* Tour Chùa
Chùa chiền là một tour thú vị khi chúng ta muốn tìm hiểu thêm về Huế . Ở Huế có rất nhiều chùa , mỗi ngôi chùa , đặc biệt là các chùa cổ sẽ mang lại cho chúng ta những cảm xúc thật sự khó tả về kiến trúc , về lịch sử và kể cả một điều rất mơ hồ đó là phong cách Huế .
Trong nội thành Huế có khá nhiều chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XVII như chùa Thiên Mụ ( 1601 ) , Báo Quốc ( 1674 ) , Từ Đàm ( 1683 ) , Thuyền Tôn ( 1709 ) , Diệu Đế ( 1844 ) ....
Có thể dễ dàng nhận ra nét chung của các chùa ở Huế là sự nhỏ nhắn , tĩnh lặng ẩn mình vào thiên nhiên . Khác với các chùa ở phía Bắc , các chùa Huế dù là quốc tự như Thiên Mụ vẫn không có dáng vẻ đồ sộ . Phần lớn chánh điện đều là những căn nhà rường mà người ta vẫn thấy ở Huế .
Chánh điện thường có 3 đến 5 gian , 2 chái , mái hai tầng luôn nằm gọn trong một vườn cây xanh um . Bên trong chánh điện bài trí khá đơn giản với tượng Phật Thích Ca ở gian giữa , hai gian bên thờ Đức Địa Tạng và Quan Thế Âm Bồ Tát .Tất cả các tượng đều theo phong cách chân phương , không to lớn và cũng không quá màu mè .
Một số chùa cổ cần tham quan
* Chùa Thiên Mụ ( Linh Mụ ) :
Chùa được xây dựng vào năm 1601 , trên đồi Hà Khê dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng theo sự tích bà già báo mộng chân Chúa ra đời. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu , chùa được mở mang với quy mô rộng lớn . Đáng kể nhất là Đại Hồng Chung nặng đến 2 tấn được đúc năm 1710 và Tháp Phước Duyên cao 21 m xây năm 1844 được xem như là biểu tượng của toàn bộ cảnh chùa .
Để đến chùa , chúng ta cứ thẳng đường Trần Hưng Đạo ngang qua Hoàng Thành . Cuối đường Lê Duẩn , vượt qua đường rầy chúng ta sẽ đến đường Kim Long . Thẳng Kim Long đi khoảng 1km nữa ta sẽ đến Thiên Mụ .
Thật đáng tiếc nếu chúng ta không đến Thiên Mụ vào đêm trăng rằm đề có thể nghe được tiếng chuông được gióng lên lúc 19 giờ . Tiếng chuông ngân vang , trầm nhưng ấm lan tỏa trên mặt sông đủ làm du khách quên đi tất cả muộn phiền .
Chùa Thiên Mụ nhìn từ sông Hương - Ảnh : Wiki
Tam quan chùa Thiên Mụ - Ảnh sưu tầm
Tháp Phước Duyên đêm rằm
* Chùa Bảo Quốc :
Theo đường Lê Lợi là con đường chính nằm ở bờ Nam sông Hương gặp đường Điện Biên Phủ thì rẽ vào . Theo đường Điện Biên Phủ đến đường rầy xe lửa chúng ta sẽ nhìn thấy một con đường nhỏ có tên là Báo Quốc . Rẽ vào khoảng 200m sẽ đến chùa Bảo Quốc
Chùa Bảo Quốc nằm trên một ngọn đồi có tên là đồi Hàm Long được hòa thượng Giác Phong xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI . Đến 1747 , chùa được chúa Nguyễn Phước Khoát ban chữ đề tên . Năm 1824 , vua Minh Mạng ban tên Bảo Quốc và được trùng tu nhiều lần vào thời gian sau .
Những cây nhãn cổ thụ nơi vườn chùa và cổng tam quan cổ kính sẽ là nơi khiến máy ảnh của bạn phải làm việc hết công suất
Cổng tam quan chùa Bảo Quốc
* Chùa Từ Đàm :
Từ chùa Bảo Quốc theo đường Điện Biên Phủ chạy lên ta sẽ gặp chùa Từ Đàm .
Từ Đàm có nghĩa là mây lành . Ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1695 . Đến năm 1703 thì được chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển " Sắc Tứ Ân Tôn Tự . 1841 thì vua Thiệu Trị đổi tên thành Từ Đàm
1936 chùa Từ Đàm là trụ sở của Hội An Nam Phật học
1951 : chùa là nơi họp của 51 đại biểu Phật giáo toàn quốc đề thống nhất Phật Giáo toàn quốc
1963 : Chùa là trung tâm của cuộc đấu tranh chống đàn áp Phật giáo của gia đình Ngô Đình Diệm
Xét về mặt kiến trúc , chùa không có gì đặc biệt vì đã qua quá nhiều lần tu bổ nhưng đây là địa điểm ghi dấu khá nhiều lịch sử của Phật giáo Việt Nam nên rất đáng để tham quan . Cũng nên lưu ý cây bồ đề trong sân chùa vì lịch sử thú vị của nó . Cây bồ đề này do bà Kerpelec , tổng thư ký viện Phật học PhnomPenh mang từ Ấn Độ sang trồng vào năm 1939 .
Cổng chùa Từ Đàm
* Chùa Diệu Đế :
Tọa lạc tại số 100B đường Bạch Đằng
Diệu Ðế là ngôi quốc tự thứ ba, được vua Thiệu Trị coi là một trong hai mươi thắng cảnh của đất kinh đô thiêng liêng. Chùa được vua Thiệu Trị truyền lệnh xây dựng với qui mô lớn vào các năm 1842 - 1844 khi mới lên ngôi vài năm, trên vùng đất nhà vua đã ra đời.
Hiện nay, chùa chỉ còn chính điện, hai bên chính điện đặt Bát Bộ Kim cang, phía sau có một nhà khách, một bếp. Sân ngoài có nhà bia, nhà chuông, ngoài cùng là cổng tam quan hai tầng phía trên có lầu Hộ Pháp.
Sân trong có bốn bức tường nhỏ và một cặp nghê nằm chầu hai bên lối vào...
Khuôn viên chùa nằm gọn giữa bốn con đường: phía trước là đường Bạch Ðằng chạy dọc theo một nhánh sông Hương, phía sau là đường Tô Hiến Thành gần chùa Diệu Hỷ, bên trái là con đường mang tên chùa (Diệu Ðế) và bên phải là đường chùa Ông. Kiến trúc ban đầu của chùa rất qui mô. Tuy không đẹp bằng chùa Thiên Mụ, nhưng chùa Diệu Ðế có vẻ độc đáo riêng, có bốn lầu (hai lầu chuông, một lầu trống và một lầu bia). Chính điện là đại giác, tả hữu chính điện là Thiền đường, phía trước điện dựng gác Ðạo Nguyên hai tầng ba gian, sau gác Ðạo Nguyên có hai lầu chuông trống xây cân đối ở hai bên, chính giữa là lầu Hộ pháp, sân trong có La thành, sân trước có hai nhà lục giác, nhà bên tả đặt hồng chung, nhà bên hữu dựng bia lớn khắc bài văn do vua Thiệu Trị soạn. Hệ thống La thành ngoài chùa Diệu Ðế xây dựng kiên cố, bề thế, trước có Phượng môn ba cửa, hai bên có cổng nhỏ, ngoài bờ sông có xây bến thuyền khoảng mười bậc lên xuống.
Trước đây, chùa Diệu Ðế có nhiều tượng Phật do được chuyển từ chùa Giác Hoàng, sau sự kiện Kinh đô thất thủ (1885). Cuối năm này, chính phủ Nam triều đặt sở đúc tiền ở Cát Tường từ thất, phủ đường Thừa Thiên ở Trí Tuệ tịnh xá và một tăng phòng làm nhà lao của tỉnh, một tăng phòng làm trụ sở cho Khâm thiên giám. Năm 1887 phần lớn các ngôi nhà trong chùa đều bị triệt hạ...
Cổng chùa Diệu Đế