Ở quán Cây trứng cá ra đi được 1 đoạn thì cả 3 anh em lên cơn buồn ngủ nên phải tấp vào ven đường uống nước mía. Tớ chợp đi được khoảng 5' thì bừng tỉnh và biết thân biết phận xe hỏng nên cứ túc tắc đi trước còn 2 bạn ỷ mình là thỏ nên vẫn vểnh râu ngủ thêm tí nữa. Tớ đi như rùa nhưng vẫn đến Bavet trước 2 bạn bận hái hoa bắt bướm cuối cùng xe xì lốp nên không đuổi kịp ...
Đập vào mắt ngay khi chạm ngõ Bavet là sòng bạc to tướng
Đường phố khá to và bụi mịt mù, dấu hiệu của rất nhiều công trình xây dựng mới đang đua nhau mọc lên
Nhưng cũng chẳng có công trình nào qua được sòng bạc về vóc dáng và diện tích khuôn viên
Thôi thì từ xanh sang đỏ từ tròn đến hộp đủ loại kiến trúc nhưng duy nhất một ngành nghề kinh doanh "đỏ đen". Các băng rôn quảng cáo treo rợp trời từ miễn phí ăn uống ngủ nghỉ cho đến rút thăm may mắn trúng hàng chục nghìn USD mỗi ngày ... Thấp thoáng có cả bóng xanh bóng hồng lả lướt qua lại nhưng tớ không dám manh động chĩa ống kinh vào để chụp.
Ngay sát cửa khẩu có khoảng hơn chục cái casino hoành tráng như thế này. Trong lúc đợi 2 bạn tớ tranh thủ giao lưu với 2 bạn công an cửa khẩu thì được biết các sòng bạc ở đây chủ yếu phục vụ khách từ Việt Nam qua chơi. Dưới góc nhìn ăn chơi tớ thấy nể người Việt Nam mình quá, về kinh tế thì dễ dàng nhận thấy mỗi ngày chúng ta đang mất đi một nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Dưới góc độ chính trị - xã hội phải chăng đã đến lúc cần phải thay đổi quan niệm xã hội và chủ trương, chính sách và cả pháp luật đối với loại hình kinh doanh đặc biệt này? Trong quầng bụi xa xa 2 bạn tôi cũng vừa lao tới, tạm biệt CPC với câu hỏi vẫn còn nguyên trong đầu và với nụ cười tươi kèm theo mấy cái nháy mắt tinh ranh của 2 anh bạn công an cửa khẩu Bavet.
Chúng tôi qua cửa bên CPC rất nhanh, 2 cô nhân viên ngồi trong cái bốt gác này làm việc nhanh nhẹn và chuyên nghiệp. Liếc qua hộ chiếu đóng dấu cái cộp rồi hô rõ ràng "20K", nhìn lên thấy 3 cái đầu trọc cùng chồm lên ô cửa kính cô đính chính ngay "3 người 50K". "Đấy đấy giá sỉ là phải thế chứ ai lại máy móc và cứng nhắc như chú Phát" bạn Gold lầm bầm. 2 cô gái cười rất tươi, ánh mắt lưu luyến như muốn nói "Rất hân hạnh được phục vụ".
Sau vài phút chúng tôi bước vào cửa khẩu thứ 4 và cũng là cửa khẩu cuối cùng trong chuyến xuất ngoại của mình: cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Dựng xe máy bên ngoài chúng tôi lao vào căn nhà xây to, cao nhưng ngột ngạt vì rất đông người và không có quạt hay máy lạnh. Hai chiến sĩ biên dáng điệu uể oải, tác phong cực kỳ thông thả ngồi trên 2 cái quầy cao ngất ngưởng, tôi tì cằm vừa đến mặt bàn các đồng chí ngồi đóng dấu vào hộ chiếu. Mất một lúc lớ ngớ chúng tôi mới biết rằng khách đi lẻ thì được nộp thẳng vào quầy. Rõ ràng là mật độ khách qua lại rất đông nhưng chả hiểu sao chỉ có mỗi 2 quầy làm việc, cứ túc tắc mặc ai nóng bức, mồ hôi nhễ nhại ... đợi hơn 30' sau khi các đồng chí này giải quyết xong 1 chồng hộ chiếu của nhà xe tốc hành chúng tôi mới được đồng ý cho nhập cảnh về lại quê hương mình. Dù sao cũng đã về nhà!
...
Túc tắc cũng đến được Gò Dầu Hạ và rất may mắn khi tìm được mối sửa xe vespa, hỏi thăm ra thì bạn Tỷ này cũng chả xa lại gì với bạn vespasanhdieu ... may quá chiếc xe được sửa chữa ngon lành và chúng tôi chỉ mất hơn 2h là về đến SG kết thúc một chuyến đi bất ngờ, ngẫu hứng. Cảnh quan từ TN về SG chả có gì đặc sắc ngoài cái nắng, cái nóng và mật độ xe hoa mắt nên cũng chẳng chụp thêm tấm ảnh nào.
Chuyến đi tiền trạm chỉ để chắc chắn một điều là có thể mang xe máy sang CPC mà không cần một loại giấy phép đặc biệt nào, cũng không cần phải thông qua 1 công ty du lịch nào ...
Một chuyến đi dài ngày hơn có thể là CPC trong 4-5 ngày hoặc cũng có thể là Đông Dương trong 15 ngày vẫn đang chờ phía trước ...