Trước khi lên đường, mời các bạn đọc thông tin về khu căn cứ này nhé:
Căn cứ Khu ủy miền Đông ra đời và phát triển đã bổ sung thêm vào danh mục những địa danh lịch sử quan trọng trên chiến trường Chiến khu Đ trong suốt hai thời kỳ kháng chiến, trở thành niềm tự hào của miền Đông Nam bộ, của miền Nam và cả nước nói chung; là minh chứng cho tinh thần cách mạng của vùng đất “ Miền Đông gian lao mà anh dũng” và là nỗi ám ảnh, nguy cơ đến sự tồn vong của chế độ Sài Gòn.
Thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ trước một Chiến khu Đ kiên cường, bất khuất đã phải khiếp sợ thú nhận như vậy khi đặt chân đến miền Nam Việt Nam với những ý đồ đen tối. Chỉ cách Sài Gòn hơn 30 ki-lô-mét theo đường chim bay, Chiến khu Đ là nơi trú chân của căn cứ Trung ương cục miền Nam thời kỳ 1961 - 1962 và đặc biệt là Căn cứ của Khu ủy miền Đông Nam bộ thời kỳ 1962 - 1967, nằm trên địa bàn xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai ngày nay).
“Chiến khu Đ” là tên gọi chung của một vùng kháng chiến, là vùng tự do của cách mạng; trong đó căn cứ địa là đầu não của Chiến khu Đ. Nếu địa đạo Củ Chi là căn cứ chiến đấu, thì Chiến khu Đ là địa đạo, là căn cứ lãnh đạo - đầu não - của cách mạng. “Chiến khu Đ” - theo cách gọi dân gian thì đó là “căn cứ ba chữ Đ” trong những năm kháng chiến: chiến khu “Đói”, chiến khu “Đau” (bệnh tật mà chủ yếu là sốt rét rừng) và chiến khu “Đỏ” - đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến. Nhưng còn một cách giải thích khác, thuyết phục hơn: Theo đồng chí Võ Bá Nhạc, nguyên là Chánh văn phòng khu bộ khu bảy -̣ thời chống pháp - thì “Chiến khu Đ” là cách gọi theo mẫu tự A, B, C của các lực lượng và căn cứ khác nhau; trong đó ̣A: là căn cứ giao thông - liên lạc (đóng ở Giáp Lạc); B: là đơn vị hậu cần (đóng ở Thường Lang); C: là đơn vị bộ đội thường trực (đóng ở sở Ông Đội); còn Đ: là tổng hành dinh của Khu bộ khu 7 (đóng ở Hố Ngãi Hoang). Cả bốn địa danh trên đều thuộc huyện Tân Uyên (Bình Dương ngày nay) - là quê hương của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Chiến khu Đ bao gồm một vùng rộng lớn thuộc 7 tỉnh miền Đông Nam bộ: Biên Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa, Long An, Long Khánh, Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định; trong đó Khu ủy miền Đông là một căn cứ thuộc Chiến khu Đ.
Năm 1962, quán triệt đường lối của đảng, Khu ủy, Bộ tư lệnh quân khu miền Đông tiến hành xây dựng khu căn cứ địa để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trên địa bàn Khu. Khu căn cứ này tọa lạc giữa đỉnh đồi đất sỏi khá bằng phẳng, còn gọi là đồi 820 hay căn cứ T1, có độ cao trên 20 mét so với dòng suối Linh. Toàn bộ khu đồi được bao phủ bởi cây rừng dày đặc của hệ thống rừng miền Trung. Khu căn cứ được cấu thành bởi các hệ thống: giao thông hào gồm ba tuyến: phòng thủ vòng ngoài, phòng thủ vòng trong và tuyến đường nội bộ phục vụ canh gác chiến đấu, có tổng chiều dài 570 mét, nối liền các nhà làm việc với nhau (gồm 17 căn nhà bán âm được chia thành 4 B); hệ thống địa đạo liên hoàn theo hai hướng đông bắc và tây nam, nơi sâu nhất tới hơn 3 mét, rộng từ 0,7 đến 0,75 mét, có tổng chiều dài trên 1000 mét; hệ thống miệng địa đạo độc lập mà chủ yếu là dạng hình tròn và hình chữ nhật, có độ sâu từ 1 đến 3 mét; hệ thống nơi làm việc, trú ẩn của lãnh đạo khu ủy và các cơ quan trực thuộc gồm văn phòng, cơ yếu, phục vụ, vệ binh, bếp Hoàng Cầm, giếng nước phục vụ sinh hoạt... tất cả được phân bố đều khắp trên mặt căn cứ có mặt bằng rộng khoảng 1 ki-lô-mét vuông.
Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, bộ Tư lệnh quân khu, các lực lượng vũ trang đã phối hợp với quân chủ lực miền Nam làm nên những chiến thắng vang dội như chiến thắng Phước Thành, Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Sắn... góp phần từng bước làm phá sản hoàn toàn các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy, đồng thời chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu thân 1968. Căn cứ Khu ủy miền Đông ra đời và phát triển đã bổ sung thêm vào danh mục những địa danh lịch sử quan trọng trên chiến trường Chiến khu Đ trong suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, trở thành niềm tự hào của miền Đông Nam bộ, của miền Nam và cả nước nói chung; là minh chứng cho tinh thần cách mạng của vùng đất “ Miền Đông gian lao mà anh dũng”, và là nỗi ám ảnh, nguy cơ đến sự tồn vong của chế độ Sài Gòn.
Chiến khu Đ nói chung, Đồng Nai nói riêng hiện đang mang trong lòng nó 3 kho báu lớn. Trước hết, đó là kho báu về danh lam thắng cảnh với dòng sông Đồng Nai đi qua địa phận tỉnh này có chiều dài trên 200 km. Nước sông Đồng Nai trong, mát tuyệt vời với câu ca “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”. Kho báu thứ hai là rừng miền Đông, bởi nếu trong chiến tranh “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, thì ngày nay, trong Chiến khu Đ có rừng quốc gia Cát Tiên nằm trên địa bàn 3 tỉnh, có tổng diện tích 72 000 héc-ta (Đồng Nai chiếm ½ diện tích), với trên 100 loài thú, 94 loài chim, 70 loài cá, hàng ngàn loài lưỡng cư và trên 1000 loài thực vật… là kho tàng vô giá không chỉ đối với công tác nghiên cứu khoa học về môi sinh, môi trường, mà còn là tài nguyên vô giá đối với du lịch. Nhưng ở đây còn một kho báu khác thuộc về con người - đó là kho báu di tích về truyền thống cách mạng qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc./.
Nguồn:
http://www.dangcongsan.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=30674&cn_id=242455