Cho nước Mỹ
Những ngày quay cuồng với những chuyến đi. Vừa từ Mũi Né về, đi Đà Lạt, rồi bay đi Đà Nẵng, Hội An. May sao, tại Hội An tôi gặp anh chị. Tháng 6 anh chị sẽ sang Mỹ nên cần thêm một vài thông tin, và anh chị biết tôi từ diễn đàn Phượt. Ở Hội An, anh chị chở tôi đến một quán ăn rất là ngon ở bờ sông mát rượi khi trời bắt đầu tối. Ngoài những câu chuyện về Úc, Nhật, Lào... và những chuyến đi của anh chị, chúng tôi nói về nước Mỹ. Từ những câu chuyện này, tôi lại muốn viết nhiều hơn về những con đường tôi đã đi qua ở Mỹ. Thật sự, công việc quá bận rộn nên nhiều khi không thể tìm thấy bất cứ cảm xúc nào để viết. Mà xui là, tôi chỉ viết bằng một thứ duy nhất: cảm xúc. Viết như những gì mình cảm nhận, ko biết kỹ thuật, không biết cách mở thắt cho thú vị. Tôi biết rằng mình mãi mãi là cậu trai trẻ cô đơn lãng mạn trên con đường của chính mình. Vậy thôi, dù bây giờ không còn trẻ nữa, nhưng cô đơn thì nhiều và lãng mạn thì luôn thừa thãi...
Cô chủ nhà người Indo gốc Hoa ở Los Angeles hỏi tôi: Mày có ý định về lại Việt Nam không Tâm? Tôi không hiểu lắm ý của cô ta, hỏi lại, sao vậy? Cô ta mới bảo với tôi rằng nếu được thì mày nên ở lại. Đất nước này sẽ cho mày những cơ hội. Quan trọng nhất là mày sẽ được Tự Do. Tôi hơi gờn gợn khi nghe hai chữ Tự do này, vì trước giờ nếu nói Mỹ là đất nước tự do thì thường có một ý nghĩa khác. Nhưng sau khi tôi nghe cô giải thích thì tôi thích cái ý tưởng tự do không phải đến từ một đất nước không có chiến tranh. Mà tự do đến từ "Mind". Vâng, tôi không nói đến chính trị hay gì cả, mà cái Tự do của cô chủ nhà nó khá là khác biệt. Thế này nhé, cô ta sinh ra ở Indonesia, sau đó đến Mỹ sống đến nay. Mọi thứ cô ta có hiện nay là do Mỹ cho cô. Đương nhiên, tại Mỹ, nếu bạn chịu khó lao động thì không gì bạn không thể làm được cả. Nhưng ở Indo cô không tự do sao? Vấn đề vô cùng lớn ở Indo, Việt Nam hay những nước Châu Á khác là các mối quan hệ chằng chịt giữa con người với con người, con người bị đánh giá bằng các quy chuẩn xã hội theo số đông, con người sống bằng trào lưu chứ không phải bằng mong muốn thực sự của chính mình. Những thứ đó tôi không thể chối cãi được, nó hiển hiện quá rõ ràng trong đời sống.
Câu trả lời của tôi là có và không. Tại sao là có và không? Mâu thuẫn!
Có là vì chắc chắn tôi sẽ về lại Việt Nam. Việt Nam là nơi tôi sinh ra, lớn lên đến độ trong huyết quản bây giờ đã đầy nước mắm, nước tương. Những buổi sáng bước ra đầu ngõ đã có bánh canh, hủ tíu, cơm sườn, xôi gấc, phở bò, phở gà... Cũng như tôi không thể sống được ở đâu mà buổi trưa thiếu cơm canh chua cá lóc, bún riêu, bún mộc... Buổi tối là những con đường ngang dọc Sài Gòn cùng bạn bè đến những quán cà phê quen thuộc. Trong khoảng thời gian ở Mỹ, đã có những khi tôi thèm được nói tiếng Việt, được nghe tiếng Việt dù của một người xa lạ nào đó. Có những lúc tôi tự hỏi trong phạm vi mười cây số, không biết có người nào là người Việt như mình không? Nếu tôi còn rất trẻ, thì mọi thứ có thể đã khác. Nhưng cái khói bụi, cái ồn ã, cái lộn xộn, cái nóng nực của Sài Gòn đã là một phần máu thịt. Nếu chọn một nơi để sống những ngày cuối cùng, thì tôi sẽ chọn Việt Nam. Quan trọng nhất là còn có gia đình...
Và câu trả lời của tôi còn có vế sau: Không về. Từ Sài Gòn, tôi bay đến Los Angeles đầu tiên, sau đó vô ở trong khu Westminter, quận Cam của cộng đồng người Việt. Ngày hôm sau tôi mới đến Hollywood, uống bia trong một nhà hàng Mỹ và sống xung quanh những người Mỹ. Ngay giây phút đó, tôi biết rằng mình không phải là dân du lịch nữa. Tại Paris, tại Bangkok, tại Hongkong, tại Venice, tại Zurich... tôi chưa bao giờ có cảm giác này. Chỉ có lần đầu tiên đặt chân đến Mỹ, tôi hiểu rằng tôi không hề lạc lõng ở nơi này. Tôi nói tiếng Anh, họ chẳng bao giờ hỏi tôi đến từ đâu, cũng như không bao giờ quan tâm tôi ăn mặc thế nào, phong thái tôi ra sao. Dường như ở đây, sự tự do là món quà quý giá nhất mà ai cũng xứng đáng được nhận. Nếu băng ngang đường, tóc vàng tóc đen tóc đỏ, da trắng da vàng da đen da nâu cùng nhau chen ngang trên phố. Ai quan tâm bạn đến từ đâu chứ? Ai cũng gọi Mỹ là đất nước tự do, thì giờ tôi đã hiểu cái nghĩa của từ này, nó rộng lắm và cũng nhân văn lắm. Từ những suy nghĩ đó, tôi bỉết sau chuyến đi này tôi sẽ quay lại Mỹ. Có thể là một chuyến đi dài hơi vài tháng qua các thành phố ít khách du lịch, có thể là một chuyến du học 1 năm, 2 năm để học thêm những thứ tôi muốn, hoặc có thể trông đợi một phép màu nào đó về working visa. Vài tháng, một năm, hai năm gì đó. Để thấm nhuần cái cách nghĩ của người Mỹ, để tự lập và trưởng thành, để học hỏi những thứ còn thiếu còn yếu, để làm những điều mà trước đây đã nghĩ là không thể.
Rồi sau đó, tôi sẽ quay trở lại Việt Nam. Chẳng có thiên đường nào ở Mỹ hay ở đâu cả. Chỉ có quê hương là chùm khế ngọt, mà cần những con người đi xa trở về chăm bón. Tôi có một sự nghiệp không phải là hoành tránh nhưng cũng có thể nói là khá ổn định tại Việt Nam, nhưng cái tôi cần là kiến thức nhiều hơn nữa để giữ nó vững chãi trước những khó khăn. Nghe có vẻ định hướng hoành tráng là thế, nhưng thật ra tôi nói thật cho các bạn nghe là tôi chỉ ham đi chơi, ham đi phượt là chính ấy mà. Mỹ là con đường mở ra cho tôi đến những đất nước khác ở Nam Mỹ mà tôi rất là say mê. Những Brazil, Colombia, Costa Rica, Puerto Rico... Ôi nghĩ đến cảnh một mình ôm cái ba lô to uỵch đi ngang Nam Mỹ đã thấy rần rần trong người. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Đằng này được học cả cách nghĩ, cách sống, cách suy luận, cách tồn tại... thì còn gì có thể so sánh nữa.
Các bạn biết không, ở Mỹ, bạn cần nhiều hơn một trái tim dũng cảm. Để hòa nhập và để sống vui vẻ. Có những khi dưới trời lạnh 5 độ, tôi phải đi bộ hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ đi và 1 tiếng rưỡi đồng hồ về chỉ để tìm một cái phòng trọ. Đi đến độ cái lạnh trở thành cái nóng, vào quán kem mua ly kem vừa đi vừa ăn dưới mùa đông, y như thằng khùng. Nhưng tôi không có sự lựa chọn khác nếu muốn làm việc đó. Nơi đó, không có chỗ cho sự ỷ lại, nhờ vả, ăn vạ hay năn nỉ. Mọi thứ rõ ràng như thể xã hội được vận hành bằng một bộ máy chi tiết đến từng ngóc ngách. Cũng ở Mỹ, lần đầu tiên tôi lái xe hơi chạy băng băng qua xa lộ. Cảm giác vừa sợ vừa đã, thực hiện những thứ tôi nghĩ phải xa lắm mới có thể làm được. Ở Mỹ, một nhân viên bảo tàng phải xin lỗi khi tôi phàn nàn rằng khu Đông Nam Á sao không có đồ vật trưng bày của Việt Nam? Tụi bây có biết Việt Nam tao có văn hóa lâu đời thế nào không?

) Cũng ở Mỹ, 60 ngày, tôi có những ngày đầu óc như là một sa mạc vô tận không ưu phiền, con đường trước mắt quẹo phải hay quẹo trái cũng không quan trọng, vì nơi đâu cũng là nước Mỹ...
Tôi hẹn anh chị tháng 6 gặp nhau tại San Jose, California. Hoặc cùng nhau đi Las Vegas đánh bài, hoặc một chai bia trên một cái pub nào đó. Không ai biết cuộc đời này dẫn chúng ta về đâu cả. Nhưng chắc chắn rằng, chúng ta có quyền lựa chọn, để sống, để trưởng thành, để hạnh phúc, để xê dịch trên những con đường khác nhau với trái tim nóng bỏng...