What's new

[Chia sẻ] Xa hơn Bali…

Xa hơn Bali…



Một ngày mùa hè năm nao, chia tay Bali lòng ngơ ngẩn, tôi đã nhủ thầm “ngày về lại Bali của mình sẽ không xa…”.


Ngày tháng trôi. Cuộc đời trôi. May mắn được chìm nổi theo những chuyến lang bạt qua những miền đất tâm linh huyền bí hay thiên nhiên lộng lẫy tươi đẹp… những tưởng niềm mơ xưa đã yên giấc ngủ ngoan. Những tưởng “lời hẹn thề là những cơn mưa”…, như bao lời hẹn thề khác của kẻ lang bạt kỳ hồ vốn thường bỏ lại sau lưng nhiều thứ để lòng nhẹ, để chân vững trên những dặm xa… Nào có hay, một ngày hè Sài Gòn giấc mơ xưa lại khắc khoải quay về. Giữa những ngày cuộc sống đảo chao nhiều vướng mắc, lắm bức bối,… giấc mơ xưa ban đầu dường như là một lời rủ rê trốn chạy hơn là một hành trình hứng thú.


IMG_7371.jpg



IMG_7365.jpg

Chia tay Sài Gòn những quán mưa, áo thôn nữ bừng lên trong chiều xám, ngoài ao gần chiếc vó tung bay trong gió…



Nhưng, khi lần giở những cuốn sách, những trang mạng, tìm xem những tấm hình, kiếm đọc những câu chuyện, những sẻ chia… sau bao chần chừ, bao đổi thay ý định,… giấc mơ xưa không còn là lời rủ rê chạy trốn. Bali lại về nồng nàn trong những giấc mơ tôi. Nhưng, sẽ là một Bali khác. Ngày cũ năm đó, Bali là đích đến trên con đường đăng đẵng độc hành từ Sài Gòn, Bali mùa hè này sẽ là điểm khởi đầu cho hành trình “Xa hơn Bali…”.


Komodo-1.jpg

Tôi có đến được miền đất của những chú rồng Komodo?


TanaToraja.jpg

Hay những ngôi làng và nhà mồ bí ẩn ở Tana Toraja?



Không biết chắc tôi đi được nơi đâu, chỉ biết là sẽ là những chuyến xe dằng dặc, những chuyến phà lênh đênh đêm ngày, những con tàu lắc lư bồng bềnh xuôi nam, lên bắc, về đông... Sở dĩ tôi không biết chắc vì ở nơi xa xôi hẻo lánh của xứ vạn đảo, những miền đất hoang sơ tôi sắp đến phương tiện giao thông công cộng rất ít ỏi, có khi cả tháng mới có một chuyến tàu lơ đễnh ghé qua,… nên tôi không biết là mình sẽ đi được đến đâu.


Kelimutu-2.jpg

Tôi có đến được 3 chiếc hồ núi lửa đổi màu liên tục ở Kelimutu?


RajaAmpatIsland-2.jpg


RajaAmpatIsland.jpg

Hay những đảo ngọc ở Raja Ampat?




Chỉ biết rằng, sẽ xa hơn Bali…




Tất cả những hình ở đây sưu tập từ internet. Hy vọng sau chuyến đi này, sẽ có những tấm hình của riêng tôi!​
 
Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 16.

Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 16.



Mùa cao điểm du lịch Bali vào khoảng tháng 8, cũng là mùa thú vị để đến đảo Komodo/Rinca thăm thú những cô chú rồng Komodo. Vì mùa kết đôi của chúng bắt đầu từ khoảng tháng 5 và tháng 8-9 là mùa làm tổ, đẻ trứng. Cả 2 mùa này đều có những câu chuyện thú vị về những cô chú rồng đất này.


Đưa chúng tôi đến đảo, 2 cậu trẻ lái đò bàn giao chúng tôi lại cho anh kiểm lâm. Anh dắt chúng tôi đến văn phòng đơn sơ, nơi phải đóng 3 loại phí, phí tham quan (20k), phí camera (50k – lạ thay, có lẽ ở đây là nơi duy nhất trên thế giới biết rõ rằng giá trị của con người không bằng một nửa giá trị một chiếc máy chụp hình, dù chỉ là P&S đâu đó 2 triệu đồng VN) và phí cho HDV. Các anh kiểm lâm rất dễ mến, phục vụ khách tận tình. Chi phí cũng chỉ trên dưới 100kIRp (tùy thuộc bao nhiêu người chia sẻ chi phí cho 1 HDV). Sẽ có 2 cung đường để đi thăm thú Rinca, 1 ngắn 1 dài – không tăng thêm chi phí nhưng tùy khả năng khách có chịu nổi trekking qua những con đồi tranh cháy nắng miền biển đảo này hay không mà thôi. Nhóm chúng tôi quyết định là khi đến giao điểm giữa 2 cung sẽ quyết định, tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, thời tiết và đặc biệt là những gì sẽ xem được trước khi đến giao điểm đó có mãn nhãn hay không. Và điều kiện đầu tiên, tiên quyết là phải đi sau HDV, tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn của họ vì đã có những tai nạn xảy ra với du khách – ‘lúc đó, các anh chị phải tự bỏ tiền thuê máy bay bay về Bali chứ ở đây không đủ điều kiện để điều trị vết thương do rồng Komodo cắn phải’ – Eric, cậu HDV rất trẻ quả quyết với chúng tôi ngay từ đầu. Nhất là khi vừa ra khỏi khu văn phòng đã thấy tôi vọt lẹ lên trước hớn hở chụp hình khi vừa thấy chú rồng Komodo đầu tiên.


IMG_3018-1.jpg

Đơn sơ, nhưng rõ ràng tấm bảng giá viết tay ở đảo Rinca.​


Đó là một chú rồng đực đã qua tuổi trai tráng, có cái tên đáng buồn là ‘broken heart anh broken leg Komodo’. Lý do là trong một trận chiến sống mái cách đây vài năm để dành người tình, chú vừa bị cắn gãy chân, vừa bị mất luôn người tình- từ đó chết hẳn cái tên.


IMG_3029-1.jpg

Bạn có thấy chiếc chân phải, trước bị gãy của ‘broken heart anh broken leg Komodo’.


IMG_3035-1.jpg

Tuy nhiên, đừng nên đùa khi chú rướn lên và sắp phóng với tốc độ săn mồi.​



Mà cũng tại ai biểu ham hố làm chi. Vì tuổi tác của chú, khoảng 30 năm tuổi rồng, cũng đâu đó 60 mươi năm tuổi người – cũng đã hết 60 năm cuộc đời rồi còn mong muốn gì nữa. Do thương tật, già yếu chú tìm về sống gần khu văn phòng, cũng gần một khu resort nơi có nuôi/nhốt những chú gà để mần thịt bán cho khách. Eric nói rằng ‘vì chú ta nghe mùi nên tìm đến chứ nguyên tắc của đảo là không cho chúng ăn bất cứ thứ gì hết vì muốn chúng tự đấu tranh sinh tồn như trong môi trường tự nhiên’. Tôi nghe cũng hơi nghi nghi, vì nếu cứ mò về đây mà riết vẫn không có gì ăn thì chú đã bỏ đi từ lâu lắc chứ còn nấn ná gì ở đây. Hay là đâu đó trong nhóm nhân viên văn phòng/nhà hàng/resort có ai đó cũng có trái tim tan vỡ nên thương xót cho kẻ đồng cảnh ngộ chăng!?


(tbc.)
 
Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 17.

Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 17.


Câu chuyện tìm bạn đời của những chú rồng Komodo khá là vất vả và nhiều người cho rằng đó là một trong những lý do chính vì sao số cá thể rồng Komodo rất khó có thể tăng cao được, không chỉ vì chúng sống trong môi trường khá khắc nghiệt.


Trong khoảng trên dưới 5.000 rồng Komodo (số này khác nhau tý tùy theo các nguồn) chỉ có 350 cô rồng Komodo cái trong độ tuổi sinh sản. Do vậy, chiến trận vào mùa sinh nở hàng năm để chiếm được tình cảm của các nàng Komodo quả là khá sinh tử. Do vậy, số lượng các chú rồng trung niên ‘broken heart & broken leg’ ở Rinca và Komodo không phải là hiếm – mới cám cảnh làm sao, nhất là khi nghĩ chuyện người chuyện đời chuyện mình!!!


IMG_3042-1.jpg

Một chú Komodo trai tráng đang oai vệ trấn cứ góc rừng của chú.


Nhưng có một chuyện khác, mà không thấy tài liệu nào đề cập là việc sinh nở của những cô rồng Komodo lại liên quan chặt chẽ đến một loại động vật khác – giống gà rừng Uyên ương Thủy chung (tên người gõ bài này tự đặt theo lý giải từ tiếng địa phương của cậu HDV). Số là khác hẳn với các cô rồng Komodo cứ hàng năm lại tình tang tính tang với một chàng Komodo mới trẻ, khỏe,… cũng giống như ‘một bộ phận không nhỏ’ giống động vật thượng đẳng con người, loại gà Uyên ương Thủy chung này chỉ kết bạn duy nhất một lần trong đời. Nếu chẳng may chàng/nàng nào đó rơi vào nanh vuốt của lũ cáo sói rồng… độc ác hay rơi tõm vào nồi cháo của ai đó thì nàng/chàng còn lại sẽ thủ tiết, sống âm thầm lặng lẽ cô đơn vò võ đến trọn đời, danh giá tự hào nhận tấm bằng “Tiết hạnh khả phong” do chính cư dân của vùng Flores này trân trọng trao tặng – chứ không phải loại bằng “Tiết hạnh tự phong” như của một số giống loài khác.


IMG_3074-1.jpg

Một chú Komodo đang lang thang – chắc đang đi tìm bạn tình?


Nhưng “Tiết hạnh khả phong” thì liên quan đến rồng Komodo chỗ nào? Đó là việc các cô rồng cái, chắc vốn được nhiều chàng rồng chiều chuộng o bế nên đâm sinh biếng nhác – nên việc đầu tiên khi sắp đến ngày sinh nở là cứ đi kiếm các tổ (làm dưới đất) của giồng gà rừng Uyên ương Thủy chung này mà ngang nhiên xông vào chiếm cứ, biến nhà người khác thành tổ của mình để chờ đẻ trứng.


IMG_3053-1.jpg

Một nàng Komodo đang nằm cạnh cái tổ chờ ngày khai hoa nở nhụy
(thường các nơi này được bảo vệ cao, khách chỉ được đứng nhìn từ xa).


Hận đời những kẻ ỷ to xác đông tiền mạnh của lắm quyền xâm chiếm cửa nhà nên những ngày tháng tám này cứ đi theo tiếng gà Uyên ương Thủy chung uất hờn táo tác giận căm đâu đó là biết ngay gần đó thế nào cũng có một nàng Komodo bụng thè lè đang nằm chờ khai hoa nở nhụy.


Nhưng, chuyện lạ chưa hết.


(tbc.)
 
Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 18.

Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 18.



Chuyện lạ nữa là thế này. Tấm hình trên bạn thấy một cô Komodo nằm chờ bên một chiếc hang chờ đẻ là một tấm hình rất hiếm hoi. Không phải là vì ít gặp các cô Komodo bụng thè lè thườn ưỡn ở đây (là nói về những ngày tháng 8-9 này) mà vì sự bất thường của việc chỉ một chiếc hang ở đó. Có lẽ cô Komodo trẻ này ham vui, ăn chơi sớm nên mới vừa làm mẹ lần đầu (nhìn thì thấy cô cũng còn hơi nhỏ con so với các cô Komodo bụng mang dạ chửa khác) nên chỉ chiếm tổ của cô gà Uyên ương Thủy chung, bới thêm tý cho rộng rồi nằm ườn ra đó chờ. Còn đến ngó hang ổ của các cô nái già Komodo khác thì không chỉ một chiếc tổ mà đến 4 – 5 tổ lận!


IMG_3058-1.jpg

Đây, cô rồng này nằm quanh mấy cái tổ lận.


Số là đấu tranh sinh tồn, ngay cả giữa những cá thể cùng giống loài Komodo khá dữ dội. Cuộc sống của các con non Komodo đã bị đe dọa từ thưở còn trong trứng – bởi chính những con Komodo cha chú của chúng! Do vậy, thường sau khi kiếm được một chiếc tổ của gà Uyên ương Thủy chung, các cô Komodo còn đào thêm ngay bên cạnh các tổ khác – để ngụy trang! Ai nói loài bò sát không thông minh! Khi khai hoa nở nhụy, các cô chỉ đẻ vào một tổ trong chúng nhưng sau đó các cô sẽ lấp hết các tổ - để tạo khó khăn cho những kẻ muốn săn lùng, tìm diệt các nhóc tì Komodo yêu dấu của các cô. Rồi sau khi sinh nở, các cô vẫn còn nằm canh quanh tổ một thời gian rồi mới bỏ đi chứ không biến mất liền ngay lúc đó.


IMG_3062-1.jpg

Còn cô rồng này đang chúi mũi đào thêm hang mới, nửa thân trên nằm sâu trong hang…



IMG_3063-1.jpg

…nhưng nghe động, cô vọt lên nhìn trừng trừng khách lạ (và tôi bị HDV “mắng” cho một trận vì tội đến quá gần, quá nguy hiểm).


Tuy mỗi lần các cô Komodo đẻ đến 20 trứng, nhưng số con non có thể sống sót đến trưởng thành thường chẳng là bao, vì chúng là món yêu thích trong thực đơn của các bậc cha chú – chiếm đến 10% trong số thực phẩm của các chú Komodo trưởng thành. Do vậy, sau 7-8 tháng được ấp ủ bởi cái nóng mặt trời, vừa ngay sau khi nở, các chú Komodo con thường tót lên cây, sinh sống trên đó đến 5 năm, đến khi hơi trộng trộng, dài xấp xỉ 1m, có thể chạy đủ nhanh để có thể thoát các cú táp của các cha các chú thì mới xuống đất, sống tiếp khoảng 25-45 năm sau đó.



(tbc.)

Thực ra, gà Uyên ương Thủy chung có tên là Orange-footed Scrubfowl, tên khoa học là Megapodius reinwardt.
 
anh BackpackerVn ơi, em có chút xíu điều muốn hỏi anh về du lịch phượt Bali nhưng mà inbox của anh full rồi nên ko pm được.
Anh del bớt để em gửi tin nhắn nói chuyện cho dễ được không ạ?
 
Sắp hai năm rồi, Bali còn gì lạ không anh?

Còn phần phía bắc và phía tây đảo, hay chúng mình đi xem Bali có gần hơn không? :p
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,027
Members
192,336
Latest member
hakhaclinh
Back
Top