What's new

Xuyên Việt tuổi 20

Xin chào tất cả mọi người, các cô chú, anh chị, và các bạn trong ngôi nhà phượt. Mình tên Hoàng Phúc, sv năm 2 Đh Mở TPHCM. Những tháng ngày sinh viên của mình sắp trôi qua, sắp phải đương đầu ra biển lớn của cuộc sống, thế cho nên quyết định phải làm điều gì đấy có ý nghĩa ở tuổi trẻ, cũng như thời sinh viên.

Ai cũng thế cũng có những ước mơ, hoài bão của riêng mình, nỗi khát khao được lang thang đó đây được dâng lên từ cuối năm cấp 3, vào ngày thi tốt nghiệp cuối môn Anh tôi và lũ bạn thân đi đêm ra biển Vũng Tàu để ngắm bình minh, từ đó máu phượt đã bắt đầu tan chảy trong chúng tôi.

Giấc mơ xuyên Việt đã có từ lâu, nay quyết định đi vào ngày 15/5- sinh nhật tuổi 20 để tạo một dấu mốc cho tuổi trẻ, cũng như rèn luyện bản thân để bước vào những thử thách mới. Thời điểm này cũng thật đặc biệt 30-4-1975 30-4-2015 kỷ niệm 40 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 40 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ, những thế hệ con cháu sau này như tôi chỉ biết lịch sử hào hùng của dân tộc qua những trang sách, trang vở ở trường. Thế cho nên tôi chọn xuyên Việt bằng đường Hồ Chí Minh ở lượt đi, vì là con đường chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm dài kháng chiến, đi để tìm về một thời hào hùng của dân tộc.

Sài Gòn 40 năm thống nhất đất nước.

DSC_1285 by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Bờ sông Sài Gòn đêm 30/4/2015.

DSC_1658 by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

DSC_1712 by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Chuyến đi cần phải chuẩn bị nhiều thứ : thời gian, tiền bạc, sức khỏe. Tuổi trẻ nên thời gian, sức khỏe thì có thừa, còn tiền bạc thì phải chuẩn bị lâu :). Sau tháng rưỡi làm bảo vệ ca đêm ở KCN Tân Bình (TPHCM) vào dịp Tết Ất Mùi 2015 thì cũng được khoảng kha khá, cộng với dành dụm thì cũng được khoảng hơn tám triệu. Lo lắng quá vì khoảng này chỉ vừa đủ mà không có nhiều tiền dự phòng, thôi cũng cận kề ngày sinh nhật nên cũng đánh liều một phen.
Lo cho đám bà tôi suốt 4 5 ngày nên không chuẩn bị được nhiều. Mấy ngày gần đi tất bật chuẩn bị nào là lịch trình, những điểm đến, dừng chân, nhà nghỉ, rồi lo cho “chiến mã”, những đồ mang theo… quá trời thứ; được 2 thằng bạn thân cho mượn nào là balo to, đèn pin, dây phản quang, bợ tay lái.. rồi nhiều thứ nữa nên cũng đủ. “Chiến mã” thì trước chuyến đi đã được thay vỏ sau mới (do thủng một lỗ ở Đà Lạt mà vá chọt, nên ép không được nữa), thay luôn bình “tăng lực” Mobil 1 10w-40.
Những bình “tăng lực” đã dùng qua.

DSC_5443.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Hành lý cuộc hành trình.

DSC_5434.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Hành trình dự định đi 12 ngày Sài Gòn- Hà Nội –Sài Gòn đi đường Hồ Chí Minh và về Quốc Lộ 1A. Lịch trình:
1. Sài Gòn- Đắc Nông-TT Ea Drăng (Ea H`leo, Đắk Lắk)........................440km
2. Ea Hleo- Kon Tum- Ngã 3 Đông Dương- TT Thạnh Mỹ (Quảng Nam).....440km
3. TT Thạnh Mỹ- Huế- Quảng Trị- Phong Nha (Quảng Bình)...................430km
4. Phong Nha- Hà Tĩnh- Nghệ An- TT Lam Sơn (Thanh Hóa)..................435km
5. TT Lam Sơn- Ninh Bình- Hà Nội.....................................................210km
6. Hà Nội......................................................................................80km
7. Hà Nội- Ninh Bình- Nghệ An- TT Kỳ Anh (Hà Tĩnh)............................420km
8. Kỳ Anh- Quãng Bình- Quãng Trị- Huế.............................................345km
9. Huế- Đà Nẵng- Hội An- Đà Nẵng.................................................. 190km
10. Đà Nẵng- Quãng Nam- Quãng Ngãi- TT Sông Cầu (Phú Yên)............430km
11. TT Sông Cầu- Khánh Hòa- Đà Lạt..............................................440km
12. Đà Lạt- Sài Gòn......................................................................340 km
(những km trên là những đoạn đường đã đi, do vào khu du lịch, di tích nên xa hơn so với bản đồ)

Bản đồ chuyến đi.

ban do vn.bmp by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Đêm cuối trước chuyến đi, dù đã chuẩn bị đầy đủ nhưng vẫn lo lắng kiểm tra lại mấy lần, cứ sợ thiếu đồ. Nằm xoay qua xoay lại mãi không ngủ được, căn phòng nhỏ hôm nay yên lặng đến lạ, chỉ nghe thấy chú mèo “ngao! ngao” ngoài cửa sổ.
 
Last edited:
Đà Nẵng, một câu chuyện cũ trong tiềm thức.
Đã một năm rồi chúng tôi- 2 cô cậu năm nhất ngô ngê, mơ ước một lần đến thành phố biển xinh đẹp này. 2 tâm hồn thẩn thờ khi nhìn những tấm ảnh về Đà Nẵng trên Internet, cùng chia sẻ qua mạng xã hội, mong ước một ngày nào đó đến được nơi đây. Nhưng có quá nhiều thứ trong cuộc sống mà tôi chưa thể nào hiểu hết. Thời gian qua đi và và bây giờ Đà Nẵng ngay đây rồi sao chỉ mình tôi, có sự thiếu sót nào chăng. Không có lẽ thiếu sót lớn nhất là đã vu vơ hứa hẹn. Thôi Đà Nẵng vẫn đẹp dù chỉ là độc bước lang thang...

DSC_4363.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Từ đỉnh đèo Hải Vân, tôi tiếp tục chạy theo con đèo uốn lượn để đi về Đà Nẵng. Một thành phố trẻ năng động hiện ra như hòn ngọc miền Trung. Dừng chân bên cầu Thuận Phước (cây cầu nối với bán đảo Sơn Trà), ngắm nhìn thành phố Đà Nẵng thật xanh và đẹp bên dòng sông Hàn. Mang trong mình trọng trách đưa miền Trung phát triển, Đà Nẵng vẫn ngày càng hoàn thiện để xứng đáng với với vị thế của mình.

Đà Nẵng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, và chùa Chùa Linh Ứng Bãi Bụt cũng là một trong số đó. Từ cầu Thuận Phước theo hướng bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng với tượng Phật Quan Thế Âm như cõi tiên giữa núi rừng.

Cổng chùa Linh Ứng Bãi Bụt.

DSC_4397.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Ngôi chùa uy nghi giữa núi non.

DSC_4366.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr
 
Chùa Linh Ứng hoàn thành năm 2010, tọa lạc trên một ngọn đồi, mang hình con rùa hướng ra biển cả, lưng tựa cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với bao chim thú.

Chánh điện chùa Linh Ứng.

DSC_4378.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Điểm nhấn quan trọng của Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là tượng Phật Quán Thế Âm được xem là cao nhất Việt Nam (67m). Tượng đứng tựa lưng vào núi mặt hướng ra biển, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lộ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa, mang theo bao lời cầu mong về một vụ mùa sóng yên biển lặng và quốc thái dân an. (Wikipedia.org)

DSC_4385.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Tượng Phật Bà Quan Âm giữa trời xanh.

DSC_4393.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr
 
Hoa súng bình dị khoe mình trong nắng.

DSC_4391.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Trời đã gần trưa, nắng nơi này như làm cho mọi sự càng thanh tịnh hơn. Hàng những người hành hương nhẹ nhàng ngồi thư thái dưới cội bồ đề, đâu đó lại vang lên tiếng chuông như thức tỉnh cả ba cõi trần.

Hàng hoa sứ cũng nghiêng mình đón nắng, nắng lại càng làm màu trắng của hoa sứ đẹp hơn.

DSC_4372.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

"Linh ứng sở cầu như ý nguyện
Sơn Trà Bãi Bụt thật hiển linh"

DSC_4373.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr
 
Sau một lúc thư thái trong chùa Linh Ứng, tôi cũng phải tạm biệt nơi đây. Điểm tiếp theo của Đà Nẵng là chinh phục bán đảo Sơn Trà.
Bán đảo như tấm bình phong khổng lồ chở che cho thành phố Đà Nẵng. Thời xa xưa, Sơn Trà là một hòn đảo gồm 3 ngọn núi nhô cao. Ngọn phía đông nam trông như hình con nghê chồm ra biển, nên gọi là hòn Nghê. Ngọn phía tây hình dạng như cái mỏ con diều hâu, nên gọi là ngọn Mỏ Diều. Và ngọn phía bắc vươn về phía ngọn Ngự Hải bên kia cửa biển dài như cổ ngựa, nên gọi là ngọn Cổ Ngựa. Qua thời gian dài, dòng nước biển chảy ven bờ đã tải phù sa đến bồi đắp dần lên tạo thành doi đất chạy từ đất liền ra đảo. Bán đảo Sơn Trà hình thành từ đó (Wikipedia.org)

Giờ đây con đường chinh phục bán đảo Sơn Trà dễ dàng hơn bởi đã có những con đường nhựa. Con đường nhỏ chạy xuyên qua cánh rừng xanh tốt, dẫn đến các đỉnh cao của Sơn Trà.

Đi từ chùa Linh Ứng về hướng cầu Thuận Phước để vào đường lên đỉnh bán đảo. Giữa trưa nắng gắt, xe cứ bon bon chạy ôm lấy núi rừng. Trạm đầu tiên gặp là Đài phát sóng DRT ở độ cao 205m.

DSC_4399.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Tiếp đến là Trạm Radar 29 được mệnh danh là “Cặp Mắt Thần Đông Dương” ở độ cao 621m so với mực nước biển. Với bán kính quan sát của hệ thống lên đến 300km, tầm quét sóng có thể kiểm soát cả khu vực Đông Dương đến cả Hồng Kong và đảo Hải Nam. Trạm Rada này do Mỹ xây dựng vào những năm 60.

DSC_4405.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Con đường cứ tiếp nối chạy ven những bụi hoa mua, hoa sim. Thật dễ chịu khi hòa mình vào thiên nhiên giữa trưa hè.
Sân bay trực thăng Sơn Trà được xây dựng vào những năm 1965, quân đội Mỹ đã tiến hành xây dựng một số khu căn cứ quân sự để phục vụ cho mục đích xâm lược của mình trong đó có sân bay trực thăng hay còn gọi là sân bay dã chiến trên núi Sơn Trà. Sân bay trực thăng Sơn Trà có thể chứa cùng 1 lúc 16 máy bay, phục vụ cho việc vận chuyển vũ khí, phương tiện, lương thực và binh lính. Đây cũng là nơi chuyên chở xác những lính mỹ bị tử nạn sau khi được xử lý họ đưa về tại hạm đội 7 ngoài Biển Đông để đưa về Mỹ.

DSC_4408.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Đây rồi đỉnh cao nhất của Sơn Trà- Đỉnh Bàn Cờ.

DSC_4411.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr
 
Đỉnh Bàn Cờ cao 693m, là đỉnh cao nhất của núi Sơn Trà, từ đây có thể ngắm nhìn bao quát thành phố Đà Nẵng hiện đại, biển Đông thân yêu.

Đỉnh Bàn Cờ nhìn về trạm Radar 29. Một Sơn Trà xanh giữa thiên nhiên.

DSC_4412.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Từ chỗ để xe, leo khoảng mấy mươi bậc đá lên đến đỉnh. Nắng đã trên đỉnh đầu, hì hục leo lên những bậc đá. Lên đến nơi nhìn xuống, biển trời như hòa lẫn vào nhau.

DSC_4415.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Bãi xe có chú bán kem, chú bảo cứ lên đi chú giữ dùm, nhìn thế chứ cũng hơn chục chiếc, mọi người chơi xong cũng xuống ủng hộ chú vài cây, trưa nắng này mà ăn kem thì còn gì bằng.
Từ đỉnh Bàn Cờ nhìn qua đài phát sóng VTV, trong ảnh có ai đó chơi dù lượn nhỏ xíu màu vàng. Thật tuyệt khi bay mình trên không, hứng trọn từng con gió thốc lên từng đáy biển, ôi tuyệt làm sao !

DSC_4417.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr
 
Truyền thuyết kể rằng , xưa kia có hai tiên ông ngồi chơi cờ trên đỉnh núi Sơn Trà. Qua bao ngày đêm mà họ vẫn bất phân thắng bại. Một ngày nọ có vài tiên nữ bay xuống bãi biển gần đó để tắm và nô đùa. Do lơ đãng ngắm nhìn những tiên nữ kia mà một tiên ông đã bị đối thủ của mình đánh bại. Vì quá bực mình nên tiên ông này dậm mạnh bàn chân lên tảng đá, đá văng bàn cờ xuống biển rồi bay về trời. Theo tích đó truyền lại người dân đã đặt một bức tượng Đế Thích ngồi một mình bên tảng đá có hình bàn cờ và kể từ đó nó có tên là đỉnh Bàn Cờ.

DSC_4425.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Thành phố Đà Nẵng thật đẹp khi nhìn từ đây, thành phố hiện đại bên dòng sông Hàn, cùng những cây cầu đẹp nối đôi bờ. Bãi biển thì xanh, cát trắng Mỹ Khê chạy dài như cánh cung hứng trọn từng cơn sóng biển.

DSC_4430.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Cảm giác thật phiêu du khi đứng nơi này. Hành trình hơn 10km để đến đây thật không uổng công.

DSC_4434.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr
 
Trời đã trưa, phải chia tay này dù vẫn còn vương vấn. Xuống bãi xe, chào chú bán kem đã giữ xe hộ để tiếp tục hành trình. Chiếc xe lướt nhanh qua cánh rừng, thi thoảng lại có vài bạn Tây ngược lên dù trời đứng nắng. Tới một khúc đường rậm rạp vì cây cối, một bầy khỉ đang tung tăng ăn trái sung dưới mặt đường, thật thú vị. Thấy xe tôi chạy gần tới các bạn khỉ vội trốn vào những tán cây, chỉ có một chú là hơn tò mò hơn nên không chạy trốn.

DSC_4445.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Chào chú khỉ nhỏ, xuống núi thôi. Thật bất ngờ khi gặp tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam 8002 khi đứng trên cầu Thuận Phước. Tàu 8002 là một trong những con tàu hiện đại nhất của Cảnh sát biển Việt Nam và có công suất lớn nhất do Tổng Công ty Sông Thu thực hiện, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

DSC_4448.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Tiếp tục về trung tâm, lang thang qua những con đường rợp bóng cây xanh, một Đà Nẵng xanh sạch hiện ra giữa thời kỳ công nghiệp hóa. Con đường ven dòng sông Hàn cứ chạy, đây rồi cầu Rồng-biểu tượng kiến trúc mới của Đà Nẵng trong thời kì hội nhập.

DSC_4458.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Cây cầu Rồng dài 666m, được chính thức thông xe, đưa vào sử dụng ngày 29 tháng 3 năm 2013, nhân kỷ niệm lần thứ 38 ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng. Con rồng vàng trên cầu hướng ra biển Đông như đưa Đà Nẵng vươn mình ra thế giới.
Trời cũng trưa, chạy vào nội thành tìm quán ăn. Cơm Đà Nẵng thật ngon mà cũng thật rẻ, lang thang phố xá tìm bóng mát nghỉ chân xíu, chiều qua phố Hội.
 
Cơm Đà Nẵng tiếp thêm năng lượng tiếp tục hành trình.
Gần 2h, tôi chạy xe qua cầu Trần Thị Lý hướng ra biển, cây cầu như cánh buồm vươn cao, bãi biển Mỹ Khê cũng hiện ra tuyệt đẹp.
Xe cứ chạy dọc con đường ven biển hướng về Hội An. Con đường này thật lạ khi mang trong mình 3 tên gọi, mà thật ra là 3 đoạn nối nhau, là Hoàng Sa- Võ Nguyên Giáp- Hoàng Sa kéo dài từ bãi bắc bán đảo Sơn Trà đến giáp tỉnh Quảng Nam.
Con đường cứ chạy như một bức tranh đầy màu sắc nối tiếp nhau. Đầu tiên là Sơn Trà xanh mát, Mỹ Khê, Non Nước cát vàng, rồi phố Hội cổ kính rêu phong.
Một bãi vắng giữa những khu resort đẳng cấp hiện ra đầy thú vị.

DSC_4468.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Những chiếc thuyền thúng mộc mạc làm tôn thêm vẻ đẹp cho biển Đà Nẵng. Một bãi biển cát trắng mênh mang, thấp thoát những chiếc thuyền thúng, cùng hàng dừa nghiêng che là những điều tuyệt vời của nơi đây. Một cơn giông lớn đang kéo ra biển Đông, những cơn giông đầu mùa hạ, mây đen vần vũ như làm tôn thêm cho sự chịu thương chịu khó của người dân miền nắng gió này.

DSC_4473.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Mây ngày càng đen, ngày càng dữ dội. Tôi chạy dưới những cơn gió mạnh như muốn xô ngã cả chiếc xe.
Ngọn Thủy Sơn sừng sững trước cơn giông tố.

DSC_4478.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Năm ngọn: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ của Ngũ Hành Sơn là những danh thắng nổi tiếng của Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn còn có tên là Non Nước, nổi tiếng với nghề làm đá và đã đi vào ca dao:
Chiều chiều mây phủ Sơn Trà,
Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa.
 
Cứ chạy mặc những giọt mưa cứ rơi lả chả. Rồi mưa cũng nặng hạt, cũng may đã tới đất Quảng Nam. Tôi vội ghé vào quán nước ven đường trú mưa.

DSC_4482.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Quán nước nhỏ của cụ bà đất Quảng, cụ vừa ăn trầu vừa chăm cháu nhỏ hộ các con. Những nét hằn thời gian như hiện rõ trên gương mặt phúc hậu của cụ. Trời mưa lớn, rất lớn, gió cuồn cuộn, bà bảo đó là cơn mưa đầu mùa của đất này. Khoảng hơn nữa tiếng cơn mưa cũng bớt dần, tôi cũng phải chào bà để vào phố Hội thôi, dù mưa vẫn rơi.
Từ đường ven biển rẽ phải vào đường Hai Bà Trưng, con đường nhỏ giữa 2 bên là cánh đồng mênh mông bát ngát. Những bạn Tây balo thong thả đạp xe giữa không gian bình dị yên ả của làng quê. Chạy đến TP Hội An, những ngôi nhà cổ bắt đầu hiện ra. Đây rồi chợ Hội An !

DSC_4495.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Kiến trúc đặc trưng của phố Hội không thể trộn lẫn giữa bộn bề cuộc sống. Cơn mưa qua làm cho màu vàng của những bức từng thêm rực rỡ. Trời đã chiều, chợ chỉ còn ít những hàng quán, nhường chỗ cho những gánh hàng đêm.
Hoàng hôn trên sông Thu Bồn sau cơn mưa giông.

DSC_4499.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr
 
Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Năm 1999, UNESCO công nhận Hội An là một di sản văn hóa thế giới.

Tôi loanh quanh tìm chỗ giữ xe để đi bộ vào khu phố cổ. Những ngã đường vào phố cổ đều được chặn chỉ cho xe đạp và người đi bộ. Thật hay cũng nhờ đó mà không khí trong khu phố cổ thật thoải mái.
Hòa mình cùng những du khách phương xa, cùng lang thang ngắm nhìn nét đẹp của những thế kỉ trước.

DSC_4519.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp.
Những hội quán người Hoa xuất hiện rất nhiều nơi đây như hội quán Triều Châu.

DSC_4507.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Hội quán Phước Kiến.

DSC_4517.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr

Và cả những trung tâm dạy tiếng Hoa như trung tâm Hoa Văn Lễ Nghĩa.

DSC_4522.NEF by Phuc Nguyen Hoang, trên Flickr
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
58,578
Bài viết
1,169,167
Members
191,426
Latest member
viasatunleashed
Back
Top