứu thế vì ông ấy… da đen giống họ. Lần đầu tiên người nước ngoài đến đây mà da lại không trắng, chính là mấy anh lính Mỹ da đen. Ngày nay John Frum không chỉ là một tôn giáo mà còn là một Đảng chính trị.

Vậy nhưng người Nhật đã thua trước cả khi vươn được tới nơi này. Chiến tranh kết thúc, người Mỹ thậm chí không đủ tiền để chuyên chở số lượng khổng lồ thiết bị và vũ khí hạng nặng về nước, gạ Anh và Pháp mua lại không được, đại gia tư bản đành đem đổ bỏ tất cả xuống biển. Ngày nay khắp nơi vẫn còn những tàn tích với dấu ấn của người Mỹ, ngay cả những chai Coca Cola mà lính Mỹ vứt lại cũng được người địa phương thu gom làm thành khu trưng bày. Một điểm lặn biển du lịch ở đảo Santo còn được gọi là bãi Triệu đô (Million dollar point) vì dưới đáy biển là triệu triệu đô la khí tài quân sự của Mỹ đã han rỉ, bám đầy rong rêu và san hô.

IMG_1688.jpg

Một xe tăng han rỉ trên bãi triều ngập mặn.

IMG_1684.jpg

Những gốc cây rất to của rừng ngập mặn. Nhiều cây bị bão quật đổ. Càng nhìn càng xót xa khi nghĩ đến những cánh rừng ngập mặn nham nhở ở một nước nọ có rừng vàng biển bạc

IMG_1697.jpg

"Bảo tàng " kỷ vật chiến tranh toàn những chai Coca gần 80 năm tuổi


IMG_1698.jpg

Điểm dừng chân cuối cùng là một quán cà phê nhỏ bên bờ biển. Đây là nơi quay chương trình Survivor: Vanuatu của Mỹ. Các đảo Nam Thái Bình Dương là nơi lý tưởng cho các bạn Mỹ quen sống tiện nghi nhưng lại hay thích tống nhau lên đảo hoang để thử thách.

Chuyến hành trình kết thúc ở nhà nghỉ của em bên bờ Vịnh. Con đường bao biển lẽ ra rất thơ mộng nhưng giờ ngổn ngang sắt thép và bê tông. Người Trung Quốc đang thi công, con đường mới sẽ rộng và đẹp hơn nhiều. Em lang thang đi dọc bờ biển, nhiều du thuyền trắng như những con mòng biển san sát phía xa, nắng chiều nhàn nhạt nhỏ giọt trên thảm cỏ còn trời vẫn cứ xanh lạ thường. Ngoài phố các xe đều đồng loạt treo cờ Pháp to tướng chạy khắp nơi. Đang mùa Euro, nên đội tuyển Pháp vẫn được sự ủng hộ nhiệt tình của những cổ động viên ở vùng sâu vùng xa này.

IMG_4175.JPG

Cờ Pháp treo khắp nơi

IMG_3991_副本.jpg

Qua cửa sổ nhà nghỉ: Buồn trông cửa bể chiều hôm - Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?


Bỗng bắt gặp mấy bác trung niên đang chơi pétanque. Món này ở Việt Nam gọi là bi sắt, một thú tiêu khiển đặc trưng chất Pháp. Tiếng Pháp có thể không còn thịnh hành nhưng có những thứ giản dị vẫn tạo thành cái gì đấy khác biệt, có thể gọi là bản sắc của một đất nước vẫn còn rất trẻ. Em vẫn luôn yêu thích những thành phố có hương vị sống, không cần phải to lớn, đông vui, miễn là lối sống ở đấy có nhạc điệu. Thế là vui miệng hát:

“Quand doucement tu te penches

En murmurant: “C’est dimanche,

Si nous allions en banlieue faire un tour

Sous le ciel bleu des beaux jours?”


Và quyết định tối nay sẽ phải tận hưởng nốt cái di sản quý giá nhất mà thực dân để lại, chính là… kỹ nghệ đánh chén!
 
11. Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

Với điều kiện kinh tế của nhiều người Việt Nam thì đi du lịch nước ngoài ở cùng một địa điểm hai lần đã là nhiều. Mình rất ngạc nhiên khi người Tây họ có thể đi Thái Lan năm lần, đi Bali sáu lần, không phải chỉ vấn đề tài chính mà còn không hiểu tại sao họ không chán. Thực ra thị hiếu của phần đông dân Tây đơn giản đến bất ngờ, nếu thích một nơi thì có thể đi nhiều lần suốt nhiều năm, thích một món ăn thì có thể gọi cả trăm lần mỗi năm. Vì thế mà nhiều người quay lại Vanuatu cũng chỉ vì… ăn. Hương vị ẩm thực ở đây chẳng kém gì ở Paris mà nguyên liệu thì tuyệt hảo. Những nhà hàng mà nhiều người nói đã quay lại đến lần thứ bảy thì cũng đáng để thử lắm chứ.

Mỗi khi đi chơi em thường dựa theo phương châm các cụ đã dạy: “Ăn nhiều, ở hết bao nhiêu”. Dĩ nhiên đi nghỉ dưỡng ở khách sạn năm sao thì ai chẳng thích nhưng nếu phải hi sinh chỉ ở tạm được mà ăn ngon lành thì em cũng vui vẻ bằng lòng. Muốn hiểu về một dân tộc thì phải xem họ ăn cái gì. Mời các bác cùng thong thả theo dõi hành trình ẩm thực của em từ cao lâu tửu quán ra đến đầu đường xó chợ.

Tiếp tục câu chuyện từ buổi chiều trên bến cảng. Quyết định đi ăn nhà hàng Tây nên em định bụng đi mua chai rượu vang vì rượu của nhà hàng thường hạn chế, không đúng ý vả lại đắt cắt cổ. Mới năm giờ chiều mà các hàng rượu đã đóng cửa cả, chẳng hiểu làm ăn kiểu gì! Vào siêu thị thì bị một phát choáng váng khi nhìn thấy quầy rượu phủ bạt, đồng thời treo biển: Không bán đồ uống có cồn từ 11:30 thứ Bảy đến 7:30 thứ Hai.

IMG_1530.jpg

Biển thông báo giờ giới nghiêm với rượu bia

Sở dĩ cấm như vậy vì ngày Chúa nhật thì không được uống rượu. Dân Đen ở đây bình thường rất hiền lành, nhưng rượu vào thì quậy phá phải biết. Chẳng biết có phải “chúng dùng rượu cồn để làm cho nòi giống Đen suy nhược” hay không, nhưng trước khi thực dân đến đây thì dân Đen chỉ có một loại thức uống truyền thống là kava. Thứ nước có cồn này nghiền từ rễ cây ra, uống vừa thơm mùi rượu vừa tanh mùi bùn. Thế nên lựa chọn duy nhất là mua rượu của nhà hàng, chuyên bán cho khách du lịch phương Tây, những người theo đạo Thiên chúa nhưng không bao giờ đi Nhà thờ trừ khi vào ăn cưới.

IMG_1529_副本.jpg

Tủ bánh mì trông rất hay trong siêu thị, bánh baguette là nhiều nhất, hầu hết các loại bánh giá dưới $1.

Hôm trước đi qua mình bị ấn tượng với cái tên nửa Anh nửa Pháp của một khách sạn lớn: Chantilly’s on the bay. Có lẽ họ muốn nói rằng đây là một lâu đài Chantilly bên bờ vịnh chăng, vậy đầu bếp có lẽ cũng khá (Lâu đài Chantilly bên Pháp là nơi ngày xưa có đầu bếp Francois Vatel cực kỳ xuất sắc). Nhà hàng vốn có một cái cầu tàu bằng gỗ vươn dài ra mặt nước, phía cuối đặt một bàn ăn, nếu vừa ăn vừa ngắm hoàng hôn thì còn gì lãng mạn bằng. Tiếc thay khi em gọi điện đặt bàn thì lễ tân trả lời rằng... cầu tàu đã theo gió bay đi trong cơn bão Pam. Em đến nơi thấy chỉ còn trơ lại mấy cái trụ bê tông lòi ra cốt thép vằn vện.

Vanuatu-bien-ho-boi.jpg

Ảnh cầu tầu trong quảng cáo, có cả bàn ngồi ăn nếu đặt trước. Ảnh từ trang này

IMG_1542_副本.jpg

Lên đồ đi ăn nhà hàng, vì đi bộ khoảng một cây số nên cũng chẳng mặc gì diêm dúa cho nóng, nhưng cũng mặc nhã nhặn một tí, cứ quần đùi đi khắp bốn phương kiểu dân Việt Nam nhỡ người ta không cho vào cửa :whistle:


IMG_3996.jpg

Khách sạn là Chantilly's còn nhà hàng là Tilly's

Trong nhà hàng, chỉ mấy bàn có người ngồi, tất cả đều da trắng. Chắc toàn người Úc vì có ông đi cả tông Lào, thành ra hai đứa bước vào khiến tất cả mọi người cùng nhìn và soi từ đầu đến chân, từ đầu đến cuối bữa, biết thế mặc cmn quần đùi! ? Một món chính ở những nhà hàng kiểu này khoảng $30, nghĩa là tương đương ở Úc. Với mức thu nhập của người dân bình thường ở đây thì giới trung lưu cũng khó mà đi ăn nhà hàng được chứ không nói đến dân lao động, nên toàn bộ thực khách là những người đi du lịch. Em gọi hai khai vị và hai món chính, uống cùng Cabernet Sauvignon:

Croquette cá marlin
Súp hành kiểu Pháp
Bít tết Scotch fillet ăn kèm khoai tây chiên và sốt béarnaise
Surf and tuft gồm: bít tết eye fillet, tôm nướng, gratin khoai tây và rau củ nướng


Eye fillet và Scotch fillet là tên gọi ở châu Úc cho hai phần thịt tenderloin và ribeye của con bò. Sống ở Úc có cái khoái là thịt bò mềm và rượu vang ngon được sản xuất ngay trong nước, lúc nào cũng có sẵn ở siêu thị. Nhiều miếng thịt bò rất rẻ, oyster blade có khi giá chỉ bằng ức gà. Nếu mua loại bình thường thì ăn cũng dai chẳng kém thịt bò Úc mua ở Metro Việt Nam. Vì bò nuôi công nghiệp ăn ngô ăn cám thì thịt đương nhiên chỉ có vậy. Loại ăn cỏ, thả rông có ghi rõ trên bao bì và giá thì… lè lưỡi.

IMG_4173_副本.jpg

Ảnh minh họa một cánh đồng cỏ nuôi bò em chụp từ máy bay, có cây đại thụ bị bật rễ

Ở Vanuatu, người ta quảng cáo rằng thịt bò ở đây thuộc hàng ngon nhất nhì thế giới, vậy nên mới gọi steak ăn cho biết. Lúc đi qua những cánh đồng cỏ rộng lớn, lác đác vài con bò, anh lái xe đã nói: bò ở đây chỉ ăn cỏ, thả cả ngày nên thịt rất ngon mà lại đảm bảo không chất kích thích. Không chỉ thịt, tất cả rau củ quả ở Vanuatu đều nuôi trồng tự nhiên, không hề phun thuốc, hay dùng chất hóa học, kể cả phân bón hóa học. Chị chủ quán Việt Nam cũng xác nhận như thế: “Sống ở đây hơi buồn tí nhưng được cái ăn đồ sạch em ạ. Dân ở đây họ tuyệt đối không dùng một tí phân bón thuốc trừ sâu nào vì làm gì biết thuốc trừ sâu là cái gì, đồ ăn toàn là… cái gì ấy nhỉ… organic đấy em ạ. Chị về Việt thấy ung thư khắp nơi mà phát khiếp.” Có lẽ đất đai màu mỡ, cùng với điều kiện đảo cách biệt nên các loài sâu bệnh cũng ít hơn nơi khác. Nhiều người Việt chỉ trồng rau bán mà cũng thành khá giả. Tỉ phú Đặng Văn Nha bên Tân Thế Giới cũng kể rằng khúc ngoặt của đời ông là khi ông tìm được ra một cái ao rau muống, thế là đủ nuôi cả nhà và các anh em ăn học. Tỉ phú Đinh Văn Thân ở Vanuatu thì khi làm thầu khoán xây nhà có chút vốn cũng mở trang trại nuôi bò.

Hải sản ở đây nhiều vì mức độ khai thác ít. Con hải sâm đầy trên bãi biển chẳng ai nhặt và chẳng ai biết ăn. Có những tour cho khách du lịch đi câu cá, đã đi là sẽ câu được những con dài ba đến năm mét, tha hồ chụp ảnh ôm cá. Cá cơm, người Việt ở đây gọi giống ngoài Bắc là “cá ruội”, rất nhiều, các bà còn đem về làm mắm. Cá to cũng nhiều, ban ngày nó bơi đầy ở sát bờ biển thành phố. Nhưng mùa san hô nở thì cá ăn vào có độc, ngư dân bắt về đem vứt lên bờ, nếu thấy kiến bâu vào thì ăn được. Mấy ông thủy thủ Việt Nam ở trong nước sang, các bác Việt kiều đã dặn là phải cẩn thận nhưng thấy cá nhiều quá đâm tham, đến đêm câu lên đánh chén, trời chưa sáng thì đã nôn thốc nôn tháo phải đi rửa ruột.

IMG_1550_副本.jpg

Croquette cá marlin và Súp hành kiểu Pháp

Cá Marlin tiếng Việt gọi là cá cờ gòn hay cá maclin, không phải giống cá cờ mà nó có kiếm và dài hàng mét. Croquette là món tẩm bột chiên kiểu Pháp, có nhân trộn với sốt béchamel, tất cả bọc trong khoai tây nghiền rồi lăn vụn bánh mì và rán. Món khai vị đầu tiên ngon tuyệt, vỏ giòn rụm mà nhân còn nguyên miếng cá và rõ mùi biển. Đi Tây với mình khổ nhất là phải mua tôm cá đông lạnh vô vị nên cắn miếng nào tỉnh người miếng ấy. Bát súp hành cũng rất chất, dù trông giản dị, có lẽ vì nước hầm bò ngon, đơn giản vậy thôi mà những quán có bồi bàn xì xồ tiếng Pháp ở Úc cũng không nấu được nên hồn. Chỉ tiếc là thiếu mấy miếng crouton để ăn cho vui miệng.

IMG_1551_副本.jpg

Bít tết Scotch fillet ăn kèm khoai tây chiên và sốt béarnaise cùng đĩa Surf and tuft

Miếng thịt của món chính thì đúng là tan ra trên đầu lưỡi. Nó mềm và ngọt không tả được, khi lấy dao cắt đã biết là thịt ngon rồi. Nếu có miếng thịt này trong tay thì không cần phải đầu bếp xuất sắc cũng có thể làm bít tết ngon được. Những món rau củ ăn kèm đều có hương vị rất khác, rất ngọt ví dụ như khoai tây chiên chẳng hạn (người Mỹ gọi là French fries, nhưng chỉ phổ biến ở Mỹ và các hàng ăn nhanh của Mỹ chứ không phải ở Pháp, còn người Anh gọi là shoestring fries để phân biệt với loại thái dày). Mình vốn không bao giờ mua đồ ăn nhanh nên cứ thấy khoai tây chiên là bị sởn gai ốc nhưng lần này ngồi ăn sạch vì khoai ngon quá, không bở, không bột, không nhạt, không muối dính tay. Phần khoai tây gratin cũng dẻo và bùi. Ăn đến đây thì no căng bụng, nhìn phần tráng miệng thấy còn nhiều món ngon nhưng biết rằng no bụng đói con mắt nên tự giác đứng dậy ra về.

Anh bồi bàn cười tươi roi rói hỏi ăn có ngon không, em khen ngon lắm. Ra về mà cảm thấy vui vẻ vì lâu lắm mới nói được một lời khen ngon thật (không phải khen đãi bôi), được ăn đồ sạch, nấu khéo, trả tiền mà không thấy đắt, không phải ấm ức đến mức… về nhà viết bình luận chê như nhiều lần ăn nhà hàng Tây ở Úc.
 
12. Muốn ăn thì lăn vào chợ

Muốn đi ăn nhà hàng ngon thì phải dụng chiêu lấy ngắn nuôi dài. Ăn cơm bình dân trong chợ vừa gần gũi với dân bản xứ lại vừa… tiết kiệm được quân lương. Bước vào khu ăn uống với những cái bàn gỗ trải vải nhựa xanh đỏ và những cái ghế băng thấy giống như ở quê nhà. Ruồi bay nhiều như lần ăn ở Đồng Hới cách đây hơn mười lăm năm vậy. Mấy anh chị Tây cũng ngồi vắt vẻo mút mát thì cớ gì mình không ăn được. Hàng nào cũng có menu hẳn hoi, cũng bò, cũng cá. Miếng bít tết bò mỏng dính nhưng thịt và rau đều ngọt ngon nên đánh chén ngon lành.

IMG_1512_副本.jpg

Cơm cá luộc rưới nước sốt

IMG_1513_副本.jpg

Ngoài cơm thì người địa phương hay ăn kèm sắn luộc, do thích ăn chứ không phải đói kém mà độn

Làm một vòng quanh chợ thì thấy rau quả đa dạng như ở Việt Nam, nhất là rau thơm. Nhìn bó mùi tàu (ngò gai) hay quả bơ thì xuýt xoa vì rẻ, bên Úc bán đắt như quỷ. Nhiều giống rau thơm ở đây là do các cụ chân đăng nhà ta mang đi từ cả trăm năm trước, như cần ta, rau răm (Vietnamese mint) chẳng hạn. Không chỉ rau mà còn các loại cây ăn quả như khế, chuối, mít, sau này là thanh long. Ai đi nước ngoài lâu, nhất là mấy nước châu Âu rét mướt, về Việt Nam thấy người nhà nấu rau thì cứ giãy nảy cả lên. Bà cô ở Nga về, thấy bà nội nhặt rau cứ rú lên: “Bà nhặt kiểu gì mà phí phạm thế này, đúng là kẻ ăn không hết người lần không ra” thế là bị bà chửi cho một bài. Mấy chị Tây thì thích ăn chuối, cứ đâu chuối rẻ là thấy ăn lấy ăn để như chết đói.

IMG_1505_副本.jpg

Quang cảnh trong chợ

IMG_1510_副本.jpg

Có tới mười bảy giống chuối ở Vanuatu. Các chị Tây mê tít.

nong-san-Vanuatu.jpg

Những giỏ đựng nông sản đan bằng lá "thân thiện với môi trường", làm nhớ lại bài học thủ công hồi lớp 4


Chợ bán nhiều nhất là khoai, có hẳn một khu riêng, củ nào củ nấy bằng bắp đùi. Em chỉ thấy thú vị nhất là món lạc (đậu phộng) cả chùm, thân cây còn xanh nguyên, thấy cả lá rễ, buộc túm lại thành một bó, người ta vừa đi vừa bóc ăn. Lúc đầu tưởng ăn sống đâm hoảng, sau mới biết là luộc rồi nhưng chưa thấy cách ăn vậy bao giờ. Món ăn có ngon cũng là nhờ nguyên liệu tươi sạch, ẩm thực Việt Nam ngon một phần là vậy. Về các vùng quê ở Tây thì thực phẩm cũng ngon lành nhưng ở thành phố thì chán chết, dù mua ở chợ hay siêu thị thì cái gì cũng nhạt nhẽo, to mà không chất.

IMG_1509_副本.jpg

Khoai cứ vứt la liệt, ai mua thì đến nhặt rồi đi tìm chủ trả tiền chứ không có người ngồi trông hàng.

Dừa thì đương nhiên là đặc sản. Cái coconut cream làm thủ công em đã tả ở trên rồi, khác hoàn toàn loại đóng hộp trước giờ vẫn ăn, nó thơm nhưng không ngấy như loại cốt dừa ta vẫn bỏ vào chè. Em có mua mấy chai dầu dừa để tặng ai thích bôi lông đầu, đem về đến Úc nó đông đặc như mỡ lợn, đúng là nguyên chất.
 
13. Chất chơi quán Pháp: bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

Hôm trước mới là ăn đồ Pháp ở một quán “giả cầy” vì chủ người Úc, nên quyết định phải đi ăn thêm ở một nhà hàng Pháp thực thụ. Có nhiều quán Pháp từ đầu đến chân nên chọn ăn quán nào cũng là bài toán khó. Em quyết định chọn L’houstalet mặc dù mọi người đã cảnh báo là sẽ phải đợi dài cổ mới có ăn.

Nhà hàng được quảng cáo là có tuổi đời lâu hơn cả… nước Vanuatu. Vì Vanuatu độc lập năm 1980, còn L’houstalet mở cửa năm 1973. Uy tín bốn mươi năm chứ chẳng chơi, lại còn thực đơn 25 năm nay không thay đổi. Lúc đến cửa nhà hàng thì cũng thấy hoành tráng thật, không phải vì quy mô mà vì ở cửa có treo tấm biển đồng “di tích lịch sử” viết bằng ba thứ tiếng: “Nơi đây, vào ngày 19/9/1979, lúc 4 giờ sáng, đại diện của tất cả các đảng phái chính trị, thủ lĩnh các tôn giáo, tù trưởng các bộ lạc và các thành viên của Ủy ban hiến pháp đã hoàn thành bản dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa Vanuatu, bước quyết định để tiến tới nền độc lập”.

IMG_4223.jpg

Biển di tích lịch sử tại Nhà hàng L'houstalet

IMG_4224.jpg

Biển đồng nhỏ hơn kỉ niệm 30 năm ngày chính thức trao trả Biên bản các cuộc thảo luận dự thảo Hiến Pháp cho Chính phủ Vanuatu cũng tại quán ăn này

Nhà hàng bên trong rất rộng, các bàn ngồi đông nghịt, và chủ yếu là người địa phương, giới trí thức da trắng, thương nhân người Hoa, chính trị gia, nghĩa là những người có tiền. Nhìn quanh thì thấy nhà hàng được trang trí bởi rất nhiều tranh, treo kín tường và tất cả có cùng một phong cách, có lẽ là cùng một họa sĩ. Sau này mới biết đấy là tranh của hai nghệ sĩ nổi tiếng ở Vanuatu tên là Aloi Pilioko và Nicolai Michoutouchkine người gốc Nga. Hai ông có bức phù điêu to đùng ở Bưu điện thành phố ngày nào cũng đi qua mà không nhận ra (đã chụp ảnh ngay đầu bài).

IMG_4211_副本.jpg

Quang cảnh chung trong nhà hàng, rất có phong cách. Trên tường là tranh của Pilioko

IMG_4215_副本.jpg

Một số bàn có người châu Á nhưng tất cả đều nói tiếng Pháp. Bàn bên có món tôm flambe thơm điếc mũi.

IMG_4210.jpg

Menu dày khự và giá cả


Menu đưa ra rất nhanh nhưng đợi người đến ghi món thì rất lâu. Menu dày như quyển từ điển, chưa từng đi ăn ở đâu mà thấy menu nhiều món thế, tiếng Pháp ghi trước, tiếng Anh bên dưới. Cuối cùng mới nhận ra chỉ có một người nhận order chính là… ông chủ, đến từng bàn ghi món. Mình gọi:

Escargots à l’ail (Ốc sên bơ tỏi)
Crabe farci (Cua phá xí)
Civet de roussette


Món cuối cùng thì phần dịch tiếng Anh ghi là “flying fox” (sóc bay?!) nhưng thực tế nó là con… dơi. Civet là món thịt hầm nhừ nguyên con với rượu vang đỏ và hành tây tím. Đợi được ghi món đã lâu thì đợi ăn còn lâu hơn nữa, ăn kiểu Pháp mà!

IMG_4212_副本.jpg

Baguette và beurre

Nhà hàng cho dọn ra một ổ bánh mì và miếng bơ để chiêu đãi khách. Một đầu bánh mì mà to thế này thì cả cái bánh chắc phải hơn một mét. Bánh mì nóng giòn của nhà tự làm, đựng trong cái đĩa xám hình bầu dục có thành cao hay dùng ở Pháp. Thử hỏi trên đời còn món gì ngon hơn bánh mì nóng ăn lúc đói hả giời? Cứ bảo ăn từ từ để đợi món ra mà đợi mãi không thấy nên ăn hết nhẵn, nhặt đến cả vụn. Có thể nói luôn không cần đợi món chính: cái bánh mì này là món ngon nhất của nhà hàng (mà lại… miễn phí). Hóa ra không phải chỉ ở Pháp mới có bánh mì. Bánh mì ngon thế này ở Việt Nam chỉ có một lần ăn ở Cẩm Phả, đi chơi với người quen làm quản đốc mỏ than, ông ấy đi làm về đưa cho cái “bánh mì mỏ” nóng hổi, chuyên làm cho thợ mỏ ăn, ruột nó đặc kịt, ăn xong quên luôn sự đời và… bữa tối vì no.

IMG_4213_副本.jpg

Escargot

Ốc sên được nấu rất vừa, đựng trong cái đĩa truyền thống với bộ đồ nghề chuyên nghệp. Nhưng mà ngon hơn cả lại là bơ, có lẽ là bơ tự làm ở địa phương. Cua phá xí cũng khá nhưng không ấn tượng lắm. Cuối cùng là món… dơi hầm. Có quán còn để nguyên đầu con dơi nhe răng trông phát khiếp, may mà ở đây đã bỏ đầu đi rồi. Ngược lại với mong đợi, thịt con dơi rất khô, nước sốt thì chua và đắng. Dĩ nhiên những món hầm Pháp thì bao giờ cũng hơi đăng đắng nhưng quả thực rất khó ăn, ấy là chưa kể thịt vẫn còn mùi nồng. Lần đầu tiên và cuối cùng trong chuyến đi phải bỏ thừa. Mấy hôm sau gặp bác Việt kiều mới biết bên này người Việt chuyên nấu món dơi… giả cầy và rựa mận, thơm ngon đáo để, Tây ăn thích mê!

IMG_4221_副本.jpg

Cua và dơi

Khi ra trả tiền thì thấy chỗ quầy rượu có treo ảnh Hoa hậu Vanuatu. Thấy mình nhìn tấm ảnh, cô phục vụ hỏi: “Me-xừ có muốn chụp ảnh với cô trong ảnh này không?”. Mình giật cả nảy, hỏi lại: “Làm sao mà chụp được hả chị?”. Cô chỉ tay ra sau lưng mình nói đơn giản: “Đang ngồi ăn kia kìa”. “À, ra là khách quen”. “Không, con gái ông chủ đấy, còn cái ông vẽ tranh treo khắp ở đây cũng đang ngồi ăn cùng. Để em ra gọi lại chụp ảnh nhé?”. “Thôi thôi, ai lại làm thế được” (Nghĩ cũng tiếc, chẳng mấy khi đi đâu lại gặp hoa hậu một nước ngồi ăn trước mặt mình). Ông chủ đang ngồi ăn cùng một chục quan khách quanh cái bàn tròn, nom toàn văn nghệ sĩ, ông ra dáng một người bảo trợ cho nghệ thuật lắm. Cô phục vụ tính tiền xong sau khi đã kiểm tra ba lần bằng máy tính, phải chạy lon ton ra đưa ông chủ duyệt hóa đơn một lần nữa. Gớm, quản lý cả đầu vào lẫn đầu ra! Nhận hóa đơn mình mới biết là giá trong menu chưa bao gồm thuế VAT 12,5%. Thịt dơi còn đang giắt trong răng đây này!

IMG_4222.jpg

Ông chủ quán áo hoa ngồi giữa, cô hoa hậu ngồi bên cạnh

Đây là cô hoa hậu trong video quảng cáo du lịch Vanuatu ạ
 
14. Đi "họp" Quốc hội với anh bạn mới quen

Mỗi chuyến đi luôn thú vị nhất ở việc gặp những người bạn mới trên đường lang thang. Chẳng là lúc tìm chỗ ăn ở chợ, giữa la liệt hàng quán không biết chọn quán nào thì em đã quyết định ăn ngay ở một hàng có một anh châu Á đang ngồi ăn một mình, trông có vẻ rất tự nhiên như người bản địa, "ông này ăn được chắc mình cũng ăn được". Vừa ăn vừa bắt chuyện thì ra anh này người Hàn Quốc, nói tiếng Anh ú ớ, tên là Nam, đang dạy Toán ở... bên Fiji chứ không phải ở đây, theo diện Nhà nước cử, đi 4 năm rồi. Ông ấy ăn xong bữa thì lấy một túi chanh leo mới mua ra, xong cắt đôi và xúc ăn luôn (!?), ông ấy nhiệt tình mời em, còn cứ bắt mang về, nhưng em ăn thử một quả thì chua rụt lưỡi nên chỉ dám xin đúng một quả. Mấy người đi du lịch độc hành thường rất thú vị nếu không muốn nói là hơi hâm hâm, ông Nam này buồn cười ở chỗ ông ấy không kể hết câu chuyện bao giờ, cứ kể chán chê xong lại lòi ra tình tiết mới mà ông ấy tưởng người nghe đã biết trước rồi. Ví dụ, Em bảo:

- Ăn nhà hàng ở đây đắt gần bằng bên Úc
- Tôi chưa ăn nhà hàng bên Úc bao giờ nên không biết đắt rẻ ra sao
- Khi nào sang Úc chơi thì em dẫn đi ăn quán Hàn Quốc
- Ơ, tôi đi Úc rồi, đi hết Sydney, Melbourne, Cairns, Alice Springs cả rồi
- Thế sao bảo chưa ăn quán ở Úc bao giờ?
- Chỉ toàn mua đồ siêu thị ăn nên không biết giá cả trong quán ra làm sao (!?)

Xong ông kể là ở Fiji dạy học suốt nên chả được đi đâu, phải tranh thủ học sinh nghỉ hè mới sang đây đi chơi. Nghe có vẻ vất vả, dạy học quanh năm phải không ạ? Hỏi ra thì bố này đi cmn gần hết Nam Thái Bình Dương rồi, một năm nghỉ dạy mấy đợt, xa như Polynesia cũng đã đi hay nhỏ như Kiribati cũng đã đến. Nên ông này lê la chợ búa đã quen rồi.

Nam bảo sẽ đi Tanna xem núi lửa, hồi hộp, háo hức, hí hửng lắm dù chưa đặt vé, em nghe thế thì cũng tán vào, vì cùng chí hướng đi sang Tanna lần đầu, em mới chỉ cho chỗ em đặt vé và tour. Ai dè lúc sau ông ấy mới bảo ông ấy đi Tanna... hai lần rồi, nhưng mà lần thì núi lửa hoạt động mạnh nên không được lên, lần thì mưa to ngập đường, nên lần này là lần thứ ba, mà vé máy bay thì có rẻ gì cho cam. Em ăn xong thì đứng dậy tạm biệt, hẹn gặp lại theo phép lịch sự mà em nghĩ chắc không bao giờ gặp lại nữa, như một người bạn qua đường trên rất nhiều chuyến đi khác thôi.

Hôm sau em ra sân bay chuẩn bị bay đi Tanna thì thấy ngay ông này lù lù bên Tanna mới về, mặt mãn nguyện lắm, khoe em cái video núi lửa phun giữa ban ngày, em thấy may quá mình không đi ban ngày, vừa nắng chang chang, vừa không nhìn rõ vì chói mắt. Lại tạm biệt, chia chân chia tay rất xúc động. Ba hôm sau em đang đi trên phố thì lại gặp ông này đi ngơ ngơ, chân đá ống bơ ngay trước mặt. Em hỏi là đang đi đâu, trả lời: không biết đi đâu cả, cứ lang thang trên phố thôi. Vợ em thấy vừa buồn cười vừa thương nên bảo: chiều nay đi cùng với nhà em đi chơi cho vui. Nam bảo: tôi thuê phòng chỗ xa lắm nên chắc không gặp được, thôi hai bạn cứ đi đi. Em nghĩ chắc người ta cũng ngại. Đến trưa, đang nằm ngủ thì có ai đập cửa phòng rầm rầm, mở cửa ra thì bố này đứng trước cửa hỏi: kế hoạch chiều nay đi đâu cho đi với. Em bảo sao tìm được chỗ em ở? Bảo hôm trước ở chợ em nói em ở ngay cạnh chợ nên đi hỏi từng chỗ một! Các bác bảo duyên nợ đến thế là cùng.

IMG_1914_副本.jpg

Chụp kiểu ảnh với người bạn mới

Thế là chiều cho vợ đi mát-xa, còn em và ông này đi lòng vòng, tham quan một số cơ quan đầu não, dù gì mình cũng đến thủ đô nước người ta cơ mà. Tên đường phố ở thủ đô rất hay, viết theo kiểu Pháp là "Rue de...", nhưng lại dùng địa danh ở Anh ví dụ Rue Edinburgh, Rue de Wales, Rue Cornwall, Winston Churchill Avenue thì nối với Rue du General de Gaulle.

IMG_1515.jpg

Đại sứ quán Pháp nằm ngay mặt đường cái Kumul Highway

Australian High Comission in Port Vila, Vanuatu.JPG

Đại sứ quán Úc tại Vanuatu (đại diện cho cả Canada có cái biển bé xíu bên trái) trên đường Winston Churchill. Đại sứ quán Úc to vật nằm ngay cạnh Nhà Quốc hội Vanuatu, vị thế tương tự như Đại sứ quán Mỹ trên đường Thống Nhất hay Đại sứ quán Liên Xô ở phố Trần Phú vậy. Cơ quan đại điện của các nước trong Khối thịnh vượng chung Anh không gọi là Đại sứ quán (Embassy) mà gọi là Cao ủy (High Commission) là một từ tiếng Anh và ý rằng là chúng ta đều là anh em dưới sự bảo hộ của Nữ hoàng, không phải đại diện theo quan hệ quốc tế "thông thường".

Đến nước nào em cũng tham quan Nhà Quốc hội, chỉ trừ có một nước em sống từ bé đến lớn là không mở cửa cho cử tri chứ đừng nói là người nước ngoài, nên em chưa được vào. Giờ cùng xem Tòa nhà Quốc hội để tìm hiểu về nền dân chủ non trẻ của đất nước này sau hai thập kỷ bất ổn chính trị từ khi độc lập.

IMG_4191.jpg

Cổng vào tòa nhà Quốc hội Vanuatu

Nhà Quốc hội cũng như bất kì tòa nhà nào ở Vanuatu, không có bảo vệ túc trực thường xuyên, không lo trộm cắp, em và Nam đi vào trong như chỗ không người, ngó nghiêng một lúc mới thấy một anh an ninh… mặc áo sơ mi hoa lá màu mè (là trang phục công sở ở các đảo quốc nhỏ Thái Bình Dương) ra hỏi đi đâu. Dường như không có mấy khách tham quan địa điểm này chắc vì họ cho rằng cơ quan Nhà nước không cho phép vào. Em bảo muốn tham quan thế là anh này mới gọi sếp của anh ấy ra. Anh sếp vui vẻ dẫn hai đứa đi tham quan một vòng và còn mở cửa phòng họp chính cho em vào xem, chụp ảnh tha hồ. Chắc không ở đâu được cái đặc ân như thế.

IMG_4190.jpg

Một dàn pin mặt trời do Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất tài trợ

IMG_4192.jpg

Lễ đài hình xoáy trôn ốc nơi các nghị sĩ làm lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội. Thực tế đây là hình răng nanh lợn rừng, biểu tượng của Vanuatu


Đến đây lại phải giải thích thêm về quốc kỳ của Vanuatu.

900px-Flag_of_Vanuatu_(official).svg.png

Quốc kỳ của Vanuatu

Lá cờ này được thiết kế bởi một họa sĩ Vanuatu tên là Kalontas Malon vào năm 1977 cho Đảng Vanua'aku Pati. Sau khi Đảng này đưa đất nước đến độc lập, là cờ này được Quốc hội thông qua vào ngày Độc lập (30/07/1980) làm quốc kỳ. Màu đỏ tượng trưng cho máu của lợn rừng và thổ dân, màu xanh là thiên nhiên màu mỡ của những hòn đảo, màu đen tượng trưng cho người Vanuatu. Lãnh đạo Đảng Vanua'aku Pati là Walter Lini, sau là Thủ tướng đầu tiên, đã yêu cầu thêm dải màu vàng vào để làm nổi bật màu đen. Ông là một mục sư Anh giáo nên màu vàng tượng trưng cho ánh sáng của Thiên chúa trong kinh Phúc Âm chân lý chói qua tim nhân dân cần lao.

Hai biểu tượng còn lại là cái răng nanh của con lợn rừng và hai lá cây vạn tuế (tiếng Bislama là namele), có 39 nhánh lá tượng trưng cho 39 nghị sĩ Quốc hội đầu tiên. Nhìn chung là lá cờ khá ý nghĩa và độc đáo, đại diện được cho những giá trị mà nó cần đại diện.

IMG_4193.jpg

Hành lang Quốc hội vắng tanh, chả thấy ai "vận động". Có lẽ do không phải vào ngày làm việc.

Quốc hội Vanuatu hoạt động theo cơ chế Hệ thống Westminster của Anh và thể hiện ở cách bài trí chỗ ngồi nhưng lại chỉ có một viện. Anh an ninh "tự hào" giới thiệu rằng ở đây có hệ thống ghi chép - phiên dịch biên bản thủ công duy nhất trên thế giới ra ba thứ tiếng, các nghị sĩ phát biểu tiếng Anh thì sẽ có thư ký quốc hội dịch ra tiếng Pháp và tiếng Bislama và ngược lại. Dĩ nhiên là tiếng Bislama chỉ có ở đây là đương nhiên rồi nhưng hệ thống phiên dịch ở hầu hết các nước giàu đã tự động hóa như Canada dùng để ghi lại biên bản Hansard họp quốc hội, dịch tốt đến mức có ông đem sách ra đọc để lấy bản dịch bán kiếm tiền.

vanuatu-parliament-interior.JPG

Phòng họp chính của Quốc hội, ảnh lấy trên mạng vì có ánh sáng đầy đủ

IMG_4194.JPG

Lúc em vào thì tối om thế này, hai cái buồng che rèm ở phía xa để bỏ phiếu (kín)
 
Last edited:
IMG_4195_副本.jpg

Trần nhà dùng khung gỗ trông như nhà sàn của thổ dân bản địa

IMG_4198.jpg

Tên các vị đại biểu trên bàn

IMG_4199.jpg

Hai hòm đựng phiếu. Hòm bên trái là phiếu bầu Tổng Thống. Hòm bên phải là phiếu bầu Thủ Tướng.

Tổng thống do Hội đồng bầu cử (gồm các nghị sĩ và Chủ tịch ủy ban địa phương) bầu ra với 2/3 số phiếu thuận. Tổng thống chỉ có vị trí nghi thức. Thủ tướng đứng đầu Chính phủ do các nghị sĩ bầu ra với 3/4 số phiếu thuận. Thế là Thủ tướng ở đây hơi bị khó ăn, phải có uy tín cực lớn bởi có 52 nghị sĩ tất cả mà có đến 19 Đảng và các nghị sĩ độc lập. Trung bình mỗi đảng một đến hai ông :ROFLMAO:

IMG_4200_副本.jpg

Thôi em nhường bác Kim Jong Nam làm Tổng thống. Em làm Thủ tướng thôi. Các bác lãnh đạo cao nhất bao giờ chả nho nhỏ người phải không ạ, truyền thống bên quê em là thế, bác nào cao to phát bị loại ngay.

IMG_4205.jpg

Ảnh các bác Thủ tướng qua các đời trong thư viện. Bác Sato Kilman kia có đến ba cái ảnh giống nhau chứ người ta không làm một cái ảnh và ghi ba nhiệm kỳ.


Dù được bầu ra bởi vỏn vẹn có 170,000 cử tri nhưng được bầu ra một cách dân chủ bởi đồng bào của mình hẳn cũng hãnh diện lắm phải không ạ. Em đi nước nào cũng thấy người ta treo ảnh Thủ tướng các đời một cách trang trọng. Người ấy sau này có công tội ra sao thì ở thời điểm được bầu lên, lá phiếu của cử tri là hợp pháp, vị trí Thủ tướng là hợp hiến thì vẫn nên trưng bày trang trọng. Chả ở đâu lại có cái kiểu "xóa tư cách" như ai đó. Ví dụ như ông Thủ tướng gần cuối là Moana Carcasses Kalosil đã phải đi tù vì tội đưa hối lộ, tuy nhiên ảnh ông vẫn ở đây cười rất tươi. Em không được vào Nhà Quốc hội nước nọ nên chẳng biết ở đấy có treo tranh ảnh gì không, có lẽ là không, bởi vì bầu cử chả nghiêm túc, mà không treo ảnh thì sau đỡ mất công tháo.
 
IMG_4206.jpg

Mô hình tòa nhà Quốc hội Vanuatu. Nhìn là biết món quà của Thiên triều. Thiên triều thiết lập quan hệ ngoại giao với Vanuatu từ năm 1982, ba năm sau ngày Vanuatu độc lập, đủ thấy người Trung Quốc đã có tham vọng vươn ra hoàn cầu từ rất sớm, ngay khi họ vẫn còn khá nghèo.

Tòa nhà Quốc hội Vanuatu là một món quà của Chính phủ Trung Quốc. Mới đây người Trung Quốc lại “tặng” thêm một Trung tâm Hội nghị quốc gia cực lớn nằm ngay cạnh nhà Quốc hội. Mới đến mức trên Google còn chưa có địa điểm, em phải thêm vào. Trung tâm hội nghị vắng tanh và các hạng mục sân vườn thì chưa hoàn thiện. Thì ra người Trung Quốc đã có ý quan tâm đến những vùng xa này từ lâu, họ chọn các nước châu Phi và Nam Thái Bình Dương để gây ảnh hưởng, tránh chạm mặt các nước lớn, thực dân lâu đời. Gần đây, các nước Nam Thái Bình Dương cắt hết quan hệ ngoại giao với Đài Loan và việc Chủ tịch Tập thăm chính thức Fiji đủ nói lên nhiều điều. Mặc dù Úc và New Zealand vẫn là những quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Vanuatu nhưng việc người Trung Quốc ngày càng tăng cường hiện diện ở đây đã thách thức nghiêm trọng quyền lực của người Úc. Năm 2019, Thủ tướng Úc đã thăm chính thức Fiji và Vanuatu, một việc hiếm thấy (vì Thủ tướng Úc đi nước ngoài còn ít nữa là đi mấy nước nhỏ), đủ biết vị thế của Úc đã lung lay thế nào.

IMG_4188_副本.jpg

Trung tâm Hội nghị quốc gia Vanuatu, cỏ mọc um tùm

Những chuyện sóng gió gần đây về quan hệ giữa Đài Loan với các nước Thái Bình Dương đã có từ lâu. Vì Đài Loan và Trung Quốc luôn cố giành giật nhau (chủ yếu bằng tiền) từng nước nhỏ một trên thế giới để họ công nhận tính chính danh của chế độ mình. Đài Loan vốn giàu có trước Trung Quốc rất lâu nên đã có quan hệ ngoại giao với rất nhiều quốc đảo tí hon ở khắp thế giới. Ở Vanuatu thì nổi tiếng nhất với chuyện ngày 3/11/2004, Thủ tướng Serge Vohor bí mật thăm Đài Bắc để thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan trong khi chưa được Hội đồng Bộ trưởng thông qua. Hội đồng Bộ trưởng sau đó đã bác quyết định này và tiếp tục duy trì quan hệ với Trung Quốc. Ngày 1/12/2004, ông đại sứ Trung Quốc mới nhậm chức đã đến gặp Thủ tướng Vohor để trách cứ tại sao vẫn còn cờ Đài Loan treo ở một khách sạn tại Port Vila và thế là Thủ tướng đã đấm (vỡ mồm) đại sứ Trung Quốc (thực tế là vào vai, và người ta không rõ là đấm hay là đẩy nhưng đọc vẫn thấy phê lòi phải không các bác). Ông Thủ tướng sau đó bị bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, dù đã kiện lên Tòa án Tối cao nhưng cuối cùng vẫn mất chức!

IMG_4189.jpg

Chi tiền, xây dựng, thiết kế, giám sát thi công đều là người Trung Quốc, chỉ không rõ là cho hay cho vay
 
Last edited:
15. Thiên đường thuế thì thuê ai thầu?

Dịp diễu binh kỷ niệm quốc khánh 70 năm nay, có một đoàn các binh sĩ nước ngoài tham gia, đều là các nước đồng minh hoặc chư hầu của Trung Quốc, trong đó có Fiji và Vanuatu, hai nước lớn nhất ở Thái Bình Dương. Người Trung Quốc với nguồn vốn khổng lồ và rất cần những thị trường dễ tính để tiêu thụ hàng hóa đang tiếp cận khu vực Thái Bình Dương xa xôi này cũng là điều dễ hiểu. Ở những đảo nhỏ, núi sông cách trở hơn, gần như không có người ngoại quốc sinh sống thì các công nhân Trung Quốc đã bắt đầu có mặt để thi công các công trình cơ sở hạ tầng. Người Trung Quốc viện trợ cơ sở hạ tầng nên rất thiết thực, dân dễ cảm nhận, người Úc viện trợ toàn những cái cao siêu như đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thể chế nhà nước, minh bạch hóa thông tin... nên chả ông nào thích. Trung Quốc nói sẽ làm cáp quang internet cho cả Nam Thái Bình Dương thì Úc mới giật mình, và không cho Trung Quốc cắm cáp quang vào đường dây của Úc (là vị trí thuận tiện nhất) để kết nối ra thế giới và đảm bảo sẽ tài trợ toàn bộ cáp quang cho mấy nước này.

IMG_4225.jpg

Công nhân Trung Quốc thi công con đường phía sau nhà nghỉ em ở. Vấn đề lớn nhất và gây bức xúc nhất với các công ty Trung Quốc ở khắp thế giới là họ luôn mang theo công nhân viên Trung Quốc, không dùng người địa phương. Người Vanuatu đứng khoanh tay hoặc đút tùi quần phía ngoài rào chắn

Không chỉ chính phủ Trung Quốc mà quan lại và giới thương gia Trung Quốc cũng đầu tư vào Vanuatu kha khá. Quốc tịch Vanuatu có giá 150k đô/người độc thân, hai vợ chồng và hai con trọn gói có 200k, mua luôn không cần cư trú (loại này không được bầu cử), lấy hộ chiếu ngay, được miễn visa Schengen, Anh, Hong Kong và Nga. Lúc đi Vanuatu em cũng nghĩ hay là sau này có vốn, làm một cặp hộ chiếu cho hai vợ chồng đi lại cho tiện, bây giờ thì người Trung Quốc mua rào rào và đã có ông Bộ trưởng Vanuatu rũ tù vì tội ký “bán” hộ chiếu trái quy định cho người Trung Quốc. Bởi vì Vanuatu được mệnh danh là một tax haven (thiên đường thuế). Đây là một trong những cách chủ yếu để thu hút vốn đầu tư vào các quốc đảo nhỏ bé xa xôi.

Khi vụ hồ sơ Panama nổi lên thì nhiều người mới bắt đầu tìm hiểu về khái niệm Thiên đường thuế. Từ haven (hây-vừn) trong tax haven nghĩa là “nơi ẩn náu, nơi trốn tránh” gần giống với từ heaven (he-vừn) nghĩa là “thiên đường”. Có lẽ vì sự na ná này mà khi dịch sang nhiều ngôn ngữ khác, người ta cũng dùng cụm tương đương với “tax paradise” (“paradise” cũng là thiên đường) hiểu với nghĩa là một nơi sung sướng tuyệt vời. Vì thế, chúng ta dịch “thiên đường thuế” thì không sai nhưng nên lưu ý trong tiếng Anh chỉ có thuật ngữ tax haven.

Tax haven không còn mới mẻ gì với giới doanh nghiệp Âu Mỹ, khi mà họ làm ra quá nhiều tiền và cần tìm cách tránh thuế, trốn thuế, luân chuyển dòng tiền và... rửa tiền. Phần đông dân ta còn nghèo, không nhiều người biết và quan tâm, nên khi có sự kiện mới sinh ra ồn ào trên báo chí đến vậy. Các quốc đảo nhỏ xíu và các nước bé tẹo ở châu Âu thường là nơi có dịch vụ tài chính này. Do tài nguyên thiên nhiên không có gì nên đi buôn tiền là cách kiếm lợi tốt nhất mà họ có thể làm được nhờ hệ thống đánh thuế thấp và điều kiện đăng ký kinh doanh siêu dễ dàng. Thụy Sĩ vẫn là nổi tiếng nhất, ngoài ra có cả những nước giàu mạnh như Hà Lan (bao gồm các lãnh thổ hải ngoại của nó) do lịch sử kinh doanh tư bản lâu đời.

Vanuatu đã tuyên bố vào năm 2008 là sẽ từ bỏ danh hiệu tax haven nhưng trên có vẻ không phải như vậy. Các quảng cáo trên tạp chí máy bay, cửa kính các công ty bất động sản hay cả quảng cáo… du lịch đều nhan nhản chữ “tax haven”. Thực tế là hàng hóa đắt là vì tiền vận chuyển chứ không phải vì thuế. Hầu hết các mặt hàng chỉ có một loại thuế kiểu Pháp là VAT (thuế giá trị gia tăng). Nếu mua hàng duty free, rượu vang và trang sức chẳng hạn, thì giá rẻ hơn Úc 10-20% (mua xong họ gửi thằng ra sân bay, đến mãi lúc trước khi lên máy bay theo nghĩa đen mới được lấy). Thuế trước bạ trên nhà đất vẫn có chứ không phải không, trước đây là 7%, giờ đã xuống tầm 2%.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Vanuatu rơi vào khoảng 2 triệu đô la Mỹ. Thủ tướng Vanuatu đã sang thăm Việt Nam năm 2014. Nước ta có lợi thế là có cộng đồng Việt kiều ở đây, nếu máu làm ăn chắc không phải quá khó.

IMG_1526.jpg

Một quả nồi nhôm Việt Nam trên kệ hàng siêu thị. Hàng Việt Nam sang tận đây mà không bị cạnh tranh bởi đồ Trung Quốc đủ biết thị phần còn nhiều thế nào.

IMG_4208.jpg

Nước hoa Sài Gòn trong một quầy hàng lưu niệm. Ở Việt Nam em còn không thấy nước hoa này từ lâu lắm rồi

IMG_4209.jpg

Phần nguồn gốc xuất xứ thì lại rất khó hiểu và mù mờ. Không thấy ghi sản xuất tại Việt Nam, mà nhà sản xuất là Shenglong và ở khu công nghiêp ShiTaTou nào đó, chắc bên Tàu còn nhà phân phối thì ở Angola
 
Last edited:
16. Tạm biệt Vanuatu

IMG_4227.jpg

Thấy ngoài đường nhiều người nước ngoài tết tóc nên nhà em cũng đua đòi. Ở chợ họ làm rất nhiều và khéo, ở đây vì muốn bạn nhân viên nhà nghỉ có thêm thu nhập nên để bạn ấy làm, kiểu amateur nên nút tết còn to

IMG_4228_副本.jpg

Chụp ảnh cùng các bạn nhân viên nhà nghỉ trước lúc lên đường về quê

IMG_4234_副本.jpg

Last stop for ice-cream. Mãi mới thấy một chỗ màu hồng ở đất nước mà nhà cửa quá nhiều màu sắc sặc sỡ này, đúng là màu hồng vẫn hợp với mấy bạn châu Á cute hơn

IMG_4236.jpg

Cửa xuất cảnh vào phòng chờ, tự nhiên các em Úc quen thuộc lại ở đâu ra đông nghìn nghịt


IMG_4237.jpg

Nhân viên xuất nhập cảnh làm thủ tục xuất cảnh. Anh này lại mân mê hộ chiếu của em một lúc, hỏi có vấn đề gì không mới giật mình đóng dấu và thú nhận là hộ chiếu này có màu lá chuối lạ quá, tớ chưa thấy bao giờ. Không cấm chụp ảnh như các nước khác nhé, có cái đếch gì đâu mà cứ phải cấm đúng không các bác?
IMG_1923_副本.jpg

Lần này thì cuống vé của Air Vanuatu


IMG_1926.jpg

Hùng dũng bước ra máy bay trong nắng vàng rực. Sân bay này có view hơi bị đẹp các bác ạ, nhìn ra đồi núi trập trùng như resort luôn, máy bay đi qua lại gần sát nhà ga, to ơi là to

IMG_4238_副本.jpg

Nụ cười quyến rũ của tiếp viên Air Vanuatu. Không muốn so sánh với Sorry Airlines đâu nhưng mà...

IMG_4239.jpg

Ảnh nền app Air Vanuatu để dùng trên máy bay. Tạm biệt Vanuatu và hẹn gặp lại!

IMG_1931.jpg

Và thế là đã về đến nhà!
 
Những dòng ghi chép của bạn về người Việt ở Vanuatu dù ngắn những rất đúng. Họ còn được gọi là người Chân Đăng, chủ yếu là người các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng (Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình...) do các công ty khai mỏ, chủ đồn điền của Pháp tuyển dụng sang làm việc ở những nước thuộc địa của Pháp. Trước đây mình cũng chỉ biết có vậy nhưng cách đây khoảng 3 tháng tình cờ xem series phìm tài liệu của Đài TH TP. HCM mời biết sâu hơn về cuộc sống của đồng bào. Nhiều đoạn xem thấy cay mắt về tình cảm với nguồn cội của những người con tha phương. Sau khí xem mình đã rất tiếc vì đã bỏ lỡ một cơ hội làm việc tại khu vực Nam Thái Bình Dương giá ngày ấy mình nhận lời qua đó làm việc một thời gian thì có khi mình sẽ là một phần của cộng đồng người Việt bên đó.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,425
Bài viết
1,175,795
Members
192,098
Latest member
vnae888
Back
Top