Cho conlele tiếp tục phượt ảo-phượt ké các bạn trong đoàn nhé.
Các bạn có hình ảnh đẹp, cho conlele ké thêm thông tin về điểm đến nha (tìm được trên vietgle.vn)
_______________
Núi Mo So (xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang)
Núi Mo So nằm trong hệ thống Chung Sơn, thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, trong núi có động Mo So rất nổi tiếng. Từ thị xã Hà Tiên về Hòn Chông chừng 27 km là tới hang Cá Sấu. Tại đây, rẽ sang trái chừng 10 phút xe máy là tới chân núi Mo So. Nếu đi đường thủy thì chạy chừng 3,5 km là tới cụm hang - núi: núi Mo So, núi Voi, núi Mây, núi Quỷnh. Trong thời kỳ 1954 - 1975, động Mo So là nơi trú ẩn khá an toàn của lực lượng cách mạng Hà Tiên.
Mo So đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia vào tháng 02-1995. Ngày trước, để đến được động, du khách phải trải qua một chặng đường chông gai. Hiện nay, đã có đường cho xe ôtô vào đến tận chân núi. Ngoài ra, Mo So còn được các nhà làm phim nổi tiếng đưa vào phim ảnh. Tháng 12-2007, nhà biên kịch Phan Nhật Thu và ê kíp làm phim “Con đường 1 C huyền thoại” khởi quay cảnh đầu tiên tại Mo So. Tháng 09-2008, NSƯT Đồng Anh Quốc thực hiện bộ phim tài liệu “Tiểu đoàn 207 anh hùng”, cũng thực hiện những cảnh quay ở Mo So.
Lịch sử hình thành
Mo So theo tiếng Khmer nghĩa là núi vôi, là một hệ thống hang động ẩn hiện giữa một vùng đồi núi điệp trùng. Các nhà địa chất Pháp cho rằng tuổi đá vôi vùng Hà Tiên trong đó Mo So là 240 triệu năm. Nhiều đợt biển thoái, biển tiến biến núi thành hòn, biến hòn thành núi, nhào nặn vùng đất thiêng thêm vững chãi. Theo thời gian nước biển cùng với sóng xâm thực xoáy sâu vào chân núi tạo thành nhiều hang động. Sự tác động liên tục và kéo dài đã tạo ra những quần thể hang động khác nhau, lòng hang trông rất kỳ lạ và đa dạng nhưng thường có hình bầu dục, bóng loáng và rộng rãi.
Du lịch
Khi vào đây thám hiểm, bạn đừng sợ lạc đường, bởi lẽ, tuy trong động có vô số ngõ ngách chằng chịt, nhưng tất cả đều dẫn ra một điểm đến, đó là thung lũng nằm giữa núi Mo So. Thung lũng này rộng chừng 1.000 m2, chung quanh là vách đá dựng đứng, bên trên là mây trời lồng lộng, cây ăn trái xum xuê khiến lũ khỉ cứ rình mò ăn cắp trái mang lên núi để bày tiệc.
Men theo con đường mòn ở phía Tây thung lũng, du khách sẽ đến động Nước, nơi được xem là độc đáo, đồ sộ nhất quần thể hang động. Động sâu hun hút, mở rộng gần 20 m. Bên trong có dòng suối mát lạnh bắt nguồn từ mạch nước ngầm chảy róc rách suốt ngày đêm. Vào mùa lũ, dòng suối sẽ dâng cao, cuộn trào khá nguy hiểm. Bên trên vách động là những khối thạch nhũ mờ mờ ảo ảo ẩn hiện trong làn hơi nước, sẽ tạo cho du khách cảm giác ngỡ ngàng. Đặc biệt đến đây, bạn sẽ được chứng kiến những lớp rễ cây trắng phau, mềm mại, xuyên qua lớp thạch nhũ, buông xuống lững lờ phía trên dòng suối. Trong động có rất nhiều dơi sinh sống. Năm 2003, một đàn sếu đầu đỏ gồm hơn 100 con cũng đã trở lại sinh sống ở núi Mo So. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, sếu đầu đỏ xuất hiện tại khu vực trên để kiếm thức ăn và sinh hoạt bầy đàn trong mùa khô. Mùa khô năm 2002, đần sếu cũng tụ họp về đây và có thời điểm lên đến hơn 200 con. Loại chim quý hiếm này xuất hiện cho thấy việc bảo vệ môi trường sinh thái ở đây có hiệu quả tốt, làm tăng thêm sức thu hút du khách đến tham quan.
Tuy nhiên, vẻ đẹp hoang sơ của núi Mo So đã dần bị phá hủy bởi có rất nhiều xe của du khách chạy thẳng vào bên trong hang động. Bên cạnh đó, phía ngoài các lối dẫn vào hang có vô số những dòng chữ lưu niệm khắc vô tội vạ, củi khô chất thành đống. Bên trong hồ nước người dân tự do cất nhà sàn, lập quán, giăng võng, chứa đồ... Đó là chưa nói đến một số người dân "buôn thần bán thánh" đem đá vào chất thành những "nấm mộ" lập bàn thờ... Một số hộ dân còn sinh sống hẳn ở nơi đây. Chính những điều này đã dần làm mất đi giá trị cảnh quan của khu di tích này.