Re: Vùng núi Thoại Sơn- Hòn Đốc- Hà Tiên: Cảm xúc bất tận.
Và cụ thể về ngọn Cô Tô: (Tri Tôn - An Giang)
Cụm núi thuộc dãy Thất Sơn, nằm trên địa bàn huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, gồm hai ngọn là:
- Núi Cô Tô, còn gọi là Phụng Hoàng Sơn, hay núi Tô, tên Khmer là Phnom Ktô, cao 614 m, chu vi 14.375 m, thuộc xã Cô Tô.
- Núi Tà Pạ, còn gọi là đồi Tà Pạ, cao 102 m, chu vi 10.225 m, thuộc xã An Tức.
Tương truyền, do núi có hình dáng giống như cái tô lật úp nên mới gọi là núi Tô. Một giả thuyết khác lại cho rằng: Cô Tô xưa kia là nơi có rất nhiều loài chim đẹp về trú ngụ. Dáng núi giống hình chim phụng với cái đuôi là đồi nằm ở phía Tây, tức đồi Tức Dụp, vì thế gọi là Phụng Hoàng Sơn. Theo ông Nguyễn Văn Hầu, tác giả cuốn “Nửa tháng trong miền Thất Sơn” thì Phụng Hoàng Sơn là ngọn núi đẹp nhất trong vùng Thất Sơn với tổng diện tích 2.230 ha, nơi có nhiều gỗ quý như sao, căm xe, cà chất, gõ, giáng hương…"
Núi Cô Tô là một vùng bán sơn địa có cấu tạo địa chất đặc biệt, nhiều nơi bên trong núi là một hệ thống hang động ngầm như tổ ong vĩ đại, rất kiên cố và vững chắc. Núi Cô Tô có nhiều nguồn lợi khác như than bùn dạng vỉa, đá xây dựng (thuộc đá sậm màu hạt thô), đất sét cao lanh và nước khoáng thiên nhiên...Núi cũng có tiềm năng du lịch với thắng cảnh đồi Tức Dụp, hồ Soài So.
Khám phá núi Tô
Từ chợ thị trấn Tri Tôn, theo tỉnh lộ 943 dẫn lên núi, đoạn đường khá thuận lợi. Hai bên là những cánh đồng lúa, những ngôi nhà thấp thoáng, ẩn hiện trong bóng tre xanh, dưới tàn thốt nốt. Xa hơn chút nữa là dãy núi sừng sững, cây cối thâm u, đá dựng lưng trời. Những con lạch nhỏ chảy từ trên núi xuống, len lỏi qua những khối đá thiên hình vạn trạng, tạo thành dòng suối trong xanh... Cảnh vật càng trông thật thanh bình, yên ả với những đàn bò gặm cỏ và những chú bé mục đồng ngất nghểu lưng trâu.
Trước đây, khách tham quan muốn lên núi phải men theo những lối mòn, dốc đá chênh vênh, vừa đi vừa lách mình hoặc bám vào những thân cây, vất vả lắm mới lên tới đỉnh núi. Bây giờ đã có con đường tới hồ Soài So trải nhựa. Đường lên núi đã được mở rộng và xây thành bậc thang, du khách leo khoảng một tiếng đồng hồ là có thể đến đỉnh núi. Dọc theo lưng chừng núi, ngoài những khu rừng hỗn giao và rừng phòng hộ còn có những vườn cây ăn trái bạt ngàn, nhiều nhất là xoài, mít và những khu vực trồng rẫy xanh rì.
Trên núi có một di tích nổi tiếng gọi là sân Tiên. Nơi đây có dấu chân tiên, tương truyền đó là dấu chân sau của Phật, còn chân trước thì nằm ở động Thủy Liêm trên núi Cấm. Tiếp đó là điện Năm Căn, một ngôi điện nhỏ, xưa cũ nằm ẩn mình dưới những tảng đá to và những bóng đại thụ cao ngút. Tương truyền, xưa kia nơi đây là chốn nghỉ chân của những “ông hổ” - theo cách gọi của cư dân trong vùng. Từ điện Năm Căn lên đến Vồ Hội mất hơn 30 phút, qua khoảng trăm bậc đá nữa. Vồ Hội có lẽ là điểm lý tưởng cho những ai muốn tìm về sự bình yên và thanh thản. Giữa không gian rộng lớn, xuất hiện một ngôi nhà nghỉ nhỏ là nơi trọ của khách thập phương đi hành hương. Đây là địa điểm lý tưởng cho du khách ngắm trăng, hít thở không khí trong lành. Vào những tháng mưa, khách đến Cô Tô sẽ có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hai con suối Ô Thum và Ô Sora So như những con rắn khổng lồ uốn lượn theo các khe đá. Du khách sẽ có ấn tượng đẹp về một vùng đất du lịch giàu tiềm năng.
Công trường khai thác đá
Phần núi bên địa bàn xã Núi Tô hiện nay là một công trình khai thác đá quy mô lớn vào bậc nhất khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Hoạt động khai thác đá đã phá vỡ cảnh quan thiên niên của núi. Những vạt núi đẹp đẽ dần dà bị khoét nham nhở, không khí chung quanh đầy khói bụi, và không gian tĩnh mịch vốn có không còn nữa, thay vào đó là tiếng thuốc nổ, tiếng máy xúc đá, tiếng máy xe vận tải.....inh ỏi suốt cả ngày.
Trên công trường, khá nhiều thợ thủ công, từ các nơi đến kiếm sống, làm thuê, gia công những vật dụng bằng đá như: cối đá, trụ đá, bia đá, tán đá... Bãi đá này dài hàng mấy cây số, nắng chang chang, không một bóng cây, với hàng trăm con người lao động vất vả “bán mặt cho đá, bán lưng cho trời”. Điều kiện làm việc của các công nhân ở đây thật sự rất nguy hiểm, họ phải treo mình trên những vách núi cao, phía trên là những khối đá có thể rơi bất cứ lúc nào, bên dưới là vực đá sâu thăm thẳm...
Không chỉ có người thợ đá mà quanh khu vực khai thác, cư dân tại mỏ đá cũng bị lâm vào cảnh bệnh tật và đói nghèo bởi môi trường đã bị ô nhiễm nghiêm trọng từ bụi đá. Kết quả thanh tra mới đây của Sở Tài nguyên - Môi trường An Giang cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp khai thác không đúng thiết kế và không tuân thủ quy định gắn cột phun nước tại các đầu băng tải đá thành phẩm, nên đã làm gia tăng lượng bụi phát tán ra môi trường. Không chỉ gieo rắc mầm bệnh, bụi đá và đá miểng đã gây ra hiện tượng "sa mạc hoá" với lớp bụi và đá dăm dày cả tấc trên nhiều diện tích đất trồng, đẩy hàng trăm hộ dân vào cảnh túng quẩn. Không sản xuất, trồng trọt được, nhiều người dân phải đi làm thuê lại cho các công ty khai thác đá, tiếp tục loay loay mưu sinh bên miệng thần chết.
Để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo, bảo vệ cảnh quan môi trường vùng Bảy Núi và hướng đến mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nhằm phát triển bền vững, tháng 12-2008, tỉnh An Giang đã tiến hành xây dựng "Đề án sắp xếp lại hoạt động khai thác đá vật liệu xây dựng thông thường và chuyển đổi nghề cho lao động nghề đá trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020". Theo đề án này, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ dần dần đóng cửa các khu mỏ đá trên địa bàn hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.