Bình minh trên cảng cá và cuộc mưu sinh
Khoảng 5h sáng, chúng tôi đến chợ Bình Thạnh. Mọi người có người còn say giấc trên băng ghế đá hay 1 chiếc võng mắc tạm ngoài hiên, có người đang lục tục dọn hàng để bán.
Gọi là chợ, nhưng thật ra chỉ là các thúng, các mẹt bán vài món rau trái hay 1 chõ xôi, hay vài cái bàn ghế bán đồ ăn sáng cho ngư dân ra cảng buổi sớm mai.
Chủ yếu ở đây là cảng cá, người ta ra sớm đợi tàu về, để mua được những mẻ cá tươi ngon đầu tiên với giá sỉ, sau đó mới chở về các nơi khác để bán. Có những người vừa thấy bóng tàu từ phía xa xa là vội vàng chạy đến, ngâm mình trong làn nước biển buổi sáng cao tới ngang ngực để vẫy tay bắt tàu. Hy vọng mình sẽ là 1 trong những người đầu tiên mua được cá. Người mua, kẻ bán tấp nập, những chiếc xe chở hàng đông lạnh về thành phố, những chiếc honda với hai cái thùng ràng ở yên sau, hay là những người phụ nữ với đôi quang gánh kĩu kịt trên vai....
Tiếng ồn ào náo nhiệt cả khu chợ, ai cũng bận rộn. Những tràng âm thanh nhanh đến nỗi đôi khi tôi không nghe kịp họ đang nói gì. Họ kể chuyện, họ mặc cả, họ tranh giành...
Bỗng dưng tôi thấy 1 người phụ nữ mặc đồ bộ đưa tay đánh 1 người khác ngay trước mặt tôi. Tôi hoảng hồn lui ra, chưa kịp hiểu chuyện gì. Tôi đứng ra ngoài và tò mò nhìn người phụ nữ bị đánh. Một người đàn bà không còn trẻ, đi chân không, mặc 1 chiếc váy đen dài nhăn nheo, choàng chiếc khăn mỏ quạ, gương mặt khắc khổ với đôi mắt nhỏ. Bà cầm 1 chiếc giỏ nhựa màu đỏ như đang đi chợ.
Giữa đám đông bận rộn đó, giữa những kẻ lạ mặt nhìn ngắm mọi thứ (là chúng tôi), tôi thấy có những người cầm giỏ đi chợ giống như người đàn bà choàng khăn mỏ quạ đó, nhưng họ không mua gì cả, họ chỉ đi vòng quanh những thúng cá, vòng quanh những người cân cá, những người mua cá... Chị Mèo Ú nói với tôi rằng họ là những người đi mót cá. Tôi lạ lẫm. Tôi đã nghe người ta đi mót lúa, mót cà phê sau mùa thu hoạch, nhưng mót cá thì tôi mới nghe lần đầu.
Trong quá trình vận chuyển cá từ tàu sang thuyền thúng, rồi từ thuyền thúng, những sọt cá đầy ắp lại được người ta mang vào bờ sắp trên 1 tấm bạt trãi trước mặt người chủ vựa. Tại đây, những người chủ đó sẽ định giá và cân hoặc bán cả thúng cho những người mua. Người bán thì ít, nhưng người mua thì rất đông. Họ phải tranh giành nhau để là mua kịp những sọt cá đó, thế nên có người bỏ cả chiếc dép vào, như để đánh dấu rằng "tui đến trước, dép tui trong sọt cá, tui mua rồi đó nha, đừng ai giành nữa"
Trong quá trình vận chuyển và tranh giành, sẽ có những con cá bị rớt ra ngoài. Và những người cầm giỏ như đi chợ chỉ chờ có như vậy là ùa tới nhặt con cá rơi dưới cát bỏ vào giỏ của mình. Đó là mót cá.
Tôi quan sát những người mót cá xem họ nhặt cá như thế nào, và tôi thấy...
1 ông già gầy gò, đội 1 chiếc nón vành tròn màu đen ôm lấy gương mặt nhỏ, miệng móm xọm, cắp cái giỏ phía sau lưng, bước lững thững về phía hai người phụ nữ đang bưng thúng cá. Ông xoay người, đưa tay nắm lấy đuôi 1 con cá, cho vào giỏ rồi vội vã bỏ đi với bộ mặt ra vẻ khờ khờ ta đây chẳng biết gì. Một trong hai người khiêng thúng cá thấy được lập tức chạy theo kéo áo ông ta lại. Ông giữ chặt miệng giỏ và quay vòng tránh né. Cuối cùng thì người phụ nữ cũng lấy lại được con cá của mình. Ông già bỏ đi, đi vòng vòng và 1 chốc nữa, lại tiếp tục thò tay vào 1 thúng cá khác...
Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao người đàn bà choàng khăn mỏ quạ lại bị người ta đánh.
Trên cảng cá, đa phần là phụ nữ. Người đón tàu, người khuân cá, người mua, kẻ bán đa phần đều là phụ nữ. Có lẽ cánh đàn ông d