11. Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic
Với điều kiện kinh tế của nhiều người Việt Nam thì đi du lịch nước ngoài ở cùng một địa điểm hai lần đã là nhiều. Mình rất ngạc nhiên khi người Tây họ có thể đi Thái Lan năm lần, đi Bali sáu lần, không phải chỉ vấn đề tài chính mà còn không hiểu tại sao họ không chán. Thực ra thị hiếu của phần đông dân Tây đơn giản đến bất ngờ, nếu thích một nơi thì có thể đi nhiều lần suốt nhiều năm, thích một món ăn thì có thể gọi cả trăm lần mỗi năm. Vì thế mà nhiều người quay lại Vanuatu cũng chỉ vì… ăn. Hương vị ẩm thực ở đây chẳng kém gì ở Paris mà nguyên liệu thì tuyệt hảo. Những nhà hàng mà nhiều người nói đã quay lại đến lần thứ bảy thì cũng đáng để thử lắm chứ.
Mỗi khi đi chơi em thường dựa theo phương châm các cụ đã dạy: “
Ăn nhiều, ở hết bao nhiêu”. Dĩ nhiên đi nghỉ dưỡng ở khách sạn năm sao thì ai chẳng thích nhưng nếu phải hi sinh chỉ ở tạm được mà ăn ngon lành thì em cũng vui vẻ bằng lòng. Muốn hiểu về một dân tộc thì phải xem họ ăn cái gì. Mời các bác cùng thong thả theo dõi hành trình ẩm thực của em từ cao lâu tửu quán ra đến đầu đường xó chợ.
Tiếp tục câu chuyện từ buổi chiều trên bến cảng. Quyết định đi ăn nhà hàng Tây nên em định bụng đi mua chai rượu vang vì rượu của nhà hàng thường hạn chế, không đúng ý vả lại đắt cắt cổ. Mới năm giờ chiều mà các hàng rượu đã đóng cửa cả, chẳng hiểu làm ăn kiểu gì! Vào siêu thị thì bị một phát choáng váng khi nhìn thấy quầy rượu phủ bạt, đồng thời treo biển:
Không bán đồ uống có cồn từ 11:30 thứ Bảy đến 7:30 thứ Hai.
Biển thông báo giờ giới nghiêm với rượu bia
Sở dĩ cấm như vậy vì ngày Chúa nhật thì không được uống rượu. Dân Đen ở đây bình thường rất hiền lành, nhưng rượu vào thì quậy phá phải biết. Chẳng biết có phải “chúng dùng rượu cồn để làm cho nòi giống Đen suy nhược” hay không, nhưng trước khi thực dân đến đây thì dân Đen chỉ có một loại thức uống truyền thống là kava. Thứ nước có cồn này nghiền từ rễ cây ra, uống vừa thơm mùi rượu vừa tanh mùi bùn. Thế nên lựa chọn duy nhất là mua rượu của nhà hàng, chuyên bán cho khách du lịch phương Tây, những người theo đạo Thiên chúa nhưng không bao giờ đi Nhà thờ trừ khi vào ăn cưới.
Tủ bánh mì trông rất hay trong siêu thị, bánh baguette là nhiều nhất, hầu hết các loại bánh giá dưới $1.
Hôm trước đi qua mình bị ấn tượng với cái tên nửa Anh nửa Pháp của một khách sạn lớn: Chantilly’s on the bay. Có lẽ họ muốn nói rằng đây là một lâu đài Chantilly bên bờ vịnh chăng, vậy đầu bếp có lẽ cũng khá (Lâu đài Chantilly bên Pháp là nơi ngày xưa có đầu bếp Francois Vatel cực kỳ xuất sắc). Nhà hàng vốn có một cái cầu tàu bằng gỗ vươn dài ra mặt nước, phía cuối đặt một bàn ăn, nếu vừa ăn vừa ngắm hoàng hôn thì còn gì lãng mạn bằng. Tiếc thay khi em gọi điện đặt bàn thì lễ tân trả lời rằng... cầu tàu đã theo gió bay đi trong cơn bão Pam. Em đến nơi thấy chỉ còn trơ lại mấy cái trụ bê tông lòi ra cốt thép vằn vện.
Ảnh cầu tầu trong quảng cáo, có cả bàn ngồi ăn nếu đặt trước. Ảnh từ trang này
Lên đồ đi ăn nhà hàng, vì đi bộ khoảng một cây số nên cũng chẳng mặc gì diêm dúa cho nóng, nhưng cũng mặc nhã nhặn một tí, cứ quần đùi đi khắp bốn phương kiểu dân Việt Nam nhỡ người ta không cho vào cửa
Khách sạn là Chantilly's còn nhà hàng là Tilly's
Trong nhà hàng, chỉ mấy bàn có người ngồi, tất cả đều da trắng. Chắc toàn người Úc vì có ông đi cả tông Lào, thành ra hai đứa bước vào khiến tất cả mọi người cùng nhìn và soi từ đầu đến chân, từ đầu đến cuối bữa, biết thế mặc cmn quần đùi! ? Một món chính ở những nhà hàng kiểu này khoảng $30, nghĩa là tương đương ở Úc. Với mức thu nhập của người dân bình thường ở đây thì giới trung lưu cũng khó mà đi ăn nhà hàng được chứ không nói đến dân lao động, nên toàn bộ thực khách là những người đi du lịch. Em gọi hai khai vị và hai món chính, uống cùng Cabernet Sauvignon:
Croquette cá marlin
Súp hành kiểu Pháp
Bít tết Scotch fillet ăn kèm khoai tây chiên và sốt béarnaise
Surf and tuft gồm: bít tết eye fillet, tôm nướng, gratin khoai tây và rau củ nướng
Eye fillet và Scotch fillet là tên gọi ở châu Úc cho hai phần thịt tenderloin và ribeye của con bò. Sống ở Úc có cái khoái là thịt bò mềm và rượu vang ngon được sản xuất ngay trong nước, lúc nào cũng có sẵn ở siêu thị. Nhiều miếng thịt bò rất rẻ, oyster blade có khi giá chỉ bằng ức gà. Nếu mua loại bình thường thì ăn cũng dai chẳng kém thịt bò Úc mua ở Metro Việt Nam. Vì bò nuôi công nghiệp ăn ngô ăn cám thì thịt đương nhiên chỉ có vậy. Loại ăn cỏ, thả rông có ghi rõ trên bao bì và giá thì… lè lưỡi.
Ảnh minh họa một cánh đồng cỏ nuôi bò em chụp từ máy bay, có cây đại thụ bị bật rễ
Ở Vanuatu, người ta quảng cáo rằng thịt bò ở đây thuộc hàng ngon nhất nhì thế giới, vậy nên mới gọi steak ăn cho biết. Lúc đi qua những cánh đồng cỏ rộng lớn, lác đác vài con bò, anh lái xe đã nói: bò ở đây chỉ ăn cỏ, thả cả ngày nên thịt rất ngon mà lại đảm bảo không chất kích thích. Không chỉ thịt, tất cả rau củ quả ở Vanuatu đều nuôi trồng tự nhiên, không hề phun thuốc, hay dùng chất hóa học, kể cả phân bón hóa học. Chị chủ quán Việt Nam cũng xác nhận như thế: “
Sống ở đây hơi buồn tí nhưng được cái ăn đồ sạch em ạ. Dân ở đây họ tuyệt đối không dùng một tí phân bón thuốc trừ sâu nào vì làm gì biết thuốc trừ sâu là cái gì, đồ ăn toàn là… cái gì ấy nhỉ… organic đấy em ạ. Chị về Việt thấy ung thư khắp nơi mà phát khiếp.” Có lẽ đất đai màu mỡ, cùng với điều kiện đảo cách biệt nên các loài sâu bệnh cũng ít hơn nơi khác. Nhiều người Việt chỉ trồng rau bán mà cũng thành khá giả. Tỉ phú Đặng Văn Nha bên Tân Thế Giới cũng kể rằng khúc ngoặt của đời ông là khi ông tìm được ra một cái ao rau muống, thế là đủ nuôi cả nhà và các anh em ăn học. Tỉ phú Đinh Văn Thân ở Vanuatu thì khi làm thầu khoán xây nhà có chút vốn cũng mở trang trại nuôi bò.
Hải sản ở đây nhiều vì mức độ khai thác ít. Con hải sâm đầy trên bãi biển chẳng ai nhặt và chẳng ai biết ăn. Có những tour cho khách du lịch đi câu cá, đã đi là sẽ câu được những con dài ba đến năm mét, tha hồ chụp ảnh ôm cá. Cá cơm, người Việt ở đây gọi giống ngoài Bắc là “cá ruội”, rất nhiều, các bà còn đem về làm mắm. Cá to cũng nhiều, ban ngày nó bơi đầy ở sát bờ biển thành phố. Nhưng mùa san hô nở thì cá ăn vào có độc, ngư dân bắt về đem vứt lên bờ, nếu thấy kiến bâu vào thì ăn được. Mấy ông thủy thủ Việt Nam ở trong nước sang, các bác Việt kiều đã dặn là phải cẩn thận nhưng thấy cá nhiều quá đâm tham, đến đêm câu lên đánh chén, trời chưa sáng thì đã nôn thốc nôn tháo phải đi rửa ruột.
Croquette cá marlin và Súp hành kiểu Pháp
Cá Marlin tiếng Việt gọi là cá cờ gòn hay cá maclin, không phải giống cá cờ mà nó có kiếm và dài hàng mét. Croquette là món tẩm bột chiên kiểu Pháp, có nhân trộn với sốt béchamel, tất cả bọc trong khoai tây nghiền rồi lăn vụn bánh mì và rán. Món khai vị đầu tiên ngon tuyệt, vỏ giòn rụm mà nhân còn nguyên miếng cá và rõ mùi biển. Đi Tây với mình khổ nhất là phải mua tôm cá đông lạnh vô vị nên cắn miếng nào tỉnh người miếng ấy. Bát súp hành cũng rất chất, dù trông giản dị, có lẽ vì nước hầm bò ngon, đơn giản vậy thôi mà những quán có bồi bàn xì xồ tiếng Pháp ở Úc cũng không nấu được nên hồn. Chỉ tiếc là thiếu mấy miếng crouton để ăn cho vui miệng.
Bít tết Scotch fillet ăn kèm khoai tây chiên và sốt béarnaise cùng đĩa Surf and tuft
Miếng thịt của món chính thì đúng là tan ra trên đầu lưỡi. Nó mềm và ngọt không tả được, khi lấy dao cắt đã biết là thịt ngon rồi. Nếu có miếng thịt này trong tay thì không cần phải đầu bếp xuất sắc cũng có thể làm bít tết ngon được. Những món rau củ ăn kèm đều có hương vị rất khác, rất ngọt ví dụ như khoai tây chiên chẳng hạn (người Mỹ gọi là
French fries, nhưng chỉ phổ biến ở Mỹ và các hàng ăn nhanh của Mỹ chứ không phải ở Pháp, còn người Anh gọi là
shoestring fries để phân biệt với loại thái dày). Mình vốn không bao giờ mua đồ ăn nhanh nên cứ thấy khoai tây chiên là bị sởn gai ốc nhưng lần này ngồi ăn sạch vì khoai ngon quá, không bở, không bột, không nhạt, không muối dính tay. Phần khoai tây gratin cũng dẻo và bùi. Ăn đến đây thì no căng bụng, nhìn phần tráng miệng thấy còn nhiều món ngon nhưng biết rằng no bụng đói con mắt nên tự giác đứng dậy ra về.
Anh bồi bàn cười tươi roi rói hỏi ăn có ngon không, em khen ngon lắm. Ra về mà cảm thấy vui vẻ vì lâu lắm mới nói được một lời khen ngon thật (không phải khen đãi bôi), được ăn đồ sạch, nấu khéo, trả tiền mà không thấy đắt, không phải ấm ức đến mức… về nhà viết bình luận chê như nhiều lần ăn nhà hàng Tây ở Úc.